Friday, July 26, 2024

Con Tôi - Hải Triều


Thuở ấy, đời lính của tôi nó kéo dài lê thê, “chuyện trăm năm” đôi lúc nó cũng lóe lên trong đêm tối như đóm sáng hỏa châu, rồi buồn tình tắt ngúm ngay sau đó. Mỗi lần về phép, bà cụ cứ càm ràm: “Bộ mày muốn ở vậy suốt đời sao con!” Bà cụ nói hoài, tôi mềm lòng theo lời khuyên của Mẹ. Tôi “sang sông” khoảng tháng 7 năm 1974, không nhớ ngày nào, và sau đó, vào tù cộng sản tháng 5 năm 1975. Nếu biết có ngày oan nghiệt 30 tháng Tư 75, tôi không “sang sông” làm gì cho đau khổ cả chùm.


Sau những năm tháng trong vòng rào kẽm gai của cộng sản, ở tù về, tôi mới có thằng nhóc con ra chào đời; nó ra đời mà không coi ngày. Thằng con tôi là thằng tù con, hay thằng con tù cũng vậy, dưới trời xã hội chủ nghĩa đen thui khi nó theo cha mẹ vô tù sau chuyến vượt biển bất thành. Dường như lúc sinh ra, nó không khóc. Dường như nó chờ và cam chịu phận số theo cha nó.


Ra tù “cải tạo”, tôi hiểu là chế độ này không sống được nếu tôi muốn làm một con người, sống như một con người. Và tôi quyết định ra đi. Tôi không muốn mình bị chế độ “súc vật hóa” như điều cụ nhạc sĩ Tô Hải tiết lộ trong hồi ký của ông mới đây. Tôi ra biển hàng chục lần mà không thoát; gia tài, nhà cửa không cánh mà bay hết vào tay đảng, và tôi đã đưa vợ con, các em tôi vào tù tiếp khi thằng nhóc nhỏ con tôi mới sinh không đầy 3 tháng.

Ra tù vượt biên, tôi lại đi tiếp. Tôi ở thế cùng đường không còn gì để mất, tôi bất chấp từ cái tù đến cái chết, tôi bất chấp mệnh số. Mỗi lần đi là mỗi lần thằng nhóc phải uống Phenergan, loại thuốc trị ho, dị ứng và cũng là thuốc ngủ. Nó ngủ như cọng bún trên vai tôi trong những đêm vượt rừng ra biển... Những lần sau cùng, thằng nhóc lớn dần, 3 tuổi, nó biết làm thinh khi vượt rừng ra biển ban đêm mà không cần uống thuốc ngủ. Thế nhưng, mỗi lần đi không thoát, bầu đoàn thê tử lội rừng phờ phạc trở về, thằng bé xuống xe “lam” chạy một mạch trên con đường ruộng vào nhà ông ngoại ở Phú Lâm, cách Phan Thiết khoảng 6 cây số về hướng Sài Gòn. Có người hỏi “con đi đâu về vậy?” thì nó nói tỉnh bơ: “Dạ con đi vượt biên!” Ông ngoại và mấy dì nó lại mừng vì không mất thằng nhóc. Hàng xóm chả ai thắc mắc, chả ai báo công an vì lời nói của thằng bé…


Rồi cũng tưởng như mọi lần trước đi xuyên rừng, hôm sau lại thất thểu trở về, nhưng hôm nay cả nhà sốt ruột không thấy thằng nhóc chạy trên bờ ruộng như mấy lần trước, chờ đến chiều vẫn biệt tăm, ông ngoại và mấy bà dì tất tả mò xuống xóm biển gần Bình Tú, phía Nam phi trường Phan Thiết, dò hỏi tin tức; bà con cho biết khi hôm có mấy người dùng súng cướp ghe phóng ra biển…

Ông cụ thất thần nhìn ra biển rộng mênh mông. Biển xanh biền biệt thấp thoáng bóng chim hải âu. Ông biết thằng rễ, con gái và cháu ông đã thoát được ra biển thật. Dường như hai dòng nước mắt ông ứa ra. Con ông và thằng cháu ông thương đứt ruột đã biến mất ở cuối chân trời.

