Tuesday, June 6, 2023

Đi Chơi Chùa Hương - Phần 3 - Nguyễn Giụ Hùng


CHƯƠNG I

TUYẾN CHÙA HƯƠNG TÍCH

                         Phần 3                           

TRỞ VỀ BẾN YẾN

      Về tới bến đò Trò, tức bến đò Thiên Trù, chúng tôi hy vọng sẽ về đến Bến Đục sớm để còn có thì giờ đi thuê nhà trọ.

      Chúng tôi đứng đợi ở bến đò để chờ Mơ đi lấy thuyền. Mơ cứ đi thoăn thoắt như chạy và chúng tôi cảm thấy may mắn đã có cô đi theo nên cuộc đi chơi trở nên vui hẳn lên nhiều.

      Mơ đã chèo thuyền tới, chúng tôi cùng lên thuyền. Cô lại làm công việc của mình đưa chúng tôi trở lại bến đò Yến. Mơ đứng chèo ở dưới đuôi thuyền, nhìn trời mênh mông và im lặng không nói câu nào với chúng tôi. Vẻ mặt buồn buồn.

       Cả ba chúng tôi đều nhận ra điều ấy nhưng không ai dám lên tiếng hỏi nguyên cớ tại sao. Để phá cái không khí im lặng ấy, tôi lên tiếng hỏi:

      - Các cô có biết rặng núi đá vôi này có từ bao giờ? Và con người có mặt ở khu vực này từ bao lâu rồi không?

     Không đợi câu trả lời của mọi người tôi nói tiếp:

     - [Dẫy núi vôi Hương Sơn được thành hình cách đây khoảng hơn 200 triệu năm. Do sự biến đổi trồi sụt của địa chất nên những dẫy núi đá vôi, những thung lũng chung quanh, cũng như cánh đồng chiêm này được thành hình. Còn bên trong, núi nứt thành khe, mưa theo khe chảy vào chỗ trũng, nước có khả năng ăn mòn và hòa tan đá để thành động. Với hàng triệu năm, hay hàng chục vạn năm, chất vôi theo nước tạo thành nhũ đá. Nhũ đá từ trên trần chảy xuống gọi là “”, từ dưới đất mọc lên được gọi là “măng”. “Vú” và “măng” dính vào nhau gọi là “cột Nước mưa từ trên núi đổ xuống, ngoài ra nước dưới đất lại có những mạch ngầm tụ lại chảy thành sông, thành suối. Nếu nơi đất nào có đá vôi già không ngấm nước nhiều thì tạo thành những dòng suối chảy trên mặt như suối Yến này] (1)

      Tôi ngừng lại để nhìn mọi người rồi nói tiếp và tôi biết rõ trong số các cô chỉ có Uyên là chịu lắng nghe:

      - [Về chuyện loài người có mặt trên vùng đất Hương Sơn này từ bao giờ thì anh chỉ dám vắn tắt như thế này: Chúng ta biết rằng, vùng núi đá vôi này có nhiều động. Mà người tiền sử thì sống trong hang động. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy “rìu đá” của thời văn minh Hòa Bình-Bắc Sơn nên đã chứng minh là từ hơn 10 nghìn năm nay đã có mặt của dân định cư trên khu vực này rồi. Và ta cũng nên biết trong thời gian trước “biển tiến” và “biển lùì (2), vùng này có thể đã có nền “văn minh lúa nước(2) đã được phát triển trên những cánh đồng chiêm của Hương Sơn. Ngoài ra, từ những di chỉ khảo cổ vùng này, người ta đã tìm ra được vài trống đồng (2) nằm rải rác ở vùng Hương Sơn. Điều này chứng tỏ vào thời các đời vua Hùng Vương, khu vực này đã có đông dân cư. Và có điều cũng dễ hiểu thêm là trong đền Trình có tượng thờ vị tướng quân thời các vua Hùng. Người ta đã khám phá ra động Hương Tích này vào khoảng 2000 năm rồi] (1)

      Mơ bây giờ mới lên tiếng:

      - Em xấu hổ quá vì em không hiểu nổi những điều anh nói!

      - Cô Mơ ơi! Tôi cũng xấu hổ quá vì tôi không biết chèo thuyền và không biết nhiều về Hương Sơn như cô. Tôi trả lời.

