Tuesday, July 16, 2024

Kỷ Niệm Theo Về - Đỗ Công Luận


Với thời đại khoa học kỹ thuật, tôi làm quen IT từ giữa năm 2010. Nhưng tôi chỉ mở tài khoản vào FB từ tháng 3/2018. Lúc đầu tôi do dự vì mặt trái mặt phải của nó. Phải có sự lựa chọn để vui chơi.

Cách nay mấy hôm, qua sự chia sẻ một bài viết của người bạn, trong Trang Văn Thơ Miền Nam, tôi đọc được một bài thơ hay, của tác giả Trần Văn Nghĩa...

DẠ KHÚC MƯA

Chợt ngã xuống đồi xanh lá cỏ

Mơ màng gặp lại thuở mười lăm

Có sương và khói về qua ngõ

Chở tím tương tư khúc vĩ cầm

Tiếng chim rưng rức trời ly biệt

Dột mái hiên thềm rêu đêm xưa

Ai hát hoài lang lời da diết

Để buồn dạ cổ rụng vườn mưa

Hẩm hiu theo gió đường thu quạnh

Vắng chuyến xe quen chở hoa vàng

Bóng nghiêng cuối dốc màu trăng lạnh

Bỏ mặc dặm trường mây quá quan

Lạc góc đời phai hương viễn phố

Gối tay đăm đắm mộng nhu mì

Sân trưa lơ đễnh mùi sách vở

Đời trẻ lăn tròn những viên bi

Đem nhớ về hong mùa cô tịch

Đoản ca lay lất cõi hồng trần

Tìm lại trăng thời trăng cổ tích

Ngọt lịm môi tình thơm dấu răng

TRẦN VĂN NGHĨA

Tôi nhớ lại. Cách nay 52 năm, tôi có quen một người bạn, làm thơ hay, khi ở trọ Sài Gòn học. Có phải bạn đây chăng ?

Cách đây mấy tháng, tôi cũng có đọc một bài thơ của tác giả nầy, trên Trang Văn Chương Miền Nam. Tôi có comment hỏi thăm, nhưng không có hồi đáp. Qua FB, bạn ở Phan Thiết. Có thể là đây. Tôi lại comment hỏi thăm, nhắc về kỷ niệm. Bạn ấy trả lời, đúng như tôi dự đoán. Bạn bè biết tin nhau. Kỷ niệm theo về.


Năm học 1970-1971, bạn tôi, Ngô Hồng Tâm, Tâm nhũi, thi trượt tú tài đôi, nên xuống Sài Gòn học lại lớp đệ nhất. Trường Văn Học, đường Phan Thanh Giản, do nhà thơ Nguyên Sa làm hiệu trưởng. Định có tú tài đôi đi du học. Chị Sáu Xuân, chị của Bảy Của, tìm được chỗ trọ, là nhà bạn của chị. Ở Tân Vạn, hỏi Ngô Hồng Tâm ít người biết. Nhưng cậu Bảy Của thì nhiều người rành.

Chỗ ở trọ trong khu tứ giác Nguyễn Thiện Thuật, Phan Đình Phùng, Cao Thắng, và Hồng Thập Tự. Gần chợ Bàn Cờ. Số nhà thuộc đường Nguyễn Thiện Thuật. 16/212/87, nếu tôi nhớ không lầm. Chủ nhà là chị tư, có 2 con nhỏ, một trai một gái, học trường tiểu học kế bên nhà. 3 mẹ con ở tầng trệt. Ban ngày chị tư đi làm ngân hàng. Trưa ở lại sở. Tầng gác cho mấy cậu học trò thuê. 2 đứa trẻ, lúc không đi học, có mấy cậu trông chừng. Nếu không, về nhà ngoại, ở chợ Vườn Chuối, đường Phan Đình Phùng. Vẹn cả đôi bề.

