Tuesday, February 15, 2022

Vài Nét Về Dân Nhạc Việt Nam - Nguyễn Giụ Hùng


Lời mở đầu:

- Bài được viết dưới hình thức truyện ngắn để tránh ngộ nhận đây là một bài biên khảo về âm nhạc Việt Nam, một lãnh vực người viết không đủ am tường.

- Bối cảnh câu chuyện xảy ra vào đầu thập niên 1950, trước khi đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Geneve

 

Nhận được thư Uyên, nàng cho biết sẽ ghé về Hà Nội thăm chúng tôi vào áp cuối tuần này. Tin đó làm Thi háo hức chờ đợi mấy hôm nay mong gặp lại người chị thân yêu của mình. Tính ra, chúng tôi đã không gặp lại Uyên từ cả tháng nay rồi.

Không phải chỉ mình Thi háo hức mà ngay cả chính tôi cũng muốn gặp lại Uyên. Tôi vẫn coi Uyên như một người em vì nàng ít tuổi hơn. Tôi cũng còn coi nàng như một người bạn thân thiết vì chúng tôi cùng ở một làng chỉ cách nhau cái ngõ, quen biết nhau từ thuở nhỏ và có cùng một số sở thích giống nhau.

Ngay từ sáng sớm, Thi đã nhắc nhở tôi đến đón nàng ở nơi hẹn sau giờ tan học để tiện đường cùng ra bến xe khách Hà Nội - Sơn Tây đón Uyên chiều nay.

Chiều Hà Nội, trong giờ tan sở, đường phố có nhiều xe cộ và người đi lại tấp nập ở vùng trung tâm thành phố. Tiếng tầu điện leng keng, còi xe inh ỏi. Chúng tôi phải cố gắng lắm mới có thể đạp xe song song bên nhau. Ra khỏi khu trung tâm thành phố, đường phố bớt đông đúc nên chúng tôi mới có thể nói chuyện với nhau dễ dàng hơn.

Nhìn Thi qua dáng người thon thả với tà áo dài trắng học trò đang bay nhẹ ra phía sau làm tôi liên tưởng tới, mới một năm trước đây, những hôm chúng tôi cùng từ Hà Nội về quê thăm nhà. Trên con đường cái dài vắng vẻ dẫn từ đường liên tỉnh vào làng, chúng tôi đi bộ bên nhau giữa cánh đồng lúa vàng bát ngát. Hai tà áo dài của Thi bay bay theo từng cơn gió nhẹ, đôi khi chúng cuốn vào cánh tay tôi làm tôi có cảm giác man mát, mơn trớn nơi cánh tay ấy. Những lúc như thế, trong lòng tôi xao xuyến, muốn dừng chân nắm lấy hai bàn tay êm ái và đặt lên má nàng một nụ hôn. Chỉ là ước mơ thôi vì tôi chưa bao giờ thực hiện được điều đó trong hoàn cảnh ấy. Thế mà, sau sự đính ước của cả hai gia đình, hôm nay đạp xe bên Thi, tôi đã có thể nghĩ về một ngày chúng tôi sẽ cùng được chung sống trong một mái ấm gia đình.

Đạp xe bên nhau, chúng tôi toàn nói chuyện chẳng đâu ra đâu và cũng chẳng đâu vào đâu. Ấy vậy mà cả hai cùng cảm thấy con đường dài trở nên ngắn hơn. Rồi cuối cùng, chúng tôi cũng đã tới bến xe. Bến xe tuy vào buổi chiều nhưng vẫn còn khá tấp nập.

Chờ đợi không bao lâu, chiếc “xe khách” của Uyên cũng đã tới. Uyên từ trong xe, thò tay ra khỏi cửa sổ vẫy gọi. Thi vội vàng phóng xe đạp về hướng đó để đón chị. Tôi cũng đạp nhanh theo.

