Hình ảnh gây sốc của thi thể hai cha con người di cư Trung Mỹ tại dòng sông Rio Grande ở biên giới Mexico - Mỹ. Ảnh: AP.
Khi
nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với
nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết,
giữa sự tự do và tù tội, giữa thời gian và không gian, và còn rất nhiều
những biên giới khác nhau hữu hình và vô hình. Có những biên giới mà tôi
đã đi qua rất dễ dàng khi du lịch hay đi công tác qua các lục địa khác
nhau. Lại có những biên giới khi vượt qua đã để lại trong tôi những khắc
khoải, thổn thức sâu đậm, không dễ gì quên và nó cứ sống lại mỗi khi
tôi nghe, thấy, hoặc đọc được trên tin tức hay truyền hình hằng ngày.
Thập
niên 80 ở Việt Nam, biên giới của Sống hay Chết và của Tự Do hay Tù Tội
là những chuyến vượt biên đường biển âm thầm mà dữ dội với những tin
vui lẫn tin chết chóc bay về các gia đình còn ở trong nước. Cũng cái
biên giới mong manh đó, ngày nay đang lập lại ở phía Nam nước Mỹ, đang
nóng lên từng ngày nơi bức tường ngăn cách mà những di dân Nam Mỹ đang
kiếm đường vượt qua để đi về phía Bắc mà họ gọi là El Norte hay Đường về
phương Bắc (The North).
Mới
đây, vào cuối tháng 6 năm 2019 một thảm kịch đau lòng xảy ra tại tại
con sông Rio Grande (nghĩa là Sông Lớn) đã làm bàng hoàng người dân hai
bên bờ đất nước. Con sông ranh giới giữa 2 nước Mễ và Mỹ, gần thị trấn
Brownsville, tiểu bang Texas. Hình ảnh xác hai cha con nằm úp mặt xuống
nước, bé gái được kẹp bên trong lưng áo thun bố, cánh tay của đứa bé
chưa đầy 2 tuổi này vẫn quàng qua cổ cha như cố bám vào sự che chở cuối
cùng. Bức hình đã làm rung động sâu sắc và chạm đến từng con tim của
nhân loại khiến người ta phải đặt lại vấn đề lương tâm và lòng nhân đạo
của con người(1).
Con
sông này bắt nguồn từ tiểu bang Colorado, từ trên dãy núi Rocky
Mountains, chảy ngang qua tiểu bang New Mexico, xuôi Nam xuống đến tiểu
bang Texas, rồi đổ ra vùng biển Gulf of Mexico. Tổng cộng chiều dài
khoảng 1900 miles. Được coi là ranh giới tự nhiên giữa Mỹ và Mễ Tây Cơ,
giòng sông này nước chảy xiết, lòng sông rộng, những khúc hẹp nhất
(khoảng 100-150 ft.) được những “coyote”, người đưa lậu dân vượt biên,
dùng thuyền nhỏ đưa người qua sông, hoặc những người trẻ, khỏe mạnh,
thường tự mình bơi qua để vào nước Mỹ. Ca nô của lực lượng biên phòng Mỹ
thường xuyên đi tuần nhưng cũng không thể kiểm soát được hết mọi nơi.
Hơn
ai hết, vì từng là người tỵ nạn, tôi xúc động đến bàng hoàng. Tôi nhìn
thấy trong bức hình đó cái biên giới mong manh giữa cái sống và cái chết
của con người. Không biết người cha trẻ từ El Salvador này nghĩ gì khi
chỉ còn vài sải tay nữa, anh và con gái sẽ chạm được bến bờ tự do ở bên
kia sông, trước khi đuối sức bị giòng nước cuốn đi. Con sông là một biên
giới giữa tương lai đầy hứa hẹn và quá khứ nghèo khổ, bạo lực mà cha
con anh bỏ lại sau lưng.