Để cho có bè bạn, nó rủ thêm Phạm Văn Hoàng, dân cù lao Phố, nhà gần chùa Hoàng Ân. Vì hắn có bộ râu hàm oai phong lắm. Tụi tôi gọi là Hoàng râu. Hoàng là bạn của Tâm con, em rễ Tâm nhũi sau nầy. Ở BH, Hoàng học trung học Minh Tân. Hoàng cũng xuống Sài Gòn học lại đệ nhất, trường Tân Văn, đường Trần Quý Cáp, góc Bà Huyện Thanh Quan. Đó là ngôi biệt thự cổ lớn, chia nhiều phòng học. Xung quanh là các tiệm bán đồ gỗ. Bàn ghế tủ giường. Từ trường đi bộ về chỗ ở cũng tiện. Hơn một cây số. Tới ngã ba Cao Thắng, đối diện rạp xi nê Casino. Rẽ về Phan Đình Phùng. Đi vào hẻm lớn, bên kia đường là chùa Kim Quang của Phật Giáo Nam Tông, có trường tiểu học Phan Đình Phùng, đi gần hơn.


Bạn Trần Văn Nghĩa, người Phan Thiết, học trung học Phan Bội Châu.

Trường PBC cũng có tiếng tăm ở Đông Nam Phần. Thầy Phạm Đức Bảo, hiệu trưởng trung học công lập Ngô Quyền BH, cũng có thời gian làm hiệu trưởng trường ấy, trước khi về trường Ngô Quyền. Năm 2015, khi đoàn CHS NQ BH vào viếng tang thầy Bảo ở SG, đoàn giáo chức trường PBC vào viếng tang tiếp theo. Họ vẫn có liên lạc với nhau. Nếu tôi nhớ không lầm, thầy Lê Quí Thể, thầy Nguyễn Hữu Tiến cũng có dạy học ở PBC, trước khi về trường NQ.

Bạn Nghĩa cũng trượt tú tài đôi. Lên SG học lại đệ nhất, chung lớp với Hoàng. Có lẽ hợp nhau về tính tình, mê thơ văn, nên là bạn của nhau. Những khi rảnh rỗi, bạn thường ghé chỗ trọ chơi. Có bài thơ văn mới, các bạn gửi cho báo Tuổi Ngọc của nhà văn Duyên Anh. Có bữa ở lại ăn cơm trưa với chúng tôi. Cơm nấu bếp điện. Thức ăn mua ở tiệm cơm Nam Sơn, góc Nguyễn Thiện Thuật, Phan Đình Phùng, chợ Bàn Cờ.

Khi ấy tôi đã vào học năm thứ nhất, đại học Vạn Hạnh. Thời gian đầu, tôi theo Giang Hưng ở cư xá Lữ Gia, rồi Lý Thái Tổ, phở Tàu Bay. Sau đó tôi gặp Tâm, về ở chung. Bạn bè thân quen.

Có lần bạn đến chơi, tôi có đọc trong vở của bạn, 4 câu thơ tôi lấy làm tâm đắc...

Em đã đi như lần em đã đến

Dòng sông xưa nước vẫn cuộn sa mù

Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng

Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu...

Nhắc lại, bạn nói là thơ của thi sĩ Hoài Khanh. Vậy là tôi đã nhầm lẫn 52 năm qua.

Mùa thi năm 1971, Tâm nhũi thi đậu. Đăng ký vào luật khoa đại học đường. Bỏ chuyện du học Canada. Vì gia đình không có người phụ trông coi cơ sở sản xuất gạch. Con trai duy nhất. Giấy hoãn dịch gia cảnh đã có trong tay.

Nghĩa cũng thi đậu. Lên Đà Lạt học. Vì Phan Thiết sang Đà Lạt chỉ qua đèo Ngoạn Mục là tới.

Riêng Hoàng bị trượt. Phải vào Thủ Đức. Khóa năm 1971.


Giữa năm 1972, mùa hè đỏ lửa, tôi cũng vào Thủ Đức. Chỉ còn Tâm nhũi ở chỗ trọ. Sau nầy có thêm vài người bạn nữa.

Từ đó chúng tôi không biết tin về Nghĩa.

