"Khôn chết
dại chết vờ thì sống"(1).
Cổ nhân có câu nói như thế.
Quả thật không ngoa.
Này
nhé, ta hãy thử nhìn về một đất
nước xa xăm kia thì rõ. Câu nói
trên không những là một câu phương châm, mà còn là một thứ "kinh nhật
tụng" của đại đa số người dân sống trong
xã hội đó. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn miêu tả trong tác phẩm của ông, cứ hiểu theo như
ý ông viết, muốn tồn tại và vinh thăng
trong cái xã hội ấy thì phải biết vờ, vờ nói, vờ nghe, nghĩa là khi nói, biết
mình nói dối nhưng vẫn phải vờ nói dối một cách thành thật, khi nghe, biết mình
không muốn nghe nhưng vẫn phải vờ nghe một cách thành khẩn. Cứ như thế, ta
thấy vờ là một triết lý sống
rất sinh động trong một vài xã hội ngày nay vậy.
Nói cho thực và cho rộng ra, vờ chiếm một phần không nhỏ trong đời
sống, không những của chính ta mà còn của cả loài người và mọi loài trên trái đất
này. Nó chiếm một vị thế quan trọng trong mọi sinh hoạt từ cổ chí kim và từ
Đông sang Tây.
Ấy chẳng thế mà ông Thu Giang Nguyễn Duy
Cần đã coi vờ của người xưa như một
gương sáng và được ông viết trong cuốn "Thuật Xử Thế Của Người Xưa"
mà ông cho là hậu thế nên noi theo đó như một thứ đạo học làm người. Vì
tác phẩm này tôi đọc hồi còn nhỏ nên chỉ nhớ lõm bõm được vài điều xin được kể cùng
các bạn nghe.
Truyện thứ nhất, ý kể rằng:
Trong truyện Tam Quốc Chí, khi Lưu Bị còn
nằm trong tay Tào Tháo. Tào Tháo đa nghi và ngờ Lưu Bị là kẻ anh tài nên muốn
kiếm cớ giết đi để trừ hậu họa. Một hôm, Tào Tháo mời Lưu Bị vào dinh ăn cơm để
dò ý tứ ra sao. Trong khi chè chén, Tào Tháo vờ khen Lưu Bị là kẻ anh hùng trong thiên hạ. Nghe thế, Lưu Bi rụng
rời chân tay. May thay, nhân nghe thấy tiếng sấm nổ ầm lúc đó, Lưu Bị vội giả vờ
đánh rơi đũa vì sợ sấm to. Tào Tháo thấy thế trong bụng không còn coi Lưu Bị là
kẻ anh hùng đáng lo nữa nên Lưu Bị đã thoát chết về tay Tào Tháo. Nhờ biết vờ sợ sấm mà Lưu Bị thoát chết.
Truyện thứ hai, ý kể rằng:
Ở bên trời Tây kia, có hai chàng “công tử”
cùng yêu một cô gái xinh đẹp con của một vị thượng lưu giầu có nọ. Hai chàng ra
công lấy lòng ông bố để hy vọng được ông gả con gái cho mình. Một chàng thì lúc
nào cũng tỏ ra mình tài giỏi hơn ông bố vợ tương lai. Một chàng thì lúc nào
cũng vờ tỏ ra thua kém ông ta về mọi
mặt. Vì cảm thấy luôn được hơn người nên ông bố cô gái đặt tình cảm thiên về
chàng trai hay vờ. Rồi một hôm, hai
chàng trai và ông bố cùng thi đua ngựa. Chàng trai háo thắng luôn cố vượt lên
trên ông bố, còn chàng trai hay vờ thì vờ
ngã ngưạ để cho ông bố có dip ra tay nghĩa hiệp. Quả thế, ông bố trúng “đòn vờ” nên quyết định gả con gái cưng
cho anh chàng vờ này. Nhờ biết vờ mà anh ta được vợ.
Trong Binh thư yếu lược của đức Trần Hưng Đạo
cũng nêu lên chiến thuật vờ trong
thuật dụng binh. Dùng dương mà người ta
không lường được là dương, thì dương mà hóa ra âm vậy. Dùng âm mà người ta không
lường được là âm thì âm mà hóa ra dương vậy ...
Người giỏi dùng binh, không đủ thì tỏ là có thừa, có thừa thì tỏ là không đủ. Địch
không biết thế nào mà lường cho đúng được. Tóm lại là ngài dậy
ta vờ.
Vua Ngô Quyền thắng quân Nam Hán ở thế kỷ
thứ 10 và đức Trần Hưng Đạo thắng quân Nguyên ở thế kỷ thứ 13 cùng trên sông
Bạch Đằng, ấy cũng là nhờ biết vờ thua
dụ địch vào chỗ “hiểm” mà đánh. Biết vờ
nên dựng được nghiệp lớn.
Nếu ta đọc truyện Tầu tất ta thấy nhan
nhản những chuyện vờ. Cũng như trong truyện Tam Quốc Chí, trận đánh hỏa công
lừng danh trong lịch sử Trung Quốc là trận Xích Bích trên sông Trường Giang.
