Sau trận Đại hồng thủy
cuối tháng 4/75, Sàigòn được người ta đặt cho cái tên mới nhưng người dân
Sàigòn vốn hoài cổ nên vẫn khoái cái tên cũ và Sàigòn vẫn được gọi là Sàigòn.
Là một người lính
QLVNCH, được thượng cấp ra lệnh “tan hàng” và đi bộ về nhà trưa ngày 30/4/1975,
tôi bị gọi đi “học tập” một tuần, rồi tiếp tục bị mời đi họp hầu như hàng tuần
với mấy tên Cán bộ Phường khóm. Cứ họp hoài họp mãi với những tên cán bộ đọc tiếng
Việt không suông, nói tiếng Việt không rành, tôi đâm ra lì.
Ai nói gì thì nói,
sống cái đã.
Sau trận đổi tiền,
tưởng đâu ai cũng nghèo như mình, nhưng chỉ vài tuần sau, đâu cũng vào đó. Hàng
quán được bày ra đầy các lề đường, chợ trời mọc lên như nấm và giá cả tùy tiện
leo thang. Tôi mướn chiếc xích-lô, thử nghề “vận tải giao thông” bất đắc dĩ.
Còng lưng đạp từ tờ mờ sáng đến nửa đêm chỉ đủ tiền chợ, khi đau ốm phải bán tư
trang của vợ để mua thuốc nên tôi đổi qua nghề bán xăng lề đường.
Nghề này thấy nhẹ
nhàng nhưng không phải dễ ăn. Nhận xăng từ một người bỏ mối nào đó để bán lẻ
trên lề đường, người bán phải lanh lợi, phải biết ngó trước dòm sau, phải biết
ai là bò vàng ai là Cán bộ kiểm soát kinh tế, ai là cán bộ Phường khóm, ai là
phe ta, ai là kẻ địch, v.v....
Vô phước bị ốp là coi
như vợ phải lo tiền chợ hai ba ngày. Chua nhất là những ngày mưa phùn, gió bấc.
Đầu đội Poncho, tựa mình bên một thân cây hay đứng nép dưới mái hiên nhà nào
đó, người run theo từng cơn gió, chịu lạnh suốt ngày mà chỉ bán được chục lít
xăng, coi như chỉ lời được một bữa cơm.
Thêm bọn cướp cạn
thỉnh thoảng đến thăm. Chịu giá xong kêu đổ xăng, đổ xăng xong nổ máy xe vọt
mất. Bọn này luôn luôn đi hai tên nên nếu mình tiếc của rượt theo la làng thì
phải coi chừng cái gáo vì thằng ngồi sau đã thủ sẵn vài cục đá hoặc đồ nghề gì
đó.
Thấy đây là một nghề
lời lóm không bao nhiêu nhưng có hy vọng hui nhị tì lảng xẹt nên tôi gồng mình
“bước thêm bước nữa” là tìm cách mua xăng thẳng từ trạm về bỏ mối. Muốn làm ăn
theo kiểu này phải mua phiếu xăng từ các tên thủ trưởng các cơ quan phân phối
xăng dầu, điều mà tôi không thích chút nào nhưng ... biết sao bây giờ, sống cái
đã.
Sau nhiều ngày cân
nhắc, dò hỏi, và nhiều lần bao những người đưa tin nhậu nhẹt, tháng 10/1975 tôi
được giới thiệu với một tên Cán bộ có thẩm quyền ngành xăng dầu tại Sàigòn tên
Mười Của. Qua người môi giới, hắn hẹn tôi đến gặp hắn tại nhà ở khu Ngân hàng
vùng chợ trời Hàm Nghi.
Đúng giờ hẹn, 9 giờ
sáng thứ Tư, tôi đến gõ cửa nhà hắn. Sau vài giây chờ đợi, một khuôn mặt ốm
nhom, tái mét, ló ra bên cánh cửa vừa hé. Tôi dụi mắt, lùi lại một bước để nhìn
kỹ khuôn mặt người đối diện và hắn cũng nhìn tôi trân trối.
Lại thêm vài giây lặng
lẽ trôi qua... hắn lắp bắp mở lời :
- Mầy ... anh ... anh
là Long, Long Lừa phải hông ?
Tôi không trả lời mà
hỏi ngược lại hắn :
- Còn ông... ông là
Vinh… Vinh Mén phải hông ?
Tôi vừa dứt lời thì
cánh cửa được mở rộng và hắn nhảy thót đến ôm cổ tôi, hai chân hắn quặp ngang
hông tôi, người hắn đeo hẳn vào người tôi như cặp tình nhân lâu ngày gặp nhau
mà mình thường thấy trong phim ảnh ở hải ngọai.
Tôi rất xúc động khi
gặp lại thằng bạn cũ thời thời Trung học nhưng tôi không dám ôm hắn, cũng không
dám nói gì thêm vì không biết hắn làm cái quái gì mà được ở trong căn phố này,
vốn là cơ sở kinh doanh của một ông lớn trước năm 75.
Sau mấy giây xúc động,
hắn quàng vai tôi kéo vào nhà. Nói là nhà chớ thật ra chỉ là một căn phố trống.
Cao hơn đầu một chút là dây chì giăng ngang dọc, vừa để phơi quần áo, vừa để
treo mùng màn. Ở khoảng giữa căn phố, một tấm vải bông sặc sỡ được căng ngang,
có lẽ để che chỗ ngủ. Bên ngoài tấm vải là một cái tủ cũ chỉ còn một cánh cửa,
bên cạnh cái tủ là một chiếc chiếu, trên chiếc chiếu có một cái lon sửa bò để
gạt tàn thuốc. Một cái võng được đóng đinh treo ở góc nhà và một chiếc xe đạp
mini còn mới dựng kế bên.
Tôi nhìn kỹ người đối
diện. Hắn đúng là Vinh Mén, thằng bạn mà tôi coi như ruột thịt lúc còn học
Trung học ở Nam Vang. Nhìn Vinh Mén, một rừng kỷ niệm của tuổi thơ ngà ngọc lần
lượt hiện về.
oOo
Nam Vang, đầu năm 1962, tôi bước chân vào ngưỡng cửa Trung học.
