Năm nay mùng 1 Tết rớt vào ngày chúa nhật, hên thiệt. Tuy sống hơn chục năm nơi xứ người xa vạn dặm, ông bà ông vải (có thể) ở hết bên Việt Nam, nhưng bàn thờ không có hương hoa trà quả, trên bàn không có tí mứt sen, mứt bí, bánh chưng, bánh tét, ngày mùng 1 không dọn được mâm cỗ cúng tổ tiên, Kim sẽ cảm thấy bứt rứt vô cùng! Tuy Tín đã dặn rằng tháng này tuyết nhiều, đường sá trơn trợt, Kim lại có tật đi mau như ma đuổi, đi chợ một mình, tay xách nách mang rũi té gảy xương thì khổ! Kim dạ dạ cho chồng yên tâm.
Thứ bảy lo ăn sáng cho
chồng con xong là nàng lái xe trực chỉ xuống phố Tàu. Chắc nhiều người cũng
mang chung tâm trạng với Kim, nên mặc cho tuyết bay mù mịt, người ta vẫn chen
lấn nhau nườm nượp trên vĩa hè. Tuy đã khệ nệ mang bốn năm xách đầy ứ, tới
trước cửa tiệm Kim Phát, Kim chợt nhớ còn thiếu món hồng khô chưa mua nên bước
vào. Tiệm đầy nghẹt khách hàng. Đang dáo dác tìm xem kệ nào có hồng khô, ánh
mắt nàng chợt đụng một khuôn mặt quen quen. Linh tính báo động rằng đây không
phải là một người quen thường, nên Kim ráng vận dụng trí nhớ...Thiếu phụ trạc
45, 46. Người cao dong dỏng. Tuy không son phấn nhưng làn da trắng mịn, mái tóc
cắt ngắn ôm trọn khuôn mặt trái soan. Ai có đôi mắt này? Đôi mắt to màu nâu
nhạt dưới rèm mi dài và cong như đôi mắt một phụ nữ Âu Châu. Thấy Kim nhìn mình
chăm chăm, thiếu phụ mĩm cười, nhướng cặp lông mày, nhìn Kim như thầm hỏi. Nụ cười
làm lúm sâu một đồng tiền trên má bà ta. Kim bước tới nắm chặt tay người đàn
bà, hỏi dồn dập:
- Chị Phượng. Chị
Phượng phải không?
Thiếu phụ cũng nhìn
Kim chăm chú rồi reo lên:
- Kim. Trời ơi, không
ngờ gặp lại Kim ở đây.
Trong cơn xúc động,
hai người mặc kệ những đôi mắt tò mò, cứ ôm nhau nghẹn ngào. Miệng cười mà như
mếu! Cuối cùng Kim nói:
- Chị mua đồ xong
chưa? Phần em coi như xong, chỉ còn thiếu gói hồng. Xe em đậu ngoài parking.
Chị lái xe hay đi bus?
Chị Phượng cười:
- Kim biết cái tính
thỏ đế của chị mà. Qua đây 4 năm rồi mà mỗi lần đi đâu cũng leo lên xe bus. Hôm
nào các cháu rảnh mới nhờ chở đi được.
Mắt Kim sáng lên:
- Vậy hay quá. Bây giờ
em đưa chị về đằng nhà em. Chị em mình tâm sự đã đời rồi em sẽ chở chị trả về
nhà. Chịu hôn?
Phượng lắc đầu cười:
- Bộ chị không chịu
rồi Kim tha hay sao? Cái tánh ngang ba làng cãi không lại của cô tôi còn lạ gì
chớ!
Kim cười hì hì:
- Chị hiểu em còn hơn
ông Tín! Nếu ổng cũng "hổng thèm" cãi lại em như chị thì khỏe cho em
quá chời!!! Đỡ tốn bao nhiêu là nước miếng! Thôi mình đi.
Phượng bật cười:
- Kim cũng như xưa,
không thay đổi chút nào...
Hai tiếng "như
xưa" khiến Kim sững người.... Ngày xưa có nghĩa là cách đây cả một phần tư
thế kỷ. Cô nhỏ tên Kim theo mẹ lên buôn bán nơi vùng Tây nguyên của miền Trung
xa thăm thẳm, Kontum, một địa danh rất xa lạ đối với nhiều người. Nghe đến tên
này, người ta chắc chắn sẽ hình dung một khung cảnh rừng thiêng nước độc, hùm
beo lúc nhúc. Dân chúng chắc chắn thuộc loại nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.
Nhưng lạ lắm, từ công chức tới quân nhân, ai đã từng sống qua nơi miền cao
nguyên cát trắng này, cũng giữ mãi trong tâm khảm một hình ảnh đẹp, thật đằm
thắm, thật thân thương. Kontum được bao bọc bởi những rặng núi hùng vĩ. Có ngọn
Ngọc Lĩnh cao nhứt miền Nam Việt Nam. Thác Yaly cao 40 mét, đẹp không thua gì thác
Prenn Đàlạt. Muốn vào thị xã phải qua sông Dakbla. Con sông bắt nguồn từ trên
núi chảy xuống, lượn vòng quanh như một cánh tay khổng lồ ôm trọn cái thành phố
nhỏ bé vào lòng. Mùa hè, hàng phượng vĩ dọc theo bờ sông trổ hoa đỏ rực rỡ,
nghiêng mình trên dòng nước biếc. Đám mạ non xanh mơn mởn từ bờ sông chạy tít
tắp vào tận chân núi xa xa màu xanh lam. Trên đỉnh thỉnh thoảng vương vài đám
mây trắng. Toàn bộ đẹp như một bức tranh tuyệt tác. Nhưng cũng như những người
đàn bà đẹp, tính tình thay đổi bất chợt. Mùa mưa, nước trên núi theo sông đổ
xuống ầm ầm. Giòng sông như con rắn lớn điên cuồng, trườn tới đâu cuốn phăng
mọi thứ đến đó. Nhà cửa, súc vật, cây cối.. May mà thành phố được xây trên cao nên
không bị ảnh hưởng, chỉ tội những người ở dọc theo bờ sông. Dân Kontum hiền
lành và hiếu khách. Người đủ mọi miền đổ về đây làm ăn. Nhưng phần lớn gốc Bình
Định, Huế và Quảng Nam, Quảng Ngãi. Một ít người miền Nam như gia đình Kim,
hoặc người Bắc như gia đình bác Đĩnh hàng xóm. Con gái nơi này đẹp không thua
các cô gái Đà lạt là mấy. Độ cao của hai miền Cao Nguyên tròm trèm nhau thì
không có lý do gì con gái miền này xấu hơn con gái miền kia? (đó chỉ là ý kiến
riêng của Kim mà thôi). Bằng chứng là phần lớn các chàng độc thân đổi lên đây,
nếu không nhận nơi này làm quê hương (thứ hai), thì lúc đổi đi nơi khác, cũng
sẽ có cái đuôi thê nhi đề huề đi theo...
