Monday, June 30, 2025

Đường Về - Nhạc Hoàng Trọng -Trình Bày Quang Tuấn

"Chữ CS?" - Đoàn Xuân Thu

Tranh Bảo Huân

Sau năm 1975, bà con mình vượt biên, vượt biển tới các nước nói tiếng Anh như: Mỹ, Canada, Úc… Bà con mình nói hay viết chêm tiếng Anh vào là chuyện thường ngày ở huyện.

Nhiều chữ nửa Tây, nửa ta như: ‘Little Saigon’, ‘chạy show’… Hoặc ‘boat people’ (thuyền nhân); ‘lifeboat’ (xuồng cứu sinh xài trong phim như Titanic); email, shopping, selfie…

‘Selfie, tự chụp hình mình, được Oxford công nhận là “Từ của năm” vào 2013. Selfie thì có người dịch là ‘tự sướng’? Nghe rất là thô tục; không nên xài!

Tháng Tư, năm 1975, CSBV xâm lược chiếm được nước VNCH. Cùng với những thay đổi lớn về chính trị và xã hội, tiếng Việt cũng trải qua nhiều biến chuyển. Có chữ  mới ra đời. Có hay; có dở. Hay sống dai. Dở chết yểu.

Như chữ ‘thả thính’? ‘Thính’ là gạo rang cho thơm rồi giã nhỏ thả xuống vó, dụ cá đến gần rồi kéo vó lên. ‘Thả thính’ của giới trẻ hiện nay, kiểu nhẹ nhàng, gây sự tò mò để ai kia chú ý đến mình, giống như cách thả thính xuống nước vậy.

Ca dao có câu: ‘Cô thương nhớ ai ngơ ngẩn đầu cầu, lược thưa biếng chải, gương tàu biếng soi.” Soi là coi đó mấy cha. Còn ‘Xoi’, động từ, là dùng vật hình que nhỏ chọc vào cho thông, cho hết tắc. Như: xoi cống, xoi vòi ấm, xoi thông ống điếu. Viết xoi ruột là viết trật lất!

Rồi tui có viết “FBI từ đó tới giờ chưa bắt được và không xác định chính xác nhân thân của tên không tặc này.”

Thì có một độc giả tình thương mến thương chụp cho tui cái mũ xài chữ CS như vầy: “Bây giờ tiến bộ xài ‘nhân thân’ thay cho ‘lý lịch’?”

Nghe tới chữ lý lịch là cả một thời Miền Nam bị CS đày đọa bởi cái chữ nghĩa lý lịch 3 đời nó hiện về như cơn ác mộng. Tui bèn trả lời ổng như vầy:

“Câu này có hai mệnh đề phủ định (negative clause) nối với nhau bằng chữ ‘và’ liên từ đồng đẳng (coordinate conjunction). Mệnh đề nào quan trọng đứng trước. Có thể tách ra làm hai câu: ‘FBI từ đó tới giờ chưa bắt được (tên không tặc); nên chưa biết y là ai.’ FBI không xác định được một cách chính xác nhân thân của tên không tặc này.”

Nhân thân tức gốc gác, vợ con, cha, mẹ, anh em, họ hàng, FBI cũng không biết luôn. Như vậy, nhân thân không phải là lý lịch.

Trong từ điển Hán Việt không có chữ lý lịch (lý viết y dài). Chỉ có chữ ‘lí lịch’ (lí viết i ngắn). Lí lịch chỉ chung công việc đã làm và hoàn cảnh đã qua.

Mà CS biết lý lịch tới 3 đời kể cả bên vợ của mình để làm gì? Để trả thù; để đày đọa người dân Miền Nam.

Chế độ CS là một chế độ bị bệnh “Bách hại cuồng” – nhìn đâu cũng thấy kẻ thù muốn hại mình. Vì bị bệnh nặng như thế nên mới hành động tàn ác không giống ai. Chớ hồi xưa mình xài chữ ‘lai lịch’. Lai lịch, quá khứ, chỉ nguồn gốc, gốc gác của sự việc, của một người.

Chẻ cọng tóc ra làm 8, tui xin kết luận là: ‘Ông xúi tui xài chữ ‘lý lịch’ của CS để thay chữ ‘nhân thân’ là ông xúi tui viết bậy không hè!”

Nhớ hồi xưa 16 tuổi trở lên là mình làm giấy căn cước bọc nhựa để cho biết gia thế, xuất thân, lý lịch. CS vô thì bắt làm chứng minh nhân dân? Thiệt là chuyện ruồi bu! Người dân da vàng mũi tẹt húp nước mắm mà phải chứng minh mình là nhân dân?

Sau 50 năm, chắc nhận thấy dùng chữ như vậy là ngu lâu, ngu bền vững, nên CS lẳng lặng lấy chữ căn cước ra xài, nhưng vẫn còn ngoan cố, cố thòng thêm chữ công dân. Căn cước công dân? Thiệt là giành khùng hết ráo!


Trong quá trình đó, một số người đặt ra khái niệm ‘chữ CS’ – nhằm chỉ những từ ngữ mới được sản sinh là sản phẩm của chế độ cộng sản, và cho rằng ngôn ngữ đang bị làm hỏng.

Tui cho rằng tiếng Việt là một sinh ngữ, ngôn ngữ sống, phát triển tự nhiên và độc lập với chính trị. Việc ngôn ngữ thay đổi là tất yếu. Tiếng Anh và tiếng Pháp được trăm triệu người trên thế giới sử dụng hàng ngày cũng không đứng yên mà liên tục phát triển: từ vựng mới, cấu trúc mới, thậm chí cách phát âm cũng thay đổi theo thời gian.

Ngôn ngữ thay đổi theo thời gian là chuyện tất nhiên phải xảy ra. Nếu so sánh tiếng Việt đầu thế kỷ 20 với giữa thế kỷ, rồi với hiện tại, chúng ta sẽ thấy rõ sự khác biệt trong từ vựng, cách dùng từ, và cả cấu trúc câu.

Mần văn là đụng tới chữ nghĩa. Đụng riết rồi quen. Quen mà thấy chữ gì thiên hạ xài không trúng (nghĩa là trật) theo ý mình thì trong lòng bứt rứt lắm. Không chỉ ra thì ấm ức, mà chỉ ra thì mích lòng. Nhưng đời văn mà sợ mích lòng thì kiếm chuyện khác mà mần đi, đừng có mần văn. Không sửa lưng người khác hoặc bị người khác sửa lưng thì đâu có học được gì. Viết lâu mà không tiến bộ chút nào, như con rùa chậm tiến bò vào cõi văn chương. Chán lắm!

Phần ông bà mình nói đời hổng có ai cái gì cũng biết. Tàu nói: “Nhân vô thập toàn”. Tây (là Tây Phương) nói: “No one is perfect.” Chính vì vậy, biết tới đâu mình nói tới đó. Cứ nói, cứ cãi sùi bọt mép. Cãi tới cái trúng, nó văng ra cái đụi mình lượm về xài. Người được lượm, dỉnh mặt vênh râu, ra vẻ thế gian có ba bồ chữ về tao hết ráo. Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Còn chính giữa, tức cái bụng đựng mồi và rượu. Nhớ đừng hung hăng mà lên cơn nhồi máu cơ tim bỏ mạng giữa sa trường cãi ‘nhe mấy cha!’

Trong thế giới văn chương, theo ý tui, nên cư xử như cục đá góc cạnh khác nhau, hay hơn là cư xử tròn vo như hòn sỏi. Một chuyện mà ông này nói ngược, bà kia nói xuôi đều đúng hết ráo thì chán lắm. Viết như vậy là người thừa trong cõi văn chương. Cãi để học. Cãi trong văn chương là cái cãi tao nhã của tao nhân mặc khách ở chỗ ‘tao đàn, mày đàn.’ Chớ không phải của dân chơi Cầu Ba Cẳng, cãi phải giống như quánh lộn.

Kết luận CS không có khả năng làm ra chữ. Ông bà mình mới làm ra chữ và chữ nó hay! Mình phải ráng xài cho nó trúng.

 

Đoàn Xuân Thu

Tại Sao Hay Quên ? Giảm Trí nhớ ? Mất Trí Nhớ

Hay quên, giảm trí nhớ, thường xuyên nói sai…(Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Hay quên, giảm trí nhớ, thường xuyên nói sai… Những dấu hiệu này có thể không chỉ là sự lão hóa tự nhiên mà có thể là triệu chứng cảnh báo của bệnh Alzheimer. Bệnh Alzheimer, một dạng bệnh thoái hóa thần kinh, thường bắt đầu bằng sự suy giảm trí nhớ gần và các vấn đề ngôn ngữ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Việc nhận diện sớm các dấu hiệu và can thiệp kịp thời có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và duy trì chất lượng sống cho người bệnh. 


Bệnh Alzheimer là một căn bệnh thoái hóa thần kinh, với những triệu chứng lâm sàng chủ yếu bao gồm rối loạn nhận thức, thay đổi hành vi tâm lý và suy giảm chức năng xã hội. Bệnh bắt đầu một cách âm thầm, và hiện tại chưa có phương pháp điều trị có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, may mắn thay, Alzheimer có quá trình tiến triển, nếu phát hiện sớm các dấu hiệu, thông qua sàng lọc và chẩn đoán sớm chúng ta có thể nắm bắt cơ hội điều trị và can thiệp kịp thời. Điều này giúp làm chậm quá trình phát triển của bệnh và duy trì chất lượng sống tốt cho bệnh nhân trong một thời gian dài sau khi mắc bệnh. Nếu xuất hiện những dấu hiệu dưới đây, chúng ta cần đặc biệt chú ý.


