Sau năm năm bị tù từ Nam ra Bắc để trừng phạt,
ông Phương đã làm người cai quản kho súng đạn dưới chế độ cũ, mặc dù ông chỉ là
một binh sĩ quèn, chưa hề bắn hay làm chảy máu một sinh vật nào cả, ông được
nhà cầm quyền Cộng Sản thả về với thân thể héo hắt gầy còm, đầy bệnh tật.
Gia đình ba người gồm vợ chồng ông và con gái
chỉ trông mong vào ngày rời khỏi đất nước đọa đầy, đau thương khô cằn về tình
người để định cư vào một đất nước Hoa Kỳ bên kia bờ đại dương màu mỡ tự do theo
diện HO.
Chờ đợi thủ tục chưa được bao lâu, sức khỏe
ông đã không thể trụ nổi nữa, ông đành xuôi tay nhắm mắt để lại vợ và con gái
Ái Khanh mới 8 tuổi. Người mẹ còn trẻ, đứa con gái còn nhỏ đã nuốt nước mắt vào
trong để can đảm quyết tâm đứng lên làm lại cuộc đời ở đất nước thứ ba.
Thời gian như con cá
Quẫy khỏi lòng bàn tay
Thời gian như chiếc lá
Rụng xuống đau nhành cây (Vàng đóa hoa dương-Phạm Thiên Thư)
Bà Phương đơn côi, rất ít bạn, chỉ lầm lũi đi
làm hai ba jobs từ ngày qua Mỹ, ban ngày đi làm hãng may cắt chỉ, đến chiều về
đi rửa bát cho nhà hàng Tàu; cuối tuần bà lại đi làm cô giáo dạy tiếng Việt cho
những trẻ em trong gia đình giàu có chỉ vài ba tiếng vào thứ bảy, còn ngày chủ
nhật nghỉ để đi chợ làm đồ ăn cho cả tuần cho hai mẹ con.
Mặc dù bận tối mắt tối mũi, nhưng bà rất chu
đáo lo cho sức khỏe và việc học của con, bà không bao giờ để cho con gái phải
nhắc nhở ngày đóng tiền học tư hay mua sách vở mới cho chương trình mỗi lớp của
con.
Từ rất bé mới 8 tuổi mẹ đã gieo vào đầu con
gái phải học thành bác sĩ để trả hiếu cho bố mẹ đã kỳ vọng vào đứa con gái duy
nhất của gia đình và cũng để bảo đảm cuộc sống tương lai sau này có chất lượng
hơn.
Bà từ bỏ những buổi tiệc vui bạn bè trong sở
mời gọi, cũng như từ bỏ những ngày nắng ấm dạo phố phường cùng Ái Khanh hay bạn
thân để có thời gian làm việc thêm kiếm tiền; trong mắt con gái, mẹ là người chỉ
biết kiếm thật nhiều tiền mà thôi bất chấp trời mưa hay nắng, cũng không làm bà
chùn bước! Bên cạnh đó bà cũng thường xuyên nhắc nhở con không nên đi chơi với
bạn học cùng lớp hay đi đến bất kỳ cuộc vui nào mà phải dồn hết thì giờ vào học
tập để đứng đầu lớp và thi đậu vào ngành y.
Có lúc con bé chỉ được hạng nhì, bà đã không
vừa lòng, tra hỏi lý do tại sao không đứng nhất mà lại đứng thứ hai? Người được
hạng nhất ấy có gì hơn con? Trình độ học vấn thường xuyên thế nào mà có thể hơn
được con bà? Bà đặt tất cả kỳ vọng vào đứa con gái bé bỏng vì chữ hiếu phải cắn
răng nghe theo lời bà, hết sức ra công học tập; rồi bà cằn nhằn tại con lơ
đãng, không đủ chăm chỉ để đạt được hạng nhất! cô bé có xin lỗi bao nhiêu cũng
bị mẹ mắng cho một trận, lầu bầu kéo dài cả tuần lễ!
Những hôm cô bé về trễ vì trễ chuyến bus hay
subway bị hư, bà tra khảo như không tin vào lời nói của con:
-Mẹ không muốn thấy con đàn đúm với các bạn,
phải về nhà để tiếp tục học ngay! Thời gian là vàng…
Ái Khanh cắt lời mẹ, phụng phịu:
-Mẹ! học cũng cần có lúc nghỉ ngơi chứ, suốt
ngày cắm đầu vào quyển sách thì làm sao đầu óc có thể tiếp thu hết được!
