Sunday, December 6, 2015

GMO (Genetic Modified Organism)… Rồi Sao?


Có một điều khá ngược đời là khi người ta không còn lo không có cái ăn nữa thì họ lại sợ chính thức ăn.
Cứ thử nhìn lại cách đây sáu bảy chục năm, khi thực phẩm cho thế giới còn là vấn đề cả với các nước tiền tiến, chẳng có ai sợ ăn cả. Ở những xứ như Việt nam, hình ảnh được thèm muốn là những món được mô tả là “mỡ màng”, “béo ngậy”, “giòn rụm”… Rồi sau đó, đến thời mất nước, ngoài xã hội người ta giành nhau những ký lô mì gói thứ phẩm, bao bì không có nhãn, trong tù, bất cứ con gì nhúc nhích đều trở thành thực phẩm dinh dưỡng và một cọng rau xanh là thuốc bổ cho người bị giam cầm. Với “bên thắng cuộc”, những người được gọi là “quần chúng”, không ghế, không chức, cũng đói rách, có khi còn đói hơn bên thua cuộc.

Nhưng ngày nay, ở hải ngoại thì dặn nhau tránh ăn cái này, bớt cái kia. Mời nhau ăn bữa cơm mà ngại ngùng không hiểu khách mời có kiêng cái gì thêm ngoài số mình đã kiêng rồi không. Trong nước, hô hoán lên hàng độc hại, dặn nhau không dùng hàng “Trung quốc”, hoặc đua nhau trồng “rau sạch”.

Dĩ nhiên môi trường bẩn cũng là một yếu tố, nhưng phải nói là sợ quá, quá sợ.

Gần đây hơn là vấn đề GM foods, “thực phẩm biến đổi gien”, và gần hơn nữa là báo cáo về “thịt đỏ và ung thư” của tổ chức Y tế Thế giới.

Cứ coi như chúng ta – ở Bắc Mỹ, có thể ráng “né” được thực phẩm độc hại từ Trung quốc và rau bẩn từ trong nước, nhưng còn chuyện GM foods và thịt đỏ chế biến thì sao?



Quả táo khi giập, khi cắt ra không ngả màu xỉn
Hồi nào giờ, chúng ta đã quen với chuyện trái cây hư hỏng. Mấy đứa cháu trong nhà – hay con nếu bạn còn trẻ, mỗi khi được đưa cho một quả táo có dấu giập, hay bị bắt phải ăn cho hết một quả táo chính chúng đã ăn dở dang, sẽ nhảy nhổm lên, xua tay lắc đầu quầy quậy, la “yucky!”

Bạn sẽ vui hay sợ khi biết rằng hồi đầu năm nay, Bộ Y tế Canada và Cơ quan Kiểm tra Thực phẩm Canada (CFIA) đã cho phép bán một giống táo, được gọi là Arctic Apple. Cùng một lúc, tại Hoa kỳ, Bộ Nông nghiệp (USDA) và Cơ quan Kiểm tra Thực phẩm và Thuốc Men (FDA) cũng chấp thuận cho phép bán trên thị trường Mỹ.

Táo Arctic có đặc điểm là khi cắt ra, hay khi bị giập, chỗ cắt và chỗ giập sẽ không ngả sang màu xỉn khi bị gió vào.

Giống táo hấp dẫn đó được Công ty Okanagan Specialty Fruits (OSF) ở tỉnh bang British Columbia “tạo ra”, và sẽ có cả hai loại: Granny Smith và Golden Delicious.

Nếu bạn đã hoảng hồn khi đọc chuyện, hay chính mình gặp một thứ trái cây, để hoài không thấy hư hỏng, “Product of China” – hay mới hơn, “Product of PRC” thì xin yên tâm. Ông Neal Carter, chủ tịch công ty trái cây này, nói thứ táo Arctic của ông …vẫn hư thối như thường theo thời gian.

Táo Arctic được “biến đổi” để cho những chất chống oxy hóa – antioxidant. Antioxidant là các phân tử có nhiệm vụ cản trở hay làm chậm lại sự tổn hại của tế bào khi tiếp xúc với oxy, một số còn được cho là có khả năng chống ung thư. Đọc tới đây chắc có lắm vị chẳng những sẽ không sợ mà lại còn thích ăn táo Artic để mong, một là sẽ trẻ mãi không già (ăn gì bổ nấy mà) và hai là tránh được cancer, thứ bệnh mới nghe tên đã sợ.

