Sunday, November 17, 2019

Những Người Ngủ Muộn - Trang Châu

Hình minh họa 

Hội thành hình nhưng không đăng k‎ý. Chủ tịch là Jean Paul. Không ai bầu Jean Paul vào chức vụ đó cả nhưng cũng không ai phản đối khi hắn điều hành công việc y như một ông chủ tịch. Nếu không gặp mặt mà chỉ nghe tên người ta đều tưởng Jean Paul là một anh Tây nhưng hắn là gốc Việt chính hiệu. Cái tên Jean Paul được gắn cho Phúc, tên thật của hắn, là vì thời còn ở Sàigòn trước 75, những chiều cuối tuần hắn hay lững thững đi trên đường Catinat túi sau của chiếc quần jeans bạc thếch lúc nào cũng cồm cộm cuốn sách loại bỏ túi “Cơn buồn nôn” của Jean Paul Sartre. Dạo ấy chưa quá hai mươi tuổi đầu mà mở miệng ra là hắn như nôn mửa vào cái xã hội đương thời với cuộc chiến tranh ngày một hung hãn, mở miệng ra là hắn triết lý về đủ thứ đề tài. Bạn bè nửa đùa nửa mỉa gọi hắn là Jean Paul, gọi riết rồi quên mất cái tên Phúc của hắn. Jean Paul học trường Jean Jacques Rousseau, gọi tắt là J.J.R.. Năm cuối hắn học ban Triết. Bài triết nào của hắn cũng được thầy dạy triết mang ra đọc và phê bình. Có lần bài của hắn gây ra tranh cãi sôi nổi trong lớp, tranh cãi có khi giữa hắn và thầy, có khi giữa hắn và đám con gái. Khi nói đến Sartre thầy chịu câu “địa ngục là kẻ khác”(1) nó cãi lại “chúng ta cõng tật xấu của chính chúng ta trên lưng mình”(2). Rồi khi thầy hỏi cả lớp giữa trai gái có tình bạn thật sự không, đám con gái nhao nhao bảo có, hắn bảo không, hắn xác quyết tình bạn giữa trai gái chỉ là thứ tình yêu trá hình chưa ló dạng mà thôi. Lần nầy chính thầy đồng ‎ý với hắn khiến đám con gái đỏ mặt phản đối luôn cả thầy. Học ban triết, giỏi triết thế mà hắn rớt tú tài II cả hai kỳ. Chỉ vì hắn chê không thèm học Toán và Vật Lý. Học lại hắn biết lo hơn nên đậu ngay kỳ đầu. Cái mộng được du học Pháp ở Sorbonne của hắn không thành vì gia đình hắn không hiểu sao dở chứng không muốn cho hắn đi du học nữa. 

