Tuesday, July 2, 2024

Cây Đèn Dầu Của Ông Nội - Quỳnh Chi Dịch

Hình minh họa


Trong lúc chơi trò trốn tìm, Toichi đi trốn trong nhà kho, đã chui vào một xó nhà, rồi lúc trở ra cầm theo một cây đèn dầu.


Đó là một cây đèn có hình thù thật lạ. Chân đèn làm bằng ống tre lớn dài chừng 80cm, trên cùng có một chỗ để châm lửa nho nhỏ, bóng đèn thủy tinh thì hình ống dài. Thoạt nhìn không biết đó là đèn dầu.

Vì vậy, mới đầu mọi người lầm tưởng đó là khẩu súng thời xưa.

Sohachi đang đóng vai quỷ đuổi bắt chúng bạn, bảo:

- Cái gì đấy, súng à?

Ông nội của Toichi cũng không biết đó là cái gì. Lát sau ông chăm chú nhìn qua mục kỉnh, mãi mới nhận ra.

Khi biết đó là cây đèn dầu, ông liền quở trách bọn trẻ con:

- Này này, chúng mày đem cái gì ra thế này. Bọn trẻ này thật là lạ! Hễ để yên cho chơi, là bạ cái gì cũng lấy ra chơi được. Cứ như là bọn kẻ trộm hay lũ mèo, không thể sơ sểnh với chúng mày được. Nào, hãy đem cái ấy lại đây cho ông, rồi ra ngoài kia mà chơi. Ra ngoài ấy chơi, thì có bao nhiêu thứ, như là cột đèn điện này, đủ cả, tha hồ mà chơi.

Bị mắng, lũ trẻ mới biết hình như chúng đã làm điều gì sai trái. Thế là từ Toichi là đứa đã đem cây đèn dầu ra, cho đến lũ trẻ con hàng xóm chẳng lấy cái gì trong nhà kho ra cả, cũng lấm la lấm lét, rón rén đi ra ngoài đường.

Bên ngoài giữa buổi trưa có ngọn gió đầu xuân thỉnh thoảng thổi qua làm tung bụi đường, có vết bánh xe trâu chậm rãi đi qua, và cánh bướm trắng đang đập liên hồi bay qua. Đúng là có những cột đèn đường dựng đây đó. Thế nhưng lũ trẻ không chơi đùa quanh cột đèn điện. Chúng cứ làm như thể hễ người lớn bảo chơi theo kiểu gì mà chỉ biết chơi theo đúng kiểu ấy thôi thì chỉ là đồ ngốc.

Thế nên bọn trẻ thọc tay vào trong túi áo, vừa cọ cho những viên bi trong túi chạm vào nhau phát ra những tiếng kêu, vừa nhảy chân sáo tuôn ra bãi đất rộng. Chẳng mấy chốc, bọn trẻ đã mải mê với những trò chơi của chúng, mà quên khuấy cây đèn dầu.

Chiều xuống, Toichi quay về nhà. Cây đèn dầu ấy vẫn để ở góc nhà.Thế nhưng Toichi im thin thít, chỉ sợ hễ nói ra điều gì thì lại bị ông mắng cho.

Sau bữa cơm chiều là đến khoảng thời gian buồn chán nhất. Toichi hết tựa người vào hòm tủ, cầm tay nắm ngăn kéo hình vòng tròn đập cho kêu cành cạch, lại ra ngoài hiệu sách đăm đăm nhìn ông giáo có hàng râu mép dậy ở trường nông nghiệp đang nói chuyện với người quản lý, để đặt mua quyển sách có tựa đề rất khó, hình như là”Lý luận và thực tế cách trồng củ cải”.

Nhưng nhìn mãi cũng chán, Toichi lại quay trở vào trong góc phòng khách, chờ đến lúc không có ông nội ở đấy, liền xán đến gần chiếc đèn dầu, nào mở bóng đèn ra xem, nào xoay cái núm vặn bấc đèn to bằng đồng bạc trắng năm xu, cho bấc đèn nhô lên thụt xuống.

Toichi đang mải mê táy máy chiếc đèn dầu thì lại bị ông nội bắt gặp. Nhưng lần này ông không quở mắng. Ông sai chị Toichi đi châm trà, rồi ông vừa tháo chuôi ống điếu hút thuốc lá, vừa bảo:

-Cháu Toichi à, ông có rất nhiều kỷ niệm với cây đèn dầu này. Lâu ngày nên ông đã quên khuấy, hôm nay nhờ có cháu lấy từ trong xó nhà kho ra, làm ông nhớ lại những chuyện ngày trước. Đến tuổi của ông bây giờ, hễ gặp lại cây đèn dầu hay bất cứ thứ gì từ ngày xưa, cũng đều thấy vui cả.

Toichi cứ ngẩn người há hốc miệng ra mà nhìn vào mặt ông nội. Nó cứ tưởng sẽ bị ông nổi giận mắng cho một trận, nào ngờ ông lại vui mừng vì gặp lại được cây đèn dầu thuở xưa.

Ông nội bảo:

- Cháu hãy lại đây ngồi, rồi ông kể một chuyện ngày xưa cho cháu nghe.