Ở Nam Vang thời đó, cũng như hầu hết học sinh Việt Nam khác, tôi học chương
trình Pháp nên sau khi học xong Sixième và thi đậu bằng Tiểu học (Certificat
d’Études Primaires), tôi lên Cinquième và bắt đầu học chương trình Trung học Đệ
Nhất Cấp (Brevet d’Études du Premier Cycle). Những thằng bạn thời Tiểu học cùng
lên Cinquième với tôi có Thành Rùa, Liêm Láng, Chung Mập, Minh Lùn, Cận C...
Bò, Phúc xì-ke, Vinh Mén và Bé Chà. Trong đám này, tôi chơi thân nhất với Vinh
Mén và Bé Chà.
Sau giờ học buổi sáng, tôi thường đến nhà Vinh Mén ăn cơm trưa hay ngược lại.
Ba Má hai bên thương chúng tôi như con ruột. Trên sân cỏ, tôi và Vinh Mén cùng
chơi cho một hội túc cầu thiếu niên, là cặp bài trùng ăn ý nhất ở hàng tiền đạo
và tôi, vì tật khoái lừa banh, cứ được banh là phải lừa qua một hai đối thủ cho
nó sướng cặp giò, dù đôi lúc không cần thiết mà còn có hại là khác, nên được
bạn bè đặt cho cái tên Long Lừa từ đó.
Vinh có biệt danh Vinh Mén vì nó nhỏ con, ốm nhom nhưng đừng coi thường nó mà
ân hận vì nó nhanh như sóc, rất khôn banh và không màu mè như đa số chúng tôi.
Vinh Mén xuống banh, tạt banh vào hay thọc lỗ là chắc ăn như bắp.
Còn thằng Bé Chà và tôi cùng chơi trong ban nhạc của trường. Nó đánh trống, tôi
vừa hát vừa đệm Ghi-ta. Tôi khoái thằng Bé Chà ở chỗ chúng tôi rất hạp ý nhau.
Nhạc Twist, nhạc Bebop, nó đánh dồn dập, ngưng syncop thật tài tình. Qua Slow
Rock, Boléro ... nó rung cymbal nhuyễn nhừ và thỉnh thoảng rouler rất giòn ở
đoạn cuối câu hát.
oOo
Vinh Mén lên tiếng, kéo tôi trở về thực tại :
- Hút với tao điếu thuốc mừng hội ngộ đi mầy !
Tôi nhận điếu Capstan. Vinh Mén bật lửa cho tôi đốt thuốc và mời tôi ngồi xuống
chiếu. Nhìn bàn tay nó run run khi mồi thuốc cho tôi, tôi biết nó rất xúc động.
Vinh Mén nói giọng đứt đọan :
- Tao không ngờ ... gặp mầy hôm nay ... mầy đến đây tìm ai vậy ?
Tôi ấm ớ:
- Dạ... dạ... tôi có hẹn với... ông Mười Của.
Vinh Mén trừng mắt :
- Ê mậy! Sao mầy ăn nói giọng gì kỳ cục cậy ??? Hồi đó mầy tao thì bây giờ cứ
mầy tao. Ở đó mà dạ dạ tôi tôi cái con c...! Mầy kiếm Mười Của hả? Mười Của là
tao nè, có chuyện gì không?
Tôi nhìn Vinh Mén, suy nghĩ. Cung cách nó nói chuyện vẫn như xưa, vẫn hay xổ
nho, mỗi câu nói kèm theo vài tiếng chửi thề. Nhưng hiện giờ nó là Mười Của, là
Cán bộ Việt Cộng, có thể đầu óc nó không còn là thằng Vinh Mén, bạn thân của
tôi ngày nào. Thấy tôi im lặng, Vinh Mén đập lên vai tôi:
- Suy nghĩ cái con c... gì ! Mầy sợ Việt Cộng hả ? Mầy sợ tao hả ? Nói cho mầy
biết là tao bị tụi nó gạt vô khu, vô khu rồi không biết đường ra nên phải ở
luôn trong đó, phải làm theo lệnh tụi nó nếu không thì tụi nó cho tao đi mò tôm
lâu rồi. Còn thằng Vinh Mén vẫn là thằng Vinh Mén, mầy hiểu chưa ???
Tụi gục gặt đầu như đã hiểu dù trong lòng còn bối rối :
- Ờ... gặp lại mầy bất ngờ... tôi... ừ... tao xúc động quá thành ra lính quýnh,
vả lại... tao không biết mầy làm ông gì trong chế độ mới ... còn cái tên mới
nữa... mầy... đổi tên rồi hả ?
Vinh Mén xua tay lia lịa :
- Tao có đổi tên hồi nào đâu ! Mấy cha trong “R” đặt bí danh cho tao đó, nói là
để bảo mật. Mầy còn nhớ hồi tụi mình còn học chung ở Nam Vang, mấy thằng mấy
con “đồng chí, đồng rận” đến dụ tụi mình vô Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam
(MTGPMN) bị mầy chửi mấy câu để đời đó không ?
Tôi nghe lạnh xương sống.
Không lẽ mới vừa mầy mầy tao tao, giờ Vinh Mén nhắc lại chuyện cũ để có cớ bắt
nhốt tôi dù rằng, trong những năm từ 1960 đến 1968 là năm cao điểm, tôi, Vinh
Mén, và nhiều bạn bè chúng tôi đều nhận ra rằng ... những kẻ đi tuyên truyền
cho Việt Cộng, mộ quân cho MTGPMN là những người xảo trá, ác độc, được Cộng sản
Hà nội trả lương đi tuyên truyền “chống Mỹ cứu nước”, dụ khị thanh niên nam nữ
Việt Nam nhẹ dạ ở Cao Miên đi đỡ đạn cho MTGPMN trong khi họ, con cái họ và
thân nhân họ ăn sung mặc sướng, nhà cao cửa rộng, lên xe xuống ngựa trong cái
hậu cứ an tòan là thủ đô Nam Vang của xứ Chùa Tháp.
