Thấy bà
ngoại sắp trái cây, chè xôi, bánh và nhiều thứ khác đứa cháu ngoại
cũng lăng xăng phụ. Con bé rót nước vào ly nhỏ rồi cẩn thận để lên bàn.
- Còn gì nữa
không bà ngoại?
- Ờ! lại bàn
thờ ông ngoại cầm hộp nhang xuống đây cho bà.
- Dạ! Yes Sir!
Bà ngoại.
Nó cầm hộp
nhang xuống đưa cho chị Thim rồi đứng im. Một hồi nó nheo mắt hỏi:
- Sao hôm nay
bà ngoại bày cúng chỗ này mà không cúng ở bàn thờ trên nhà?
- Hôm nay bà
ngoại cúng đưa ông Táo
-Ông Táo là ai?
Ổng ở chỗ nào bà ngoại
Chị Thim chỉ
vào bàn thờ nho nhỏ đặt ở sát bếp nói với cháu:
- Táo thần ngồi
đây nè.
- Sao chỉ có
mấy chữ gì kỳ cục mà không thấy hình ổng.
- Ờ! Tới đây
chị Thim cần phải suy nghĩ vì chị mà nói ra có hai ông một bà thì
chết với đứa cháu ngoại hay hỏi cắc cớ này lắm. Nó sẽ hỏi tới và sẽ nghĩ ra gia
đình này lộn xộn, kỳ cục. Rồi sẽ hỏi họ có đánh nhau không? Ông nào lớn, ông
nào nhỏ. Họ có con không? vv và vv...Chị Thim đành nói tránh ra:
- Thì đây là
chữ nho, viết tượng trưng, chứ hồi xưa làm gì có chụp hình.
- Mà tại sao
phải đưa ổng ngày 23 Tết?
- Theo tục lệ
ngày này tất cả Táo Thần về chầu thượng đế, báo cáo việc trần gian, việc nhà
của nơi mình ở -như nhà mình đây nè -cho Ngọc Hoàng biết.
- Mà Ngọc Hoàng
là ai hả ngoại?
- Ngọc hoàng là
vua của các vị thần.
- Ông Ngọc
Hoàng ở đâu hả ngoại.
- Ổng ở trên
trời, chỗ cao nhất, cai trị hết thảy mọi người, mọi vật trên trái đất .
- Ổng oai quá
hén!
Cháu chị Thim
nheo nheo con mắt, đưa tay vò vò cái trán vồ rồi nói bâng quơ.
- Mỗi nhà một
ông táo, trên thế giới này biết bao nhiêu ông, chỗ đâu cho mấy ổng đứng hết
trên thiên đình mà tâu với bẩm. Rồi nó quay qua hỏi chị:
- Ở thiên đình
có xài loa không hả ngoại?
- Loa gì?
- Thì cái loa
nói lớn ra cho mọi người nghe đó. Ngọc Hoàng nói cho hết quá chừng ông táo nghe
thì phải dùng loa chớ. Rồi bỗng như sực nhớ nó hỏi một cách hăng hái:
- Mà ông Táo
nói tiếng gì hả ngoại? nhiều ông táo ở nhiều nơi lắm mà.
-Thì ổng nói
tiếng ...Mà tiếng gì Ngọc Hoàng cũng hiểu.
-Vậy Ngọc Hoàng
giỏi thiệt nha. Hay như cái tự điển đa ngôn ngữ bây giờ. Mà ngoại ơi! nhà mình
xài gas, bếp đâu có cần ông Táo.
-Cái con này...
Táo là thần mà, ổng quan sát việc nhà mình chứ đâu phải bật hộp quẹt mở lửa cho
mình nấu ăn đâu?
Thấy giông dài với
nó nhức cái đầu, chị Thim sai nó đi ra ngoài sân sau bưng cái rổ cam ngoại hái
sẵn đem vô đây. Con bé dạ một tiếng rõ to rồi chân sáo đi ra cửa, miệng vẫn còn
lầm bầm:
- Cúp điện hay cúp gas là ông Táo hết thấy đường dòm ngó nhà mình.
