Thursday, October 24, 2013

Đừng Được Nắng Rồi... Quên Mưa - Phụng Linh/ Viễn Đông (Ghi Theo Lời Kể)

Anh là người con trai duy nhất của gia đình vượt biển tìm tự do, tưởng chết sau nhiều ngày lênh đênh trên biển dữ.

Anh tỉnh dậy và thấy mình đang nằm trên vai một người mặc chiếc áo đồng phục Hội Hồng Thập Tự. Người ấy xốc anh lên, chạy dọc theo ven biển của đảo xanh.

redcross volunteer
 
Sống sót, được một gia đình cư dân Mỹ nhận làm con nuôi, Steve Hòa Phạm đi học, đi làm. Dấu hiệu chữ thập đỏ trên chiếc áo ân nhân in đậm trong trí nhớ đã thúc đẩy anh lao vào công việc thiện nguyện ngoài giờ làm ở hãng, đêm đêm xách nôi hai con nhỏ đi họp thay vợ bận đi làm.
 
Có người bảo ra ứng cử vào hội đồng thành phố nhưng anh nói "không". Anh thật sự hài lòng khi trở thành nhân viên Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ năm 2005, một nghề "tiền ít, việc nhiều". Anh hạnh phúc vì người bạn đời của anh không ngăn cản chồng ngày đêm lo lắng cho người khác, nhất là cộng đồng Việt Nam mình. Chị hiểu anh rất rõ: một người sẵn lòng sống chết với tha nhân, ngoài trách nhiệm trước hết đối với vợ con.
Xưa...
 
Tôi còn nhớ, vào mùa Thanksgiving, một gia đình Mỹ đến trại tị nạn mở rộng vòng tay đón tôi về nhà. Buồn cười là thấy tôi đi một mình, lúc đó tôi khoảng 19 tuổi, phái đoàn Mỹ hỏi "sao mày đi một mình?". Một lý do thôi, tôi một mình vượt biển sau năm 1975 trong khi bố và anh ruột - quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, đang ở tù cộng sản.
 
Tôi đến Mã Lai, được phái đoàn Mỹ phỏng vấn, chấp thuận cho chuyển trại đến Phi   Luật Tân rồi sang Nam California. Cám ơn đất nước này rất nhiều, cám ơn những người sẵn sàng cưu mang tôi mặc dù họ không biết tôi là ai. Tôi cám ơn thượng đế cho tôi đến được mảnh đất này, được người dân Mỹ nhân hậu mở cửa đón tôi về nuôi. Hồi đó tôi không biết tiếng Anh nên nói chuyện với mẹ và các anh chị em người Mỹ phải ra dấu nhiều hơn.
 
Có lần tôi đem cất quả chuối xanh, đến khi đoán đã tới độ chín vàng có thể ăn được thì không thấy đâu. Lục mãi mới nhìn thấy quả chuối trong thùng rác. Họ nói "chuối hư rồi, làm sao ăn?" Tôi nói: "Không, chuối chín vàng rục thì tôi mới ăn được". Tập quán Mỹ - Việt khác nhau nhiều lắm. Có món tôi phải dùng đũa mới ăn được.
 
Tôi luôn nhủ lòng "đừng được nắng rồi quên mưa". Tôi thường tự hỏi "nhờ đâu mình được như ngày hôm nay cho nên luôn cố gắng làm được gì cho người khác hôm nay thì ráng làm". Mình không mang đôi dép của người ta thì sẽ không hiểu hoàn cảnh của họ. Vì vậy mà tôi không tiếc công lao giúp đỡ người khác, xem Hoa Kỳ là quê hương thứ hai của mình.
 