Cho nên, những lúc phải nghe mấy ông bà đồng chí đồng rận này lặp đi lặp lại
những lời đề cao tinh thần những kẻ đi “giải phóng Miền Nam”, đôi lúc không
nhịn được nên tôi xổ nho thẳng vào mặt họ :
- Giải phóng con c... tao nè! Mới 15, 16 tuổi đầu, sáng sáng còn xòe tay chờ Ba
Má cho tiền đi học, chữ nghĩa chưa tới đâu, nghề ngỗng cũng không có thì biết
con mẹ gì mà đòi đi giải phóng... mà giải phóng ai? Người dân ở Miền Nam giàu
có hơn người dân Miền Bắc nhiều nên họ đâu cần ai giải phóng. Mấy ông mấy bà ăn
cứt bác Hồ nên lợi dụng hai từ “giải phóng” để gạt mấy thằng ngu đi đỡ đạn dùm
cho mấy ông mấy bà chớ gạt chúng tôi sao được. Sống quang minh chính đại không
chịu lại chui vô rừng làm thân con chuột, phải ly khai gia đình, cái tên cha mẹ
đặt cho cũng không dám xài, công ơn dưỡng dục của mẹ cha cũng không đươc quyền
nhớ, giải phóng con c... gì mà kỳ cục vậy hả??? Đi chỗ khác chơi đi mấy cha
nội, xạo xạo hoài tui bực cái lỗ tai, tui kêu phú-lít là bỏ mạng đó !
Tôi đã nói đại khái với họ như vậy vì chúng tôi biết rõ họ thuộc thành phần
nào, gia cảnh ra sao. Họ xuất thân là chị nấu bếp, anh thợ hớt tóc, cô thợ may,
chú bán thuốc sơn đông hay nhiều người không có nghề nghiệp gì cả. Cộng sản Hà
nội mướn họ đi mộ lính cho MTGPMN để xâm lăng Miền Nam. Giờ họ đang làm chủ các
tiệm phở, tiệm giày, tiệm may, và nhiều người có nhà, có phố cho mướn. Con cái
họ có đứa là bạn học của chúng tôi. Tụi nó đi học bằng xe gắn máy, có đứa có xe
hơi đưa rước trong khi đa số học sinh Việt Nam ở Nam Vang thời đó đi học bằng
lô-ca-chân, hoặc xe đạp hay xe buýt. Họ dụ dỗ người khác đi “chống Mỹ cứu nước”
nhưng bản thân họ và con cái họ vẫn sống phây phây một cách trưởng giả tại Nam
Vang.
Đa số chúng tôi có thân nhân ở Miền Nam, qua lại thăm nhau thường xuyên nên
biết cuộc sống ở Miền Nam không có gì là tồi tệ như lời họ tuyên truyền. Chúng
tôi thường xuyên đọc báo Việt ngữ, Pháp ngữ phát hành tại Nam Vang, hay từ
Sàigòn, và quan trọng nhất là nhờ lời giáo huấn của mẹ cha, chúng tôi so sánh
và đi đến kết luận rằng mấy tên cán bộ Việt Cộng ở Cao Miên đa số là những kẻ
bất lương, đi đâu cũng quảng cáo cái chiêu bài “chống Mỹ cứu nước” để đưa con
em đồng hương vào đất chết, trong khi họ sợ vô khu hơn ai hết.
Ở Nam Vang, chúng tôi
còn quen biết một số anh chị, chú bác vốn là những người có thành tích chống
Pháp, chống Cộng sản từ thời 40-50, và mới đây chống chính sách gia đình trị
của nhà Ngô, bị mật vụ của ông Ngô Đình Nhu tìm bắt ... phải lánh nạn sang Cao
Miên, nên chúng tôi được quý vị này chỉ dẫn về những mánh khóe dụ dỗ và những
mưu mô gian xảo của Cán bộ VC khi đi mộ quân.
Ngoài ra, còn có những người trước đây nghe theo lời VC theo MTGPMN, giải phóng
đâu không thấy, chỉ thấy giết hại dân mình, nên khi biết mình bị gạt, họ tìm
cách trốn và vài người may mắn về tới Nam Vang. Họ thay đổi lý lịch, tránh tiếp
xúc với người Việt vì sợ VC thủ tiêu. Vài người gan dạ, kín đáo nói cho người
thân tín biết những sự thật phũ phàng trong R, từ đó những “tội ác Trời không
dung, đất không tha” của bọn đi mộ quân cho MTGPMN được truyền miệng trong các
làng xóm người Việt ở Cao Miên.
oOo
Vinh Mén cất lời, xóa tan cái cảm giác đang làm nhức buốt đầu óc tôi :
- Hồi đó, đôi khi tao không đồng ý với mầy vì nghĩ rằng mầy ghét mấy tên cán bộ
VC nên mầy cương ẩu.
Nhưng khi vô khu tao mới biết mầy gan, dám nói sự thật trước mặt tụi nó. Đ.M.!
Gạt được người ta vô khu rồi là xoa tay đi kiếm thằng khác. Mầy nói đúng, vô
khu sống như chuột, ngày đêm căng võng nằm dưới hầm, dưới hố vì sợ bom.
Vinh Mén ngưng nói, rít một hơi thuốc rồi trợn mắt nhìn tôi, làm như tôi là
người đã gạt hắn vô khu, hắn chửi thề :
- Đ.M.! Giải phóng cái con c... gì mà trốn chui trốn nhủi như đi ăn trộm ! Cứ
vài tuần là di chuyển từ cánh rừng này qua cánh rừng nọ, loanh quanh trong các
tỉnh Xoài Riêng (Svay Rieng, Đông-Nam Kampuchea) và Tây Ninh hay Lộc Ninh, gặp
lúc tụi ngụy hành quân qui mô thì phải bỏ khu đi bộ mấy trăm cây số về hậu cứ
an toàn ở tận Cần Ché (Kratié, Đông-Bắc Kampuchea). Đị bộ ban đêm, ban ngày
ngủ. Tụi nó phát lương khô chỉ đủ ăn một tuần nhưng thường di hành cả tháng nên
gặp cái gì ăn được là cứ ăn, kể cả ăn trộm, ăn cướp của dân Miên để sống cầm
hơi. Thiệt khổ hơn trâu bò. Liên lạc với gia đình cũng không được. Tụi nó nói
đi làm cách mạng cứu nước là phải ly khai gia đình. Ly khai con c...! Tao nhớ
Ba Má tao thấy mẹ. Nhiều lần định trốn về Nam Vang nhưng không biết đường ra.
Đ. M.! Có lần tao định xách súng bắn chết mẹ tụi nó hết rồi tới đâu thì tới
nhưng nghĩ đi nghĩ lại ... đa số mấy thằng ở chung đơn vị cũng bị gạt như mình
nên thôi, đành giao cái thân mén của tao cho ông Trời ...