Nhưng chuyện không phải đơn giản như vậy. Vì cách để tạo ra giống táo này sử dụng hai kỹ thuật, sửa chữa lại mã di truyền của cây táo và nhân giống theo cách gọi là precision breeding, hay smart breeding, dùng xét nghiệm DNA để chỉ giữ lại những cây có loại gien nhất định làm giống.

Kỹ thuật này cũng là một dạng genetic modification, thay đổi/biến đổi gien di truyền, viết tắt là GM, và sản phẩm sẽ được gọi là GMO – genetic modified organism – sinh vật đã được biến đổi gien, một từ đang gây sóng gió trong xã hội. Thực phẩm được tạo ra bằng cách này được gọi là genetic modified food – thực phẩm biến đổi gien, GM food.


GMO là …con quái vật gì?
Đúng là có thể đặt ra câu hỏi trên, bởi vì trong Anh ngữ đã xuất hiện một từ chỉ thực phẩm có nghĩa như thế: “Frankenfood”. Từ này ghép bởi hai chữ Franken và food. Franken là phần đầu của chữ Frankenstein, một “nhân vật”, đúng ra là quái vật, trong cuốn tiểu thuyết Frankenstein; or, The Modern Prometheus của nhà văn nữ Mary Wollstonecraft Shelley Anh quốc. Trong quyển sách của bà, xuất bản năm 1818 ở London, một sinh viên y khoa trẻ tên Victor Frankenstein đã tạo ra một quái vật mang hình thù giống con người bằng cách đưa sự sống vào các vật chất không có sự sống. Quái vật của Frankenstein thông minh, ăn nói trôi chảy, cao tới 8 feet, mắt vàng, da mỏng trông thấy cả các mạch máu.

Từ Frankenfood có lẽ bắt nguồn từ một thí nghiệm của công ty DNAP (DNA Plant Technology) ở Oakland, California. Hồi cách đây ít năm công ty này đã thí nghiệm đưa gien của cá flounder (cá bơn) sống ở vùng biển lạnh vào trong cà chua để mong tạo ra một loại cà chua có khả năng chống lại giá lạnh. Một nhân vật quan trọng của công ty DNAP, ông Scott Thenell, đã xác nhận rằng thí nghiệm này có thật, nhưng kết quả quá tệ nên đã bị dẹp bỏ. Vậy nhưng người ta không tin, và có người ngày nay đi chợ vẫn ớn ớn trong xương sống mỗi khi chọn mua cà chua!

Chuyện “cà chua lai cá” phổ biến tới mức mà câu chuyện cười “Anh bồi ơi, trong tô súp của tôi có con ruồi” đã bị cải biên thành ra câu chuyện cười “Anh bồi ơi, trong cà chua của tôi có cá!”

Sự ra đời của GMO
Thực phẩm là một trong những vấn đề hàng đầu của nhân loại. Dân số loài người ngày càng tăng, diện tích canh tác ngược lại, càng ngày càng giảm. Thêm vào đó, những thiệt hại do thiên tai, sâu bệnh, virus… còn góp phần làm cho sự thiếu thốn thực phẩm trở nên nghiêm trọng hơn.

Những tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong canh tác của thế kỷ 20 đã giải quyết một phần vấn đề đó. Năng suất, sản lượng tăng và giá thành giảm xuống nhờ máy móc, nông cụ, phân bón, thuốc trừ sâu… nhưng vẫn chưa bảo đảm đủ nuôi cả nhân loại.

Trong khi đó, lại xuất hiện những khó khăn, nguy hại cho mùa màng, và cho môi trường, sức khỏe con người… từ chính phân bón, thuốc trừ sâu.

Sự phát triển của khoa di truyền học đã được áp dụng vào nông nghiệp và chăn nuôi và cho ra đời những GMO.

Từ thời biết trồng tỉa, loài người vẫn luôn cố gắng để tạo giống, nhân giống và lai giống để có được giống tốt nhất – nhưng tất cả đều là những phương pháp tự nhiên như lai, ghép, tháp v.v… Nay, người ta vận dụng đến khoa di truyền học để có được những thứ hạt, quả giàu chất dinh dưỡng hơn, ngọt hơn, thơm hơn, để được lâu hơn, với giá thành rẻ hơn. Cùng một lúc, việc sản xuất các thứ hạt, quả đó lại dùng ít phân bón và thuốc trừ sâu hơn hay tự thân nó có khả năng kháng khuẩn và sâu bệnh.

