Tui nhớ
hồi tui 8, 9 tuổi, tía tui làm nghề tay trái là ký giả chuyên phê
bình tuồng cải lương cho trang kịch trường báo Tiếng Dội của ông Trần
Tấn Quốc ở thủ đô Sài Gòn.
Hồi đó gánh cải lương nào có tuồng mới dựng thường về
rạp Vĩnh Lợi của thầy Năm Tú gần chợ Mỹ Tho để hát phúc khảo. Hát
phúc khảo là tổng dượt lại. Thầy tuồng tức soạn giả coi lại từng
cảnh, từng màn, nên thêm chỗ nào; bớt chỗ nào để vở tuồng được hay
hơn. Tuồng hay, sau về rạp Nguyễn Văn Hảo ở đường Trần Hưng Ðạo, Sài
Gòn hát tất ăn khách hơn; hát được nhiều suất hơn, hát lâu hơn. Hát
phúc khảo cũng là dịp để đào kép hiểu tích, thuộc tuồng. Có vậy,
nghệ sĩ mới nghĩ ra cách diễn xuất như thế nào để lấy được nước
mắt của bà già trầu ở chợ Cầu Ông Lãnh hay mấy em bán mì ở chợ
Nancy. Mà muốn có ai chỉ ra được cái hay, cái dở của tuồng tích không
ai bằng ký giả kịch trường. Ðó là nghề của chàng.
Rồi những lời khen tặng của ký giả kịch trường sẽ in trên
báo nhằm lăng-xê trước cho vở hát, được bầu gánh cho in ra giấy quảng
cáo để xe ngựa đi phát ra, dụ khị bà con đi coi hát tối nay.
Sau khi cánh màn nhung khép lại, vãn tuồng rồi, soạn giả
mời ký giả đi ăn cháo khuya. Hai người lai rai ba sợi, rượu vô lời ra,
nhắc nhỏ nhau nghe, kêu thêm thắt chỗ nầy mà bỏ chỗ kia. Còn bài lên
báo là hổng có cái vụ chê; chỉ có khen. Vì giết kẻ thù chớ giết
bạn đành sao!
Chính vì thế mà soạn giả rất trọng vọng ký giả kịch
trường. Mời ổng đi xem hát hai ghế thượng hạng. Ghế ngồi chính giữa,
gần xịt bên sân khấu. Kép lấy hơi lên gân cần cổ để xuống vọng cổ
tới sùi bọt mép mình còn nhìn thấy nữa đó!
Những lần như vậy, má kêu tía phải dắt tui theo. Mãi sau
nầy lớn lên, tui mới hiểu má tui làm vậy là để bắn tiếng cho mấy cô
đào thinh sắc là tía tui đã vợ con đùm đề rồi, sẽ không dám rủ rê
tía tui đi “ăn chè” bất tử.
Tám giờ tối mới mở màn. Coi chưa hết màn đầu là tui buồn
ngủ híp hai con mắt. Kèn thổi tò te, trống của dàn nhạc Tây nó đánh
rầm rầm, đang mơ màng giấc điệp, ke chảy đầy mồm, bỗng giựt mình
thức giấc. “Ò e Rô Be đánh đu, Tạc Zăng nhảy dù, Zô Rô bắn
súng” là tui biết màn nhung đã khép lại rồi. Tuồng đã
vãn. Mình thức dậy, đi về!
Sau nầy bèo dạt hoa trôi tới nước Úc này đây, đêm giao thừa
đi nhậu, tui gặp lại bản “Ò e Rô Be đánh đu”.
Té ra nó là dân ca “Auld lang syne” xứ Scotland.
Hồi chưa có dịch, mỗi chiều cuối năm, tui thường lang thang
thả bộ ra pub (quán rượu) ở Footscray chỉ cách nhà tui khoảng 10 phút đi
bộ, nhậu. Lúc đó còn đi cày, mệt thiệt nhưng tiền bạc cũng hơi rủng
rỉnh.
Tui lại quầy mua bia để uống chơi, ngồi tán dóc để học
thêm chút đỉnh tiếng đường phố của bọn Úc đá cá lăn dưa.
Người ta nói hổng có sai mà. Muốn giỏi tiếng Úc hãy học
trên giường với con vợ Úc. Nếu không có con nhỏ Úc nào chịu làm vợ
mình hết ráo thì nên học ở quán nhậu hàng đêm. Không phải tốn tiền
học phí; chỉ phải tốn tiền bia. Tốn tiền nhiều chừng nào bụng bự
và tiếng Úc mau giỏi chừng nấy.
Chính vì nghe cái giọng tiếng Úc lơ lớ, tá lả như xổ
tràng đạn đại liên M60 của tui, con nhỏ Úc gốc Ý phục vụ bia bọt,
“sexy” vì em cổ nhũ, mắt xanh mỏ đỏ nó rất khoái nói chuyện với tui.
Nhưng năm rồi nè, dịch bùng phát dữ dội, tiểu bang
Victoria (trong đó có thủ phủ Melbourne của tui) mông xừ Thủ hiến
Daniel Andrews ra lịnh đóng cửa quán nhậu một lèo tới 112 ngày.
