Ngày xưa, các cụ thường nói “khôn ba năm, dại một giờ” để cảnh
giác các cô con gái phải thận trọng, đừng để bị sa ngã trong một phút yếu lòng.
Thật ra câu thành ngữ đó phải được dùng để khuyến cáo cả hai phái, nam cũng như
nữ, bởi vì không chỉ bọn con gái mới có những phút yếu lòng, bọn con trai chúng
tôi lòng dạ cũng có khi mềm yếu lắm, nhất là khi đứng trước người đẹp, mặt cứ
khờ đi, bao nhiêu khôn ngoan đều biến mất hết. Nếu bảo như thế là dại
gái, thì tôi đã dại gái từ thuở còn nhỏ, chơi chung với bọn con gái bên hàng
xóm, bị chúng nó bắt nạt, phải đứng quay dây cho tụi nó nhảy, quay mỏi cả tay
mà chẳng dám phàn nàn, thật đúng là ngốc. Lên chín, mười tuổi, cả bọn rủ nhau
đi tắm sông, tôi và thằng bạn đã hì hục mất cả buổi để làm bè chuối cho bọn con
gái làm phao, lại còn phải tập cho chúng nó bơi nữa. Thế mà có được ơn nghĩa gì
đâu? lúc về còn bị cha mẹ chúng nó mắng là đầu têu, chơi trò nguy hiểm, thật
chẳng có cái dại nào bằng. Ấy thế mà đâu có chừa, những lần đi hái trộm trái
cây, bọn con trai chúng tôi xung phong leo cây, bẻ trái ném xuống cho bọn con
gái đứng chờ ở dưới đất chỉ việc hứng, và tha hồ chọn trái ngon, ăn thỏa thích...
Bọn tôi có công nhưng lại phải ăn sau, ăn thừa. Có lần bị chủ nhà trông thấy,
tụi nó hè nhau chạy trước, báo hại bọn tôi còn ở trên cây, lýnh quýnh mãi mới
tụt xuống được, chạy tập hậu, bị chó rượt gần chết, vấp té mấy lần sưng u cả
trán, đúng là:
Vì nàng anh phải chịu đau
Vì nàng anh phải qua cầu đắng cay.
Chả biết con chi chi là con gì, hình thù như thế nào, chỉ biết con
tim cũng như lòng dạ tôi đều mềm yếu lắm, chỉ cần người đẹp ban cho một nụ
cười, một tia nhìn say đắm - thật hay giả khó biết - thì bảo cái gì mà chẳng
nghe, bảo lao vào lửa cũng sẵn sàng. Thì ra trong người tên đàn ông nào cũng có
một tí máu anh hùng, anh hùng rơm hay anh hùng thật đều thích ra tay nghĩa hiệp
để che chở, phục vụ cho phái yếu, nói một cách nôm na là nịnh đầm! Sau này về
già, nghĩ lại thấy những trò nịnh đầm sao mà giả dối, vô lý hết sức, tại sao
các bà cứ thích khen để chúng tôi phải biến thành những tên nói dối? Mặc một
cái áo sặc sỡ như người lên đồng, trông nhức cả mắt, thế mà vẫn phải khen rằng:
- Áo em đẹp lắm, nhìn vào anh thấy cả một mùa xuân!
Chải kiểu tóc gì bù xù trông giống cái bờm con sư tử, vẫn phải
khen rằng:
- Tóc em như mây trời bay, bay vào lòng đời…
Ôi! thật tội nghiệp cho các bà, chỉ thích nghe những lời giả dối,
chẳng có bà nào chịu khó phân tách xem những lời khen đó bao nhiêu phần trăm là
sự thực? Thôi cũng được đi, khen để các bà vui lòng thì tội gì không khen, vì
lời khen đâu có mất tiền mua. Thế nhưng đi mua sắm với các bà thì thật là khổ,
đàn ông chúng tôi phải ôm đồm đủ mọi thứ, kể cả việc mang, xách, khuân vác lẫn
việc trả tiền, các bà đi người không, tay chân thừa thãi thế mà có cái cửa xe
cũng phải đợi chồng mở dùm rồi mới chịu chui vô, thế có vô lý không? Chả trách
người Mỹ đã xếp đặt thứ tự ưu tiên:
- Thứ nhất đàn bà
- Thứ nhì trẻ em
- Thứ ba là chó
- Thứ tư mới đến đàn ông.
Ở nước Mỹ, đàn ông chúng tôi phải đứng sau chó, thật tội nghiệp.