Thậm chí, người ta đã có thể tạo được một giống lúa mới gọi là Golden Rice cho những hạt gạo có chứa sẵn tiền tố betacarotene, nhắm cung cấp cho vùng mà thực phẩm của dân ở đó thiếu sinh tố A. Trên thế giới hằng năm có khoảng 650 ngàn trẻ em dưới 5 tuổi chết vì thiếu Vitamin A.

Năm 2015, Golden Rice được Phòng Sáng chế và Thương hiệu Hoa Kỳ (United States Patent and Trademark Office trao giải Bằng Sáng chế cho Nhân loại (Patents for Humanity Awards).

Tại sao lại chống?
Chống vì sợ và vì theo phong trào.
Người ngày xưa sợ những cái họ không biết rõ, thí dụ như sợ sấm sét, ma quỷ. Người ngày nay sợ những cái gì mình biết rõ, được chứng minh rõ ràng là đáng sợ, không sợ không được thí dụ như vi trùng, bệnh không có thuốc chữa. Nhưng cũng có những người ngày nay sợ những gì họ không biết rõ, chỉ vì có quá nhiều người khác bảo họ là cái đó đáng sợ lắm. Sợ theo …phong trào, thời trang.

Còn nữa, người ta sợ những thứ gì không tự nhiên, (mặc dù hầu như tất cả những gì loài người đang có hiện nay là nhân tạo, hoặc có sự can thiệp của bàn tay con người, kể cả chuyện …thụ thai nhân tạo!).

Nỗi sợ GMO ngày nay nằm trong loại sợ thứ hai và thứ ba. Nếu tìm trên báo chí, và mạng, người ta sẽ thấy số bài viết, và số trang mạng, báo động, tẩy chay GMO nhiều hơn số bài viết, số trang mạng bênh vực hay giải thích về GMO gấp nhiều lần.

Thêm vào đó, phía bênh – hay cổ động GMO, lại bị gán cho nhãn là tay sai, ăn tiền của các tài phiệt, các đại công ty sinh học, công ty sản xuất giống, và đôi khi cả chính phủ nữa. Mà chống lại những âm mưu – conspiracy, của giới đại tài phiệt và chính phủ ngày nay là mốt, là thời thượng. Chắc hẳn bạn biết có những người Mỹ tin rằng vụ khủng bố 911 là âm mưu của chính phủ Huê kỳ…

Có rất nhiều, quá nhiều, nhân vật và tổ chức tăm tiếng đã lên tiếng chống hay ít ra, cảnh cáo về những nguy hại của GMO, trong số đó dĩ nhiên có Greenpeace quốc tế và cả ông David Suzuki của Canada. Hàng chục tổ chức khác được lập ra chỉ đế chống GMO. Và đương nhiên, tất cả các tổ chức của phong trào organic, cùng với tất cả các công ty, doanh nghiệp sống nhờ sản xuất và bán sản phẩm organic là thành viên tích cực của phong trào chống GMO.

Người ta bảo nhau rằng dùng các sản phẩm GMO sẽ gây ra bệnh ung thư, bệnh tự kỷ, các bệnh do chất gluten và nhiều vấn đề khác ở người và súc vật. Họ dẫn ra một số thí nghiệm ở loài vật. Họ cũng bảo rằng GMO tạo thêm ô nhiễm cho môi trường.

Thế nhưng phe bênh vực, gồm các nhà nông, và cũng tự nhiên, các công ty sản xuất giống cãi cũng hăng lắm.
Họ dẫn ra sự ủng hộ họ – gián tiếp, của các tổ chức y tế thế giới: tất cả các tổ chức sức khỏe hàng đầu trên thế giới, trong đó có World Health Organization (WHO), nói rằng GMO là an toàn. Họ cũng khẳng định là rất nhiều cuộc nghiên cứu đã đang được thực hiện để bảo đảm an toàn cho việc sử dụng các sản phẩm GMO.

Theo bà Nina Fedoroff, một cố vấn về khoa học và công nghệ của Ngoại trưởng Hoa kỳ, cho đến năm 2010, Liên đoàn Âu châu đã chi ra $425 triệu để nghiên cứu về sự an toàn của các giống GMO trong 25 năm vừa qua. Bà nói cuộc nghiên cứu này, “kết luận rằng sự biến đổi bằng các kỹ thuật cao thì không có nguy hiểm gì hơn bằng các kỹ thuật truyền thống.”