-Con thấy mẹ đã hy sinh những ngày nghỉ, những
buổi đi chơi với bạn bè để kiếm tiền không? mẹ làm cho ai chứ? Nếu không phải
vì con, vì tương lai của con thì mẹ không cắm cúi mệt mỏi như thế này… Con còn
cãi mẹ sao?
-Không đâu, con không cãi mẹ, con rất khâm phục
và kính trọng mẹ, nhưng bây giờ con đã lớn, đã 18 tuổi rồi, con sắp vào đại học,
con đã không đi chơi với các bạn, đã học như mẹ khuyên, đã có bảng khen từ lớp
nhỏ cho đến lớn, nay con cảm thấy mình cần chút thì giờ riêng tư để đi dạo phố
hay uống café với các bạn của con….
-Mẹ không muốn con sao lãng việc học đâu, con
có nhớ khi bố mất ở Việt Nam, nhà chúng ta nghèo không có một xu để đem bố vào
bệnh viện, con đã hứa với bố là sau này lớn lên sẽ làm bác sĩ để chữa cho bố khỏi
bệnh! Nay dù bố có mất nhưng mẹ tin chắc rằng bố ở trên cao đang mong ngóng từng
ngày con thành đạt, có phòng mạch bác sĩ để giúp đời và làm rạng rỡ tông đường.
Mẹ vì lời hứa của con khi xưa với bố, vì muốn mọi người không khinh rẻ gia đình
chúng ta nên đã phải đi làm để có thật nhiều tiền cho con sớm thực hiện được
mong ước ấy!
Mẹ đang ngồi soạn bài để ngày mai thứ bảy sẽ
đi dạy môn tiếng Việt, ngẩng đầu lên nhìn tôi với gọng kiếng trễ xuống mắt. Lúc
này tôi mới để ý mẹ đã già đi rất nhiều, da mẹ không còn thẳng thắn như những
năm đầu chúng tôi mới qua đất nước Mỹ; với số tuổi của mẹ không phải già
nhưng vì quá lo, vì sức ép của đồng tiền và cuộc sống Mỹ quá nhanh làm mẹ tôi
không còn nét tươi trẻ duyên dáng của ngày xưa nữa. Tôi lại ngồi gần, đầu để
lên vai mẹ:
-Mẹ ơi, có phải đã rất lâu mẹ con mình chưa
ngồi cạnh nhau để nói chuyện không? mẹ lúc nào cũng bắt con phải học, học như mỗi
ngày là một kỳ thi tuyển vậy, còn mẹ thì cứ phải vội vàng hấp tấp làm việc như
cái máy không ngừng nghỉ; hai mẹ còn mình cùng nhà mà cũng rất ít khi được nói
chuyện tâm sự với nhau, thậm chí cũng không thể đi dạo với nhau, đã mười năm
trôi qua ở xứ người… mẹ vẫn không mệt sao?
Mẹ ngừng viết lách, nước mắt long lanh ngấn lệ,
đưa tay qua vuốt mái tóc dài của tôi:
-Con nói phải, hai mẹ con mình đã lầm lũi người
đi làm kẻ đi học, mỗi người một việc cắm đầu làm như không kịp thời gian nữa vậy.
Nay con đã là đứa con gái hiểu chuyện, trưởng thành, cả con và mẹ đã gần về
đích, hãy đừng ngừng lại mà phải cố theo con đường mà mình đã vạch ra nhe con;
mẹ sợ một ngày nào đó con hay mẹ ngừng cái đà mình đang đi thì tất cả sẽ đổ ập
xuống hết công lao mình đang xây dựng. Mẹ không lo cho bản thân mình mà chỉ lo
cho con gái của mẹ, mới bước vào đời ngây thơ và đẹp như một đóa hoa…
-Mẹ ơi, nếu mình đừng đòi hỏi quá cao, mình sẽ
không bị áp lực như thế đâu, có ai bắt mẹ phải quên mình để lao vào đồng tiền
đâu? Nếu con chỉ cần học có bằng hành chánh hay cô giáo cấp một hai cũng được rồi,
đâu cần phải là bác sĩ… để mình quá cực nhọc như thế…
-Con nhất định phải ra trường bác sĩ! Mẹ đã
nói rồi mà!