Tôi mạnh dạn hỏi tới :
- Đã biết vậy sao mầy còn đút đầu vô ?
Vinh Mén nhìn tôi rồi nhìn lên tường, nói như nói với chính nó :
- Tao đâu có theo. Mầy còn nhớ không ? Hồi đó họ dụ mình bằng miệng lưỡi không
được thì họ xài mỹ nhân kế, dùng gái dụ mình. Họ dàn xếp cho con Lan Lé đến dụ
tao. Con nhỏ này nhận tiền con mẹ Phở Bắc mời tao đến nhà nó nhậu xỉn rồi ngủ
với nó để dụ tao vô khu chớ nó có yêu thương gì tao, nên sau khi đã ò-e với nó
mấy lần thì tao để số de mà không ray rứt gì hết. Rồi tụi mình thi Brevet, mầy
đậu nên tiếp tục học Tú Tài, tao rớt nên đi làm với ông già, tụi mình ít gặp
nhau từ đó. Giữa năm 65, một thằng cán bộ đến rỉ tai tao tại sân banh. Cha này
dìu dắt hội Xóm Mới, cái xóm toàn Việt Cộng đó. Chả nói tao đá banh giỏi, có kỷ
thuật cao, ở Nam Vang không có cơ hội phát triển tài năng. Nếu tao đồng ý, chả
đưa tao đi Hànội, cho vô Câu Lạc Bộ Thể Dục Thể Thao và sẽ được đi đá Quốc tế.
Mầy biết là tao thèm đá banh như người ta thèm cơm, thèm nước, nên nghe chả nói
vậy tao khoái. Tao biết tao học dỡ nên chỉ ước mơ làm cầu thủ đá banh nhà nghề.
Sui cho tao là lúc đó mình ít khi gặp nhau, tao không có ai để hỏi ý kiến nên
bị chả gạt dễ ợt.
Vinh Mén ngưng nói, rít một hơi thuốc. Tôi tiếp lời :
- Tao nhớ rồi... không thấy mầy đi đá banh mấy tuần, tưởng mầy bệnh nên tao ghé
nhà thăm mầy thì chỉ gặp bà già mầy. Bác gái vừa nói vừa khóc với tao là mầy mê
con nào đó nên mầy theo gái rồi. Tao nghe bác nói nhưng không tin vì tao biết
mầy thương Ba Má mầy lắm, và không mê gái bằng mê đá banh. Không dè mầy bị họ
gạt.
Giọng Vinh Mén trở nên giân dữ :
- Chả nói vô khu chờ chuyến đi Hà nội, ai dè vô khu tụi nó phát cho tao cái ba
lô, bộ đồ cứt ngựa, cây súng AK... thế là xong cuộc đời. Tao tức muốn hộc máu
nhưng chuyện đã rồi. Thằng cha gạt mình đâu có ở đó mà chơi nó. Đa số bọn thủ
trưởng trong khu là đám đầu trâu mặt ngựa Bắc kỳ, mở miệng thở than là nát
xương với tụi nó, thành thử đành ngậm miệng và suy nghiệm cái ngu của mình.
Ngày qua ngày cứ học tập. Hết học tập chính trị đến các chiến dịch này nọ. Vừa
học tập vừa đếm tuổi Xuân đi qua trong rừng núi âm u, không thấy ánh sáng mặt
trời. Rồi bổ sung về tiểu đòan, đi hành quân theo từng chiến dịch do Cục R đề
ra.
“Đ. M.! Nhắc lại còn ớn da gà. Cả đại đội ... đa số là con nít ở Cao Miên về,
đụng tụi ngụy mấy ngày chỉ còn hơn chục thằng sống sót, nhưng đã điên điên
khùng khùng. Tao hên thiệt ... qua mấy trận Bình Giả, Đồng Xoài, Bù-Đốp ... ăn
thêm mấy đợt B52 rải thảm mà không sứt mẻ gì nên được mấy chả để ý, cho về làm
ở hậu cần, làm cần vụ cho một thằng mới từ Bắc vô. Đừng tưởng tụi nó vô thần,
đánh giặc giỏi hay có tình nghĩa với tao. Lầm to đó ! Tụi nó cũng sợ chết và
tin dị đoan thấy mẹ. Tụi nó cho tao làm cần vụ cho thằng sư trưởng Bắc kỳ vì
tụi nó nói tao hên, ai gần tao sẽ hên lây”.
Gịong Vinh Mén dịu dần :
- Tao đỡ khổ từ đó. Đỡ lo đói, đỡ phải lội hành quân. Nhưng bị B52 dội hay pháo
binh ngụy bắn thì ... trời kêu ai nấy dạ. Thằng sư trưởng tao bị B52 rải thảm
chết tại An Lộc. Tao nhờ bị sốt rét, lúc đó đang nằm trong trạm y tế tại Lộc
Ninh nên thoát chết. Số còn hên ...
Vinh nhìn tôi cười, nói tiếp :
- Số tao hên, phải không mầy ? Mà tao còn hên dài dài nên mới ngồi ở đây nói
chuyện với mầy hôm nay đó.
Tôi đổi đề tài :
- Hiện nay mầy làm ông gì mà được về Thành phố ?
Vinh Mén lại xổ nho :
- Ông con c... gì ! Hồi còn làm cần vụ cho thằng Sư trưởng Bắc kỳ, lúc đầu nó
chỉ sai vặt. Nhưng vì chữ nghĩa của nó còn thua con nít Tiểu học, mỗi lần nó
cộng trừ nhơn chia, nó nhăn nhó như đàn bà đau đẻ nên nhờ tao giúp nó, lần lần
nó tin tao, cho tao tiếp thu văn thư, rồi giao luôn sổ sách nó buôn lậu với tụi
Miên. Khi nó chết, tao còn ôm một số tiền của nó. Thằng sư trưởng mới có em út
của nó nên đẩy tao ra tiểu đoàn. Cha tiểu đoàn trưởng này là dân miền Nam tập
kết nên khoái tao, cho tao theo chả. Tiếp tục đỡ khổ. Nhưng chả lại theo bác Hồ
trong trận Xuân Lộc, đầu năm 75. Tiểu đoàn tao banh-xà-rông. Tao sống sót, được
gắn quân hàm Thiếu-úy và được lịnh về Lộc Ninh chờ đi tiếp thu. Lớ ngớ trong
rừng cả tháng không thấy ai nói tới mình, hỏi ra mới biết tụi nó chọn bồ nhà đi
tiếp thu Tây Ninh rồi.
