Thursday, June 13, 2019

Nhớ Cha Trong Ngày Lễ Của Cha - Sương Lam


Cứ mỗi lần Tháng Sáu đến là tôi lại nhớ đến Ngày Của Cha thường được tổ chức vào ngày Chủ Nhật của tuần lễ thứ ba trong tháng Sáu. 
Ngày Lễ Của Cha năm nay là Ngày Chủ Nhật 16 Tháng Sáu năm 2019.
Cũng như Ngày Lễ Của Mẹ vào Tháng Năm vừa qua, các người con xứ Mỹ lại có dịp mời Cha đi ăn hay tặng quà cho Cha để tỏ lòng hiếu kính với người Cha của mình. Ngon lành hơn, sang trọng hơn đối với người có tài chánh phong phú thì người con sẽ mời Cha cùng đi du ngoạn trên một chuyến cruise nào đó hay cùng đi nghỉ mát ở một nơi nào đó. Nhưng chuyện này cũng hiếm khi xảy ra vì người con sẽ lấy lý do rất bận việc, nên ông cha bà mẹ cứ việc đợi dài cổ ra nhé. Con cái thời "a còng" mà lị! Ai nấy dều bận túi bụi! Cũng đành thôi!  

Hình như càng lớn tuổi chúng ta lại càng thương cha nhớ mẹ nhiều hơn, nhất là khi cha mẹ đã qua đời vì tâm lý con người thì khi mất đi một vật nào đó, một người thân nào đó thì mới thấy những gì đã mất thật đáng quý vô cùng.

Bài thơ, bài văn viết về người Mẹ, người Cha đã mất là những bài thơ, bài văn hay nhất, cảm động nhất vì chưa chan bao tình cảm thương yêu quý mến và tiếc nuối trong đó. Rất ít người viết về sự hy sinh của người Mẹ, sự khổ nhọc của người Cha khi các đấng sinh thành này còn sống trên cõi nhân gian vì những người con còn đang bận rộn, chạy đuổi theo những gì mà họ cho rằng quan trọng hơn ở bên ngoài xã hội.

Người viết thành tâm sám hối những gì đã làm cho cha mẹ tôi đau buồn khi tuổi còn trẻ vì theo tuổi đời, chúng ta mới nhận chân ra rằng cha mẹ chúng ta cực khổ như thế nào để nuôi dạy chúng ta được thành nhân như ngày hôm nay. Câu nói “có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”, thật đúng không sai chút nào.

 Ngày của Cha năm nay, người viết lại nhớ đến Mẹ đến Cha nhiều hơn, nên xin phép được chia sẻ tâm tình về người Cha của người viết cùng các thân hữu.  Hy vọng sẽ nhận được sự cảm thông của người cùng cảnh ngộ. Xin mời quý bạn cùng đọc bài viết dưới đây:
 Chỉ Một Sát Na Hơi Thở 
Thế là cha tôi đã ra đi vĩnh viễn rồi !
Tôi lại chợt nhớ lời giảng của một vị Thiền Sư về kiếp người sống được bao nhiêu năm? Nhiều câu trả lời đã được đưa ra. Kẻ thì bảo “100 năm” như chúng ta thường chúc nhau “Sống lâu trăm tuổi”. Người thì bảo chỉ có “60 năm” qua câu hát “60 năm cuộc đời”. Tuy nhiên cũng đã có những đứa trẻ thơ có tên đề trên mộ chí rồi! Vậy đời người sống được bao nhiêu năm là đúng? Bạn nghĩ gì về câu trả lời sau đây: “Đời người sống dài lâu chỉ bằng một hơi thở mà thôi!” Mà đúng thật khi tôi được chứng kiến giờ phút lâm chung của cha tôi lúc người thở hắt một hơi thở cuối cùng trước khi từ giã cõi đời! Mới một phút trước đây người vẫn còn đó và bây giờ chỉ một hơi thở ra mà không có hơi thở vào thì người đã mất rồi! Chỉ một sát na hơi thở mà thôi, Bạn ạ!

Dĩ nhiên một sự mất mát nào cũng đem lại sự đau buồn cho những người có liên quan đến sự mất mát đó, nhất là sự mất mát một người Cha thân yêu của mình sau khi người Mẹ kính yêu đã ra đi hơn 10 năm trước. Bây giờ tôi đã thực sự mất đi cả hai đấng sinh thành! Mỗi lần đọc lại hai câu thơ được viết theo thủ bút thư pháp của một người thân đã đi kính điếu cha tôi, tôi lại bật khóc:
“Bão lòng mất Mẹ níu Cha
Mẹ Cha mất cả con đà níu ai?!”

