Thay lời giới thiệu tác giả:
Khi nhóm bạn của ông xã em kêu gọi viết bài cho HO kỷ niệm 25 năm, em gởi đại bài này. OMG bà con hoan nghênh quá chừng. Ngay cả trên Google cũng đăng, rồi bên VN cũng thi đua viết lại, kể lể đủ thứ..... Sau đó mấy ông còn post lên FB, vì họ thấy có người nói dùm họ nỗi niềm. Gặp ở hội ngộ, bà con cứ rụt rè hỏi: "Có thiệt không dzậy?". Em giơ tay lên thề" thiệt 100%". Mấy nhỏ bạn thân vì nghe em kể đã lâu, còn nhắc "Sao không kể thêm chuyện chuột gặm ngón cái của hai thằng nhóc!"
Bà con trợn tròn mắt khi em nói "tui mới kể có 10%, mà mọi người đã tội nghiệp cho tui, thực sự ra bài này chỉ có cái tựa đề là hay thôi".
Em thích trang của chị, cả cá tính, văn là Người. Xin được gởi gấm đứa con tinh thần của em...
*****
Tôi cũng tương kế tựu kế thôi.
Hồi xưa mình không biết mấy ổng theo CM,thì bây giờ mấy ổng cũng
đâu biết mình " buôn lậu". Thật sự ra chẳng gọi là lậu, nếu chữ này
dành cho những thứ bất hợp pháp như ma túy. Thời kỳ ngăn sông cấm
chợ, buôn gạo cũng bị xếp vào buôn lậu. Một ông vừa ở trong tù
ra, mang hàng từ thành phố về miền quê (vì thời đó mua vé xe đò
cũng rất khó khăn, cái gì cũng phải có giấy giới thiệu), coi như đi buôn
lậu. Anh ở trọ căn nhà có nhiều bà dưới quê lên thành phố mua
hàng. Hàng là bất kỳ cái gì dưới quê cần, như thuốc trị nấm, ghẻ, dầu
gội đầu, xà bông Cô Ba, sữa ông Thọ v...v và mang lên thành phố đặc
sản miền quê: hạt điều, mật ong...thấy mấy bà hay mua thuốc tây cho mấy bà đỡ hương
thôn. Anh quyết định trở về nơi ngày xưa sinh sống, theo mấy bà một
chuyến xem sao?
Khi trở về, anh hớn hở nói
rằng anh sẽ đi buôn...tôi nói theo lậu? Anh nói dĩ nhiên, đâu có ai cấp
giấy phép, mà mình cứ làm là lậu. Anh chọn mặt hàng thuốc tây vì gọn, dễ giấu.
Khi đi thì kiếm mấy xe chở gỗ, xin ngồi phía trước với tài xế.
Không nhà nào có thể nhỏ hơn
nhà của cô giáo, mà lúc nào cũng gọn gàng ngăn nắp, anh công an khu vực
mỗi lần vào kiểm tra hộ khẩu đều tấm tắc khen. Tôi giả bộ giã lã
cảm ơn, và chỉ mong anh đi về cho lẹ. Dĩ nhiên tôi phải hết
sức gọn gàng, vì dưới gầm giường, gầm tủ, mọi khe hở của căn nhà ngang
2.3m, sâu 7m toàn là các thùng chứa thuốc tây.
Ngày xưa giao thông rất hạn chế đường
sá chưa mở mang,mà ở dưới quê lại thiếu thốn đủ thứ. Vì đi
lại khó khăn, nên chồng tôi cũng kiếm ăn được chút đỉnh.Đối với tôi như vậy
là tạm đủ,vì vậy khi có chương trình HO dành cho cựu tù nhân cải tạo,tôi không
hối hả nộp đơn.
Tôi không thể nộp đơn sớm vì không
có tiền lệ phí (khá nhiều) và thêm điều kiện bắt buộc phải nghỉ việc.