Giảm trí nhớ

Ví dụ như thường xuyên quên những gì vừa nói hoặc vừa làm, không thể xử lý các công việc quen thuộc và các công việc hằng ngày, không biết sử dụng thiết bị điện tử hoặc điện thoại, không tìm thấy đồ vật, hay quên đồ đạc, v.v.

Trong lâm sàng, một số gia đình cho rằng việc giảm trí nhớ ở người cao tuổi là hiện tượng bình thường, hoặc cho rằng nếu người già vẫn có thể nhớ rõ những sự kiện đã xảy ra từ nhiều năm trước thì chứng tỏ trí nhớ của họ vẫn còn tốt. Tuy nhiên, thực tế bệnh Alzheimer giai đoạn đầu thường biểu hiện qua việc giảm trí nhớ ngắn hạn trong khi trí nhớ lâu dài vẫn còn. 


Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, trí nhớ dài hạn cũng sẽ suy giảm, và nếu không được can thiệp kịp thời, suy giảm nhận thức sẽ ảnh hưởng đến các vùng nhận thức như tính toán, định hướng không gian, thực hiện các nhiệm vụ, hiểu biết và khả năng khái quát hóa. Điều này sẽ làm tăng đáng kể khó khăn trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Bệnh nhân Alzheimer ở mức độ vừa và nặng có thể gặp tình trạng lạc đường, không tìm thấy nhà, thậm chí là mất tích.


Giảm khả năng ngôn ngữ và diễn đạt

Ví dụ, khi giao tiếp với người khác, họ có thể quên những gì mình muốn nói, không thể diễn đạt đúng ý của mình, thường xuyên nói sai, và điều này thường không được họ nhận ra và rất khó sửa chữa. Đây khác với việc người trẻ đôi khi nói sai do công việc bận rộn hoặc không tập trung. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp khó khăn trong việc hiểu các thông tin từ báo chí, truyền hình, không hiểu những gì người khác nói, hoặc có phản ứng chậm.


Thay đổi về cảm xúc và hành vi

Ví dụ, bệnh nhân có thể giảm hoạt động, cảm thấy cô đơn, mất hứng thú với môi trường xung quanh, lạnh nhạt với người thân, cảm xúc không ổn định, dễ cáu giận, thay đổi cảm xúc thất thường, dễ bị kích động, có cảm giác buồn bã, sợ hãi không rõ lý do, hoài nghi hoặc hoang tưởng (như nghi ngờ người khác ăn cắp đồ, nghi ngờ bạn đời có quan hệ ngoài luồng, v.v.), rút lui khỏi các hoạt động xã hội và xuất hiện các hành vi bất thường khác.


Nếu người cao tuổi có những triệu chứng này, gia đình nên đưa họ đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra toàn diện, phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.


Chăm sóc bệnh nhân Alzheimer

Khi chăm sóc bệnh nhân mắc chứng Alzheimer hay các vấn đề về trí nhớ khác, yêu cầu sự kiên nhẫn và kỹ năng đặc biệt để cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc hiệu quả:

1.    Tạo môi trường an toàn và thân thiện

– Đảm bảo môi trường sống xung quanh đơn giản và dễ dàng điều hướng. Ví dụ, đặt các vật dụng trong nhà ở những vị trí cố định và dễ thấy.

– Sắp xếp không gian sống gọn gàng, tránh những yếu tố có thể gây xao nhãng hoặc làm bệnh nhân cảm thấy mất phương hướng.

         2.     Giúp người bệnh giữ thói quen tốt

– Khuyến khích bệnh nhân giữ các thói quen hằng ngày như ăn uống đúng giờ, luyện tập thể dục nhẹ nhàng, và duy trì hoạt động trí não.

– Cố gắng giữ một lịch trình cố định giúp bệnh nhân cảm thấy an toàn và dễ dàng kiểm soát cuộc sống.

          3.     Sử dụng các công cụ nhắc nhở

– Dùng lịch, đồng hồ hoặc các thiết bị điện tử thông minh để giúp bệnh nhân ghi nhớ các cuộc hẹn, công việc cần làm hoặc thông tin quan trọng.

– Ghi chú lời nhắc về những điều quan trọng (như uống thuốc, đi gặp bác sĩ) và đảm bảo rằng bệnh nhân có thể dễ dàng thấy chúng.

          4.     Lắng nghe và giao tiếp đơn giản

– Dùng câu đơn giản và rõ ràng khi trò chuyện để bệnh nhân dễ tiếp thu.

– Đừng thúc ép hoặc khiến bệnh nhân cảm thấy bị quấy rầy khi họ quên hay không nhớ điều gì. Hãy kiên nhẫn lắng nghe và nhắc lại nếu cần thiết.

          5.      Thực hiện hoạt động kích thích trí óc

– Khuyến khích bệnh nhân tham gia vào các hoạt động trí óc như chơi trò chơi trí tuệ, đọc sách, hoặc thực hiện các bài tập nhớ.

– Để tăng cường khả năng nhận thức và giảm lo âu, có thể tổ chức các hoạt động xã hội nhẹ nhàng và an toàn.

           6.    Duy trì kết nối xã hội

– Khuyến khích bệnh nhân tham gia vào các cuộc trò chuyện, sự kiện gia đình, hoặc các hoạt động cộng đồng giúp họ không cảm thấy cô đơn.

– Giới thiệu và kết nối họ với những người thân yêu để tạo cảm giác thân thuộc và cảm giác an toàn.

            7.   Theo dõi và hỗ trợ về sức khỏe

– Theo dõi những thay đổi trong tâm lý và hành vi của bệnh nhân để có thể can thiệp sớm khi cần thiết.

            8.     Hỗ trợ cảm xúc

– Luôn động viên và hỗ trợ cảm xúc bằng cách trò chuyện với bệnh nhân, giúp họ cảm thấy không bị cô lập hay bỏ rơi.

– Giúp họ đối mặt với lo âu, trầm cảm (nếu có) thông qua sự quan tâm, chia sẻ hoặc hỗ trợ về tâm lý khi cần thiết.


Việc chăm sóc bệnh nhân bị hay quên hay gặp khó khăn trong giao tiếp đòi hỏi sự kiên nhẫn, đồng cảm và sự thay đổi trong cách tiếp cận. Quan trọng nhất là tạo một môi trường đầy sự hỗ trợ và cảm giác an toàn để bệnh nhân có thể duy trì chất lượng cuộc sống càng lâu càng tốt.


Trúc Nhi t/h
Theo Soundofhope

Đời Như Sóng Gào - Đỗ Công Luận

Nóc Giáo Đường - Phan

Hình internet

…Tôi làm Nhà hàng đã lâu nên có thói quen ăn xong còn dư là đổ thẳng vô thùng rác vì làm Nhà hàng không nên tiếc rẻ bởi có thể rắc rối với luật pháp. Thí dụ nghe nồi cơm hôi ê là đổ nguyên nồi rồi đi nấu nồi mới, bởi tính ra nồi cơm không bao nhiêu tiền gạo, mình tiếc rẻ để ráng bán, nhỡ khách hàng ăn cơm thiu bị đau bụng là mình tiêu. Còn một lý do nữa là buôn bán cũng cần có chút lương tâm! Đó là câu nói của người em rể tôi. Vợ hắn (em gái tôi) mới sanh con ở bệnh viện về, hắn biết nấu nướng gì đâu, hai vợ chồng lại ở tuốt dưới Florida trong khi vài người thân có được thì lại ở hết trên Dallas này. Hắn ra Nhà hàng Việt Nam mua cơm trắng với cá kho tộ cho vợ ăn. Cơm thì thiu, cá thì mặn đắng. Cô em tôi nhắm mắt nuốt đại cho qua ngày, ai dè bị tiêu chảy mới khốn khổ cho người mới sanh. Nghĩ tới thôi đã nổi da gà, tội nghiệp hết sức. Tôi ráng nhớ câu nói của người em rể để nhắm mắt đổ, để khỏi người phụ nữ nào lâm cảnh - em gái tôi. Tôi đổ vô thùng rác cũng nhiều như chủ Nhà hàng đổ tôi ra đường, tôi bị đuổi hoài là do như thế đó!


Đến một lần tôi thấy người homeless hốt lại thức ăn vừa trút vô thùng rác, thật đau lòng. Thật ra tập thói quen cái gì cũng trút vô thùng rác không phải là dễ vì người mình (tôi) đã sống sót qua những giai đoạn lịch sử tối đen - không có gì để ăn nên bảo đổ bỏ thức ăn là điều vô cùng áy náy chứ cũng không hẳn là tiếc của khi của cải vật chất đã dư thừa. Tôi cũng bị rúng động khi đọc một bài báo nói rằng: thức ăn đổ bỏ trong tất cả những trường học ở Mỹ có thể nuôi được một nước nghèo ở Châu Phi. Phải chăng mình may mắn, được sống ở nước giàu có nên phung phí. Nhưng tiết kiệm không có nghĩa là buôn gian bán dối là điều chủ Nhà hàng nên… suy nghĩ! Tiết kiệm bằng phương pháp khoa học kỹ thuật là đúng đắn.

Tôi về nhà với những bữa cơm gia đình cũng vậy, nhiều khi phụ vợ dọn bàn sau bữa ăn, những dĩa thức ăn còn chút đỉnh, tôi trút luôn vô thùng rác và thường là bị rầy: "Anh hoang phí quá! Tội chết. Để đó, mai em giỡ đi làm." Biết sao bây giờ với thói quen nghề nghiệp và những gút mắt của lương tâm.