Vinh Mén chua chát :
- Sợ sẽ làm chúa sơn lâm thiên thu nên tao lót đường một thằng thủ trưởng quen
trong R lúc trước, mới được theo nó về thành và hiện giờ tao là một trong hai
thằng có quyền ký phiếu xăng trong quận này. Còn hên phải không mầy ? Và nhờ
vậy mầy mới gặp tao phải không ?
Tôi nhỏ giọng :
- Ờ... tao hiện giờ không có việc gì làm nên tìm cách buôn bán... sống qua
ngày. Thằng Thiện cho tao biết Mười Của có phiếu xăng nên tao tìm đến hỏi,
không dè gặp mầy là bạn cũ. Sao, có thiệt vậy không ?
Vinh Mén cười :
- Có chớ ! Mầy muốn bao nhiêu phiếu cũng có nhưng nếu thằng Thiện hỏi thì mầy
nói là tao đưa mầy mỗi tuần hai ba phiếu thôi. Một là để bảo mật, hai là để nó
khỏi theo mầy đòi tiền hoa hồng. Đ. M... thằng đó làm ăn tính từng xu từng cắc.
Tao ở trong rừng mới ra mà đôi khi cũng bực mình, nhưng nó kín miệng... tin
được phải không mầy ?
Tôi trả lời ba phải :
- Tao mới quen nó lúc gần đây nên không dám xác quyết nó là người thế nào. Có
điều ... nó quen biết nhiều cán bộ, nó bán tin cho đủ hạng người. Tao nghĩ...
mầy nên cẩn thận là hơn.
Vinh Mén suy nghĩ hồi lâu. Lát sau hắn xua tay :
- Nó không dám phản tao đâu. Nó hó hé là nó đi tù liền. Tao làm vụ này theo chỉ
thị thủ trưởng của tao. Thôi … mình ra Chợ Cũ làm vài chai la-de mừng ngày hội
ngộ.
Vinh Mén vói tay lấy cái áo sơ-mi màu xanh lục máng trên sợi giây chì, vừa thay
áo vừa nói tiếp :
- Tao thiệt mừng khi gặp lại mầy. Với mầy tao mới dám ăn nói. Tao đỡ lo bị phản
phé vì sau hơn mười năm trong guồng máy Cộng sản, tao không còn tin vào mấy chữ
« tình người » hay « tín nghĩa » nữa. Nói cho mầy biết… mấy thằng Bắc kỳ sợ
chết bỏ mẹ nên đẩy tụi tao đi trước để dọ tình hình nên bây giờ ai chụp giựt
được bao nhiêu cứ chụp giựt. Mai mốt đâu vào đó rồi thì mầy chờ coi, chỗ nào có
ăn là tụi đảng viên Bắc kỳ vô nắm hết !
Chúng tôi ra cửa, Vinh Mén khóa cẩn thận xong băng qua đường Hàm Nghi. Nhìn
đồng hồ mới hơn 10 giờ sáng, tôi im lặng đi theo Vinh Mén về hướng Chợ Cũ. Hắn
đi thẳng đến tiệm ăn của một người Việt gốc Hoa. Chúng tôi vừa ngồi xuống ghế
thì một bà đứng tuổi ăn mặc tươm tất, có lẽ là bà chủ quán, đã đứng bên chờ gọi
thức ăn. Vinh Mén nhìn bà ta cười cười nói :
- Như thường lệ … thím Ba.
Người đàn bà cười đáp lễ rồi đi vào trong. Tôi hỏi Vinh Mén:
- Quán quen hả ?
- Ừ! Lúc mới về đây, tao ăn cơm lòng vòng quanh đây trước khi ghé quán này.
Thấy đồ ăn ở đây ngon, ông bà chủ dễ chịu, cho tao ghi sổ nên tao ăn ở đây
luôn.
Hai chai bia con cọp được mang ra ngay và vài phút sau là một dĩa đồ xào thập
cẩm thơm phức. Vinh Mén cầm đũa, nói ba tiếng « ăn đi mầy » rồi ăn ngay. Hắn
vừa ăn, vừa uống bia, vừa nhỏ giọng kể tôi nghe đủ thứ chuyện vui buồn từ lúc
còn ở trong cục R cho đến khi được về Sàigòn. Hắn thật thà thú nhận :
- Trước khi được về thành phố, tao phải học tập một tuần. Mấy cha chính trị
viên nói là dân Sàigòn nghèo khổ lạc hậu, sống chui rút trong những căn nhà ổ
chuột nên phải được giải phóng, phải được học tập và cải tạo để tiến lên cuộc
sống văn minh. Đ.M.! Cộng sản nói láo hay thật. Về thành không biết xài cầu
tiêu, có thằng chưa từng thấy cái quạt trần, cái tủ lạnh ra làm sao mà đòi đi
giải phóng người ta. Chê Sàigòn bụi bặm lấy băng vệ sinh phụ nữ bịt ngang lỗ
mũi. Tiếu lâm quá trời ! Thiệt mỉa mai cho hai chữ « giải phóng » mà tụi nó
đang lạm dụng. Tao thấy phải hiểu ngược lại mới đúng.
Vinh Mén cho tôi biết hắn đã được vô đoàn, được coi là đối tượng đảng từ hơn ba
năm trước, nhưng vì hắn ăn nói bốp chát, hay chửi thề, thi hành lệnh một cách
miễn cưỡng không sốt sắng, bị coi là thành phần chậm tiến hay bất mãn, nên chưa
được vô đảng. Hắn kết luận :
- Tao đéo cần ! Vô đảng được con c... gì ??? Chỉ làm mọi cho mấy thằng ở trung
ương chớ có ích lợi gì cho dân mình đâu.
Ăn uống xong, Vinh Mén gọi bà chủ ra ghi sổ và ra đường kêu chiếc xích-lô, chỉ
về hướng bến xe Pétrus Ký. Đến nơi, hắn kéo tôi vào một con hẻm đường Trần Nhân
Tôn, đi quanh co một hồi thì đến một căn nhà chứa gái mãi dâm. Tôi vừa đi vừa
nghĩ mà thương hại cho Vinh Mén. Có lẽ hắn thiếu thốn quá lâu nên mới giữa trưa
đã thèm đàn bà. Người chủ chứa đã quen mặt Vinh Mén nên vừa gặp nhau là bà ta
chào hỏi vồn vả rồi gọi vào trong :
- Con Thu, con Cúc … ra biểu coi.