Chị Thim lắc đầu không biết làm sao cắt nghĩa với nó. Ngày xưa đối với mẹ nó, chị Thim kể cho nghe chuyện gia đình nhà táo, về cái chết của họ và chức vụ Ngọc Hoàng ban, mẹ nó tin ngay không hề thắc mắc hay hỏi này kia. Mỗi khi nấu làm đổ thức ăn trên bếp nó còn chắp tay xá xá xin lỗi ông Táo. Mỗi năm cúng đưa hay đón ông Táo, nó tới bàn thờ cầu xin dễ thương lắm. Bây giờ mấy đứa cháu ngoại cái gì cũng hỏi cho ra.
Ngày rằm Trung
Thu rước đèn chị Thim bèn kể chuyện Hằng Nga Chú cuội cho các cháu nghe, nghĩ
rằng chúng sẽ thích lắm như mình hồi nhỏ. Ai dè cháu chị lên tiếng không kiêng
nể gì hết:
- Làm gì có
Hằng Nga ở trển. Đá không hà ngoại ơi! Phi thuyền lên trên mặt trăng lấy đá về
nghiên cứu đó. Hằng Nga hả? con không tin.
Ôi! Cái thời
khoa học tiên tiến, mỗi đứa cháu đều có một cái Iphone hay Ipad , tuổi thơ của
nó không còn là hoa bướm, tiên nữ nữa. Nó thực tế đến trần trụi tự nhiên. Già
như chị Thim đôi khi bị nó bắt bẻ, dẫn chứng có lý lẽ, khoa học kỹ thuật rõ
ràng đành quê độ chịu thua.
Nói chúng không
có sự tưởng tượng cũng không đúng. Chúng cũng có những chuyện thần tiên trong
tranh hoạt hình của thiếu nhi. Nhưng những chuyện ấy chị Thim mù tịt về tên
nhân vật vì quá nhiều. Những nhà làm phim tưởng tượng ra những câu chuyện thần
thoại những con vật viết nói, những tranh hoạt hình cho trẻ em. Rồi họ sản xuất
ra những áo, khăn, búp bê và vô số đồ chơi theo chuyện phim đó. Báo hại cha mẹ
ông bà mua sắm theo sự vòi vĩnh của chúng cũng tốn khá nhiều tiền.
Trí tưởng tượng
của trẻ con phong phú lắm. Hôm nay nó sẽ hóa thân làm người này và tên nó sẽ là
tên nhân vật đó. Vài hôm sau sẽ là một nhân vật mới, tên mới. Khốn nỗi chị Thim
đâu có biết lúc đó nó nhập vai ai nên cứ bị nó bắt bẻ và phụng phịu nghỉ chơi
hoài. Những chuyện cổ tích VN bây giờ không còn đi vào tâm hồn bọn trẻ. Chúng
bắt ông bà đi theo sự tưởng tượng và nhân vật của chúng trong phim ảnh chứ
không theo chuyện kể đời xưa xa lắc xa lơ của VN mình.
Cái thời bà
nội, bà ngoại nằm ôm cháu kể chuyện đời xưa bây giờ chắc không còn nữa. Những
bà nội (ngoại) tiếng Tây tiếng Mỹ ít ỏi, nói cho nó hiểu thật khó dàng trời. Nó
nói tiếng Mỹ nhanh như giông như gió mình không nghe kịp , thì làm sao gieo vào
đầu chúng những câu chuyện truyền miệng mà ngày xưa ông bà mình đã kể cho mình
nghe.
