Wednesday, March 7, 2018

Chào Mừng Việt Khang Đến Mỹ! - Tạp Ghi Huy Phương


Những ngày giáp Tết, trong khi phi trường Tân Sơn Nhất, ngập đầy những “Việt kiều” hồ hởi, xênh xang về quê ăn Tết, thì ngược lại, có một thanh niên, lặng lẽ được công an Sài Gòn đưa lên một chuyến bay rời quê hương, ra đi định cư tại Hoa Kỳ. Thanh niên đó là nhạc sĩ Việt Khang, tác giả ca khúc “Anh Là Ai?” ca khúc đã làm rung động cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Việt Khang đã bị chính quyền CSVN bắt vào cuối năm 2011, bị kết án 4 năm tù vào ngày 30 Tháng Mười, 2012, được trả tự do vào ngày 14 Tháng Mười Hai, 2015 và bị quản chế hai năm, đã đến phi trường Los Angeles, California, lúc 1 giờ 20 chiều ngày 8 Tháng Hai, và được đông đảo đồng hương và giới truyền thông ra đón.

Cũng không phải tự dưng mà công an Cộng Sản tử tế tới nhà Việt Khang mời lên máy bay đi Mỹ. Nhạc sĩ Trúc Hồ và SBTN có sáu năm vận động cho Việt Khang, mở chiến dịch Thỉnh Nguyện Thư vào năm 2012, và sau đó đã âm thầm vận động với Thượng Nghị Sĩ John McCain để ông trực tiếp can thiệp, nêu trường hợp của nhạc sĩ này với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khi làm việc với CSVN.

Phải nói Việt Khang là hình ảnh của tuổi trẻ tinh hoa của tổ quốc với một lối tranh đấu, phê phán đặc biệt. Không giăng biểu ngữ, không xuống đường, không hô hào, chỉ với một bài hát, Việt Khang đã làm đánh động đến con tim và nỗi xót xa của hằng triệu người Việt tha hương, và làm chấn động cả bộ máy cầm quyền CSVN, nhất là giới công an, những người được Việt Khang gọi đích danh, chỉ mặt trong trong câu hát “Anh là Ai?” Rõ ràng là nhà cầm quyền đã phải kiêng nể. Việt Khang không có thế lực, không có dao súng trong tay, chỉ với một cây đàn và những nốt nhạc, đã làm cho cường quyền phải sợ hãi. Dập tắt nỗi sợ hãi này, chúng đã dùng thứ vũ khí muôn đời của mọi chế độ độc tài là cảnh sát, dùi cui, tòa án và cuối cùng là nhà tù. Có một thời đại nào trong lịch sử Việt Nam, tồi tệ và hèn hạ như hôm nay, khi mà một câu hát chống Tàu xâm lược, lại làm cho chính quyền lo sợ, bắt bớ, trù dập tác giả như trường hợp của Việt Khang?

Nhưng nhà tù không bưng bít dập tắt được lời hát yêu nước này, bài hát này đã bay qua những đại dương, những cánh đồng, vượt qua những biên giới để đến trên môi những em thơ, trong lồng ngực của tuổi trẻ yêu nước đang hướng về quê hương, về hình ảnh Việt Khang sau những song sắt của nhà tù.
Báo Nhân Dân Hà Nội đã lên án cho rằng “mục đích hành động của một số người đang nhân danh dân chủ để gây rối loạn xã hội, cản trở sự phát triển đất nước.” Vậy thì nếu có cơ hội, Việt Cộng không ngần ngại đẩy những nhà tranh đấu dân chủ trong nước ra đi, dù là đến một đất nước tự do, giàu sang, không phải chịu cảnh lưu đày, trước là được tiếng nhân đạo, sau là loại bỏ ảnh hưởng của những nhà tranh đấu này ở trong nước.

Việt Khang không phải là nhà tranh đấu dân chủ cho Việt Nam đầu tiên đến Hoa Kỳ, trước đây đã có những nhân vật như Đoàn Viết Hoạt, Đoàn Thanh Liêm, Nguyễn Chí Thiện, Hoàng Minh Chính, Tạ Phong Tần, Trần Khải Thanh Thủy, Mục Sư Nguyễn Công Chính, Cù Huy Hà Vũ, Đỗ Thị Minh Hạnh, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Chính Kết… Trong này có những người như Đỗ Minh Hạnh được sang Áo thăm mẹ, đi một vòng sang Úc, cuối cùng trở về Việt Nam. Ông Hoàng Minh Chính sang Mỹ chữa bệnh, đã về lại Việt Nam. Trong trường hợp này thì Nguyễn Chính Kết đến Mỹ bằng con đường tự chọn, không phải do CSVN cho phép ra đi.