Nghĩa cũng vậy. Bạn nói, sau đó có đọc mấy bài thơ của Hoàng, đăng trên báo Tuổi Ngọc, nhà văn Duyên Anh chủ bút, ký dưới tên Thương Hoàng. Ngay cả chuyện mất tích của Hoàng bạn cũng không biết.

Riêng Hoàng sau khi mãn khóa học ở Thủ Đức, về chi khu Đồng Tiến, tiểu khu Kiến Phong, vùng Đồng Tháp Mười. Nước lợ phèn chua, mênh mông là nước. Hắn có số đào hoa. Cao ráo trắng trẻo đẹp trai, nhiều cô mến mộ. Hắn đem lòng yêu thương một cô, sau này nên đôi. Một bào thai tượng hình. Có một anh chàng ở đó, đem lòng thương mến nhưng không được đáp ứng, theo vào du kích. Tổ chức bắt cóc và thủ tiêu Hoàng. Đơn vị, gia đình không nhận được xác. Xem như mất tích. Sau 1975, vợ Hoàng có dẫn con trai về cù lao Phố, tìm gia đình phía chồng. Có lẽ do Hoàng kể khi còn chung sống. Ba má Hoàng nhìn nhận con dâu và cháu nội. Gia đình bạn cũng không khá giả, cất nhà trên đất tạm. Hai đứa em trai và đứa em gái không rõ tin tức. Người em gái có chồng về Tân Vạn. Sau này cũng không rõ. Có lẽ Hoàng mất tích khoảng cuối 1973, khi ấy đã là thiếu úy. Ngủ yên bạn nhé.

Bạn Nghĩa nói, sau này có hỏi thăm bạn bè ở BH, nhưng chẳng ai biết. Giờ hay tin, bạn bè đã ra thiên cổ.

Bây giờ bạn sống ở Phan Rang Tháp Chàm, cùng vợ và 2 con, một trai một gái.


Bạn bè, 52 năm sau, mới biết nhau qua Facebook. Còn hiện hữu trên cõi đời. Còn mạnh khỏe, là mừng vui. Có cơ hội, sẽ có lần gặp gỡ.

Có một câu nói mà tôi nhớ mãi. Một người đã giao tiếp với ta, cũng là bạn bè của mình. Tôi bán hàng, có người đến mua. Họ đi rồi. Vẫn là bạn của tôi. Có thể họ đi luôn hoặc ghé lại vài lần. Nhưng hiểu ta, tri âm tri kỷ, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chúng tôi biết nhau thời tuổi trẻ. Thân quen nhau qua sự nghiệp văn thơ. Tôi làm thơ từ đầu niên học đệ tam, gần cuối năm 1967. Giữa thân phận đất nước chiến tranh, là rào cản cho đường học vấn tiến thân, nên tôi chỉ có những bài viết về quê hương thống khổ. Sau này là những bài thơ thất tình, tình phụ, và máu lửa chiến trường.

Khi đã 60 tuổi, giữa năm 2010, tôi mới cầm viết trở lại. Nhưng qua email, gmail. Nay tôi đã có bài thơ số hiệu 4.328. Đó là niềm an ủi tuổi già.


Thời gian qua mau. 50,60,70 năm... có là ngắn ngủi. Thời gian trôi mãi không dừng lại. Nhưng ký ức dĩ vãng lại theo về. Tôi viết thơ văn để tìm lại kỷ niệm khi sức khỏe còn có thể.

2 tuần lễ nữa, ngày 28/7/2023, là kỷ niệm 50 năm ngày tôi tham dự trận đánh sinh tử. Nếu đã nằm xuống, là lần giỗ thứ 50. Có ai còn nhớ đến, ngoài gia đình và bạn bè thân. Xin cảm ơn trời đất cho tôi còn hiện hữu để nhớ một thời tuổi trẻ đau buồn.

Xin phép bạn Trần Văn Nghĩa, cho tôi share lại mấy tấm ảnh của bạn và gia đình để lưu trữ.

Xin cảm ơn mọi người đã quan tâm và đọc những bài viết của tôi...


BH, ngày 15.07.2023

Đỗ Công Luận 

No comments:

Post a Comment