Bất mãn, hắn muốn sống tự lập nên thi vào đại học sư phạm 3 năm. Ra trường hắn được bổ đi dạy môn Pháp văn cho một trường trung học ở Cần Thơ. Hai năm sau hắn bê cô học trò lớp đệ nhất của hắn về làm vợ. Lấy vợ được hơn năm hắn sắp tính có con thì miền Nam mất. Chạy ra hải ngoại, tự do hắn giữ được nhưng địa vị xã hội thì tuột dốc. Từ một ông giáo sư Pháp văn được học sinh và gia đình học sinh kính nể hắn rớt xuống làm công nhân viên của một hãng làm bố thắng. Trong hai năm hắn thay đổi sở làm ba lần. Cái tật tỏ ra hay chữ, hay triết lý khiến hắn đi làm đâu cũng bị đì. Vợ hắn khá hơn xin được một chân thâu ngân viên trong ngân hàng. Đời sống tưởng sẽ yên ổn, đùng một hôm vợ hắn bỏ nhà ra đi. Truy ra mới biết thằng giám đốc chi nhánh ngân hàng mê vợ hắn bỏ vợ nó mà bê vợ hắn. Mất vợ hắn đau lắm nhưng ở cái thế tuột dốc như hắn bây giờ thì làm được gì. Hắn chỉ còn nước triết lý vớt vát để tự an ủi. “Trước kia mình lấy học trò mình làm vợ mà chẳng sao, nay thằng giám đốc chi nhánh ngân hàng có lấy nhân viên của nó làm vợ thì cũng chẳng sao.” Nhưng cùng lúc hắn nhận thức ra được một điều: Ở xứ người, thành phần tị nạn đến từ một xứ nghèo như hắn muốn vươn lên trong xã hội đầy cạnh tranh nầy phải có bằng cấp Đại học. Nghĩ mình dù gì cũng là dân trường Tây, một thằng J.J.R., ở một xứ nói tiếng Tây mà không ngóc đầu lên nổi là kém. Hắn còn cảm thấy nhói đau khi nghĩ con vợ hắn bỏ hắn có thể một phần vì hắn xuống cấp trong xã hội nầy. Jean Paul mất mấy đêm suy nghĩ xem đi học lại nên học ngành gì. Mọt sách như hắn chỉ có ngành quản thủ thư viện là thích hợp nhất. Học ngành này xong, kiếm được việc rồi, hắn sẽ không những có đủ tiền để sống, địa vị xã hội được nâng cao mà còn có vô số thì giờ để đọc sách nữa. Jean Paul như vừa tìm được một sinh khí mới, hắn hăng hái ghi tên đi học lớp đêm. Hắn được xếp học lại năm cuối trung học. Hắn mài đũng quần một năm ở trung học và ba năm ở Đại Học. Ra trường hắn xin được một chân quản thủ thư viện ở một thành phố cách Montréal chừng nửa giờ xe hơi. Đời sống vật chất coi như được bảo đảm hắn bắt đầu nghĩ đến chuyện làm lại cuộc đời. Nhưng hắn lại tự thề nếu không gặp được một người đàn bà đủ trình độ để hiểu hắn, hiểu không có nghĩa chịu đựng mà để khâm phục hắn thì thà rằng hắn ở vậy suốt đời. Không vợ không con, rãnh rỗi hắn hay tối tối ra quán Van Houtte uống cà phê đọc báo, đọc sách. Ngày thường hắn ngồi cho đến 11 giờ đêm, cuối tuần hắn ngồi đến 12 giờ, 1 giờ sáng mới về ngủ.