Toichi thích nghe kể chuyện, liền đến ngồi ngay ngắn trước mặt ông như ông đã bảo, nhưng nó ngồi không yên vì có cảm tưởng như những lúc phải ngồi nghe những bài giáo huấn, nên bèn đổi thế ngồi giống như mọi khi nghe kể chuyện ở nhà, tức là nằm sấp dán bụng xuống sàn nhà, duỗi hai chân ra đằng sau, thỉnh thoảng còn co đầu gối giơ hai chân lên mà làm trò áp gan bàn chân vào nhau.

Câu chuyện của ông nội như sau:

Đó là chuyện của chính ông cách đây khoảng 50 năm về trước, đúng vào lúc đang có chiến tranh Nhật Xô.

Ở làng Yanabe Shinden có một cậu thiếu niên 13 tuổi tên là Minosuke. 

Minosuke chẳng có cha mẹ anh em hay người thân nào cả. Đúng là tứ cô vô thân, côi cút, chỉ có một thân một mình. Vì thế cậu bé phải chạy việc cho nhà người ta, hay làm công việc như con gái là đi giữ em, chịu khó làm bất cứ việc gì để được người ta cho ở trong làng này.

Thế nhưng thật ra là Minosuke không thích sống nhờ vào mọi người trong làng. Cậu thường nghĩ bụng sinh ra là nam nhi mà không lẽ cả đời cứ đi trông em hay xay lúa cho người ta.

Làm trai thì phải quyết chí lập thân. Nhưng làm sao để lập thân đây. Minosuke ra sức làm lụng mới chỉ đủ ăn qua ngày. Chẳng có tiền mua sách, mà cho dù có tiền mua sách chăng nữa thì cũng chẳng biết đọc.

Minosike những thầm mong chờ xem có cơ hội nào để có thể lập thân.

Thế rồi đến một buổi chiều hè nọ, Minosuke được gọi đi kéo xe.

Thời bấy giờ ở làng Yanabe Shinden lúc nào cũng có hai ba người làm nghề kéo xe. Khách từ Nagoya tới đây tắm biển thường đi xe hỏa tới Handa, rồi sau đó ngồi đung đưa trên xe kéo từ Hanđa tới bờ biển ở bờ tây bán đảo Chita. Yanabe Shinden nằm ngay trên con đường này.

Xe kéo dược kéo bằng sức người nên không đi nhanh được. Và giữa Yanabe Shinden với Ono còn có một đoạn đường đèo, nên lại càng tốn thì giờ hơn. Lại thêm bánh xe của xe kéo thời bấy giờ chỉ là bánh xe bằng sắt rất nặng, kêu cọc cạch. Vì vậy, những người khách muốn đi gấp thường trả tiền xe gấp đôi để thuê hai người phu cùng kéo xe cho mau. Người khách thuê Minosuke hôm ấy là một vị khách đi nghỉ mát muốn đi gấp. Minosuke đeo lên vai sợi dây mắc vào chiếc càng xe, rồi co chân chạy trên mặt đường nóng bỏng, dưới nắng hè chói chang. Việc gì hễ không quen thì cảm thấy rất nặng nhọc. Thế nhưng Minosuke lại chẳng nề hà khó nhọc, mà chỉ thấy háo hức hiếu kỳ. Là vì từ khi bắt đầu khôn lớn, Minosuke chưa bao giờ được ra khỏi làng một bước, không biết khu phố ở đầu bên kia đoạn đường đèo ra sao, những người ở đấy là người như thế nào.

Khi chiều xuống, rồi đến lúc người đi đường trông như những cái bóng mờ trong màn đêm xanh thẫm, thì chiếc xe kéo cũng vừa tới Ono.

Minosuke lần đầu tiên trong đời trông thấy nhiều thứ ở đấy. Những cửa hàng lớn san sát kề nhau trong khu phố ấy thật là mới lạ đối với Minosuke. Trong làng của Minoske chỉ có mỗi một cửa hiệu nho nhỏ mà bán đủ mọi thứ, nào bánh kẹo, dép rơm, guồng quay tơ, thuốc cao, thuốc đau mắt đựng trong vỏ hến …tóm lại là đủ mọi thứ cần dùng trong làng.

Nhưng điều làm Minosuke ngạc nhiên hơn cả, là tất cả những cửa hiệu lớn ở Ono đều thắp mỗi hiệu một chiếc đèn dầu bằng thủy tinh sáng rực như bông hoa. Ở làng của Minosuke có nhiều nhà đến đêm không hề có ánh sáng. Trong nhà tối đen như mực, người ta vừa mò mẫm đi như người mù, tay quờ quạng để tránh cái vại nước, cái cối đá hay cây cột nhà. Nhà nào hơi tiêu sang thì thắp đèn lồng andon, là của hồi môn mà người vợ đã đem theo khi về làm dâu. Đèn lồng andon làm bằng giấy dán quanh lồng đèn hình vuông úp trên chiếc đĩa dựng dầu có thả bấc đèn, một đầu bấc được đặt gác lên miệng đĩa, mà khi bấc được thắp cháy thành đốm lửa bé như búp hoa anh đào, thì đốm lửa ấy rọi ánh sáng màu cam lên lồng đèn bằng giấy, không gian quanh đó cũng sáng bừng lên. Thế nhưng, cho dù là đèn lồng kiểu nào chăng nữa, cũng không sánh được với ánh sáng của đèn dầu mà Minosuke trông thấy ở phố Ono. Chiếc đèn dầu ấy làm bằng loại thủy tinh, mà vào thời ấy còn rất mới lạ. So với đèn lồng làm bằng giấy dễ bám bồ hóng và hay bị rách, Minosuke thấy chiếc đèn dầu bằng thủy tinh này tuyệt quá.