Một con chim trong tay còn hơn hai con chim trong bụi. Tôi cần 13 kí gạo và
tiền lương dạy học. Hơn nữa, lúc đó tôi mới có một con trai đầu. Bố mẹ tôi
có tới 7 con trai và 2 con gái, cuộc sống rất khó khăn, nhưng tôi thấy bình
thường. Tôi lại nghe nói bên Mỹ, tiền nhà thương mắc lắm. Vì vậy sau ba năm,
khi có thêm thằng thứ nhì và xin được giấy hứa nghỉ việc, tôi mới làm
đơn xin xuất cảnh. Không hiểu tại sao lại cần cái giấy hứa nghỉ việc, được
phép ra đi, làm sao còn đi làm được. Chẳng lẽ thân này ví xẻ làm đôi,
nửa theo đế quốc, nửa dành đảng ta? Chúng tôi được số 31( số thứ tự này
do phía VN cấp). Khi nộp đơn chúng tôi vẫn dùng địa chỉ cũ (nhà bố mẹ).Chừng
vài tháng sau giấy báo gửi về, bố tôi bỏ tờ biên nhận vào túi
trước của bộ pyjama, đạp xe mang qua cho tôi.Trên đường đi tờ giấy
nhỏ xíu rớt lúc nào bố tôi chẳng biết. Khi lên văn phòng cấp giấy, họ cho
tờ khác thành 32. Thật vô lý hết sức, mọi chi tiết đều có trong hồ sơ,
tại sao lại thụt một số. Nếu họ thụt 10 số cũng đành chịu thôi, VC
mà. Mỗi tháng một số thứ tự, như vậy hai năm nữa mới tới phiên
chúng tôi. Nhưng sau đó Mỹ quyết định: mỗi tháng sẽ có 1/3
hồ sơ do Mỹ chọn( những người ở tù trên 8 năm), 2/3
còn lại theo thứ tự nộp đơn. Ông chồng tôi ở tù gần 9
năm, nên được đi theo HO 22.
Tôi vẫn bình thản như mọi ngày,
chẳng may sắm gì cả. Tối hôm trước ngày đi, một cô hàng xóm đi qua hỏi mai đi
Mỹ, mà như vậy đó hả? Tôi hỏi vói lại đi Mỹ thì phải làm sao? Bởi vì
tôi vẫn mặc quần áo cháo lòng, tóc tai bù xù.
Như vậy vô hình chung, mọi người
đều nghĩ Mỹ là thiên đường.Dù không ai thấy thiên đường hay hỏa ngục.
Tốt thôi, nay tôi xin kể lại hành
trình đi tới thiên đường. Sau khi rời phi trường Tân Sơn Nhất, trạm xuống đầu
tiên là Thái Lan. Chỉ duy nhất có 4 người Việt Nam là gia đình chúng tôi
phải chờ chuyển tiếp. Họ chở chúng tôi tới một khu hoang vắng,
chất đầy hành lý thất lạc.Đủ loại thùng carton cũ nát rất thảm thương.
Chúng tôi không hề nghĩ mình sẽ được ưu đãi, hoặc lãnh
lương phụ cấp gì cả. Nhưng họ để chúng tôi ở cái trại
tị nạn bỏ hoang này thật chua xót. Chỉ có một băng ghế dài,
tôi để hai thằng con nhỏ nằm chéo đầu đuôi (3 và 6 tuổi) chỉ có
vài bóng đèn leo lét đủ thấy đường đi. Chúng tôi thay phiên nhau quạt
không ngừng, để xua muỗi. Sáng hôm sau lên máy bay tới Tokyo, vào Mỹ ở phi
trường Los Angeles. Chúng tôi được bảo rằng phải ghi nhớ đây là địa điểm
đầu tiên khi tới Mỹ, rồi được lăn tay làm giấy tờ. Sau đó lại lên máy bay
về New Jersey.
Cuộc đời di dân bắt đầu ở chung
trong một căn nhà 3 phòng gồm 13 người. Gia đình tôi gồm 4 người và người anh
kế cùng thằng cháu được chia một phòng. Tới giờ ngủ mọi người
nằm xuống y như cá hộp. Sau vài tháng tôi kiếm được job giữ trẻ,
tôi kiếm được chỗ ở khác, chủ nhà cho share tầng trên của
căn nhà chỉ có một nhà tắm. Tôi phải đi kiếm thùng đồ hộp loại lớn ở những
chỗ bỏ rác, để làm cầu tiêu ban đêm vì không muốn làm
phiền dưới nhà. Vả lại những lúc kẹt cho hai thằng con nhỏ.