Ở quán Van Houtte, Jean Paul tình cờ gặp lại một thằng bạn thời lê la đường Catinat: Thằng Khâm. Trước 75, Khâm là nhà báo chuyên nghiệp tuy còn trẻ tuổi. Nó chuyên viết phóng sự. Ngòi bút nó nhọn lắm. Dạo ấy phong trào chống tham nhũng đang có đà. Mấy ông có máu mặt mà có tật kín sợ nó khui chuyện mình. Muốn nó để yên phải kín đáo tỏ ra biết điều. Khâm sống khá rủng rỉnh nhờ vào sự biết điều đó. Trong bốn cái dị tướng xấu của đàn ông, Khâm có hai: lùn và răng hơi mái hiên. Nhưng bù lại nó kể chuyện tếu rất có duyên nên phụ nữ, vào thuở trai thiếu gái thừa ấy, có người cũng chịu cái tài mà tạm quên cái sắc của nó. Thế nhưng, khi bỏ của cứu lấy người chạy ra khỏi nước năm 75, nó chạy đi có một mình. Khâm biết thức thời nó đi học nghề và trở thành thợ máy sửa xe hơi. Nghề tuy vất vả, tay chân mặt mày lấm lem nhưng cũng đủ sống. Tuy vậy con ma báo chí vẫn ám ảnh nó làm nó ngứa tay muốn quẹt bút những khi rảnh rỗi thì giờ. Đúng lúc một tờ nguyệt san ra đời tại nơi nó đang cư ngụ. Khâm tự nguyện xin làm phóng viên để viết tường thuật các sinh họat văn nghệ trong cộng đồng. Cái lối viết ngắn gọn, dí dỏm của nó được ông chủ nhiệm kiêm chủ bút tin tưởng. Khâm sắm thêm cái máy hình để có được những tấm hình đăng kèm theo bài viết của nó. Khâm khôn ngoan hiểu rằng ở cái xứ mà đụng chạm nhau một tí, không vừa lòng nhau một tí là nhận ngay thư của luật sư đòi bồi thường vì tên tuổi, nhân phẩm của thân chủ họ bị tổn thương, bị chà đạp. Cho nên thay vì đâm chọc, Khâm nghiêng ngòi bút mình sang phía bốc thơm. Ở đời ai chẳng thích khoe, ai chẳng thích được khen. Cụ Tú Xương cũng đã biết như thế hơn cả trăm năm trước đây rồi: “Chí cha chí choét khoe giày dép, đen thủi đen thui cũng lượt là.”. Thành phố nó ở đang có phong trào ca hát nghiệp dư. Thế là Khâm có mặt ở mọi sinh hoạt văn nghệ, văn nghệ bỏ túi, văn nghệ ái hữu, văn nghệ lạc quyên, văn nghệ hội thảo v.v… Giọng hát nào cũng được Khâm khen. Giọng hát nầy cao vút, giọng hát kia ngọt ngào, giọng hát nữa trầm ấm. Nếu không khen được một cách văn hoa như giọng hát tuyệt vời hoặc bình dân hơn như giọng ca hết sẩy, nó cũng ráng vớt vát giùm là tiếng hát hồn nhiên, hay giọng hát chân phương. Và Khâm được những người thích hát, nhất là phái nữ, yêu mến. Nó vẫn thầm mong trong đám phụ nữ yêu mến nó có một người cảm tài nó hay ít ra nhận thấy sự ưu ái của nó dành cho mình, dám cầm kéo cắt phăng chữ mến để chỉ còn lại chữ yêu cho nó nhờ vì nó bây giờ cũng đã quá tứ tuần rồi mà vẫn chưa lợp nổi cho mình một mái nhà. Nhưng thời gian cứ trôi đi và nếu có một vài dịp hiếm hoi Khâm quanh co muốn tỏ tình với một vài đối tượng lần nào nó cũng nhận được một câu trả lời na ná nhau: “Cảm ơn tình cảm đặc biệt anh dành cho nhưng chỉ xin coi anh như một người anh tinh thần.”.

Sau lần tình cờ gặp lại nhau, Jean Paul và Khâm hẹn nhau mỗi tuần phải ra quán hai tối thứ ba và thứ sáu, những tối khác tùy nghi. Nhưng trên thực tế chúng nó gặp nhau ít nhất 5 tối trong một tuần. Khâm nẩy ra ý kiến tìm cách kết nạp thêm những người cùng cảnh ngộ để cảm thông nhau và để cùng nhau nhìn quảng đời còn lại.