      Mơ nghe tôi nói, cứ cười khanh khách:

      - Anh khéo thật! Các anh chị đúng là người ở Hà Nội.

     Tôi có dịp làm vui Mơ:

      - Này cô Mơ này! Tôi đọc cho cô nghe mấy câu thơ của những thi nhân đi qua đây chơi, viết tặng cho những cô lái đò xinh đẹp nhé.

          Cô lái ơi, đò cô đu võng,

          Nhịp thở bồng bềnh suối nước trời xuân,

          Làn tóc mai bay nhẹ lâng lâng

          Như cuốn theo những hoa chào chim nói

         ...

          (Trích “Giã Từ Hương Tích” của Yến Lan)

         

          Mắt ai xanh bến Yến,

          Bướm người: áo trắng tinh,

          Tay cầm chèo cô lái

          Dáng chờ nhìn đến xinh.

          (Trích “Đi Chùa Hương” của Phạm Hổ)

      Uyên và Thi nhìn Mơ đồng vỗ tay reo:

      - Nhà thơ viết về chị Mơ đấy! Chị Mơ làm các ông nhà thơ mê tít.

      Mơ cứ cười tít cả mắt:

      - Không phải là em! Không phải là em đâu!

      Chúng tôi cùng cười rộ trêu Mơ làm Mơ cứ cười mãi.

      Câu chuyện giữa chúng tôi lại nổ ran, trọng tâm là nhắm mũi dùi vào Mơ.

     Thuyền đã đi ngang qua đền Trình, chẳng còn bao lâu nữa chúng tôi phải chia tay với Mơ. Mơ hiện vẻ buồn trên nét mặt. Uyên lên tiếng hỏi:

      - Sao chị Mơ đang vui lại chợt buồn thế?

      Mơ nghẹn ngào trả lời:

      - Em sắp sửa phải chia tay các anh chị rồi. Ai về nhà nấy. Hôm nay em được đi chơi với các anh chị, vui quá. Bao giờ mới có cơ duyên gặp lại các anh chị lần nữa để cùng đi chơi với nhau như ngày hôm nay.

      Cả ba chúng tôi đểu cảm thấy bùi ngùi và cảm động trước tấm lòng ưu ái của Mơ. Tôi lên tiếng:

      - Hay ngày mai, nếu có rảnh, cô Mơ lại đưa thuyền cho chúng đi chơi thêm được không?

      Mơ vui mừng như muốn nhẩy lên:

     - Các anh chị còn ở lại đây chơi tới ngày mai nữa à?

      Uyên trả lời:

      - Vâng chúng em định ở thêm một ngày để đi thăm cho biết rõ Hương Sơn hơn. Chẳng mấy khi có dịp về đây.

      Mơ hỏi nhanh:

      - Thế tối nay anh chị định ngủ trọ hay có người nhà ạ?

      Uyên trả lời:

      - Chúng em định ra thuê phòng trọ ở Bến Đục.

      Mơ tíu tít:

      - Em đề nghị thế này. Em mời các anh chị về nhà em ngủ cho đỡ tốn tiền. Nhà em nay có hai buồng trống. Mẹ em và thằng Sơn, em trai của em, đi ra thị xã Hà Đông thăm ông chú em bị ốm, ngày kia mới về. Thôi về nhà em ngủ đi. Em nấu canh sắn với củ mài cho anh và các chị ăn. Em nấu cơm cũng ngon lắm đấy.

      Chúng tôi cứ ngần ngừ chưa quyết định thế nào thì thuyền đã tới bến Yến. Mơ nhảy lên bờ, chặn lại không cho chúng tôi xuống thuyền:

      - Nếu các anh chị không về ở nhà em, em không cho các anh chị xuống thuyền đâu!

      Chúng tôi biết tính Mơ thật thà như đếm. Cô mời như thế là mời thật lòng. Mơ dành cho chúng tôi tấm lòng ưu ái như thế nên cũng khó từ chối.

      Tôi trả lời Mơ:

      - Ừ, thôi mình đã là người nhà, cô Mơ cho chúng tôi ngủ nhờ một đêm nhé. Ngày mai chúng ta đi chơi chung với nhau cho tiện.