Ông lặng lẽ về nhà, buổi chiều bỏ cơm, tối nhìn xuyên đêm đen về hướng đại dương sóng vỗ… Lòng ông chùng xuống, âu lo. Ông thức với ác mộng, ông ngủ với ác mộng. Công an biên phòng săn đuổi, bão tố, hải tặc, chìm ghe... cái nào cũng có thể giết chết con cháu ông như cơn lốc lặt gọn những chiếc lá trên cành cuối thu.

Mỗi đêm, ông ra sân thắp nhang, đứng giữa trời sao lồng lộng, hướng về đại dương khấn nguyện. Ông cầu xin một chút nhiệm mầu mong manh…


Cuối cùng thì tôi cũng đem vợ con thoát được qua Pulau Bidong trên một chiếc thuyền con lớn hơn chiếc ghe câu của cụ Nguyễn Khuyến một chút, tay lái ghe là một cây đòn, chỉ cần một cơn bão nhỏ cũng đủ chôn cả đám vào lòng biển! Tôi không biết là đời mình chưa tới số, Chúa, Phật chưa kêu tên, hay nhờ lời nguyện cầu của ông cụ, hay chính đời mình đã hết cái số khốn nhục dưới trời xã hội chủ nghĩa giăng giăng màu cờ đỏ trên khắp nước…


Vào giữa tháng 5/1980, bước chân lên đảo Pulau Bidong đầy nghẹt người tỵ nạn cộng sản đến trước, sống chen chúc ở khu C với những bà con, nhưng tôi thấy hạnh phúc cùng đất trời bao la, lồng lộng, không có hàng rào kẽm gai dưới đất, và dường như không có hàng rào kẽm gai cả trên trời như tôi vẫn thường nghĩ trong những ngày sa cơ trong cơn tù tội! Những ám ảnh hàng ngày về cơn ác mộng bị cộng sản “gom bi” bắt giam lại trong các trại tù không còn, giấc ngủ không vỡ từng đêm khi nghe tiếng chó sủa hay tiếng côn trùng im bặt vì nghe tiếng chân người vào ngõ ban đêm..

Được thở không khí tự do trên đảo tỵ nạn, tôi nhận dạy tiếng Anh vỡ lòng cho mấy đứa nhỏ tại Trung Tâm Sinh Ngữ, và nhờ vậy, bỗng nhiên tôi có một lũ nhóc học trò bất đắc dĩ xa lạ lần đầu tiên trong đời… Cuộc sống tái sinh cả trong giấc ngủ.

Đang tạm vui những ngày đầu tự do trên đảo vài tháng, một hôm, bà xã nôn oẹ. Cứ tưởng vì nàng ngán thịt gà Cao Ủy mà nôn, ai ngờ những ngày chỉ ăn cá, hay nhịn ăn, nàng cũng oẹ nôn như thường. Tôi đưa vợ lên bệnh viện Jetty trên đảo khám bệnh... và tôi “tá hỏa tam tinh” khi tin bệnh viện báo “vợ ông có bầu!


Lúc đầu thoạt nghe tin, tôi kêu lên một tiếng “Trời!“, không phải tôi sợ có con, mà vì tôi ngạc nhiên. Tôi tự hỏi vậy thì bà xã có bầu khi còn ở Việt Nam, có bầu khi tôi đang tổ chức các chuyến vượt thoát sinh tử mà ôm theo chỉ một thằng nhóc con cũng đã khổ lên khổ xuống, huống chi có thêm một nhóc thứ hai thì làm sao dám liều mạng. Thôi, tôi nghĩ ra rồi; thì ra, trong thời gian trước ngày vượt biên, tôi còn ở trại lao động tự giác Bình Tú, mỗi thứ Bẩy, khi công an cho phép vài anh em chia phiên về nhà nhận thực phẩm hay đi chợ, và họ bỏ trại về phố xem hát hôm sau mới lên trại, tôi đã lén ở lại đêm với vợ, và nhóc nhỏ lén xuất hiện lúc nào trong bụng mẹ mà tôi không biết.