Nơi tôi làm việc đương nhiên là Nhà hàng, tôi thuộc đám nhà trên tức là lo buôn bán chứ không thuộc đám nhà dưới (nhà bếp), lo nấu nướng. Bộ phận nhà bếp có bốn tay Mễ, một anh bạn Mễ hơn hai mươi tuổi, mới vượt biên sang. Anh ta ốm, đen. Nhìn rõ ràng thiếu ăn chứ không nói gì khác được. Anh được nhận vô làm để tăng quân số nhà bếp lên năm người theo nhu cầu thương vụ. Công việc của anh ta là lau nhà hai lần/ ngày, cắt từ cọng hành đến cái bắp cải, giấc trưa - ngồi gói chả giò miệt mài.

Và quy trình hội nhập của một người Mễ (90%) khác xa người Việt mình. Tháng đầu, anh ta ăn bằng hai, ba người, (làm Nhà hàng nào cũng ăn uống tự do, trừ một vài Nhà hàng mà tôi không tiện nêu ra! Luật bất thành văn của ngành Nhà hàng là thế.) Anh ta làm việc siêng năng, chăm chỉ, dễ sai dễ bảo. Tháng thứ hai đã có da có thịt, nước da sáng ra được chút nhờ ở trong mát thì quần áo, tóc tai cũng bắt đầu se sua theo thu nhập (dĩ nhiên là mode Mễ), chất lượng công việc mà anh ta chịu trách nhiệm bị kém hẳn: dơ, ẩu… dục bỏ hoang phí nhiều thứ vì tiếc công làm, vì tức bản năng trong quan hệ chủ-thợ, (thường là lý do tế nhị để bị đuổi). Tháng thứ ba, đã bắt đầu hơi có bụng thì bệnh lười chảy ra! Ương bướng, cãi cọ, chửi thầm (dĩ nhiên là tiếng Mễ), không hoàn thành công việc được giao phó bởi đêm nào về aparterment cũng bia, gái (không tiền thì coi phim hạng nặng cũng tới sáng), sức đâu làm việc ngày hôm sau. Rồi đồng lương ít ỏi của công việc Tạp lục Tùng Lâm thì đâu đủ chi tiêu cho ăn chơi trác táng. Thế là đòi lên lương, mà một người đi làm-thuê-lậu thì dễ gì lên lương với chủ cả lạnh lùng trên nước Mỹ, nói chi tới bản thân anh ta ngày càng lười, chưa bị đuổi chỉ vì chưa tìm được người thay thế, hay chưa có cớ xuôi tai. Anh ta nhờ thông dịch chứ có biết nói câu tiếng Anh nào đâu: "…bạn tôi làm công việc giống tôi ở Nhà hàng khác, nhưng lương cao hơn tôi $50/tuần. Tôi muốn lên lương." Kết qủa bao giờ cũng là anh ta nghỉ việc. Anh ta không đủ trí khôn để hiểu là chủ cả chờ cơ hội để cho anh ta nghỉ việc, để anh ta không có cớ ném đá vô cửa kiếng trả thù khi bị đuổi ngang xương. Sự sinh thù chuốc oán nhiều khi thiếu trách thân là do nông cạn.

Sống lâu với Mễ, tôi mới hiểu được tại sao Mễ sát nách với Mỹ, vượt biên giới dễ như đi chợ trời mà ít có người Mễ nào thành đạt trên nước Mỹ (ở mức độ có nơi ăn chốn ở, công việc vững vàng thôi chứ cũng không cần nhà cao cửa rộng, ngựa xe hàng hàng) là vì dân tộc tính của họ. Anh chàng Mễ mà tôi đang kể, bước ra khỏi Nhà hàng thì độ tháng sau đã vô tù vì tội trộm cắp, bước tiếp theo là trả về nguyên quán. Hy vọng lần vượt biên sau sang đây, anh ta có kinh nghiệm hơn. Còn người mình thì có bài học nhãn tiền.

*
Từ hôm anh ta nghỉ việc vì không được lên lương. Nhà trên chúng tôi rất không thích chuyện ấy xảy ra vì công việc nhà dưới bị đùn. Nhà trên thể nào chẳng phải giúp nhà dưới gồng gánh phần việc của người nghỉ cho đến khi có người mới. (Rồi người mới xuất hiện bất thình lình sau đó vài hôm). Một cậu bé Mễ chừng 14 tuổi. Nó xin làm việc gì cũng được miễn cho nó ăn. Nó nói tiếng Anh thông thạo, chứng tỏ nó sinh đẻ ở Mỹ hay ít nhất cũng qua đây từ nhỏ, có đi học nên mới nói được tiếng Anh như thế. Nó nói biết làm chỉ để được ăn vì nó đói.

Khi tôi về đến Nhà hàng, thấy nó đang vật lộn với cái bắp cải to như cái đầu heo. Tôi nhìn qua gương mặt búng ra sữa, đôi tay trẻ con chưa từng dao thớt! Tôi nói với anh bạn-chủ: "Không thể nhận thằng bé này làm ở đây được vì nó còn nhỏ quá, chưa đủ tuổi đi làm là một rắc rối cho mình với luật pháp khi Thành phố bất chợt kiểm tra. Thứ hai, nhìn nó làm thì không tới chiều nổi đâu! Chỉ vài phút nữa, nó mỏi tay với con dao quá lớn, nó đứt tay thì tội cho nó mà cũng phiền cho mình lắm đó". Anh bạn tin tôi nên nói nó ngưng làm. "Bạn làm không được rồi! Chúng tôi xin lỗi!..." Nó khóc.

Người chủ trở lên nhà trên, nó ra về cửa sau như người thất trận. Mấy người đồng hương của nó không hề xúc động. (Bạn có chứng kiến nhiều lần như tôi thì bạn cũng sẽ cảm ơn Trời Phật, Thiên Chúa đã cho người Việt mình cái tình đồng hương trong khốn khó vô cùng trân qúy. Nhiều khi tôi nghĩ dại: người mình không nên giàu vì giàu lên là hết tình cốt nhục, đồng bào. Hai người bạn sang đây tay trắng nên đùm bọc nhau mà sống, luôn cả sinh mạng khi bị kỳ thị. Nhưng mười năm sau, người có bằng kỹ sư chỉ còn trong mắt người kia là sư tính kỹ!)

Thằng nhỏ Mễ đứng tần ngần ở ngưỡng cửa sau, cửa mở rồi nhưng người mở cửa không muốn ra đi. Tên đầu bếp nói một câu tiếng Mễ nhưng tôi hiểu: "Mày đóng cửa lại cho tao để thôi ruồi vô". Nó quay lại gương mặt dầm dề nước mắt. Tôi cầm lòng không đặng nên móc túi cho nó tờ hai chục, "Mày đi mua gì ăn đi". Nó giỏi tiếng Anh nhưng cố kiếm từ nào đó, thể hiện được lòng biết ơn với một người Việt để cám ơn tôi. Giây lát, nó nói: "Thank you uncle so much" rồi mạnh dạn bước đi. Tôi nghe và hiểu chữ "uncle" nó dùng bằng cả lòng biết ơn chân thành nên càng xúc động, nó không muốn xài luật: dưới trăm tuổi thì mày tao kiểu Mỹ: You and I với tôi. Tôi bảo nó chờ, quay lại bảo tên đầu bếp: "Lấy cho tao một hộp cơm chiên nhiều cơm". Tôi lên nhà trên mở tủ lạnh lấy cho nó hai lon coke. Trong đầu tôi chỉ nghĩ: Ước gì con mình thấy cảnh này cho nó bớt chảnh khi mẹ nó có lỡ nhức đầu, cảm cúm… nêm nếm thức ăn hơi mặn, hơi lạt. Nó làm như ăn vô thì chết.

Nhà hàng buổi trưa là giờ Mễ coi Playboy với Mỹ, Tàu coi bà Trần Thủy Biển thụt két được bao nhiêu rồỉ Việt coi Cha Lý bị khủng bố tới đâu rồi. Lo ngại cho nhan sắc của nữ luật sư Lê Thị Công Nhân trong tù! Xót lắm chứ chẳng chơi đâu. (Ước gì tôi được ở tù thay cho cô ấy!) Không biết chừng nào có biểu tình thì nghỉ làm đi hưởng ứng. (Mất một ngày làm không nghèo đâu, cái tình đồng bào cốt nhục của người Việt là điểm son trong văn hóa Việt. Hai thằng bạn làm chung chửi nhau như chó với mèo nhưng khi đi biểu tình chống cộng thì hòa thành một khối thuốc nổ TNT - made in Vietnam hải ngoại rất hợp nhất - dữ dội).

Tôi đem tờ báo ra sau Nhà hàng để hít thở khí trời, không ngờ gặp lại thằng nhỏ Mễ ban nãỵ Nó có đứa em gái chừng mười tuổi, mập ú, hai gò má thấy thương và đôi mắt tuyệt đẹp. Nó cho em nó ăn nửa hộp cơm chiên, uống một lon coke, còn lại thì để giành đến tối em ăn. Nó nhịn đóii. Tôi phục nó trong xót xa mà cảm động vô cùng. Tôi trò chuyện với nó:

"Nhà tụi bay ở đâu?"

"Stonewood Aparterment"

"Cha mẹ bay đâu?"