Nhiều khi nghe
nó vặn vẹo mình cũng chột dạ. Có phải mình cũng lẩm cẩm quá không? Có còn tin
vào ông Táo hai ông một bà về chầu trời không? Có còn tin trên vầng trăng sáng
đẹp lung linh kia có một nàng Hằng Nga ôm gối mộng lẻ loi một mình. Chuyện thần
tiên bao giờ cũng là đẹp đi vào trái tim nhỏ bé ngây thơ tuổi nhỏ. Ta nghe và
yêu nó như yêu cả tuổi thơ trong trắng tuyệt vời. Lớn lên khi có con ta lại kể
cho con nghe và coi như ta trao tuổi thơ cho nó nâng niu khi tuổi thơ mình đã
mất.
Tết đã về tới
rồi. Lẹ thiệt, dường như thời gian chạy đua với tuổi già của con người. Bên đây
xung quanh toàn người Mỹ, ngày Tết VN chẳng ăn nhằm gì với họ. Ngày mồng một
vào đầu tuần thì y như rằng Tết năm đó như không là Tết . Vậy thì Tết bắt đầu
lúc nào?
Đối với trẻ con
ở Mỹ, Tết bắt đầu từ sáng mồng một, khi cha mẹ chúng trao tiền lì xì và chúc
mừng năm mới. Ở Việt Nam tuổi nhỏ của chúng ta, Tết bắt đầu sau ngày đưa ông
Táo về trời. Từ sau ngày 23 chúng ta dùng chữ Tết hay tháng chạp đi sau ngày
tháng. Thí dụ:
- Hôm nay 24
tháng chạp hoặc hôm nay 24 Tết
- Hôm nay 27
Tết rồi đó bà con ơi .
Cho nên khi đã
đưa ông Táo về trời thì nhà nhà bắt đầu chuẩn bị ăn Tết. Có phải chăng người
xưa đã lấy cái điểm mốc này để chào mừng mùa Xuân. Những cây mai tỉa sạch lá
hôm nào đã đơm biết bao là nụ. Những nụ hoa nhỏ bắt đầu to dần để nở đúng Tết.
Những bông thọ, bông mồng gà, bông cúc đã khoe sắc rực rỡ sân nhà. Mẹ đã đem
nếp mới đi xay , mua đường , mua thịt về chuẩn bị gói bánh. Những lá chuối
ngoài vườn mẹ ra ngấm nghé để chuẩn bị cắt về phơi. Những trái bí đao già trắng
hếu để dành nằm một đống dưới gầm ván được má lôi ra chuẩn bị làm mứt. Cây chùm
ruột chua chi chít những trái được chị hái hết đem vào nhà rửa sạch chà cho ra
hết chất chua. Dừa ba đã cắt từ lâu, tách bỏ vỏ ngoài sẽ là những hộp mứt dừa
ngọt ngào đủ màu sắc. Mấy trái mãng cầu đã được xên đường thật ngon và gói đủ
màu sắc. ....
Tết là cả gia
đình gom tụ về để mừng năm mới. Con cháu chung tay chuẩn bị đón Xuân về. Tết là
để các cô gái miệt vườn giỏi giang phô trương tài nữ công gia chánh.
Tết là dịp các bà mẹ chồng nhận xét, chấm điểm tìm con dâu. Tết là dịp mẹ dạy
con gái nấu những món ăn ngon, làm những loại mứt ngọt ngào để bước thêm một
tuổi chuẩn bị lấy chồng. Tết trẻ con được mặc đồ mới, được ăn ngon được lì xì
tiền và được nghỉ ở nhà đi chơi thỏa thích. Có đứa thấy mình đã lớn, phải có
trách nhiệm giúp đỡ cha mẹ.