Hội viên thứ ba do Khâm dẫn tới là Hợp, cựu sĩ quan thám báo. Lúc bỏ nước chạy nó mang lon Trung úy. Ra nước ngoài nó chỉ đi làm nghề “thợ lặn” một thời gian ngắn. Thợ lặn được dịch từ tiếng Tây là plongeur. Plongeur ở đây là nghề đi rửa bát trong tiệm ăn. Sau đó Khâm nhất quyết thực hiện giấc mộng “phi thương bất phú” của nó. Hai vợ chồng nó mở một tiệm ăn Việt Nam. Gánh nặng đè trên hai vai vợ nó, là một người đàn bà vừa đảm đang, kỹ lưỡng vừa nấu bếp giỏi. Hợp chỉ có tài chỉ tay năm ngón. Tính nó lại độc tài và cộc. Thêm vào đó nhậu một tí vào là hay to tiếng gây gỗ. Thất thế nhưng nó không chịu lép vế. Không còn mang lon nó vẫn không bỏ cung cách của một ông sĩ quan chuyên ra lệnh và không ngừng coi vợ như một thượng sĩ thường vụ. Cho đến một hôm vợ nó quá mệt mỏi lớn tiếng chỉ trích con người vô tích sự của nó. Hợp nỗi dóa đánh vợ. Bất ngờ có anh chàng Ấn Độ hàng xóm cao bự bất bình vì chuyện hành hung đàn bà nhảy vào can thiệp. Nó giận dữ bỏ đi. Rồi khi nguôi ngoai tính trở về thì đã muộn. Vợ nó đã đâm đơn xin ly dị. Và anh chàng Ấn Độ hào hiệp đã nhảy vào thế chỗ của nó. Ở đời bao giờ cũng thế, có trong tay thì coi thường, mất rồi mới thấy tiếc, thấy quí. Bây giờ nó mới thấy kiếm được một người vợ vừa giỏi dắn vừa nhẫn nhục như vợ nó không phải dễ. Cái hôm, cách cả năm sau, nó bắt gặp vợ nó, mặt hoa da phấn, y phục đắt tiền, âu yếm đi cạnh anh chàng Ấn Độ mặt mày hớn hở đẩy cái xe nôi trong có thằng bé con da bánh mật đang nằm mút ngón tay, nó mới thấy rõ vợ nó khi ra đi đã nhất quyết không mua vé khứ hồi.
Thời gian đã hơn một năm rưởi mà vết thương lòng của Hợp vẫn chưa đâm da non, nên nó đến trình diện hội với bộ mặt của một anh chàng chưa tỉnh ngủ. Chờ cho mỗi đứa qua vài ngụm cà phê, Jean Paul mới bắt đầu giảng đạo. Bao giờ cũng thế, uống cà phê với Jean Paul đồng nghĩa đến ngồi nghe hắn thuyết pháp hay triết lý bất cứ về vấn đề gì bất chợt được nêu ra. Thằng Khâm trước khi dẫn Hợp đến có báo cho Jean Paul: “Thằng nầy đang sa sút tinh thần nặng mầy ráng nâng cấp nó lên một chút.”. Jean Paul hớp một ngụm cà phê, đặt tách xuống không nhìn Khâm, không nhìn Hợp, hắn nhìn ra đường và bắt đầu thao thao:
- “Khi mình hy vọng một điều gì quá độ, mình có cơ chuốc lấy thất vọng. Còn nếu mình biết mình không hy vọng gì nữa mình sẽ hết thất vọng, không hết ngay cũng sẽ hết từ từ. Đừng dại để tim mình bị khóa chặt bởi thất vọng. Tao nghĩ khi mình thất vọng là thời điểm mình đang ở trong đêm, đêm dài hay ngắn tùy trường hợp nhưng qua được đêm sẽ thấy được trời sáng. Bọn mình ngồi với nhau đây là để chờ bình minh. Chưa biết bình minh đến với đứa nào trước nhưng có chờ nó mới đến chứ. Bọn mình là những thằng đã nếm mùi bất hạnh. Thời gian đã giúp cho tao nhìn nỗi bất hạnh của tao bằng con mắt lạc quan hơn. Tao coi đó như một thử thách và xuyên qua thử thách đó tao nhận thức rõ hơn về cuộc đời. Tao thấy có cái mình muốn lắm khi cũng làm mình khổ không thua gì cái mình muốn mà không có. Cho nên khi mình đang khổ vì ở vị thế nầy đừng nghĩ rằng nếu được ở vị thế kia mình sẽ không khổ. Tao đã vượt qua được giai đoạn muốn buông xuôi tất cả, tao tự nhủ nếu mình bỏ cuộc nửa chừng thì bất hạnh sẽ không bao giờ rời bỏ mình, nó sẽ đeo đuổi mình dài dài. Tao cho bất hạnh lớn nhất của một đời người là khi mình không còn tin tưởng vào chính mình nữa. Như tao đã nói tao nhìn nỗi bất hạnh của tao bằng con mắt lạc quan nên có lúc tao thấy những bất hạnh của tao không chỉ hoàn toàn là những bất hạnh. Tao tìm thấy hạnh phúc trong nỗi cô đơn của tao, một thứ hạnh phúc không mấy tốn kém, một thứ hạnh phúc không tìm thấy trong hôn nhân. Trong hôn nhân mầy phải chạm mặt hàng ngày với những gì mầy phải làm, phải gồng mình làm những việc nhiều khi trong thâm tâm mầy mầy không muốn làm. Còn trong cô đơn trái lại mầy chỉ chạm mặt với chính mầy, với tất cả cái gì mầy đang có, với tất cả cái gì mầy đương là mà thôi.”.