Chồng tôi, vừa đi học vừa đi quét
dọn tiệm bánh. Còn tôi cũng vừa giữ trẻ vừa đi học ESL
ban đêm. Được một năm chúng tôi mướn Apt 2 phòng ngủ, chỉ giữ một
phòng, một phòng cho hai dì cháu của cô bạn học cùng lớp share lại, hai thằng
nhóc thì nằm sofa bed ở phòng khách.
Thời gian 5 năm ở Apt là một
thời gian vô cùng đặc biệt, nghĩa là không ai có thể quên được, ngay cả thằng
nhỏ lúc đó 6 tuổi, là tuổi đã có trí nhớ.Chúng tôi đang hưởng trợ cấp
xã hội, tức là dân " trọc đầu”,đâu có ai cho mướn nhà.Nắm thằng có tóc,ai
đi nắm thằng trọc đầu (sau đó nhờ chồng của cô bạn đứng tên mướn dùm. Đó
là một Apt nơi rẻ tiền, gián nhiều khủng khiếp. Buổi tối, sau khi tắt đèn
một lúc là gián bò ra. Nếu để sẵn một lon nhựa cao ( loại lớn của tiệm
phở) ở trong bếp, tới khuya thức dậy, cứ bật đèn lên, đi
nhè nhẹ tới,cầm cái nắp ụp lại, bạn sẽ có đầy một lon gián!!!
Khi thái thịt, tôi trải tờ báo
dưới đất, trên để tấm thớt, lúc tôi bắt đầu thái, thì hai thằng con phải
đứng gần đó. Thằng lớn cầm cái chổi,thằng nhỏ cầm cái đập ruồi, gián nghe
mùi thịt bò ra. Một thằng quét, một thằng đập, mẹ thì hối hả cắt thật
nhanh để thu dọn chiến trường. Gián bò ra như xe tăng lừng lững vào
thành phố...thớt. Chồng đi học ban ngày, vợ đi học ban đêm, vì có hai
thằng con mà cộng tuổi của cả hai chưa tới con số 10. Tiền trợ cấp
chỉ có 400 đô,/ tháng, nên chúng tôi phải xoay sở làm thêm
tiền mặt. Chúng tôi mướn Apt có 2 phòng ngủ, nhưng chỉ có thể giữ được
một phòng,phòng còn lại cho hai chị em cô bạn mướn lại: cô chị bán
chè đậu xanh ở chợ VN, cô nấu chè ở Apt,sáng mang ra
chợ chia ra từng ly bầy trong tủ kính. Cô bảo có cậu sinh viên, cứ cuối
tuần là ra mua một ly chè. Hôm đó, khi cầm ly chè, cậu giơ cái ly chỗ có
ánh sáng, chăm chú nhìn, cậu bảo :" có con gián trong ly chè ", cô
chị bảo:" không phải đâu em, cái mày đậu đó". Cậu vẫn nhìn vào
cái ly:" không chị ơi, em thấy cả cái râu của nó nữa"thiệt
là hỡi ơi. Còn cô em buổi trưa mang lunch ra ăn chung với mọi
người ở sở làm.Cô vừa mở lunch box, một con gián nhảy phóc
ra ngoài, trước con mắt kinh ngạc của mọi người, là khuôn mặt sượng sùng của cô
em. Gián chui vào radio, nồi cơm điện, tất cả mọi đồ dùng trong
nhà.Không ai dám share phòng nữa, vì tình trạng càng tồi tệ. Tất cả thức
ăn khô như bún, mì, bột ..v..v đều phải bỏ vào thùng nhựa đậy
chặt,gián cắn thủng cả bao nhựa plastic. Cho tới một ngày tai họa xảy ra.
Mùa hè năm đó, chúng tôi lái xe qua
Canada( Montreal) một tuần để dự đám tang họ hàng.Trước khi khóa
cửa, chồng tôi quặng vào 3 "trái bom" diệt gián. Tới hôm trở lại,
một tờ giấy dán trước cửa yêu cầu chủ nhà lên gặp Health department.