Nhờ có đèn dầu mà cả khu phố Ono rực sáng như thể là Điện Long cung. Đến nỗi làm cho Minosuke không muốn trở về làng mình nữa. Con người ta nào có ai muốn từ nơi sáng sủa quay về lại chỗ tối tăm đâu.

Vừa nhận được 15 xu tiền công kéo xe, Minosuke liền rời chiếc xe kéo, rồi cứ như người say rượu, lạc lõng trong khu phố trên bờ biển có tiếng sóng rì rầm vọng về này, vì hiếu kỳ mê mải ngắm những chiếc đèn dầu tuyệt đẹp trong các cửa hiệu.

Ở hiệu bán kimono, dưới ánh đèn dầu, người quản lý đang trải cuộn vải lụa nhuộm những bông hoa hải đường thật to cho khách hàng xem. Trong cửa hàng bán gạo và ngũ cốc, dưới ánh đèn dầu, thằng nhỏ đang nhặt ra từng hạt đậu đỏ bị lép. Lại có nhà nọ thì dưới ánh sáng của chiếc đèn dầu, các bé gái đang chơi trò rải ranh với những vỏ ốc xà cừ lấp lánh. Trong một hiệu buôn khác, người ta đang dùng sợi chỉ xâu những viên đá lại thành tràng hạt. Dưới ánh đèn dầu xanh biếc, cuộc sống con người đẹp lung linh như trong truyện, hay những hình ảnh trong hộp đèn chiếu bóng.

Cho đến nay Minosuke đã từng nghe nói rằng văn minh khai hóa làm cho cuộc sống tự do cởi mở, thì đây là lần đầu tiên nó có cảm tưởng rằng mình đã hiểu thế nào là văn minh khai hóa.

Minosuke cứ đi mãi tới trước một cửa hàng có treo thật nhiều đèn dầu. Chắc hẳn đây là hiệu bán đèn dầu.

Minosuke đứng trước cửa hiệu ấy với 15 xu nắm trong tay, lòng do dự hồi lâu, rồi quả quyết bước vào trong hiệu.

-Xin ông bán cho cháu cái này.

Minosuke vừa nói vừa chỉ tay vào chiếc đèn dầu, vì còn chưa biết đến tên gọi “đèn dầu”

Người trong hiệu gỡ xuống chiếc đèn dầu treo thật to mà Minsuke đã chỉ, nhưng với 15 xu thì không thể mua được.

- Ông làm ơn bớt giá cho cháu. - Minosuke nói.

- Bớt làm sao được!- Người của hiệu đèn đáp.

- Vậy thì xin ông bán cho cháu với giá bán sỉ.

Minosuke thường đến hiệu bán ngũ cốc trong làng để bán cho họ những đôi dép rơm tự đan, nên biết được là các mặt hàng đều có giá bán buôn và giá bán lẻ, và giá bán buôn thì rẻ hơn.

Ví dụ như hiệu tạp hóa trong làng mua dép rơm hình quả bầu do Minosuke đan với giá bán sỉ là 1 xu rưỡi, thì họ bán lại cho phu kéo xe với giá bán lẻ là 2 xu rưỡi.

Chủ hiệu đèn dầu thấy cậu nhỏ không hề quen biết và chẳng hay từ đâu đến, mà nói thế, thì ngạc nhiên quá, cứ nhìn chòng chọc vào mặt Minosuke, đoạn ông nói:

- Muốn mua với giá buôn à. Nếu là cửa hàng bán đèn dầu thì ở đây cũng có thể bán với giá buôn sỉ, chứ không thể giá bán sỉ cho từng người khách được.

- Vậy nếu là hiệu đèn dầu thì ông chịu bán cho với giá bán sỉ phải không ạ?

- Phải rồi.

- Nếu thế thì cháu là hiệu bán dầu đây, xin ông bán cho cháu với giá bán sỉ.

Chủ hiệu tay cầm chiếc đèn dầu bật cười ha hả:

- Cậu là hiệu bán đèn dầu ư?

-Thật mà. Từ nay cháu sẽ mở cửa hàng bán đèn dầu. Vì thế, cháu xin ông, hôm nay ông hãy bán cho cháu một chiếc với giá bán sỉ. Lần sau tới đây, cháu sẽ mua một lúc nhiều chiếc.

Chủ hiệu bán đèn dầu còn cả cười, nhưng rồi cũng động lòng vì sự thành khẩn của Minosuke, sau khi lắng nghe Minosuke cho biết về hoàn cảnh của mình, ông đã nói

- Được, nếu thế thì ta hãy bán với giá bán sỉ cho cậu bé này. Thực sự thì dù là 15 xu cũng không mua được chiếc đèn dầu này bằng giá bán sỉ đâu, nhưng ta cảm phục vì nhiệt tâm của cậu. Ta bớt giá cho cậu đấy. Nhưng mà cậu phải ra sức bán hàng đấy nhé. Hãy bán cho được thật nhiều đèn dầu của hiệu ta.