-Tại sao? Tại sao con phải là bác sĩ mới được
chứ?
-Vì mẹ đã từng hứa với bố ráng nuôi con thành
bác sĩ, mẹ đã hứa với ông bà nội khi còn mới sanh ra… Lúc ấy mọi người ai cũng
đinh ninh mẹ sẽ sanh đứa con trai vì bụng mẹ nhọn về phía trước, cả gia đình
bên nội con ai cũng làm bác sĩ, dược sĩ… ai ngờ khi sanh ra lại là con gái, mọi
người có vẻ thất vọng lắm, mẹ đã hứa với cả gia đình họ nội sẽ nuôi dạy con
thành một bác sĩ tài năng để nối cái nghiệp vẻ vang ấy.
-Mẹ ơi! Đâu phải chỉ có bác sĩ mới làm vẻ
vang gia tộc chứ! Làm những ngành nghề khác cũng rất tốt, miễn sao mình là người
tốt, có sự nghiệp giúp ích trong xã hội là được mà!
-Nếu con thương mẹ, nếu con còn xem mẹ là mẹ
của con thì hãy học bác sĩ cho mẹ nở mày nở mặt với dòng họ nội ở Việt Nam, mẹ
chỉ mong có thế!
-Nhưng mình đang ở Mỹ,… có ai biết gì về mình
đâu chứ?
-Mẹ sẽ dắt con về quê hương, nơi chôn nhau cắt
rốn vào một ngày nào đó, để thăm lại mồ mả của ông bà và bố con. Mọi người sẽ
thấy được mẹ đã thực hiện lời hứa của mình ra sao…
Đừng tưởng ngàn xưa còn phảng phất
Nơi làn gió nhẹ lúc ban đêm
Hồn xưa từ ấy không về nữa:
Ở cõi hư vô dấu đã chìm (Thời gian- Hàn Mặc Tử)
Ái Khanh ngồi bó gối trên sườn đồi nhìn về
phía xa xăm, tiếng mẹ cứ mãi bên tai “con phải học ra bác sĩ”; con bé chỉ thích
những ngành nghề không trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân ví dụ làm trong lab môn
khoa học xét nghiệm y học (medical laboratory science) hay sinh học phân tử
(molecular biology) không phải vì độ khó khăn hay điểm cao của ngành y khoa bác
sĩ đòi hỏi mà chỉ thích những thứ về phân tích và tìm ra nguyên nhân căn bệnh.
Vì không muốn thấy sự thất vọng của mẹ nên cô bé không dám nói nguyện vọng của
mình, cũng không muốn chống lại ý kiến mẹ vì không nỡ đập vỡ sự hy vọng gần như
kiên cố của mẹ từ bấy lâu nay.
Bóng Hiệp xuất hiền từ xa xa với nụ cười trên
môi, cặp kính trắng óng ánh dưới ánh nắng, chiếc áo blouse trắng thùng thình
đong đưa theo mỗi bước chân, tay cầm hộp đồ ăn, đến chỗ Ái Khanh chàng ngồi xuống
bên cạnh, đưa một đôi đũa cho cô bé:
-Đến giờ trưa rồi, mình sẽ ăn món sushi
seafood (sushi hải sản) hôm nay nhé…Bé con không đói sao mà có vẻ suy tư thế?…
Có chuyện gì cứ kể anh nghe… Hay có bài làm nào không tìm ra đáp án?
-…Cho em biết làm bác sĩ có gì hay?
-Oh có chứ! Khi bệnh nhân xuất viện khỏe mạnh
là điều mình vui nhất!
-Khi bệnh nhân không chịu uống thuốc, họ than
khóc vì đau đớn, rồi có người thì ra đi mãi mãi… mình có vui đâu!