Ba mất sớm lúc Kim mới lên 10. Má theo người anh bà con lên buôn gạo trên này. Lúc đầu anh Thiên trọ học ở Sàigòn và Kim còn ở lại Cao Lãnh với ông bà nội. Khi cơ sở vững chắc má mới đón Kim lên theo. Anh Thiên đậu tú tài. Học luật được 1 năm, không hạp, nhảy qua văn chương. Một bữa đẹp trời đang cà lơ phất phơ ngoài phố Lê lợi thì gặp ngay tên bạn nối khố lúc còn ở trung học. Hai tên kéo nhau vô Thanh Thế ăn trưa. Tài thuyết phục của ông bạn vàng này chắc thuộc vào hạng thượng thừa, nên chỉ 2 tháng sau bà Hậu- má Kim- nhận được bức thơ của cậu quý tử báo tin đã nộp đơn xin đầu quân vào binh chủng không quân. Cậu mộng trở thành một đấng phi công oai hùng, xõa cánh bay trong bầu trời cao rộng!!! Với chiều cao trên 1 thước 7 và mảnh bằng tú tài đôi, cậu thấy không có gì làm cản trở cái giấc mộng tang bồng hồ thỉ của mình. Bà Hậu khóc mất 3 ngày. Nhưng biết tính bốc đồng của con, bà hy vọng Thiên sẽ nghĩ lại. Nhưng bộ đồ bay đẹp quá, hấp dẫn quá. Mỗi cuối tuần, biết bao cô nàng hãnh diện được cặp tay đi dạo phố với người yêu trong bộ đồ bay bất hủ! Sau cùng bà đành chịu thua...
Kim vào đệ thất trường
sơ. Trường rặt con gái. Mấy chị đệ ngũ, đệ tứ, Kim thấy chị nào cũng đẹp. Cuối
năm một số các chị lớp đệ tứ theo chồng bỏ cuộc chơi (tỉnh nhỏ nên số đông học
trò đều lớn tuổi. Thuở đó con gái 16,17 mà chưa có người rấp ranh bắn sẻ, ông
bà già sẽ lo sốt vó)! Ai muốn học cao hơn phải ra Đà Nẵng, Huế hoặc vào Sàigòn,
nhiêu khê quá. Thôi thì lên xe bông là thượng sách! Kim lên đệ lục. Vẫn ngổ
ngáo như một thằng con trai. Giờ ra chơi cột hai vạt áo dài nhảy lò cò, nhảy dây...
Áo quần tét ngược tét xuôi. Bà Hậu la hoài đâm chán cũng mặc kệ.
Thiên ra trường đổi
lên phi đoàn đóng tại Pleiku. Hai thành phố cách nhau 50 cây số. Không có phi
vụ, cuối tuần Thiên lái xe jeep vù về Kontum thăm nhà. Cũng để ăn trả bữa. Cơm
câu lạc bộ nhiều hôm nuốt không trôi!! Từ khi Thiên khoác áo lính, bà Hậu đâm
siêng năng đi chùa. Có tin có lành mà. Cõi âm hay cõi dương thì cũng như nhau.
Quỷ Thần cũng như người phàm đều nhận hối lộ tuốt luốt. Cứ siêng năng cúng
kiến, quỷ thần sẽ chở che, chuyện dữ hoá lành. Vì vậy cứ tới Rằm, bà cho chở
lên chùa Cổ Sơn Môn nào gạo, nước tương, dầu ăn, tàu hủ ky v..v... để chùa nấu
cơm chay đãi thiện nam tín nữ. Rằm tháng giêng quan trọng đặc biệt. May lại
đúng vào ngày chúa nhựt. Từ hôm qua bà Hậu đã cho người chở mọi thứ lên chùa. Sáng
nay chỉ còn ít nhang đèn, hoa quả. Thiên và tên bạn thân cùng phi đoàn về chơi
từ hôm qua, sáng nay phải trở xuống Pleiku trực. Chàng tình nguyện đưa mẹ và em
lên chùa trước khi đi. Tới cổng tam quan, Thiên xuống xe dành xách túi trái cây
cho mẹ tới trước cửa chùa. Có 2 người có lẽ cũng vừa tới trước độ vài phút,
đang định bước vào chánh điện, nghe tiếng chào từ giã của Thiên thì quay lại.
Nhận ra người quen, bà Hậu đon đả chào:
- Chào bác Tuân.Té ra
bác cũng đi chùa bữa nay.
- Ủa cháu Phượng đây
phải không? Bây giờ lớn trổ mã đẹp quá bác nhìn không ra!
Cô gái thẹn thùng cúi
đầu lí nhí chào bà Hậu. Bà quay qua Thiên giới thiệu:
- Thằng con trai lớn
của tôi đó chị. Chào bác đi con.
Thiên cúi đầu chào bà
Tuân một cách vô cùng kính cẩn. Vì bên cạnh bà, người thiếu nữ óng ả trong
chiếc áo dài tơ tằm màu tím Huế, mái tóc nhung mềm gọn gàng trong chiếc băng đô
cùng màu đẹp như một bài thơ!. Ơi cụ Nguyễn Du ơi, cái câu "hoa ghen sắc
thắm, tuyết nhường màu da" của cụ trong trường hợp này thiệt là trúng
phóc! Mặc cho hai bà mẹ thăm hỏi nhau, cặp mắt Thiên không cách gì rời khỏi
được khuôn mặt kiều diễm của người thiếu nữ. Trước đôi mắt cú vọ cứ dán vào mặt
mình, cô gái ngượng ngùng lui lại núp sau lưng bà mẹ. Thấy ông anh đứng như bị
trời trồng, Kim tức cười kín đáo cấu tay anh một cái:
- Anh Phú đợi anh
ngoài xe kìa.