Uyên bước xuống xe với chiếc va-li nhỏ và một cái “bị cói” (bị làm bằng sợi cói) xách tay trông ra có vẻ khá nặng. Tôi chạy lại đỡ lấy chiếc bị trên tay Uyên, còn Thi đỡ chiếc va-li cho chị. Chẳng phải đoán già đoán non, tôi cũng biết trong bị có một quả mít chín bởi mùi thơm của nó. Uyên đứng chờ lấy chiếc xe đạp của nàng đang được anh “lơ xe” (phụ tài) đem từ nóc xe xuống.

Trên đường về, chúng tôi đạp xe bên nhau. Bị mít trong giỏ xe phía trước, với sức nặng của nó, đôi khi làm tay lái của tôi bị chao đi mỗi khi quẹo gắt hay tránh vội người băng qua đường.

Càng vào gần trung tâm thành phố, xe cộ càng trở nên đông đúc hơn. Tuy trời vẫn còn sáng nhưng đèn đường cũng đã được bật lên trên vài con phố chính. Sinh hoạt về đêm gần như đã bắt đầu.

Chẳng bao lâu chúng tôi cũng về tới nhà trọ học trước khi trời tối hẳn.

***

Mỗi khi có Uyên lên chơi, sau những bữa cơm chiều, cả ba chúng tôi thường ra ngồi bên chiếc bàn con kê dưới dàn cây leo trong sân để trò chuyện. Tối nay không có ánh trăng như những lần trước nhưng ánh đèn đường hắt vào chỗ chúng tôi ngồi cũng đủ sáng thay cho ánh trăng kia. Tuy vậy, tôi cũng thắp thêm một ngọn nến để khung cảnh thêm phần lung linh, huyền ảo và nên thơ hơn.

Dưới ánh sáng lung linh của cây nến, hai cô gái trông đẹp và lộng lẫy hẳn lên. Nước da trắng mịn với đôi mắt đẹp long lanh trong sáng của Thi đã làm nổi bật lên sự thông minh và tinh khiết của nàng.

Thi “diện” ngay chiếc áo cánh bằng tơ tằm mầu vàng óng ả do chị Thìn tôi mới nhờ Uyên mang gửi tặng cho. Lại thêm chiếc “kiềng bạc” (vòng bạc) đeo cổ, mẹ tôi đã cho Thi nhân dịp đầu năm. Thi vừa mang hình ảnh của một cô gái miền quê xinh xắn, lại vừa mang dáng dấp thanh lịch của một thiếu nữ tỉnh thành. Cách mặc trang phục, quả thật có ảnh hưởng không ít tới vẻ đẹp của người phụ nữ, nhất là đối với những cô gái đang ở tuổi mơn mởn dậy thì như Thi.

Uyên cũng nhận ra ngay vẻ đẹp của em, nàng buột miệng:

- Cô em của chị đêm nay đẹp quá! Đẹp như cô dâu sắp về nhà chồng ấy!

Thi tỏ ra bẽn lẽn trước lời khen của chị.

Những múi mít vàng đựng trong đĩa được bầy trên bàn đưa mùi thơm ngát. Chúng tôi thưởng thức những múi mít chín cây, vừa giòn, vừa ngọt, lại khô không dính tay.

Bất chợt nàng thổi mạnh vào tai tôi rồi bỏ chạy vào nhà. Thi nói với lại:

- Để em mang nước trà ra uống và mang cây đàn ra cho chị Uyên hát nhé!

Thi quay trở lại với ấm nước trà và một cây đàn “Tây ban cầm” tôi thường đánh. Uyên cũng đứng lên, đi vội vào trong nhà tiếp tay Thi đem ra mấy cái tách nhỏ.

Thế là không khí nói chuyện, ăn mít đã chuyển sang không khí văn nghệ.