Than ôi! cái thời “tam tòng tứ đức, phu xướng phụ tùy nay còn đâu?
Muốn làm một người đàn ông ga lăng không dễ đâu nhé, trước hết
phải học cái tính kiên nhẫn, không được tỏ ra sốt ruột khi phải chờ người yêu
trang điểm, không hiểu họ tô vẽ gì trên mặt mà lâu còn hơn hoạ sĩ sơn vẽ một
bức tranh? Xong mục trang điểm, còn đến mục làm tóc và chọn quần áo, nàng tần
ngần đứng trước cái tủ đầy nhóc quần áo mà than rằng:
- Hết áo mặc rồi!
Vào tiệm ăn thì phải kéo ghế cho nàng ngồi trước, rồi mình mới dám ngồi. Hẹn hò, các nàng thường đến trễ cả mấy tiếng không sao, mình lỡ kẹt xe trễ độ nửa giờ là có chầu năn nỉ gãy lưỡi, ai bảo làm đàn ông là sướng?
Lạ một điều là biết mình bị thiệt thòi, thế mà cái lũ đàn ông dại khờ vẫn cứ chạy theo người đẹp, cam tâm tình nguyện để cho các nàng bắt nạt, bởi vì không có các nàng thì cuộc đời còn chi là hương vị? Tôi nhớ hồi học lớp đệ nhị, thi lục cá nguyệt môn toán, thấy cô bạn ngồi kế bên mặt buồn rười rượi, loay hoay hết cắn bút lại thở dài thì biết ngay cô nàng tìm không ra đáp số, thế là tôi động lòng trắc ẩn, nổi máu yêng hùng, ném bài giải cho nàng chép. Không may, bị thày giáo bắt được, thế là bị số không điểm thi, và phải đi “công si” ngày chủ nhật. Kết quả là cuối học kỳ năm đó, học không dốt mà vẫn bị đội sổ, anh chàng hiệp sĩ mặt dài thuỗn, buồn tình ca bản “ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu?” Dễ thương quá là tuổi hồng, thời học trò.
Tuy nhiên không phải bọn trai mới lớn chúng tôi đứa nào cũng khờ
khạo cả đâu, có khối đứa cũng khôn lanh ra trò, trong số này đáng kể phải là
thằng Đức, bạn thân của tôi. Tên này ngoài bộ mã đẹp trai, lại nổi tiếng hào
hoa, ga lăng như tài tử xi nê, bạn gái quen thân hay sơ đều được hắn tặng những
món quà sang trọng, chủ yếu là những bó hoa thật đẹp, thật đáng giá, các cô cảm
động là cái chắc. Giá hoa dạo đó rất đắt, bọn tôi lé mắt, phục hắn sát đất,
tưởng đâu hắn phải là một công tử nhà giàu, con cái của ông to bà lớn nào đó,
mới dám xài sang như thế. Nào ngờ, điều tra ra mới biết cha hắn chỉ là một tiểu
công chức, gia cảnh nhà hắn cũng thường thường bậc trung như chúng tôi vậy, còn
hắn chỉ là học trò, chưa làm ra được đồng nào. Có lần không ngăn được tò mò,
tôi hỏi:
- Tiền ở đâu ra mà mày dám chơi ngông?
Hắn do dự một hồi, rồi làm thinh không chịu trả lời, tôi năn nỉ
mãi, sau cùng hắn bắt tôi phải hứa “sống để bụng, chết đem theo, không được hé
môi cho bất cứ ai.” Điều kiện nào mà tôi chả chịu? Sau khi nghe tôi thề bán
mạng, hắn mới yên lòng, ghé tai tôi thì thầm tiết lộ bí mật:
- Tao đâu có mất tiền mua? có cả một kho hàng vô tận…
- Nhà mày trồng hoa à? hay có cửa tiệm bán hoa?
- Làm gì có!
- Thế… hoa tặng người đẹp, mày lấy ở đâu ra?
Hắn tủm tỉm cười ruồi:
- Đừng hỏi nữa, cứ đi theo tao khắc biết!
Nó dắt tôi vào… nghĩa trang, nhìn quanh quẩn một hồi rồi mới bước
tới trước một ngôi mộ xây cất có vẻ cầu kỳ, sang trọng, nó chắp hai tay lại
khấn vái một cách rất thành khẩn:
- Kính chào ông bác không quen, cháu mạo muội xin ông bó hoa này,
ông ở dưới đó chắc không cần tới hoa đâu, để lâu nó héo đi uổng lắm, cho cháu,
cháu sẽ dùng được khối việc và cháu rất cám ơn ông. Cầu chúc cho ông được
thảnh thơi an nghỉ.