Đoạn ông đưa chiếc đèn dầu cho Minosuke.

Minosuke được ông dậy cho toàn bộ cách sử dụng đèn dầu, rồi nhân thể xách luôn cây đèn dầu đã thắp ấy thay cho đèn lồng soi đường trở về làng.

Bây giờ thì dù là đường đèo tối tăm dài tăm tắp với những bụi cây và rừng thông, Minosuke cũng không còn thấy sợ nữa. Vì đã xách theo chiếc đèn dầu sáng như hoa.

Trong lồng ngực của Minosuke còn có một ngọn đèn nữa đang được thắp sáng. Đó là ngọn đèn hy vọng, quyết đem cái vật dụng tiện nghi của nền văn minh khai hóa tuyệt vời này về bán, để giúp cho cuộc sống của dân làng trở nên tươi sáng hơn.

Việc làm ăn mới này của Minosuke lúc đầu chẳng tiến triển gì cả. Là vì dân làng vốn không tin tưởng vào những thứ gì còn mới lạ.

Minosuke đã nghĩ đủ cách, rồi cuối cùng đem chiếc đèn dầu đến cửa hàng duy nhất trong làng, cho họ mượn dùng miễn phí một thời gian, để nhờ họ treo lên.
Bà chủ hiệu tạp hóa miễn cưỡng nhận lời, đóng đinh lên trần nhà để treo đèn, và bắt đầu thắp lên từ tối hôm đó.

Được năm ngày sau. Minosuke đem dép rơm đến nhờ bà mua, thì bà chủ hiệu tạp hóa tươi cười bảo rằng chiếc đèn dầu này thật sáng sủa và tiện lợi quá, buổi tối vẫn có khách vào mua, lúc trả tiền thừa không bị nhầm lẫn, nên bà rất thích và muốn mua. Hơn nữa, bà còn cho Minosuke biết rằng dân làng lần đầu tiên biết được cái hay của đèn dầu đã nhờ đặt mua ba chiếc. Minosuke muốn nhẩy cẫng lên vì mừng rỡ.。

Thế là sau khi nhận từ bà chủ hiệu tiền bán dép rơm và tiền đặt mua ba chiếc đèn dầu, Minosuke đã cứ thế đi như chạy ra Ono. Đoạn kể đầu đuôi câu chuyện cho chủ hiệu đèn dầu, hỏi vay chỗ tiền còn thiếu, mà mua 3 chiếc đèn dầu đem về bán cho người đã đặt mua.

Từ đó công việc làm ăn của Minosuke hết sức thuận buồm xuôi gió.


Lúc đầu chỉ đi Ono mua về đủ số đèn đã được đặt mua, nhưng sau khi đã có được một món tiền nhỏ, thì dù không được đặt mua, Minosuke cũng mua đem về thật nhiều đèn dầu.

Và bấy giờ Minosuke không còn làm thằng nhỏ chạy việc hay giữ em nữa, mà chỉ tập trung vào việc bán đèn dầu. Minosuke dựng một cái khung như phơi quần áo trên xe để treo đèn và bóng đèn, cho những chiếc đèn thủy tinh chạm vào nhau phát ra những âm thanh trong trẻo. Minosuke đẩy xe đi bán trong làng mình và những làng xung quanh. Minosuke đã kiếm được tiền, nhưng ngoài ra còn có niềm vui trong công việc này. Những ngôi nhà lâu nay tối tăm lần lượt được thắp sáng nhờ những chiếc đèn mà Minosuke đã bán. Minosuke tưởng chừng như mình đã đem được ngọn lửa sáng rực của văn minh khai hóa đến cho những ngôi nhà tối tăm.

Minosuke đã trở thành một chàng trai. Từ trước đến nay Minosuke không có nhà riêng, đã phải xin tá túc trong nhà kho với mái hiên xiêu vẹo của ông trưởng thôn, nhưng khi đã dành dụm được chút tiền, anh đã làm cho mình một ngôi nhà. Thế rồi nhờ có người mai mối nên Minosuke đã cưới được vợ.

Có lần Minosuke đi quảng cáo đèn dầu ở một làng nọ, anh nhắc lại điều đã nghe từ ông trưởng thôn rằng “Dưới ánh đèn dầu thì có thể trải báo trên nền nhà lát chiếu tatami mà vẫn đọc được”, thì có người khách hỏi lại là “ Thật không?”. Vốn không thích nói dối, nên Minosuke muốn tự mình thử xem thực hư ra sao, bèn đến chỗ ông thôn trưởng hỏi mượn tờ báo, và mở trang báo ra dưới ánh đèn.

Lời ông trưởng thôn quả là thật. Dưới ánh đèn dầu có thể trông thấy rõ từng chữ nhỏ li ti trên trang báo. Minosuke tự nhủ “ Ta không hề gian dối trong công việc làm ăn”. Thế nhưng, cho dù Minosuke có thấy rõ từng chữ dưới ánh đèn, thì cũng chẳng ích gì. Vì anh không biết đọc.

