Friday, July 2, 2021

Khác Biệt Giữa Kỳ Thị Chủng Tộc Và Tị Hiềm Cá Nhân – Đại-Dương


Kỳ thị chủng tộc là căn bệnh triền miên của muôn loài mà hình như chưa có môn thuốc nào chữa trị được. Nếu có, chỉ nổi trên bề mặt chứ không xuất phát từ đáy lòng.

Người ta tự đánh lừa bản thân hoặc vì một mục tiêu nào đó mới vỗ ngực tự xưng “ta là người chống kỳ thị chủng tộc”.

Từ đầu tháng 4/2021, Ðài BBC đã viết một loạt bài về nạn kỳ thị chủng tộc liên quan đến người Việt hải ngoại tại Hoa Kỳ. Một số người Việt nổi tiếng đã trả lời phỏng vấn nhằm bày tỏ quan điểm cá nhân liên quan đến tình trạng kỳ thị người Á Ðông đang gia tăng.

Jeff Le tự nhận xét và được đánh giá khác nhau

Jeff Le, 49 tuổi, đảng viên Dân Chủ, tác giả nhiều bài viết bằng Anh ngữ tự nhận học giỏi hơn, làm việc hay hơn, nhưng, không được đề bạc vào vị trí lãnh đạo do bị nạn kỳ thị chủng tộc vô hình dù được sinh ra và lớn lên tại Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ từ năm 1982.

Sự thật, tự nhận xét bản thân chưa phải là đánh giá của cấp trên. Xếp có thể sai hoặc vì nhu cầu công việc hoặc vì cảm tình cá nhân mà chưa chắc do kỳ thị chủng tộc. Chính họ cũng là di dân hoặc hậu duệ của di dân trong một xứ chấp nhận đa chủng làm nền tảng quốc gia.

1- Năm 1978, Ðinh đồng phụng Việt (Ðinh Việt hoặc Việt Ðinh) vượt biển với gia đình lúc 10 tuổi, định cư ở Oregon sinh sống bằng nghề hái dâu, đảng viên Cộng Hoà. Ðinh Việt tốt nghiệp ưu hạng bằng Cử nhân Kinh tế Chính trị tại Ðại học Harvard năm 1990, ưu hạng Tiến sĩ Luật học (Juridical Doctor) ở Harvard 1993. Ðinh Việt làm Thư ký chính cho Chánh án Sandra Day O'Connor của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

Giáo sư Luật tại Ðại học Georgetown, Ðinh Việt được mời về tùng sự tại Bộ Tư pháp Hoa Kỳ từ 31/05/2001 với chức danh Phó Chưởng lý Luật pháp (Assistant Attorney General of the USA), Phụ tá cho Tổng Chưởng lý John Ashcroft. Chỉ có một phiếu chống (Thượng nghị sĩ Hillary Clinton) và 95 phiếu thuận tại Thượng viện Mỹ.

Sau vụ khủng bố 911, John Ashcroft giao Ðinh Việt nhiệm vụ soạn thảo Dự luật Yêu nước (Patriot Act) nhằm chống khủng bố hữu hiệu trên toàn cầu. Ðinh Việt chỉ mất 9 ngày để sơ thảo Dự luật cho Văn phòng Chính phủ George W. Bush trình lên Quốc hội vào 19/05/2001 và sau 45 ngày dưới sự điều động của Ðinh Việt, Patriot Act đã hoàn tất được Tổng thống Bush ký thành Luật ngày 26/10/2001.

Tháng 5/2003, Ðinh Việt trở về trường cũ dạy Luật theo truyền thống tổ tiên “không tham quyền cố vị mà trở về quê mở trường dạy học khi đất nước an bình”.

2- Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh di tản năm 1975 tốt nghiệp Cao học Quốc gia Hành Chánh, Kỹ sư hóa học rồi gia nhập Trung tâm Vũ khí Diện địa của Hải Quân Hoa Kỳ chuyên bào chế thuốc đẩy cho các đại bác trên chiến hạm và hoả tiễn trên phi cơ nên mệnh danh “khoa học gia hoả tiễn”. Tháng 8-2001, Dương Nguyệt Ánh cầm đầu 100 khoa học gia, kỹ sư, cán sự đã chế 11 trái “bom áp nhiệt” trong vòng 67 ngày để tiêu diệt bọn khủng bố trốn trong các hang động ở A Phú Hãn. Hiện tại đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc Khoa học Kỹ thuật An ninh Biên giới và Hàng hải cho Bộ Nội An Hoa Kỳ.

