CHƯƠNG II
TUYẾN CHÙA HINH BỒNG
Sáng sớm tinh mơ, tôi đã nghe tiếng
lục đục ngoài sân. Tôi chồm dậy nhìn ra, thấy ba cô đang chuẩn bị thức ăn
sáng. Tôi vội sửa lại quần áo cho gọn ghẽ, chải vội mái tóc rồi ùa chạy phóng
ra sân.
- Này! Này! Các cô đừng chuẩn bị ăn sáng
nghe chưa! Còn bao nhiêu thức ăn trong ba-lô tôi kia kìa. Ăn cho hết đi đã, nếu
không, tôi phải mang nặng lắm đấy.
Ba cô ngừng tay, nhìn nhau như hỏi ý. Thi
vội nói:
- Đúng rồi các chị ơi! Mình còn
nhiều thứ để ăn sáng lắm. Không ăn để nó thiu thì uổng.
Uyên và Mơ dừng tay nhìn tôi. Tôi chạy
vào buồng xách ba-lô ra, lấy thức ăn bầy ra chõng giữa sân. Nào xôi, nào bánh,
nào trái cây đủ cho bốn người ăn sáng nay. Uyên và Mơ nhìn nhau mỉm cười.
- Mấy cô định nấu nướng gì vậy? Tôi hỏi.
- Chị Mơ đang chuẩn bị cho nồi canh rau
sắng nấu với củ mài. Chị ấy dậy cho chúng em nấu. Định ăn cơm no rồi mới đi
chơi. Hôm qua, nồi canh đã chuẩn bị xong nhưng chưa kịp nấu thì tụi em mang
thức ăn về nên để sáng nay.
- Thôi chiều nay ta trở về ăn. Ta đi cho
sớm. Buổi trưa ăn tạm ở đâu mà chẳng được.
Tôi hỏi Mơ thêm:
- Chúng tôi định đi thêm hai tuyến nữa là
tuyến lên chùa Hinh Bồng và tuyến lên chùaTuyết Sơn. Có kịp không cô Mơ?
- Nếu chúng ta đi sớm và đi nhanh thì
kịp. Nếu đi thong thả phải hai ngày, như thế thì dư giả thời giờ hơn.
Tôi nói với Uyên và Thi:
- Hai em tính sao? Uyên còn ngày nghỉ
không? Nến hôm nay không kịp, anh tính ta ở thêm một ngày nữa để cho hai em đỡ
mệt. Còn anh thì sao cũng được.
Uyên ngần ngừ chưa quyết định.
- Ngày nghỉ em còn, nhưng chỉ sợ phiền
chị Mơ thôi.
Tôi đề nghị giải pháp trung hoà:
- Hôm
nay ta cứ đi, nếu kịp thì ngày mai về Hà Nội, nếu không kịp, ta ở lại thêm một
ngày nữa để ăn rau sắng với củ mài cho thỏa thích. Thôi cứ thế đi nhé. Mấy khi
ta lại có dịp trở lại nơi đây đầy
đủ như thế này.
Mơ cứ nắm tay Uyên:
- Chị Uyên ở lại thêm với em một ngày nữa
đi mà. Em dậy chị nấu canh rau sắng với củ mài.
Uyên
cũng nắm tay Mơ:
- Cám ơn chị! Hôm nào chị cũng phải lên Hà Nội chơi với chúng em đấy!
Mơ vui mừng cứ nắm tay Uyên mà lắc mạnh.
Sau bữa ăn sáng, chúng tôi vội vã lên đường. Ánh bình minh cũng vừa ló
rạng.
Tuyến đường vào chùa Hinh Bồng
Chúng tôi lại xuôi dòng suối Yến để tới
bến đò Trò hay bến Thiên Trù. Cũng con suối đó, cảnh đó, ngày hôm qua thấy đẹp,
hôm nay vẫn thấy đẹp. Lần nào cũng đều thấy mới tinh như mới tới lần đầu.
