Tuesday, January 24, 2017

Càng Đi Xa, Càng Nhớ Phút Đoàn Viên - Khương Duy


Biết trân quý tết và đưa nó trở về đúng nghĩa, ắt hẳn ta sẽ thấy xuân nay đến trong lòng, ngọt ngào và ấm áp như những xuân xưa.

Tết đến, bên những khúc nhạc xuân vui tươi réo rắt, người ta vẫn nghe văng vẳng đâu đây tiếng hát dịu buồn: ‘Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa, hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa.’ Câu hát đã cũ mòn nhưng cứ mỗi độ xuân sang, người ta lại thấy nó vang lên. Phải chăng bởi nó là tâm sự của nhiều người trong chúng ta, cứ đón một mùa xuân mới là lại nao nao nhớ về những mùa xuân đã cũ.

Dường như xuân xưa luôn là cái gì đó để người ta hoài niệm. Xuân xưa là mùa xuân của quá vãng với những kỷ niệm tươi đẹp nay đã xa. Giống như Thôi Hộ đời Đường trở lại vườn đào xưa, hoa vẫn nở nhưng người cũ không còn nên đã cảm tác mà viết nên mấy câu thơ bất hủ: “Nhân diện bất tri hà xứ khứ / Đào hoa y cựu tiếu đông phong,” lưu lại nỗi luyến nhớ đến muôn đời sau.

Tết là lúc người ta cảm nhận rõ nhất sự trôi chảy ấy của thời gian, bởi tết là thời điểm khởi đầu mà cũng là thời điểm kết thúc. Tết là lúc người ta hiểu rằng một năm nữa đã qua đi và quỹ thời gian của mỗi chúng ta đang ngắn lại. Thế nên, với những ai đã qua thời trẻ từ lâu, mỗi lần đón thêm mùa xuân mới, người ta lại dễ hoài niệm về những mùa xuân đầu đời. Xuân của đất trời thì vẫn tuần hoàn, mà tuổi trẻ thì chẳng hai lần thắm lại. Thế nên tiếc xuân xưa cũng là tiếc thời hoa mộng chỉ đến một lần.

Với những người đi xa, tết nhắc nhở người ta về những xuân xưa khi còn sum họp bên gia đình. Dù những mùa xuân xưa còn khó nghèo nhưng đó là những mùa xuân êm đềm, ấm áp nhất mà mãi mãi sau này những cánh chim viễn xứ không thể nào tìm lại được. Có lẽ càng đi xa, con người mới càng thấy quý sự đoàn viên, thế nên khi đón những mùa xuân mới nơi đất khách, người ta không khỏi chạnh lòng nhớ tiếc xuân xưa.

 Những người không may mất đi người thân yêu, dù mất theo nghĩa tử biệt hay sinh ly, cũng dễ hồi tưởng lại những mùa xuân khi còn có họ ở bên mình. Không khí ngày xuân làm sao có thể vẹn nguyên nếu vắng đi hơi ấm, nụ cười của những người một thuở yêu thương ta và được ta yêu thương. Một đứa con đón tết trong căn nhà cũ, mọi thứ vẫn như xưa chỉ thiếu bậc sinh thành, thử hỏi làm sao không da diết nhớ những cái tết có bóng dáng người muôn năm cũ.

Và nếu nỗi nhớ ấy đến từ những nỗi niềm như thế thì âu cũng là lẽ thường tình. Dường như, tết là thời khắc thiêng liêng bởi nó là sự giao hòa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Tết là lúc người ta dù sống trong thực tại song dư âm ngày cũ vẫn theo hương trầm phảng phất không tan dù lòng ai cũng thầm nghĩ tới môt năm mới an lành hơn.

Nhưng nhiều người lại nhớ tới tết xưa bởi thứ hương vị đâm đà của nó mà tết nay nhàn nhạt không thể sánh bằng. Người ta nói về tết xưa như một thứ văn hoá phi vật thể vang bóng một thời mãi mãi không thể nào tìm lại.

Nói cho đúng, hương vị của ngày tết vẫn như thế, nhưng phải chăng vì chúng ta đang nhạt dần đi nên mới thấy tết không còn ngọt ngào, ấm áp như xưa? Cuộc sống hiện đại khiến người ta mê mải vật lộn với dòng đời; tháng ngày cứ trôi đi không ngừng nghỉ, tưởng chừng như rộn ràng nhưng nhìn lại mới thấy ngày nào cũng như nhau, có khi vô sắc và vô vị.

Tết cũng theo đó mà nhạt dần đi, không còn là dịp được người ta háo hức đợi chờ suốt một năm dài nữa. Nó đơn giản chỉ là khoảng lặng ngắn ngủi trong một bản nhạc cuộc đời.

Có những thứ từ ngàn đời nay vốn diễn ra vẫn thật yên bình như thăm nom gia đình hai bên, tặng quà tết cho họ hàng, mừng tuổi cho con trẻ bỗng dưng trở thành gánh nặng với con người hiện đại. Trên các diễn đàn, con dâu tố khổ vì muốn về nhà ngoại ăn tết còn mẹ chồng than thở vì vắng con dâu trong nhà những ngày đầu năm. Lại có những chuyện vợ chồng ném xấp tiền vào mặt nhau vì tranh cãi xem biếu tết bên nào nhiều hơn.

Bỗng dưng thấy con người thời nay sao mà khổ. Từ chỗ là dịp vui nhất của một năm, là cơ hội để con người ta sum vầy, quên đi những nhọc nhằn năm cũ, tết bỗng trở thành gánh nặng đối với những con người vốn đã rã rời lo chuyện cơm áo gạo tiền. Bảo sao tết nay không những kém vui mà còn trở thành nỗi lo với không ít người.

Vậy ra, xuân của đất trời vẫn bao la thế, chỉ có con người ngày càng hẹp hòi nên chẳng còn cảm được những ý tình của mùa xuân nữa. Và thế là người ta đón xuân này lại càng nhớ xuân xưa hơn, hay đúng ra là sự trốn tránh những ngổn ngang của thực tại.

Có ai đó đã nói rằng, mọi thứ trong cuộc sống vốn rất giản đơn, chỉ có con người làm cho nó trở nên phức tạp bởi những toan tính, nghĩ suy. Hãy để tết là một dịp ta buông bỏ những nhỏ nhen, tầm thường để trở về với những chân giá trị của đời sống con người.

“Xuân đương đến nghĩa là xuân đương qua,” thời gian vẫn vô tình trôi qua không chờ cho ta biết nuối tiếc. Xuân xưa dẫu đẹp nhưng mãi không còn, chỉ còn xuân này để chúng ta tận hưởng.
Biết trân quý tết và đưa nó trở về đúng nghĩa, ắt hẳn ta sẽ thấy xuân nay đến trong lòng, ngọt ngào và ấm áp như những xuân xưa.

Khương Duy

No comments:

Post a Comment