“Nhờ có đèn nên trông thấy rõ mọi vật, nhưng không đọc được chữ thì chưa có thể gọi là văn minh khai hóa”

Minosuke nói thế rồi tối tối đến nhà ông trưởng thôn xin ông dậy cho mình biết chữ.

Minosuke ra sức học nên chỉ được một năm là đã biết đọc, không thua bất cứ người làng nào đã học xong bậc tiểu học.

Thế là Minosuke biết đọc sách.

Khi ấy Minosuke đã thành một người đàn ông. Ở nhà đã có hai đứa con. Đôi khi Minosuke nghĩ lại thấy mình “Tuy chưa có thể gọi là đã lập thân, nhưng đã có thể xoay sở tự lập được rồi”, và tự cảm thấy mãn nguyện.

Thế rồi một hôm, Minosuke đến Ono để mua bấc đèn cho đèn dầu đem về bán, thì thấy có năm sáu người phu đang đào các hố bên đường, và trồng những chiếc cột to dài xuống hố.Trên ngọn cột gỗ ấy có hai thanh gỗ trông như cánh tay đưa ra, trên hai thanh gỗ ấy có những cái gì tròn tròn như tượng Phật Daruma bằng sứ. Minosuke vừa nghĩ bụng “Sao lại dựng bên đường cái gì lạ lùng thế này”, vừa đi tới ,thì lại thấy có những cột trụ cao tương tự trồng bên đường, và có mấy con chim sẻ đang đậu trên những thanh gỗ chìa ra mà hót chim chíp.。

Những chiếc cột cao lạ lùng ấy được trồng bên đường, cứ cách chừng 50 mét lại có một cột.

Minosuke mới thử hỏi một người đang phơi mì udon dưới nắng. Tức thì người bán mì udon đáp rằng “Sắp tới sẽ có cái gì ấy gọi là điện được dẫn tới đây. Mà nghe đâu là vì thế sẽ không cần tới đèn dầu nữa đấy”.

Minosuke vẫn chưa hiểu rõ. Vì anh hoàn toàn không biết gì về điện. Hình như đó là cái sẽ thay thế cho đèn dầu, nếu thế thì cái gọi là điện chắc hẳn là ánh sáng chứ chẳng sai. Minosuke nghĩ bụng “Ánh sáng thì thắp trong nhà là được rồi, sao lại phải trồng bao nhiêu là cột lớn bên vệ đường như thế nhỉ?”

Thế rồi khoảng một tháng sau, Minosuke lại đi Ono, thì thấy trên những cây cột cao lớn trồng bên đường lần trước có vài sợi dây màu đen được giăng từ cột này sang cột kia. Sợi dây màu đen ấy được quấn quanh đầu tượng Daruma một vòng, rồi được mắc sang cây cột kế tiếp, và cứ thế lại tiếp tục được giăng sang cột kế đó.

Chú ý nhìn kỹ sẽ thấy trên các cột trồng cách đều nhau có từng cặp dây màu đen được tách ra làm đôi ở chỗ tượng Daruma, và được nối với mái hiên các nhà.

“Ơ, cứ tưởng điện là cái để thắp sáng, chứ thế này có phải là sợi dây đen chỉ làm chỗ đậu cho chim sẻ hay chim én hay sao”

Minosuke một mình cười chế nhạo. Và chui vào một quán rượu quen, thì thấy chiếc đèn dầu lớn quen thuộc vẫn được treo trên chiếc bàn thấp giữa hiệu đã bị dẹp sang phía bức tường bên cạnh, thay vào chỗ chiếc đèn dầu là một chiếc đèn hình thù lạ lùng, không cần đổ dầu và rất nhỏ so với đèn dầu, được treo bằng sợi dây màu đen có vẻ rất chắc, buông từ trần nhà xuống.

- Cái gì thế này, treo cái gì kỳ quặc thế này. Chiếc đèn dầu bị hỏng chỗ nào rồi à ?

Minosuke hỏi, thì người chủ quán rượu đáp:

-Đó là điện mới được dẫn vào nhà. Rất tiện, vì không lo xẩy ra hỏa hoạn, vừa sáng vừa không cần đến diêm.

-Thế sao. Treo cái gì mà trông kỳ quặc quá. Thế này thì không có vẻ gì là quán rượu nữa, sẽ vắng khách mất thôi”.

Chủ quán rượu chợt nhớ ra rằng người đang nói huyện với mình là người bán đèn dầu, nên không nói về sự tiện lợi của đèn điện nữa.

- Này ông chủ quán rượu, ông nhìn chỗ trần nhà mà xem. Bồ hóng của khói đèn dầu làm cho chỉ có chỗ ấy mới bị đen ngòm. Chiếc đèn dầu đã an vị ở chỗ ấy rồi. Bây giờ có điện thì tiện lợi thật đấy, nhưng gỡ đèn dầu đi treo trong xó tường thì tội nghiệp cho đèn dầu đấy.

Minosuke một mực bênh đèn dầu mà không chịu nhìn nhận cái hay của đèn điện.