Thiên chợt tỉnh, vội
chào mẹ và bà Tuân, không quên nháy mắt với Kim. Tới nửa đường, không kềm nổi,
anh chàng quay đầu lại lần nữa để kịp nhìn thấy cái lúm đồng tiền trên má của
nàng. Trên đường xuống Pleiku, Phú hỏi gì Thiên chỉ ậm ừ, Phú chán cũng lặng
thinh luôn!...
Cuộc tình Thiên-Phượng
manh nha từ đó. Kim nhớ như in, chúa nhật sau, vừa về tới nhà là Thiên đã cuống
quít gọi:
- Kim đâu rồi? Ra đây
anh hỏi cái này chút.
Kim đang đọc truyện
trong phòng chạy vội ra:
- Anh Thiên. Có quà
cho em hả?
- Từ từ. Giúp anh được
chuyện này thì muốn gì cũng có.
Kim hăng hái:
- Được rồi nói đi.
Bỗng dưng giọng Thiên
hơi ngập ngừng:
- Nhỏ biết cái cô...
gì đó (làm bộ khờ!, tuy đã biết tỏng nàng tên Phượng và đã gọi thầm tên em
không biết mấy trăm lần suốt tuần qua...), mặc áo tím mình gặp trên chùa tuần
rồi hôn?
Kim gật:
- Chị Phượng học lớp
Đệ Tứ trường em và có con em tên Nga học cùng lớp với em. Ờ mà anh hỏi chi vậy?
Thiên hơi lúng túng:
- Ngày mai Kim đưa cái
này cho cô Phượng dùm anh được hôn?
Nhỏ giẫy nẩy:
- Trời đất, bộ anh
tính cua chị Phượng hả? Thôi đi, nhà mình người Nam, chỉ người Huế...
Thiên cắt ngang, làm
mặt nghiêm:
- Trời ơi, anh không
ngờ mới nứt mắt mà Kim đã có tánh kỳ thị, phân chia Nam-Trung-Bắc! Kim phải
biết chúng ta đều là người Việt Nam.
- Xí, làm như em ngu
lắm vậy đó! Tại con Nga nó làm phách một cây. Hở hở là vênh mặt lên, xưng mình
là giòng hoàng thất này, hoàng thất nọ! Lớp em ai cũng ghét cay ghét đắng.
Thiên nhăn nhó:
- Nga là Nga, Phượng
là Phượng. Nhỏ Nga xí xọn nhưng biết đâu cô Phượng hiền? Bữa đó anh thấy mặt cổ
hiền khô hà. Thôi ráng giúp anh đi mờ, muốn gì anh cũng chịu.
Kim cầm phong thơ màu
tím nhạt đưa ngang tầm mắt, thấy đề: Trao về Tôn Nữ Hoàng Phượng. Trên góc trái
chỉ có mấy chữ tắt N.Q.T. Kim chu mỏ:
- Anh biết hết trơn
rồi mà còn giả mù sa mưa, hỏi em này nọ.
Thiên cười hì hì:
- Kim quên cô Phượng
có tiếng đẹp nhứt trường Thánh Têrêsa rồi sao? Vừa mới tả cặp mắt cổ thôi là đã
có cả đống thằng biết.
Kim gật gù:
- Hèn chi ngày nào tan
trường cũng có cả đám con trai sắp hàng ngoài cổng.
Thiên nhìn Kim, giọng
đầy lo lắng:
- Chết cha. Vậy Kim
cần phải giúp anh lẹ lên. Mất Phượng là anh.... chêêết!!!
Kim nguýt anh:
- Cải lương quá sức!
...Kim nặn đầu nặn óc
tìm cách nào đưa thơ cho ổn thỏa... Thứ hai, giờ ra chơi, Kim cầm cuốn Hồn Bướm
Mơ Tiên (Rất có ý nghĩa trong trường hợp này!), có kẹp phong thơ của Thiên bên
trong, mon men lên lớp Đệ tứ, lấy hết can đảm, tiến tới bàn của Phượng lúc đó
đang say sưa đấu láo với cô bạn thân tên Bích, tay đưa cuốn sách miệng nói
(thuộc lòng):
- Chị Phượng, em đem
cho chị mượn cuốn sách chị hỏi em hôm trên chùa.
Phượng ngỡ ngàng,
nhưng hai tiếng trên chùa gợi lại trong trí nàng hình ảnh của một chàng phi
công rất ư là tuấn tú, nên cầm vội cuốn sách, cười thẹn thùng:
- Cám ơn em.
Không đợi Phượng nói
thêm, Kim vội vàng rút lui. Ra tới ngoài mới thở phào nhẹ nhõm! Cô nhỏ hồi hộp chờ
đợi... Thứ ba, tư, năm rồi thứ sáu, Kim chờ hoài vẫn không thấy bóng dáng
Phượng đâu cả. Nhỏ thở dài, thầm lo dùm cho ông anh yêu dấu! Tiếng chuông tan
trường càng làm tăng nổi thất vọng trong lòng Kim. Nghĩ tới bộ mặt chảy dài của
ông anh mà lòng Kim buồn rười rượi! Ra gần tới cổng, một bàn tay êm ái đặt lên
vai Kim làm cô nhỏ giựt mình quay lại. Phượng đưa trả cuốn sách kèm theo một nụ
cười và lời... cám ơn. Nổi ngạc nhiên làm Kim á khẩu! Phượng đi rồi cô nhỏ mới
lật cuốn sách ra coi. Một phong thư cũng màu tím dịu dàng nằm gọn giữa những
trang sách. Thoáng cái đời đã trở lại màu hồng... Kim chưa bao giờ chứng kiến
một hạnh phúc lớn lao như hôm trao lại cho anh bức thơ của Phượng. Kim tưởng anh
mình sắp phát điên vì sướng sướng. Sau khi đưa bức thơ lên môi hôn cả chục lần,
anh chàng si tình bèn vô buồng đóng chặt cửa lại. Tới bữa cơm phải kêu năm lần
bảy lượt mới chịu ra... Suốt bữa cơm lại còn pha trò lia lịa!
Kim đành đóng vai chim xanh cho hai người. Cũng từ đó bài "Phượng Yêu" bất hủ của nhạc sĩ Phạm Duy bị giọng vịt đực của anh Thiên nghêu ngao suốt ngày:
- Yêu nguời như lá đổ
chiều đông, như mây hồng chưa tím, như con giun ngước lên trời... hoặc Yêu người
yêu Phượng yêu hoa đầu mùa. Yêu màu rực rỡ yêu em mù lòa (cái này Kim còn hiểu
chút chút, chớ khi anh trổi giọng thảm thiết: Yêu Phượng ta chết được ngày mai.