Tôi
như nghe và thấy hình ảnh người cha trẻ đang ngụp lặn, tuyệt vọng chiến
đấu với giòng nước chảy xiết, dùng hết sức bình sinh, nhét con mình vào
bên trong lưng áo dặn dò phải bám chặt cổ cha, đừng buông tay nghe con.
Con chào đời trong nhọc nhằn nước mắt yêu thương của cha mẹ, cha sẽ đưa
con đến bến bờ bình yên. Dù giòng đời, giòng nước nổi trôi, dù thân
phận con người bấp bênh, cha vẫn luôn là chỗ dựa để con nương vào, cùng
cha đi đến cuối cuộc đời, con nhé.
Đoạn
cuối của cuộc hành trình, hai cha con người di dân mãi mãi vẫn không
đến được bến bờ bên kia, người ta tìm thấy thi thể của họ dật dờ ở bên
này biên giới, cạnh đám lau sậy thưa thớt ven bờ sông. Theo lời kể của
người vợ, anh đã đưa con gái an toàn qua bên kia bờ, định trở lại để
tiếp tục đưa vợ qua; đứa bé gái, vì sợ hãi tưởng bị cha bỏ, chạy trở lại
xuống sông rồi bị nước cuốn đi. Anh vội lao theo để cứu con. Thế là cả
một giấc mơ chưa trọn đã bị giòng nước cuốn trôi, đem theo cả cái biên
giới mong manh gia đình anh tưởng sắp sửa chạm tới.
Vẫn
trong tôi chưa phai, ngày chiếc tàu Berge Helene, một tàu chở bột mì
của Na-Uy đang trên đường đến Saudi Arabia, sau khi ra tay cứu vớt, họ
đã đưa chúng tôi vào hải cảng Singapore. Chính phủ nước này từ chối
không cho chúng tôi lên bờ dù con tàu được phép cặp bến. Họ thông báo
trại tỵ nạn đã đóng cửa, rồi gởi đến một toán cảnh sát biên phòng với
súng lăm lăm trên tay, mắt lúc nào cũng nhìn về chiếc tàu để chắc chắn
rằng không ai trong chúng tôi có thể tìm cách đặt chân lên đất nước họ.
Khi
ánh nắng chiều nhạt dần, không khí mát dịu lại, cả tàu chúng tôi đổ ra
boong nhìn xuống cảng Singapore đèn đuốc sáng rực, xe cộ qua lại như mắc
cửi, với cặp mắt thèm thuồng cái tự do vô cùng bình thường ấy. Biên
giới ngay trước mặt mà hình như rất xa, chỉ vài mươi thước mà chúng tôi
không thể nào đặt chân lên được. Những con người của thế giới tự do dưới
kia, họ vẫn vô tư, từng đôi nắm tay nhau đi dạo trên bến cảng. Vài em
bé vẫn hồn nhiên chạy đùa trong công viên bên kia đường.
Cả
đêm, tôi và những người bạn cùng ghe, ngồi trên boong tầu với điếu
thuốc cháy đỏ trên môi, mắt nhìn xuống đường phố mà như không thấy gì,
với một tâm trạng ngổn ngang tơi bời. Năm đó (1989) các trại tỵ nạn Đông
Nam Á đã và đang đóng cửa mà chúng tôi không biết, vẫn còn bám víu vào
lòng nhân đạo của thế giới đối với thuyền nhân tỵ nạn. Số phận 48 người
chúng tôi đang nằm trong tay chính phủ Singapore, như tử tù dưới tay ông
quan tòa, sống chết do họ quyết định.
Chỉ
khi bị cướp mất sự tự do, quyền được sống, chúng tôi mới biết trân quý
tất cả những gì mình vừa đánh mất. Để trốn chạy bạo quyền, chúng tôi
liều chết ra đi, vượt bao hải lý, đến được một đất nước dân chủ, hít thở
không khí tự do chung với họ mà vẫn không được quyền bước vào. Cái giá
của tự do thật không dễ dàng chút nào! Chúng tôi thẫn thờ, bất lực nhìn
cái biên giới bi hài của chính chúng tôi, một nhóm người vừa bỏ nước ra
đi, sẽ lang thang lưu đày trong sự im lặng nhẫn tâm của loài người.