Thì ra do ngộp hơi bom, gián lồn nhổn tràn ra khe cửa, người ở tầng
trên hoảng vía báo City Hall.
Chúng tôi phải bỏ tất cả nồi
niêu soong chảo và thực phẩm khô vào những bao nylon thật to, cột chặt. Mọi
người ra khỏi nhà 5 tiếng đồng hồ,để đội xịt gián tẩy uế. Mọi việc tốt đẹp
được 2 tháng, rồi đâu lại vào đấy. Vừa đúng lúc chúng tôi cùng học nghề xong:
người sửa xe, người cắt tóc. Ba năm ăn welfare tạm đủ cho mọi thứ phải
luồn lách. Chúng tôi quyết định mua nhà. Với số lương khiêm nhường, tôi
toàn đi xem những nhà rất nhỏ. Khởi đầu là condo một phòng ngủ,City hall không
cho phép ở 4 người. Tới nhà Bankuptcy rất rẻ, nhưng bị phá tan
nát. Mua nhà gần nghĩa địa, thì bạn bè nhắc nhở không ghé thăm vì sợ ma.
Cuối cùng tôi kiếm được một căn nhà two family hai phòng ngủ, rất nhỏ, nhưng
nghĩ không lo tiền thuế vì cho mướn một nửa. Trước ngày closing hai
tuần, khi đi ngang căn nhà sắp mua, tôi nói với hai thằng con :" mình sẽ ở căn
nhà này".Thằng nhỏ vừa thấy đã la lên:" nhỏ quá, xấu xí
quá".Tôi chưa kịp mở miệng, thì thằng lớn đã nói:" còn hơn ở với
gián".
Căn nhà đó đang cho mướn: tầng trên là
gia đình Hispanic có hai con khá lớn, họ giữ căn phòng rất ngăn nắp
sạch sẽ. Tôi bảo họ, sau khi tôi mua, họ vẫn có thể tiếp tục thuê,
không có gì thay đổi .Tầng dưới là một cô gái nhìn rất lôi thôi, nhếch
nhác.Chẳng hề gì, cô sẽ phải trả phòng lại cho gia đình tôi.
Khi mua tôi chỉ nghĩ về số tiền
phải trả hàng tháng, đó là mối quan trọng hàng đầu. Chứ tôi nào có
biết căn nhà ở chỗ rất bất an: gái giang hồ trai tứ chiếng
(lởn vởn hàng đêm trên những con đường gần nhà)người đón khách, kẻ chào
hàng ma túy. Khi biết được sự thật thì đã quá thời hạn được quyền hủy bỏ hợp
đồng. Dù biết như thế, tôi vẫn tin rằng con cái tôi không cho ra ngoài ban
đêm, chắc cũng không sao, mình đang cần một chỗ để chui ra chui vào
mà thôi. Với kinh nghiệm thương đau của một người ở trong tù 9
năm, khi mãn hạn tù lại rơi vào cảnh không nhà không cửa và niềm mơ ước
thoát khỏi cuộc sống giật gấu vá vai của hai chúng tôi, thì căn nhà dù sao cũng
vẫn là chốn nương thân cho cả bốn con người.
Vào một ngày mưa như trút nước,
cậu em tôi ghé nhà, nói chị nên ghé vào xem nhà có bị ngập nước
không? Điều này vô cùng quan trọng, khi mua mình chỉ kiểm soát mọi
thứ khi trời khô ráo. Nhà bị nước vô, cũng như khi mua lầm xe bị ngập
nước, coi như bỏ đi.
Tôi bán tín bán nghi không biết mình có
được phép trở lại xem nhà hay không? Bởi vì trong contrast người mua chỉ được
inspection xong là thôi. Ngày closing sắp tới rồi, đâu có hủy bỏ được.