Người mẹ nuôi của tôi tên Jessica Griswold, có 4 người con. Khi chưa gặp tôi, mẹ nuôi bị hư thai. Bác sĩ nói nguyên nhân vì bà lớn tuổi và khuyên đi kiếm con nuôi. Bà âm thầm tới văn phòng xã hội, được hướng dẫn đến dò tìm con nuôi trong danh sách người tị nạn. Bà gặp và đưa tôi về ở tại thành phố Pasadena, đặt cho tôi tên Steve - thay cho đứa con đã mất khi còn trong bụng mẹ. Sau này bà bị bệnh Parkinson, dọn về tiểu bang Virginia ở với người con gái. Tôi sống với gia đình Mỹ được mười mấy năm, đi học, đi làm, lấy vợ rồi mới tách ra. Tôi nghĩ, từ đôi bàn tay trắng nay có nhà cửa, vợ con đàng hoàng, có công ăn việc làm, còn muốn gì nữa...
 
Thời gian đầu, gia đình mẹ nuôi gọi tôi tên Hòa. Về sau, bà khuyên tôi nên lấy tên Mỹ cho dễ nói chuyện và bảo tôi chọn tên Steve. Khi tôi nhập tịch, Hòa là tên đệm, tên chính là Steve, nguyên tên họ là Steve Hòa Phạm.
 
Gia đình Mỹ cho tôi nhiều thứ trong khi nhìn quanh mình, tôi thấy có nhiều người Việt Nam có 2 - 3 căn nhà nhưng không muốn mở cửa giúp người tị nạn. Vì vậy mà tôi nghĩ mình cần phải lo toan để giúp người khác, mà nghĩ thì làm chứ không phải nghĩ rồi để đó.
 
Khi bị bệnh nặng lại sắp sang tiểu bang khác với người con gái, bà gọi tôi đến bên giường hỏi xem "có gì buồn lòng không". Tôi nói "không". Bà tâm sự rằng làm cha mẹ không bao giờ hoàn hảo, ngoài 4 đứa con ruột, 2 trai, 2 gái, bà phải săn sóc tôi và hãnh diện vì tôi là một người công dân tốt. Bà nhắc tôi nhớ ngày đầu tiên gặp tôi, mấy đứa con ruột của bà trố mắt nhìn tôi, không hiểu tại sao bà lại đón một thằng bé châu Á da vàng mũi tẹt về nhà. Bà dặn dò tôi: "Sau này có cơ hội thì giúp lại cho người khác mà không đòi hỏi điều kiện gì hết".
 
Tôi quỳ xuống giường khóc và hứa với bà. Lời hứa đó là động lực thúc đẩy tôi hy sinh vì tha nhân. Tôi nhớ lời dặn dò của bà, "người mày mà mày không thương thì đừng mong dân tộc khác thương yêu dân tộc mày".
 
Ở gia đình mẹ nuôi, tôi đi học, đi làm. Mỗi đứa ở riêng, tự lo giặt giũ. Nhiều tháng trong túi tôi chỉ còn vài đồng bạc. Nhiều dịp cả nhà đi coi phim với nhau theo lệ hàng tháng, tôi không có tiền mua vé, giả vờ nói "phải ở nhà làm bài".
 
Một hôm bà vô phòng tôi đóng cửa lại và hỏi, "Có phải con không có tiền đi xem phim không?". Tôi ôm bà nói: "Mẹ đúng là mẹ nên mới hiểu con". Bà nói: "Mẹ không thể cho con tiền trước mặt những đứa con khác được mà chỉ có thể cho lén lút như thế này", và bà cho tôi tiền để sau đó tôi cùng đi xem phim với các anh chị nuôi của mình.
 
Tôi vẫn nhớ câu bà nói: "Mẹ giúp con mà không đòi hỏi gì hết và không cần biết con là ai".
Tôi làm thợ tiện, sáng đi học, chiều về đi làm bằng xe bus. Bà theo đạo Tin Lành, tôi là người Công Giáo. Cuối tuần bà chở tôi đến nhà thờ của bà trước, sau đó chở tôi đến nhà thờ Công Giáo. Rồi trong khi chờ tôi dự lễ, bà chở con của bà đi shopping. Bà cũng ân cần hỏi tôi có cần đi shopping không.
 