Sáng
hôm sau, một phái đoàn gồm nhiều người ăn mặc rất đẹp bước lên tàu, họ
đại diện cho cao ủy liên hiệp quốc về người tỵ nạn, lên tàu vấn an và
đem một số tặng phẩm đến cho chúng tôi, đặc biệt cho trẻ em và phụ nữ.
Trong đoàn có 2 người thông dịch viên Việt Nam, một nam và một nữ. Đầy
vẻ tự tin, da dẻ hồng hào, không còn gì sót lại của một thuyền nhân tỵ
nạn, họ cho biết họ cũng là người vượt biển Việt Nam trong trại tỵ nạn
Singapore, đang chờ ngày lên đường định cư ở nước thứ ba.
Cả
hai đều ăn mặc rất đẹp, hợp thời, và thơm phức “mùi”văn minh, mùi của
sự tự do so với những khuôn mặt ngơ ngác, khắc khổ, và những bồ quần áo
nhăn nhúm trên cơ thể hôi hám của chúng tôi. Họ đứng đó cười nói với
chúng tôi mà sao nghe xa lạ quá. Họ như đến từ một thế giới khác. Cùng
tiếng nói, cùng dân tộc mà như bị ngăn cách bởi một bức tường vô hình,
mong manh nhưng không chạm tới được, một biên giới mà mới đây không lâu,
họ vừa vượt qua một mốc thời gian “trước khi đóng cửa”, và chúng tôi
“sau khi đóng cửa”. Họ đã lột xác khi bước qua ngưỡng cửa của thế giới
tự do, trong khi chúng tôi vẫn còn lay hoay trong biên giới của lưu đày,
và lạc hậu.
Khi
biết không thể nào thuyết phục được chính phủ Singapore, thuyền trưởng
tàu Na-Uy liên lạc với chính phủ của ông ta, xin đất nước Bắc u này hãy
đón nhận chúng tôi. Đồng thời ông cũng xin Singapore cho chúng tôi tạm
dung, công ty của ông sẽ trả tiền cho thời gian chúng tôi ở trại tỵ nạn,
sau đó sẽ đón chúng tôi đến đất nước Na-Uy.
Tàu
phải chờ thêm 1 ngày nữa để đợi quyết định chính thức của hai quốc gia
về số phận của chúng tôi. Cuối cùng, giờ “phán xét” lên thiên đàng hay
xuống địa ngục cũng đến, chính phủ của cả hai nước không muốn nhận thêm
người tỵ nạn. Lòng nhân đạo của con người đã cạn và trái tim của họ đã
đóng cửa. Chúng tôi phải rời Singapore ngay chiều nay, tiếp tục trở ra
biển khơi.
Để
lại sau lưng ánh đèn rực rỡ của hải cảng Singapore mà lòng nặng trĩu âu
lo, chúng tôi nhìn ra mênh mông phía biển, trời tối đen, mịt mù như
tương lai của chúng tôi ở phía trước. Tàu chạy một hồi lâu, ông thuyền
trưởng xuất hiện với một nụ cười tươi tắn rất khác với khuôn mặt lo âu
hai hôm nay, ông thông báo “có tin vui trong giờ tuyệt vọng”, trại tỵ
nạn Philippines còn mở cửa.
Tin
vui như những giọt nước Cam Lồ tưới lên những đôi môi rạn nứt, khô cằn.