Tôi đến gõ cửa căn nhà định mua. Cô gái
thuê tầng trệt ló đầu ra, tôi ấp úng xin vào xem basement. Sở dĩ tôi ấp
úng vì tôi biết hoàn toàn sái luật (Không có phép của chủ nhà hay người
đại diện ).Cô gái rất niềm nở mời tôi vào. Không cần đi xuống hầm, cô đẩy
nhẹ cái tủ kính lớn treo quần áo. Dưới gầm tủ là một lỗ hổng do sàn
gỗ mục nát mà khi xem nhà tôi chẳng hề biết.
Nhưng tôi nhớ hoài ánh mắt cô cứ nhìn
tôi như muốn nói điều gì. Tôi cúi đầu nhìn xuống, tim tôi như ngừng
đập, đầu óc quay cuồng,tôi muốn ngã quị. Xuyên qua chỗ hổng, tôi thấy nước
tràn mênh mông, cao tới cỡ đầu gối. Miệng như mếu, tôi chào cám ơn
cô gái.
Tôi và anh cùng nén tiếng thở dài,7
năm lặn lộn quê nhà, 7 năm bươn chải xứ người sẽ thành tro bụi, nếu
mua nhầm căn nhà hư hại. Sửa chữa căn nhà mục nát giống như điều trị căn
bệnh nan y, chẳng bao giờ xong.
Chỉ còn 2 tuần là tới ngày ký giấy
giao tiền để lấy nhà,tôi chẳng nghe Luật Sư đại diện gọi.Một tháng
nữa trôi qua cũng im lặng,thêm một tháng nữa cũng im lìm. Lần này Luật Sư của
tôi thông báo : bà được hoàn trả toàn bộ tiền tạm ứng. Trời đã
cứu tôi, thật ra chính cái cô mở cửa cho tôi vào xem nhà hôm trời mưa đã cứu
tôi. Thì ra khi người thuê không chịu dọn ra, họ có quyền ở thêm
6 tháng , chủ nhà mới được trục xuất( luật eviction).
Tôi cám ơn hai người (Luật Sư và Broker)đã mất
công sức suốt mấy tháng cho căn nhà, và xin tiếp tục nhờ họ tìm cặn
nhà khác.Tôi chỉ mất vài trăm cho inspection .
Lần này tôi dặn người môi giới tìm cả 2
nơi: một nơi rẻ tiền như lúc trước,và một nơi khá khá tốt.
Quả là hay không bằng hên, lần trước mất 3 lần inspection, gần 3 năm tìm
kiếm vẫn chỉ là con số không. Lần này từ lúc xem tới lúc nhận
nhà chỉ có 3 tháng ,căn nhà to gấp ba những căn nhà xem lúc trước, mà tiền
mua chỉ hơn một nửa.
Chúng tôi cứ liều mua, mua xong
thì bắt đầu làm thêm 2 jobs:thợ sửa xe trên đường về nhà, ghé vô tiệm
bánh ngọt quét dọn, thợ hớt tóc làm cuối tuần, ngày thường giữ trẻ và
đưa đón con đi học.
Giữ trẻ thì cô chị có
tới 5 đứa em như tôi chỉ là chuyện nhỏ. Bây giờ thành bà già thì
chuyện nhỏ thành chuyện hài nhiều tập. Lúc mới qua , tiếng Anh nghe chưa
rõ, tôi nhận giữ 4 đứa bé từ 1 tới 4 tuổi. Mỗi sáng chúng thường mang
theo một hay hai cuốn băng hoạt hình mà chúng thường xem ở nhà. Vì lo
sửa soạn cho hai thằng con đi học, tôi bỏ vào máy chứ chẳng hề để ý
phim gì. Trong bếp tôi nghe tiếng trẻ em léo nhéo trong phim hoạt họa, còn
mấy đứa bé thỉnh thoảng cười nắc nẻ. Một bữa kia, như thường lệ thằng
Jimmy đưa cuốn băng, bỏ vào máy xong tôi vào bếp. Bình thường nghe tiếng
con nít léo nhéo, sao lần này tụi nó ngồi im thin thít, lại nghe sao có tiếng
" hự..hự rên rỉ, sinh nghi tôi chạy ra phòng khách , chỗ trẻ con
đang ngồi im lìm. Con bé Judie mới hơn một tuổi, thấy tôi nó ngọng nghịu
méc:"bà ơi! đánh nhau". Trên màn ảnh quả là có
màn " đánh nhau" thật, vật nhau thì đúng hơn của chàng Adong và
bà Eva trần truồng như nhộng.Tôi chạy ra, tắt máy cái rụp, miệng thì hét
lên: " Jimmy lấy cái này ở đâu?".Thằng bé lúng búng trong
miệng” Mommy”.
