Chương trình “Trái Tim Nhân Ái” trên đài truyền hình Vĩnh Long được đổi
tên thành “Những Mảnh Đời” khi chiếu trên VietfaceTV. (Hình: Chụp qua màn hình Youtube)
Nhà báo Phạm Trần trong một bài viết mới đây đã lên tiếng báo động
tình trạng Cộng Sản đã xâm nhập vào cộng đồng người Việt dưới nhan đề:
“Báo chí tị nạn đã bị nhuộm đỏ chưa?” Đúng ra dùng chữ truyền thông (bao
gồm báo chí, truyền thanh, truyền hình) thì đúng hơn.
Một ông mặc áo đỏ sao vàng đi trên đường Bolsa có thể bị đả thương,
một tiệm phở chạy nhạc thời chống Mỹ có thể bị tẩy chay, nhưng một đài
truyền hình chiếu nguyên cả phim nhiều tập, chạy nguyên những show do
trong nước sản xuất thì không hề bị phản đối. Đó chính là thứ thuốc độc
bọc đường mà hải ngoại đang ngậm.
Tôi không cần anh tán dương, ủng hộ chúng tôi, miễn là anh không hô
hào chống Cộng, cứ làm ăn vô thưởng vô phạt là đủ. Đó phải chăng là sự
yêu cầu của các tòa đại sứ, lãnh sự CSVN ở nước ngoài đối với những tờ
báo, đài truyền hình ở hải ngoại, đã lui tới, liên lạc với các viên chức
cộng sản đặc trách tuyên truyền. Những cơ quan này không có quyền hành
động tự do, phải hoạt động trong vòng luật pháp cho phép, nhưng họ có
tiền. Có tiền thì mua gì cũng được.
Cô Marie Tô, tổng giám đốc đài VietfaceTV đã nhận định: “Hiện nay,
tất cả các đài truyền hình tại đây đều phát sóng các chương trình được
thực hiện trong nước. VietfaceTV cũng không làm khác hơn. Chúng tôi cũng
chỉ chiếu những chương trình mang tính giải trí, văn nghệ, du lịch hay
ẩm thực như tất cả mọi đài truyền hình khác.”
Theo ký giả Phạm Trần, nếu sự thật “tất cả các đài truyền hình tại
đây (nếu hiểu chỉ ở California) đều phát sóng các chương trình được thực
hiện trong nước, thì đây là một ‘thay đổi chính trị’ đáng báo động của
những người Việt tị nạn làm báo và truyền thông!”
80% đài truyền hình của người Việt (thường là nhân danh tị nạn) ở
California đều thường trực chiếu phim “mua” hay “được cung cấp” của các
đài truyền hình trong nước như phóng sự (ca ngợi đất nước giàu đẹp)
những shows hài hước chọc cười rẻ tiền, với những “ngôi sao” hài “ăn
khách” như Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang… bên cạnh những “danh
hài” hải ngoại có cơ hội quay đầu qui cố hương… xuất hiện hằng ngày và
những game shows bắt chước các shows lâu năm trên đài truyền hình Mỹ,
Nhật. Chỉ thêm những bản tin địa phương và thế giới, vài phóng sự cộng
đồng là đủ chương trình chiếu cho 24 giờ.
Hiện nay tại địa phương Orange County của Nam California có chừng hơn
15 đài truyền hình tiếng Việt, trong đó có bao nhiêu đài loại này? Xin
để cho đồng bào hải ngoại đánh giá nội dung và đường lối của các đài
truyền hình hải ngoại qua các chương trình chiếu trong ba ngày Tết Âm
lịch trên các đài này!
Câu chuyện bắt đầu khi Đài Phát Thanh-Truyền Hình Vĩnh Long-VN (*)
sản xuất một chương trình mang tên “Trái Tim Nhân Ái” nói về những hoàn
cảnh, khó khăn, bệnh tật đáng thương ở quê nhà. Sau khi phát sóng, Vĩnh
Long chuyển nhượng cho VietfaceTV ở Mỹ, đài này đổi tên phim thành
“Những Mảnh Đời” để kêu gọi sự đóng góp từ thiện trong cộng đồng người
Việt tại Mỹ và Canada… Để được rõ ràng, chúng tôi xin trích dẫn nguồn
tin từ báo Người Lao Động trong nước: “Quỹ Từ thiện Vietface do
VietfaceTV thành lập nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam.
Trong 2 năm 2014-2015, mỗi chương trình được Vietface phát 4-6 lần trong
vòng ít nhất 2 tuần. Tính đến cuối Tháng Tám, 2015, VietfaceTV phát
sóng 44 chương trình, trung bình mỗi chương trình tiếp nhận
$8,000-$12,000. Như vậy, với 44 chương trình, nguồn ủng hộ tiếp nhận là
$352,000-$528,000 (chứ không phải $1.5 triệu).