Chúng tôi thay phiên đánh đàn và hát cho nhau nghe. Uyên hát thật hay. Giọng nàng trong trẻo, lúc trầm ấm, lúc cao vút. Tiếng hát trầm bổng, luyến láy, du dương của nàng có khả năng đưa tâm hồn, cảm xúc của người nghe vào cõi thật xa xăm, bay bổng. Thi hát cũng hay nhưng không thể sánh được với Uyên.

Hình minh họa 

***

Chúng tôi tạm ngưng hát để quay sang ăn mít, những múi mít giòn, thật ngon và ngọt. Như nhớ một điều gì, Uyên sững nhìn tôi rồi chợt lên tiếng:

- Kỳ đi chơi xa tại cố đô Hoa Lư tháng trước, nhân nghe cô lái đò hát bài “Hát ru”, anh nói về nhà sẽ nói thêm cho em hiểu thêm về bài hát này!

Tôi vờ ngừng ăn, lấy tay vuốt vuốt cổ như cố gắng đưa miếng mít xuống cho khỏi nghẹn. Tôi nói với Uyên:

- Anh nghe Uyên nhắc làm anh nghẹn không nuốt nổi miếng mít!

Uyên đánh nhẹ vào tay tôi:

- Anh hứa chứ em có tự nhiên đòi đâu mà anh đổ tội!

Thi cũng trợn mắt đánh vào cánh tay tôi:

- Anh làm em sợ! Tưởng anh bị nghẹn thật.

Tôi xoa nhẹ đầu Thi rồi nói với Uyên:

- Ừ, thôi được! Anh sẽ nói cho Uyên nghe về hát ru và vài làn điệu dân ca miền Bắc anh có dịp được nghe và được đọc trong sách nhé. Anh nhặt nhạnh mỗi nơi một tý của các nhà nghiên cứu âm nhạc thôi đấy.

Uyên cười:

- Em biết rồi! Anh cứ rào đón mãi! Ghét ghê!

Uyên quay sang Thi:

- Nếu anh Nam không nói, em “cắn” cho anh ấy một cái thật đau dùm chị!

Thi vờ nhe răng dọa cắn. Chúng tôi cùng cười vang.

Tôi hỏi Uyên:

- Uyên còn nhớ bài “Hát ru” của cô lái đò hát hôm đó không?

- Thưa anh, em còn nhớ! Bài này ai mà chẳng thuộc. Để em hát lại cho anh nghe nhé!

Uyên hắng giọng mấy cái trước khi hát.

 

Hát ru    

Thằng bờm

 

À…à…ời! À …à…ơi!

Thằng Bờm có cái quạt mo

Phú ông xin đổi ba bò chín trâu

Bờm rằnh Bờm chẳng lấy trâu

Phú ông xin đổi một xâu cá mè

À…à…ời! À…à…ơi!

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè

Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim

Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim

Phú ông xin đổi con chim đồi mồi

À…à…ời! À…à…ơi!

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi

Phú ông xin đổi nắm xôi. Bờm cười!

À…à…ời! À…à…ơi!

 

Sau khi nghe Uyên hát xong, tôi mới bắt đầu đóng góp ý kiến.

- Cứ dựa vào nội dungâm điệu của bài hát ru này ta thấy hai điểm:

Về nội dung: tính chất thực tế và công bình.

Thằng Bờm tượng trưng cho người nông dân chất phác. Bờm có óc thực tế nên nhận đổi quạt mo lấy nắm xôi vì nắm xôi có thể ăn được liền. Bờm có óc công bình vì chiếc quạt mo chỉ có giá trị tương xứng với nắm xôi mà thôi. Đó là những triết lý thực tiễn của người nông dân ta.

Về âm điệu, tiết tấu của điệu hát ru.

Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu dân ca thì cho rằng: [tiếng hát ru mang tính chất êm đềm, du dương để đưa đứa bé vào giấc ngủ. Đó là những âm điệu, tiết tấu đầu tiên mà đứa bé được nghe từ người bà hay từ người mẹ, người chị . . . Dần dần, tiếng hát ru ăn sâu vào tâm thức của đứa bé. Âm nhạc dính liền với đời sống con người nên khi đứa bé lớn lên, những tiếng hát ru nằm trong tiềm thức được thể hiện ra trong tình cảm lứa đôi trai gái. Hát ru trở thành những nhân tố thiết yếu tạo thành những điệu hát dân ca trữ tình] (Dựa theo G.s Trần Văn Khê)

Làn điệu hát ru được thay đổi tùy theo địa phương. Và cũng vì vậy, những điệu hát dân ca thuộc mỗi địa phương thường cũng bị ảnh hưởng phần nào bởi điệu hát ru đặc thù của địa phương đó.

Hát ru miền Bắc thường được bắt đầu bằng tiếng À ơi! hoặc Bồng bồng!

À ơì! Cái ngủ mày ngủ cho lâu

Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về.

Hoặc:

Bồng bồng mẹ bế con sang

Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo;

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn cho hay chữ thì yêu kính thầy.

Hoặc:

Bồng bồng! cái bống là cái bống bình

Thổi cơm gánh nước một mình bống sơi!

Bồng bồng! Cái bống là cái bống bang

Mẹ bống yêu bống, bống càng làm thơ.

 

Nhiều khi nội dung của bài hát ru không mang một ý nghĩa gì cả. Chỉ cần âm điệu du dương, êm đềm để đưa đứa bé vào giấc ngủ.

Uyên nhìn tôi với nét mặt đăm chiêu, suy nghĩ:

- Lúc nẫy anh nói hát ru trở thành những nhân tố thiết yếu tạo thành những điệu hát dân ca trữ tình. Anh có thể nói rõ hơn cho em được không?

Tôi trả lời Uyên:

- Có nhiều điệu hát dân ca có âm điệu, tiết tấu, thang âm rất gần gũi với hát ru như điệu hát xẩm, cò lả và một số làn điệu quan họ. . . chẳng hạn. Mà những điệu hát ấy cũng thường chứa đựng những giai điệu trữ tình rất phong phú.

Tôi đơn cử một vài điệu dân ca miền Bắc để chứng minh.

Hát cò lả: Hát cò lả là loại hát dân gian, nơi đồng quê thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Người ta cũng thường dùng những bài hát cò lả để thay thế cho những bài hát ru. Nội dung của những bài hát cò lả tương tự như bài hát ru vậy. Người hát chỉ mượn chuyện con cò để tỏ bầy tâm sự, những nỗi nhớ nhung, những lời nhắn nhủ với người tình. Loại này thường hát một mình như để tự sự, kể lể.

Con cò cò bay lả lả bay la. Bay từ từ cửa phủ, bay ra là ra cánh đồng. Tình tính tang là tang tính tình. Anh chàng rằng ới anh chàng ơi, rằng có biết là biết hay không? Rằng có nhớ là nhớ hay không? . . . . . . Rằng có nhớ là nhớ em không?

Một nét hết sức độc đáo trong điệu hát “cò lả” là có nhiều điệp ngữ. Những điệp ngữ và “tiếng đệm” này không có nghĩa gì cả ngoài trừ thể hiện sự mềm mại như cánh vạc bay của điệu hát. Hình thức này gọi là “xếp mái ngói”, nghĩa là tiết tấu phía trước gối liền lên tiết tấu phía sau.

Hát quan họ: Quan họ là thể ca trữ tình sâu sắc, vui tươi yêu đời với lời ca tinh tế và trau chuốt của vùng Bắc Ninh. Về âm điệu, hát quan họ đã đa dạng, thăng hoa đến tuyệt đỉnh, có đến cả trăm làn điệu khác nhau, trong đó người ta thấy lẫn vào đủ các điệu ca, kể cả hát ru, cò lả, hát xẩm, trống quân, chèo . . . Về nội dung, bài hát cũng thường mang những nét tâm tình giữa trai gái, gửi gấm nỗi lòng sâu kín cho nhau. Thông thường người ta hát cặp đôi hay hát nhóm, một bên trai và một bên gái gọi là liền anh, liền chị.