Nó vái vái thêm mấy cái nữa, rồi thản nhiên cầm lấy bó hoa rất đẹp
đem đi, nghĩa trang nhà giàu có khác, toàn là những loại hoa hiếm, quí. Tôi há
hốc miệng, không tin những gì mình vừa trông thấy, thật khó mà tưởng tượng được
ở đâu ra hắn lại có cái sáng kiến rùng rợn đó? Lúc ra về tôi mỉm cười nghĩ
thầm, không biết những người đẹp của hắn có còn cảm thấy romantic nữa không,
nếu biết rằng những bó hoa rất đẹp kia - được hắn đem về lộng giấy bóng kính và
cột nơ rất mỹ thuật - được lấy trộm từ nghĩa địa? Thằng bạn ma lanh không hiểu
về sau có tán được người đẹp hay không? Nhưng tôi thì rút ra được một bài học:
các cô có bạn trai còn là học trò, mà lại muốn lãng mạn như trong xi nê, có
chàng quì gối dâng hoa, xin hãy coi chừng có ngày bị lạnh xương sống!
Giữ lời hứa với Đức, tôi tuyệt đối giữ kín bí mật của hắn cho tới
giờ này, nghĩa là hơn 40 năm sau. Bây giờ đầu đã hai thứ tóc, đã qua rồi cái
thời cua đào tán gái, có tiết lộ ra hắn cũng chẳng cần, phải không Đức? Ôi! kể
làm sao hết những nghịch ngợm dễ thương của thời học trò, những ngày xưa thân
ái đó, đã lưu lại trong ký ức tôi nhiều kỷ niệm khó quên, cái dĩ vãng dấu yêu
đó, mỗi khi gợi lại đều làm tôi cảm động.
Thuở đó tôi chỉ biết si chứ chưa biết yêu, si thì tôi đã si nhiều
người, nhưng yêu thì chỉ yêu có một người thôi, người ấy chính là em.
Tôi gặp em trong phòng triển lãm tranh của hoạ sĩ Đức Tuấn, ngày
đầu khai mạc nên đông lắm, người ra vô tấp nập. Em tới trễ, khi em bước vào,
căn phòng như sáng rực lên, tà áo xanh và khuôn mặt ngây thơ, xinh đẹp của em
làm tôi bị hớp hồn ngay tức khắc. Dạo đó em mới 16 tuổi thôi, cái tuổi đẹp nhất
của đời người. Vô tình em đứng ngay trước mặt tôi, tôi hỏi chuyện làm quen:
- Thưa cô, cô đi xem tranh à? Phòng đông quá, trời ơi là
chen…
Em đáp:
- Vâng, đông quá!
Vô tình lời đối thoại của em và tôi đều gần giống như trong bài
thơ Đi Chùa Hương, cả hai cùng bật cười lên một lúc.
Tôi tán:
- Trông cô hơi quen quen, hình như có gặp ở đâu rồi?
Em tròn cặp mắt nai tơ, ngước lên chờ đợi… Tôi vờ suy nghĩ, rồi à
lên một tiếng:
- Phải rồi, gặp ở cổng trường Trưng Vương! tôi đi đón em tôi…
Em lắc đầu:
- Em đâu có học Trưng Vương.
- Tôi nhớ lộn, trường Gia Long?
Vẫn lắc đầu.
- Trường Cô Giang? Hưng Đạo? Lê Văn Duyệt? Huỳnh Khương Ninh?
Marie Curie? Lê Bảo Tịnh?
Em cười tủm tỉm:
- Anh có nhiều em gái quá nhỉ? hay anh là thanh tra học chính mà
sao trường nào anh cũng tới?
Câu hỏi sao mà ác, còn nhỏ mà đã biết kê tủ đứng, tôi còn đang
lúng túng, thì em đã tiếp tục:
- Thế anh đã tới Cà Mau chưa?
Mắt tôi sáng lên:
- Vậy ra cô là học trò trường Cà Mau?
Em mỉm cười, đôi má lúm đồng tiền rất xinh:
- Không phải, em chỉ nói đùa thôi.
- Thế cô học trường nào?
- Để cho anh đoán!