      Nghe thấy tôi nói thế, Mơ nhanh nhẩu kéo thuyền vào bờ cho chúng tôi lên.

      Sau khi neo thuyền, Mơ lon ton đi lên phía trước dẫn đường. Đi khoảng trăm bước từ bến Yến, rẽ trái vào một ngõ nhỏ, và cũng chỉ độ năm chục bước nữa là tới nhà Mơ.

      Nhà Mơ, mới trông thoáng bên ngoài, chúng tôi đã thấy khang trang và rộng rãi lắm. Mái nhà đều lợp bằng ngói đã cũ kỹ rêu phong. Hai bên cổng vào, phía bên ngoài, là hai cây hoa ngâu khá to được trồng trong chậu sành lớn. Qua cổng gỗ hai cánh có mái thì tới sân gạch sạch sẽ và tiếp tới là ngôi nhà trên có bậc tam cấp. Hai bên bực thềm tam cấp có hai chậu trồng cây cảnh (kiểng) uốn. Từ phía cổng bước vào, bên trái của sân là nhà ngang, bên phải của sân là nhà bếp và nhà tắm lộ thiên được xây bằng gạch nằm bên hông nhà bếp. Cuối sân có bể nước. Bên cạnh bể nước là hai chum sành màu nâu đen với cặp gáo dừa bắt ngang miệng chum.

      Đây là căn nhà có dáng vẻ kiến trúc tiêu biểu của giới trung lưu thuộc làng xã miền Bắc. Vào tới gian nhà chính, nhà gồm ba gian hai trái. Tôi khen:

      - Nhà cô Mơ đẹp quá!

      Mơ vừa mời chúng tôi ngồi chơi ở nhà trên vừa nói:

      - Đây là nhà của ông bà ngoại em để lại cho thầy u em trước khi mất. Nay nhà em nghèo lắm nên chỉ còn có cái xác nhà đó thôi. Thầy em đi làm xa trên mạn ngược, vài tháng mới về nhà một lần, ở nhà độ non một tháng rồi lại bỏ đi. Thầy em mang tiền về, mẹ em tần tảo và chúng em đi làm phụ thêm vào nên cũng tạm sống qua ngày.

      Mơ tiếp:

      - Các anh chị đi tắm đi. Em đi thổi cơm. Có các anh chị ở lại chơi, em mừng lắm. Nếu không, đêm nay em phải ở nhà một mình.

      Mơ vừa bước đi vài bước chợt quay lại:

      - Đêm nay hai chị ngủ buồng mẹ em nhé, có giường rộng. Anh ngủ buồng thằng Sơn, em của em.

      Tôi liếc nhìn quanh nhà, thấy chỗ nào cũng sạch sẽ và tươm tất cả, mặc dù mọi thứ đồ đạc rất đơn sơ và cũ kỹ. Một giò lan rừng treo ngay giữa nhà tỏa hương thơm dìu dịu và thanh khiết. Trên bàn thờ kê sát tường gian giữa, ngay phía trước có một chiếc lư đồng với hai cây thắp nến bằng đồng đứng hai bên lư. Phía trong cùng bàn thờ là tượng Phật Bà ngồi trên bệ bằng gỗ sơn son đã có chỗ tróc sơn. Hai bên tượng Phật Bà là hai bình hoa sứ cao cổ đựng những chùm hoa sen bằng giấy, cùng đấy với những bức di ảnh của người quá cố. Ngay sát dưới chân bàn thờ, đứng lẻ loi một chiếc “độc bình”. Bộ bàn gỗ với sáu cái ghế dựa mộc mạc nằm giữa gian chính. Hai bên gian nhà chính là hai gian nhà phụ, nhỏ hơn gian chính. Mỗi gian phụ đều được kê một bộ “ghế ngựa” (giường gỗ ghép bằng những tấm ván dầy). Trên vách được treo bức tranh “ông hổ”, một tấm ảnh lớn gia đình đã ngả màu và vài bức tranh Đông Hồ. Một bức tranh tố nữ lớn hơn cả treo bên cạnh chiếc đồng hồ “quả lắc” cũ kỹ với quả lắc đang đong đưa đều đặn.

Tranh ông Hổ

      Tôi tò mò nhìn ra sau nhà là vườn rau, có vài cây ăn trái lớn.