Người ơi! Người ở đừng về,

Người về em vẫn (i i i i i)

(Có mấy) khóc (i) thầm,

Đôi (a) bên (là bên song như) vạt áo,

(Mà nay cũng có a ướt đầm)

Ướt đầm như mưa.

. . .

Người ơi! Người ở đừng về.

(Tục ngữ Ca dao Dân ca Việt Nam-Vũ Ngọc Phan)

* * *

Sau khi nghe vài lời ngắn gọn về làn điệu hát “cò lả” và “quan họ” có chút liên quan tới hát ru của tôi, Uyên lại ngồi ngẩn người ra như đang suy nghĩ điều gì. Thi cũng nhận ra sự khác thường của chị mình nên khều tay tôi, bịt miệng cười, chỉ về phía Uyên. Tôi quay sang hỏi Uyên:

- Uyên có chuyện gì mà ngồi thừ người ra thế?

Thi tinh nghịch:

- Chắc chị Uyên em đang mơ màng tới anh chàng nào ngồi hát cho chị em nghe bài quan họ “Người ơi người ở đừng về” đấy mà.

Uyên lườm yêu cô em, mỉm cười:

- Gớm! Cô em của chị cũng biết chuyện lắm đấy chứ! Sắp lấy chồng rồi có khác!

Thi vênh mặt lên với chị:

- Em lớn rồi chứ bộ! Em đã muời sáu tuổi rồi, mười sáu trăng tròn. Chị không được coi em là còn bé nữa!

Tôi hỏi lại Uyên:

- Anh thấy lúc nẫy, hình như Uyên có thắc mắc gì mà cứ thừ người ra? Nếu có câu hỏi nào, anh sẽ nói lại cho.

Uyên tỏ ra vui hẳn lên khi nghe tôi nói thế. Uyên hỏi ngay:

- Em chỉ sợ anh chê em dốt. Em thấy trong dân ca của mình hay có những chữ liến láy, điệp ngữ và những tiếng đệm hay quá anh nhỉ. Anh cho em biết thêm về vấn đề này được không?

Tôi cười với Uyên:

- Anh chê cô giáo Uyên dốt hồi nào đâu! Anh chỉ thấy có mỗi một người dốt toán mà lúc nào cũng tưởng mình giỏi. Mình sai mà cứ cãi mình đúng. Lúc ít điểm, về nhà ngồi khóc.


Hình minh họa

Thi đứng bật dậy:

- Em khóc bao giờ?!

Tôi cười:

- Anh xin lỗi! Em chỉ mới “mếu” thôi!

Thi cười cười ngồi xuống.

Tôi nhìn Thi rồi đưa tay vuốt nhẹ tóc và kéo nhẹ nàng về phía mình. Thi nũng nịu đẩy tôi ra:

- Em ghét anh lắm!

Thấy Thi tất tả bỏ vào nhà, tôi gọi giật lại:

- Thi! Em đi đâu đấy! Giận anh thật đấy hả?

Thi quay lại cười:

- Không . . .! Em đi lấy thêm mít!

Tôi và Uyên nhìn nhau cười. Tôi bắt đầu giảng giải cho Uyên về những tiếng đệm trong dân ca Việt Nam.

 

Những tiếng đệm.

(Dựa theo ý trong bài nói chuyện của Gs Trần Văn Khê)

Một số nhà nghiên cứu về âm nhạc dân tộc cho rằng có những bài hát dân ca có khi chỉ vỏn vẹn có vài câu thơ hoặc câu ca dao ngắn ngủn. Nó cần được kéo dài bài hát ra bằng những điệp ngữ, những tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi . . .  để hoàn thành cấu trúc của một bản nhạc mà không làm mất ý nghĩa của lời ca. Thêm vào đấy, tiết tấu của nó lại trở nên thêm phần linh hoạt, mềm mại, mang nhiều màu sắc, thấm vị đậm đà.