3- Giáo sư quần đùi Trương Nguyện Thành sinh năm 1961 làm nông ở Lái Thiêu đã cùng em trai vượt biển năm 1980 được một gia đình nông dân ở Dakota nhận nuôi. Năm 1990 lấy bằng Tiến sĩ và tiếp tục nghiên cứu hậu-tiến-sĩ. Năm 2002, Ông được phong Giáo sư Cao cấp (Mỹ có 3 cấp giáo sư). Các sinh viên Việt tham gia phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ trở thành giáo sư tại các Ðại học Mỹ chưa có ai đạt danh hiệu như Trương Nguyện Thành.

4- Bà Giao Phan đậu Kỹ sư Công chánh năm 1981 làm việc trong Hải quân Hoa Kỳ. Năm 2013, Bà Giao Phan được giao trách nhiệm Tổng Giám đốc Ðiều hành, Cơ quan Ðiều hành Chương trình Hàng không Mẫu hạm phụ trách đóng ba chiếc Hàng không mẫu hạm tối tân nhất thế giới với ngân sách 40 tỉ USD. Chiếc đầu tiên đã bàn giao cho Hải Quân, chiếc thứ hai hoàn thành phân nửa, chiếc thứ ba đã khởi công.

5- Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh làm việc ở NASA đã vạch đường bay cho phi thuyền lên Mặt trăng. Khoảng 100 chuyên gia gốc Việt làm cho NASA ở California. Tiến sĩ Vật lý Thiên văn Eugene H. Trinh (Trịnh Hữu Châu), Phi hành gia trên tàu con thoi Columbia 12.

6- Nguyễn Thục Quyên đến Mỹ năm 1991, tiếng Anh bằng không, nên thường bị chế giễu. Năm 1993 xin vào Ðại học Santa Monica bị từ chối vì kém tiếng Anh sau học thử mới được nhận. Vừa học vừa làm thêm kiếm tiền trang trãi chi phí. Năm 1995, chuyển lên Ðại học California, Los Angeles (UCLA), tốt nghiệp năm 1997, lấy bằng Cao học ngành hoá học vật lý năm 1998 rồi học Tiến sĩ. Cô còn có bằng Tiến sĩ Y khoa và Cử nhân tâm lý học/sinh học. Năm 2004 được phong hàm Phó giáo sư, năm 2011 mang hàm Giáo sư Khoa học. Năm 2015, cô được Thomson Reuters xếp tên trong danh sách những nhà khoa học gây ảnh hưởng nhất trên thế giới.

7- Từ năm 1975 đến nay đã có nhiều hậu duệ Việt Nam Cộng Hoà trở thành tướng lãnh các ngành trong Quân đội Hoa Kỳ.

Có kỳ thị chủng tộc không khi 95% cử tri da đen hai lần bầu cho Barack Obama của Ðảng Dân Chủ?

Nếu dân da trắng chiếm 76% dân số mà mang tinh thần kỳ thị thì Obama vô phương thành Tổng thống.

Có kỳ thị chủng tộc hay không khi nhiều gia đình Việt Nam phản đối con cháu kết hôn với người khác màu da, chủng tộc?

Có kỳ thị chủng tộc hay không khi kêu gọi cử tri Việt bầu ứng viên gốc Việt thay vì chọn người tài đức và dày dạn kinh nghiệm hơn?

Có kỳ thị không khi BLM và Antifa cùng nhiều nhóm vô-chính-phủ được Ðảng Dân Chủ hỗ trợ đã đốt phá, cướp bóc những cửa hàng của người Da trắng và Á Ðông trong nhiều tháng trường?

Jeff Le viết “Chúng ta cần ngừng giả vờ rằng sân chơi công bằng và tất cả chúng ta được đối xử bình đẳng”.

Thực tế, trong cuộc sống thể hiện “bình đẳng trong xã hội” không có nghĩa tôi phải được điều tôi muốn, nếu chưa, tôi sẽ nổi loạn. Xã hội sẽ rối loạn khi những kẻ bất mãn vì nhiều nguyên nhân khác nhau tụ tập thành phe đảng nhân danh quyền lợi cá nhân. Khi tụ tập phá hoại trật tự xã hội đồng nghĩa với vi phạm quyền tự do của người khác. Hiến pháp Hoa Kỳ “ủng hộ một xã hội dựa trên cơ hộ như nhau, bình đẳng trươ´c pha´p luật, tự do tín ngưỡng và pha´p quyền”.