Ánh nắng ban mai chiếu trên đỉnh những rặng núi, trên những rừng cây, khóm
lá và lan tỏa loang loáng trên mặt suối Yến đang lững lờ trôi. Ánh nắng làm
cảnh vật đổi mầu theo từng khoảnh khắc của thời gian. Đẹp làm sao! Sáng, trưa,
chiều, tối cũng như hôm nắng, hôm mưa ...chắc hẳn đều có cái đẹp riêng của nó.
Tiểu
sơn lâm mà có đại kỳ quan
Người tai mắt chốn nhân gian
Ai chẳng đến Hương Sơn thì cũng tục
Kể từ lúc bước lên đò Đục
Liếc mắt trông đã mãn mục vân sơn
Lần theo một dải thanh tuyền . . .
Nào ngư phủ nhập Đào nguyên đâu cũng
thế,
Mặt trời gác bóng cây xế xế
Tản vân in đáy nước rành rành
Chim trời mấy chiếc lênh đênh
Cây mai thụ rập rềnh năm bẩy lá
Chú tiểu tử ruổi rong bến đá
Lũ ngư ông quẩy cá qua cầu
Cỏ cây san sát một màu
Núi trước, núi sau, mình ở giữa
...
Núi
mờ xanh từng dẫy ngất non thiêng
Kìa núi Gà, núi Tượng, núi Trống, núi Chiêng
Chưa qua núi lại thấy đò qua bên cạnh
núi.
Thoạt trông thấy biết đâu mà hỏi
Cầu đăng tiên nọ chốn đăng doanh
Gót in đá biếc xanh xanh
Lòng trần tục bỗng không, thanh thản
nhẹ.
...
(Trích “Hương Sơn Phong Cảnh” của Vũ Văn
Hàm)
Mơ cho biết muốn đến chùa Hinh Bồng thì
phải trở lại bến đò Thiên Trù.
Khi đến đền Trình, Mơ đề nghị chúng tôi
rẽ vào nhánh suối ngắn để đến thăm chùa Long
Vân gần đó. Nhánh suối này gọi là suối
Long Vân. Từ suối Long Vân, ta thấy chùa Long Vân xa xa với ngọn tháp và
mái chùa ẩn hiện trong sương, mờ mờ mây khói.
Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá
Sư cụ nằm chung với khói mây
(Nguyễn Khuyến)
Thuyền đi thong dong trong suối vắng vì
ít thuyền vào đây. Hai bên bờ suối, lác đác người đi làm ruộng, kẻ đi làm rừng,
người đi đánh cá. Thuyền đi sát gần núi Đụn, bên núi Đụn là cánh đồng xanh.
Những hàng núi nhỏ xếp dài, triền núi thường có hang động. Nhìn lên triền núi
cao, ta thấy những khu vườn, những ngôi nhà cao ráo, tĩnh mịch. Và từ chỗ này,
ta thấy núi Quy, hình thù thật giống như hình con rùa đang ngỏng đầu lên.
Chúng tôi lên bờ, đi một quãng thì tới
cổng chùa. Cổng chùa ở dưới chân núi, chùa ở trên cao. Đường lên chùa khá dốc, chỉ lên dốc một quãng là tới động
Long Vân. Động tuy nhỏ nhưng bên trong cũng có thạch nhũ và bệ thờ tượng Phật. Cố
leo thêm lên cao, đứng trước hiên chùa ta có thể quan sát được những rặng núi chung
quanh và cả suối lẫn đồng ruộng phía dưới.
Chùa được xây năm 1920. Hình thể chùa như
một ngôi nhà thường trên sườn núi và có tháp cao.
Mơ cũng cho biết nếu từ chùa Long Vân đi
sâu vào thêm nữa, du khách sẽ gặp “chùa động” Cây Khế rất đẹp, rồi hang Sũng
Sàm, nhưng vì đường đi đá dốc “gập ghềnh
mấy khúc thang mây” (1) và
thời gian có hạn nên chúng tôi đành phải bỏ qua và hẹn cô vào dịp khác.
