Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cùng với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. (Ảnh: Reuters)
Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, Tổng Thống Trump trong tuần qua đã tham gia vào hai sự kiện rất đáng chú ý nhằm tìm kiếm
quyền lợi chính đáng cho đất nước ông, đàm phán thương mại với Chủ tịch
Trung Quốc bên lề Thượng đỉnh G-20 và bắt tay “cậu bé tên lửa” Kim Jong
Un trên lãnh thổ Triều Tiên.
Trước khi Thượng đỉnh G-20 diễn ra, quan
hệ Mỹ-Trung đi vào ngõ cụt và ở trạng thái căng như dây đàn kể từ tháng
Năm, thời điểm hai nước không thể đạt được thỏa thuận thương mại sau
khi Bắc Kinh yêu cầu đàm phán lại những điều khoản đã được thống nhất.
Hệ quả là, chính phủ Mỹ đã liên tiếp “ra đòn” mạnh tay với Trung Quốc
bằng việc áp thuế quan 25% với gói 200 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ quốc
gia bị coi là “đối thủ” chứ không phải “đối tác” dưới thời Trump, bên
cạnh việc đưa Huawei, tập đoàn công nghệ hàng đầu được Bắc Kinh chống
lưng, vào “danh sách đen” hạn chế hợp tác với các thực thể của Hoa Kỳ.
Các báo cáo kinh tế cho thấy Trung Quốc
đã chịu thiệt hại nặng sau các biện pháp trừng phạt của chính quyền
Trump. Ngoài việc dùng các “đòn” tấn công bằng chính sách, ông Trump
cũng gây sức ép lên Bắc Kinh thông qua vấn đề như Biển Đông và nhân quyền, đồng thời tận dụng tối đa truyền thông để truyền đi thông điệp cứng rắn: nếu ông Tập không gặp ông tại G-20 thì Hoa Kỳ
sẽ tiếp tục đánh thuế phần hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ trị giá hơn 300
tỷ đô còn lại của Trung Quốc, và buộc nước này phải đi vào “làn đường”
do ông chỉ định bằng tuyên bố rằng “Trung Quốc sẽ thực hiện một thỏa
thuận vì họ sẽ phải thực hiện một thỏa thuận”.
Và cuối cùng cuộc hội đàm được mong đợi
giữa ông Trump và ông Tập đã diễn ra, sau hơn một giờ thảo luận, Tổng
thống Trump nói rằng ông đã có một cuộc gặp “tuyệt vời” với lãnh đạo
Trung Quốc. Theo “tinh thần” của cuộc họp này, phía Mỹ “nhượng bộ” Bắc
Kinh một số vấn đề như tạm thời không tăng thuế đối với gói hàng nhập
khẩu còn lại từ Trung Quốc, “cân nhắc” đưa Huawei ra khỏi danh sách đen và dỡ bỏ việc hạn chế thị thực với du học sinh tới từ Đại lục.
Dễ thấy những “nhượng bộ” của Hoa Kỳ chỉ
là lời hứa gỡ bỏ sợi dây chính sách mà chính quyền Trump dùng để “trói”
Trung Quốc, tức nếu có thực hiện thì cũng là đưa mọi thứ về trạng thái
“bình thường”. Tuy nhiên, thứ mà Bắc Kinh đem đổi lại là những thứ hữu
hình, làm mất đi lợi thế vốn có của họ so với trước đây.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) hôm thứ Sáu
(28/6) cho biết Trung Quốc đã đặt mua một lượng lớn đậu nành của Mỹ.
Theo SCMP, cũng trong ngày thứ Sáu, phát biểu trong cuộc họp G-20, trước
khi gặp ông Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa rằng các
doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Trung Quốc là nạn nhân của các hành vi
trộm cắp tài sản trí tuệ sẽ được bồi thường, và sẽ có một kênh được
thiết lập để họ khiếu nại, đồng thời cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện
“các bước quan trọng” để tự do hóa nền kinh tế và giảm các hạn chế thị
trường đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Có thể thấy, những điều mà ông Tập hứa
chính là những điều mà chính quyền Trump muốn Bắc Kinh phải thực hiện để
đòi lại công bằng thương mại đã bị vi phạm trong thời gian dài, trải
qua nhiều chính quyền trước đây.