Chiều chiều không đi nhậu tán dóc được với em, ở nhà
cuồng cẳng, cuồng chân. Tui nhớ cái không khí ồn ào của quán nhậu
vui hết biết chiều cuối năm mà buồn biết bao trong tấc dạ.
Giao thừa năm nay được thằng cha Thủ hiến tiểu bang xả
cảng, tui vội vác càng tôm đến quán để gặp lại người xưa.
Em nháy mắt với tui rồi hỏi xỏ: “Bộ sút chuồng hả?”. Tui
trả lời: “Tại nhức đầu!”. Em có vẻ lo lắng: “Nhức đầu sao đi nhậu?”.
Tui trả lời: “Tui sung lắm! Nhức đầu là con vợ của tui”.
Em đặt trước mặt tui một ly bia đầy bọt. Tui ngửa cổ làm
một hơi nghe cái ót, cạn hết nửa ly. Xong, tui kể cho em nghe câu
chuyện tựa đề Thượng đế cho con hỏi như vầy nè:
Thượng đế ra lịnh: “Adam, ta muốn con làm một chuyện rất quan trọng
này cho ta”. Adam đáp: “Tâu Thượng đế! Ngài muốn con làm gì?”. “Ði xuống thung
lũng”. Adam hỏi lại: “Thung lũng là gì?”.
Thượng đế cắt nghĩa cho Adam nghe, rồi nói: “Qua sông”. “Sông là
gì?”. Thượng đế lại cắt nghĩa cho Adam nghe, rồi nói: “Ði qua ngọn đồi”. “Ðồi
là gì?”. Thượng đế lại cắt nghĩa cho Adam nghe, rồi nói: “Ở phía bên kia
của ngọn đồi, con sẽ tìm thấy một cái hang cỏ mọc um tùm”. “Hang là gì?”. Thượng
đế cắt nghĩa cho Adam nghe, rồi nói: “Trong hang, con sẽ tìm thấy một con nữ”.
Adam hỏi: “Nữ là gì?”.
Thượng đế lại kiên nhẫn cắt nghĩa cho Adam nghe, rồi nói: “Ta muốn
con sản xuất bé bi”. “Làm thế nào để con làm được chuyện đó?”. “Trời ạ!”. Thượng
đế thở hào hển. Sau đó, ngài thở dài và đem hình ảnh con ong, con bướm ra
làm giáo cụ trực quan để cắt nghĩa cho Adam nghe. Adam rất thích cái chuyện
đó. Nên Adam háo hức xuống thung lũng, băng qua sông, qua đồi và chui vào một
cái hang. Nơi đó Adam tìm thấy một con nữ. Một lúc sau, Adam quay lại và hỏi:
“Tâu Thượng đế, nhức đầu là gì ạ?”.
Con nhỏ phục vụ bia bọt khoái chí cười hí hí. Tui bèn
ướm lời: “Ðêm nay em có nhức đầu hông?”. Nó thè lưỡi nói: “Hổng dám
đâu!”.
o O o
Trong lúc tui đón Giao thừa trong quán nhậu thì dân Úc lại
túa ra đường xem bắn pháo bông. Mèo chuột ôm nhau hun hít và cười vui
như con nít.
Khi nửa đêm ập đến, năm 2021 đáng để quên, lùi vào lịch sử. Màn
bắn pháo bông đêm giao thừa dài 12 phút, nổi tiếng trên toàn thế giới tại cầu
cảng Sydney, thủ phủ của tiểu bang New South Wales đông dân nhứt Úc Châu
bắt đầu.
Mọi năm cả triệu người bu lại để xem bừng sáng pháo bông
nói lời tạm biệt năm cũ. Nhưng năm rồi con Delta gây chết người nhiều
quá. Năm nay con biến thể Omicron lây lan dữ quá, dân Sydney không còn
xúm lại chùm nhum một đám. Tụi nó đổ ra đầy bãi biển Bondi. Vì nơi đó
thông thoáng hơn; nguy cơ lây nhiễm cũng thấp hơn.
Rồi sau đó, những cảnh tượng hùng vĩ tương tự lần lượt nổ tung ở
Adelaide, thủ phủ tiểu bang Nam Úc, Darwin thủ phủ lãnh thổ Bắc Úc
và Perth, thủ phủ tiểu bang Tây Úc vì khác múi giờ.
Không chịu thua kém Sydney, bầu trời đêm Melbourne cũng bừng sáng
pháo bông.
Úc này cũng vui! Cưới vợ là đặt dấu “on bon phi nan” cho đời sống
độc thân tự do. Chấm dứt những ngày vui. Những ngày muốn làm gì làm. Giờ làm
bất cứ cái gì cũng phải xin phép. Nghĩa là bắt đầu một cuộc đời nô lệ. Vậy mà
cũng có một thằng Úc cho rằng mình là một người may mắn mới cưới được
một con vợ thổ dân. Ðêm Giao thừa, nó dắt con vợ mới ra đứng giữa
đường. Hai đứa ôm nhau xà nẹo. Chụp hình rồi post lên facebook khoe với
bàn dân thiên hạ là tao vừa bị con vợ tao tuyên án chung thân.
“Ò e Rô be đánh đu”, thiệt là ngu như một con kangaroo!
ĐXT
No comments:
Post a Comment