Hai cô gái bán dâm vén màn bước ra, đứng dựa vách. Vinh Mén nhìn họ như mèo vờn
chuột, xoay qua tôi giọng kẻ cả :
- Tao cho mầy lựa trước đó !
Tôi lắc đầu :
- Tao bị cảm mấy ngày rồi ... và mới ăn uống bụng còn ọc ạch nên đi không nổi.
Mầy cứ tự nhiên.
Vinh Mén không nói thêm tiếng thứ hai, nắm tay một cô đi vào trong. Tôi ngồi
chờ khoảng mười lăm phút sau thì hắn trở ra, mặt mày tái mét, không còn tươi
tắn như lúc mới đến. Trên đường về, hắn ghé nhà tôi. Chúng tôi bàn với nhau về
những điểm hẹn sắp tới để trao đổi phiếu xăng và tiền bạc vì chúng tôi đều
không muốn gặp nhau thường xuyên tại nhà tôi hay nơi trú ngụ của Vinh Mén.
oOo
Bắt đầu từ ngày hôm sau, Vinh Mén đưa tôi mỗi ngày hai ba phiếu xăng, có hôm
năm sáu phiếu, mỗi phiếu từ mười đến bốn mươi lít xăng. Tôi vừa bỏ mối vừa bán
lẻ dọc đường Trần Hưng Đạo. Chuyện làm ăn của chúng tôi trôi qua suông sẻ cho
đến một chiều, vài ngày sau Tết con Rồng, Vinh Mén đến khoe với tôi chiếc Honda
dame hắn mới mua và kéo tôi đi nhậu. Hắn nói với bà xã tôi là chúng tôi sẽ về
khuya.
Khác với những lần trước là Vinh Mén ăn mặc lèng xèng và chúng tôi đến những
quán bia trên đường Hai Bà Trưng hay lòng vòng khu Chợ Bến Thành, lần này Vinh
Mén mặc áo sơ-mi trắng ủi thẳng nếp, áo bỏ trong quần coi khá bảnh trai và hắn
chở tôi vô Chợ Lớn. Qua cầu Bình Tây, quẹo phải qua Bến Lê Quang Liêm, chạy
thêm khoảng năm phút thì rẻ vào một con hẻm bên tay mặt. Từ đầu hẻm vào khỏang
một trăm thước, hắn dừng xe trước một căn nhà gạch nhỏ, có gác phía sau.
Vinh Mén vừa tắt máy xe thì cửa nhà mở ra, một người đàn bà còn trẻ cúi đầu
chào chúng tôi. Hắn dẫn xe vào nhà, xoay lại giới thiệu :
- Loan, vợ tao đó !
Tôi cố nén ngạc nhiên, nhìn Loan và cúi đầu chào lại. Tôi hỏi Vinh Mén:
- Mầy cưới vợ hồi nào mà bây giờ mới giới thiệu với bạn bè vậy ?
Vinh Mén nhìn tôi rồi nhìn Loan, im lặng đi vô buồng. Vợ Vinh Mén mời tôi ngồi,
hỏi tôi uống gì thì nghe tiếng Vinh Mén nói vọng ra :
- Em vô bếp làm cho hai đứa anh vài món nhậu đi. Bữa nay anh phải say với nó.
Ba Má đâu rồi ?
- Ba Má đi thăm chú Bảy. Chắc tối tối mới về.
Loan chào tôi lần nữa
rồi đi vô bếp. Hình như tôi đã gặp Loan đâu đó, cố nhớ mà nhớ không ra. Vài
phút sau Vinh Mén trở ra, mặc quần đùi áo thun lá. Hắn đến tủ lạnh lấy hai chai
33 rót ra ly có đá. Tôi hớp một hớp bia, nhìn quanh căn phòng khách nhỏ. Vinh
Mén nhìn tôi cười tủm tỉm nói :
- Giờ tao trả lời câu hỏi của mầy hồi nảy. Chắc mầy không biết điều lệ của Cộng
sản về vụ cưới vợ. Như tao là sĩ quan, muốn cưới vợ thì phải xin phép đơn vị,
phải khai lý lịch ba đời của nhà vợ tao cho đảng điều tra. Nếu xét thấy ba đời
nhà vợ tao không làm điều gì có hại cho Cách mạng thì mới cho cưới… còn ngược
lại, chẳng những không được cưới mà còn bị kiểm thảo lia chia, nên tuần rồi,
được Ba Má vợ tao đồng ý cho tụi tao ăn ở với nhau, vợ chồng tao chỉ cúng rồi
lạy ông bà tổ tiên, ngoài ra không mời bà con lối xóm gì hết. Mầy là thằng bạn
đầu tiên và có thể là duy nhất biết tao có vợ.
Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác :
- Rồi … làm sao mầy giấu được chánh quyền và đơn vị mầy ?
- Từ từ rồi tính. Nhưng không thể cho đơn vị tao biết. Tao chỉ về đây ăn cơm
chiều, hú hí với vợ tao tới khuya thì về đường Hàm Nghi ngủ. Còn chuyện làm ăn
của tụi mình thì có lẽ cũng sắp dẹp tiệm vì tụi công an đã đánh hơi biết tụi
tao làm ăn có tiền, nhưng … mầy đừng có lo vì vụ phiếu xăng chỉ là lẻ tẻ.
Thủ trưởng của tao còn nhờ tao liên hệ nhiều vụ lớn hơn nhiều, thành ra thua
thiệt là ở cấp trên. Có thể cha thủ trưởng của tao sẽ bị đổi đi nơi khác trong
vài ngày hay vài tuần nữa. Tao sẽ cùng chung số phận nên tao mới mời mầy đến
đây giới thiệu cho biết vợ tao và cho mầy biết quyết định của tao là … nếu bị
đổi đi khỏi Sàigòn, tao sẽ đào ngũ, dẫn vợ tao về Nam Vang sống. Tao không muốn
nói ai nghe ý định này, nhưng tao biết mầy thương tao nên nói mầy biết, biết
đâu sau này mầy có về Nam Vang thì tìm vợ chồng tao, mình sẽ qua lại với nhau
như bây giờ.