Thế nhưng chẳng bao lâu trời tối sập xuống, tuy chẳng một ai có đem theo diêm mà quán rượu bỗng sáng bừng lên như giữa ban ngày, khiến Minosuke giật mình. Đèn điện sáng quá, khiến Minosuke bất giác quay nhìn lại đằng sau.

- Bác Minosuke à, điện là như thế đấy.

Minosuke bậm môi đăm đăm nhìn bóng đèn điện hồi lâu. Cứ như thể là đang nhìn kẻ thù. Nhìn chòng chọc mãi đến đau cả mắt.

- Bác Minosuke à, tôi nói thế này không phải, chứ đèn dầu không thể đọ được với đèn điện đâu. Bác hãy thò đầu ra ngoài cửa, nhìn đường phố mà xem.

Minosuke nét mặt hầm hầm, mở cánh cửa dán giấy ở cửa ra vào, trông ra đường phố. Nhà nào nhà nấy, và hiệu buôn nào cũng thắp đèn điện sáng trưng như quán rượu. Ánh sáng trong nhà còn dư thừa, lọt ra cả ngoài mặt đường. Ánh sáng đến chói lòa đối với Minosuke, lâu nay chỉ quen nhìn đèn dầu. Minosuke uất ức đến nghẹn thở, đăm đăm nhìn cảnh tượng ấy hồi lâu.

Minosuke nghĩ bụng “ Đèn dầu đã gặp phải đối thủ vô cùng lợi hại”. Trước đây Minosuke thường hay nói đến văn mình khai hóa, nhưng không biết một điều rằng một vật dụng của văn minh khai hóa là chiếc đèn điện tiến bộ hơn hẳn đèn dầu. Dù là người khôn ngoan, nhưng khi nghề nghiệp của mình lâm vào tình cảnh sống còn thì sự phán đoán cũng có thể không được đúng đắn.

Từ ngày hôm ấy, Minosuke những thầm lo đến ngày dòng điện sẽ được dẫn vào làng mình. Hễ đèn điện được thắp lên, thì người trong làng sẽ treo đèn dầu vào một góc tường, giống như quán rượu nọ, hay cất lên nhà kho trên gác hay chăng? Nghề bán đèn dầu sẽ không còn cần đến nữa chăng?

Thế nhưng ngay cả đến đèn dầu cũng đã phải qua lắm nhiêu khê mới vào đến được làng này, nên khi sang đến đèn điện, thì dân làng sợ hãi không dám đến gần, khiến Minosuke yên tâm phần nào.

Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, Minosuke nghe được tin đồn rằng” Trong dịp hội họp tới đây, làng sẽ quyết định có kéo điện vào làng hay không”, thì Minosuke cứ như bị cho một phát đến xây xẩm mặt mày. Minosuke nghĩ bụng “ Cuối cùng thì kẻ cường địch cũng sẽ đến”.

Nhưng Minosuke đâu đã chịu thua, bèn đi thu thập ý kiến phản đối đèn điện của mọi người trong làng.

“Điện là thứ được kéo bằng dây thật dài từ trong rừng ra. Ban đêm chồn cáo sẽ lần theo dây diện ấy mà vào trong làng phá phách ruộng vườn.”

Để bảo vệ công việc mà mình đã quen làm, Minosuke đã nói với lập luận ngây ngô như thế, và không khỏi thấy ngượng ngùng.

Sau buổi họp làng, khi nghe nói làng Yanabe Shinden đã quyết định sẽ kéo điện vào làng, Minosuke choáng váng cả người. Cứ thỉnh thoảng lại bị một đòn như thế này, Minosuke nghĩ chắc là mình phát điên mất.

Mà rồi đúng vậy, Minosuke không còn nghĩ được điều gì. Sau buổi họp làng, Minosuke trùm chăn nằm cả ngày suốt ba hôm. Trong khoảng thời gian ấy, đầu óc Minosuke rối bời cả lên.

Minosuke chỉ muốn oán giận một ai đó. Vì thế mới nhắm vào ông trưởng thôn là người chủ trì buổi họp làng. Rồi Minosuke cố moi óc tìm ra những cái cớ để oán giận ông ta. Cho dù ngày thường là người thông minh chăng nữa, khi chuyện làm ăn sắp lâm vào bước đường cùng, người ta cũng không còn đủ sức phán đoán một cách đúng đắn được nữa. Nên Minosuke đã nại vào những cái cớ không đâu vào đâu để oán giận ông trưởng thôn.

Đêm xuân ấm áp, trăng sáng soi trên cánh đồng hoa cải. Nghe thấy từ đâu vọng về tiếng trống thì thùng chuẩn bị cho lễ hội mùa xuân trong làng.

Minosuke không đi giữa đường làng. Mà cứ như con chồn chạy lom khom trong cống, hay con chó bị bỏ rơi đang luồn trong bụi cây. Khi không muốn người khác trông thấy mình, người ta thường hay làm thế.

Vì đã chịu ơn nhà ông trưởng thôn lâu năm rồi, Minosuke biết rõ đường đi nước bước trong nhà ông. Muốn châm lửa đốt, thì mái chuồng bò lợp rạ là tốt nhất, từ khi bước chân ra khỏi nhà, Minosuke đã nghĩ thế.