Yêu như loài ma quái đi theo ai cuối chân trời... thì Kim cảm thấy bao nhiêu
tóc gáy dựng đứng lên hết trơn, bởi con nhỏ trong đời chỉ sợ nhứt là... ma! Nếu
có chàng nào cao hứng yêu Kim kiểu này thì chắc chắn con nhỏ chỉ còn có nước
vắt giò lên cổ chạy càng xa càng tốt)!
Càng gần gũi với
Phượng, Kim càng thấy nàng dễ thương. Khác hẳn con em lố bịch (!), Phượng dịu
dàng, tế nhị, đầy lòng vị tha. Càng ngày Kim càng có cảm tình sâu xa với
Phượng. Chỉ khổ thân cho Thiên, ngoài những lần đậu xe trước cổng trường khi
tan học, trao đổi với Phượng những ánh mắt, nụ cười gần như lén lút cho
"đỡ ghiền", không còn cách nào gặp mặt. Không lẽ đường đột tới nhà
nàng? Ông già khó lắm- Phượng viết trong thơ- Tới mà bị ổng mời ra chỗ khác
chơi thì mất mặt bầu cua lắm lắm! Nhưng Trời không nỡ phụ lòng người. Một hôm
Phượng hớn hở nói với Kim:
- Chúa nhựt này Bích
mời chị qua nhà chơi. Nhà Bích bên Phương Hòa, mít đang chín rộ. Kim có đi với
chị không?
Kim cười mím chi trả
lời:
- Theo em chắc còn có
người sẽ xin đi ăn ké với chị em mình nữa đó. Chị cho phép không để em còn báo
cho "người ta" hay?
Phượng mắc cỡ đấm Kim thùm thụp.
Sáng Chúa nhựt Kim
xách xe đạp chạy tới nhà Phượng, rồi cả ba (tất nhiên phải có con Nga xí xọn!)
cùng gò lưng trên con ngựa sắt, thẳng tiến qua làng Phương Hòa. Làng này nằm
phía ngoài thành phố. Phải qua cầu Dakbla, rồi theo đường liên tỉnh ngược xuống
Pleiku, độ 5 cây số thì quẹo phải. Đây là một làng rất trù phú. Toàn nhà gạch
mái ngói, có rào bao xung quanh. Nhà nào cũng có vườn cây ăn trái như nhãn,
mít, ổi, mãng cầu, cam quít... Chỉ có xoài không hạp với phong thổ miền cao
nguyên. Lấy giống ngon ngọt tới đâu lúc đem về đây trồng, trái cũng sẽ trở
thành chua lè như dấm!
3 cô đạp xe trên con
đường làng rợp bóng mát, nên không thấy mệt chút nào. Trước cổng nhà Ngọc Bích
có 2 cây lựu, trổ bông đỏ, rực rỡ trên nền lá nhỏ lăn tăn, xanh biếc như màu
cẩm thạch. Ngoài hàng ba đã bày sẵn 4 chiếc ghế chung quanh 1 chiếc bàn gỗ
tròn. Trên bàn đã có sẵn bình nước đá chanh và mấy cái ly thủy tinh. Nước đá
chanh uống tới đâu mát rượi tới đó. 4 cô còn đang chuyện trò như bắp rang thì ngoài
cổng có tiếng xe dừng lại rồi tắt máy.8 đôi mắt đồng loạt nhìn về cùng một
hướng. Có gương mặt ngạc nhiên thật sự, có gương mặt cố gắng bày tỏ sự ngạc
nhiên khi thấy 2 chàng trai tuấn tú, trong bộ đồ bay trên chiếc xe jeep bước
xuống và từ từ tiến vô sân, nơi các cô đang giải khát. Có tiếng reo vui:
- Anh Thiên. Anh Phú.
Sao mấy anh biết tụi em qua đây?
Một giọng khác cũng
không kém phần thích thú:
- Ủa Kim. Xấu quá. Đi
chơi mà không thèm rủ tụi anh. Kìa cô Phượng. Không ngờ được gặp cô ở đây. Tụi
tôi đi kiếm mua vài trái mít nghệ, đem xuống Pleiku làm quà. À xin lỗi các cô,
đây là Phú bạn tôi.
Qua giây phút xúc
động, Phượng lấy lại bình tĩnh:
- Hân hạnh được biết
anh Phú. Đây là Ngọc Bích, bạn thân của tôi. Còn đây là em gái tôi tên Nga. Kim
thì chắc khỏi phải giới thiệu...
Mọi người cười xòa.
Ngọc Bích vội vàng
chạy vô nhà lấy thêm ly ra mời nước những người khách (không được mời)! mới
tới. Thiên mở lời:
- Nhà cô Bích trồng
nhiều cây ăn trái quá. Đứng đây mà đã nghe mùi mít chín thơm lừng. Không biết
cô có thể nhín cho tụi tôi vài trái được không?
Bích vội vàng trấn an:
- Không sao, không sao.
Trước lạ sau quen. Bích đãi mấy anh ăn thỏa thích ở đây, chừng về lấy thêm mới
tính tiền. Giờ còn sớm để Bích dẫn mấy người đi xem vườn. Phía sau nhà mới
nhiều trái cây. À, Phượng qua đây hà rầm, cứ ngồi đó chơi, không bắt buộc phải
đi theo tụi này.
Nói xong Bích còn nheo
mắt với Phượng một phát (Ra cái điều em đừng hòng giấu được qua) !! khiến cô
nàng mắc cở hai má đỏ hồng. Trái với Phượng, Bích thật sống động và hồn nhiên,
lại rất thông minh. Mới đầu Bích còn tưởng hai phe tình cờ gặp nhau, nhưng sau
đó, những ánh mắt "không bình thường" họ trao cho nhau làm sao qua
mặt nàng cho nổi? Thật ra không phải Phượng cố tình giấu bạn, nàng chỉ ngại
chưa có gì chánh thức, cả lớp biết rồi bàn ra tán vào rất phiền. Định bụng sau
lần gặp gỡ này sẽ bật mí hết mọi chuyện cho Bích biết. Phú thì khỏi nói. Có
điều gì mà Thiên không tâm sự với cu cậu? Bữa nay tình cờ gặp được cô bạn của
Phượng, Phú thích lắm. Tuy không đẹp mặn mà như Phượng, nhưng cách ăn nói và nụ
cười của Bích rất thu hút. Ở người con gái, sự thông minh duyên dáng đối với
chàng quan trọng hơn một sắc đẹp vô hồn. Vì vậy Phú bị Bích lôi cuốn ngay. Anh chàng
hồ hởi nắm tay Kim kéo đi theo Bích. Kim cũng không quên nắm tay nhỏ Nga lôi
theo. Sợ nhỏ ở lại sẽ làm kỳ đà cản mũi hai kẻ đang cần sự vắng vẻ và yên tĩnh!