Tôi lưu lạc xứ người đã hơn ba mươi năm rồi. Lần đầu tiên về thăm cha mẹ sau hơn 10 năm xa cách, tôi đã thấy cha mẹ tôi già yếu lắm rồi! Tôi cũng đã bật khóc trong giây phút từ giã cha mẹ để quay về xứ Mỹ vì nghĩ đến qui luật sinh tử của cuộc đời sẽ đến với những người già yếu như cha mẹ tôi, nhưng tôi đành phải quay về lại một nơi mà ở đó có gia đình nhỏ bé của tôi, có chồng tôi, có con tôi đang chờ đợi. Thôi thì đành phải mang tội bất hiếu vì hai chữ Tự Do và Gia Đình! Cô em gái thứ hai của tôi đã ở lại quê nhà nuôi dưỡng, chăm sóc cho cha mẹ tôi khi bịnh hoạn ốm đau trong lúc tuổi già xế bóng. Tôi phải cám ơn em tôi đã hết lòng hiếu thảo với mẹ cha trong lúc :
Cha mẹ già như trái chín cây
Gió lay nắng động biết ngày nào rơi!?

Khi đã chọn lựa sự ra đi rời xa quê hương xứ sở ít nhiều gì tôi cũng đã có lỗi với gia đình và quê hương mà tôi đã sống hơn nửa cuộc đời vì tôi đã bỏ lại sau lưng những gì mà tôi yêu thương nhất để cho con mình, gia đình mình được có một đời sống tốt đẹp hơn!

Những năm đầu nơi xứ lạ, mỗi khi nghe câu hát “Một lần đi là một lần vĩnh biệt. Khi ra đi là mất lối quay về”, tôi lại bật khóc vì trong thời điểm đó có ai mà nghĩ đến một ngày sẽ được trở lại quê hương. Tôi chỉ biết làm thơ than thở mà thôi mỗi khi nhớ đến cha mẹ già:
Tóc Mẹ bạc hơn, dáng sầu áo não!
Đôi mắt buồn, phương trời thẳm xa xăm
Bóng hình con, chim cá vẫn bặt tăm
Thương cho trẻ có kịp về tang Mẹ!? *
Hoặc là:
“Lưng Cha còng thêm, đêm trường lặng lẽ
Bên chung trà héo hắt nhớ thương con
Ngày con về, chẳng biết có được còn
Vui xum họp, hay buồn câu tử biệt!! *
Thơ Sương Lam

May mắn thay tôi đã được gặp mặt Mẹ tôi lần cuối trước khi người từ giã cõi đời và 14 năm sau, tôi cũng lại được gặp mặt cha tôi trước khi người vĩnh biệt ra đi!

Sau khi chôn cất cha tôi xong rồi, quay lại căn phòng cũ mà cha tôi đã ở trước đây, tôi thấy cả một sự trống vắng não lòng. Cách đây 3 ngày, người vẫn còn đó ốm yếu, mệt mỏi nhưng vẫn giương mắt nhìn đàn con cháu vây quanh như muốn ghi nhớ từng hình ảnh thân yêu vào trong tâm não. Bây giờ người lại nằm cô quạnh ngoài nghĩa trang một mình. Một ngôi mộ mới với những nắm đất còn ướt sũng với những cành hoa tươi của bạn bè, của thân nhân đến phúng viếng vừa mới được đắp lên. Mộ của Cha tôi được nằm cạnh mộ của Mẹ tôi ở nghĩa trang sau chùa Kỳ Quang 2 thuộc quận Gò Vấp. Ngày nay, em tôi đã cho hỏa táng hài cốt cha mẹ tôi và đem 2 hủ  tro cốt về thờ ở chùa Giác Tâm- Phú Nhuận, là nơi cha mẹ tôi thường xuyên đi chùa khi còn sống.

Tiếng đọc kinh trầm buồn với những tiếng chuông mõ khoan nhặt. Lời nhắc nhở của chư tăng ni chủ lễ về công ơn cha mẹ, về kiếp sống phù sinh của con người trong mỗi lần cúng thất cầu siêu tại chùa đã làm cho mọi người rưng rưng ngấn lệ dù ai cũng biết rằng qui luật sinh tử, tử sinh là chuyện thường tình của kiếp người!

Cha Mẹ tôi chỉ là những người tầm thường, giản dị, không có địa vị cao sang quyền quí, không phải là những anh hùng hào kiệt để cho mọi người phải ca tụng, kính sợ nhưng chúng tôi luôn luôn hãnh diện vì nếp sống đạo đức của hai người.