Bài thuyết pháp vòng vo của Jean Paul thế mà có tác dụng tốt trên thằng Hợp. Nó nói nó sẽ xắn tay áo gây dựng lại sự nghiệp. Nó nói nó sẽ không chỉ tay năm ngón nữa, nó sẽ lăn mười ngón tay của nó, lăn sao cho nhuyễn. Phong trào dân Việt mở tiệm ăn Nhật đang thịnh hành. Hợp xoay xở khá nhanh để thành chuyên viên cuốn sushi cho một tiệm ăn Nhật khá lớn ở trung tâm thành phố. Tuy bận rộn với nghề mới, chỉ được nghỉ ngày thứ ba trong tuần, tối thứ ba nào Hợp cũng mò ra tiệm Van Houtte để uống cà phê với anh em. Thằng Khâm bỗng nhiên nỗi hứng muốn đặt một cái tên cho hội. Nó thỉnh ý thằng Jean Paul. Jean Paul cười cười chỉ tay, mắt nhìn qua phía bên kia đường rồi hỏi Khâm và Hợp:
- “Tụi mầy có thấy tiệm bên kia đường là tiệm gì không?”.
- “Tiệm “Couche-Tard”.
- “Thì lấy tên “Hội Những Người Ngủ Muộn”, nó hợp tình với bọn mình lắm.”.

Hội có thêm hội viên thứ tư do thằng Hợp giới thiệu. Nó tên Trầm. Năm mươi tuổi, chưa vợ, hình như cũng không có bồ nữa. Cha mẹ nó chọn cho nó cái tên thật đúng với con người nó. Trầm lầm lì ít nói, có nói cũng không dài dòng, giọng lúc nào cũng nghiêm trang như nét mặt của nó. Nghe nói gia đình nó tìm cách giới thiệu nhiều mối cho nó mà vẫn không xong. Thiên hạ có người xấu miệng nghi ngờ Trầm có cái gì không ổn bẩm sinh nơi bộ phận sinh dục. Hợp và Trầm biết nhau vì hai đứa là cựu học sinh trường trung học Hậu Giang. Cựu học sinh trường nầy ở đây trẻ già cở 15 mạng nhưng cũng lập hội, bầu ban chấp hành đàng hoàng cho có mặt với các hội ái hữu khác. Hợp chỉ là hội viên trơn còn Trầm nhờ phong cách đứng đắn bị tóm làm Phó Chủ Tịch Nội Vụ, hết nhiệm kỳ nầy sang nhiệm kỳ khác. Biết Trầm hay đi uống cà phê một mình, Hợp rủ nó nhập hội của Jean Paul. Ban đầu Trầm từ chối nhưng Hợp nói riết nó nể nhận lời. Nhưng nó rào trước là nếu không thích hợp nó sẽ rút. Jean Paul được Hợp mách lối trước rằng Trầm là mẫu người hơi yếm thế và có vẻ không cần đàn bà. Biết thì biết nhưng Jean Paul thuộc loại nói những gì hắn nghĩ mà không cần, không sợ người ta nghĩ gì về những điều hắn nói. Cho nên sau mấy ngụm cà phê, Jean Paul đăng đàn thuyết pháp:
- “Tao thấy cùng nhìn vào một sự việc mà thằng bi quan lúc nào cũng có cái nhìn ngược hẳn với thằng lạc quan. Lấy một thí dụ: ổ bánh mì ăn mất còn nửa ổ, thằng lạc quan vui mừng hô “còn nửa ổ bánh mì” trong khi thằng bi quan lầu bầu: “bánh mì mất đi nửa ổ”. Một thí dụ khác, lấy con đường đang đi, thằng lạc quan luôn luôn nhìn đằng trước, thằng bi quan chỉ nhìn đằng sau.”.
Bất ngờ Trầm chận Jean Paul lại để phát biểu:
- “Nhìn đàng sau hay nhìn đàng trước đều sai cả.”
Jean Paul đập mạnh tay xuống bàn một cách đắc chí:
- “Mầy nói đúng, nhìn trước nhìn sau gì cũng sai tuốt. Đi trên đường phải nhìn cả hai bên mới là khôn ngoan.”

