Không ngày nào anh
không bị vợ chửi. Sáng ra, cầm cái ca múc nước và chụp lấy cái khăn lau mặt là
bị trận mở màn:
– Bộ đui sao không
thấy ca nước ấm của con nhỏ. Khăn đó của mấy người sao? Mình mẩy đầy lang ben,
đụng khăn ai cũng chụp đặng lây cho cả nhà à!
Anh vờ như không nghe.
Mới bắt đầu một ngày mà cãi vã thì không nên.
Anh mặc đồ. Thằng con
trai lớn thò đầu ra khỏi mùng:
– Ba đừng mặc lộn quần
con nữa nghe! Với lại, bữa nay cho con tiền thay ruột xe đạp.
Anh nhìn xuống và thấy
mình không mặc quần của con. Móc trong túi ra còn mấy tờ giấy bạc, anh lấy đủ
số mua cái ruột xe, bỏ vào túi áo sơ-mi của nó treo gần đó. Chị vợ liếc một
cái:
– Sao hôm qua nói
không còn một đồng, bữa nay lại có, tiền giựt của ai?
Anh lấy mười ngàn từ
mấy tờ còn lại cho vào túi quần để đi đường, số còn lại, anh đưa vợ:
– Tui gom ba cái phế
liệu bán được mấy chục, hồi tối tính đưa mình mà quên.
Anh ôm hôn đứa con gái
lên ba một cái rồi dắt cái xe cà tàng ra ngõ. Chị vợ lầm bầm mấy câu trong
miệng rồi nhìn lại mấy tờ giấy bạc anh đưa.
Ra tới đường lớn, anh
ghé quán cà phê bình dân kêu một cái đen, trả bù hôm qua thiếu một ly, vậy là
hết bốn ngàn. Anh nghe đói. Hôm qua, ông thầu mời ăn giỗ và đám thợ thầy cứ
chén chú chén anh, anh không ăn được gì lại bị uống. Bình sinh, anh không thích
rượu nhưng không dám từ chối sợ mất lòng người trên. Rốt cuộc, chiều về với cái
mặt đỏ lừng, anh nằm lăn ra ngủ. Bây giờ thì đói, thôi kệ, gói xôi một ngàn đỡ
bụng.
Anh vừa đạp xe vừa ăn.
Nghĩ tới thằng con trai mới mười lăm đã lớn ngồn ngộn bằng ba, năm nay bước vào
lớp tám, không biết học hành ra sao. Anh chỉ biết đọc, biết viết. Con mồ côi
mà! Ở với bà ngoại tới mười tuổi thì ngoại qua đời. Ăn chực ăn nhờ nhà dì nhà
cậu thì phải làm, ai đâu có tiền lo cho đi học. Từ mười ba tuổi, anh đã làm
quen với cái thùng hồ. Bắt đầu làm hồ, làm chỉ để ăn ba bữa. Nhưng anh siêng
năng lại hiền. Ai kêu gì cũng làm, ai sai gì cũng được. Miệt mài được bảy năm,
anh đã làm thợ. Trong đám con gái xách hồ, anh chấm đứa coi được nhất, cho dù
nó là đứa dữ dằn có tiếng. Con nhỏ thấy anh hiền lại siêng năng và không biết
nhậu nhẹt bê tha như những người thợ khác, nó chịu. Đám cưới đãi được bốn mâm:
hai mâm nhà trai nhà gái và hai mâm bạn bè. Thôi thì, giàu cũng cưới, nghèo
cũng cưới. Cho dầu xe hoa, cho dầu kèn trống, cho dầu đãi ở nhà hàng, cho dầu
cô dâu có thay bao nhiêu lần áo đi nữa thì hạnh phúc vẫn là điều quan trọng.
Đám cưới không rước dâu. Cái nhà lá nhỏ của vợ anh đang ở trở thành tổ ấm. Anh
không nhà nên ở luôn bên vợ... ông già vợ anh ngày xưa cũng là thợ hồ.