      Uyên và Thi ra Bến Đục mua thêm vài món thức ăn. Thế là xôi tôi mang đi lúc buổi sáng và vài cái bánh mua ở bến đò Thiên Trù chưa được đụng tới. Lại còn cả vài quả quít và cam mang theo mà chưa ai ăn nữa.

      Chỉ một loáng, Uyên và Thi đã trở về với vài món thức ăn đã nấu sẵn. Tôi để Uyên và Thi đi tắm trước rồi mới tới tôi. Khi đến lượt tôi tắm xong, ba cô đã dọn sẵn mâm cơm đặt trên chiếc chõng tre giữa sân. Trời còn đủ sáng nên không cần đèn.

      Trong bữa cơm, chúng tôi nói chuyện với nhau thật vui và cười ròn rã với những câu chuyện kể của Mơ. Mơ thật thà nên câu chuyện cô kể, ai cũng tin ngay. Thật thà đến độ có lúc chúng tôi phải ngừng đũa trố mắt lên để nhìn Mơ.

      Mơ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện khi cô lên Hà Nội giúp việc, làm chúng tôi vừa buồn cười lại vừa thương. Mơ kể chuyện có duyên theo những bộ điệu cô diễn tả:

      - Năm kia, có một người quen với thầy em, giới thiệu em đi làm cho một tiệm phở ở Hà Nội. Lúc đó em đã 16 gần 17 tuổi rồi. “Gái mười bẩy bẻ gẫy sừng trâu” mà, em làm việc gì cũng được và dù có phải đi làm xa nhà em cũng đâu có sợ. Em hăng hái xin mẹ em cho em đi làm, hầu giúp gia đình sống dễ dàng hơn. Được lên Hà Nội cũng là điều mơ ước của em mà. Phải nói mãi, sau cùng mẹ em mới chấp thuận cho em đi làm việc xa nhà.

      Thế là em lên Hà Nội ngay. Công việc của em dễ lắm, chỉ phụ dọn dẹp, rửa chén bát cho tiệm phở. Tối đến, em phụ bà chủ thổi cơm. Hôm nào rảnh rỗi thì em giặt quần áo cho cả nhà. Công việc trôi chảy được tháng đầu. Cuộc sống của em đã dần được ổn định với công việc của mình.

      Sang tháng thứ hai thì bắt đầu có chuyện. Ông bếp chính nấu phở thấy em còn trẻ, nên cứ nói bóng nói gió là em lấy ông ấy đi, ông ấy sẽ nấu phở cho em ăn cả đời. Em nói là ông đã có vợ con rồi nên tôi không thèm ăn phở của ông. Ông ấy cứ lải nhải như thế. Một hôm tức quá, em “gầm” lên với ông ấy. Từ hôm đó ông ấy tịt luôn không dám trêu ghẹo em nữa. Hết ông bếp chính lại tới anh chàng bếp phụ. Anh ta hơn em một hay hai tuổi cũng tán tỉnh em. Anh ta nói thích em. Em trả lời là tôi không thích anh. Anh ta hỏi tại sao em không thích anh ta. Em trả lời em không thích người hay ăn vụng. Mấy lần em bắt gặp anh ta ăn vụng trong khi thái thịt phở. Anh ta cứ nhìn trước nhìn sau, hễ không thấy bóng chủ là anh ta bỏ ngay mấy miếng thịt phở chín vào mồm nhai ngấu nghiến rồi nuốt chửng. Thấy cảnh chướng mắt nên em ghét anh ta lắm.

      - Thế tại hai người đó Mơ mới nghỉ việc hả? Tôi hỏi.