Ngày Tết ngọt
ngào với Mứt gừng, mứt bí, mứt me, mứt chùm ruột, mứt dừa, mứt mãng cầu,mứt
khoai lang...Bánh thì có bánh tổ, bánh ít, bánh tét, bánh chưng, bánh dày, bánh
bông lan, bánh in, bánh bột lọc... Thịt thì có thịt kho tàu, thịt kho trứng,
thịt luộc cuốn bánh tráng với dưa giá rau sống, thịt đông, nem, chả, giò thủ,
tré, đầu heo dầm chua, lỗ tai heo ngâm nước mắm hay ngâm dấm. Ngoài ra còn có
canh khổ qua dồn thịt, canh miến... Nhất là ngày mồng một ăn chay không thể nào
thiếu món kiểm là một món đặc biệt của miền Nam nấu với rất nhiều rau củ nước
dừa ngon hết biết.
Ngày tết ở miền
Nam, bàn thờ gia tiên được bài trí vô cùng trang trọng.Thức ăn bày cúng được để
trên bàn dài trước tủ thờ. Ngoài mâm cơm cúng ông bà phải có mâm cơm cúng đất
đai thổ trạch, một mâm cúng rước ông Táo về nhà. Trên bàn thờ ngoài lư hương
chân đèn được chùi sáng choang, bông hoa rực rỡ, còn có cặp dưa hấu và mâm ngũ
quả Cầu, dừa, đủ, xoài và một trái thơm. Có người còn chưng thêm chùm sung
tượng trưng cho sung túc hay mấy quả Phật Thủ để cầu được phước báo trong năm
mới. Chuối được chưng thường là chuối sứ trái thật to và ngon, tuyệt đối không
ai chưng chuối già.
Ngày nay người
ta hay đùa vì ý nghĩa "CẦU VỪA ĐỦ XÀI" của người miền Nam đơn
giản, thiệt thà, bình dị không ước mơ nhiều. Họ dùng
những cây trái mô tả để đùa như: CẦU XÀI XẢ GA là mãng cầu, xoài ,vài gốc sả và
một bình ga nhỏ. Đùa vui chọc phá thì có CẦU BƠM VÚ VỪA ĐỦ XÀI Là mãng cầu,
táo, vú sữa, dừa, đu đủ và xoài vv.. Ngày Tết không ai chưng sầu riêng, trái
lê, trái lựu vì kiêng cử.
Tết là niềm vui
là thay đổi cái cũ để bước qua cái mới tốt đẹp hơn.
Nhà tôi ngày
xưa đó cứ vài năm ba tôi lại cho quét vôi lại một lần. Các anh tôi tập trung về
phụ ba làm việc. Đồ đạc được di chuyển, dọn dẹp. Bụi bặm được quét sạch sẽ. Đồ
dùng có dịp kiểm điểm lại, cái nào quá cũ thì bỏ. Có cái để hoài một góc nào đó
rồi quên đi bây giờ mới tìm ra. Căn nhà sau khi quét vôi xong, nền nhà rửa sạch
xem như mới. Tất cả đều tinh tươm sạch sẽ. Bộ lư đồng được đem ra chùi sáng
trưng. Khỏi cần mua thuốc chùi lư, cứ ra vườn sau hái một mớ khế chua hay chanh
chà thật đều, phơi nắng một chút rồi đem vô lau thật kỹ. Chao ơi! bộ
lư sáng choang như mới. Cây mai ngoài vườn được cắt vài nhánh chưng trên bàn
thờ, đọ sắc với bông thọ vàng rực mà má tôi rất thích. Dọn bàn thờ và trang
trí rất quan trọng trong phong tục VN. Bởi vì nhìn lên bàn thờ người
ta có thể đoán được gia thế và cách sống của gia chủ.
Người ta nói
người Việt Nam mình sống cho người chết cũng không ngoa. Gần Tết đại gia đình
tổ chức đi dẫy mả, làm sạch sẽ nơi người chết yên nghỉ. Trước khi dọn dẹp cho
khang trang phải có một mâm gà xôi rượu bánh trái cúng ngoài mộ để xin phép rồi
mới được làm. Ngày này mỗi gia đình thường cử người đại diện đi tham gia làm
công việc hiếu nghĩa biết ơn tổ tông ông bà.