Trận này sao thực hiện được nếu không nhờ tướng Hoàng Cái vờ chịu để Chu Du đánh đập làm nhục giữa doanh trại để có cớ trá
hàng Tào Tháo hầu thực hiện dứt điểm cuối cùng cho trận hỏa công lừng danh
thiên hạ ấy, đem chiến thắng về cho Đông Ngô. Đấy là những cái vờ của những bậc đại chí.
Thật ra, cuộc đời là những tấn tuồng,
người ta hay nói như thế, mà tuồng vờ thì được diễn nhiều hơn cả. Vờ thì không phân biệt giới tính, tuổi tác,
tầng lớp xã hội hay văn hoá ... gì
cả, ai cũng diễn được và ai diễn cũng hay như nhau, bên tám lạng bên nửa cân.
Vờ
len lỏi khắp mọi nơi, xen vào mọi công việc, mọi tính toán. Vờ không phân biệt thời gian lẫn không
gian, nghĩa là lúc nào, chỗ nào cũng vờ
được cả. Vờ từ việc chung cho đến
việc riêng. Nếu bỏ vờ đi, trời đất sẽ
tối sầm. Loạn.
Này nhé, ta cứ nghe nhà thơ Tú Mỡ vờ:
"Vắng mặt chủ nghịch nô như quỷ sứ, tầm váo tầm vênh
Thấy hút Tây, vờ vĩnh khéo ma bùn, nhớn nhơ nhớn nhác."
Hay ông Tú Mỡ thấy thiên hạ
vờ:
Làng kia có bác kỳ hào,
Kể trong thứ vị cũng vào bậc trung.
Những khi đi họp hội đồng,
Thường đeo cổ áo lòng thòng sợi dây.
Hẳn là ân tứ chi đây,
Kim tiền, kim khánh, mề đay, thẻ ngà.
Đầu dây lẫn dưới áo là,
Đố ai biết được nó là cái chi.
Người đoán lại kẻ đoán đi,
Có người kết luận: thường khi dây ... vờ.
Một anh ba rọi ỡm ờ,
Kéo dây nửa thực, nửa đùa đòi xem.
Kim tòng vừa mới kéo lên,
Đầu dây chỉ thấy ...
đồng kền năm xu.
Ta có thể nghe cụ Nguyễn Công Trứ nói về
"Cách ở đời ":
Ăn ở sao cho trải sự đời,
Vừa lòng cũng khó há rằng chơi.
Nghe như chọc ruột tai làm điếc,
Giận dẫu căm gan miệng mỉm cười.
Có kẻ nghèo vờ làm sang, kẻ dốt vờ làm
giỏi, kẻ ác vờ làm hiền, kẻ hèn vờ làm anh hùng ...
hay đôi khi ngược lại.
Như
có người trẻ lại muốn vờ làm người
già:
Trước mắt long lanh đôi kính trắng,
Dưới cằm lún phún sợi râu xanh,
Đứng ngồi khệ nệ oai nghi giả,
Ăn nói mầu mè đạo đức tuyênh.
(Tú Mỡ)
Hay có kẻ già lại vờ làm trẻ:
Đầu tóc nhuộm đen hầu trẻ lại,
Râu ria cạo trụi rõ ... trai lơ.
Đua chơi ra phết ông còn trẻ,
Làm việc lơ mơ cụ kiếu già.
(Tú
Mỡ)
Có các cô các cậu mới lớn hay "chúa vờ" khi đối diện nhau.
Có
những trường hợp vờ "muốn ăn gắp bỏ cho người ".
Vì vờ
là không thực nên còn gọi là giả, giả thì có giả vờ, giả đò, giả bộ, giả
ngô giả ngọng, giả điếc giả câm ... Cứ
như:
Trong thiên hạ có anh giả điếc
Khéo ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây,
Chẳng ai ngờ sáng tai họ điếc tai cầy,
Lối điếc ấy sau này ta muốn học.
...
Sáng một lúc lâu lâu rồi lại điếc
Điếc như thế ai không muốn điếc,
Lối điếc anh dễ bắt chước ru mà,
Hỏi anh anh cứ ậm à.
(Cụ Tam Nguyên Yên
Đổ Nguyễn Khuyến)
Và vờ trong ca dao:
Bản thân của vờ thì hiền lành vô hại, nhưng đôi khi vờ lại được vận dụng vào một
số trường hợp nào đó trong đời sống để vờ
bị hoá thân thành lừa hay bịp tùy theo tình huống.
Lừa
thì có thể áp dụng cho những mục đích tốt hay xấu, nhưng bịp thì không thể nào hiểu theo nghĩa tốt được, nó thuộc loại:
Thầy bói, thầy cúng, thầy đồng,
Nghe ba thầy đó cái lông không còn.
(Ca
dao)
Hay:
Phù thủy, thầy bói, lái trâu,
Nghe ba thầy đó, đầu lâu không còn.
(Ca
dao)
Để chấm dứt lá thư này, tôi dặn các bạn, dù có biết ai vờ cũng mặc đấy nhé. Biết cái vờ của thiên hạ chỉ mang cái vạ vào thân, như Dương Tu (trong Tam Quốc Chí), một trong những nguyên nhân bị chết thảm dưới tay Tào Tháo cũng chỉ vì Dương Tu biết rõ về những cái vờ của Tào Tháo vậy. Cứ kệ.
NGUYỄN GIỤ HÙNG
No comments:
Post a Comment