Phe bênh GMO chống lại cáo buộc của các tổ chức môi trường bằng dẫn chứng cho rằng nhờ dùng giống GMO, họ đã giảm được 28,000kg khí thải CO2 mỗi năm và tiết kiệm được một nửa số nước tưới vì không cần cày lật đất (tiling the soil), khỏi phải dùng hàng triệu ký lô thuốc diệt cỏ, trừ sâu mỗi năm.


Quyền tự do chọn lựa của mọi người
Thế giới ngày nay là thế giới tự do, nên họ, và cả những nước độc tài đảng trị cũng rất nhanh nhảu nhảy vào bênh vực cho những quyền tự do không ảnh hưởng đến quyền lực và quyền lợi của họ, để lý luận rằng trong lúc lợi hại chưa ngã ngũ, người dân có quyền tự do để lựa chọn. Để bảo vệ quyền tự do chọn dùng hay không dùng các sản phẩm làm bằng hay có chứa GMO và hiện đã có đến 64 nước – trong đó có cả Việt Nam, quy định việc phải in trên nhãn sản phẩm chi tiết này, như kiểu trên nhãn phải in hàm lượng cholesterol, đường, muối …

Ở Canada, cơ quan CFIA và Bộ Y tế Canada chỉ bắt buộc trên nhãn thực phẩm phải có lời dặn rõ ràng nếu có thể tạo ra vấn đề về sức khỏe hay an toàn, như có chất gây dị ứng hoặc có sự thay đổi đáng kể về thành phần hoặc chất dinh dưỡng.

Ở Hoa Kỳ, Quốc hội Mỹ hồi tháng 7 vừa qua đã thông qua một đạo luật chống bắt buộc phải ghi rõ trên nhãn rằng sản phẩm này được làm từ hoa màu đã được biến đổi gien. Người ta đồng ý với nhau rằng đây là thắng lợi của các công ty sản xuất thực phẩm và, chắc chắn, là của các công ty sản xuất các loại hạt giống.

Không tránh khỏi
Nói gì thì nói, chuyện rõ ràng không tránh khỏi là trong tương lai, chúng ta sẽ có những thực phẩm và những món ăn sản xuất bằng những kỹ thuật không tự nhiên.

Có nhiều lý do để phải làm như thế. Một là dân số địa cầu tăng. Đến năm 2050, sẽ có hơn 9 tỷ người hiện diện trên mặt đất trong lúc khí hậu tiếp tục thay đổi (theo hướng tệ hại), các tài nguyên như nước và đất sẽ giảm bớt, và giá thực phẩm sẽ là khủng khiếp (ngay từ bây giờ đã thấy chóng mặt rồi).

Và, khá mâu thuẫn, việc sản xuất ra các sản phẩm không tự nhiên đó lại nhằm mục đích để tốt cho sức khỏe. Thí dụ như đang có những nghiên cứu để tạo ra loại đậu phọng (lạc) không gây dị ứng. Thí dụ như Canada đang tìm cách phát triển những phân tử cực nhỏ – nanoparticle, để đưa thêm chất bổ vào sữa.

Ở bên Hòa lan, Dr. Mark Post đang tìm cách “trồng thịt” bằng cách dùng tế bào mầm (stem cell) của bò. Ông Post tin rằng phương pháp của ông có thể dùng với bất cứ loại thịt nào.
Sau thịt là cá, trong khi người ta dần chuộng cá hơn vì lý do sức khỏe, cá trong môi trường thiên nhiên – sông và biển, dần cạn kiệt, nguồn cá lớn nhất sẽ phải là cá nuôi, như kiểu gà nuôi bây giờ.

Tới lúc đó, chuyện cãi nhau giữa hai phe bênh và chống GMO vẫn sẽ còn, nhưng những thực phẩm “không tự nhiên” sẽ chiếm thế thượng phong trên các quầy, sạp ở chợ và chỉ có những người giàu, thật là giàu, mới đủ sức ăn những thứ “tự nhiên” với hương vị và hình thù chắc cũng tương tự như các sản phẩm organic đèo đuột trong các chợ hiện nay.

Đỗ Quân tổng hợp

No comments:

Post a Comment