Ở nhà trên, mọi người đã ngủ yên cả. Chuồng bò cũng im lìm. Tuy là im lìm nhưng không rõ là những con bò đã ngủ hay còn thức. Vì giống bò lúc thức hay lúc ngủ cũng đều im lặng. Mà hơn nữa, cho dù bò có còn đang thức, mà châm lửa vào chuồng bò thì cũng chẳng làm sao cả.

Thay vì dùng diêm, Minosuke đem theo cái đánh lửa vẫn quen dùng từ khi chưa có diêm. Khi ra khỏi nhà, Minosuke đã tìm diêm quanh bếp. Nhưng không hiểu sao mà không tìm thấy diêm, may đâu mò mẫm vớ được cái đánh lửa nên đã cầm lấy đem theo.

Minosuke bắt đầu đánh lửa. Tia lửa lóe lên nhưng vì chỗ để mồi lửa ẩm ướt nên không cháy bùng lên được. Minosuke thấy cái đánh lửa này thật là bất tiện. Đã không có lửa, mà tiếng đánh lửa kêu xoèn xoẹt rất to còn khiến người đang ngủ tỉnh dậy.

Minosuke chậc lưỡi lẩm bẩm. “Giá mà đem theo diêm. Cái đồ đánh lửa này đã cổ lỗ sĩ, khi cần đến thì chẳng được việc gì.”

Vừa buột miệng nói xong, Minosuke chợt tự vấn lại chính mình.

“Cái đồ ..cổ lỗ sĩ, khi cần đến thì chẳng được việc gì. Cái đồ cổ lỗ sĩ không còn thích hợp …”

Chính câu nói này đã khiến đầu óc Minosuke thông suốt, sáng ra, như thể đúng lúc trăng lên soi sáng cả bầu trời.

Bấy giờ Minosuke mới thấy rõ sai lầm của mình. Đèn dầu đã trở thành một dụng cụ lỗi thời. Đèn điện là vật dụng mới, tiện nghi, trong đời sống hiện nay.

“Đời bây giờ đã dược khai hóa đến chừng ấy rồi. Là công dân Nhật Bản thì Minosuke phải vui mừng vì nước Nhật đã tiến bộ như thế mới phải. Đâu phải vì công việc làm ăn của mình đã trở nên lỗi thời, mà cản trở bước tiến của thời đại, mà oán trách người không thù không oán, toan châm lửa đốt nhà người ta, tiếng là nam nhi mà sao lại đi làm những chuyện khó coi như thế. Xã hội đã tiến bộ, không cần đến cung cách làm ăn lỗi thời của mình, thì hãy bỏ quách công việc ấy đi, chuyển sang công việc mới giúp ích cho đời, mới là đáng mặt nam nhi chứ.”

Thế là Minosuke liền quay trở về .

Và rồi Minosuke làm sao nữa?

Minosuke đánh thức vợ dậy, rồi rót dầu vào tất cả những chiếc đèn dầu đang có trong nhà.

Người vợ hỏi Minosuke rằng đang lúc đêm hôm khuya khoắt mà định làm gì thế này, nhưng Minosuke chỉ sợ nếu cho biết mình định làm gì, thì thế nào vợ cũng sẽ ngăn cản, nên cứ lặng thinh.

Đèn dầu lớn nhỏ có tất cả chừng 50 chiếc. Tất cả đều được rót đầy dầu. Thế rồi cũng như mọi lần khi đẩy xe đi bán, Minosuke đem treo đèn lên xe rồi ra đi. Lần này thì không quên đem theo diêm.

Đến chỗ đầu đoạn đường đèo phía tây, có một cái hồ lớn gọi là hồ Handa. Đang vào mùa xuân mặt hồ đầy nước, dưới ánh trăng sáng, mặt hồ phản chiếu như chiếc gương bạc. Trên bờ hồ những cây trăn, cây liễu rũ như dòm xuống đáy hồ..

Minosuke đã chọn lúc vắng người mà tới đây.

Thế rồi Minosuke toan làm gì đây.

Minosuke châm lửa vào tất cả những chiếc đèn dầu, hễ châm xong một chiếc đèn thì đem treo lên cành cây trên bờ hồ. Treo đầy cành, đèn lớn đèn nhỏ xen kẽ với nhau. Treo xong thì tất cả những chiếc đèn được treo đầy trên ba cây.

Đêm ấy không có gió, từng chiếc đèn dầu lặng lẽ rừng rực cháy, soi cả một vùng quanh đấy sáng trưng như ban ngày. Những con cá thấy ánh sáng bơi lại gần, sáng lấp lánh như những con dao trong làn nước.

“Đây là cách ta bỏ nghề cũ.”

Minosuke lẩm bẩm một mình. Nhưng Minosuke không đứng thẳng lên được, mà buông thõng hai tay, đăm đăm nhìn những chiếc đèn treo lủng lẳng thành từng dẫy trên cây hồi lâu.

Đèn dầu, đèn dầu, những chiếc đèn dầu đầy ắp kỷ niệm. Những chiếc đèn dầu quen thuộc trong nhiều năm qua.