Đột nhiên thấy chỉ còn một mình trơ trọi với Thiên, Phượng đâm hoảng, đứng bật
dậy định chạy theo đám người kia. Thiên nắm tay Phượng kéo ngồi xuống, nói thật
nhẹ nhàng:
- Ngồi lại đây với
anh. Bộ anh làm Phượng sợ? Phượng ngước mắt nhìn Thiên thật nhanh rồi cắn môi:
- Dạ không. Phượng có
sợ gì đâu anh.
Trời ơi, cái giọng Huế
sao mà nhẹ hẩng như tơ trời, lại du dương thánh thót như tiếng nhạc. Chưa gì mà
anh chàng đã có cảm giác như hồn sắp bay lên tận chín từng mây xanh. Phượng làm
cử chỉ muốn rút tay lại. Nhưng thay vì buông ra, Thiên đưa bàn tay thon mềm của
nàng lên môi hôn nhẹ. Phượng hoảng kinh dòm dáo dác:
- Dị quá anh! Coi
chừng người ta thấy.
Nhìn nét mặt hốt hoảng
của người yêu, Thiên tội nghiệp trả tự do cho bàn tay của nàng. Nhưng khi thấy
ánh mắt đam mê của Thiên và nghe chàng thì thầm: Anh muốn cắn đôi môi ngọt ngào
của em thì Phượng đưa vội bàn tay lên che miệng:
- Anh làm em sợ thiệt
rồi đó hỉ. Nghỉ chơi với anh...
Thiên hốt hoảng:
- Phượng, Phượng đừng
giận anh. Anh yêu Phượng đến phát... điên rồi đó. Không thương mà còn đòi nghỉ
chơi với anh. Ác thiệt là ác!
Rồi đổi liền qua
"ton" khẩn cầu:
- Nói cho anh biết đi.
Phượng có thương anh không? Nói đi. Nói đi mà.
Nàng nhứt định ngậm
tăm. Chàng thúc hối nói đi, một lần thôi mà. Nàng lắc. Chàng đổi chiến thuật:
Bây giờ anh hỏi, có thì em gật, không thì em lắc. Phượng có thương anh chút nào
không nè? Nàng mím cặp môi hồng, mắt nhìn xuống bàn, nhè nhẹ gật đầu. Thiên
sung sướng quá, quên cả lời hứa, chồm tới, hai tay nâng khuôn mặt yêu dấu, đặt
lên đôi môi đang hé mở một nụ hôn thật nồng nàn. Phượng mắc cỡ, vùng khỏi tay
Thiên đi riết ra sau hè. Thiên đứng lại, thở mấy hơi thiệt dài để nén làn sóng
xúc cảm đang dâng lên cuồn cuộn trong lòng. Nhưng cái miệng thiệt kỳ, muốn mím
lại mà sao nó vẫn cứ tự động toét ra cười. Còn giấu nổi ai?.... Chiều về Thiên nhân
danh bà Hậu, mang tới nhà bà Tuân- mạ của Phượng- biếu một trái mít nghệ thiệt
lớn, toả mùi thơm điếc mũi. Nhận ra con trai bà Hậu, là người vẫn cung cấp
thường trực gạo ngon cho gia đình bà từ nhiều năm nay, mạ Phượng vui vẻ nhận
ngay. Thấy Thiên ăn nói lễ phép, con nhà đàng hoàng, ông bà Tuân vui vẻ cho
phép Thiên thỉnh thoảng ghé chơi. Thiên khôn khéo lấy lòng hai ông bà. Những
mẹo vặt xưa như trái đất như khi đấu cờ với ông bố, chơi 5 ván thì mình nhường
cho ổng ăn 4. Bà mẹ có nhờ mua thứ gì trong P.X., tuy tốn hơn phân nửa tháng
lương cũng ráng vui vẻ mà ngôn rằng: dạ, rẻ thôi mà. Bác nhận cho là cháu
mừng... lúc nào cũng thành công mỹ mãn! Càng ngày Thiên càng vắng bóng trong
những bữa cơm cuối tuần. Một hôm bà Hậu phải cằn nhằn:
- Kỳ hết sức. Lóng này
sao vừa thấy bóng thằng Thiên chạy vô nhà, chưa kịp hỏi han gì hết là đã biến
mất tiêu!
Kim cười nói ảnh đi
chầu mà má.
Bà Hậu không hiểu, hỏi
lại:
- Cái gì đi chầu?
- Là ảnh tới đóng đô ở
nhà chị Phượng đó mà.
Bà Hậu tròn mắt:
- Phượng con bác Tuân
đó hả? Ừ, con nhỏ đẹp thiệt. Xứng đôi với thằng Thiên lắm chớ.
Thấy mẹ vui, Kim đem
chuyện Thiên- Phượng kể cho bà nghe. Tối đó bà nhứt định đợi Thiên đi chơi về,
kêu ra hỏi. Rồi xúi hai đứa tính tới. Thiên ấp úng thú thật thân mình lo chưa
nổi, lấy gì nuôi vợ con? Bà Hậu âu yếm nhìn thằng con trai độc nhứt:
- Miễn hai đứa đồng ý,
má lo hết. Tiền của má sau này cũng để cho con của má mà. Con Phượng về làm dâu
nhà này, má sẽ ra cho nó cái tiệm. Còn như nó muốn theo con, mỗi tháng má phụ
thêm cho tụi bây đủ xài.
Thiên cảm động ôm mẹ
hôn cái chụt lên trán:
- Cám ơn má. Con sẽ
hỏi ý Phượng rồi cho má hay liền.