"Không có cha, mẹ đi đâu không biết! Cả tuần nay không về. Anh em tôi đã ăn hết cái gì ăn được trong nhà rồi. Tôi dẫn em tôi ra cây xăng xin tiền lẻ cũng không đủ mua bánh cho nó ăn. Tôi tưởng xin được việc làm thì anh em tôi không bị đói, nhưng tôi nhỏ quá…! Tôi không trách ông đâu"

Tôi nghe khó thở trong lồng ngực mình, như có cái gì đó xoáy vào lòng dạ con người dù tôi cũng đã lăn lộn ngoài đường từ khi còn nhỏ để có cơm ăn. Những người lớn tốt bụng với tôi xa xưa ẩn hiện trong trí nhớ. Hình như họ chờ tôi trả ơn cứu mạng ngày nào! Tôi linh tính duyên nợ gì đây với chú bé con này. Tôi nói:

"Chú xin lỗi! chú không hiểu hoàn cảnh của cháu. Và cám ơn cháu không trách chú đã không nhận cháu làm việc. Để chú nghĩ coi có thể giúp cháu được gì không!"

Nước mắt nó lăn dài trên hai gò má ốm đói, nó gục vì đói mà nửa hộp cơm chiên với lon coke còn lại thì nhất định để giành cho em. Tôi phục thằng nhỏ này và thương cảm vô bờ. Tôi vô lại nhà bếp, múc cho nó tô súp trứng nấu với bắp hạt. "Bạn ăn đi, không phải nhường cho em bạn tô súp này". Nó ăn trong nước mắt đến tội nghiệp. Ăn tô súp chẳng thấm vào đâu nhưng nó tỉnh táo hẳn rậ. Nó đẹp trai và có bản lĩnh nam nhi lắm. Tôi thích thằng nhỏ này rồi thì phải! Tôi nói nó:

"Mỗi buổi trưa, cháu đến đây. Cứ mở cái hộp sắt dưới gốc cây cột đèn nhưng cửa bên điện thoại. Trong đó có bao thuốc lá của chú, cháu đừng hút nha, đừng lấy sách báo chú giấu trong đó. Chú để thức ăn cho anh em cháu đủ sống đến khi mẹ về. Chú nghĩ bà ấy đi kiếm cha các cháu hay đi tìm việc làm gì đó thôi"

Nó cảm ơn rồi khóc. Tôi tức thằng nhỏ này khóc hoài thì nó mới chịu nói: "Mẹ tôi không về nữa, bà nói chúng tôi muốn đi đâu thì đi, bà theo bạn trai mới của bà đi xa rồi. Tôi cũng không biết dẫn em tôi đi đâu vì ngày nào Aparterment cũng dán giấy đòi tiền thuê phòng, chắc vài ngày nữa, họ khóa cửa không cho chúng tôi vào nữa đâu!"

Tôi nghe rồi hoảng như ách giữa đàng đã quàng vào cổ mình. Từ ngày qua Mỹ, tôi chỉ biết đi làm, lo gia đình. Chưa bao giờ đi Nhà thờ hay Chùa chiền gì cả. (Những nơi đó không có trả lương trong khi tôi cần bán sức lao động và thời gian của tôi để con tôi có nơi ăn chốn ở, điều kiện đi học.) Nhưng chính thằng bé này đã khơi dậy lòng từ bi bất ngờ trong tôi. Tôi đến thẳng Aparterment chúng ở với hy vọng xin cho chúng ở chùa (free) thêm một thời gian để tôi có thời giờ liên hệ bạn bè tìm cách giúp chúng. Nhưng không thành công vì bà Manager của Aparterment là người đàn bà máu lươn - lạnh tanh. Tôi về nhà tường trình với vợ chứ cầu cứu được ai nữa bây giờ? Vợ tôi nói có lý: "Mình nuôi ăn, cho ở trong nhà mình một tháng thì được nhưng lâu dài thì anh nghĩ coi có đủ sức không?"

Hôm sau, tôi năn nỉ thằng nhỏ thông cảm cho hoàn cảnh của tôi. Nó cảm ơn tôi không tiếc lời nhưng nó không muốn vô trại mồ côi. Nó biết rõ là ở đó có ăn, có ở, (người bạn trai mới của mẹ nó đã nói với nó như thế!) nhưng nó sợ người ta chia cắt anh em nó. Em nó biết hai anh em cũng không cùng cha, nhưng trên đời chỉ có hai anh em là người thân. Em nó không muốn xa nó và nó cũng không muốn xa em nó. Tội nghiệp hết sức mà tìm không ra ai tội nghiệp cho tôi!

Tôi gọi hết bạn bè để chán nản thêm vì tóm lại có hai ý kiến cho tôi là hết. "Hơi đâu dính vô tụi Mễ, kệ cha nó đi!"; "đâu phải dân Mít mình đâu mà ông lo, không khéo rắc rối đó!"…

Tôi tiếp tế lương thực cho chúng được ba, bốn ngày thì hung tin tới, chúng bị đuổi khỏi Aparterment. Tôi thật sự rối trí, suốt ngày sai lạc trong công việc của tôi vì tôi không tìm được cách giải quyết cho chúng. Tôi gọi cho bà xã: "Tối nay, anh cho tạm hai đứa nhỏ về nhà. Anh nghĩ mình chứa chúng trong thời gian ngắn để anh có thời gian tìm hiểu, liên lạc với những Hội từ thiện xem họ giúp được gì không?" Vợ tôi miễn cưỡng đồng ý vì sợ rắc rối với luật pháp chứ không phải tiếc rẻ miếng ăn, chỗ ngủ với lũ trẻ vì thật sự chúng tôi không rành luật pháp.

Tối đó, tôi rời Nhà hàng nhưng không dông thẳng về nhà mình mà ghé qua Nhà thờ là nơi trú ngụ của chúng.

Nhà thờ lớn lắm, parking đậu xe cũng cỡ Wal-Mark, tuốt góc tiếp giáp với xóm nhà ở là góc parking không xài tới nên người ta đậu vài chiếc tàu câu cá, xe bus của Nhà thờ, có cái nhà kho cũ chứa vài vật dụng không xài nên cũng không khóa cửa, chúng tìm được nơi đó để qua đêm. Tôi nhìn vô trong kho tối mò, hai đứa trẻ đang qùy gối đọc kinh, thật muốn khóc với chúng. Tôi không phải người có đạo mà cũng nhìn lên nóc Nhà thờ cao ngất thánh giá. Tôi cũng đọc lâm râm: "Kính thưa Đức Mẹ, con là người ngoại giáo, con chỉ biết đọc kinh lương tâm để xin Đức Mẹ thương xót cho hai đứa trẻ trong kho đừng đánh mất niềm tin ở Thiên Chúa trên Trời…" tôi đọc xong rồi cười mình ngớ ngẩn, niềm tin trong tôi là gì chứ?! "Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người…" tôi bảo hai đứa nhỏ theo tôi về nhà tôi. Chúng ngần ngại bản năng nên còn lưỡng lự! Nhưng Đức Mẹ hiển linh cho tôi thấy hai cái xe còn đậu ở parking xa xa, chỗ Gym chơi bóng rổ (basketball).

Nhà thờ lớn lắm, có Gym bóng rổ mà nhiều đội đến đây tập luyện, thi đấu. Có nhà giữ trẻ, có rất nhiều văn phòng làm việc mà tôi cũng không biết họ làm gì? Tôi thường đưa thức ăn đến đây cho họ để biết Nhà thờ giàu lắm, thế thôi.

Tôi nhìn hai cái xe là biết liền: Vợ chồng anh Mat còn ở đây. Anh Mat là người Mỹ trắng cao lớn, đẹp trai, chừng bốn mươi tuổi. Cô vợ rất đẹp, tên Kath (tôi thấy ghi trên ticket mà họ order thức ăn như vậy). Vợ chồng họ có hai đứa con nhỏ xinh xắn và rất ngoan. Đứa con gái nhỏ của họ là người khách hàng duy nhất trên nước Mỹ có cám ơn tôi đã đưa thức ăn đến cho nó. "Cảm ơn bạn đã đem thức ăn đến cho chúng tôi." Còn lại, từ ông bác sĩ trưởng khoa trong bệnh viện đến anh Mễ cắt cỏ cũng chỉ cho người (drive)-tôi, đồng bạc tip là hết! Nước Mỹ đệ nhất thiên hạ về khoa học kỹ thuật nhưng về giáo dục nhân cách cũng không có gì đáng nể. Tôi tin là Đức Mẹ xui tôi đi tìm anh Mat. Tôi quen biết vợ chồng anh đã lâu, chẳng biết họ giữ chức vụ gì trong Nhà thờ mà có văn phòng riêng, lúc nào giấy tờ cũng ngồn ngộn trên bàn làm việc, điện thoại reo liên tục thì thôi. Tôi chào hỏi và tường trình cặn kẽ hoàn cảnh của hai đứa nhỏ đang tạm trú ngoài kho.


Vợ chồng anh ra ngay nhà kho đón chúng.

Họ nuôi dạy hai đứa trẻ mồ côi chung với con họ, quan hệ của tôi với vợ chồng anh Mat đã thân hơn xưa. Trước đây, họ order bữa tối cho gia đình họ chừng hai ba chục đồng thì cho tôi năm đồng tiền tip. Khi order cho Hội đoàn hai, ba trăm đồng thì ký cho tôi mười phần trăm. Từ hôm họ nuôi hai đứa trẻ, tôi chỉ nhìn vào ticket ký bao nhiêu tiền tip thì tôi móc túi tôi lấy tiền mặt bằng như vậy và gởi cho hai đứa nhỏ. Thỉnh thoảng vợ tôi gởi cho chúng hai chục thì tôi đưa cho cô Kath hai chục và nói: "Vợ tôi phụ cô nuôi chúng". Vợ chồng anh Mat nói chuyện với tôi nhiều hơn khi tôi có dịp delivery cho họ. Anh Mat không tìm được người nhận con nuôi mà nhận hai đứa vì ai cũng chỉ muốn nhận một đứa thôi. Trong khi anh em nó van nài cô Kath đừng chia lìa anh em nó. Chúng còn nhỏ qúa để không hiểu cho hoàn cảnh tài chánh của vợ chồng cô Kath. Nhưng cô ấy tốt hết biết, cứ như thế mà nuôi chúng, cho đi học đàng hoàng.

