Monday, July 8, 2019

Hành Vi Nhỏ, Ý Nghĩa Lớn - Nguyễn Văn Tuấn


Trong đời thường, thỉnh thoảng tôi gặp những hành vi nhỏ nhưng nó lại nói lên một cái “văn hoá” không hay ở người Việt mình. Tôi muốn nói đến cái văn hoá đi máy bay và đi thang máy ở VN qua hai câu chuyện mà tôi chứng kiến. Hai câu chuyện nói lên một thực tế là có lẽ nước ta phát triển nhanh hơn là sự “tiến hoá” của người dân.

Hôm đó, tôi đáp chuyến bay từ Đà Lạt về Sài Gòn, và ngồi cạnh tôi là một người hành khách rất phiền phức. Anh ta trong bộ trang phục quần đen, áo chim cò, lên máy bay một cách nghênh ngang. Ngồi xuống ghế hạng thương gia, anh ta móc hai cái điện thoại ra để cái cốp trên bàn, lấn sang “sân” tôi, và làm như ra vẻ khoe khoang điện thoại xịn. (Mà xịn thật, vì một cái là Vertu mạ vàng và một cái iPhone mới nhất). Trong tư thế hai chân để nguyên đôi giầy đạp vào bức tường trước ghế, anh ta bật điện thoại nói chuyện oang oang và đùa cợt với ai đó bằng chất giọng Nghệ An hay Hà Tĩnh (tôi không phân biệt được). Khi cô tiếp viên trưởng đi ngang qua, cô ấy nhỏ nhẹ yêu cầu anh ta tắt điện thoại và để chân xuống, nhưng anh ta phớt lờ. Đến khi máy bay cất cánh, cô ấy lại đến nhắc nhở, nhưng anh ta nói “Tôi là người trong ngành của em mà, đừng nhắc nữa”; nói xong anh ta lại tiếp tục cuộc trò chuyện trên điện thoại cho đến khi mất sóng mới thôi! Qua cách nói chuyện mang tính “dê” của anh ta với tiếp viên (và cô tiếp viên cũng có vẻ vui vẻ được dê), tôi mới biết anh ta là thầy giáo dạy trong trường dành cho tiếp viên của VNA!

Chuyến đi này tôi mướn một căn phòng nhỏ nhưng đầy đủ trong nội thành Sài Gòn. Cái toà nhà 19 tầng, ngoài 10 tầng cho mướn như khách sạn, còn có rất nhiều văn phòng của các công ty nổi tiếng trong và ngoài nước. Mỗi ngày, có nhiều nhân viên văn phòng đi làm. Ai cũng xinh đẹp và ăn mặc rất “business”. Nhất là các cô, ôi thôi, áo veston dạng business, váy trên đầu gối, nào là guốc cao gót (rất dễ té và gãy xương), nước hoa loại mắc tiền, mặt mũi thì phấn son rực rỡ cứ như là sắp đi hát cải lương. Tưởng những người như thế là hành xử lịch sự, nhưng tôi lầm to. Cứ mỗi lần thang máy mở cửa, họ xông vào thang máy, chẳng cần chờ người trong thang bước ra. Không có xếp hàng gì cả, mạnh ai nấy xông vào. Ngày nào cũng như thế. Có ngày tôi suýt không ra khỏi thang máy được, vì họ đông quá và chen nhau đứng, làm tôi rất khó di chuyển. Mấy ông bà Tây chỉ biết lắc đầu kiểu “bó tay”. Tôi thật không nghĩ ra tại sao những con người bề ngoài trông có vẻ sang trọng và “business” như thế mà lại có một hành vi hết sức kém văn minh và kém  văn hoá.

Hai câu chuyện đó cứ ám ảnh tôi cho đến nay, sau khi đã về lại Sydney. Tôi nghĩ hai câu chuyện nói lên nhiều khía cạnh liên quan đến quan trí và đạo đức xã hội ở VN. Ai cũng biết các quan chức Việt Nam rất quan liêu, hống hách, xem dân như cỏ rác (dù họ lúc nào cũng tụng niệm câu “học tập và làm theo tấm gương bác Hồ vĩ đại”)! Nhưng có một khía cạnh khác còn nguy hiểm hơn cái thái độ đó với dân, và đó là cách họ xem tài sản quốc dân như là … của họ. Vì xem như thế, nên họ sử dụng các tài sản này một cách vô tội vạ. Họ có thể bảo một hãng máy bay nhà nước chờ cho họ xong buổi tiệc rồi hãy bay. Họ có thể chận khách lại để họ được ưu tiên bay trước. Thậm chí, họ có thể gạt một quốc khách sang một bên để họ chiếm luôn ghế của quốc khách đó. Khi lên máy bay, họ xem đó là nhà của họ, nên muốn làm gì thì làm, và chọn gì thì chọn, bất chấp qui định. Loại suy nghĩ được thể hiện qua thái độ như thế là biểu hiện của một tư duy chiếm đoạt, thậm chí cướp đoạt, chứ không phải tư duy dân chủ và bình đẳng.

Cái hành vi đi thang máy mà tôi đề cập theo tôi nó thể hiện một tư duy chụp giật. Họ muốn được đi trước, bất chấp lợi ích của người khác. Không phải chỉ đi thang máy, mà trong nhiều thói quen tôi quan sát trên đường, đặc biệt là lái xe, cũng có tư duy chụp giật. Ai cũng tranh giành cho mình một chút centimetre đường. Họ sẵn sàng chạy luôn lên lề đường, cắt đường, và bất chấp an toàn cho người đi bộ, chỉ để được đi trước người khác. Cái tư duy “cắt đường” này còn bàng bạc trong kinh doanh, dịch vụ, thậm chí trong thị trường mua quan bán tước.

Từ cắt đường dẫn đến tư duy kỳ quái “đi tắt đón đầu” trong các chính sách về khoa học và giáo dục. Hệ quả là người ta chạy theo những cái ngọn, và mất cái gốc. Hệ quả là nhiều công trình chỉ làm cho có hay xây trên cát, làm để chào mừng cái gì đó, nhưng hoàn toàn không có thực chất. Những toà nhà được xây rất “hoành tráng” (nếu nhìn từ ngoài), nhưng nếu nhìn kỹ thì ngay cả cách lót những viên gạch cũng chưa đạt, cách làm cầu thang thiếu an toàn, và những đường nối thì ôi thôi nhếch nhác. Những nhà hàng trông sang trọng phía trước, nhưng khi xem cái toilet thì … hỡi ôi. Nhưng nếu có ai đó nêu vấn đề thì sẽ bị mắng cho là “tiểu tiết”!

Tình trạng trên cũng giống như cách những chậu bông được dàn dựng thành những câu chữ màu mè như “quang vinh muôn năm” nhan nhản khắp nơi, nhưng khi đến gần và nhìn kỹ thì đằng sau dòng chữ đó thì mới thấy những chấp vá manh mún, với đất cát vương vãi nhầy nhụa khắp nơi. Một đất nước mà chỉ chú trọng cái bề ngoài, nhưng không lo cái thực chất thì làm sao phát triển bền vững được; đó chỉ là giả tạo, và giả tạo là gần với lường gạt. Nhưng tiếc thay, hình ảnh thật của đất nước chúng ta ngày nay cũng giống như những chậu bông đó.

Nguyễn Văn Tuấn

1 comment:

  1. Chuyện ....thường ngày ở Huyện. Cám ơn chi TK đã chuyển bài. Cám ơn Tác giả.
    KP.

    ReplyDelete