Sau khi thăm chùa Long Vân, chúng tôi
xuống núi và trở lại thuyền rồi quay ra suối Yến, thẳng đường xuôi theo suối
Yến tới bến đò Thiên Trù.
Từ Thiên Trù tới chùa Hinh Bồng đường đi có khúc đường đất, có khúc đường núi nhưng
tương đối bằng phẳng. Đi hết khúc đường bằng phẳng là tới dốc thật cao. Đường
leo dốc cũng không khó khăn lắm vì có đường vòng quanh co chứ không thẳng đứng.
Đi thăm chùa Hinh Bồng có cái thú của
trèo núi vài ba cây số. Thêm vào dó, càng lên cao càng có dịp nhìn toàn cảnh
đẹp, ta có thể phóng mắt nhìn ra xa tới mút con mắt. Đường dốc lên Hinh Bồng
nằm bên triền núi quanh co, đường đi gập ghềnh nhỏ hẹp nhưng thường có bậc đá.
Khách hành hương lên Hinh Bồng, theo tôi nghĩ, nên dùng gậy chống, nhất là vào
những ngày mưa. Nghe nói vào những ngày Hội, đứng từ chân núi nhìn lên, ta thấy
người trèo núi và người đứng trước cửa chùa đông như một đàn kiến đang tha mồi
về tổ.
Động Hinh Bồng là một
trong những hang động đẹp ở phía nam động Hương Tích. Động có Quan Âm đài, đền
thờ Thánh Mẫu, Sơn Thần là những nơi thờ cúng rất trang nghiêm nên ít ai đến
Hương Sơn mà lại không ghé đây để cầu xin phước lộc và những điều may mắn tốt
đẹp nhất. Trịnh Sâm có một bài thơ vịnh về chùa Hinh Bồng:
Chân
núi đường xuyên một nẻo dài
Hóa công mài chuốt đã bao đời
Non xanh, nhường thấy non không đất
Suối biếc nhìn qua suối gặp trời
Đá nhuốm ráng chiều-nghìn gấm điểm
Sóng rung dải nhũ vạn châu rơi
Chim trời cá nước vui chung cảnh
Ngọn bút khôn đem tả hết lời.
(“Vịnh Núi Hinh
Bồng” do Quách Vịnh dịch)
Sau khi lễ xong trong chính điện chùa Hinh
Bồng, Uyên, Thi và Mơ bước ra ngoài đứng trong sân chùa nhìn ngắm cảnh thanh
bình, nào núi ở trên; nào thung lũng, nào cánh đồng xanh, nào suối ở phía dưới
chân núi. Mơ chỉ cho chúng tôi “thung mơ”
xa xa phủ màu hoa trắng vào mùa Xuân.
Mơ cho chúng tôi biết hoa mơ nở ngay vào
những ngày đầu của mùa Xuân. Cuối Đông mơ có nụ, chỉ đợi nắng ấm của Xuân là nở
bung ra. Người ta còn gọi cây mơ là cây mai. Nhưng cũng có những loại
cây mai chỉ có hoa mà thôi.
Tuy cây mơ, thân nhỏ, hoa mỏng manh nhưng
rễ ăn rất sâu, ăn len lỏi vào được cả khe núi đá, eo núi, sườn đá có đất hay
những khu đất có lẫn đá. Cây mơ có thể chịu được khô hạn lâu. Loài ong rất
thích hoa mơ, và mật ong từ hoa này có phẩm chất cao. Cây mơ mọc ở trên núi
Hương Sơn thì quả (trái) có cùi dày, hột nhỏ và chua thơm hơn mơ mọc ở những
nơi khác. Do đó, khi nói đến Hương Sơn là người ta nghĩ tới mơ. Mơ như một biểu
tượng, một đặc sản không thể tách ra khỏi thắng cảnh nổi danh Hương Sơn này.
Quả mơ được chia ra nhiều loại, mơ nứa quả tròn nhiều nước, mơ đào quả to đuôi nhọn có hình thù
giống trái đào, mơ chấm son vì có
chấm đỏ, mơ bồ hóng vì có những chấm
đen.
