Monday, September 19, 2016

Làm Tôi Cho Chúa - AM Trần Bình An


Mạnh Thường Quân nuôi hơn 3000 thực khách nên chi phí rất nhiều, bổng lộc không đủ chi dụng, phải dựa vào tiền thuê đất đai ở Bích Thành do vua phong, nhưng có một năm không thu được tiền về, mới cử Phùng Hoan đi đòi. Trước khi đi Phùng Hoan hỏi rằng: "Khi tôi trở về, ông có muốn tôi đem quà gì về không?" Mạnh Thường Quân ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói: "Thì ông cứ xem ở đây thiếu thứ gì thì đem về," Phùng Hoan đến Bích Thành mới biết năm đó bị thiên tai mất mùa, nông dân thiếu lương thực ăn khổ cực hết chỗ nói. Phùng Hoan bèn tập họp họ lại, rồi đốt hết mọi giấy tờ vay nợ, khiến mọi người vô cùng cảm động. Phùng Hoan trở về nói lại đúng sự thực. Mạnh Thường Quân nổi giận: "Trước khi đi ông nói sẽ đem quà về, nay ở đâu?" Phùng Hoan đáp: "Ông đã nói ở đây thiếu gì thì mua về, nhưng tôi thấy ở đây chẳng thiếu gì cả, chỉ thiếu có tình nghĩa mà thôi, nay tôi đã đem tình nghĩa về đây." Mạnh Thường Quân nghe vậy khóc cười không được, liền phất tay áo đi ra.

Hai năm sau, Tề Dẫn Vương tin nghe lời bịa đặt của hai nước Tần, Sở, rất lo lắng Mạnh Thường Quân công cao lấn chúa, gây uy hiếp tới vương vị của mình, bèn thu ấn tể tướng của Mạnh Thường Quân. Các môn khách thấy vậy, đều theo nhau bỏ đi, duy chỉ có Phùng Hoan là còn ở lại. Mạnh Thường Quân đành trở về cố cư ở Bích Thành. Dân trong thành nghe tin ông trở về, liền dắt già cõng trẻ ra ngoài 100 dặm để đón. Mạnh Thường Quân nhìn thấy cảnh tượng này, rơm rớm nước mắt nói với Phùng Hoan: "Tình nghĩa mà ông đã đem cho tôi, nay tôi đã thực sự cảm nhận được rồi". Trong Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay, Đức Giêsu kể dụ ngôn người quản gia bất lương khôn khéo, biết dùng tiền của gian lận để mưu cầu chốn nương thân. Sau cùng Người cảnh báo, không ai có thể làm tôi hai chủ được, vừa làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của. Làm tôi cho bản ngã

Trong cuộc mưu sinh, nhiều khi tiền của bỗng dưng trở thành ông chủ cai quản cuộc đời. Cho nên thi sĩ Horace từ xa xưa đã cảnh báo không thừa: “Tiền bạc là đầy tớ tốt và là ông chủ xấu.” Nếu lệ thuộc vào nó, coi nó là ông chủ, là cứu cánh cuộc đời, kể như đánh mất nhân tính tốt lành, mà trở nên biển lận và tham lam. Tuy nhiên, xã hội bao đời vẫn không hề phủ nhận sức mạnh, lẫn tầm ảnh hưởng vô song của nó. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền.” Hay là “Nén bạc đâm toạc tờ giấy.” Nếu không có sẵn quyền cao chức trọng, mà lắm tiền nhiều của, thì người ta cũng vẫn được nể nang, trọng vọng, cũng có thể ngoi dần lên vị thế cao, lên hàng khanh tướng. “Có tiền mua tiên cũng được” kia mà!

Thực ra, người ta mê tiền bạc, vì nó không chỉ giúp nuôi sống bản thân và gia đình, mà còn có thể củng cố, biến đổi cơ cực, gian lao, vất vả, thành nhàn hạ, sung túc, biến đổi thân phận tầm thường thành người danh giá, biến sự rủi ro, yếu đuối thành may mắn và quyền lực.

Chung quy, người ta làm nô lệ cho tiền của, vật chất, vì chúng phục vụ lại cho chính bản thân. Có nghĩa là con người làm tôi mọi cho chính bản ngã, cho ngay chính mình. Con người tự tôn thờ mình, chứ chẳng cần đoái hoài, tôn thờ thần thánh nào khác.
Vì thế, Đức Giêsu muốn giải thoát con người khỏi ách nô lệ tiền của, thoát ra khỏi cái tôi vị kỷ, khi khuyên nhủ đem nó phục vụ tha nhân: “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí.” (Lc 12, 33) Chính là của để dành cho đời sau.

