Trẻ em, thanh thiếu niên đầu xanh, tuổi trẻ đâu có tội tình gì! Người
lớn nhứt là quí vị dân biểu, nghị sĩ, thống đốc, tổng thống Mỹ có quyền
thế không vì lý do gì để trẻ em vô tội chết hàng loạt vì các vụ bắn giết
bừa bãi bằng súng đạn trong trường học, ngoài đường phố, công viên. Tội
nghiệp trẻ em lắm hỡi những ông lớn ơi! Tội lỗi lắm mấy ông lớn ơi,
nhân dân cử quí Ông lên để bảo quốc an dân, mà quí Ông để một số lớn trẻ
em, thanh thiếu niên, tương lai của đất nước bị bắn giết chết ngay trên
quê hương mình, là một điều không thể chấp nhận được.
Thử tưởng tượng 17 học sinh trung học ở Florida đã làm gì mà bị bắn chết một cách thê thảm như vậy. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra thảm cảnh kinh hồn cho học sinh và trẻ em chết hàng loạt vì súng đạn. Sau một cuộc giết trẻ em, học sinh như vậy, là có tuần hành kêu gọi kiểm soát súng đạn, kiểm soát tâm thần người có súng. Tổng thống, thống đốc một số dân biểu nghị sĩ lên tiếng kêu gọi kiểm soát súng đạn ở nước này. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy, súng cứ bán, người cứ mua, kể cả người bị bịnh tâm thần cũng mua được, và trẻ em, thanh thiếu niên, và người Mỹ vô tội vẫn bị bắn chết oan.
Cả trăm ngàn dân biểu tình đòi kiểm soát súng nhưng
vẫn thua một số ít người trong Hiệp Hội Súng. Một số công ty làm, bán
súng mướn một số vận động hành lang hành pháp, lập pháp, khiến không bao
lâu thì những cuộc tàn sát trẻ em, học sinh bằng súng chìm vào im lặng.
Và việc mua bán súng trở lại bình thường, bọn tài phiệt súng đạn tha hồ
hốt bạc, làm giàu trên xương máu trẻ em, học sinh đầu xanh vô tội. Tiền
vào thì chánh trị chánh trực vì dân, vì nước đi ra khỏi nghị trường
lưỡng viện Quốc Hội và Phòng Bầu Dục của tổng thống Mỹ. Cũng như lắm khi
đa kim ngân thì phá luật lệ. Ngay trên đất nước tự do, dân chủ, pháp
quyền Mỹ này.
Thế cho nên hiện nay việc mua bán và sử dụng vũ khí
tại nhiều tiểu bang vẫn diễn ra, mà không cần thông qua bất kể sự rà
soát nào về lý lịch cũng như tiền sử tâm lý. Kể từ năm 1994 đến nay Quốc
hội cũng chưa thông qua một dự luật kiểm soát súng đạn có sức nặng nào.
Thời cựu Tổng thống Barack Obama, ông đã nhiều lần nỗ lực thúc đẩy
thông qua dự luật kiểm soát súng đạn tại Hoa Kỳ, nhưng chỉ nói nhiều
bằng miệng hơn là phải làm và làm ngay. Qua thời TT Trump Cộng Hoà cũng
vậy, toàn nói rất nhiều nhưng làm thì chẳng bao nhiêu để cứu trẻ em, học
sinh khỏi nạn súng đạn.
Trong khi đó sự thật vô cùng thê thảm.
Theo thống kê, trung bình trên toàn quốc Mỹ mỗi ngày có 89 người chết và
32,000 người chết mỗi năm vì bạo lực súng đạn. Năm 1990, khoảng 19% dân
Mỹ phản đối việc kiểm soát súng chặt chẽ hơn. Hiện nay, khoảng 55%
người Mỹ ủng hộ luật kiểm soát súng. Vụ xả súng tại trường cấp 3 Marjory
Stoneman Douglas, tiểu bang Florida là vụ xả súng trường học đẫm máu
thứ 2 trong lịch sử nước Mỹ. Theo nhóm vận động kiểm soát súng đạn “Mọi
thành phố đều vì sự an toàn súng đạn”, nước Mỹ đã phải đối mặt với tổng
cộng 18 vụ xả súng trường học chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2018.