Ông đã mang lại cho chúng tôi một sự hồi sinh và cả một trời hy vọng mà
chúng tôi tưởng không còn nữa. Ông cho biết vừa liên lạc và mướn được
một chiếc tàu hàng Pháp để chở chúng tôi đến thẳng Philippines, còn tàu
của ông phải tiếp tục cuộc hành trình để không bị trễ hẹn thêm với khách
hàng.
Nửa
đêm hôm đó, hai tàu cặp vào nhau ở một điểm “Rendez-vous” giữa biển
khơi. Trời đổ mưa và sóng khá to, nên chúng tôi được chuyển qua tàu bên
kia thật là vất vả. Nhiều người lại ói mửa đến mật xanh vì tàu Pháp là
một tàu chở hàng rất nhỏ so với chiếc tàu chở bột mì khổng lồ của Na-Uy.
Chúng tôi nằm la liệt trong khoang chứa hàng, và hơn 1 ngày sau, tàu
cặp bến Puerto Princesa, Philippines.
Chúng
tôi vui mừng chưa được bao lâu thì 10 ngày sau đó chính phủ Philippines
cũng tuyên bố chính thức đóng cửa trại tỵ nạn PFAC. Lần này cái lằn
ranh thời gian, lại một lần nữa lại giăng lên ngăn chia những đồng bào
của tôi, những người đến trại sau ngày đóng cửa. Họ bị cách ly trong một
hàng rào kẽm gai để chờ làm giấy tờ phân loại PA (Philippines Asylum)
và PS (Philippines Screening).
Những người tỵ nạn khốn khổ, trong đó có những người anh, người chị, người em, cha mẹ, vợ chồng, và con cái, khi nhận ra gia đình mình đang ở ngoài hàng rào cách ly, chỉ biết hoang mang, ngơ ngác nhìn nhau với những cặp mắt đỏ hoe, ngấn lệ. Có những người yêu nhau trước ở Việt Nam, mà người đi trước, kẻ đi sau, cũng chỉ ngậm ngùi tìm tay nhau qua hàng rào kẽm gai. Cái biên giới không gian rất gần, bàn tay nắm được bàn tay, nhìn thấy nhau mà cái biên giới thời gian sao mà cách xa nhau diệu vợi. Giữa hai người bây giờ là một lằn ranh vô hình của việc thanh lọc những người không may mang số PS.
Những người tỵ nạn khốn khổ, trong đó có những người anh, người chị, người em, cha mẹ, vợ chồng, và con cái, khi nhận ra gia đình mình đang ở ngoài hàng rào cách ly, chỉ biết hoang mang, ngơ ngác nhìn nhau với những cặp mắt đỏ hoe, ngấn lệ. Có những người yêu nhau trước ở Việt Nam, mà người đi trước, kẻ đi sau, cũng chỉ ngậm ngùi tìm tay nhau qua hàng rào kẽm gai. Cái biên giới không gian rất gần, bàn tay nắm được bàn tay, nhìn thấy nhau mà cái biên giới thời gian sao mà cách xa nhau diệu vợi. Giữa hai người bây giờ là một lằn ranh vô hình của việc thanh lọc những người không may mang số PS.
Chúng
tôi thực sự biết ơn và suốt đời ghi tạc tấm lòng của vị thuyền trưởng
người Na-Uy đã vì những người tỵ nạn chúng tôi, những người xa lạ, không
cùng chủng tộc, ngôn ngữ; ông đã đưa cánh tay ra cứu vớt chúng tôi,
trong khi những người cùng tiếng nói, màu da, mang tiếng là đồng bào đã
ra tay tận diệt người dân của họ, đẩy chúng tôi đi tìm cái chết ngoài
biển khơi.
Sau
này, nhờ internet, rồi qua tòa đại sứ Na-Uy ở Washington DC, tôi liên
lạc được với ông. Lần đầu gọi phone cho ông, giọng xúc động, tôi chỉ nói
được hai chữ cám ơn ông mãi mãi và mãi mãi. Tôi có hỏi hai ngày đậu ở
cảng Singapore, chắc ông và công ty thiệt hại số tiền đến khoảng trên
dưới $200,000.00 phải không? Ông chỉ nhỏ nhẹ khuyên tôi đừng bận tâm hay
lo lắng, vì mọi chuyện đã là dĩ vãng, hãy tập trung cho tương lai.