May mà con tôi trong bụng mẹ đã bình an theo tôi suốt cuộc hải trình rủi may đến được Bidong. Tôi không muốn con tôi sinh ra trên cái đảo quá nhiều chuột núi, cắn cẳng, cạp giò khi đang ngủ, phương tiện y tế và sinh sống thiếu thốn, nên khi chính phủ Canada nhận, tôi đi ngay.


Tháng 9/1980, tôi đến Canada và định cư ở thành phố Nigara Falls. 3 tháng sau, một bé gái chào đời khi tuyết giăng giăng đổ đầy trời. Bé Minh Châu là cô bé của một gia đình tỵ nạn đầu tiên sinh tại thành phố này, và thị trưởng Niagara Falls đã gửi tặng cho bé Minh Châu một cái gối tuyệt đẹp.

Càng lớn, cô bé càng bụ bẫm, dễ thương. Có lần trong một thoáng vô tình trong cơn ác mộng vượt thoát, tôi nghĩ sự xuất hiện của Minh Châu trong bụng mẹ hoàn toàn ngoài ý muốn, và nó xuất hiện như một “tai nạn” trong cơn khổ nạn cùng đường của cha nó, một tên tù không thể sống trên chính quê hương của mình; nhưng mỗi khi ôm con vào lòng, thay tả, tắm cho con, cho con ăn, ru con ngủ, nhìn gương mặt đẹp như thiên thần của con, tôi hối hận về những ý nghĩ ban đầu chợt thoáng qua. Không! Con không phải là tai nạn! Con là niềm hạnh phúc của ba khi liều thân ra đi và đến bờ tự do! Và tôi nhận ra Minh Châu chính là món quà Thượng Đế âm thầm ban cho tôi trong chuyến vượt thoát sau cùng. Nếu lần này tôi không thoát, bị bắt sống giữa biển, cả nhà vô tù, Minh Châu sẽ chào đời trong tù, và ở tù như cu Nguyên anh nó, và chắc chắn đời nó sẽ khốn khổ, rủi ro, bất hạnh hơn nhiều. Hoặc giả ghe chìm trong cơn bão, đời tàn giữa trùng khơi, thì nào ai biết con tôi trong bụng mẹ đã theo mẹ cha vào lòng biển lạnh, không ai biết Minh Châu là ai trên cuộc đời này, dù là trong một phút giây phù du của sự sống.


Cu Nguyên lúc đó chỉ mới 3 tuổi, một hôm chở con đi chợ bằng chiếc xe đạp, tuyết thình lình đổ, trời lạnh bất ngờ, thằng bé ngồi sau xe té xuống tuyết vì lạnh cóng. Thằng này lì, ngày xưa vượt biển băng rừng, nó không khóc, nay tuyết lạnh tê người nó không la...

Tôi bỏ xe bên lề đường, cõng con và mang bao thức ăn chạy về nhà, hai tay cóng lại, cầm chiếc chìa khóa trong tay mà không làm sao mở khóa nhà, cuối cùng khi vô nhà được, hai cha con khui lổ “heat” thọc tay vào cho đỡ cóng. Tôi ôm con, nắm lấy hai tay nhỏ xíu của thằng bé mà muốn khóc... Tôi nói với con tôi: “Ba sẽ đưa con về vùng ấm Vancouver!” Lúc đó, tôi chưa biết mặt mũi thành phố Vancouver tròn méo ra sao, chỉ nghe thằng bạn bảo Vancouver đẹp và ấm, mùa đông không khắc nghiệt!