Tôi bắt đầu áy náy khi cảm nhận mình đã trút lên vai hai người tốt một gánh nặng qúa đáng. Lẽ ra mình cũng phải chịu trách nhiệm nhiều hơn mới phải. Tôi lại trình bày với vợ chồng anh Mat: "Vợ chồng tôi xin chịu phần mua quần áo cho chúng". Cô Kath đồng ý cho tôi vui chứ trong ánh mắt cô ấy, tôi đã đọc được tấm lòng Đức Mẹ.

Mới được một lần thì "có tin vui giữa giờ tuyệt vọng". Một bà Mỹ già giàu nứt đố đổ vách, nhận nuôi anh em chúng. Anh Mat nói với tôi: "Từ nay, chúng được bảo đảm nơi ăn chốn ở. Sức học của chúng cao tới đâu cũng không gặp khó khăn tài chánh". Tôi và vợ chồng anh Mat đã nâng ly cảm ơn Thiên Chúa, Đức mẹ. Chúc mừng cho hai đứa trẻ "mồ côi khi cha mẹ còn sống" ngay trong văn phòng của vợ chồng anh.

*

Câu chuyện nguội dần từ khi hai đứa nhỏ khốn khổ bị bỏ rơi đã có nơi ăn chốn ở. Tương lai tùy thuộc vào trí tuệ và sự biết thân của chúng! Lắm lúc bình tâm tôi suy nghĩ về mình. Hình như tôi lấy lại được niềm tin đã mất từ lâu.

Tôi chẳng bao giờ tin vào tôn giáo nào cả. Với tôi chỉ có tôi giúp tôi chứ không ai giúp tôi. Nhưng qua sự việc động lòng từ bi bất ngờ của tôi, nếu không có vợ chồng anh Mat giúp đỡ (họ chịu hết rồi còn gì) tôi thật sự không xoay sở nổi cho hai đứa nhỏ tội nghiệp, dù tôi rất thông cảm với hoàn cảnh của chúng, tôi thương cái tình huynh đệ của chúng cũng là cái mà tôi không có dù cha mẹ tôi chẳng sinh ra đời một mình tôi.

Tôi buồn.

Ai cũng có những nỗi đau dịu dàng trong tâm khảm. Ngày qua ngày chỉ có vợ chồng chia chung những ngọt bùi lẫn cay đắng của giòng đời, gia đình, người thân, bạn bè, cuộc sống… Vậy mà vợ chồng tôi đã nhiều lần tưởng "đứt" vì gia đình hai bên còn ở Việt Nam với đủ thứ yêu cầu không cần biết đến vui buồn sướng khổ của chúng tôi bên đây! Bản thân chúng tôi là những người siêng năng, chịu cực đi làm. Tôi, ngày 12 tiếng thì vợ cũng jop rưỡi chứ đâu có ai làm biếng, nhưng không tìm được tiếng nói chung. Qua vụ việc hai đứa nhỏ bị bỏ rơi, hình như chính vợ chồng tôi, ai cũng có lời thề không nói ra là không bao giờ bỏ rơi con mình như thế. Người lớn phải chấp nhận mọi hoàn cảnh vì trẻ nhỏ. Và lòng đã quyết là chấp nhận mọi hoàn cảnh vì trẻ nhỏ thì sao người lớn không tìm tiếng nói chung để giảm áp lực, để bất đồng thành hòa đồng, tạo nên bầu không khí dễ thở trong nhà cho mọi người cùng xiết chặt tay nhau mà vượt qua khó khăn hiện tại. Vợ chồng tôi như hiểu nhau hơn, còn yêu thương thì tạ ơn trên! Cả hai chưa hề thay đổi.

Những lần cầm tờ hai chục mà vợ tôi gởi cho hai đứa nhỏ tội nghiệp (vợ tôi không biết mặt chúng) tôi thấy vợ tôi không tệ, keo kiệt như tôi đã có lần âm thầm nghĩ! Tôi hối hận. Con tôi còn nhỏ nhưng cũng gởi cho hai người bạn không may con gấu nhồi bông, hộp chocolate… Tôi thấy con tôi bớt lì lợm, nó trở nên ngoan hơn như là ý thức được gía trị mái ấm gia đình, cha mẹ mà hai người bạn kia không có. Gia đình tôi ấm áp hơn xưa từ một việc làm phước, thiện.

Vậy mà từ đó giờ không làm là tại sao? Tôi hiểu con người tôi, tôi hiểu hoàn cảnh lẫn xuất xứ của tôi. Chính đói nghèo và từng ngày va chạm với gian manh, điêu ngoa, lường lọc để có sự sống. Tôi đã từng ngày đánh mất niềm tin ở con người, tất cả.

Sự khó khăn với cơm ăn áo mặc qua rồi thì khó khăn với những giấc mơ giàu sang phú qúy, trường sinh bất tử… làm tôi nghi ngại thế nhân, thần linh, tôn giáo… đến một hôm đọc được truyện ngụ ngôn này trong sách nhà Phật. Tôi phản tỉnh, truyện như vầy: "… người tiều phu đốn củi đang vác bó củi đốn được về nhà. Khi anh ta đi qua cánh đồng tranh thì bị con cọp đói hung dữ tấn công. Anh ta chạy và cọp rượt theo, khi khoảng cách không cho phép anh giữ bó củi trên vai, anh đành vất bỏ bó củi (công sức một ngày cũng là cơm gạo gia đình). Cọp tiếp tục rượt đuổi anh ta đến bờ vực thẳm. Cùng đường, anh ta nhảy đại xuống vực chứ không chịu để cho cọp ăn thịt mình. Tay anh ta níu được cọng dây nho nên thân mình treo lại giữa không trung, nhìn lên trời xanh, nhìn xuống đáy vực sâu hun hút! Trên bờ vực thẳm, con cọp đói rống lên vài tiếng giận dữ rồi bỏ đi. Người tiều phu dõi mắt theo cọng dây nho để tìm đường thoát hiểm. Có những con chuột đang gậm nhấm gốc rễ của cọng dây nho! Anh ta nhìn lại trước mặt mình, có trái nho dại chín mọng thơm ngon, anh bứt trái nho bỏ vào miệng.

Trái nho mới thơm ngọt làm sao."

Tôi chính là người tiều phu trong cuộc săn đuổi của khó khăn đời sống như con cọp đói không bao giờ dừng lại, nhưng tôi cũng không bao giờ hiểu, thấy sự thơm ngọt nhỏ nhoi trước mắt mà trân qúy nên cuối cùng tôi đến bên bờ vực thẳm của cuộc sống là chuyện hôn nhân luôn bất an. Không biết từ đâu mà tôi luôn quan niệm: Đồng tiền bỏ ra phải có tiếng keng, tiếng keng càng lớn càng tốt nên cuối cùng, nhiều lần tôi xém phải nghe tiếng keng của quan tòa chia cắt chính vợ chồng tôi. Lần này, cả hai vợ chồng cùng chi ra những đồng tiền mồ hôi nước mắt đi làm mà hoàn toàn âm thầm như đất, không một ai biết ngoài mình nhưng cuối cùng là gặp lại nhau sau tháng năm dài miệt mài lo toan cuộc sống và đã thất lạc nhau dù còn ngủ chung giường.

Phải chăng, vợ chồng tôi gặp lại nhau sau một việc làm phước cho người dưng. Bao năm qua tưởng rằng sống cho nhau nhưng thật ra chỉ sống cho mình - độc đoán và ích kỷ. Lâu lắm rồi, vợ chồng tôi mới cùng ngồi nói chuyện về một việc không phải là tiền nhà, tiền xe… bên đây. Bên kia, má xin tiền cho dì út nó mở tiệm gì đó bên nhà, bà nội tụi nhỏ than van không người đưa đi bác sĩ! Con cháu cả đống, không lẽ phải gởi tiền về thêm để mướn người đưa mẹ đi bác sĩ?!...

Lần này ngồi xuống để nói nhau nghe những cảm tưởng về việc mình làm mà không ăn nhập gì với gia đình mình hết. Những suy nghĩ tha nhân sống lại trong lòng băng giá theo cơm áo gạo tiền lót ngót hai mươi năm xa xứ sang đây. Tôi gặp lại cô thợ hãng dệt tan ca đêm, lầm lũi đạp xe về nhà qua những con đường vắng đầy lo sợ. Chắc vợ tôi cũng gặp lại người xích lô tốt bụng đã chở giúp cô ấy về nhà sau một lần bị trấn lột, giựt xe đạp. Hôm sau còn đến thăm với hai bàn tay trắng vì có gì đâu để đem theo? Không lẽ đem theo cái bằng Đại học như giấy lộn để sắc thuốc trị thương hay đem theo tờ giấy mãn hạn Nghĩa vụ quân sự mà không có ô dù thì không tìm được việc làm để hù nạn nhân chết luôn đi cho rảnh!

Những tình cảm thiết tha đôi lứa hòa trong tình cảm đồng cảnh ngộ nghèo rớt mồng tơi, tự nó tan biến theo đà ăn nên làm ra để chỉ còn thấy nhau qua thu nhập hàng tháng. Kính trọng tờ check của nhau hơn kính trọng nhau từ bao giờ thì không ai có thời gian, tâm tư cũ để nghĩ lại nữa. Tôi mang ơn trên đã xắp đặt chuyện hai đứa nhỏ người dưng để chính những người giúp chúng đã nhìn lại mình, ngồi lại với nhau và nói về những ngày khốn khó để thấy mình thay đổi - theo chiều hướng xấu hơn khi đã dư thừa. Để nhận thức ra rằng: chúng ta đã lạc nhau từ ngày qua Mỹ!