Nói xong em bỏ ra về, để tôi ngẩn ngơ. Người đâu mà ác gớm!
làm tôi phải mất mấy tuần mới tìm ra chỗ ở của em. Đừng hỏi bằng cách nào tôi
tìm ra được, khi người đàn ông đi tìm nửa mảnh kia của mình, thì có ngại gì khó
khăn!
Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì với nhau...
Mới gặp một lần mà đã tương tư, những đêm không ngủ, những chiều
lang thang trên hè phố.. nhìn đâu cũng thấy bóng hình em. Tôi đến tìm em nơi
trường em đang ở nội trú, trường Regina Pacis, một trường nữ, dòng Công giáo,
kỷ luật rất nghiêm minh. Tôi vẫn chưa được biết tên em, nhưng mặc kệ, tới đâu
hay tới đó, tôi liều rồi…
Bà sơ hỏi:
- Cậu đi thăm ai?
- Em tôi!
- Cô ấy tên gì?
Tôi lúng túng, may sao trời xui đất khiến, vừa lúc đó thoáng thấy
bóng em đang bước trên hành lang, tôi mừng rỡ kêu lên:
- Nó kia kìa! cô học trò mặc áo đầm trắng đang bước lên thang lầu
đó, chắc nó chưa trông thấy tôi.
Tôi ngồi xuống mà tim đập rộn ràng. Thiên Nhiên! tôi biết tên em
rồi nhé, bí mật mãi, tên em đẹp lắm, dễ thương lắm, đẹp và dễ thương như con
người của em vậy. Không hiểu sao em có một sức thu hút lạ lùng khiến tôi mới
gặp một lần mà đã tương tư, còn em, không biết em có còn nhớ cái lần gặp gỡ
định mệnh đó không? hay đã quên rồi, bởi vì em chỉ coi tôi như một bóng người
qua đường?
Tôi hồi hộp vô cùng, mỗi phút qua đi lâu như một thế kỷ, tôi sốt
ruột nhìn đồng hồ, đã hơn nửa giờ rồi, sao lâu quá, hay là em không muốn gặp
tôi? Phòng đợi, khách khứa ra vô tấp nập, một cô gái ngồi gần tôi nãy giờ
vừa tiễn người nhà ra cửa, quay vào, cô ta dừng chân ngay trước chỗ tôi đang
ngồi, nheo mắt một cách khôi hài:
- Có thật anh là anh của Thiên Nhiên không đấy?
- Tại sao cô lại hỏi tôi như thế?
- Tại vì… Cô ta mỉm cười: Tôi chính là em gái của Thiên Nhiên đây!
Tôi giật mình ngồi thẳng lên, mặt đỏ bừng bối rối, mắc cở như một
tên đang ăn vụng bị bắt quả tang, tôi chỉ muốn độn thổ. Nhưng khi ngẩng lên bắt
chợt nụ cười ma mãnh của cô nàng, tôi thở phào:
Cô ta vẫn chưa buông tha:
- Ô hay, anh nói thì tôi tin, còn tôi nói thì anh bảo là rỡn? Ở
đời có chuyện lạ chưa? Anh em một nhà mà không nhận ra nhau?
Thấy mặt tôi thộn ra, khờ khạo quê một cục, cô ta thương hại:
- Nói đùa thôi, tôi là bạn thân của Thiên Nhiên cả mấy năm nay,
tôi biết nó làm gì có anh, chỉ có hai em gái và một đứa em trai còn nhỏ. Này,
thú thật đi! có phải anh si tình nó không? hối lộ cái gì, tôi sẽ làm mai cho.
Tôi cười ngượng nghịu:
- Tôi nghĩ chẳng cần đâu, chịu các cô là tinh quái.
Tới đây thì có tiếng chân đi nhẹ nhàng trên hành lang, rồi cửa bật
mở và hai người xuất hiện cùng một lúc: bà sơ giám thị và Thiên Nhiên!
Tôi đứng bật dậy, trong khi bà giám thị quay sang Thiên Nhiên:
- Cậu ấy chờ đã khá lâu rồi đấy!
Tôi nhìn chăm chú, em đã thay y phục khác, quần jean trắng, áo
pull bỏ ngoài màu vàng nhạt, tóc em mượt mà buông xõa bờ vai, ôm khuôn mặt trái
soan trắng mịn, em xinh như một nụ hồng. Em nhìn tôi với một vẻ láu lỉnh,
rồi rất tự nhiên, em reo lên:
- Ô kìa anh Ba (em cũng chưa biết tên tôi) anh tới hồi nào? Hai
bác vẫn khỏe cả chứ? Bữa nay ba má em bận, không đến đón em được à?