Mấy tháng sau, mùa Thu Niagara Falls ào đến với những chiếc lá vàng bắt đầu rụng theo những cơn gió chuyển mùa, tôi quyết định chuyển về Vancouver. Tiễn chúng tôi, bé Nguyên và bé Minh Châu tại sân ga Niagara Falls là hai vợ chồng bà S. Lowe, bà ngoại nuôi của Minh Châu, và những đứa nhỏ quấn quít Minh Châu. Xe hỏa lăn bánh, tôi thấy những giọt nước mắt của hai ông bà Lowe và mấy đứa nhỏ, tay vẫy chào tiễn biệt. Tôi ngậm ngùi nhìn lại thành phố thân yêu đã đùm bọc gia đình tôi gần một năm qua.

Minh Châu và Nguyên lớn lên tại thành phố đẹp nhất miền Tây Canada. Vancouver đã trở thành quê hương thứ hai của cha con tôi trong 30 năm, gần nửa tuổi đời của tôi. Tôi giữ cho con không mất tiếng Việt như giữ một gia tài, một nghĩa vụ đối với gia đình và với đất nước.

Khi Minh Châu còn học bậc tiểu học, tôi sắm cho con một cái áo dài, chụp hình con gửi về cho Nội, Ngoại xem- cả làng xóm họ hàng xúm nhau xem hình cô bé, và nó trở thành niềm vui, niềm thương nhớ của hai bên Nội Ngoại. Ai cũng mong chờ một ngày gặp Minh Châu bằng xương bằng thịt khi nó có dịp về thăm quê hương của cha mẹ, một quê hương mà nó không có một hình ảnh nào trong ký ức nhưng nó vẫn thương, vẫn thấy một cái gì ràng buộc qua cha, qua mẹ, một sự ràng buộc vô hình rất lạ lùng…

Khi Minh Châu xong bậc đại học, tôi quyết định cho con tôi về thăm Nội Ngoại trước ngày ông, bà cụ quá già hay có thể bất ngờ theo ông bà mà không nhìn mặt được cháu. Trước khi lên máy bay, tôi gọi Minh Châu và bảo:

– Ba gửi cho con 100 đô la để con cho bà Nội. Gặp Nội, con phải nói là tiền của con cho Nội, và con phải cầm tay Nội hỏi Nội có khoẻ không? Con thay Ba thăm Nội. Con nói tiếng Việt giỏi, bà Nội rất là thích. Con nhớ lời ba dặn nghe!

– Dạ con nhớ! Nhưng làm sao con biết ai là bà Nội?Ai là bà Ngoại?

– Bà Ngoại mất rồi, chỉ còn bà Nội, con về với Mẹ! Mẹ sẽ bảo cho con! Nhưng con nhớ khi gặp bà Nội, con phải ôm bà Nội thay ba nghe!Ba nhớ bà Nội lắm, nhưng ba không về được!Con nhớ nghe!

– Dạ! Con nhớ!

*******

Minh Châu và mẹ nó về thăm nhà mà không báo trước. Xe ngừng ngoài quốc lộ 1, nhà tự bên Ngoại cách lộ 2 đám ruộng. Mẹ nó chỉ:

– Con đi trước! Nhà ông ngoại ở cuối con đường ruộng này, chỗ có mấy cây dừa! Xem các Dì có nhận ra con hay không?

– Lỡ mấy Dì không nhận ra con thì sao?

– Thì Mẹ đi sau con mà!

Mấy bà Dì bên Ngoại không nhận tin báo trước, ngạc nhiên nhìn ra đường lộ, thấy một cô gái lạ đi trên bờ ruộng, dần vào sân, ngơ ngác nhìn vào căn nhà có cấu trúc xa lạ. Một cô gái lạ xinh xắn, dong dỏng cao, có nước da trắng tần ngần đứng lại trước sân nhà làm cả nhà ùa ra, định hỏi “cô là ai, tìm ai” thì đột nhiên nghe cô gái nói:

– Thưa Dì! Con là Minh Châu!