Mẹ tôi hy sinh tần tão nuôi con. Cha tôi nghiêm khắc dạy con đạo nghĩa. Cha Mẹ tôi đã dạy cho chúng tôi phải biết làm lành lánh dữ, vun trồng cội phúc, sống như thế nào để cho trên thuận  với thiên lý, dưới hòa với nhân đạo, hợp với đạo nghĩa con người. Mẹ tôi mất đã 14 năm rồi nhưng cha tôi vẫn một lòng chung thủy, thương yêu mẹ tôi cho đến ngày nhắm mắt. Cha tôi ăn chay trường đã gần 50 năm rồi. Mặc dầu đã 99 tuổi rồi nhưng trí nhớ của người vẫn minh mẫn, thường hay bàn chuyện kinh sách thơ văn với tôi mỗi lần tôi về thăm cha tôi. Bạn bè tôi thường khen ngợi cha tôi có dáng dấp “tiên phong đạo cốt”. Sau ngày Mẹ tôi mất, mỗi lần cha tôi ăn cơm là người bảo phải dọn thêm một chén cơm, một đôi đũa và nhắc thêm một cái ghế ngồi để bên cạnh cái ghế ngồi của người và bảo rằng “Ba để dành cho Má của con”, như thể là mẹ tôi vẫn còn sống và đang cùng ăn cơm với cha tôi! Chúng tôi đã học bài học chung thủy, thủy chung nơi cha tôi. Ngày cha tôi mất đã có rất nhiều phái đoàn tăng ni các chùa đến tụng kinh cầu siêu đưa tiễn cha tôi về cõi Phật! Chắc hẵn cha tôi mãn nguyện rồi!

Hôm nay sau hơn 14 năm kể tù ngày cha tôi mất, tôi ở phương trời xa này viết đôi hàng để tưởng nhớ cha mẹ tôi. Tôi biết rằng từ nay tôi đã thực sự mồ côi cha lẫn mẹ. Mỗi lần Vu Lan về, tôi sẽ nhận thêm một cánh hoa hồng trắng cài trên ve áo vì bên cạnh đóa hoa màu trắng dành cho Mẹ tôi là đóa hoa màu trắng dành cho Cha tôi. Đối với tôi, cả cha tôi lẫn mẹ tôi đều đã có công sinh thành ra chúng tôi, đã nuôi dưỡng chúng tôi nên người, đã dạy bảo chúng tôi sống sao cho có đạo nghĩa hợp với Trời Đất và lòng người. Chúng con cầu nguyện cho Cha Mẹ sớm siêu sinh Tịnh Độ. Ở miền Lạc cảnh xa xôi kia chúng con tin tưởng rằng Cha Mẹ sẽ có:
Những phút giây hài lòng và sung sướng
Khi thấy đàn con cháu biết yêu thương
Biết nghĩa ân, biết hòa ái, kính nhường
Nghe lời dạy của cha mẹ già yêu kính” Thơ SL
Nam Mô A Di Đà Phật

Sương Lam 

 Xin mời thưởng thức bài thơ mà người viết đã viết từ lâu khi cha tôi mất:



Qua đến xứ Mỹ tôi học được cách làm youtube nên đã sưu tập hình ảnh đẹp, nhạc hay để thực hiện youtube cho bài thơ nói trên, xin mời quý bạn cùng thưởng thức:

Youtube Tiễn Cha Về Xứ Phật - Thơ Sương Lam

Rồi việc gì cũng sẽ qua, nhưng tình cảm phụ tử vẫn còn đó và mỗi năm những người con nơi xứ Mỹ này ít nhất cũng có một Ngày Của Cha để mà tưởng nhớ đến người Cha kính yêu của mình.
Happy Father’s Day

Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 468-ORTB 61319)
Sương Lam

2 comments:

  1. Tố Kim ơi,
    Cám ơn em Tố Kim đã cảm thông tâm tình của chị SL. Chúng ta, đa số ở cái tuổi này đều mất mẹ lẫn cha. Chúng ta được sinh ra và lớn lên, được giáo dục luôn đặt nặng tình cảm gia đình trên hết, phải biết yêu mẹ kính cha v..v... Chúng mình cũng đã cố gắng giáo dục con cháu sống nơi xứ người cũng như thế nhưng văn hóa mỗi nơi mỗi khác. Đa số con cháu bây giờ không gắn bó tình cảm gia dình nhiều như chúng ta ngày xưa mà tôn trông đời sống cá nhân hơn. Cũng đành thôi!
    Bởi thế chị SL hy vọng tâm tình của chị SL trong bài viết này cũng là tâm tình của thế hệ chúng ta.
    Xim cám ơn em và cám ơn tất cả qúy thân hữu đã cảm thông tâm tình của SL.
    Chúc Tố Kim và qúy thân hữu luôn an vui trong cuộc sống.
    Quý mến,
    Sương Lam

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bài tâm tình của chị đã thay em và bạn đọc nói lời tri ân tới đấng sinh thành còn tại thế hay đã khuất núi nhân ngày lễ Từ Phụ.
      Cám ơn chị Sương Lam rất nhiều.
      Thân ái.
      TK

      Delete