Người thứ năm vào hội là tôi, do Khâm móc nối. Khâm lò dò đến tiệm thuốc của tôi gạ bán cái CD của một nữ ca sĩ vừa qua Montréal trình diễn. Tôi chính thức ly dị vợ được 3 tháng. Một cuộc chia tay không sóng gió. Vợ chồng sống với nhau đến một lúc nào đó cả hai đều nhận thấy có tiếp tục cũng không gây lại được cái hứng thú của thuở ban đầu. Chi bằng chia tay để mỗi người may ra còn có cơ hội tìm được một cái thuở ban đầu thứ hai. Chúng tôi trở nên không thù, không bạn nhưng cũng không là người dưng vì chúng tôi còn là cha mẹ của hai đứa con, một trai 19 và một gái 17. Chúng nó buồn nhưng không đến nỗi khổ, vì giữa chúng tôi không có tranh giành quyền lợi, không có tranh giành ảnh hưởng với con cái. Cả hai chúng tôi cùng nghề dược nên chúng tôi sắp xếp khá ổn thỏa: Nàng lấy cái nhà ở với hai đứa con, còn tôi giữ tiệm thuốc. Tôi thuê ấp ở một mình. Sau giờ làm việc buổi tối, tôi khá rảnh rỗi nên khi Khâm rủ tôi nhập hội tôi hưởng ứng liền.

Tôi ra tiệm Van Houtte lần thứ nhì thì gặp đủ mặt. Jean Paul nhập đề ngay:
- “Bọn mình hiện nay có 5 mạng, 3 thằng hết có vợ, một thằng muốn có vợ mà chưa có, còn một thằng chỉ biết nó đang một mình. Tao đề nghị hôm nay mình luận về đàn bà. Nhưng mình chỉ nên đề cập đến khía cạnh tốt hay ít ra khía cạnh khiến mình cảm thông được họ mà thôi. Mình nên làm người giới thiệu chứ không nên làm người phê bình. Phê bình phải khen chê, còn giới thiệu mình chỉ trưng ra cái hay cái chấp nhận được mà thôi. Phần tao, nói về đàn bà, tao thấy câu thơ sau đây của Racine nói lên hết ý nghĩ của tao về phái nữ: “Nàng bồng bềnh, nàng do dự, nói tóm lại nàng là đàn bà.”(3)
Thằng Khâm chen vào:
- “Tao đọc đâu đó câu nầy tao thích lắm: “Có hai cái đẹp trên đời: đàn bà và hoa hồng; có hai miếng ngon trên đời: đàn bà và trái dưa(4). Thằng cha nào nói câu nầy hợp ý tao quá Jean Paul?”
- “Triết gia Malherbe.”
Trả lời Khâm xong Jean Paul quay qua hỏi Hợp:
- “Còn mầy, mầy có ý nghĩ gì tốt, có kỷ niệm gì lành về đàn bà không?”
Thằng Hợp gãi tai, gãi tóc mấy cái rồi nói:
- “Con vợ trước đây của tao thế mà hay. Nó tập cho tao được một thói quen là trước khi rời chỗ làm nên vào phòng vệ sinh đi tiểu hay đại tiện. Một thói quen làm cho tao cảm thấy khoan khoái nhẹ nhàng trên đường về nhà mà lại còn tiết kiệm được giấy vệ sinh cho ở nhà nữa!”.
Jean Paul nhìn tôi:
- “Sang, mầy có ý nghĩ gì hay về đàn bà?”
Tôi chuẩn bị sẵn câu trả lời, một ý nghĩ riêng của tôi về đàn bà, một ý nghĩ mà tôi cho có lý mà không hàm một ác ý:
- “Tao thấy đàn bà giống như thiên nhiên, nếu mình chỉ nhìn ngắm thôi đừng đụng tới thì họ rất dễ thương.”
Đến phiên Trầm, nó lơ đãng nhìn lên trần nhà rồi nói giọng bình thản:
- “Khi mình tới được cái mức không cần đàn bà thì mình có thể không cần bất cứ gì còn lại trên đời nầy nữa.”