-Nghề nào cũng có phần tích và tiêu cực của
nó cả, mình yêu nghề thì phải chịu thôi! Anh rất thích nghề bác sĩ này, anh
đang làm thực tập năm cuối vẫn rất thích, rất yêu nghề nhất là thấy bệnh nhân
tiến triển từng ngày… Còn ngược lại những người bệnh nan y hay lớn tuổi, thấy họ
từ giã cõi đời anh cũng thực sự không cầm được nước mắt, tưởng tượng đến ba má
mình thì rất buồn…. Ủa mà tại sao hôm nay em lại hỏi anh về nghề bác sĩ vậy? muốn
rút kinh nghiệm cho tương lai hả?
-Mẹ bắt buộc em phải học bác sĩ!
-Bắt buộc ư? Sao …kỳ vậy? phải để em tự chọn
ngành mình yêu thích chứ! Còn em thì không thích bác sĩ phải không?
-Em không thích nhìn cái chết, cái đau đớn
đâu, chỉ muốn xem những chuỗi DNA, những phân tử trong phòng thí nghiệm mà
thôi. Mẹ thì không muốn biết những điều em suy nghĩ mà cứ một hai bắt em phải
làm bác sĩ. Em đang buồn đây!
Ngoài mẹ ra cô bé chỉ có mỗi một người bạn
cũng là người thân duy nhất là Hiệp, cả hai hiểu nhau như chính bản thân mình,
chưa chính thức nói cho ai biết mối quan hệ thầm kín này nhưng trong lòng đều
nghĩ họ chính là đối tượng của nhau.
Hiệp quàng tay qua vai Ái Khanh, với vẻ mặt
bí hiểm và thân thiết nói:
-Anh không hiểu sao người Á Đông nói chung,
Việt mình nói riêng, cứ thích con cái của họ phải học thành “sĩ”, như bác sĩ,
dược sĩ, nha sĩ. May là anh thích nghề bác sĩ cứu người này, chứ không thì anh
cũng chống lại ý kiến của ba mẹ đến cùng. Cũng phải hiểu cha mẹ nào cũng thương
con cái muốn con mình sau này sống sung túc nhưng thiếu gì nghề khác cũng đem lại
sự giàu có chứ có riêng gì bác sĩ!
Ah mà anh có ý kiến bí mật này để giúp em và
mẹ, có muốn nghe không thì cùng ăn hết hộp sushi này với anh rồi anh sẽ nói nhỏ
cho nghe.
****
Hiệp và Ái Khanh quen và thân nhau từ khi mới
qua Mỹ theo diện HO, khi cô bé mới vào tiểu học thì Hiệp đã gần xong và sắp vào
trung học. Đến hôm nay thì chàng đã gần xong phần thực tập của mình về ngành
bác sĩ thì nàng mới bắt đầu bước vào đại học. Tuy cách nhau 7 tuổi nhưng cả hai
rất hợp nhau, chia sẻ cho nhau mọi điều từ thuở ấu thơ. Hiệp thông minh, lanh lẹ,
thực tế; Ái Khanh từ tốn, điềm đạm và suy tư, cả hai nhìn rất xứng đôi, bổ khuyết
lẫn nhau.
Khi Ái Khanh lên năm thứ hai đại học ngành
medical science mà nàng rất ưa thích, theo kế hoạch của Hiệp là cứ học ngành
nàng yêu thích và giấu mẹ cho đến khi mẹ phát giác thì giải thích sau. Bà
Phương cứ tin rằng con gái mình đang học bác sĩ, bà vui ra mặt, khi gặp một người
bạn trong chợ hỏi thăm, bà sung sướng khoe:
-Con gái tôi ngoan lắm, nó đang theo học về
bác sĩ đó, chẳng mấy chốc sẽ chuẩn bệnh cho các chị, chờ đấy nhé!
Một người phụ nữ khác chen vô:
-Hôm nọ nghe cháu gái tôi, con nhỏ học cùng
trường với con Ái Khanh đó, hình như nghe nói nó học ngành khoa học xét nghiệm
y học mà!
Bà Phương một chút bối rối nhưng cũng ráng
cãi:
-Bà lầm rồi, con gái tôi học bác sĩ mà!
Buổi tối hôm ấy, bà Phương đã đem chuyện này
kể cho con gái nghe rồi tự tin kết luận:
-Mẹ biết chắc con yêu của mẹ sẽ phải ra trường
làm bác sĩ, ngày ấy sẽ không xa, cho các bà ấy hết nói xa nói gần là mẹ “nổ” về
con gái quá…
-Mẹ ơi nếu con không làm bác sĩ được thì sao
hả mẹ? …mẹ có còn yêu con nữa không?… Mẹ sẽ trừng phạt con như thế nào đây?