Phái đoàn Mỹ do Tổng thống Trump dẫn đầu cùng phái đoàn Trung Quốc do
Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu trong cuộc hội đàm bên lề Thượng đỉnh
G-20. (Ảnh: Reuters)
Những phản ứng
Phản ứng trước việc Tổng thống Trump đưa
Trung Quốc trở lại bàn đàm phán thương mại và việc ông Tập đưa ra các
cam kết thể hiện sự nhượng bộ đối với Mỹ, nhà phân tích Andy Puzder của
Fox News trong một bài viết hôm Chủ nhật nói rằng Hoa Kỳ đang có một
tổng thống luôn đứng vững và mặc cả mạnh mẽ với Trung Quốc để mang về
lợi ích cho quốc gia.
Ông Puzder cho rằng với quan điểm cứng
rắn, không nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi gian lận thương mại của
Trung Quốc, với những bước đi vừa qua, ông Trump có thể mở ra một cánh
cửa thương mại thực sự tự do và công bằng giữa hai nền kinh tế lớn nhất
thế giới, mang về cho nước Mỹ một hợp đồng kinh tế quan trọng bậc nhất
trong lịch sử.
Cây viết của Fox News nhận định, ông Tập
dường như cuối cùng đã nhận ra rằng không giống như các tổng thống Mỹ
trước đây, Trump là một nhà đàm phán bậc thầy, người sẽ không bao giờ
đầu hàng trước các chiến thuật gây áp lực của Trung Quốc. Vì như ông chủ
Nhà Trắng thứ 45 đã tuyên bố, thà không có thỏa thuận còn hơn là chấp
nhận một thỏa thuận bất lợi.
CNBC hôm thứ Bảy cho hay, các tập đoàn
kinh tế của Hoa Kỳ đã ca ngợi quyết định của Tổng thống Donald Trump cho
khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, và bày tỏ
mong muốn thay đổi được trong thời gian dài các “hoạt động thương mại
không công bằng” của Bắc Kinh.
“Trung Quốc phải cam kết giải quyết các
tập quán thương mại không công bằng và các chính sách công nghiệp lâu
đời cản trở một sân chơi bình đẳng cho các công ty Hoa Kỳ”, ông Myron
Brilliant, phó chủ tịch điều hành của Chamber, nói.
“Một thỏa thuận thương mại, không phải
là một cuộc chiến thương mại, chính xác là những gì các nhà sản xuất đã
ủng hộ trong năm rưỡi qua, và cuộc họp ngày hôm nay [giữa Tổng thống
Trump và Chủ tịch Tập] đưa chúng ta đến gần hơn với mục tiêu đó”, Hiệp
hội các nhà sản xuất quốc gia (NAM) của Mỹ bày tỏ quan điểm.
Container và xe tải được nhìn thấy vào một ngày tuyết rơi tại cảng Thanh
Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vào ngày 10 tháng 12 năm 2018. Các báo
cáo gần đây cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã suy giảm sâu do ảnh hưởng
của cuộc chiến thương mại với Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Cuộc gặp lịch sử được thực hiện từ ý nghĩ ‘bất chợt’
Sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều thất bại ở Việt
Nam hồi cuối tháng Hai, Triều Tiên cho thấy những dấu hiệu quay lại với
chương trình hạt nhân bằng hai vụ bắn tên lửa ra biển Hoa Đông. Phản
ứng trước việc này, Tổng thống Trump vẫn giữ thái độ bình tĩnh và nói
rằng ông tin Kim giữ lời hứa với mình và luôn khẳng định có một “tình
bạn” đẹp với lãnh đạo Bắc Hàn. Mặc dù vậy, quan hệ Mỹ-Triều vẫn lạnh
nhạt trong nhiều tháng qua.
Nhưng triển vọng phi hạt nhân hóa Triều
Tiên trở nên tươi sáng hơn khi trong chuyến thăm tới Hàn Quốc vào ngày
thứ Bảy, sau khi kết thúc Thượng đỉnh G-20, Tổng thống Trump “bất chợt”
có ý tưởng đề nghị gặp Kim Jong-un ngay ở giới tuyến hai miền Triều
Tiên. Trước đề nghị thân thiện của tổng thống Mỹ, Bình Nhưỡng đã có phản
ứng tích cực, hãng truyền thông Trung ương Triều Tiên KCNA trích lời
một quan chức cấp cao nói rằng ông Trump đã đưa ra “một đề nghị rất thú
vị”, và nó sẽ là một “sự kiện rất có ý nghĩa”.