Cùng lúc thì mẹ Minh Châu xuất hiện ở bờ ruộng. Cả nhà ngạc nhiên mừng rỡ ùa ra ôm Minh Châu và đón mẹ nó. Trong phút giây ngạc nhiên, mừng rỡ bất ngờ đó có cả nước mắt và tiếng khóc của mấy bà chị. Ngoại Minh Châu mất trước khi Minh Châu chào đời, và bà cụ không hề biết cả cu Nguyên lẫn Minh Châu.

Tin Minh Châu theo mẹ về quê Ngoại lan khắp làng, và bà con hàng xóm kéo đến nhà Ngoại Minh Châu như cái hội Tết. Đêm về, cả nhà bu quanh Minh Châu hỏi đủ thứ chuyện, mà phần lớn là muốn nghe cô bé nói tiếng Việt, đúng là tiếng Việt rất chuẩn, nhưng không có âm sắc Phan Thiết hay Sài Gòn, là lạ và dễ thương.


Sau mấy ngày ở bên quê Ngoại, Minh Châu theo mẹ về thăm quê Nội. Đêm đầu tiên ở nhà Nội, nhớ lời bố, Minh Châu cứ ngồi quấn quít cạnh bà Nội. Các cô, chú nó quay quần quanh Minh Châu trong buổi sum họp gia đình hiếm hoi vì gần 20 năm bố Minh Châu vẫn không về. Minh Châu bỗng nắm lấy tay bà Nội và hỏi:

– Bà Nội khỏe không?

Nội trố mắt ngạc nhiên, chụp hai tay đứa cháu lần đầu tiên trong đời bà gặp. Cả nhà tưởng Minh Châu làm thinh vì không biết tiếng Việt, nên mấy cô chú nó nghe Minh Châu nói chuyện với Nội, cùng lúc buột miệng:

– Không ngờ Minh Châu nói tiếng Việt giỏi như vậy!

Nhưng người ngạc nhiên và hạnh phúc nhất vẫn là bà Nội. Hai tay bà vẫn nắm tay Minh Châu, bà mân mê vuốt tay cháu mà bà tưởng như trong cơn mơ. Cô bé nói tiếp:

– Con mới ra trường, chưa đi làm. Con cho Nội 100 đô la nghe Nội!

Một lần nữa, bà cụ ngạc nhiên nhìn trân trân vào mặt đứa cháu. Bà không nói một lời, bà cứ cười.. Và Minh Châu lấy tờ 100 đô la trong túi đặt vô tay bà Nội. Bà cảm động ôm cháu vào lòng.

Tôi đã xa bà, bỏ nước ra đi tính ra, đến ngày Minh Châu thay bố về thăm bà Nội, cũng xấp xỉ 20 năm. Minh Châu là máu thịt của bà, Minh Châu là hình ảnh của tôi. Tôi không đo lường được hạnh phúc và niềm vui của Mẹ tôi ra sao khi bà ôm Minh Châu vào lòng, nhưng tôi biết bà tràn đầy niềm vui.....

Sáng sớm hôm sau, khi Minh Châu còn ngủ say vì trái giờ giấc, Mẹ tôi đi khắp xóm làng, bà ghé từng nhà quen, nhà bà con, bà trò chuyện. Chuyện bà nói chỗ nào, nhà nào cũng giống nhau:

– Cháu tui là con thằng Hai, nó đẻ ở bên Mỹ, nó mới dìa thăm tui, nó cho tui 100 đô, và tụi bay biết không, nó nói tiếng Diệt rành như mấy đứa ở Sài Gòn! Tui đâu có ngờ! Tên nó là Minh Châu. Ba nó đặt tên Diệt Nam cho nó đó!