Bỗng bà Phương trừng mắt nhìn nàng mà lần đầu
tiên trong đời nàng mới thấy ánh mắt ích kỷ giận dữ phừng phực lửa, bà chỉ nghĩ
đến cái danh vọng hão huyền đặt để lên con gái duy nhất của mình, không hề biết
đã tạo ra stress cho con gái đến chừng nào:
-Con đừng trả treo gì nữa, không phải con
đang học bác sĩ đó sao? Hãy tốt nghiệp loại giỏi đi, ra trường rồi con sẽ có
nghề vững vàng cho chính bản thân con mà cũng là trả hiếu cho ông bà và bố con ở
quê nhà.
-Tại sao mẹ cứ nói hoài chuyện ông bà nội và
bố vậy? con không nghe ai ép con học bác sĩ cả, chỉ trừ có mẹ thôi….Con…
-Bốp! bốp!
Hai cái tát tai như trời giáng vào hai má của
Ái Khanh, nàng ôm mặt té xuống chiếc ghế bên cạnh, hai hàng nước mắt tuôn rơi,
vô cùng ngạc nhiên về sự nóng giận bất thường của mẹ, nàng mếu máo:
-Con …xin lỗi mẹ, xin lỗi đã nói dối mẹ!…Thà
con nói thật lòng cho mẹ biết còn hơn là bị stress khi phải sống trong dối trá!
Con không sống nổi nếu cứ tiếp tục dối mẹ như thế này… Phải! cô ba đã nói đúng
rồi, con sẽ không làm bác sĩ, con cũng không phải đang học bác sĩ!
Khuôn mặt bà Phương từ từ trắng bệch như người
vừa bị ai bóp cổ, đôi mắt ngược lên mở thật to, bà nói líu lưỡi:
-Mày nói gì? Nói lại tao nghe! Tao sẽ không
nuôi mày một ngày nào nữa, cút đi khỏi nhà tao! Mày dám cãi lời tao lại còn dối
trá tao mấy năm nay! Mày có năng lực tao mới bắt học bác sĩ chứ! Trời ơi! Tôi
chỉ muốn lấy lại chút danh dự đã bị mất hết từ khi đất nước mất vào tay giặc đỏ,
tôi muốn được ngẩng cao mặt ở giới trí thức “sĩ”, tôi muốn hãnh diện khi đi cạnh
một nữ bác sĩ trẻ do chính tay tôi nuôi nấng và tạo nên … thế mà ông Trời cũng
không cho! Tôi …mất hết rồi! mất đi những tháng ngày mà tôi đã phải vùi đầu làm
việc tăm tối với hy vọng nuôi con làm bác sĩ!
Con gái trả hiếu cho tôi như thế này đây sao!
Bà hét lên đau đớn rồi đưa tay phủi hết những
món đồ bày biện bằng thủy tinh trên chiếc bàn nhỏ ở salon rơi xuống đất vỡ tan
tành thành mảnh vụn. Ái Khanh sợ quá đã chạy biến vào phòng thút thít khóc và bấm
máy cầu cứu đến Hiệp.
Niềm tin xưa cũ, nay phai tàn
Ánh mắt buồn bã, khói sương tràn
Từng bước chân nặng, đời chao đảo
Thất vọng tràn về, lòng xốn xang (khuyết danh)
****
Ánh nắng chiều nhảy múa trên những ngọn cây,
xuyên qua cánh cửa sổ của nhà thương và nằm hững hờ trên chiếc bình hoa glaieul
trắng (hoa Lay Ơn) mà Ái Khanh mới cắm tặng mẹ.
Bà Phương nằm yên trên giường bệnh, gầy xọp,
dòng nước biển vẫn nhỏ chầm chậm vào đường gân máu trên mu bàn tay gầy guộc; Ái
Khanh ngồi yên bên cạnh giường bệnh chăm sóc mẹ từ cả tuần nay, thấy bà tỉnh giấc,
nàng khe khẽ hỏi:
-Mẹ thấy trong người thế nào?… Có khỏe lên
không?