Khi có gia đình, ai cũng nghĩ đến gia đình trên hết. Thật ra, tôi đến với Hội Hồng Thập Tự vì một cơ duyên. Tôi vẫn nhớ mình đã đi trên một con tàu trải qua 4 ngày đêm trên biển hết cả nước. Thuyền trưởng bảo mọi người cầu nguyện.
Tất cả đều ngất xỉu. Tôi cũng đã bất tỉnh. Chúng tôi được một chiếc tàu lạ kéo vào bờ biển Mã Lai. Khi tỉnh lại, tôi thấy có người đang xốc, vác mình trên vai. Họ vác mọi người từ tàu lên bờ, vất nằm thành một đống.
 
Người cứu tôi thoát chết là một nhân viên Hội Hồng Thập Tự. Tôi không quên hình ảnh đó, tới bây giờ bỗng dưng làm việc cho Hồng Thập Tự, mặc đồng phục Hồng Thập Tự đi làm, nghĩ ngộ quá. Đúng là quả đất tròn. Tôi luôn hãnh diện về công việc của mình hiện nay.
 
Trong thời gian đầu, tôi làm thảo chương viên điện toán, vừa học vừa làm, suốt 17 năm. Thời gian rảnh đi làm thiện nguyện viên, săn sóc các ông bà cụ ở nhà dưỡng lão, những nơi cần được giúp đỡ.
 
Đến năm 2005, Hội HTT tuyển người, cơ duyên đưa tôi vào Hội. Tôi là người nộp đơn cuối cùng và cũng là người được nhận cuối cùng. Họ nói lương không cao. Tôi thảo luận với vợ để cô hiểu công việc này cực và tiền bạc ít, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới ngân khoản tài chính gia đình. Thế nhưng vợ tôi nói: "Em hiểu anh, trái tim anh luôn dành cho những người đau khổ", và cô chấp nhận cho tôi làm việc này, bớt đi nhiều thú vui chơi.
 
Thu nhập ít đi, nhưng tôi thấy hạnh phúc. Sau giờ làm việc cực nhọc, tôi về nhà, lăn ra ngủ như một đứa trẻ thơ, không suy nghĩ gì hết. Có những đợt đêm nào tôi cũng làm việc tới khuya để giúp người bị cháy nhà. Về nhà lúc 2 - 3 giờ sáng, tắm rửa xong lại lăn vào giường ngủ liền, có lẽ nhờ không lo phiền, không ganh đua với ai. Đó là phần thưởng quý báu mà Thượng đế dành cho tôi chăng. Tôi thấy có người làm việc lắm tiền nhiều của, nhà cao cửa rộng nhưng đêm đêm nằm vắt tay lên trán.
 
Sau biến cố 911, đất nước cho mình đủ thứ lại gặp nhiều nạn tai, tôi ôm con đi họp đêm để hỗ trợ công tác từ thiện, có lúc phải xách con đi họp vì bà xã làm đêm. Tôi cho mỗi đứa cái bình sữa để chúng nằm yên cho mình họp. Mỹ nói "no pain, no gain", từ khổ sở mới thấy hạnh phúc của mình là quý giá.
 
Ba ruột của tôi sang Mỹ được một năm thì mất. Hai năm sau, mẹ ruột tôi cũng qua đời. Khi mẹ mất, tôi và các anh đưa hài cốt bà cụ về Việt Nam. Tôi chỉ về Việt Nam đúng một tuần. Hai người anh, hai người chị ruột của tôi đều đã ở bên này, thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp nhau.
 
Tôi may mắn có hai cha mẹ Việt và Mỹ. Tôi học được bài học cách giáo dục, săn sóc con cái từ người mẹ Việt Nam của mình. Lúc nào cũng phải nghĩ tới vợ con. Mình đã tạo ra nó thì mình phải có trách nhiệm với nó. Khi có vợ con thì phải lo cho gia đình. Xây dựng hạnh phúc gia đình ở đây khó lắm vì gia đình Việt phải sống hai nền văn hóa có nhiều dị biệt. Một số gia đình tan vỡ vì không thích nghi được hoàn cảnh mới.
 