Mấy đứa em tôi phone qua cho biết Má rất vui trong mấy ngày Minh Châu ở với Nội. Trước khi vô lại Sài Gòn để về Canada, má con Minh Châu trở lại nhà Ngoại ở thêm vài hôm. Một buổi sáng, cả nhà rủ nhau đưa Minh Châu thăm Đá Ông Địa và Mũi Né. Trên đường đi, mấy bà Dì ghé chợ Phan Thiết mua nhãn bỏ theo xe ăn. Khi xuống xe, Minh Châu vẫn nắm trong tay võ và hột nhãn, không chịu bắt chước mấy đứa con bà chị vứt võ nhãn theo đường. Mấy Dì nhắc đi nhắc lại nhiều lần:

– Minh Châu! Con bỏ vỏ và hột nhãn xuống đường đi! Cầm theo tay làm chi vậy?

Cô bé vẫn làm thinh. Đi theo Mẹ và mấy bà Dì một lúc, nó thấy một thùng rác ghi trên nắp thùng bằng tiếng Việt: “thùng rác”, Minh Châu lửng thửng đạp qua đống rác vứt bừa bãi những rác đủ loại. Đến thùng rác, nó giỡ nắp thùng bỏ một nắm vỏ và hột nhãn vào, phủi tay và về chỗ mẹ nó, không nói một lời, vẫn vui vẻ trò chuyện, vui chơi. Mấy bà Dì, mấy đứa nhỏ cứ đăm đăm nhìn Minh Châu và nghĩ trong đầu: “Con nhỏ này lẩn thẩn thiệt!’

Buổi chiều về lại nhà, gia đình tiếp tục cái không khí vui vẻ như mấy hôm đầu. Mấy bà Dì khơi chuyện học hành, nghề nghiêp tương lai, và có người chợt hỏi:

– Còn mấy hôm nữa con về lại Canada, con thấy Việt Nam ra sao?

Cô bé hơi bất ngờ về câu hỏi, nó nhìn mẹ nó. Mẹ nó cũng không biết nó trả lời ra sao. Suy nghĩ vài phút, Minh Châu nói thẳng vào câu hỏi:

– Con thấy Việt Nam đẹp, Mũi Né cảnh rất là đẹp, nhưng nhìn chung thì dường như chỗ nào xứ của Mẹ cũng “disorganized”!

Mấy bà chị đồng loạt nhìn vào mẹ nó:

– Lương! Minh Châu nó nói cái gì vậy?

– Thì nó nói chỗ nào cũng mất trật tự! Tiếng Anh là như vậy, nhưng ý nó ra sao thì …. Minh Châu! Con nói rõ ý con chứ mẹ biết ý con ra sao đâu!

– Bộ mẹ không thấy hồi sáng nay con tìm thùng rác sao? Con đâu có thể vứt rác xuống đường. Hồi sáng ra Mũi Né, con thấy thùng rác, con mừng, đến gần thùng rác thì thấy rác vứt lung tung, khi giở thùng rác thì thùng rác chỉ có mấy cọng rác, trống trơn. Bên Canada đâu có chuyện này mẹ! Sao kỳ vậy? Cái này là không có vệ sinh, không có trật tự, không có tổ chức!

Cả nhà đều biết Minh Châu nói cái gì, biết nó nói đúng, nhưng hơi ngạc nhiên về cách nói thẳng và chững chạc của cô bé. Mấy bà Dì, mấy ông anh con Dì đều là thành phần giáo chức, bắt đầu nhìn Minh Châu không còn là một cô bé hời hợt từ nước ngoài mới về, không biết gì…

Chưa hết, hôm cuối cùng trước khi vô lại Sài Gòn để về Canada, sau bữa cơm chung gia đình, đủ mặt mọi người, khi thắp nhang cho ông bà Ngoại xong, một người anh con bà Dì yêu cầu Minh Châu phát biểu vài lời cùng gia đình. Cô bé nhìn mẹ, đắn đo gom một mớ tiếng Việt vào đầu sắp xếp ý tưởng để nói. Ai cũng nhìn chăm chăm vào mặt Minh Châu chờ nghe nó nói cái gì.

