Trong một gia đình, khi
nói “người ngoài” là chỉ những người không thuộc gia đình hoặc dòng họ đó.
Trong một làng, một nước khi nói “người ngoài” là chỉ người làng khác, tỉnh
khác hoặc nước khác. Nói chung để chỉ người xa lạ không thân thuộc. Người ngoài
còn được dùng để nói đến những người dù quen thuộc với ta về mặt thể chất nhưng
tâm hồn, cư xử thì như người ngoài.
Trong một gia đình, người cha hết giờ làm liền tụ tập
nhậu nhẹt không biết ở gia đình xảy ra chuyện gì, không biết con cái học hành
ra sao, càng không để ý vợ có tâm sự vui buồn gì… lâu ngày người cha sẽ tự biến
mình thành người ngoài tuy trên danh nghĩa vẫn là cha của con, chồng của vợ,
tên vẫn sừng sững trong sổ hộ khẩu gia đình. Anh ta có thể không nhận ra mình
đang tự biến bản thân thành người ngoài, vợ con anh ta có thể nói hoặc không
nói ra, nhưng về bản chất đích thị anh ta đã trở thành người ngoài ngay trong
chính cái gọi là gia đình.
Những thành viên khác trong gia đình cũng vậy, rất dễ
tự trở thành người ngoài nếu họ không có những tình cảm, trách nhiệm, quan tâm
đúng đủ như nó cần phải có. Dưới góc độ một gia đình nhỏ, ta thấy đó là việc
riêng, nhưng xin thưa, trên bình diện xã hội, đã và đang có rất nhiều người tự
biến mình thành kẻ người ngoài gia đình.
Nó có đơn thuần chỉ là vấn đề của mỗi gia đình? Dạ
không. Đó là vấn đề xã hội. Một người tự biến mình thành người ngoài ngay trong
chính gia đình mình thì làm sao có thể là người có trách nhiệm với bất cứ ai
khác? Tình yêu, trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, dân tộc là thứ phải được
nuôi dưỡng từ nhỏ, thông qua tình yêu và trách nhiệm với gia đình.
Văn hóa Việt Nam xưa nay đặt nặng tính huyết thống
trong gia đình nên các thành viên còn lại đều cố nhịn kẻ “người ngoài” có cùng
quan hệ gia đình kia để cố giữ gìn tính toàn vẹn của một gia đình. Họ đã không
thẳng thắn giải quyết vấn đề, kẻ người ngoài không được nhắc nhở, trao đổi để
thay đổi tư duy hoặc không được giúp đỡ hỗ trợ điều trị những vấn đề tâm lý để
hiểu đúng và rõ về gia đình, tình yêu, trách nhiệm nhằm sống cho đúng, cho trọn
với gia đình với người và với đời. Càng ngày con người với con người trong gia
đình Việt, xã hội Việt càng đối xử với nhau bằng thứ tình cảm giả tạo. Con
người ngày càng thờ ơ vô cảm.
Thế hệ này sang thế hệ kia, việc tự biến mình thành kẻ
người ngoài gia đình, người ngoài cộng đồng, người ngoài xã hội, người ngoài
đất nước diễn ra có tính hệ thống bởi di chứng của vòng lặp bệnh lý văn hóa. Dù
có tính hệ thống, nhưng nó không thực sự là được tổ chức mà chỉ diễn ra trong
vô thức, âm thầm. Họ – những kẻ người ngoài – cũng là nạn nhân.
Việt Nam hiện nay có rất nhiều vấn đề bất ổn về kinh
tế, chính trị, xã hội, cần sự chung tay góp sức của rất nhiều người để thay đổi
hiện trạng xã hội, xây dựng một đất nước văn minh và tốt đẹp, hạnh phúc hơn cho
mọi người. Những vấn đề như môi trường ô nhiễm nặng, thực phẩm bẩn và quá đắt
đỏ, an toàn giao thông,… đời sống sát sườn bị đe dọa nhưng nhiều người dân vẫn
không quan tâm và đấu tranh cho chính mình.
Một vùng biển bị xả thải gây ra tình trạng cá chết
hàng loạt, ảnh hưởng sức khỏe người dân cả nước nhưng chỉ vài ngàn người lên
tiếng và xuống đường đòi hỏi chính quyền giải quyết rốt ráo, phần lớn hơn chín
mươi triệu dân Việt vẫn chỉ ngồi ngó bởi họ đã tự đặt mình vào vị trí của kẻ
người ngoài.
Phần lớn người Việt, về bản chất, đã là kẻ người
ngoài nên họ không quan tâm, họ sẵn sàng rời đi tìm một môi trường khác để sống
chứ không hề có ý muốn cải thiện xã hội. Trong gia đình, người Việt không biết
cách giải quyết những vấn đề nhỏ nên trên bình diện xã hội người Việt cũng
không biết cách giải quyết khi gặp vấn đề. Bản chất là kẻ người ngoài nên lựa
chọn bỏ nước ra đi là một lựa chọn hoàn toàn hợp với lý lẽ của họ. Chưa bỏ nước
đi được bằng mọi cách thì người ta tự bịt mắt, bịt tai, bịt miệng lại hoặc giả
có nhìn có nghe thì cũng như không thấy không hiểu để trốn tránh.
39 người chết trong xe container ở Anh, hôm nay có tin
cho rằng toàn bộ họ là người Việt. Sau những xót xa thương cảm cho thảm kịch,
cho thân phận đồng loại, sau những xúc động và cả những chửi mắng nạn nhân rồi
thì, là người Việt – chúng ta nghĩ gì?
Chúng ta sẽ quên sự kiện đó đi sau vài ngày nữa, chúng
ta tiếp tục sống cách chúng ta đang sống và chờ thảm kịch tiếp theo xảy đến,
hay chúng ta buộc phải suy ngẫm thật kỹ xem nguyên nhân từ đâu và tìm cách thay
đổi nó?
Theo facebook Nguyễn
Thị Bích Ngà
No comments:
Post a Comment