-Tôi hãy còn sống à? …thật sợ quá… thấy mình
bay vào những hố thật sâu, đen ngòm, cố kêu cứu nhưng miệng thốt không ra tiếng,
chung quanh chỉ toàn là người với khuôn mặt lạ kỳ lạnh lùng và trắng bệch…
-Mẹ chỉ nằm mơ thôi, bây giờ đã hết rồi, con
vẫn ở bên mẹ…
Một toán người áo trắng bước vào phòng người
bệnh gồm một bác sĩ chính và vài người thực tập, trong số đó có Hiệp, hôm nay
chàng thực tập khám và chẩn bệnh cho phòng bệnh này, chàng xúc động nắm tay bà
bóp nhẹ khuyên lơn:
-Bác sẽ mau chóng khỏi bệnh và về nhà nhanh
thôi nếu tất cả trong suy nghĩ của bác có sự tha thứ và buông bỏ; những gì mình
đặt kỳ vọng vào ai đó một cách thái quá thì hãy nên suy nghĩ lại và chấp nhận sự
thật, vì nếu không thì điều này sẽ làm bác mãi mãi bị tổn thương và nhuốm bệnh
càng nặng, điều thứ hai là bác hãy nên nghỉ ngơi và lo cho bản thân mình, cho sức
khỏe mình, chứ đừng lo cho con cái hay ai khác nữa vì con bác đã lớn, cô ta có
thể tự lo cho mình… Con đã nghiên cứu hồ sơ của bác nên biết hoàn cảnh bác ra
sao, gia đình con cũng là người Việt nên con rất hiểu ạ!
Bà Phương bỗng dưng nắm chặt cánh tay Hiệp,
không muốn chàng rời đi:
-Con thật là một chàng trai đáng yêu, chắc ba
mẹ con hãnh diện lắm, phải chi bác được con thăm bệnh mỗi ngày nhỉ?
-Oh điều đó bác không lo, con sẽ rất hân hạnh
đến thăm bệnh và nói chuyện với bác mỗi ngày. Bây giờ bác hãy nghỉ ngơi, con sẽ
ghé thăm bác trước khi con hết ca trực.
Hiệp không quên lén đưa mắt mỉm cười với Ái
Khanh trước khi rời đi theo đoàn.
Bà Phương cầm tay con gái ôn tồn bảo:
-Con gái của mẹ, mẹ chỉ có mình con thôi, nên
đã quá đặt để mọi thứ lên đôi vai của con mà không biết điều đó đã gây nên sức
ép cho con; mấy ngày nằm bệnh một mình, mẹ đã suy nghĩ rất nhiều và nghe lời
khuyên của các bác sĩ, mẹ thực sự đã tỉnh ngộ, cuộc sống thật ngắn ngủi, con phải
có con đường đi riêng của mình chứ không phải sống cho ý kiến bảo thủ của mẹ…Sau
này mẹ sẽ từ giã cuộc đời này, con phải có nghề con yêu thích để làm việc và
đem lợi ích cho xã hội, chứ không thì sẽ nhiều áp lực lắm…Mẹ xin lỗi đã đánh
con, đã ép con học ngành mà con không mong ước, mẹ đã hiểu và xin con hãy bỏ
qua cho mẹ…
-Mẹ ơi, đừng nói vậy, con cũng biết mẹ rất
yêu thương con, đã hy sinh tất cả cuộc đời mẹ cho con, nhưng con không thể làm
trái điều con ao ước cho tương lai của chính mình. Hiện giờ con đã gần xong năm
thứ hai về khoa học ngành y… Biết đâu chừng người phối ngẫu tương lai của con sẽ
là một bác sĩ giỏi, anh ấy sẽ làm mẹ vui lòng thì sao…
-Ừm nhỉ, lúc nãy mới nói chuyện với cậu bác
sĩ trẻ Hiệp lần đầu tiên đã thấy cậu ấy thật dễ thương và thật hiểu chuyện, cậu
ta mà làm rể nhà nào thì thật phúc đức quá!
Ái Khanh bất chợt nghe nóng ran hai má, nàng
mắc cỡ giấu cái đỏ mặt đáng yêu quay ra cửa sổ,
Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu (Thơ duyên- Xuân Diệu)
(July, 2024)
Sỏi Ngọc
No comments:
Post a Comment