Trông trẻ con tưởng đơn giản,
nhưng có những chuyện xảy ra bất ngờ, không bao giờ bạn tưởng tượng
được. Chẳng hạn, ngày nào sau khi hai thằng con đi học về lúc 3 giờ trưa,
tôi cũng cho tất cả trẻ ăn dặm (snack) nhẹ. Bữa đó, tôi đang hâm lại
thức ăn trên bếp, cây quạt đứng đang quay vù vù. Chợt một tiếng nổ chát
chúa, phản xạ làm tôi quay phắt lưng lại. Trời ơi! tôi muốn
khụy xuống vì sợ : thằng Tony đang cầm cái kéo cán nhựa, nó cắt sợi
dây điện của cái quạt đang quay sau lưng tôi. Làn khói vẫn đang uốn éo ở hai
đầu vết cắt, mùi khét lẹt bốc ra , mà trong tay thằng nhỏ 4 tuổi vẫn còn
nắm chặt cái kéo, bộ mặt thất thần. Tôi ôm chặt ngực vì hoảng sợ, tôi
không thể nào tưởng tượng nổi, sự gì sẽ xảy ra nếu có tai nạn
chết người. Bao nhiêu khổ sở nhọc nhằn từ lúc còn ở VN,
cho tới khi bôn ba xứ người, hiện lên trong tâm khảm như một
cuốn phim ngược dòng thời gian. Tôi thẫn thờ ngồi phịch xuống, lệ nhoè
khoé mắt, tủi cho thân phận .
Sông có khúc, người có lúc. Không ai
giàu ba họ, không ai khó ba đời. Sau cơn bỉ cực , trời lại sáng, có đâu
dậu đổ bìm leo. Thấm thoát mà đã hơn hai mươi năm bôn ba nơi xứ người,
các con đã học xong, chúng tôi cũng tới tuổi về hưu. Thời gian như bóng
câu qua cửa sổ, quê hương chỉ còn là hoài niệm. Trẻ như cây non đã đâm
chồi nẩy lộc, rễ đã cắm chặt xuống lòng đất. Già như những chiếc lá
vàng rơi rụng quanh gốc cây. Trước kia người ta thường bảo lá rụng về cội,
ý nói thế nào con cái cũng tìm về cha mẹ là cội nguồn. Người ta
nói mà không hề thấy sự vô lý: chỉ có lá vàng mới rụng. Cha mẹ già
như những chiếc lá vàng, rụng xuống cũng chẳng bay được xa hơn gốc cây.
Cha mẹ lúc nào cũng chỉ muốn lẩn quẩn quanh con cái.Ai là cội?con hay
cha mẹ. Biện luận thế nào thì con cái và cha mẹ cũng vẫn chỉ là
một: cây là cha mẹ , cành là các con , lá là các cháu, hoa là chắt và quả là
chút: ngũ đại đồng đường. Bởi vậy mới có cây gia phả. Các bạn nghĩ đúng không?
Chốn tạm dung của đời cha, nhưng lại là
chốn nương thân của đời con. Không phải thiên đường, mà là chỗ bình an.
Lại Thị Mơ
Em cám ơn chị NPN, ít ra em cũng có một bài, chỉ hơn người không có bài nào!! Mai mốt em gửi bài khác, toàn là xương xẩu không hà.Hổng biết chị có còn răng thiệt để gặm không?Em đúng là " ba_ gai", viết xong, ý không phải gõ xong là send.Chẳng cần biết( vì cũng không biết) đúng sai gì hết, cái này là em nói thiệt!!!😢
ReplyDeleteAi cũng vậy, muốn tới được thiên đường đều phải trải qua những chặng đường gian truân gai góc. Điều quan trọng là cuối cùng có tới đích hay không!
ReplyDeleteNPN