Jeff Le kể “Năm 2000, cha mẹ anh dọn đến tiểu bang Georgia để gầy dựng một trại nuôi gà đi bộ, và tại đây, theo anh, cùng ở tuổi 64, cả hai vẫn tiếp tục làm việc 18 tiếng một ngày … Tháng Tám năm ngoái, thì một hôm ba mẹ tôi gọi phôn báo rằng hàng xóm hai bên đổ lỗi cho họ (người Á Châu) mang Covid vào nước Mỹ và không muốn giao du với họ nữa … Nhưng, sau bài viết về những y tá người Philippines chết vì Covid sau những ngày dài săn sóc bệnh nhân … hàng xóm xin lỗi ba mẹ tôi”.

Phải chăng giải thích chứ không phải bạo động đã giải toả hiểu lầm về kỳ thị chủng tộc?

Hiến pháp Hoa Kỳ được Cộng đồng Quốc tế đánh giá cao do bao quát, rõ ràng, minh bạch kèm theo nhiều tu chính án giải quyết các vấn đề mới phát sinh nên rất sinh động.

Bình đẳng trong xã hội loài người chỉ có tính cách tương đối. Hiến pháp Hoa Kỳ quy định mọi người đều được bình đẳng trong cơ hội và pháp luật mà sao có sắc dân này, khối dân nọ lại bảo mạng sống của họ cũng đáng giá để gây xáo trộn cuộc sống an bình?

Jeff Le trả lời phỏng vấn của BBC “Theo văn hóa Á Ðông, chúng ta không nói về những đau khổ hay thất bại, hoặc khi bị áp bức.

Thực tế, kho tàng văn hoá Việt Nam tràn ngập mọi thể loại đề cập tới đau vì bị áp bức, thất tình, khổ vì đói rét, bất lực trước cường hào ác bá, xót vì mất của, hận vì mất nước.

Bà Tuyet Le Brown, nhà Tham vấn Tâm lý Lâm sàng, hiện sống ở California trả lời phỏng vấn của BBC về trường hợp hành hung người Châu Á: Tôi không nghĩ rằng việc có thêm cảnh sát trên đường phố hoặc biểu tình với những biểu ngữ yêu cầu những kẻ tấn công tiềm năng này “ngừng căm thù” sẽ giúp giải quyết vấn đề vì một vài lý do: a) những kẻ bắt nạt đạt được sự chú ý mà họ muốn; và b) nó “hợp pháp hóa” nguyên nhân (ngừng làm lây lan COVID) của họ. Biểu tình thậm chí có thể thúc đẩy hành vi bạo lực của những kẻ căm thù. Người bạo hành trong gia đình có khuynh hướng thích được nạn nhân van xin dừng tay lại, tận hưởng nỗi đau của người phải chịu đựng.

Bà Brown cho rằng 9/10 vụ hành hung hay hiếp dâm xảy ra, là do tội phạm có cơ hội.

Sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, tội phạm gia tăng do lực lượng cảnh sát bị tê liệt hoặc cắt giảm khiến cho mạng lưới an ninh xã hội bị rách nát tạo điều kiện cho tội ác hoành hành.

Bọn tội phạm biết rõ đám đông không dám can thiệp để bị “truyền thông méo mó” buộc tội “kỳ thị chủng tộc”. Nhưng, nếu quanh đó có bóng dáng cảnh sát thì bọn tội phạm phải chùn tay. Quốc gia nào cũng cần một lực lượng cảnh sát chuyên nghiệp, an tường luật pháp mới có thể bảo đảm an ninh xã hội.

Kỳ thị chủng tộc là một căn bệnh luân lưu trong xã hội loài người, khi ẩn, lúc hiện. Nhưng, nếu được cấy sang lĩnh vực chính trị sẽ tác hại khó lường.

Ðại-Dương
Tài liệu tham khảo:

- Jeff Le: Tôi tưởng mình nắm bí quyết thành công ở xã hội Mỹ, 'nhưng tôi đã nhầm' (BBC)

- Người Mỹ gốc Việt nói gì về nạn kỳ thị thù hằn chống người châu Á? (BBC)

No comments:

Post a Comment