@/ Như trong bài hát ru cháu trong hát ru miền Bắc.

Cái ngủ mày ngủ (í i a)

(Á a a) cho (à) lâu

Mẹ mày đi cấy (í i a)

(Á a a) ruộng sâu chưa (à) về

Bắt được con diếc (í i a)

(Á a a) con (à) trê

Nắm cổ (í i a) (á) lôi về

Cho cái (í i a)

(Á a a) ngủ ăn . . .

(Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam-Phạm Duy)

 

@/ Như trong bài hátcây trúc xinh” trong quan họ.

 

Cây trúc xinh (tang tình là) cây trúc mọc,

(Qua lối nọ như) bên đình . . .

Chị Hai xinh (tang tình là) chị Hai đứng,

(Đứng) một mình (qua lới như) cũng xinh . . .

Cây trúc xinh (tang tình là) cây trúc mọc,

(Qua lối nọ như) bên chùa,

Chị Ba không yêu (tang tình là) tôi cũng lấy,

(Lấy) đạo bùa (qua lới như) cùng yêu,

(Lấy đạo bùa, qua lới như cùng yêu . . .)

(Tục ngữ Ca dao Dân ca Việt Nam-Vũ Ngọc Phan)

@/ Như cùng trong bàiQua cầu gió bayđược trình bầy qua nhiều điệu dân ca khác nhau với những tiếng đệm khác nhau.

Chỉ trong hai câu:

 

Yêu nhau cởi áo cho nhau,

Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.

 

*/- Đưọc trình bầy theo điệu quan họ:

Yêu nhau cởi áo (ới a) cho nhau

Về nhà dối (rằng) cha dối mẹ (ơ ớ ơ) . . .

(Rằng a ới a) qua cầu

(Rằng a ới a qua cầu)

(Tình tình tình) gió bay

(Tình tình tình gió bay).

 

*/- Được trình bầy theo điệu cò lả.

Yêu nhau (nhau) cởi áo (áo) cho nhau,

Về nhà (nhà) dối mẹ (mẹ) qua cầu (cầu) gió bay.

(Tang tính tình, tình tính tang) . . .

*/- Được trình bầy theo hát chèo:

Cởi áo cho nhau (chứ) yêu nhau (dẫu mà) cởi áo cho nhau,

Về (í) nhà (í mà) dối mẹ (í a) qua cầu (í) gió bay.

*/- Được trình bầy theo điệu trống quân:

Cởi áo cho nhau (chứ) yêu nhau (mà) cởi áo cho nhau,

Về nhà (mà) dối mẹ (chứ) qua cầu (bay) gió bay.

*/- Được trình bầy theo điệu ngâm sa mạc hay bồng mạc:

[Ngâm sa mạc và bồng mạc: Những câu “lục bát” ngâm theo lối sa mạc, những câu “song thất lục bát” thì ngâm theo bồng mạc] (Theo nhạc sĩ Phạm Duy)

Yêu nhau (ư ư) cởi (ư ư) áo (ư ứ ừ) cho nhau,

Về nhà dối mẹ (ư) qua cầu (ư ư) qua cầu gió (ừ ư) gió bay (i i i).

*/- Được trình bầy theo điệu tuồng Tầu (Hát bội)

Yêu nhau (ứ ư ư) cởi (ư ư) áo (ứ ư ư) cho (ứ ư) nhau,

Về nhà (ư ư) dối mẹ (ứ ư) qua (ư ư) cầu (ư ừ) gió (ứ ư) bay (ứ ư ư).