VietfaceTV đã cải chính “Số tiền $1.5 triệu là không đúng!”
Cô Marie Tô cho biết: “VietfaceTV chỉ gây quỹ được $559,198.90 trong
thời gian từ 2013 đến 2015. Sau đó, chúng tôi chuyển cho quỹ ‘Trái Tim
Nhân Ái’ của đài truyền hình Vĩnh Long $467,823, số còn lại là giúp cho
các tổ chức từ thiện khác. Tất cả đều có sổ sách kế toán và báo cáo sở
thuế đàng hoàng.” (trích báo Người Việt, ngày 2 Tháng Hai, 2018).
Nhưng theo báo Nhân Dân, thì việc chuyển nhượng làm ăn giữa đài Vĩnh
Long (Ông Lê Quang Nguyên) và Vietface-Paris by Night (Marie Tô) là chưa
được sự đồng ý của Ban Giám Đốc Đài và các cấp có thẩm quyền cao hơn.
“Giám đốc Đài Phát Thanh-Truyền Hình Vĩnh Long đã tự ý chuyển nhượng bản
quyền phim truyền hình, chương trình giải trí với Đài Truyền Hình
Vietface TV (Hoa Kỳ) mà không thông qua Ban Giám Đốc; không xin ý kiến
cơ quan có thẩm quyền cấp trên; hoàn toàn không kiểm soát nội dung!”
Và cũng từ báo Nhân Dân, “Vietface chỉ mới chuyển cho đài Vĩnh Long
số tiền là 8,326,305,600 đồng. Số chênh lệch còn lại khoảng 22 tỷ đồng
thì chưa có cơ sở làm rõ.” (báo Nhân Dân, ngày 31 Tháng Giêng, 2018).
Mặc dầu đài Vĩnh Long chối nhẹm việc giao phim cho Vietface là chưa
được sự đồng ý của cấp trên và Vietface chưa minh bạch với số tiền 22 tỷ
đồng (khoảng $1 triệu) thu được từ Mỹ, nhưng qua những việc này, được
tiết lộ ngay từ báo chí chính thống trong nước, chúng ta đã thấy rõ sự
liên hệ như thế nào giữa Vietface-Paris by Night và đài Phát
Thanh-Truyền Hình Vĩnh Long.
Chúng ta có thể không quan tâm việc tiền bạc chi thu lấm lem qua lại
giữa hai cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, nhưng trong hoàn cảnh
cộng đồng hải ngoại đang có khí thế chống Cộng, một đài truyền hình hải
ngoại là Vietface-Thúy Nga Paris và một đài Cộng Sản là Vĩnh Long đã
làm ăn mật thiết với nhau là điều không thể chấp nhận, VietFace lấy phim
của đài TT-TH Vĩnh Long, đổi tên, chiếu ở hải ngoại, gây quỹ, rồi lại
gửi tiền về cho Vĩnh Long.
Đài truyền hình Vietface TV cũng đã đi Việt Nam làm phóng sự về việc
chuyển quỹ “Trái Tim Nhân Ái” để chiếu ở Mỹ. Lý do Vietface đưa ra là
“chiếu lại phim vì thấy hoàn cảnh bà con mình tội nghiệp quá nên ‘có
xin’ đài Vĩnh Long để chiếu.” (Người Việt, ngày 2 Tháng Hai, 2018) Và vì
sao Vietface ‘làm ăn’ với PT-TH Vĩnh Long mà không phải là một cơ quan
truyền thông khác ở Việt Nam, đó cũng là một câu hỏi, nếu có một cuộc
điều tra về sự liên hệ nguồn cội đặc biệt giữa hai cơ quan này.
Câu kết luận của ký giả Phạm Trần là: “Lần đầu tiên trong 34 năm
người Việt tị nạn đến Hoa Kỳ (1975-2018) và sau 14 năm đảng Cộng Sản
Việt Nam thi hành Nghị Quyết 36-NQ/TW ngày 26 Tháng Ba, 2004 của Bộ
Chính Trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, một vụ hợp
tác “Quốc-Cộng” trong lĩnh vực truyền thông đã được công khai. Nhưng mối
quan hệ đặc biệt này nên được nhìn qua lăng kính nào để biết báo chí tị
nạn đã bị “nhuộm đỏ” hay chưa?
Huy Phương
(*) Đài truyền hình tỉnh Vĩnh Long là cơ quan truyền thông đã tổ
chức chương trình ca nhạc “Mừng đảng, mừng Xuân Mậu Tuất 2018, kỷ niệm
50 tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968,” có sự trình diễn của
ca sĩ hải ngoại Mỹ Huyền.
No comments:
Post a Comment