Chúng tôi đồng ý được với nhau khi cùng nhìn ra sai trật - không ngụy biện. Cùng đồng ý với nhau: Hãy giúp thêm những người khốn khó hơn mình. Cho họ là cho mình, có khi cái thối lại của người nhận còn lớn hơn cái nhận từ người cho. Hai đứa nhỏ tội nghiệp kia đã nhận không đáng kể gì từ gia đình tôi nhưng chúng đã làm cho một gia đình đã nhiều lần đứng bên bờ vực thẳm tìm lại được tình thương yêu và sự thấu hiểu của ban đầu, của những người quyết chí xây dựng nên chính gia đình này. Tôi phải mang ơn chúng hơn chúng cảm ơn tôi.

*

Tôi lại có dịp deli cho cô Kath. Cô ấy vui mừng thấy tôi bước vô văn phòng, nhấc cái phone gọi anh Mat về văn phòng vì tôi tới chứ không phải người drive nào khác. Cô nói tôi: "Anh có qùa. Đoán xem ai gởi và nhân dịp gì?" Tôi chịu thua.

Anh Mat bước vào văn phòng, anh cười thật tươi - mãn nguyện, nói: "Bọn trẻ gởi tặng tôi cái áo mưa vì chúng thấy tôi ưa ra điều động xe sau khi tan lễ, cho khỏi kẹt xe, nhưng gặp hôm trời mưa thì tôi ướt như tắm mưa. Chúng gởi cho anh cái nón mùa đông có trùm lỗ tai, có lẽ thấy anh đi deli không có nón chống lạnh".

Tôi nhớ đến vài cái nón trong xe tôi do vợ con tặng tôi, tôi đã bao giờ trân qúy những qùa tặng thể hiện lòng thương yêu, quan tâm đó chưa khi lòng kiêu hãnh đầu đội trời chân đạp đất trong bất kể người đàn ông nào chưa bao giờ tắt! Tôi đã gieo xuống tình người lòng tốt của mình là tốt nhưng không trân qúy đúng mức lòng tốt của người khác thì thật là chưa tốt. Từ nay tôi đội nón theo mùa như luôn có những người thương yêu tôi luôn ở bên tôi dù nắng mưa gió bão, tuyết rơi hay tối trời cũng không còn cảm giác một mình trên vạn nẻo đường xuôi ngược.

Tôi đọc những giòng chữ trẻ con trong cái thiệp bọn nhỏ gởi cho tôi, thằng anh lời ngắn tình dài: "Chúc chú được hạnh phúc trong ngày Father's Day sắp tới. Anh em cháu đã cầu nguyện cho chú được bình an từ trong cái kho của Nhà thờ, chúng cháu sẽ cầu nguyện cho chú được bình an mãi mãi…"

Con em lời dài mà tình cũng dài luôn để thể hiện nữ tính. Nó luyên thuyên kể lể nào là nó cầu nguyện Đức Mẹ thường xuyên cho nó có một người cha, một người mẹ và một mái gia đình ấm cúng, mọi người thương yêu nhau. Nhưng Đức Mẹ đã làm nó giận! Nó bỏ cầu nguyện để nhắc nhở Đức Mẹ thôi. Ai dè, bỏ cầu nguyện thì mọi việc tồi tệ hơn là anh em nó bị bỏ rơi, bị đuổi khỏi Aparterment. Nó cầu nguyện lại trong cái nhà kho thì lần này Đức Mẹ đã nghe. (Chắc cái nhà kho đó là Thánh Địa?) Đức Mẹ đã nghe những lời cầu nguyện của nó ở đó nên cho nó có ông bà Ngoại (chắc là ông bà Mỹ nhận nuôi anh em nó). Cho nó có hai người cha một lúc, một người giảng giải Kinh Thánh cho nó nghe rất hay; một người cho nó ăn cơm chiên rất ngon. Và trên cả tuyệt vời là Đức Mẹ cho nó có một người mẹ tốt đẹp như Đức Mẹ. Nó chỉ không thích mẹ Kath có một điều duy nhất là dặn nó phải cầu nguyện bình an luôn cho những người đã bỏ rơi nó vì đó mới chính là cha mẹ ruột của nó. Cầu nguyện và tha thứ cho những khó khăn, lỗi lầm của họ để họ sớm quay về!...

Ôi! Cô Kath.

Nó huyên thuyên đến quên luôn chúc tôi một lời Happy Father's Day làm tôi cứ ưa nhìn lên nóc giáo đường để tìm người đáng nghe câu ấy nhất là Cha của sự sống. Có lẽ tôi sẽ tìm cách quan hệ lại với Ngài để lấp lại khoảng trống vô thần trong tôi do u minh, ích kỷ, đố kỵ và lòng tham đã cướp hết thanh an là điều tôi có thể được mà.

Phan
Chuyện kể của NTDzũng)

Nghề Mới




 

Sunday, June 29, 2025

Bản Tình Ca Của Người Tị Nạn - Nguyễn Văn Luận


(Lời giới thiệu: Tôi không dám tự cho mình đã đọc nhiều sách và lại càng không dám phê bình một cây bút nào...nhưng qua bài tự truyện này, tôi phải thảng thốt lên rằng Ồ giọng văn gãy gọn, ngắn mà súc tích biết bao, ngắn gọn như là tác giả tiết kiệm từng lời từng chữ...để không dẫn dắt độc giả vào những chi tiết quanh co nhưng vẫn làm rung động trái tim tình người... không như nhiều cây bút khác tôi đã từng đoc. Mời các bạn theo dấu chân di vào đoãn buồn một đời lưu lạc...)

-----

Hai năm sau ngày đất nước chia đôi, từ miền Bắc hoang tàn, tôi lặn lội tới vùng giới tuyến mong vượt thoát vào miền Nam tự do.

Lần tới gần sông Bến Hải, đêm tối âm u bờ Bắc, tôi đã nhìn thấy cầu Hiền Lương vì bờ Nam rực sáng ánh đèn. Trên cột cờ cao vút, bóng cờ vàng sọc đỏ lung linh. Giọng ca ngọt ngào từ loa treo vọng về miền Bắc:

"...sông Bến Hải là nơi chia cắt đôi đường...

hỡi ai... lạc lối... mau quay... về đây ...!"

Tôi đứng đó chơi vơi định hướng, đăm đăm nhìn cờ vàng bên kia bờ sông lịch sử, uống từng lời ca trong cơn đói khát, rồi bừng tỉnh, lao lên phía trước. Từ đâu đó, mấy cái nón cối xông ra. Tôi bị trói hai tay bằng sợi thừng oan nghiệt, theo nón cối về lại địa ngục trần gian.

Mười chín tuổi, lao tù đầy đọa, tôi đã mất mẹ, mất cha, bị qui là tư sản, xa vắng họ hàng vì chia rẽ giai cấp. Tôi mất Hà nội là nơi tôi sinh ra làm người Việt Nam. Không có tang cha khi cha gục xuống, không có tang mẹ khi mẹ xuôi tay, không hy vọng có đám cưới đời mình.

Bạo quyền cộng sản Việt Nam bắn giết hàng trăm ngàn người, bị qui là địa chủ. Nhiều trăm ngàn người bị tập trung lên rừng, để lại vợ con không nhà không đất. Thời gian làm ngưng nước mắt, oán than cũng vô ích, chỉ còn tiếng kêu vang vọng khắp miền: "Chúng tôi muốn sống!"

Hai mươi lăm năm sau (1981) tôi vượt biển, thoát tới Hong Kong. Bốn mươi tư năm từ lúc chào đời, tôi thành người tị nạn cộng sản.

Ngày tiếp kiến phái đoàn Mỹ xin đi định cư, một ông Mỹ dáng nghiêm trang, nghe tôi trả lời, đột nhiên hỏi "Anh có biết nói tiếng Pháp?". Tôi nhìn ông, giọng run run: "L'exilé partout est seul!" (Kẻ lưu đày nơi đâu cũng cô độc).

Ông gật đầu hiểu cả tiếng Tây, hiểu lòng tôi đau xót. Xưa tôi học trường Albert Sarraut, Hà Nội.

Đứng bên rào kẽm gai, sau dãy nhà tôn của trại tị nạn Hong Kong, một mình, suy tư thân phận. Tôi sẽ đến nơi xứ lạ là nước Mỹ xa xôi, tìm quê hương mới, chỉ trở về khi đất nước Việt Nam tự do, không còn cộng sản.

Đứa bé chừng 5, 6 tuổi, tung trái banh, toan bắt thì trượt chân trên sân trại. Tôi đã kịp giang tay đỡ cháu khỏi ngã thì người đàn bà chạy tới, đứng im, lặng lẽ nhìn tôi.

Tiếng trẻ thơ kêu "Má", tôi nhìn nàng... Sự thầm lặng và ánh mắt trao nhau là chân tình của người tị nạn Việt Nam nhẫn nhục, khổ đau, nói được nhiều hơn lời nói. Rồi những ngày sau đó, tâm sự, nỗi niềm, tôi đã cùng Mai kết thành bạn đường và bạn đời, đi Mỹ định cư.

Chồng Mai là người lính Cộng Hòa hiên ngang dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ, quyết bảo vệ quê hương. Anh tử trận, mang thân đền nợ nước, để lại con thơ. Mai trở thành góa phụ, miền quê Đà Nẵng, cuốc đất trồng khoai, nuôi mẹ già con dại. Sau năm 1975, mất nước. Mẹ già khuất núi, con chậm lớn vì cháo loãng, bo bo thay cho sữa mẹ và cơm.