Mơ dùng làm trái cây giải khát rất tốt vì
vị chua. Tôi nhớ trong truyện Tam Quốc Chí, có một lần Tào Tháo đem quân đi
chinh chiến, binh sĩ khát nước không đi nổi nữa. Tào Tháo đánh lừa họ, chỉ cánh
rừng trước mặt nói đó là rừng mơ. Quân sĩ tưởng thật, hăm hở tiến lên, nhưng
lại không phải là rừng mơ. Ngoài việc mơ được dùng như một thứ giải khát lại còn
có thể làm rượu mơ rất ngon.
Cô Mơ còn cho biết là cây mơ có nhiều
dược tính. Gỗ cây mơ già, lấy từng thanh nhỏ nấu nước uống, mùi thơm mát. Tôi
mường tượng nó phải thơm mát như những vần thơ:
Rừng
mơ trắng, hoa mơ nhàn hạ,
Hương mơ bay, cành mơ chỉ lối ra . . .
Đường vào gần mà đường trở lui xa,
Bởi nhẹ tâm tư, đất trời thêm rộng.
. . .
Hương Tích ơi, tôi sẽ còn đến nữa,
Như hoa mơ lại đến với mùa mơ
Nâng cuộc đời hơn những ước mơ.
(Trích “Giã từ
Hương Tích” của Yến Lan)
Mà
vẫn bàng hoàng như giữa mộng,
Mơ hay là thực, hỡi hoa mơ?
Mơ trong thung lũng, mơ trên núi,
Hoa bạch trong ngần vạn điểm thơ.
(Trich “Thăm Cảnh Chùa Hương” của Xuân Diệu)
Khi leo núi, có những đoạn dễ đi, tôi và
Thi lại có cơ hội nắm tay nhau cùng đi như dung dăng dung dẻ nên thấy đường đi
như được ngắn hơn và dốc núi cũng trở nên ít cao hơn.
Có lẽ
vì đã leo núi quen từ hôm trước, lại quen sử dụng cây gậy chống nên hôm nay mọi
người có vẻ cảm thấy ít mệt hơn. Dù sao chúng tôi đều ở tuổi thanh xuân, có mệt
thì chỉ cần nghỉ ngơi ít phút là lại có thể hồi sức ngay để tiếp tục cuộc hành
trình, nhất là trong lòng mọi người đều hăm hở đi tìm những cái đẹp mới lạ của
cảnh vật thiên nhiên.
Khi trở lại bến đò Thiên Trù, chúng tôi
nghỉ ở đây để dùng cơm trưa. Tôi thấy Uyên và Mơ cứ quấn quýt nói chuyện với
nhau nên tôi có dịp ở bên Thi nhiều hơn.
Sau bữa cơm trưa, chúng tôi thả bộ đi xem
những gian hàng bán đồ vật kỷ niệm. Tôi ghé vào tai Thi nói nhỏ:
- Anh muốn tặng cho Uyên và Mơ, mỗi người
một cái vòng đá đeo tay làm kỷ niệm chuyến đi chơi này. Em nghĩ thế nào? Có
tiện không?
- Thế cũng phải anh ạ! Thôi để em
lo việc này cho anh nhé!
Thi hỏi:
- À, thế anh thích tặng mấy chị ấy vòng đá mầu gì?
- Mầu gì cũng được, nhưng hai cái vòng đó phải màu giống nhau. Nhưng có
một điều nó không phải là mầu xanh ngọc bích là được. Với Thi thì phải do chính
tay anh chọn mới được.
- Anh thật khéo nịnh! Những cô học trò
anh dậy học kèm chắc phải có nhiều cô “chết vì anh”. Thi nhìn thẳng vào mắt tôi
cười tủm tỉm như hỏi “Có đúng không?”.
- Ừ, đúng rồi, anh kèm nhiều cô học trò thông minh lắm, lại xinh đẹp nữa
và tất nhiên là có cô muốn “chết vì anh” rồi, nhưng anh thì lại chỉ chết bởi một
“cô bé con” thôi. Tôi cười rồi “bẹo” vào má Thi.