      - Không phải! Hai người đàn ông đó em đâu có sợ. Em nghỉ việc là vì bà chủ cứ suốt ngày mắng em là “đồ nhà quê”. Công việc có khi chẳng dính dáng gì tới quê hay tỉnh, thế mà bà ấy vẫn cứ mắng em là “đồ nhà quê”. Em nhớ hôm đó, khách đông lắm, em rửa bát không kịp, bà chủ bắt em chỉ tráng nước sơ qua thôi rồi lau khô đem lên cho khách. Em thấy bẩn quá nên em cứ phải rửa hai lượt, lượt rửa, lượt tráng nước sạch, rồi mới lau khô đem lên. Bà chủ tức giận cứ rít lên mắng em là “đồ nhà quê” Em buồn quá, tối hôm đó em thưa với ông chủ em xin nghỉ việc. Ông chủ thương em lắm, ông nói   ông biết hết mọi chuyện ở trong nhà xẩy ra cho em. Ông thuận cho em nghỉ việc và trả cho em đủ nửa năm lương. Em làm có ba tháng nên em chỉ nhận có ba tháng thôi. Ông chủ nói ông trả cho em ba tháng, nhưng số còn lại ông gửi về biếu cho thầy u em. Em cảm ơn lòng tốt của ông. Hôm sau, ông chủ chở em ra bến xe để về nhà. Ông chủ còn dặn khi nào muốn lên làm việc, ông sẽ nhận cho em làm lại. Về tới nhà em tủi thân, nằm khóc tới mấy ngày.

      Nghe câu chuyện Mơ kể tôi nhận ra một điều, dưới những tiếng cười vui của khách hành hương, dưới cái đẹp kỳ thú của thiên nhiên, dưới cái từ bi của Phật Bà, còn bao mảnh đời khốn khổ hòa lẫn trong đó mà ta chưa thể nhận ra. Dù sao đi nữa, Mơ còn có cha, có mẹ, có căn nhà khang trang để ở, có tình thương của mái ấm gia đình, có chỗ đi về. Còn biết bao nhiêu những cô lái đò khác trên suối Yến kia hay biết bao nhiêu người dân Hương Sơn nữa, không phải họ chỉ khó khăn trong cuộc sống không thôi mà thật sự họ còn là những mảnh đời khốn cùng không lối thoát. Tôi thật ngậm ngùi cho những con người ấy. Họ sống trong bùn lầy nước đọng và họ như đang bị bỏ quên trong xã hội loài người. Có những con người chấp nhận sự thiệt thòi của họ như một định mệnh, như một sự an bài sẵn có. Họ tin là họ không bao giờ có thể vượt thoát ra được những khắc nghiệt họ đương phải gánh chịu, chỉ trừ Giời Phật mới có thể mang sự may mắn tới cho họ như một phép mầu mà thôi. Thật đáng thương thay!

      Cơm nước đã xong, ba cô đã dọn dẹp chu tất. Chúng tôi ngồi nói chuyện gẫu đôi ba câu chuyện vãn dưới ánh đèn dầu leo lắt mới được mang ra. Trời đã dần tối mịt. Vì là đầu tháng nên trên bầu trời không một ánh trăng. Cảnh vật chìm trong bóng đêm. Tôi nhìn Thi đang tư lự, im lặng ngắm nhìn ngọn đèn dầu lung linh. Thỉnh thoảng Thi lại liếc nhìn tôi mỉm cười rất nhẹ. Thoảng nhẹ như mùi hương thơm của nhánh lan rừng trong nhà.

      Tôi đề nghị mọi người đi ngủ sớm để dành sức đi chơi ngày mai. Mọi người chia tay, ai về buồng nấy. Buồng ngủ của Mơ ở nhà ngang.

      Tôi nằm trằn trọc mãi trên giường mà không sao ngủ được. Tôi ngồi dậy lấy đôi nhẫn tôi mua đem ra mân mê rồi bỏ lại vào ba-lô. Tôi tưởng tượng ra cảnh tôi đeo vòng tay và nhẫn cho Thi. Giờ này chắc mọi người đã ngủ. Nằm trằn trọc một lúc lâu tôi mới ngủ thiếp đi được.

 

      Ghi chú:

(1)   Những đoạn trong dấu ngoặc [ ] được lược trích ý từ cuốn “Thắng Cảnh Hương Sơn” của tác giả Trần Lê Văn.

(2)   Được viết rõ trong bài “Đi Thăm Thành Cổ Loa” của NGH.

 

Mời đọc lại


Đi chơi Chùa Hương-Phần 1

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/05/i-choi-chua-huong-nguyen-giu-hung.html

 

Đi chơi Chùa Hương-Phần 2

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/05/i-choi-chua-huong-phan-2-nguyen-giu-hung.html

 

Mời đọc tiếp Chương II

No comments:

Post a Comment