Tôi hỏi nhỏ : - Mầy có cho vợ mầy biết ý định này không ?
- Nói rồi ! Nói trước khi cưới… Loan mới chịu lấy tao vì cả nhà Loan không ai
ưa Việt cộng. Nói cho mầy biết vợ tao hồi xưa là bạn thân ở cùng xóm. Cái nhà
sơn xanh có hai cây điệp tây trước cửa trên đường đến nhà tao đó. Ba Má vợ tao
về Sàigòn giữa năm 70. Cuối năm đó Loan lấy chồng là lính Sư Đoàn 5. Chưa có
con thì chồng Loan chết trận năm 72. Loan ở vậy thờ chồng và thù Việt cộng kịch
liệt.
- Vậy sao Loan chịu lấy mầy ?
- Bần gan tím ruột mầy ơi ! Hồi mới về thành … nhờ làm có tiền nên tao đi may
đồ mặc và gặp Loan ở tiệm may. Hai đứa tao nhận ra nhau ngay nhưng Loan không
thèm nói chuyện với tao vì biết tao theo Việt cộng.
Vinh Mén ngưng nói, liếc mắt nhìn hướng nhà bếp :
- Sau đó tao làm mặt lì, đón đường nói chuyện mấy lần cũng không kết quả… nên
tao âm thầm theo Loan về tới nhà vì tao nhớ hồi xưa … Ba Má tao và Ba Má Loan
rất thân nhau. Hai đứa tao cũng “đá lông nheo” với nhau rồi. Nếu không vì cái
vụ tao bị Việt cộng gạt vô khu thì có thể hai đứa tao đã thành vợ chồng lâu
rồi. Gặp Ba Má Loan, tao năn nỉ cả tháng trời. Ông Bà dằn vật tao gần muốn điên
luôn. Ổng bả nói vì tao theo Việt cộng nên Ba Má tao buồn tủi, sanh bệnh và qua
đời trên Nam Vang. Tao phải lạy lục, kể lể là tao bị gạt chớ không thật lòng
theo Cộng sản. Dùng dằng mấy tháng Loan mới chịu nói chuyện với tao với điều
kiện là tao không được mặc đồ bộ đội khi tới nhà này.
Loan mang lên cho chúng tôi một dĩa tôm khô củ kiệu với vài lát ớt xắt mỏng rải
ở trên. Vinh Mén nhìn vợ cười mỉm. Loan hỏi chồng :
- Anh nói lén em phải không ?
Vinh Mén nịnh vợ :
- Anh nói cho thằng Long biết là anh may mắn lắm mới cưới được em.
Loan nhìn chúng tôi mỉm cười, trở vô bếp. Vinh Mén mời tôi gắp tôm khô củ kiệu.
Hắn uống một ngụm bia, nói tiếp :
- Trước giờ tao không nói cho mầy biết vụ này vì tao cũng không mấy hy vọng là
Loan chịu lấy tao. Cho tới tháng Chạp vừa rồi, có tin xầm xì sẽ có đảng viên từ
Bắc vô thay thế tụi tao. Tao tâm sự với Ba Má Loan là tao đã dành dụm được khá
nhiều tiền, tao xin ổng bả cho tao lập gia đình với Loan, tao sẵn sàng giã từ
Cộng sản nếu gia đình Loan đòi hỏi. Ổng bả hẹn tao tuần sau trả lời. Tuần sau
tao trở lại thì Ba Má Loan cho biết ổng bả không cản trở việc hôn nhân của hai
đứa tao, nhưng tao phải hỏi ý Loan vì ổng bả đã gả Loan một lần rồi nhưng duyên
tình đứt đọan, nên giờ Loan có trọn quyền quyết định việc hôn nhân của mình.
Vinh Mén gắp một củ kiệu bỏ vô miệng nhai, kể tiếp :
- Cửa ải thứ nhất đã qua, cửa ải thứ hai tưởng dễ mà khó. Loan đòi tao phải
giải ngũ ngay, trở về làm dân không dính dấp vì tới Việt cộng nữa vì dân Sàigòn
nói … “khoai lang chấm muối ăn bùi, lấy chồng bộ đội … lấy thằng cùi sướng
hơn”!
Vinh Mén thở ra một
hơi dài, như cố trút cái gánh nặng vô hình đang đè trên tim phổi hắn :
- Kế đến là khi làm đám cưới, tao không được mời những người bạn trong đơn vị
hay bất cứ ai có liên hệ với Cộng sản.
Vinh nói đến đây thì Loan mang tiếp cho chúng tôi một dĩa chả chiên và dăm-bông
xắt mỏng xếp xen kẻ với dưa leo và cà rốt làm chua. Sẵn trớn Vinh Mén nhìn vợ
rồi xoay qua nhỏ giọng phần trần với tôi :
- Cái vụ làm đám cưới không mời ai thì dễ ợt, nhưng cái vụ giải ngũ ngay lập
tức thì … mầy nghĩ coi, vợ tao tưởng bộ đội Cộng sản như quân đội Quốc gia vậy,
hễ muốn giải ngũ thì cứ xin giải ngũ. Tao phải vừa giải thích vừa năn nỉ hết
mấy ngày trời cho bà xã tao hiểu là Việt cộng nó chỉ cho mình giải ngũ khi mình
đã bị thương tích nặng, không còn chiến đấu nổi nữa hay không còn xài được nữa.
Và tao phải hứa với Loan là khi cần, tao sẽ đào ngũ chớ không xin giải ngũ, vì
xin xỏ chẳng những không được gì mà còn bị tụi nó theo dõi, có thể nguy hiểm
tới tánh mạng.
Loan háy chồng :
- Ai biểu anh theo hạng người gì mà kỳ cục ! Nói một đường, làm một ngã. Ai
biết phải làm sao cho vừa lòng họ. Người ta nói đi làm Cách mạng là để xóa bỏ
những cái cũ xấu xa, lạc hậu và thực hiện những gì mới tốt đẹp hơn, no ấm hơn,
sung sướng hơn cho dân tộc. Đàng này, mấy ổng đi làm Cách mạng kiểu gì mà đời
sống của người dân Việt càng ngày càng khổ sở, khốn cùng. Chỉ có mấy ổng là
sung sướng thôi. Vậy là mấy ổng làm cách mạng cho mấy ổng chớ đâu phải cho dân
mà mấy ổng bắt dân theo, mà bắt dân phải đi lính ... đi lính để bảo vệ ai?