“Đây là cách ta bỏ nghề cũ .”

Minosuke đi tới đoạn đường ở phía bờ hồ bên này. Tất cả những chiếc đèn dầu vẫn còn đang thắp sáng trên bờ hồ bên kia. Hơn 50 chiếc đèn dầu đều đang thắp sáng. Và trên mặt hồ cũng có hơn 50 chiếc đèn dầu treo ngược đang sáng rừng rực. Minosuke dừng bước đăm đăm nhìn cảnh tượng ấy hồi lâu.

Đèn dầu, đèn dầu, những chiếc đèn dầu đầy ắp kỷ niệm.

Đoạn Minosuke cúi xuống, nhặt một hòn đá dưới chân, nhắm vào chiếc đèn dầu lớn nhất mà ra sức ném. Một tiếng vỡ kêu đánh” Xoảng!” vang lên, rồi một ngọn lửa lớn vụt tắt.

- Chúng mày đã hết thời. Thời đại bây giờ đã tiến xa.

Minosuke nói. Rồi lại nhặt một viên đá khác lên. Chiếc đèn dầu lớn thứ nhì phát ra tiếng vỡ “Choang!” rồi vụt tắt.

-Thời đại bây giờ đã tiến xa. Bây giờ đã đến thời điện lực.

Khi ném vỡ đến chiếc đèn dầu thứ ba, không biết vì sao nước mắt Minosuke trào ra khiến Minosuke không thể nhắm vào những chiếc đèn kế tiếp mà ném được nữa.

Minosuke đã làm như vậy để từ bỏ công việc lâu nay. Sau đó Minosuke lên phố, bắt đầu công việc mới là làm cửa hàng sách.


“Hiện nay ông Minosuke vẫn bán sách. Thực ra là bây giờ ông đã già rồi, nên công việc ở hiệu sách giao cho người con trai.”

Ông nội của Toichi kể xong, bưng chén trà đã nguội lên nhấp. Minosuke chính là ông nội của Toichi, nên Toichi đăm đăm nhìn vào mặt ông nội. Không biết từ lúc nào nó đã ngồi ngay ngắn lại trước mặt ông, khi thì đặt tay lên đầu gối của ông.

- Thế rồi 47 chiếc đèn dầu còn lại thì thế nào hả ông?- Toichi hỏi.

- Ông không biết. Có lẽ sáng hôm sau những người lữ khách đường xa qua đấy đã lấy đem đi.

- Như thế thì ở nhà chẳng còn chiếc đèn dầu nào cả à?

- Ừ, không còn chiếc nào cả. Chỉ còn chiếc đèn dầu để bàn này thôi.

Ông nội vừa nói vừa nhìn chiếc đèn dầu mà Toichi đem từ trong nhà kho ra.

- Ông nội bị thiệt rồi, bị người ta lấy mất 47 chiếc đèn dầu. – Toichi nói.

- Ừ, bị thiệt. Bây giờ nghĩ lại thì ông cũng nghĩ là việc gì mà phải làm như thế. Sau khi điện đã được kéo về Yanabe Shinden rồi, 50 chiếc đèn dầu vẫn còn bán được nhiều lắm chứ. Làng Fukadani nhỏ hơn, ở phía nam làng Yanabe Shinden, vẫn còn dùng đèn dầu cho đến tận bây giờ. Ngoài ra cũng còn nhiều làng vẫn còn tiếp tục dùng đèn dầu rất lâu về sau. Nhưng dạo ấy ông còn trẻ, hễ nghĩ ra điều gì là không suy nghĩ trước sau gì cả, cứ thế bắt tay vào làm liền.

- Dại quá.

Toichi là con cháu trong nhà nên có thể nói thế mà không ngại.

- Ừ, ông dại quá. Thế nhưng cháu ạ…

Ông nội vừa nắm chặt chiếc ống điếu để trên đầu gối, vừa nói:

- Ông làm thế thì cũng có dại dột thật đấy. Tuy vậy, chẳng lẽ tự khen mình chứ ông thấy cách từ bỏ công việc cũ như thế cũng là rất đáng khen. Điều mà ông muốn nói là như thế này, một khi công việc của mình đã lỗi thời, không còn giúp ích gì cho sự tiến bộ của Nhật Bản, thì hãy dứt khoát từ bỏ công việc ấy đi. Tuyệt đối không được yếu hèn, rồi cứ bám mãi vào những việc đã lỗi thời, cứ luyến tiếc mãi cái thời mà những thứ cũ mèm ấy còn thịnh hành, để mà oán trách những tiến bộ của thời đại.

Toichi lặng yên hồi lâu nhìn ông nội, tuy là dáng người thấp bé nhưng nét mặt lộ vẻ cương quyết, rồi nói:

- Ông Nội oai quá

Rồi Toichi nhìn chiếc đèn dầu cũ kỹ để bên cạnh với ánh mắt hoài niệm như thể cũng đang nhớ lại những kỷ niệm xưa về chiếc đèn.

Quỳnh Chi dịch (29/3/2024)
Nguyên tác Ojiisan no rampu của Niimi Nankichi


1 comment:

  1. Bài hay. Cám ơn người dịch và phổ biến.

    ReplyDelete