Ngày 30 Tết mọi
nhà rộn ràng nấu nướng để rước ông bà. Trong không khí trang nghiêm và linh
thiêng, gia chủ cúng lạy để mời ông bà tổ tiên về vui Tết với con cháu. Bắt đầu
giờ phút đó phải kiêng những thứ không tốt lành, nói năng vô phép sợ thất lễ
ông bà và ảnh hưởng cho năm mới . Ngày Tết đến thăm nhà ai thì đầu tiên phải
xin phép gia chủ để được đốt nhang bàn thờ mới là người biết phép tắc.
Đúng 12 giờ đêm
mọi nhà đều cúng giao thừa. Giờ phút cúng giao thừa thiêng liêng lắm. Đó là
thời khắc giao thoa của đất trời, giờ phút bước qua một năm mới. Cúng giao thừa
thường được cúng trước cửa, có nhà để ngoài sân. Mâm cúng giao thừa chủ yếu là
hoa quả , bánh, mứt, nước lọc hay nước trà. Có nhà nấu thêm chè xôi để cúng.
Sau khi cúng xong gia chủ sẽ châm ngòi cho pháo nổ. Cả xóm, cả làng nhà ai cũng
có đốt pháo. Nghèo thì một phong, giàu thì đốt pháo đại và rất nhiều phong
pháo. Trẻ em đứng bên ngoài reo hò, vỗ tay, khi pháo nổ hết thì nhào
vô lượm pháo rớt ra để đốt . Sáng mồng một sân nhà ai cũng đầy xác pháo đỏ thật
đẹp. Sau này do tình hình chiến tranh, an ninh tục lệ đốt pháo ngày Tết bị giới
hạn, có năm cấm luôn. Riêng ở miền Nam Cali năm nào city cũng cho phép các nhà
buôn bán lớn được phép đốt pháo đầu năm hay ngày khai trương năm mới để lấy
hên.
Những ngày cận
Tết con gái cực lắm. Ngoài phụ mẹ gói bánh, làm mứt, nấu ăn còn phải dọn dẹp
nhà cửa. Tất cả mùng, mền, áo gối đều phải giặt sạch. Gạo phải đầy lu, nước
phải đầy bể, đầy khạp, sân phải quét dọn sạch sẽ tinh tươm. Vào chiều ngày 30
trước khi rước ông bà về phải tưới nước cho ướt sân để ông bà về mát mẻ. Tất cả
mọi sinh hoạt phải xong trước giờ cúng giao thừa. Bắt đầu sáng mồng một là chỉ
có chúc Tết, ăn, chơi. Đàn ông đi chúc tết, ăn nhậu, đánh bài. Con nít mừng
tuổi, nhận lì xì, đi chơi và đánh bầu cua cá cọp. Người mẹ nhiệm vụ ở nhà tiếp
khách, đốt nhang bàn thờ. Con gái phải phục vụ và dọn dẹp. Các cây lớn ngoài
vườn cũng được nhận một miếng giấy đỏ cắt hình thoi hay vuông dán
vào gọi là mừng tuổi cho cây.
Việt Nam ta đa
số theo đạo thờ ông bà, cho nên lễ nghĩa bắt buộc phải giữ gìn và bảo vệ. Tứ
thân phụ mẫu đều phải được kính trọng cho nên "MÙNG MỘT NHÀ CHA, MÙNG HAI
NHÀ MẸ, MÙNG BA NHÀ THẦY" Mùng một anh em chúng tôi ở nhà mừng tuổi bác,
chú, cô. Mùng hai mấy anh em dẫn nhau về nhà ngoại đốt nhang và chúc Tết cậu,
dì, bà con của mẹ. Ngày mùng ba hẹn nhau đi chúc Tết thầy giáo cô giáo rồi về
nhà cúng đưa ông bà.