Đó là lần họp chót và lời nói chót của Trầm với hội. Nó không đến sinh họat nữa. Hai tháng sau cả bọn hay tin nó uống thuốc ngủ tự tử. Trong thư để lại cho gia đình nó giải thích hành động của nó như một việc phải đến khi cuộc đời nó đang sống “có sống thêm cũng không ích lợi gì.”

Hội mất thêm một hội viên thứ hai: thằng Hợp có bồ. Nó cặp được một em làm chung tiệm Nhật với nó. Chúng nó dự tính để dành vốn, học hết ngón nghề rồi ra mở một tiệm riêng. Con bồ nó muốn ăn chắc, trước khi chung vốn, chung giường, đòi nó làm đám cưới. Nhận được tin vui của Hợp, Jean Paul lên lớp sau lưng nó một câu:
- “Đứng dậy lại lần nầy thằng Hợp phải biết nó không vươn lên từ một thất bại, nó vươn lên từ một kinh nghiệm đắt giá.”
Ba đứa còn lại họp bàn có nên đi dự đám cưới của Hợp không. Thằng Jean Paul phán:
- “Hội Những Người Ngủ Muộn” dành cho những hội viên đơn chiếc đến tìm hạnh phúc trong bầu không khí cô đơn tập thể. Đi lấy vợ là bước ra khỏi vùng trời đó và những người đơn chiếc như bọn mình không nên có mặt ở những nơi có đôi. Tao đề nghị mình không đi dự đám cưới, chỉ chung tiền và viết mấy lời chúc là đủ.”
Khâm lãnh trách nhiệm viết lời chúc. Nó hí hửng:
- “Tao sẽ có hai câu thơ tặng thằng Hợp.”
Jean Paul trố mắt:
- “Mầy làm thơ? Trường phái nào? Có phải trường phái đêm ba mươi không?”
- “Tên gì kỳ vậy, tao chưa nghe bao giờ.”
Jean Paul cười khúc khắc:
- “Trường phái nầy chủ trương thơ càng tối mò càng sáng giá.”
Khâm lắc đầu hóm hỉnh:
- “Tao thuộc trường phái thơ Bút Tre.”
Hôm thu tiền, Khâm cho Jean Paul và tôi xem hai câu thơ của nó viết thay mặt hội tặng thằng Hợp. Đó là hai câu thơ của Hàn Mặc Tử bị nó thay đi một chữ, chữ đó lại được cố ý viết sai dấu, dấu nặng được thay bằng dấu huyền “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy, có kẻ theo vờ bỏ cuộc chơi.”(5)