Bố ruột tôi vẫn khuyên: "Người tốt ít lắm và người xấu không mời cũng tới". Hồi xưa bố ruột hay đưa tôi đến trại cải huấn, muốn con nhìn gương mà tránh, học bài học từ những thiếu niên lỡ lầm. Ông khuyên tôi thấy người khác làm sai không nên coi họ là người thấp hèn để khinh chê, mà thấy để tránh đi vào con đường đó.
Sang đây tôi lại học được rất nhiều ở bà mẹ Mỹ... Lúc rỗi rảnh, bà ngồi tâm sự, kể chuyện để nhắc nhở tôi luôn về gương hy sinh cho tha nhân.
 
Tôi nghĩ rằng người Việt Nam mới qua thường mặc cảm đến sau, trong thời gian ngắn nên mở cửa ra ngoài để nhanh chóng hội nhập. Phải thích cuộc sống của mình ở đây trước, phải học hỏi về nền văn hóa Hoa Kỳ, rồi giúp người Mỹ học hỏi về nền văn hóa của mình.
...Nay
 
Tôi là chuyên viên giao tế của Hội và là người Việt Nam đầu tiên chịu trách nhiệm khối châu Á - Thái Bình Dương, ngoài khối Mỹ Latinh.
Tôi thiết kế các chương trình, tổ chức hội họp, vận động mọi người tham gia, trong đó có chương trình cứu thương. Trong lúc chờ đợi bác sĩ, việc sơ cứu nạn nhân ngay tại chỗ rất quan trọng. Sau này, nhiều người vỡ lẽ ra, khi gặp tai biến mới cần đến Hội HTT, và Hội thực hiện nhiều chương trình giúp đỡ người bị nạn một cách thiết thực như cung cấp mền, khăn, tiền, đưa họ đến khách sạn gần đó để tạm trú để tránh thiên tai.
 
Ngân quỹ hoạt động của HTT do dân gửi tặng, chỉ sử dụng khi cần. Nhân viên HTT chưa tới 20 người còn thiện nguyện viên thì cả trăm.
 
Khi trở thành nhân viên Hội Hồng Thập Tự, chúng tôi muốn giúp mọi người ngăn ngừa những tổn thất khi thiên tai xảy ra, phải biết cần chuẩn bị cái gì để tự lo cho chính mình. Hội yêu cầu tôi làm gạch nối giữa họ với cộng đồng Việt Nam, truyền bá nhận thức, phương cách đối phó với thiên tai.
 
Tôi rất mừng vì giới trẻ Việt tham gia việc thiện nguyện cho Hồng Thập Tự ngày càng đông. Năm 2005, thiện nguyện viên người Việt và các sắc dân châu Á khác chưa tới 5%. Tôi tổ chức nhiều cuộc họp trong giới trẻ để tiếp xúc, quảng bá các chương trình ích lợi của Hội Hồng Thập Tự. Tôi làm việc với các hội đoàn, thực hiện nhiều chương trình quảng bá hoạt động của Hội tại các trường trung học, đại học... Ba năm sau, giới trẻ Á Châu, và Việt Nam tăng lên 60%, trở thành khối đông nhất hiện nay, nhiều hơn cả Mỹ trắng. Tôi đọc được mấy con số đó mừng nhảy tưng muốn đụng nóc nhà.
 
Năm đầu tiên tổ chức các chương trình thiện nguyện, tôi cảm thấy hoạt động của cộng đồng Việt Nam rời rạc, mỗi hội đoàn tự làm riêng để phô trương tổ chức của mình mà không mở rộng cho cả cộng đồng. Tôi nghĩ, đã tới lúc không thể nói "cộng đồng của tôi", mà là "cộng đồng của chúng ta".
 
Tôi đang vươn tới ước vọng là "ở đâu có cộng đồng Việt thì nơi đó có Hội Hồng Thập Tự". Trước đây, trong một đợt vận động, có em nói "ba má không muốn tôi tham gia hoạt động cộng đồng vì nhức đầu lắm, nhiều chuyện lắm". Tôi khuyên em: "Chính vì thực tế đáng buồn đó nên chúng tôi mới cần đến em. Xin em đừng thấy khó khăn, đừng vì những lời nói tiêu cực mà bỏ cuộc".
 