Một đêm mưa bão, Mai bị tên Việt cộng trưởng công an xã cưỡng hiếp, du kích xã canh gác quanh nhà. Mai phải sống vì con mới lên ba, mất cha còn mẹ. Người dân Đà Nẵng ra đi, đã mang theo vợ con người lính chiến tới Hong Kong năm 1981. Đứa con lên sáu không biết tiếng gọi "Ba"!

Tôi mang nặng tủi nhục, đọa đày triền miên từ đất Bắc đi tìm tự do. Mai gánh những thương đau, mất mát, cơ cực của miền Nam, bồng con đi tị nạn. Lấy dĩ vãng chia xẻ cùng nhau, chúng tôi sắp xếp lại hành trang cho bớt gánh đoạn trường, đi Mỹ.

Con đã có Má, có Ba. Má bồng con, Ba xách túi. Con có đồ chơi, cầm chiếc máy bay vẫy chào các chú, hai người lính chiến Quảng Nam đưa tiễn. Tôi nhìn con tự nhủ: "Ba sẽ dạy con tiếng "Cha", chỉ cho con hình người lính Cộng Hòa, ở bất cứ nơi đâu đều là Cha con đó!".

Mai đã nhất định không đi kinh tế mới. Tôi đã trốn công trường, vào tù chịu đựng, bây giờ dù bỏ lại quê hương nhưng còn Tổ quốc Việt Nam. Bốn ngàn năm lịch sử, thăng trầm, người dân nước Việt sẽ không trở thành Cộng sản.

Quê hương mới của chúng tôi là vùng đông bắc nước Mỹ. Căn apartment hai phòng, hai chiếc giường nệm, một chiếc bàn con, đã cho tôi ấn tượng đẹp những ngày đầu tới Mỹ.

Lúc tôi khôn lớn, không có chiếc giường làm nơi cư trú, vì đã thành vô sản. Rồi tôi hiểu, vô sản cũng vẫn còn giai cấp. Phải lên rừng, một miếng nylon bọc vài manh vải gọi là quần áo, thì mới thành "người vô sản chân chính"!

Nhìn con ngon giấc ngủ thần tiên, vợ chồng tôi thao thức, không phải lo âu mà thì thầm những dự định tương lai. 18 tháng welfare trợ cấp, đủ thời gian cho mình đi học tiếng Anh. Đọc dòng thư hội M&RS nhắc trả nửa tiền nợ vé máy bay sang Mỹ "Xin bạn trả dần 12 tháng, giúp cho người sau bạn định cư", theo ý Mai, ý nghĩ nhân hậu của người đàn bà làm mẹ, "mình trả ngay từ tháng thứ hai".

Việc đơn giản là tại sao người ta không khấu trừ vào trợ cấp, lại đòi riêng. Mai chỉ nhẹ nhàng "nợ thì mình trả, ở hiền sẽ gặp lành", nhưng tôi lại suy nghĩ mung lung. Đây là bước đầu thử thách, cái thước đo lòng người tị nạn. 72 đô tiền nợ một tháng, có thể không trả và quên đi. Một lần để lòng vẩn đục sẽ trở thành bất lương. Cha mẹ bất lương con cái sẽ chẳng nên người.

Một sáng mùa Xuân, "bé Nam" gọi Má, gọi Ba, chỉ bông hoa mầu vàng mầu đỏ đung đưa bên vườn hàng xóm, kêu lên "hoa tu-líp". Bà già người Mỹ đứng trên thềm, giơ tay vẫy vẫy. Mai đã nói "Thank you", ngọt ngào, mạnh dạn, tay chỉ trỏ, diễn tả được những gì muốn nói.

Bà Jenny hiểu chút ít về "chiến tranh Việt Nam" qua tivi, sách báo hồi bà còn dạy học. Bà đã thấy "Boat people", những thuyền nhân tị nạn, nhưng lần đầu bà thấy một gia đình người Việt đến vùng này, lại là hàng xóm nên bà có cảm tình. Đây là ứng nghiệm "Ở hiền gặp lành" hay là sự may mắn cho gia đình tôi? Nói thế nào thì cũng đúng vì vài nơi trên đất Mỹ vẫn còn kỳ thị chủng tộc.

Thời gian trôi đi nhưng hai tiếng "lần đầu" lặp lại: lần đầu ra nhà Bank, lần đầu tới Post Office. Có những lần đầu chưa biết, nhưng có hai lần đầu quan trọng: "bé Nam" đi học, chúng tôi xin được việc làm. Bà Jenny cùng chúng tôi đưa "cháu" tới trường, bà cho chiếc mũ baseball và đôi giầy sneaker trắng muốt, khen "Cháu cute." Vợ chồng nhìn nhau, không hiểu, lát nữa về tra tự điển.

"Từ nay chúng mình có Má, bé Nam có Bà...!" Mai thốt lên khi chúng tôi đồng lòng nhận "Má Nuôi". Bà Jenny thành "Má Jen". Chuyện xảy ra vào ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), 17 năm về trước.

Sống một mình trong căn nhà rộng rãi, bà Jenny vốn là cô giáo nên rất yêu trẻ. Bà mời "cả nhà" sang ăn Turkey.

Bé Nam lên bảy, đi học, hiểu nhiều về Thanksgiving hơn Má và Ba. Ăn uống vui vẻ, vợ chồng tôi nói chuyện với bà, có lúc ngồi im lặng hơi lâu vì vốn tiếng Anh ít ỏi. Bỗng bé Nam kêu "Má...!", bà Jenny toan đứng dậy thì Mai buột miệng nói: "Má... let me do it!".

Nghe tiếng "Má" lỡ lời của Mai, tiếng Việt, vừa lạ, vừa thích, bà bâng khuâng giây lát.

Mai kể chuyện xưa, miền Đà Nẵng cuốc đất trồng khoai, nuôi mẹ già con dại... Tôi góp phần thông dịch, bớt thêm: Người Việt Nam coi việc chăm sóc cha mẹ già là bổn phận, dù chịu nhiều cơ cực cũng cố gắng đền ơn sinh thành, dưỡng dục.

Bà suy nghĩ mấy ngày, bỏ dự định chuyển về Florida, tỏ ý muốn nhận gia đình tôi làm Con, làm Cháu.

Chúng tôi dọn nhà sang ở chung với "Má Jen", điều này ít thấy trong các gia đình người Mỹ có con trưởng thành. Các con nhờ Má, nói được tiếng Anh. Cháu quấn quít bên Bà, xem chú chuột Mickey. Mùa đông buốt giá nhưng trong nhà nồng ấm tình người. Má vui tươi hơn trước, thích ăn bánh xèo và phở Việt Nam.

Mai vẫn cặm cụi hàng ngày, làm những chiếc ví tay của phụ nữ. Mấy người bạn Việt Nam đặt cho Mai biệt danh "Bà đầm hãng bóp" vì "giỏi việc, lại biết tiếng Anh," nhiệt tình giúp đỡ bà con.

Cũng như Má Jen, Mai không thích sa hoa, theo Má vào tiệm sách trong Mall nhiều hơn vào tiệm bán phấn son, make up. Việc từ thiện đã thành sở thích, Mai gửi 200 đôla, mỗi lần, giúp đồng bào bão lụt miền Trung, miền Bắc, vì lương tâm, đạo lý. Kẻ cầm quyền ăn chặn của dân, như đám cướp, có bao giờ được mãn kiếp yên thân. Đức Phật từ bi dạy Mai lòng độ lượng.

Tôi làm technician, ngành điện tử. Nhớ xưa, học sửa radio bị nghi làm gián điệp. Bộ công an Hà nội lấy công nông lãnh đạo, coi "điện tử" là CIA. Mười bẩy năm trong ngành điện tử, nay chắc tôi thành CIA ngoại hạng!

Bây giờ, ngồi trước máy computer, nối vào mạng Net, đọc Website tiếng Anh, tiếng Việt, thông tin thế giới bằng email, việc hãng, việc nhà, công tư hòa vào nhau từng ngày làm việc, tôi đã có cuộc sống an hòa, hạnh phúc, một gia đình thật sự yêu thương.

"Ngày mai, chúng mình đi New York thăm con".

Mai nắm tay tôi, hân hoan về ngày mai.

Ngày mai là tương lai của bé Nam ngày trước, giờ là một thanh niên cao 6 feet, đầy nghị lực bước vào đời. Xong đại học, Nam Nguyen trở thành chuyên viên tài chánh, làm việc trong văn phòng, tầng thứ 32 của một nhà "chọc trời" New York.

Ngày con ra trường là ngày vui trọn vẹn, ngày con nhận việc mới là niềm sung sướng của Má, của Ba, của Gia Đình tị nạn, mong ước từng ngày cho Con thành Người.

Lâu lắm rồi, tôi mới có một đêm không ngủ để nhìn lại đời mình. Tháng chín, trời sang Thu se lạnh vùng đông bắc nước Mỹ. Tôi đã sống nơi đây 18 năm tị nạn, không thất vọng mà tin tưởng vào tương lai.

Người cộng sản muốn làm hung thần cai quản địa cầu, dựng lên Địa Ngục. Dựng được vài phần thì sụp đổ, sót lại từng mảnh vỡ điêu tàn. Hung thần đã chết.

Thoát kiếp lưu đày làm người tự do, tôi kính cẩn tri ân người phá ngục: người lính Cộng Hòa, giương cao lá cờ vàng ba sọc đỏ, chính nghĩa Quốc Gia. Việt Nam, từ tinh thần đến lãnh thổ.