– Dạ, theo con thì con thấy thì mấy mươi năm trước, mẹ và anh Nguyên đã may mắn được Dad dắt ra khỏi Việt Nam. Con đã thấy Sài Gòn, con đã thấy Phan Thiết. Xứ của mẹ không sống được! Con nói thiệt!

Câu nói của Minh Châu làm cả nhà sửng sốt, mà dường như cùng lúc mấy bà chị đều có ý hỏi mẹ Minh Châu một câu giống nhau. Một bà chị hỏi:

– Lương! Bộ ở ngoải bố nó dạy Minh Châu chuyện chính trị hả?

– Trời ơi mấy bà! Mấy đứa nhỏ sinh, lớn lên và học ở nước ngoài, nó lanh và khôn lắm, tự nó quan sát, tự nó tìm hiểu, tự nó suy luận. Cái gì trong đầu nó ra sao thì nó nói như vậy! Nói thiệt ra, có lần tôi nghe ba nó nói với nó là “nếu lần đó ba dắt mẹ và anh cu Nguyên đi không thoát, có thể ba ôm anh Nguyên nhảy xuống biển chết;hay nếu ba còn sống,ba ở tù, mẹ sinh con ra ở Việt Nam, con và anh Nguyên lớn lên cơ cực, nghèo khổ, phải đi chăn bò, bán vé số hay bán khoai lang ngoài chợ... Và sau đó, có thể ba chết trong tù, bỏ con lại bơ vơ…”

Ba nó hỏi nó có hiểu ý ba nó nói hay không. Nó nói nó hiểu. “Con hiểu! Con hiểu!” Có thể từ điều đó, từ những điều ba nó nói mà nó hiểu phần nào tình trạng sống trong nước, nó hiểu vì sao ba nó bỏ nước ra đi, để rồi nó nhìn sự việc sâu đậm, cụ thể hơn trong những ngày ở Việt Nam.


Buổi sáng từ giã bà con quê Ngoại để lên xe vô Sai Gòn, cả nhà ôm Minh Châu bịn rịn không muốn rời. Sinh ở Canada chỉ có Cha, Mẹ và người anh, hôm nay cô bé chợt cảm thấy vòng tay quê Ngoại man man nồng ấm những tình cảm rất lạ trong những giây phút chia tay. Cô bé bỗng như thấy một sợi dây vô hình nào đó muốn cột cô với quê Mẹ. Câu nói của Minh Châu đêm hôm trước đã làm cho cô bé lớn hơn so với lúc mấy bà Dì gặp cô bé lần đầu... cả nhà biết Minh Châu nhìn ra thực trạng của quê hương cha mẹ, điều mà ít đứa trẻ Việt Nam nào nhận ra và dám nói thẳng thừng.

Chiếc xe đò lăn bánh hướng Sài Gòn, có những bàn tay vẫy chào từ giã, có những giọt nước mắt của người ở lại, và dường như mấy bà Dì còn văng vẳng nghe tiếng nói của Minh Châu “Xứ của Mẹ không sống được! Con nói thiệt!…”

Khi mọi người tụ lại ở nhà tự, trên gương mặt ai cũng buồn buồn sau khi chia tay má con Minh Châu, bỗng có người buột miệng như vừa khám phá ra một cái gì: “Con nhỏ này tính tình chắc giống Bố nó! Mấy mươi năm không về là không về. Nó giống Bố nó từ gương mặt tới tính tình!” 


Suốt ngày hôm Minh Châu rời quê Ngoại, căn nhà tự vẫn còn đông người, nhưng một khoảng trống vắng đã để lại đâu đó trong gia đình, trong trí nhớ của mọi người. Ánh nắng chiều vàng vọt lết qua sân nhà. Nhà dọn cơm chiều trước sân như mọi hôm, và dường như bữa cơm không còn ngon miệng và vui vẻ như hôm qua...


Hi Triu

No comments:

Post a Comment