Người Việt sau
30/4/75 rời xa đất nước vẫn canh cánh bên lòng tình quê hương dân tộc. Ngay từ
cái Tết đầu tiên dù ở trại tị nạn hay ở xứ người vẫn cố gắng duy trì phong tục
và làm sống lại cái Tết Việt Nam. Tết là tình tự dân tộc là cội nguồn từ thời
vua Hùng dựng nước. Bánh dầy bánh chưng xuất phát từ Lang Liêu dâng lên vua cha
thời Hùng Vương thứ 7 để tỏ lòng tạ ơn trời, đất, tổ tiên. Bánh tét là lương
thực dự trữ mang đi cho quân sĩ ăn hành quân thần tốc. Trong vòng 5
ngày Vua Quang Trung đại phá quân Thanh vào mùa Xuân Kỷ Dậu 1789.
Cho nên ngày tết VN không thể không có ba món quốc hồn quốc túy ý nghĩa đó.
Mấy chục năm ở
xứ người mỗi năm người Việt ta vẫn ăn Tết rình rang khiến người bản xứ từ lạ
lùng đến kính phục, họ cũng vui theo ngày Tết VN mình. Sau ngày 23 tháng chạp
đưa ông Táo về trời là các chợ VN đã trang hoàng và bán đủ loại trái cây, bánh
mứt và quà biếu cho ngày Tết. Chợ hoa Phước Lộc Thọ tại miền Nam Cali và các
chợ hoa trên khắp các nơi có người Việt cư ngụ làm đẹp thêm thành phố, làm nao
nức lòng người. Những tụ điểm ca nhạc mừng Xuân rộn ràng khắp nơi. Cứ nghe
"Tết Tết Tết Tết đến rồi" hay "Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi
nơi" là ta thấy lòng nôn nao mừng Tết. Các chùa hay các nhà thờ lên kế
hoạch Mừng Xuân chúc Tết đón giao thừa. Các chùa tổ chức cho Phật Tử đi hành
hương sau Tết.
Năm nay là năm
Nhâm Dần tức là năm con cọp. Cọp là chúa tể sơn lâm nên rất hung dữ. Đàn bà con
gái tuổi con cọp khó lấy chồng vì kỵ tuổi. "Dần, Thân, Tỵ, Hợi
tứ hành xung" Đúng lý ra chỉ kỵ các tuổi khỉ, rắn với heo thôi nhưng không
hiểu sao người ta vẫn cấm kỵ con trai lấy vợ tuổi dần. Có lẽ họ sợ cô vợ tuổi
cọp đến một ngày nào đó sẽ biến thành sư tử Hà Đông ăn hiếp chồng. Đối với con
trai can Nhâm rất tốt (Nam Nhâm nữ Quý) nên sinh con trai năm này là quý tử vì
được ở can Nhâm và được tuổi Dần tượng trưng cho sức mạnh.
Chúng ta vô
Google gõ cửa các nhà tướng số nha:
Năm
2022 Nhâm Dần là năm con Hổ (Hổ qua rừng - Quá
Lâm Chi Hổ), ngũ
hành Kim. Năm Nhâm Dần
được xem là một năm vượng khí tốt, trời đất khai thông, thái dương chiếu sáng,
các tuổi sẽ được gặp may mắn, thuận lợi.
Thời
gian: Năm Nhâm Dần bắt đầu từ ngày 01/02/2022 – 21/01/2023 dương lịch.
Mệnh: Kim
Bạch Kim (Vàng pha
bạc)
Hổ (Dần) là con vật đại diện cho sức mạnh, sự uy quyền
Tổng Quan:
Người sinh năm Dần là người có đời sống nội tâm
cao, họ có tài trí hơn người và luôn ấp ủ những ý tưởng to lớn. Họ tự quyết và
có tính độc lập cao, ưa mạo hiểm, và ít bị khuất phục
Vận hạn cuộc đời:
Tuổi Dần khó lòng thỏa mãn với bản thân, lúc nào
cũng cảm thấy không vừa ý nên cuộc sống của họ đôi chút thăng trầm.