Thi nguýt tôi một cái thật dài rồi chạy đi mua hai vòng đá để tặng cho
Uyên và Mơ. Tôi tự hỏi tại sao lần đi chơi này, Thi lại trở nên một cô gái
“trưởng thành” và “cởi mở” một cách đến không ngờ như thế. Lý do nào đây nhỉ?
Tôi cứ băn khoăn về điều này mà không giải thích được. Con gái mới lớn, lúc thế
này, lúc thế khác, tâm tính họ cứ thay đổi như chong chóng. Thôi cứ kệ! Ta lờ!
Thi rảo một vòng khu “chợ” rồi gọi tôi
lại một gian hàng hỏi ý:
- Cặp vòng này được không anh?
- Em đã nói là để cho em lo, em còn hỏi
anh làm gì nữa! Tôi đáp.
- Em chọn cặp này! Thi vừa rút tiền ra trả
thì tôi ngăn lại.
- Để anh trả vì anh mua tặng mà!
Bà hàng gói hai vòng đá vào giấy nhật
trình rồi đưa cho Thi.
Tôi hỏi Thi:
- Em mua gì thêm không?
- Không ạ. Em đã mua quà tặng cho anh từ
hôm qua rồi. Thi đưa tay lên miệng nàng ra dấu như ngăn tôi không được hỏi
thêm.
- Anh cũng thế! Tôi cũng đưa tay lên môi
mình như ra dấu không cho Thi hỏi thêm.
Hai chúng tôi cùng cúi đầu để “cụng đầu”
nhẹ vào nhau rồi cười như biểu lộ hai “ý lớn gặp nhau” hay hai ta cùng “ý hợp,
tâm đầu”. Thi giả vờ đưa hai tay lên xoa trán, phụng phịu nhõng nhẽo:
- Đầu anh cứng quá hà!
- Ừ anh thuộc loại cứng đầu mà.
- Không phải! Đầu anh cứng chứ không phải
anh cứng đầu.
Thi cười rồi nắm tay tôi kéo đi. Nắm tay
kéo đi như thế này là một cử chỉ Thi thường làm với tôi khi nàng còn bé. Lúc ấy
Thi như con chim nhỏ. Ấy đấy, rồi một hôm, lúc Thi kéo tay tôi đi như thế, tôi
lại bất chợt cảm thấy như có cái gì ấm áp, mềm mại trong bàn tay ấy để tôi phải
nhớ nhớ thương thương cứ như một định mệnh đã được an bài, nó đã vượt ra khỏi
tầm lý trí của tôi.
Chúng tôi quay lại bến đò. Uyên và Mơ đã
đứng đợi dưới đó.
Chúng tôi xuống thuyền, ngược dòng suối
Yến, trở về lại qua Đền Trình-Ngũ Nhạc, qua bến Yến rồi bến Đục, để cuối cùng
đến bến đò Phú Yên. Bến đò Phú Yên thuộc xã Phú Yên.
NGUYỄN GIỤ HÙNG
Ghi chú:
(1)
Trong bài “Phong cảnh Chùa Hương”- Chu Mạnh Trinh
Mời đọc lại
Đi Chơi Chùa Hương
*/ Chương Giới Thiệu
https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/04/i-choi-chua-huong-nguyen-giu-hung.html
*/ Chương I: Đi Chơi Chùa Hương - Tuyến Chùa Hương Tích
Tuyến Chùa Hương
Tích - Phần 1
https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/05/i-choi-chua-huong-nguyen-giu-hung.html
Tuyến Động Hương Tích - Phần 2
https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/05/i-choi-chua-huong-phan-2-nguyen-giu-hung.html
Tuyến Động Hương
Tích - Phần 3
https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/06/i-choi-chua-huong-phan-3-nguyen-giu-hung.html
*/ Chương II: Đi
Chơi Chùa Hương - Tuyến Chùa Hinh Bồng
Mời đọc tiếp Chương III
No comments:
Post a Comment