Vào Hội Hồng Thập Tự, tôi hiểu Hội có thể đưa tôi đến những nơi nào cần. Cho nên khi còn làm việc ở đây thì tôi cố gắng mang hết tấm lòng ra phục vụ, suốt từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều mỗi ngày. Có thể nói, tôi khám phá ra nhiều điều thú vị. Có những túi cứu cấp muốn người Việt Nam mua dùng thì phải mang nó đến tận tay, để người ta thấy, sờ rồi mới mua. Hàng đã được đưa về Little Saigon, chỉ có hơn $30, nhưng khi gặp thiên tai thì $3000 cũng không có mà mua.
 
Tôi không mê làm chính trị, không muốn trở thành chính khách. Có người khuyên, nhưng tôi nghĩ tôi không làm chính trị gia được. Tôi yêu Hội Hồng Thập tự, hội thiện nguyện chứ không phải cơ quan chính phủ như nhiều người lầm tưởng. Hội lúc nào cũng có mặt trong mọi cuộc chiến tranh mà không chính phủ nào đuổi họ ra khỏi lãnh thổ của mình được. Dấu chữ thập đỏ tiêu biểu cho hội ở mọi nơi, từ trường học đến bệnh viện... mà người ta tưởng lầm là biểu tượng ngành y tế, cũng như người ta tưởng lầm tôi là bác sĩ. Không phải vậy.
 
Chương trình phát triển thiện nguyện viên trong giới trẻ là thành tựu lớn nhất của chúng tôi, chiếm tỉ lệ 65% ở Quận Cam. Đó cũng là cơ hội để các em sinh hoạt trong một hội có tiếng tăm tại các trường trung-  đại học. Các em học phương cách hô hấp nhân tạo, phòng chống thiên tai, băng bó vết thương.
 
Tôi cám ơn các phụ huynh và nói lợi ích sau này khi các em cần việc làm. Chỉ cần xác định rằng từng là thiện nguyện viên Hồng Thập Tự thì các em gây được cảm tình ngay. Hội Hồng Thập Tự là một phần cơ hội tiến thân của các em nhỏ. Các em muốn vào đại học cũng cần.
 
Hội đã yêu cầu tôi đến các trường học, chùa, nhà thờ, bất cứ nơi nào có sinh hoạt, kể cả các hội người già để quảng bá hoạt động của Hội. Hàng tháng chúng tôi tổ chức 3 lớp học. Hội bành trướng được nhờ thiện nguyện viên, dần dần lan rộng khắp mọi người.
 
Khó khăn lớn của chúng tôi là không được các thủ lĩnh, người đứng đầu có lòng hợp tác. Không bao nhiêu người sẵn lòng chìa tay ra cho chúng tôi. Đó là điều đáng buồn. Vì thế mà tôi hướng đến giới trẻ, giúp các em hiểu lợi ích việc làm của chúng tôi.
 
Tôi nghĩ cộng đồng chúng ta thiếu đoàn kết nên không mạnh. Người lớn dạy người trẻ chúng tôi, nói với con cháu nên đoàn kết qua thí dụ "không thể bẻ từng chiếc đũa nếu cầm cả nắm đũa, nhưng tách ra từng chiếc thì bẻ gãy như không". Tôi cũng thấy không bao nhiêu người trợ giúp cho các trường Việt ngữ để con em mình giỏi tiếng Việt.
 
Tôi cũng tự nhủ, ngày nay mình được sung sướng, chớ quên ngày xưa mình tay trắng. Tôi từng là người tị nạn, ở đảo nhìn ra biển chờ đợi ngày qua ngày được lên máy bay sang quốc gia thứ ba, ngày ngày ngửa tay xin thực phẩm cứu trợ. Vì vậy mà tôi tự thấy đây là cơ hội để làm việc giúp người tị nạn.
 