Các mối quan hệ
Tuổi Dần nếu kết bạn với một người tuổi Hợi chắc
chắn sẽ tốt bởi người tuổi Hợi luôn điềm đạm từ tốn, họ sẽ bổ túc và kiềm chế
bớt tính nóng nảy và bình an cho người tuổi Dần. Tuổi Dần sẽ thấy tâm đầu ý hợp
với tuổi Tỵ, bởi cả 2 đều rất đa nghi, song người tuổi Tỵ lại rất ôn hòa và
thận trọng trong khi người tuổi Dần nóng nảy và liều lĩnh.
Thôi, coi bao nhiêu đó cũng đủ rồi, bây giờ ta bàn chuyện vui vui về con cọp nha các bạn.
Dần
là hổ, hùm hay ông ba mươi là những tên
người VN hay gọi . Trong chữ nghĩa VN có những chữ dần, cọp hay hổ mà không dính dáng gì tới ông ba mươi.
Thí dụ:
-
Hổ ngươi hay xấu hổ không dính dáng gì tới con cọp hết mà cùng có nghĩa là mắc cỡ
-
Tuổi hổ cáp không phải con cọp mà là con bò cạp
-
Khi các bạn nghe nói đi coi cọp thì không hẳn là mình vô sở thú xem ông ba mươi
mà còn có nghĩa là mình coi hát không mua vé
-
Khi các bạn nghe một người nói ăn thịt cọp thì đừng tin là họ bắt được cọp và
làm thịt ăn. Mà là muối hột giả ra nghe lộp cộp để ăn cơm vì quá nghèo.
-
Khi nghe học trò nói hai từ cọp dê thì không phải là con cọp nó dê hoặc con cọp
với con dê mà là coi trộm bài làm của người khác rồi chép lại.
-Khi
nghe nói bị nhốt chuồng cọp không có nghĩa là bị nhốt vào chuồng có con cọp ở
trỏng. Mà có nghĩa là bị biệt giam
-Cọp
biển không phải là cọp ở ngoài biển mà là lính thủy quân lục chiến mà bây giờ ở
VN gọi là lính thủy đánh bộ
-
Dần dần không có nghĩa là hai con cọp mà là từ từ
-
Còn một từ nữa về lính có dính tới cọp là Cọp ba đầu rằn. Không phải con cọp
trên đầu có ba rằn trên đầu, mà là Tiểu đoàn 42 Biệt động quân
Trong kho tàng văn chương VN để ám chỉ những việc, những con người hay hành động nào đó, người ta hay dùng những con vật mà mọi người đều biết để ví von. Về con cọp có những câu như sau:
Ăn như hùm như cọp. Nam thực như hổ, nữ thực như miêu. Điệu hổ ly sơn. Thả hổ về rừng. Vuốt râu cọp hay vuốt râu hùm. Cáo mượn oai hùm. Không chui vào hang hùm làm sao bắt được hổ con. Dựa hơi hùm. Hổ dữ không ăn thịt con. Hùm chết để da, người ta chết để tiếng. Miệng hùm gan sứa...vv.