Thời trẻ làm lụng quá
sức tới già sanh đủ thứ bịnh. Thằng con trai lớn của anh vừa được năm tuổi, ông
ngoại ra đi. Từ lúc vợ có thai thằng con lớn, anh đã không cho làm hồ nữa. Anh
ráng làm để vợ được yên ổn đẻ con và nuôi con. Anh vui mỗi khi về nhà nhìn thấy
vợ, thấy con. Anh không biết nói lời hoa mỹ, anh chỉ nói thật lòng. Anh làm
lụng vất vả để vợ con được cái ăn, cái mặc. Anh không dám ăn ngon, không đàn
đúm bạn bè. Cuối tuần, lãnh tiền xong, đám bạn kéo nhau đi làm một chầu bồi
dưỡng. Anh ra chợ mua chút bánh cho con, cục xà bông thơm cho vợ. Tiền lãnh bao
nhiêu anh đưa hết cho chị cất giữ. Thấy nhà hàng xóm có cái ti-vi, anh ao ước
sao mua được một cái để vợ con không phải đi coi ké nhà người ta.
Nhưng như vậy chừng
như cũng chưa vừa lòng chị. Chị bực tức cái nghèo của anh. Chị bực tức cái khờ
khạo của anh. Chị muốn được chở đi chơi vào mỗi chiều. Còn anh về tới nhà, cơm
nước xong đã nằm lăn ra ngủ. Cả ngày phải vật lộn với công việc, buổi trưa, anh
thường lãnh làm thêm công chuyện để có thêm tiền. Anh không dám than thở. Mình
là đàn ông, làm không nuôi nổi vợ con thì để mặt mũi đâu.
Từ lúc thằng con lên
cấp II, anh thường lén vợ cho tiền nó. Tội nghiệp, lớn rồi mà cứ ăn cơm nguội
đi học, cũng phải có tiền uống nước chớ. Chị cằn nhằn những tuần anh đưa tiền
ít: "Ăn xài cho dữ, mai mốt vợ con đi ăn mày cho vừa bụng mấy người
nghe!". Anh chỉ cười. Những lần đó, anh cho tiền con mua thêm tập sách.
Thằng bé thương ba, nhưng lại sợ người mẹ dữ dằn. Nó ráng lắm mà không học giỏi
được có lẽ cái gien di truyền? Nó muốn nghỉ học đi làm hồ nhưng anh không chịu:
"Con cứ ráng học hết cấp III đi, ba ráng làm nuôi con nổi mà!".
Anh vừa về tới nhà đã
thấy đứa con nhỏ mếu máo khóc. Nhìn thấy vợ ăn mặc như chuẩn bị đi đâu, anh
ngạc nhiên:
– Giờ nầy mà mình sửa
soạn đi đâu?
– Tôi đi kiếm việc
làm. Ở nhà trông vô mấy đồng lương chết đói của anh, tôi chịu hết nổi rồi!
– Mình... mình đi làm
việc gì? Anh ngạc nhiên há hốc miệng...
– Chị Sáu giới thiệu
tôi làm ở một quán nhậu. Chỉ làm mấy tiếng ban đêm thôi mà bằng lương cả ngày
của anh đó! Được chưa? Bây giờ ăn cơm rồi coi con nhỏ giùm tôi. Tôi đi làm mới
có thêm cái ăn cái mặc. Con cái ngày một lớn mà trong nhà trống hoác như vầy,
ai chịu nổi!
– Nhưng sao mình không
bàn với tôi. Con còn nhỏ, mình bỏ nó ở nhà tội nghiệp lắm!
– Bởi vậy tôi mới đi
buổi tối. Anh về giữ con. Anh giữ con không được sao?