[Nói chung, những quy luật thơ văn của lời ca rất chặt chẽ, gò bó nhưng nhờ những tiếng đệm này ta có thể tháo gỡ được những quy luật chặt chẽ đó. Gò bó bao nhiêu thì mình vuột ra bấy nhiêu. Nhưng phải nhớ, những tiếng đệm của số đông bài hát, không thể hoán chuyển cho nhau. Như bài hát quan họ với những tiếng đệm “í a ư . . .” không thể thay bằng tiếng đệm của tuồng Tầu như “ứ ừ ư . . .”, hay ngược lại. Điệu hát nào thì có tiếng đệm riêng của điệu hát ấy. Ngoài ra ta còn có những chữ đệm kép như “ới a”, “ấy mấy”, “dẫu rằng”, “rằng là” . . . mỗi chỗ có cái hay riêng của nó] (Dựa theo ý của Gs Trần Văn Khê)

@/ Như trong điệu hát trống quân

Tôi mới (chứ) tới đây.

Ở nhà (thời) tôi mới (chứ) tới đây

Lạ thung (này) lạ thổ (ứ ư) tôi nay (lại) lạ nhà (ỳy)

 

Ba cô (nàng) tôi lạ (chứ) cả ba,

Bốn cô (tôi) lạ bốn (ứ ư) biết là (mấy) quen ai (ỳy).

Đến đây (thời) lạ cả (mấy) bạn giai.

Lạ cả (này) bạn gái (ứ ư) biết ai (bên) mà chào (ỳy).

Bây giờ (thời) biết nói (là) làm sao.

Biết ai (nào) quen thuộc (í a) mà vào (thưa là) trình thưa (ỳ y)

(Dân ca trống quân-Nguyễn Gia Liên trong Đặc san Bắc Ninh)

 

@/- Như trong nhữngcâu hò”.

*/ Hò làm việc trên bờ thường có hò kéo gỗ, hò đẩy xe với những tiếng “dô”, “hò dô ta”.

Hò cái: Ta dô ta!

Hò con: Dô!

- Ta kéo gỗ!

- Dô!

- Gỗ làm đình!

- Dô!

- Đình là đình!

-  Dô!

- Bao nhiêu ngói!

-  Dô!

- Ta thương mình!

-  Dô!

-  Nhiêu bấy nhiêu!

-  Dô!

(Đặc Khảo Về Dân Nhạc Ở Việt Nam- Phạm Duy)

Sau mỗi tiếng “Dô” hay “Hò dô ta” là cùng nhau kéo.

Dô ta kéo gỗ làm đình

Con gái vô tình thì để vú ra!

Hò dô ta!

(Cầm Ca Việt Nam - Toan Ánh)

 

*/- Hò làm việc dưới sông nước thường có hò chài lưới hay hò chèo thuyền với những tiếng đệm “rố khoan rố khuầy” hay “rố khoan rố hầy”:

Chồng chài là chài vợ lưới . . .

Rố rố khoan rố khuầy!

Vợ lưới vợ lưới con câu . . .

Rố rố khoan rố khuầy!

Sông Ngô là Ngô bể Sở . . .

Rố rố khoan rố khuầy!

Biết đâu biết đâu bến bờ . . .

Rố rố khoan rố khuầy

. . .

(Đặc Khảo Về Dân Nhạc Ở Việt Nam - Phạm Duy)

 

* * *

 

Thấy câu chuyện cũng tạm đủ và trời cũng đã khuya, tôi đề nghị mọi người giải tán để đi ngủ.

Trước khi chia tay, tôi gõ nhịp lên bàn, hát điệu trống quân bài ca dao:

 

Ngồi buồn may túi đựng trời
Đan xề, sẩy đá, giết voi xem giò,
Ngồi buồn lấy thước ra đo,
Đo từ núi Sở, Núi So, núi Thầy (*)
Lên trời, đo gió đo mây
Xuống sông đo nước, về đây đo người,
Đo người mười sáu mười lăm (**)
Đo được một người vừa đẹp vừa xinh!