Em hỏi dồn dập để che giấu bối rối, hỏi mà cũng chẳng cần nghe trả
lời, lúc đó chắc em cũng hồi hộp lắm. Hỏi xong, em quay sang bà giám thị, ngập
ngừng nói dối:
- Thưa sơ! đây là người anh con bác ruột của em.
- Cậu đến thăm thôi, hay là..?
- Dạ thưa sơ- tôi vội vã nói- ba má của Thiên Nhiên bận nên nhờ
tôi đến xin phép sơ để đưa Thiên Nhiên đi phố một lúc.
- Được, tôi cho phép, nhưng có đi đâu thì phải về sớm trước 8 giờ
tối.
- Dạ!
Bà sơ giám thị vừa đi khỏi, tôi nhìn em đắm đuối, em lườm tôi bằng
con mắt có đuôi:
- Sao liều thế?
- Không liều sao gặp được em? người đâu mà ác gớm!
Em cười, cặp mắt long lanh và đôi môi mọng, xinh quá sức:
- Em đâu có ác, không thấy là hồi nãy em đã vì anh mà nói dối ma
soeur đó sao? Em chưa nói dối bao giờ…
Lòng tôi như nở hoa, thì ra em đâu có vô tình, cô bé trông tẩm
ngẩm, tầm ngầm mà tình tứ ra phết. Tôi cười thật rạng rỡ:
- Cám ơn em, thế là anh đã được đền bù.
Rất trân trọng và dịu dàng, tôi nắm lấy tay em đưa ra khỏi cổng
trường, thế là bắt đầu một cuộc tình…
5 năm sau, cô bé lần đầu biết nói dối đó trở thành vợ tôi.
Trước đám cưới một hôm, tôi cùng nàng đi ký giấy hôn thú ở Tòa Thị
Chính. Ra về, tên bạn thân nhất của tôi đi theo để làm nhân chứng, đã ghé vào
tận mặt tôi, cười chế diễu:
- Mày khôn 30 năm, chỉ dại có một phút thôi, đó là cái phút vừa
rồi. Tại sao mày lại ký tên vào tờ giấy đồng ý để mất tự do, cam tâm tình
nguyện làm người tù chung thân của bà ấy?
Tôi chỉ cười cười, không đáp, rồi nó sẽ hiểu khi đến luợt nó, đố
tránh khỏi, bởi vì có ai mà chẳng phải qua cầu? Nói một cách công bằng, ở đời
cái gì cũng có vay có trả, mất cái này thì sẽ được cái khác bù lại, mảnh giấy
hôn thú không đơn thuần chỉ là bản án tù chung thân, mà còn là giấy phép để mở
cổng thiên đàng. Sau đám cưới, chúng tôi có hai tuần trăng mật thần tiên ở
thành phố Đà Lạt mộng mơ, sau đó trở về tổ ấm riêng, chúng tôi đã sống những
ngày thật hạnh phúc.
4 đứa con theo nhau ra chào đời: 2 trai,2 gái đều thông minh,ngoan ngoãn và xinh đẹp. Căn nhà ngăn nắp, sạch sẽ lúc nào cũng rộn ràng những tiếng nói cười vui vẻ, căn bếp ấm cúng với những bữa ăn ngon nàng nấu cho chồng con, quanh năm bốn mùa chúng tôi sống thật hạnh phúc.
Thời gian trôi, theo với năm tháng, hai vợ chồng cùng già đi, em
bây giờ không còn là một cô bé đỏm đáng ăn diện theo đúng mốt thời trang, người
em hao gầy vì thức đêm những năm tháng dài em nuôi con bằng sữa mẹ, em không có
thì giờ để đến mỹ viện chải tóc, làm đẹp vì thì giờ của em là để săn sóc chồng
con. Nhưng không phải vì thế mà em kém đẹp, dưới mắt tôi, em còn đẹp hơn xưa,
vẻ đẹp cao quí của người vợ hiền. Tôi bây giờ cũng thay đổi nhiều, không còn là
một chàng trai trẻ trung, hào hoa hay nịnh đầm như thuở mấy chục năm về trước,
lời nói đôi khi gắt gỏng, mong em hiểu cho là vì công việc ở sở quá căng thẳng.