Chị nói rồi, quơ cái
túi xách bước ra cửa. Con bé khóc thét lên. Anh ẵm xốc con lên dỗ dành:
"Nín đi con! Ba ẵm con đi chơi nghe! Đừng khóc!". Thằng con trai vừa
về tới cửa, vẻ mặt buồn hiu, nó đã biết chuyện:
– Con thấy mấy bữa nay
dì Sáu qua nói gì với má. Con không dè má đi làm ở quán nhậu. Con đã nói ba cho
con nghỉ học theo ba đi làm hồ mà ba không chịu. Mấy cái quán đó phức tạp lắm.
Con không muốn má đi làm ở đó đâu!
– Con còn ở tuổi đi
học thì cứ ráng học. Biết chữ rồi làm được công chuyện nhẹ nhàng hơn, chứ như
đời ba thì cực khổ lắm.
Thằng con buồn ra mặt.
Nó nhìn ba bằng ánh mắt cảm thông. Con nhỏ đã nín khóc. Anh ẵm con đi dài theo
con hẻm. Một vài người nhìn anh ái ngại.
Chị đi làm được một
tuần. Đêm nào về cũng đầy mùi bia, rượu. Chị có vẻ ngượng ngùng với anh:
"Khách ép thì mình phải chiều! Đi làm thì phải được lòng khách, chủ người
ta mới mướn mình". Anh buồn bã không nói gì. Anh không lạ gì cái cảnh
trong các quán rượu nhưng anh không quen cãi lẫy với vợ. Và anh cũng hiểu chị
muốn chia sẻ cái gánh nặng gia đình với anh. Anh tuy không vừa ý công việc chị
đang làm mà lại không có giải pháp nào tốt hơn. Hôm kia, chị đã mua cho anh bộ
đồ, thằng lớn bộ đồng phục. Anh không vui gì khi nhận quà từ những đồng tiền
của chị làm ra. Đêm nay, con bé bị sốt, nó không ngủ mà cứ vật vã khóc. Biểu
thằng lớn giữ em, anh chạy ra hiệu thuốc đầu hẻm mua cho con một liều. Đã chín
giờ rồi. Anh độ chừng chắc một tiếng đồng hồ nữa chị về. Anh cho con uống thuốc
và thắc thỏm ngồi chờ.
Đồng hồ nhà bên gõ đều
mười hai tiếng, anh giựt mình ngơ ngác. Mòn mỏi quá nên anh đã ngủ quên trên
ghế. Chị vẫn chưa về. Anh giở mùng con, con bé chừng chịu thuốc đã ngủ say. Anh
bỗng lo sợ, không biết có chuyện gì mà tới giờ này chị vẫn chưa về. Anh khép
cửa, đi ra đường. Trời dường như sắp mưa. Hơi nước lành lạnh trong không gian
tĩnh mịch làm anh dứt cơn buồn ngủ. Anh ra tới đường lớn. Có bóng một người đàn
bà bước chếnh choáng như một người đang say rượu. Anh ngờ ngợ rồi đi nhanh tới.
Người đàn bà quỵ xuống đường. Anh tới gần, sao giống vợ mình quá, nhưng quần áo
thì không giống. Anh cúi sát xuống thì chị đã ngã vật ra đường. Ánh đèn đường
vừa sáng trên gương mặt người đàn bà ấy. Anh thảng thốt: "Trời ơi! Đúng là
mình rồi!" Bằng tất cả sức lực đàn ông, anh ẵm xốc chị như ẵm một đứa bé
rồi bước nhanh về nhà.
Khi đã được lau mặt
bằng nước ấm, đã được uống chút nước trà gừng, chị tỉnh lại và thút thít khóc.
Thằng con trai đã thức dậy từ lúc ba nó ẵm má vô nhà. Nó lăng xăng nấu nước
giúp ba và bây giờ ngồi bó gối. Anh ngồi kế bên và cứ để yên cho chị khóc. Anh
chưa biết chuyện gì xảy ra. Nhưng thấy chị như vầy, anh không nỡ hỏi. Chị vẫn
khóc, tiếng khóc phát ra từ cái miệng lúc nào cũng la cũng chửi, bây giờ sao
cam chịu quá, tội nghiệp quá! Mãi một lúc, chị đã bớt xúc động, anh khẽ khàng:
– Chuyện gì vậy? Mình
nói tôi nghe coi!