Chỉ còn có 3 ngày nữa là con Trâu hết nhiệm kỳ để bàn giao nhiệm vụ cho con cọp. Tôi lại nhớ chuyện cổ tích má tôi hay kể hồi nhỏ có dính líu trực tiếp đến hai con này. Chuyện kể có con cọp đi tìm mồi. Cọp thấy con trâu to lớn mà bị con người rất nhỏ bắt kéo cày, đánh roi vun vút vào mông. Khi họ nghỉ làm con trâu nằm nhai cỏ, cọp đi tới hỏi trâu lý do. Con trâu nói là con người tuy nhỏ nhưng có trí khôn. Cọp lại tìm người nông dân hỏi cái trí khôn để đâu đưa cho cọp coi thử nếu không cọp sẽ ăn thịt. Người nông dân nói trí khôn để ở nhà. Ông ta sẽ về nhà lấy đưa cho cọp với điều kiện cọp phải cho ông ta trói lại, nếu không khi ông ta đi cọp sẽ ăn thịt con trâu của ông. Nghe hợp lý, cọp đồng ý cho anh nông dân kia trói gô vào cây ở nọc rơm. Xong xuôi anh nông dân đánh cho cọp tơi bời và nói trí khôn ông ta ở đây nè. Xong lấy rơm đốt vào đuôi cọp. Cọp bị lửa bắt cháy sợ quá vùng đứt dây và chạy thoát vào rừng. Từ đó lông cọp có vằn, có vện vì bị lửa cháy xém lông.
Đây
là câu chuyện đời xưa để giải thích lý do lông cọp vằn vện cũng như đề cao trí
khôn của loài người. Câu chuyện chắc chắn là không có thật vì cọp làm sao biết
nói tiếng người. Câu chuyện cũng ám chỉ con cọp tuy to con nhưng chỉ mạnh về
thể lực không thông minh hay mưu trí như những con vật khác.
Con trâu hiền lành, chăm chỉ là con vật nuôi trong nhà, để cho con người sai khiến. Con trâu khi còn sống làm việc cật lực để đem lợi ích cho con người, khi chết còn bị con người đem ra làm thịt không bỏ một thứ gì, cả bộ da cũng bị lột ra làm mặt trống. Con cọp trái lại rất hung dữ, ăn thịt súc vật và ăn cả thịt người nên loài người rất sợ. Cọp sống trong rừng không gần gũi tiếp xúc với loài người. Rừng càng ngày càng bị khai phá để mở rộng diện tích trồng trọt và xây dựng. Loài cọp cũng dần dần bị đẩy đi xa. Thiếu rừng thì chúa tể sơn lâm cũng không thể dương oai diệu võ, không thể sinh con duy trì nòi giống. Loài cọp dần dần tuyệt chủng, chỉ còn thấy ở sở thú hay những khu rừng nguyên sinh được nhà nước bảo vệ.
Nhâm Dần về rồi, người dân trên khắp thế giới hướng về năm 2022 mong mỏi một sự thay đổi tốt đẹp. Dịch bệnh Coronavirus đã đẩy lùi dân số và sinh hoạt của con người trong hai năm qua. Dân chúng toàn cầu đang mơ ước không phải sự đi lên ngoạn mục mà chỉ là được trở về thời kỳ của 2 năm về trước. Thật là một điều vô lý nhưng đó là sự thật. Sự thật dù đã được chích ngừa 3 lần nhưng ra ngoài vẫn phải mang khẩu trang che kín, vẫn phải đứng cách xa nhau 2 mét, vẫn nơm nớp lo sợ mà bệnh viện vẫn không đủ phòng cho bệnh nhân dính Covid. Thật là yêu quỷ lộng hành, thiên đình chắc phải cử thiên tướng xuống trần dẹp loạn, đem lại bình an cho bá tánh.
Thiên tướng đây có phải là con cọp chúa tể sơn lâm không? Hy vọng ông ba mươi sẽ ra oai hùm rống to cho dịch bệnh tiêu trừ, nhân loại an hòa, giang sơn bình định.
Tân niên lại đến mỗi gia đình
Khai bút làm thơ chúc bạn mình
Tài lộc vào nhà vui khấp khởi
Bình an gỏ cửa nụ cười xinh
Nhà nhà hết sợ con vi rút
Chốn chốn mừng vui cảnh thái bình
Cuộc sống thanh nhàn ta tận hưởng
Nhâm Dần dịch bệnh cũng lui binh
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
Nguyễn thị Thêm
01/31/2022
No comments:
Post a Comment