Hội đến hồi mạt vận. Thằng Khâm, thợ sửa máy xe hơi, sau một chuyến âm thầm về Việt Nam với tấm danh thiếp rất kêu “Chuyên viên cơ khí hãng G.M.”, trở lại Montréal chạy ngược chạy xuôi làm thủ tục đưa một em sang. Nghe nó tả con vợ sắp qua của nó, Jean Paul và tôi lạnh người. Đẹp và còn trẻ, bé Phượng của Khâm nhỏ hơn nó 15 tuổi và nhan sắc theo nó tả, chứ không cho xem hình, na ná cô hoa hậu áo dài Long Beach được tổ chức bên Hoa Kỳ cách đây mấy năm. Tôi thực tình lo lắng cho Khâm:
- “Mầy có nghĩ em Phượng lấy mầy vì thương mầy hay chỉ vì muốn đi ra khỏi nước?”
Khâm đang lúng túng chưa có câu trả lời, Jean Paul bất ngờ đỡ đạn cho nó:
- “Chẳng sao, thắng trong hiểm nguy thắng mới vinh, mà lỡ có bại trong hiểm nguy bại cũng không nhục. Tao chỉ khuyên mầy phải giữ vững tinh thần khi bại, nhất là khi mầy chưa biết mùi bị đàn bà bỏ rơi nó như thế nào.”
Trước khi ra về Jean Paul kéo tôi nói riêng:
- “Phải có những thằng chấp nhận hiểm nguy như thằng Khâm hội mới hy vọng còn hội viên, chứ cứ nồi nào vung nấy hội sẽ khó tồn tại lâu dài, mầy hiểu không?”.

Hội viên thứ sáu do tôi giới thiệu làm Jean Paul sững sốt là một người nữ, một nha sĩ tên Cúc. Cúc là bạn học của tôi thời trung học. Nói là bạn chứ thật tình thuở ấy nếu tôi nguýt mắt một cái là nó đã trở thành bồ của tôi rồi. Tôi không sợ nhan sắc của Cúc chỉ sợ cái nói nhiều của nó. Lấy nó về nghe nó nói, nói nhẹ thôi cũng đã xốn tai huống hồ nói nặng chắc vỡ toang cả màng nhĩ. Cúc lấy chồng, có một con rồi ly dị. Tôi chẳng muốn hỏi lý do làm gì, cặp vợ chồng nào đổ vỡ, quanh đi quẩn lại cũng chỉ vì vài ba cái lý do cũ mèm.

Sau lần tôi dẫn Cúc ra Van Houtte uống cà phê, hôm sau Jean Paul gọi điện thoại cự nự tôi:
- “Sao mầy dẫn đàn bà vào hội?”
- “Điều lệ có chỗ nào cấm hội viên phái nữ không?”
- “Không, nhưng… “
- “Mầy không được kỳ thị.”
- “Tao chỉ ngại mình không được tự nhiên cô đơn thôi.”
- “Cô đơn không phân biệt giống đực, giống cái. Cúc nó cũng đang cô đơn như mầy và tao, thế là nó đủ điều kiện vào hội rồi.”

Nhưng rồi đến lượt tôi sững sốt. Một con nói nhiều như Cúc lại có vẻ hợp với một thằng hay triết lý dạy đời như Jean Paul. Rất mau Cúc tỏ ra thán phục Jean Paul. Mắt nó mở lớn, miệng nó há to, như chờ sẵn để hớp từng lời của Jean Paul. Cúc như một tín đồ đang say sưa nghe lời giảng của giáo chủ.

Ba tháng sau Jean Paul gọi điện thoại cho tôi biết hắn sắp dọn về ở chung với Cúc. Hắn cười sằng sặc trong máy:
- “Tao nhường chức chủ tịch lại cho mầy. Ráng ngồi uống cà phê một mình vài tháng đi. Thế nào cũng có hội viên mới. Và không chừng sẽ có hội viên cũ trở về sinh hoạt lại.”.
Văn bản do tác giả gửi Văn Việt
—————-
(1) “L’enfer c’est les autres”. Jean Paul Sartre.
(2) “Nous portons nos vices sur nos dos”?
(3) “Elle flotte, elle hésite; en un mot elle est femme”. Jean Racine (Athalie)
(4) “Il n’y a que deux belles choses au monde, les femmes et les roses, et que deux bons morceaux, les femmes et les melons”. Malherbe
(5) “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Hàn Mặc Tử (Gái quê)

Trang Châu
http://vanviet.info

No comments:

Post a Comment