Chị nhìn anh như nhìn
một người mới gặp. Anh ngồi đó, tay nắm lấy bàn tay chị, chị cảm nhận được
những vết chai trong lòng bàn tay anh. Bàn tay đã làm biết bao việc để vợ con
đỡ nhọc nhằn vất vả. Bàn tay đã đem cơm, đem áo về nhà dù chỉ là những bữa cơm
đạm bạc, những chiếc áo rẻ tiền. Chị ngước đôi mắt đẫm lệ nhìn anh. Tại sao anh
không mắng chửi chị, tại sao anh không bỏ mặc chị – con đàn bà hư hỏng, con đàn
bà chưa từng ngọt ngào với chồng. Cứ mở miệng là chị mắng chửi anh. Sống với
nhau bao nhiêu năm, anh chưa từng la rầy chị. Lẽ ra, chị phải biết thương anh,
phải thấy mình có phước hơn biết bao người đàn bà khác. Từ khi cưới nhau, tuy
nghèo nhưng chị cũng chưa thiếu ăn thiếu mặc. Có một năm, anh đã làm tới gần
giao thừa mới bước thấp bước cao về nhà vì đã gần kiệt sức. Anh đã lãnh quét
vôi gấp cho một căn nhà. Anh đã đứng suốt mười hai tiếng đồng hồ để nhận số
tiền công hậu hĩ của chủ với đôi chân sưng vù vì tụ máu. Bây giờ nghĩ lại, nước
mắt chị lại chảy dài trên má.
Chị đi làm trong quán
nhậu mới ba ngày đã có người để ý. Đó là một tay chủ tiệm buôn hàng điện tử.
Cái nhan sắc mặn mòi của chị, của người đàn bà vừa bước qua tuổi ba mươi đã làm
gã động lòng. Biết chị không phải gái làng chơi mà chỉ vì hoàn cảnh mới đi làm
việc này, gã quăng lưới. Mấy lần mời chị ăn khuya. Mấy lần đưa về để tạo thiện
cảm, chị đã xiêu lòng. Chị cứ nghĩ gã tốt, thấy hoàn cảnh nghèo của chị mà
thương. Và đêm nào chị cũng đi ăn với gã.
Đêm nay, gã đem đến
một gói quà gồm mấy bộ đồ đắt tiền và một số mỹ phẩm. Gã xin cho chị nghỉ sớm
và cũng đi ăn. Xong, gã đưa chị tới một nhà nghỉ ở ngoại ô. Lẽ ra chị phải từ
chối. Lẽ ra câu chuyện phải dừng lại ở đây. Anh chưa bao giờ có lỗi với chị
ngoài chuyện anh nghèo. Chị đi làm cũng vì muốn kiếm tiền thôi. Chị vẫn chưa là
người xấu mà! Nhưng điều gì đã khiến chị bước vào nhà nghỉ với gã. Nhìn căn
phòng sạch sẽ với chiếc giường nệm trắng tinh, cặp gối, cái mền... mọi thứ đều
đẹp, đều hơn hẳn cái giường ngủ tồi tàn của vợ chồng chị, chị thấy xót xa cho mình
nhưng cũng gờn gợn một cảm giác lo sợ phập phồng. Gã chủ tiệm mở bọc đồ ra để
chị no mắt với những bộ quần áo đắt tiền mà chị chỉ thấy trong mơ. Gã biểu chị
đi tắm. Chị nghe lời gã như một người máy. Chị không còn là chị nữa.