Tuần sau, Thiên hớn hở
báo cho mẹ hay Phượng đã bằng lòng. Đợi tới hè Phượng học xong rồi làm đám hỏi,
đến Noel cưới (tháng này lạnh, đám cưới rất hạp)! Cả bà Hậu và Kim đều vui. Bà
vội vàng sắm lễ vật tới thăm ba mạ Phượng. Chỗ quen biết từ lâu nên mọi sự đều
dễ dàng. Đôi trai tài gái sắc bơi trong hạnh phúc. Kim không có chị nên thương
chị Phượng vô cùng. Cả bà Hậu được Phượng làm con dâu cũng đẹp dạ. Chính bà xin
phép ông bà suôi tương lai dẫn Phượng xuống Sàigòn sắm đồ cưới. Giữa tháng 12
nên Kim không được tháp tùng. Nhỏ khóc lóc thảm thiết. Sau cùng Phượng hứa, ngoài
2 cô phù dâu chính thức bạn của Phượng, Kim và Nga cũng sẽ được mặc áo dài cùng
màu để làm phù dâu... phụ. Lúc đó nhỏ mới tạm nguôi ngoai! Một tuần sau Phượng
về lại Kontum với một vali đầy ắp. Áo gấm đỏ nổi hoa vàng, khăn vành dây
vàng, hài đỏ, áo choàng đăng ten trắng, bó hoa cầm tay với những nụ hồng hàm
tiếu bằng lụa... Chiếc kiềng vàng và hai vòng tay chạm long phụng, không kể bộ
nữ trang bằng hột xoàn để đeo buổi tối. Bạn bè Phượng cô nào cũng suýt soa,
khen nàng tốt số. Tất cả đẵ sẵn sàng... Rồi chỉ còn 10 ngày ngắn ngủi. Thiên
xin nghỉ phép được 1 tuần. Thiên thì tươi rói nhưng Phượng ốm đi nhiều vì lo. Nàng
đã từng nghe nhiều người kể lại, lúc còn tán tỉnh nhau thì cái gì cũng hoàn
hảo. Chàng ga lăng hết biết. Ý nàng là ý trời. Lúc nào cũng tỏ ra ta đây rộng
rãi, tiền bạc kể sá gì! Nhưng một khi ván đã đóng.. xuồng rồi thì mi sẽ biết
tay ta. Có chàng còn nóng nảy, áp dụng ngay câu "dạy con dạy thuở còn thơ,
dạy vợ dạy thuở bơ vơ mới về" ngay đêm tân hôn. Cô dâu vào phòng trước,
đang hồi hộp chờ đợi những phút giây êm ái mà tân lang sẽ mang tới cho cô. Nào
ngờ, vừa bước chân vô phòng, chàng đã vội vàng tặng cho cô vợ mới một cặp tát
tai nẩy lửa, gọi là ra tay trước để áp đảo tinh thần địch, hầu chiếm thế thượng
phong!!! Nàng tá hỏa tam tinh, chỉ còn nước ôm mặt khóc nức nở và đêm đó nhứt
định khóa kín động đào, chàng năn nỉ cách gì cũng không chịu! Sáng hôm sau thấy
bộ mặt đưa đám của con dâu, bà mẹ bèn lôi ông con trai ra một nơi hỏi cớ sự. Té
ra anh chàng khờ này bị đám bạn quân sư quạt mo xúi bậy. Bà chưỡi cho ông con
một trận vuốt mặt không kịp, rồi năn nỉ dùm, cô vợ mới chịu tha cho... Sau đó
biết lỗi, anh chàng tự động tụt xuống.. hạ cấp (là cấp dưới chớ không phải đồ
cà chớn đâu)! Chúa nhựt này Thiên không về được vì phải bay thế cho một tên bạn
đưa vợ đi đẻ. Trong phi đoàn giúp qua giúp lại là thường. Hơn nữa Thiên sắp
được nghỉ bay một tuần cho đám cưới. Trước khi lên máy bay, Thiên còn dặn Phú:
- Cậu nhớ o bế bộ đồ
veste cho cẩn thận. Làm sao cho xứng đôi với cô dâu phụ Ngọc Bích đó thì làm.
Sau đám cưới tụi này, tới phiên hai người lo đi là vừa.
Phú cười toe:
- Yên chí đi. Bộ đồ
vía tớ đã bỏ hấp tẩy nỉ sẹt rồi. Tuần tới lấy.
Thiên cho máy bay cất
cánh, đảo một vòng trên không trung rồi từ từ biến dạng trong bầu trời xanh
thẳm. Bỗng dưng Phú thấy trong dạ dâng lên một cảm giác bồi hồi khó tả. Chàng
nghĩ chắc tại bức thư nhà vừa nhận được sáng nay báo tin bà cụ đau nên trong
lòng cứ bồn chồn, lo lắng. Chàng lẩm bẩm cầu Trời cho mẹ đừng có chuyện gì...
Tin phi vụ của Thiên bị mất liên lạc đến trong lúc Bà Hậu và Kim đang dùng cơm
tối. Trọng trách này là một cực hình cho Phú, nhưng chàng là bạn thân nhứt của
Thiên trong phi đoàn. Không thể giao cho ai khác. Vừa thấy cái dáng ủ rũ và cặp
mắt đỏ hoe của Phú, bà Hậu hỏi liền:
- Thằng Thiên?
Phú trả lời nhẹ như
hơi thở, mắt không dám nhìn bà:
- Dạ. Mọi người đang
nổ lực tìm...
Phú nói chưa dứt câu,
Bà Hậu đã ngã nhào xuống nền gạch bất tỉnh. Kim vừa đỡ mẹ vừa khóc nức nở. Phú
tiếp tay Kim khiêng bà Hậu lên giường, vừa hối chị người làm đi lấy khăn nhúng
nước thiệt lạnh đắp mặt cho bà tỉnh lại. Lần đầu thấy mẹ xỉu nên Kim bở vía.
Chỉ biết khóc rồi kêu mẹ ơi mẹ hởi, đừng chết bỏ con. Nhưng lúc bà Hậu tỉnh lại
mới là kinh thiên động địa! Bà đập đầu bôm bốp vô tường, miệng gào tên Thiên
đến khản cổ. Lúc thấy bà mệt quá thiếp đi, Phú nói với Kim chàng còn phải tới
nhà Phượng báo tin rồi sẽ trở lại. Cũng như bà Hậu, vừa thấy bộ mặt như đưa đám
của Phú là Phượng đoán có chuyện chẳng lành. Thấy Phú nuốt nước miếng mấy lần
mà vẫn không mở lời được, Phượng hỏi:
- Anh Thiên có chuyện
gì phải không??