Tôi vẫn nói với hai đứa con, một trai, một gái, một mới vào trung học, về con đường tôi đã trải qua. Tôi nói rằng ở đất nước Việt Nam cộng sản hiện nay, trẻ em không biết tự do là gì, rằng chúng tôi từng sống trong nghịch cảnh: cháu có bà ngoại ở thành phố gần đó nhưng muốn đi thăm phải xin giấy đi đường.
 
Tôi đưa con của tôi đến dự các cuộc họp của cộng đồng Phi châu, Mễ Tây Cơ để các cháu hiểu vì sao có sự dị biệt, và cần tập ăn các món lạ. Tôi dặn con: không đi vòng vòng trong một vòng nhỏ, mà phải đi khám phá, gặp nhiều cộng đồng khác để hòa đồng vì Hoa Kỳ là hiệp chúng quốc. Các con tôi nay cũng là thiện nguyện viên của Hội HTT.
 
Cách giáo dục con cái rất khó vì sự lúng túng của mình làm cho con cái mình gặp khó khăn. Ở đây cái gì dùng chữ "dạy" thì phải có giấy phép, trừ việc sinh con và nuôi con tới 18 tuổi là việc không cần... giấy phép, có nghĩa là đứa nhỏ tốt hay xấu là do mình, do cha mẹ. Trường chỉ dạy văn hóa. Mình cho nó học tiếng Việt hay không, cho đi nhà thờ hay không, và cháu có "biết trước biết sau" hay không, đều do mình.
 
Con gái tôi có lúc hỏi "tại sao bạn con ngủ ở nhà người khác được, còn con thì không?". Tôi nói, "vì con là người châu Á, chứ không phải Mỹ". Tôi nhấn mạnh rằng "bạn của con tới nhà mình ngủ thì được, nhưng con tới nhà của bạn ngủ lại đêm thì không".
 
Có một dịp, tôi vào nhà dưỡng lão đút cơm cho các cụ, gặp một bác trai từ sáng đến trưa không chịu ăn uống gì, cũng không chịu nói chuyện. Tôi vào phòng chào hỏi, chúc mừng ông nhân ngày lễ Cha. Tôi hiểu ra, vì ông giận các con không tới thăm nên gay gắt với mọi người. Tôi đút cơm, ông không chịu ăn, bảo đó không phải nhiệm vụ của tôi, và đặt điều kiện tôi phải cho ông đánh một cái. Ông đánh vào vai tôi, mắng tôi "đồ bất hiếu" rồi mới chịu ăn.
 
Tôi dắt ông vào phòng. Ở đầu giường ông dán đầy hình ảnh con cháu làm lễ tốt nghiệp. Ông nghẹn ngào nói với tôi: "Xưa bác ép con của bác học giỏi, đứa nào bây giờ cũng có bằng cấp, có đứa làm bác sĩ đấy. Bây giờ bác ân hận lắm. Bác không cần các con bác học giỏi. Nó bán hambuger mà biết đến cha mẹ vẫn quý hơn người học cao chức trọng, mà luôn nói phải dự tiệc tùng này nọ, để đến chiều trễ tràng mới tới chúc mừng cha của mình. Nó thành tài nhưng không thành nhân, vì chúng nó bất hiếu".
 
Nghe câu nói đó mà tôi rớt nước mắt. Tôi cũng nói với con của tôi như vậy, rằng tôi không cần bằng cấp của con, con đi lính mà thành nhân, thành một con người tốt, biết nhịn trên nhường dưới, còn hơn thành bác sĩ, kỹ sư mà ăn ở bất nhân, lâm cảnh tù đày, làm chuyện xấu xa mà người học ít có thể không làm.
 
Tôi hãnh diện vì tôi học được nền luân lý đạo đức Việt trước 1975, vì được sống ở trại tị nạn nếm mùi đau khổ, không có gì trong tay, cho nên bất cứ gì có được trong cuộc sống này đối với tôi cũng vô cùng quý giá.
 
Sưu tầm

No comments:

Post a Comment