Người lính chiến Cộng Hòa hiên ngang đi làm Lịch Sử. Không có Anh, tôi đã không có niềm tin để sống sót, đã thành nấm mộ hoang trên rừng xơ xác. 21 năm kiên cường giữ vững miền Nam, Anh đối mặt hung thần, cứu sống thêm hàng triệu người vô tội.

Người lính của miền Nam tự do tử trận. Anh để lại người Vợ hiền, cuốc đất trồng khoai, chúng vẫn không tha, chà đạp nhân phẩm. Tôi lê bước chân vô định, gặp Mai làm Bạn Đường, nhìn mắt con thơ thấy hình người lính chiến.

Anh đã để lại Con Thơ cho tôi được làm "Ba" mang tròn trách nhiệm. Con đã trưởng thành, mai này sẽ góp phần xây dựng lại Quê Hương. Tôi muốn níu lại thời gian để được thương vợ, thương con nhiều hơn nữa.

Đã quá nửa đêm về sáng. Nhìn Mai ngon giấc ngủ thần tiên như "bé Nam" ngày đầu tới Mỹ, tôi ngồi im lặng bên bàn viết, đợi chờ sớm mai để được nhìn bình minh bừng sáng Phương Đông, được nhìn Mai thức dậy, mỉm cười, âu yếm nhìn chồng.

Cuộc sống an vui. Ngót 20 năm rồi, không biết khóc, đêm nay tôi nhỏ từng dòng lệ, xúc động, bùi ngùi.

Tôi đang sống và đang viết Bài Tình Ca của Một Người Tị Nạn.


(tudo NGUYỄN VĂN LUẬN)

Nắng Hạ Chứa Chan - Nguyễn Duy Phước

Khi Dối Trá Trở Thành... Bình Thường - Hoàng Nguyên Vũ


1. Tôi từng đứng trước một gian hàng bán mật ong ở một khu chợ.

Một chị khách chỉ tay vào chai mật màu vàng óng, hỏi:

– “Mật ong rừng thật không em?”

Cô bán hàng mỉm cười, mắt không chớp:

– “Thật mà chị. Em có cha có mẹ đàng hoàng, đâu dám lừa ai!”

Tôi nếm thử. Mật nhạt thếch, vị đường hóa học lộ rõ.

Nhưng điều khiến tôi chát miệng – không phải vị mật, mà là cách người ta lấy danh dự cha mẹ mình ra làm tem chống hàng giả.

Chúng ta đang sống giữa một thời đại kỳ lạ,

nơi mỗi lời gian dối đều kèm theo một lời thề… và một gương mặt ngoan hiền.

Nơi mà sự tử tế không còn được chứng minh bằng hành vi, mà bằng những cái tên không có mặt ở đó để lên tiếng.

Nhưng bạn biết không?

Sự thật không cần thề thốt.

Nó chỉ cần một người dám sống ngay thẳng, dù chẳng ai hỏi – vẫn không lừa.

Dù không ai nhìn – vẫn không giả.

 

     2. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà hàng giả không chỉ nằm trên kệ siêu thị nhà thuốc–

mà len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống.

Giả trong niềm tin. Giả trong đạo đức. Giả trong cả những lời rao giảng tử tế.

Người ta có thể rao giảng từ bi – nhưng lại bán nhang tẩm hóa chất.

Có thể đeo chuỗi hạt, mặc áo lam – nhưng đứng sau là cả một hệ thống lừa người nghèo, người bệnh.

Sự giả dối ngày nay không còn lén lút.

Nó biết đóng vai thầy cô, doanh nhân, nhà từ thiện.

Biết lên sóng truyền hình, biết nói lời nhân nghĩa, và quan trọng nhất:

nó biết khóc.

Một giọt nước mắt giả – nếu đủ khéo – có thể khiến cả cộng đồng thương xót, chia sẻ, tung hô…mà không ai hay rằng mình đang tiếp tay cho một vở diễn.

 

    3. Tôi từng tham dự một buổi hội thảo ra mắt sản phẩm.

Người đại diện – trẻ trung, chỉn chu, nói chuyện như rót mật vào tai – đứng trên sân khấu và nói:

“Chúng tôi làm sản phẩm bằng sự tử tế. Mỗi hộp, mỗi chai – là một lời tri ân gửi đến cộng đồng.”

Khán phòng rưng rưng. Một số nhà báo lau nước mắt. Truyền thông tung hô. Người ta gọi đó là “năng lượng chữa lành.”

Nhưng rồi, vài tuần sau, một bản kiểm nghiệm từ phía người tiêu dùng được lan truyền trong âm thầm.

Kết quả cho thấy: thành phần sản phẩm chứa chất bị cấm trong tiêu chuẩn an toàn. Trái hoàn toàn với những lời hứa trên nhãn mác và sân khấu.

Một vài trang nhỏ đăng tin. Một vài tài khoản lên tiếng.

Rồi tất cả… biến mất. Không một cuộc họp báo xin lỗi. Không một lời thừa nhận. Chỉ có… những phong bì âm thầm và những cú điện thoại im lặng.

Còn người sáng lập kia – vẫn tiếp tục talkshow. Vẫn tiếp tục truyền cảm hứng.

Vẫn tay đặt lên ngực – nói về cái gọi là “sứ mệnh phụng sự xã hội.”

Tôi không trách. Chỉ tự hỏi:

Khi sự dối trá có thể thuê được micro, chi trả cho truyền thông, và diễn vai thánh thiện… thì liệu còn ai đủ tỉnh táo để nhận ra đâu là chân thật?

Tôi không sợ sản phẩm độc.

Tôi sợ sự ngụy biện đã trở thành một thứ đạo đức mới.

Và tiền – giờ đây không chỉ mua được im lặng. Nó còn mua được cả… niềm tin.

 

    4. Một đứa trẻ từng viết trong bài kiểm tra Tập làm văn:

“Khi lớn lên, con muốn trở thành người bán hàng tử tế.”

Cả lớp cười rần lên.

Cô giáo hơi sững lại, rồi hỏi:

– “Vì sao con lại chọn nghề ấy?”

Đứa bé đáp, không do dự:

– “Vì mẹ con từng mua một hộp sữa non ‘xách tay từ Mỹ’.

Mở ra toàn bột kem trộn hương liệu, hương vị khác hẳn mọi lần. Mẹ con gọi lại, người ta chỉ nói:

‘Chị cứ nghi ngờ, ai mà lại làm giả hộp sữa làm gì chị?!?'

Đứa trẻ đó chưa học xong cấp 2,

nhưng nó đã hiểu rằng: có những câu quảng cáo ngọt hơn cả lời ru –

nhưng phía sau lại là một sự thật rất chát.

 

    5. Trong đạo Phật có câu: “Một lời dối – là một nhát chém vào đức.”

Lừa một người – không chỉ lấy của họ một món tiền. Mà còn lấy đi niềm tin, khả năng tin vào cái thiện, cái thật. Và đó mới là tổn thất lớn nhất.

Một người bị lừa – có thể mất vài triệu. Nhưng mất luôn niềm tin – là mất cả ánh sáng soi đường.

 

    6. Xã hội hôm nay tung hô cái khôn lỏi. Xảo quyệt được gọi là ‘giỏi xoay xở’.

Người thật thà bị gọi là ‘ngây thơ’, là ‘không biết sống’.

Nhưng luật nhân quả – không ai đánh bóng được.

Bạn lừa một người – có thể bạn kiếm được một khoản. Nhưng có thể phải trả nghiệp bằng 10 năm bệnh tật, chồng vợ bất hoà, nhà cửa u ám.

Có những món nợ – không ai đòi, nhưng vũ trụ không bỏ sót.

 

    7. Tôi từng chứng kiến một người cha – từ tay trắng mà giàu lên nhờ lươn lẹo lừa lọc.

Nhưng con ông, dù được học trường quốc tế, có xe đưa đón – đến năm 18 tuổi thì trầm cảm.

Vì một lần, cậu bé nghe người ta gọi cha mình là “thằng lừa đảo bọc vàng.”

Tiền có thể nuôi con lớn. Nhưng danh dự – mới giúp con đi thẳng người giữa đời.

 

    8. Có những người tưởng mình khôn. Nhưng không biết rằng – khi họ ngủ say trên đống tiền lừa đảo – là khi con họ mất ngủ.

Vợ họ bất an. Họ thấy lạnh trong căn biệt thự sang trọng.

Bởi không ngọn nến nào sáng mãi – nếu nó được thắp lên từ dầu gian dối.

Không bàn thờ nào linh – nếu bên dưới là tiền bạc nhúng chàm.

 

    9. Vậy nên, nếu bạn vẫn còn giữ được chút niềm tin – xin đừng gập nó lại.

Hãy bán đúng giá, lời lãi trong 1 khoảng. Làm đúng tâm. Giữ một ngọn đèn lương tri – dù nhỏ, nhưng cháy thật.

Dù người ta gọi bạn là ‘khờ’, là ‘không biết thời’ – thì bạn vẫn đang để lại cho con cháu một thứ quý hơn cả tiền: lòng trong sạch.

Vì một đất nước có thể thiếu giàu. Nhưng nếu thiếu người sống thật – thì chẳng còn gì để tin.

Khi bóng tối lên ngôi, xin làm ngọn đèn cuối cùng.

Nhỏ thôi –nhưng không dối.

Le lói thôi-nhưng không tắt.

Và bạn biết không?

Người tử tế – không cần giấu mặt.

Chỉ có kẻ giả tạo – mới sợ ánh sáng.

      


Hoàng Nguyên Vũ