Làm tôi cho Chúa

Người quản lý bất lương khôn khéo dùng tiền của bất chính mua cho mình sự bảo hiểm an cư sau này. Còn Phùng Hoan đổi tiền bạc, của cải lấy tình nghĩa cho Mạnh Thường Quân. Cả hai người đều có thể giúp cho người Kitô hữu, cảnh tỉnh và nhận thức hơn về sự chọn lựa giữa cái bấp bênh, hư nát với cái ổn định, bền bỉ, giữa phù vân và vững chãi, giữa nhất thời và vĩnh cửu.


Thông thường, ai cũng đều mong muốn, ưa chuộng tự do, đều muốn tự mình quyết định mọi việc, mọi tình huống, mọi nơi, mọi lúc. Nhưng lại cũng rất dễ mù quáng trở nên nô lệ vào vật chất, thói quen, đam mê, nô lệ vào tiện nghi, nô lệ vào quan niệm và dư luận xã hội, nô lệ vào khuynh hướng hưởng lạc, duy vật, hay rõ ràng là nô lệ vào nền văn minh sự chết.

Thoát ra khỏi vòng kiểm tỏa, nô lệ tiền tài, của cải vật chất, cũng là thoát ra khỏi cái vỏ ốc ích kỷ, vô cảm, bất khoan nhượng, bất nhân, bất nghĩa, để có thể yêu thương, tha thứ và phục vụ tha nhân, thì mới có thể làm tôi cho Chúa, theo Chúa và thờ phượng Ngài.
Do vậy, điều kiện tiên quyết theo Chúa, chọn Chúa làm sản nghiệp, là phải từ bỏ mọi sự, vật chất danh lợi, thậm chí bỏ cả chính mình, chấp nhận đau thương, khổ ải, vác thánh giá bổn phận, trách nhiệm, lý tưởng để theo Đức Giêsu.

Làm tôi cho Chúa có nghĩa thoát khỏi xiềng xích nô lệ vật chất, thế gian, từ bỏ con đường bằng phẳng, dễ dãi, trơn tru, từ bỏ những gì thân xác ham muốn, thích thú, hay thỏa mãn, mà đi theo con đường chông gai, thử thách, nhọc nhằn, đau đớn, bầm dập, tả tơi cả thân xác lẫn tinh thần.

Làm tôi cho Chúa cũng còn có nghĩa xả kỷ vị tha, quên mình giúp người, sống cho người, sống vì người, tìm thấy Chúa hiện diện trong người khốn cùng, nghèo nàn, bênh hoạn, bơ vơ bị bỏ rơi.
Làm tôi cho Chúa nhất thiết cần trở nên chứng nhân đích thực của Đức Giêsu Chịu Đóng Đinh, trở nên đồng dạng, đồng hình và cùng đồng hành với Người trong sứ vụ Đi Gieo Tin Mừng.
“Con đừng lấy làm lạ, lúc theo Chúa, con nghe tiếng gọi của khoái lạc, của danh vọng, của cả bản thân, cha mẹ, quyến rũ con bỏ đường theo Chúa. Cứ tiến lên, Chúa đã nói trước: “Ai cầm cầy còn ngoảnh mặt lui, không đáng làm môn đệ Ta!” (Đường Hy Vọng, số 71)

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thoát khỏi xiềng xích của cải, tiền bạc, danh lợi, chức quyền, từ bỏ tất cả để theo Chúa. Xin giải thoát khỏi những đòi hỏi, cám dỗ, đam mê của thân xác, khỏi những quan niệm, thành kiến thế gian. Xin giải phóng con khỏi cái tôi ích kỷ, vị kỷ, để con biết nhìn đến tha nhân, yêu thương và phục vụ những nhu cầu cấp bách của anh chị em.

Lạy Mẹ Maria, xin cải hóa tâm hồn chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa chước cám dỗ, khỏi say mê những thứ phù phiếm, giúp chúng con biết khước từ tất cả những chướng ngại vật, để có thể hiến dâng theo Chúa. Xin cho chúng con được hiệp thông cùng Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ, hầu xứng đáng làm tôi tớ Chúa luôn mãi. Amen!


AM Trần Bình An 

No comments:

Post a Comment