Cuộc gặp lịch sử đã diễn ra, lần đầu
tiên một Tổng thống Hoa Kỳ gặp gỡ lãnh đạo cao nhất của Bắc Hàn ngay ở
Bàn Môn Điếm, địa điểm nằm giữa hai miền Triều Tiên. Vào 15h45 (giờ
Triều Tiên, khoảng hơn 13h giờ Hà Nội), ông Kim Jong-un với gương mặt
tươi cười chủ động tiến về phía Tổng thống Mỹ bắt tay và nói bằng tiếng
Anh rằng “Rất vui được gặp lại ngài”, sau đó mời ông Trump bước qua biên
giới.
Ông Trump bước đi khoảng 20 bước trên
lãnh thổ Triều Tiên, sau đó bắt tay Kim Jong-un và khẳng định đây là
“bước tiến tốt đẹp” trong quan hệ hai nước. Lãnh đạo Mỹ-Triều sau đó
quay lại phía lãnh thổ Hàn Quốc và có cuộc họp ba bên Mỹ-Hàn-Triều kéo
dài trong khoảng gần một giờ đồng hồ trước khi Tổng thống Trump và Moon
tiễn Kim qua biên giới. Sau đó Kim Jong-un nói rằng cuộc gặp với ông
Trump là chỉ dấu cho thấy từ giờ hai bên “có thể gặp nhau bất kể lúc
nào”.
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống
Moon tại Bàn Môn Điếm, ông Trump ca ngợi cuộc họp ba bên hôm Chủ Nhật là
“một ngày huyền thoại, một ngày lịch sử” và cho biết ông đã thống nhất
với Kim Jong-un rằng sẽ khởi động lại cuộc đàm phán hạt nhân bị ngưng
trệ từ nhiều tháng nay. Các đoàn đàm phán của Mỹ-Triều sẽ bắt đầu gặp gỡ
và thảo luận trong hai đến ba tuần tới, mặc dù vậy ông Trump khẳng định
sẽ không vội đi đến một thỏa thuận với Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang bước
qua phần lãnh thổ Triều Tiên trong cuộc gặp lịch sử ngày Chủ nhật. (Ảnh:
Reuters)
Chưa vội
Tuy ông Tập đã đưa ra các cam kết mà Hoa
Kỳ mong muốn, ông Trump cho thấy sự thận trọng khi không muốn tiến tới
quá nhanh một thỏa thuận mà ở đó lợi ích của nước Mỹ không được đảm bảo.
Reuters cho hay, hôm thứ Bảy, Tổng thống
Trump nói rằng cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là tốt hơn
nhiều so với dự kiến, hai bên đã trao đổi và thống nhất nhiều vấn đề,
tuy thế ông sẽ “không vội vàng” đi đến một thỏa thuận thương mại với
Trung Quốc.
“Tôi không vội vàng, nhưng mọi thứ có vẻ
rất tốt”, ông Trump viết trên Twitter, đề cập đến các cuộc đàm phán
thương mại đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh.
“Chất lượng của các cuộc đàm phán đối
với tôi quan trọng hơn nhiều so với tốc độ [đàm phán]”, ông Trump cho
hay. Theo Nikkei, ông Trump nói rằng ông muốn có “một thỏa thuận có lợi”
với Trung Quốc.
Sau cuộc hội đàm với Kim hôm Chủ nhật
ông Trump cũng khẳng định chưa vội đi tới một thỏa thuận hạt nhân với
Triều Tiên, vì có thể đúng như đánh giá của nhà báo Sean Hannity, người
dẫn chương trình nổi tiếng của Fox News, Tổng thống Trump trong các cuộc
đàm phán không muốn mang về một thỏa thuận tồi cho nước Mỹ, đơn giản
vì, ông muốn người dân của ông có được điều tốt đẹp nhất.
Viễn Triết
Nguồn: www.dkn.tv
No comments:
Post a Comment