Phú trả lời, mắt không
dám rời Phượng:
- Sáng nay Thiên đi oanh
kích miệt ba biên giới. Nhiệm vụ đã hoàn tất, nhưng sau đó Đài Chỉ Huy mất liên
lạc với tụi nó luôn.
Giọng Phượng lạc đi:
- Vậy có nghĩa là...
Phú buồn rầu gật đầu.
Đã có chuẩn bị trước nên vừa thấy Phượng chới với sắp ngã xuống là Phú nhào lại
đỡ liền, miệng kêu Nga ơi Nga. Chị Phượng xỉu rồi. Mọi người hớt hải chạy ra.
Khi nghe báo Thiên mất tích, cả bà Tuân lẫn Hoàng Nga đều khóc ầm lên. Nhứt là
bà Tuân khi nghĩ đến cái đám cưới sắp sửa tới. Sao con gái bà đẹp như hoa như
ngọc mà số phận hẩm hiu làm vậy?!
Đám tang Thiên diễn ra trong một bầu không khí cực kỳ thương tâm. Bên này Kim và Phú dìu bà Hậu. Bên kia Bích và Nga không dám rời Phượng nửa bước. Bà Hậu một hai đòi nhảy xuống mộ chết chung với con. Kim và Phú phải ghì chặt lại. Phượng đặt bó hoa cô dâu lên quan tài trước khi lấp đất. Trước tình cảnh của 2 người, ai cũng phải mũi lòng rơi lệ! Từ đó bà Hậu sống mà cũng như chết. Ăn, ngủ như một người máy. Bỏ lún luôn tiệm gạo, may mà có người quản lý thân tín quán xuyến mọi việc. Phượng ốm o gầy mòn như một con mắm. Mọi sinh thú trên đời hình như đã đội nón vĩnh viễn ra đi! Trên môi hiếm hoi lắm mới có một nụ cười. Mà cũng chỉ là một nụ cười gượng gạo. Ông bà Tuân thấy con gái như vậy cũng rầu thúi ruột. Một tháng sau đám tang, bà Tuân đưa Phượng đến xin trả lại chiếc nhẫn đính hôn và đồ cưới bà Hậu đẵ sắm cho Phượng. Bà Hậu nói Phượng cứ giữ lại tất cả. Thiên mất đi, giờ bà xin được coi Phượng như con gái nuôi. Mạ Phượng cảm động nhận lời liền. Hai nhà vẫn giao hảo thân tình như xưa. Kim mất anh, càng gắn bó với Phượng... Rồi thời gian cũng hàn gắn tất cả(trừ trái tim của một người mẹ mất con). Phượng đã lấy lại phong độ cũ. Nhưng nét hồn nhiên đã biến mất trên gương mặt và đôi mắt lúc nào cũng man mác buồn... 2 năm sau Kim mất luôn chị Phượng. Tất cả cũng tại cái con nhỏ xí xọn Hoàng Nga. Đau gì không đau lại nhè sưng ruột dư!? Dĩ nhiên phải đem nó vào nhà thương mổ cấp tốc. Cái anh chàng Bác sĩ hôm sau ghé qua phòng tái khám cho nó. Nhưng bịnh nhân thì không lo khám, cặp mắt lại cứ dán chặt vào chị Phượng. Bỗng dưng Kim có ác cảm ngay với ông ta. Rồi ngày nào cũng canh lúc chị đến thăm nhỏ Nga là ông ta xuất hiện để... tái khám. Khám bịnh nhân qua loa cho có lệ, sau đó bắt chuyện nói không dứt với chị Phượng. Kim về cằn nhằn với mẹ, bà Hậu rầy, nói Thiên với Phượng có duyên mà không nợ, mình đâu có thể ích kỷ bắt Phượng ở vậy hoài. Năm nay Phượng đã tròm trèm 20, con gái ngoài 20 tuổi khó lấy chồng. Kim thấy mẹ có lý, nhưng vẫn không vui. Một tuần sau nhỏ Nga về nhà. Bác sĩ Lộc tới tận nhà chị Phượng, lấy cớ tới xem bịnh nhân có "vấn đề" gì không? (theo Kim chính ổng mới có vấn đề)! Ba mạ chị Phượng rất cảm kích trước sự tận tâm (quá lố) của ông bác sĩ giàu lòng thương người (đẹp) này.
Một buổi tối Kim tới nhà định rủ chị với nhỏ Nga đi ăn chè ngoài hàng keo. Qua
khỏi cái sân gạch, Kim bước lên thềm nhà. Đèn nơi phòng khách sáng trưng, Kim
tò mò nhìn qua cửa sổ. Một cảnh tượng làm cô nhỏ muốn đứng tim: bác sĩ Lộc đang
cầm bàn tay của chị Phượng, miệng thì thầm những gì không nghe rõ. Phượng cúi
đầu, mái tóc dài xõa một bên che hết khuôn mặt nên Kim không thấy phản ứng trên
gương mặt của chị. Nhưng không giật tay lại tức là bằng lòng rồi còn nghi ngờ
gì nữa? Cô nhỏ buồn rầu quay về nhà. Bác sĩ Lộc càng năng tới thăm Phượng bao
nhiêu, Kim càng ít tới bấy nhiêu. Nghe nhắc tới tên "hắn" thôi là Kim
đã cau mày, tỏ vẻ khó chịu. Phượng tinh ý đoán ra liền nên một hôm rủ Kim vô
phòng. Thấy tấm ảnh Thiên mặc bộ đồ bay, đứng bên cạnh chiếc F7, miệng cười
tươi, đẹp như một tài tử cinê vẫn còn để trên bàn phấn, Kim nói mỉa:
- Không ngờ chị còn để
hình anh Thiên ở đây!
Phượng ngồi xuống cạnh
Kim, nhẹ nhàng cầm hai bàn tay cô nhỏ, dịu dàng nói:
- Kim đừng hiểu lầm là
chị đã quên anh Thiên. Anh vẫn sống mãi trong lòng chị. Nhưng xin em thông cảm
mà thương cho chị. Chắc gì sau này chị có thể gặp được người tốt và thật lòng
yêu chị như anh Lộc? Dù biết chuyện anh Thiên với chị ngày xưa, anh vẫn chấp
nhận. Anh có một tấm lòng thật rộng lượng. Anh thương và muốn thành hôn với chị
đó. Kim xem, anh Lộc đâu phải là người xấu.
Kim cúi đầu không nói
gì. Chị Phượng bóp nhẹ tay Kim, giọng tha thiết:
- Kim nói đi. Kim nói
là không giận chị đi.