Vâng,
chúng tôi đã và vẫn đang tập trung cho tương lai của chúng tôi và các
thế hệ con cháu chúng tôi bằng cách làm việc chăm chỉ, hòa nhập vào đời
sống ở đất nước tươi đẹp này. Chúng tôi phá vỡ được những biên giới ngăn
cách về khác biệt văn hóa và thành kiến chủng tộc để có được một cuộc
sống tốt hơn nơi quê hương thứ hai này.
Chúng
tôi tin vào nước Mỹ vì chúng tôi có những ước mơ cháy bỏng và vì chúng
tôi có cơ hội để biến những ước mơ đó thành sự thật. Vì thế chúng tôi có
cái nhìn bao dung, luôn trân trọng ước mơ của tất cả những người di dân
khác, những người bị chà đạp bởi độc tài, bạo lực, không có cơ hội sống
một đời đúng nghĩa. Nhà thơ nổi tiếng Khalil Gibran, người Lebanese, đã
viết: Cuộc sống không có tự do là một thể xác không có tâm hồn. Life
without Liberty is like a body without a Spirit.
Nước
Mỹ trở nên vĩ đại và tuyệt vời là do sự kết hợp của nhiều sắc tộc di
dân khác nhau làm nên một quốc gia cường thịnh ngày nay. Đừng quá tự hào
cho rằng mình xứng đáng hơn những dân tộc khác vì mình phải vượt biển
trên những con thuyền mong manh, đối diện với sóng to gió lớn, nhiều rủi
ro hơn. Bất cứ di dân nào cũng là những con người khát vọng tự do, họ
tìm kiếm một cơ hội đổi đời trên một vùng đất mới, một xứ sở an bình với
ước mong sẽ không còn bạo lực và nghèo đói triền miên đe dọa lên gia
đình họ. Họ đang cố vượt qua những cái biên giới mong manh đó, những
biên giới tưởng gần mà hóa ra rất xa.
Tháng 7, 2019 viết từ Philippines.
Nguyễn Văn Tới
Một bài viết thật hay thật xúc động diễn tả chính xác cái tâm trạng của những người tị nạn, vì không thể sống ở đất nước mình nên phải liều mình bỏ xứ ra đi dù biết rằng ít may nhiều rủi, cơ hội tới đích rất mong manh. Cái tâm trạng đó thật là khốn khổ tội nghiệp vô cùng nhứt là khi đã tới bờ mà không được cặp bến, bị từ chối đuổi xô.
ReplyDeleteĐọc bài viết này mới giựt mình thấy sao mình có phước quá, may mắn hơn rất nhiều người. Thương cho những kẻ bất hạnh đã đi mà không đến, giữa chừng đã vỡ tan ước mộng làm lại cuộc đời, chết tức tưởi oan khiên.
Cám ơn tác giả. Bài viết làm tôi rơi nước mắt. Tiếp tục lên nhé.
NPN
Cám ơn chị NPN chuyển, cám ơn tác giả Nguyễn Văn Tới , thêm bài viết thật xúc động , vấn đề tỵ nạn, di dân vẫn là đề tài gây nhức nhối cho những quốc gia nhận hay không nhận những người mà ước mơ luôn hướng tới xứ thiên đàng tự do.
ReplyDeleteBài viết và hình ảnh làm người đọc thổn thức.Cám ơn tác giả lần nữa.
Hồng Thúy
Thưa chị NPN và LNHT, chỉ những người đã từng đi qua hay đến rất gần những biên giới mong manh đó mới cảm nhận được sâu xa hơn những người chưa một lần.
ReplyDelete