Đúng lúc chị vừa bước
ra khỏi phòng tắm với bộ đồ ngủ tuyệt đẹp thì có tiếng đập cửa, tiếng một người
đàn bà nào đó la ó khóc lóc và còn tiếng nhiều người nữa. Gã chủ tiệm không còn
hồn vía gì khi nghe tiếng vợ. Gã mở cửa và cả đám người ùa vào. Chị bị người
đàn bà với thân hình hộ pháp túm lấy trước tiên: "Đồ giựt chồng người ta
nè! Mầy ăn gan trời rồi!". Ả vừa chửi vừa đấm túi bụi vô người chị. Chị
đưa tay chống đỡ và nước mắt trào ra. Người ta cố can ngăn, cố ôm ghì lấy người
đàn bà đang trong cơn ghen hừng hực. Gã đàn ông đứng như trời trồng không dám
xông vô. Người chủ nhà nghỉ phải dùng hết sức mới kéo được người đàn bà đó ra.
Y cũng tìm cách đẩy chị ra cửa rồi biểu: "Về mau đi! Còn ở đó làm
gì!", rồi y xởi lởi phân bua: "Chị bớt giận! Làm ầm lên mọi người
biết chỉ thêm mất mặt chồng rồi còn làm ăn gì được. Đàn ông ai mà không tằng
tịu bên ngoài đôi chút, miễn là biết lo cho gia đình thì tốt rồi! Chị nghe tôi
đi!".
Chị đi như chạy ra
khỏi nhà nghỉ, mãi một lúc mới định được hướng về nhà. Chị đi như sợ người ta
đuổi theo. Nỗi đau thân xác đâu sánh bằng nỗi đau đang giày vò lương tâm chị.
Chị bỗng thấy thương anh, bỗng thấy cuộc đời này anh mới là người chồng xứng
đáng nhất. Chị chắc chắn anh sẽ không làm cái việc có lỗi với chị và chị nhớ
lại những gì mình đã cư xử với anh. Chị mường tượng giờ này chắc anh đang lo
lắng, nước mắt chị lại trào ra. Dường như có một vết thương trên môi. Chị đưa
tay sờ và thấy máu. Chị bật khóc thành tiếng và lủi thủi bước đi trong nỗi đau
đớn ê chề. Chị chỉ mong có anh bên cạnh lúc này để chị được chở che. Cái ý nghĩ
về anh đã giúp chị có thêm sức mạnh. Bước ngã bước xiêu, cuối cùng chị cũng về
được để gặp anh.
Trời mưa giông rồi
cũng dứt. Những hục hặc trong căn nhà ọp ẹp của anh chị cũng không còn nữa từ
sau cái đêm kinh hoàng đó. Chị nghỉ làm và mua một chút bánh kẹo bán cho đám
con nít trong xóm. Người trong xóm cũng không còn nghe tiếng chị chửi chồng
chan chát từ lúc vừa thức dậy. Chị đã thay đổi, thay đổi đến thằng con trai
cũng ngạc nhiên. Chị thấy thương chồng biết bao khi so sánh anh với những người
đàn ông chị đã gặp. Chị muốn bù đắp lại những tổn thương mà chị đã gây ra cho
anh. Còn anh, khỏi phải nói cũng biết anh hạnh phúc đến dường nào. Trời đã
thương và đền trả cho anh. Anh đã không trách cái việc làm nông nổi của chị.
Anh biết chị không là người xấu, chị cũng vì gia đình mà phải dấn thân. Trái
tim biết yêu thương và biết tha thứ của anh đã thức tỉnh con người chị. Chị đã
cảm nhận được thế nào là hạnh phúc và chị sẽ gìn giữ nó. Thằng con trai bỗng
dưng học khá lên. Chính tình thương yêu của ba má và không khí vui vẻ, ấm cúng
của gia đình đã tiếp thêm lòng tin và sức mạnh cho nó. Chỉ còn một nguyện vọng
vô cùng chính đáng của chị mà anh phải thực hiện cho bằng được: "Em thích
được anh chở đi chơi vào mỗi chiều, cho dù là trên chiếc xe đạp chẳng mới mẻ gì
của anh!".
Và dĩ nhiên là anh
đồng ý.
http://cauchuyencuocsong.org/phu-nu-suong-hay-kho-hon-nhau-…
Cau chuyen cam dong qua
ReplyDelete