(*) Núi Thầy ở Sơn Tây

(**) Nguyên bản: mười tám đôi mươi

 

Hai nàng lại rũ ra cười. Đến hai câu cuối Thi nhìn tôi cảm động.

Hát xong tôi “xướng” to như anh “giáo tuồng”:

- Kiếm được “người xinh” rồi thì phải làm sao?

Tôi lại vỗ tay theo nhịp trống quân và hát tiếp. Uyên cũng vỗ nhịp theo. Riêng Thi biết tôi sắp trêu nàng nên không vỗ tay theo, chỉ đứng tủm tỉm cười chờ đợi.

 

Rủ nhau lên hiệu cầm khăn
Cầm được đồng bạc, để dành cưới em.
Ba hào thì để mua tem
Tư giấy mời khắp anh em xa gần.
Trăm năm kết ngãi Châu Trần
Nhớ ngày kết ngãi giao loan với mình.
Hai họ ăn uống linh đình
Sơn Tây, Hà Nội đồn mình lấy nhau (*)

(ca dao)

(*) Nguyên bản: lấy ta

Uyên cười nói to:

- Nghèo gì mà nghèo đến đỗi phải cầm khăn để cưới vợ vậy? Nghèo quá! Không gả em gái tôi cho anh đâu!

Thi cứ đứng nhìn chị cười cười. Hết nhìn chị nàng lại nhìn tôi.

Uyên bỏ mặc chúng tôi đứng lại ngoài sân. Nàng tự dọn dẹp rồi tất tả bỏ vào trong nhà.

Còn lại hai người. Tôi nắm tay Thi hồi lâu. Nàng cúi mặt xuống đất tránh ánh mắt nhìn âu yếm của tôi. Tôi cúi xuống hôn phớt lên mái tóc nàng.

Thi vẫn cúi xuống trong im lặng, nắm tay tôi bóp nhẹ:

        - Chúc anh ngủ ngon!

        - Em cũng ngủ ngon!

Tôi buông tay Thi ra rồi quay đi về phía cuối sân, leo lên cầu thang về phòng. Phòng gác của tôi cách phòng Thi một quãng sân nhỏ.

Thi đứng nhìn theo tôi trước khi nàng quay bước. Tôi cũng đứng lại ở cửa phòng gác nhìn xuống sân đợi cho tới lúc Thi khuất bóng sau cánh cửa phòng nàng.

Tôi lâng lâng, ngây ngất với niềm hạnh phúc vô biên.

 

Hát Trống Quân

https://www.youtube.com/watch?v=nkCape5MC_I

 

THAM KHẢO:

- Buổi nói chuyện của giáo sư Trần Văn Khê.

- Đặc Khảo Về Dân Nhạc Ở Việt nam - Phạm Duy.

- Cầm Ca Việt Nam - Toan Ánh.

- Tục Ngữ Ca Dao Dân Ca Việt Nam –Vũ Ngọc Phan.

- Dân Ca Trống Quân - Nguyễn Gia Liên (trong Đặc san Bắc Ninh.)

- Hình minh họa lấy trên internet.

- Trong dấu [  ]: Trích hoặc lược trích.

 

Mời nghe

 

Thằng bờm có cái quạt mo (Hát ru Bắc Bộ)

https://www.youtube.com/watch?v=1nGB_VlkekQ

Cò Lả -Thu Huyền

https://www.youtube.com/watch?v=MS_HaP2-J4U

Người Ở Đừng Về - Sim Nông

https://www.youtube.com/watch?v=vCKKX79Dt-A&list=RDvCKKX79Dt-A&start_radio=1&rv=vCKKX79Dt-A&t=147

Cây trúc xinh - Thu Thủy

https://www.youtube.com/watch?v=6PTd3JT2lyU

Qua cầu gió bay - Như Quỳnh

https://www.youtube.com/watch?v=QZie8rqfdTE

 

No comments:

Post a Comment