Tổng
thống, dân biểu, nghị sĩ chỉ nói mà không làm gì ra hồn, có tin dân
chúng Mỹ phải làm để bảo vệ con em mình, tương lai của đất nước và nhân
dân Mỹ. Dân chúng Mỹ sẽ tổ chức một phong trào biểu tình qui mô tại
Washington DC và trên khắp nước Mỹ vào ngày 24/03/2018 tới đây, đòi hỏi
phải kiểm soát chặt chẽ hơn việc mua và sử dụng súng. Cuộc biểu tình
toàn quốc mệnh danh là «Cuộc Tuần Hành Vì Sinh Mệnh Của Chúng Ta». Những
học sinh sống sót của trường Marjory Stoneman Douglas sẽ tham gia cuộc
biểu tình tại thủ đô Washington. Ban tổ chức AFP cho biết cuộc xuống
đường lần này đòi «chính quyền phải khẩn cấp đưa ra quốc hội một dự luật
đầy đủ và hiệu quả để chấm dứt vấn đề bạo lực do vũ khí gây ra trên
khắp nước Mỹ».
Sở dĩ cuộc thảm sát chết 17 học sinh và 1 giáo
chức trung học xảy ra vì FBI sơ sót trong bổn phận điều tra khi có tin
mật báo kẻ thủ phạm có súng và có ý định giết người. Chính TT Trump đã
phê bình FBI không ngăn cản được vụ thảm sát «do mất thời giờ tìm bằng
chứng buộc tội Nga thông đồng với Donald Trump». Dân chúng trong vùng đã
lên tiếng đòi người chỉ huy FBI trong vùng phải từ chức.
Trong năm đầu của nhiệm kỳ TT Trump cũng có một vụ bắn giết chết người nhiều hơn nữa ở Las Vegas. Sau khi chia buồn và tưởng niệm 59 người chết và 520 bị thương trong một cuộc giết người hàng loạt bằng súng, TT Trump đích thân đến Las Vegas thị sát. Nhơn dịp này Ông tuyên bố tay súng là một “người bệnh hoạn và loạn trí,” và nói thêm là việc thảo luận về bất cứ những qui định mới về súng nào sẽ diễn ra vào “một thời điểm sau này.”
Kiểm soát súng là vấn đề mà nhiều đời tổng thống Mỹ, nhiều nhiệm kỳ Quốc Hội không thành công trước thế lực chống đối của cả binh đoàn vận động hành lang ở Washington DC do các nhà sản xuất và buôn bán vũ khí trên nước Mỹ tung tiền yểm trợ. Dù nhân dân Mỹ, xã hội Mỹ, các nước khác đều kinh hồn, hoảng vía với số súng do tư nhân sở hữu ở Mỹ.
Thử tưởng tượng một người mà TT Trump mô ta là “bệnh hoạn và loạn trí’ là Stephen Paddock lại có 49 súng máy chiến tranh, súng ngắn tự vệ, có thể trang bị cho một trung đội bộ binh khi đi trận về phải gởi vào kho canh giữ, khoá an toàn của quân đội. Y can còn đem lên phòng 23 khẩu súng khác. Y còn đặt camera trong và ngoài phòng khách sạn để quan sát khi tấn công người vô tội đi nghe nhạc nữa. Trong vòng 9 phút y tàn sát bằng súng làm 59 người chết và 520 bị thương. Y tự sát cũng bằng súng khi cảnh sát vào phòng của y.
Số súng mà người dân thường Mỹ
nghe thấy phải hoảng hồn, khiếp vía. Theo trang Telegraph ở Anh, Mỹ có
chừng 270 triệu khẩu trên 320 triệu dân. Nhiều nhất thế giới. Cứ 100
thường dân Mỹ thì có 55 khẩu súng. Không phải người Mỹ nào cũng có súng.
Chỉ chừng 55 triệu dân Mỹ có súng và nhiều người trong số này có nhiều
hơn một khẩu súng. Súng ở Mỹ mua rất rẻ: 200 USD một súng lục, $1,500
súng máy.
Theo trung tâm Centre for Disease Control and
Prevention cho biết tính từ 2001 đến 2013 có 406,496 người thiệt mạng vì
bạo lực do súng đạn gây ra tại Mỹ.
Chánh quyền Mỹ, Hành Pháp,
lẫn Lập Pháp từ lâu đều thất bại trong nỗ lực kiểm soát súng. Đa số dân
chúng Mỹ thấy nhu cầu thiết yếu phải kiểm soát số súng, phải kiểm soát
nhân thân người có súng. Đó là đạo lý, là nhiệm vụ chánh quyền dân cử Mỹ
phải làm.
Vi Anh
No comments:
Post a Comment