Kim gật đầu mà hai
hàng nước mắt chảy dài. Phượng mừng quá ôm chặt Kim, mặt cũng đầm đìa nước mắt:
- Cám ơn Kim. Cám ơn
Kim đã hiểu cho chị.
Hôm sau Phượng tới
thăm bà Hậu. Hai người cũng giọt ngắn giọt dài. Lúc Phượng về, bà Hậu nói với
Kim:
- Má thiệt tình mừng
cho con Phượng.
- Bộ phi công nào cũng
bị rớt máy bay hết sao má? Tới giờ này anh Phú còn y nguyên mà. Má hổng thấy
hằng ngày biết bao nhiêu người chết vì tai nạn xe cộ nè, bịnh tật nè, tự tử
nè... Còn ảnh người Bắc má đừng lo lắm. Con gái má "giỏi" lắm mà.
Bà Hậu lắc đầu chào
thua cô con gái cưng. Thông cảm hoàn cảnh của Kim, nên Tín bằng lòng để vợ ở
lại Kontum. Tín dưới Pleiku đi đi về về, Kim cũng thường xuống thăm chồng. Cho
tới khi Tín đổi về Biên Hòa, Kim phải đành xa mẹ. Bà Hậu
nhớ con định sang lại tiệm rồi về Biên Hòa kiếm chuyện khác làm ăn. Chưa kịp
thì mùa hè đỏ lửa ập tới. Bà theo giòng người tị nạn chạy xuống Pleiku, theo
ngả Phú Bổn về Sàigòn. Nhưng Kim không bao giờ gặp lại mẹ. Bà đã gởi thân xác
đâu đó trên con đường mòn đầy kinh hoàng này. Kim khóc tới bịnh luôn. Lâu lâu Lộc
đưa vợ con từ Sóc Trăng lên Sàigòn chơi. Chỉ dịp đó Kim mới gặp lại chị Phượng.
Chị em đưa nhau đi ăn hàng, đi mua sắm quần áo tưng bừng. Chị Phượng càng ngày
càng đẹp. Chị được chồng tưng tiu như một viên ngọc quý. Anh Lộc lúc nào cũng
chỉ cười cười, cặp mắt nhìn vợ tràn đầy âu yếm.
1975, Kim gạt nước mắt
ẳm con lên máy bay trực thăng, Tín lái ra biển rồi đậu xuống 1 chiến hạm, thuộc
Đệ thất hạm đội Mỹ.Họ đưa người tị nạn qua Philippine, rồi sau 2 tuần lễ trên
đảo Guam, gia đình nhỏ bé của Kim sang định cư tại Montréal cho tới bây giờ.
Kim mất liên lạc với chị Phượng, vì lúc ra đi ngoài cái túi đựng mấy bộ quần áo
và vài hộp sữa bột Esma cho con, Kim bỏ lại hết! Tín qua đây ráng học cũng lấy
được mãnh bằng kế toán, hiện làm cho 1 công ty lớn. Kim học nghề uốn tóc, mở
tiệm tại nhà. Vợ chồng con cái sống khá sung túc. Không hiểu bữa nay may mắn
làm sao lại gặp được Phượng dưới phố Tàu. Hai chị em lên xe về nhà Kim. Trên
đường đi, Phượng kể:
- Năm 75, như bao
nhiêu gia đình Nam kỳ khác, Lộc không chịu đi ngay. Hậu quả là phải khăn gói đi
học tập như bao nhiêu người khác. Một hôm đi chặt cây, Lộc vô ý bị cây ngã đè
gẫy hết một chân. Không chết là may đó em ơi. Nhưng bây giờ anh đi cà nhắc. 2
năm sau được thả về lại Rạch Giá, anh mở phòng mạch chui cũng đủ sống. Cái số
rủi cứ theo hoài, anh là Bác Sĩ nên họ để ý kỹ, vượt biên lần nào cũng bị bắt
lại. Sau cùng anh chị chán thôi luôn. Cách đây 7 năm, em trai anh du học bên
này từ trước 75 làm bảo lảnh. 3 năm sau anh chị và 2 cháu mới qua được. Nhưng ở
dưới thành phố Québec, lên trên này được hơn năm nay thôi. Anh Lộc mặc cảm cái
chân nên cũng không muốn liên lạc với bạn bè. Em dâu anh Lộc là đầm nên chị
cũng khó nói chuyện. Bữa nay gặp Kim chị mừng quá.
Nói xong chị cười mà
cặp mắt rưng rưng! Kim nói:
- Ngày mai anh chị và
hai cháu tới nhà em ăn Tết. Năm nay phải ăn Tết lớn để mừng ngày đoàn tụ của
chị em mình.
Về tới nhà, cho xe vô
garage xong, Kim vừa xách mấy túi đồ vô bếp, vừa kêu ong óng:
- Anh Tín ơi, xuống
đây coi em dẫn ai về đây nè.
Tín từ trên lầu đi
xuống vừa nói:
- Miễn không phải ông
Tây đen là được!
Nhưng vừa nhìn thấy
người đứng cạnh Kim, Tiến reo lên:
- Chị Phượng. Không
phải tôi nằm mơ chứ?
Kim cười:
- Mơ đâu mà mơ. Chị
Phượng bằng xương bằng thịt chăm phần chăm đó.
Rồi quay qua Phượng,
Kim giục:
- Chị phôn ngay cho
anh Lộc một tiếng đi.
Phượng cầm phôn, quay
số nhà. Khi nghe tiếng Lộc alô bên kia đầu dây, Phượng nói, giọng đầy ấp niềm
vui:
- Anh hả? Em đây. Ngày
mai mùng 1, có người mời tụi mình ăn Tết lớn đó. Anh đoán ra ai không nè?
Tất nhiên Lộc làm sao
đoán được. Phượng cười rộn ràng:
- Là Kim. Em vừa gặp
Kim dưới phố Tàu và bây giờ em đang ở nhà Kim. Độ hai tiếng nữa Kim sẽ đưa em
về. Phượng gác phôn. Tín nói:
- Nào bây giờ mình bày
cái gì ra ăn để mừng chị Phượng trước.
Kim nguýt chồng:
- Lúc nào cũng không
quên được cái bao tử!
Tín cười ha hả:
- Có thực mới vực được
đạo mà em... Huống chi bữa nay là chiều 30 Tết. Phải không chị Phượng???
Tiểu Thu
No comments:
Post a Comment