Cũng có đôi lúc tôi lại hay bay bướm, nhưng đó là bản tính tự nhiên của người
đàn ông, tôi chỉ nói lăng nhăng cho vui, chứ chưa bao giờ phản bội em cả.
- Em đừng giận, anh thề là không có tình ý với ai khác, anh mà nói
dối thì..
- Thôi đừng thề.
- Thế em có tin anh không?
Em lắc đầu:
- Những kẻ làm quấy đều sẵn sàng thề là mình vô tội, em đâu có ngu
gì mà tin?
Nói thế, nhưng em vẫn vui vẻ, làm như đó chỉ là chuyện đùa. Em
khôn lắm, chính sự dịu dàng và đức bao dung của em làm tôi cảm động, và tôi
biết là mình đang có trong tay một viên ngọc báu, nên tôi đã hết sức cưng quí,
nâng niu, giữ gìn...
Thời gian vẫn trôi, các con đã đỗ đạt thành tài, và có gia đình riêng cả. Ngoảnh đi, ngoảnh lại, chúng ta đã già, răng chưa long, nhưng đầu đã hai thứ tóc, tôi ngoài 70 còn em cũng hơn 60. Chúng ta đang ở vào mùa thu của cuộc đời rồi, nhưng mùa thu vẫn còn đẹp lắm, phải không em? Thời gian đâu có ảnh hưởng đến tình yêu của chúng mình, tôi chợt có ý nghĩ ngộ nghĩnh, so sánh em 16 tuổi khi xưa và em 61 tuổi bây giờ, cũng không có gì khác biệt cả, bởi vì tình yêu tôi dành cho em lúc nào cũng như thuở ban đầu, không bao giờ thay đổi. Đối với tôi, dù ở tuổi nào, em cũng vẫn là một người tình say đắm, em lúc nào cũng chiếm một địa vị độc tôn trong tim tôi.
Theo với tháng năm, chúng ta cùng già đi, nhưng vợ chồng lấy nhau
càng lâu thì tình càng nặng, nghĩa cũng thêm sâu. Những buổi sáng êm đềm, cùng
ngồi uống trà bên nhau, chúng ta mắt vẫn nhìn mắt, tay vẫn nắm tay. Mắt nhìn
không còn đắm đuối, nhưng chan chứa thương yêu ân tình, và tay vẫn nắm tay
khắng khít, chúng ta sung sướng cảm thấy sự hiện diện của người nọ đối với
người kia là cần thiết, là quí báu. Xin cám ơn Thượng đế đã cho chúng ta còn đủ
cả đôi ở cái tuổi này.
Thiên Nhiên ơi!
Hôm nay là kỷ niệm 40 ngày cưới của vợ chồng mình, anh muốn nói với em tất cả những cảm nghĩ của anh, sau 40 năm cùng em sánh vai đi chung trên con đường đời. 40 năm qua nhanh như một giấc mơ, chúng ta đã có với nhau bao nhiêu kỷ niệm vui cũng như buồn, kỷ niệm nào nhắc đến cũng làm anh cảm động…..
Trải qua bao nhiêu thăng trầm, em lúc nào cũng sát cánh bên anh,
nâng đỡ, an ủi, chia xẻ.. và chúng ta đã dìu dắt nhau vượt qua bao nhiêu chông
gai, sóng gió. Bên em, anh luôn luôn có cảm giác êm đềm, yên ổn và sung sướng,
anh cảm nhận được tình yêu sâu đậm em dành cho anh, những nhọc nhằn, hy sinh em
đã chịu, và những ngọt bùi em đã cùng anh chia xẻ. Tuy rằng cuộc sống cũng như
thời tiết, có những lúc mưa thuận gió hòa, cũng có những lúc phong ba bão táp,
nhưng nhờ vào tình yêu chân thành, cùng với những quyết tâm cố gắng, chúng ta
đã vượt qua tất cả, và con thuyền hạnh phúc vẫn vững vàng, êm ái suôi dòng. Hôm
nay ngồi nhớ lại quá khứ, quãng đời 40 năm chúng ta đã trải qua bên nhau, anh
không khỏi cảm động. Xin cám ơn em đã cho anh hạnh phúc mật ngọt của tình yêu
lứa đôi, xin cám ơn Thượng Đế, anh đã có em là người tình trăm năm.
Phương Lan
16/03/2009
Bốn Mươi Năm Cuộc Tình - Viết Về Nước Mỹ - Việt Báo Viết Về Nước Mỹ (vietbao.co
No comments:
Post a Comment