“Những nhà tranh đấu ra hải ngoại có dễ dàng tranh đấu hiệu quả hơn ở trong nước hay không?” Đó là sự băn khoăn của nhiều người khi nghe tin một người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền trong nước, “bị” hay “được” ra đi. Tôi đã có dịp đặt câu hỏi này với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, nhà thơ này cho rằng, ra hải ngoại việc tranh đấu thuận lợi hơn, nhờ không khí tự do, gần gũi với truyền thông thế giới.
Câu trả lời của một người khác, đã hoạt động trong cộng đồng lâu năm là “không!”

Nhân vật này nêu lý do, trừ một vài trường hợp đặc biệt, như Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt và Luật Sư Đoàn Thanh Liêm, dễ hội nhập với đời sống mới, ít lo đến sinh kế, có nhiều mối liên kết với cộng đồng và các nhân vật ngoại quốc. Phần lớn các nhà tranh đấu ra nước ngoài khó hội nhập với đời sống mới, một mặt phải lo cho cuộc sống áo cơm, lo ăn, lo mặc, chịu cảnh nhà thuê, nên một số đành thúc thủ, im hơi lặng tiếng vì “lực bất tòng tâm.”

Đó là chưa nói đến sự đánh phá, vùi dập, bôi xấu của nhiều phe phái, Cộng Sản hay không Cộng Sản, tại hải ngoại hay được yểm trợ từ các thế lực trong nước mà trường hợp của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện là rõ nét nhất. Ông bị vu cáo là “Nguyễn Chí Thiện giả,” “ăn cắp thơ,” thậm chí bọn đánh phá, táng tận lương tâm, đã gắn cho ông cái tội xấu xa, là đã hành nghề “chủ động đĩ!”

Một số khác có thành kiến hiểm độc, kết án các nhà tranh đấu có gốc gác là bộ đội như Điếu Cày, công an như Tạ Phong Tần… là đối lập cuội, khổ nhục kế. Nếu khổ nhục kế mà phải dùng đến cái chết của mẹ già như trường hợp Tạ Phong Tần, thì bọn vu oan, giá họa này đúng là bọn “ngậm máu phun người!” Nói chung không có nhà tranh đấu nào sau một vài năm còn giữ được khí tiết và hoạt động hữu hiệu cho đất nước!

Phải chăng vì vậy mà Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, một người bất đồng chính kiến tại Việt Nam, đã ba lần bị tù tội, với tổng cộng thời gian trên 20 năm, mặc dầu được quốc ngoại can thiệp cho ra đi, đã chọn con đường ở lại tranh đấu cùng với đồng bào trong nước.

Hải ngoại đã có bao nhiêu bài báo, bao nhiêu cuộc phỏng vấn, bao nhiêu bản nhạc bài thơ, bao nhiêu đêm thắp nến cho những nhà tranh đấu, nhưng chúng ta đã tiếp đón những người này với thái độ như thế nào, khi họ ra hải ngoại, được hít thở bầu không khí tự do như chúng ta,?
Thay vì một vòng hoa tri ân, chúng ta gửi đến họ những quả trứng thối!

Nhiều người cho rằng việc đánh phá những người tranh đấu từ trong nước khi ra hải ngoại là chủ trương của Cộng Sản, nhưng tham gia công việc “giết người chẳng lọ gươm dao” này hôm nay lại là những người thường vỗ ngực cho mình là người chống Cộng ở hải ngoại.

Đó là hình ảnh một miếng thịt tươi được vứt xuống một hầm cá sấu, và chính quyền cộng sản trong nước luôn luôn tìm cách đẩy họ ra khỏi nước để nhờ tay người khác giết họ để khỏi bị mang tiếng là đao phủ thủ!

Việt Khang! Em là nhà tranh đấu trẻ tuổi nhất phải bỏ nước ra đi đến định cư tại Mỹ. Tôi tin rằng em có đủ thời gian để làm lại cuộc đời và đủ sáng suốt chọn con đường tranh đấu hữu hiệu cho mình đối với quê hương. Em được mọi người yêu thương vì lời hát của em đã bay đến tận mọi nhà, trong và ngoài nước!

Điều cốt yếu là mong sao, qua bao nhiêu nghịch cảnh, lòng em vẫn giữ được ngọn lửa tranh đấu và yêu nước, ngọn lửa ấy sẽ là mồi lửa châm bùng lên, đốt tan bóng tối cho những thế hệ như chúng tôi, được thấy quê nhà trong một ngày vui trọn vẹn. 

Huy Phương

No comments:

Post a Comment