Vinh Mén vỗ tay :
- Hay! Hay! Mầy thấy vợ chồng tao hợp nhau cái vụ ăn nói phải không ?
Vỗ tay xong, Vinh Mén xoay qua vợ :
- Nhưng em nói cho anh và thằng Long nghe thì không sao, đừng ra đường phát
ngôn bừa bãi, tụi nó nghe được là bắt nhốt em liền. Kẹt lắm đó !
Loan không nói gì, trở vô bếp, lát sau mang ra tô thịt kho nước dừa và một dĩa
bánh tét với cải mặn. Vinh Mén nói là nhậu nhưng các món ăn do Loan mang lên
ngon vô cùng. Chúng tôi vui vẻ ăn uống và nhắc lại những chuyện vui buồn từ khi
chúng tôi quen nhau, nhờ vậy tôi mới biết lúc còn ở Nam Vang, Loan học chung
trường với bà xã tôi. Hèn gì cứ nhớ là đã gặp Loan đâu đó.
Vinh Mén kể cho chúng tôi nghe chuyện lúc còn ở trong cục R, trong một lần nhảy
bừa xuống hầm để tránh bom, một tên cán bộ chính trị trung đoàn bị người nhảy
sau đạp vào mặt, gãy hết mấy cái răng cửa.
Trong R không có phương tiện làm răng giả cho hắn nên mỗi lần nói chuyện, miệng
hắn như có cái cửa sổ trống phọc, ai nhìn cũng phì cười. Hắn chữa thẹn bằng
cách ví von rằng những người đi làm Cách mạng cũng như là cá. Bây giờ Cách mạng
chưa thành công, cũng như cá còn ở trên cạn nên bị kiến hiếp đáp, mai này Cách
mạng thành công thì cá sẽ mặc sức mà ăn kiến, nhất là với cái hàm trên không
răng trống phọc của hắn thì hắn sẽ đớp nhiều kiến hơn những con cá Cách mạng
khác. Lời ví von của thằng Cán bộ sau đó được cục R dùng đi dùng lại để khích
lệ tinh thần những tàn binh Việt cộng, sống sót sau các trận đụng độ với
QLVNCH.
Vinh Mén hậm hực :
- Đ. M.! Hồi đó trong rừng, tao chả biết thực tế như thế nào nên cũng tin theo
lời nói đó để mà hy vọng, để mà sống cho tới lúc được ăn con kiến, vì tao nghĩ
con kiến này là những thằng đầu sỏ Mỹ-Ngụy. Bây giờ biết ra nó chua chát quá,
vì theo tao nhận xét, con kiến trong lời nói của thằng cán bộ chính trị cục R
bây giờ là nhân dân miền Nam chớ đâu phải là bọn đầu sỏ Mỹ-Ngụy, vì bọn đó đã
đi nước ngoài hết rồi. Nhưng nếu người dân miền Nam là con kiến đi nữa thì chưa
chắc cách mạng đã ăn được con kiến. Bằng chứng là chiếm miền Nam chưa được một
năm thì nhiều cán bộ cao cấp đã hủ hóa trầm trọng, cán bộ trung cấp theo chân
đàn anh ăn hối lộ, tham nhũng công khai, còn bọn tép riu như tụi tao thì đụng
đâu đớp đó để phòng thân sau này. Thành ra bao nhiêu chính sách đo đảng đề ra
để ăn con kiến chắc chắn sẽ không thành công nhưng các thủ đoạn để cướp đoạt
tài sản của con kiến thì đã được thi hành triệt để. Đ. M.! Hành động như một lũ
cướp mà cứ hô hào là Cách mạng thì con nít nó cũng không tin. Tao chưa thấy cá
ăn kiến nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì kiến ăn cá là cái chắc !
Loan ngắt lời chồng :
- Anh hứa với em là anh không chửi thề nữa mà.
Vinh Mén đỏ mặt :
- Nói tới bọn cướp cạn này, anh tức quá nên không dằn được.
- Thì đừng thèm nói tới họ nữa... coi như họ không có mặt trên đất nước này.
- Em nói vậy là em thua Việt cộng rồi. Tụi nó không cần mình theo mà chỉ cần
mình im lặng cho tụi nó đè đầu đè cổ. Cái khổ, cái đau, cái đói, cái khát mà
người dân từ Bắc chí Nam đang gánh chịu đều do tụi nó gây ra, nên nếu mình
không nói, nếu mình giả đò quên là mình đồng lõa với tội ác. Em hiểu không ?
Loan nhìn chồng mỉm cười. Tôi nhận thấy trong lúc gần đây, Vinh Mén nói chuyện
ít khi chửi thề nữa. Tôi đổi đề tài, kể cho vợ chồng Vinh Mén nghe về đứa con
đầu lòng của chúng tôi, về niềm vui của vợ chồng tôi khi bà xã tôi có bầu,
những lúc lo âu, những khi sung sướng từ khi nó chào đời cho đến hôm nay.
Ăn uống xong, Vinh Mén đưa tôi về nhà và hẹn hai ngày sau sẽ đưa phiếu xăng.
Tôi đến nơi hẹn, chờ hơn một giờ mà không thấy bóng dáng Vinh Mén, nên biết nó
đã giã từ Cộng sản. Tôi cầu Trời Phật phò hộ cho vợ chồng nó tìm được nơi dung
thân ở Nam Vang hay một nơi nào đó.
Cuối năm 1981, trong lúc vợ chồng tôi chuẩn bị đi tìm tự do, tôi nhận được tin
của Vinh Mén. Nó cho biết vợ chồng nó đang làm ăn thoải mái ở Siem Reap
(Đông-Bắc Cao miên, giáp giới với Thái lan), và vợ nó vừa sinh đứa con gái đầu
lòng. Nó dự định, khi vợ nó cứng cáp, vợ chồng nó sẽ qua Thái lan xin tị nạn.
Tôi mừng thầm cho bạn, và dù mới chuẩn bị cho chuyến đi của chính mình, tôi
mong rằng sẽ gặp lại vợ chồng nó ở một nơi nào đó nơi xứ người.
Bữu Nguyễn
Truyện hay. ĐMCS ĐMĐ10
ReplyDelete