Tuesday, January 17, 2017

Cờ Vàng, Cờ Đỏ - Tạp ghi Huy Phương


Câu chuyện cờ vàng cờ đỏ này không phải là câu chuyện mới, nó đã xảy ra hàng chục năm nay trên xứ Mỹ, vốn là mảnh đất tự do, chốn dung thân và làm lại cuộc đời của người Việt Nam tị nạn Cộng Sản.

Lá cờ đỏ sao vàng thì gần 42 năm nay, khi người Việt chạy khỏi chế độ Cộng Sản đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ và sau khi Hoa Kỳ bang giao với nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, lá cờ này chỉ thấy, hay chỉ được treo tại tòa đại sứ hay lãnh sự của Cộng Sản Việt Nam, mà không thấy ở bất kỳ ở một công thự hay một tư gia nào cả, thậm chí cả xe của đại sứ, lãnh sự Việt Cộng khi chạy vào khu có sự hiện diện của người Việt cũng phải cuốn cờ lặng lẽ mà đi, nếu không muốn xảy ra chuyện ném đá. Đành rằng ngoại giao đoàn ở đâu cũng được các lực lượng an ninh sở tại bảo vệ, nhưng không ai lường trước được sự bất mãn và cuồng nộ của những nạn nhân, chống đối nó.

Vụ Trần Trường xảy ra năm 1999, với chỉ một lá cờ nhỏ và bức ảnh Hồ Chí Minh treo trong tiệm sang băng của ông là một bài học để đời cho chính đương sự, cho cả chính quyền trong nước mon men làm những cuộc thử nghiệm tại hải ngoại và cả các cơ quan công lực của địa phương với vấn đề an ninh của dân chúng.

Lá cờ đỏ nói chung cho đến ngày nay, hiện diện ở đâu thì người Việt tị nạn cũng sẽ tìm cách triệt hạ nó, trừ phi những con người yêu xã hội chủ nghĩa, yêu lá cờ đỏ dùng nó để may đồ lót (chữ nghĩa của Việt Nam bây giờ là nội y) thì những người ghét bỏ nó mới đành bó tay thôi. Một tên loạn trí mặc áo cờ Việt Cộng chụp ảnh phô lên Facebook, nhưng khi đến Little Saigon cũng chỉ dám mặc một cái áo màu đỏ cũng đã phải bỏ chạy, vì gây bất ổn cho cả một khu dân cư. Một ca sĩ được cộng đồng người Việt tị nạn trên đất Mỹ dung nạp, trong lúc về Việt Nam cao hứng, đã chụp ảnh khoe áo dài đỏ sao vàng, đưa loạn xạ ra trên mạng, sẽ trả giá chuyện ngu đần này khá đắt, hải ngoại không còn ai chấp nhận bỏ một đô la cho phép cô đứng trên sân khấu ở đây nữa.

Đây không phải là một thái độ quá khích mà là một thái độ phân biệt dứt khoát, nó là hai mặt của một đồng xu, mà theo một nghĩa khác, chúng ta không thể nhìn thấy nó cùng một lúc.

Tổng Thống Barack Obama của Mỹ có thể đứng đọc diễn văn dưới lá cờ đỏ sao vàng và cạnh tượng Hồ Chí Minh vì nghi lễ ngoại giao, nhưng chúng ta thì không, dù có là công dân hay thường trú nhân của nước Mỹ. Nhiều người tị nạn của chúng ta, nêu lý do hoàn cảnh, về nước đi qua những cổng chào giăng cờ đỏ, treo hình Hồ Chí Minh và những khẩu hiệu tâng bốc đảng Cộng Sản, chắc là du khách không có quyền bảo chính quyền địa phương gỡ bỏ cờ xí, khẩu hiệu khi họ về đây, tiêu xài những đồng đô la dư dả.

Nhưng những phái đoàn trong nước qua đây xin tiền về xây nhà thờ, xây chùa, dự những nghi lễ tôn giáo, ca hát hay dù nói chuyện đấu tranh, trong đó có cả chuyện đấu tranh với chế độ Cộng Sản, cũng không thể bắt chúng ta, những người hải ngoại, mà đại diện là ban tổ chức các sự kiện, phải dẹp bỏ lá cờ Việt Nam của chúng ta trước khi họ bước lên sân khấu.

Tôi xin kể chuyện lá cờ VNCH liên quan đến một vị linh mục đang sống ở Việt Nam, đó là Đức Cha Hoàng Đức Oanh, Giáo Phận Kontum. Khi công an trao sổ thông hành (Cộng Sản gọi là hộ chiếu) đi Mỹ cho ông, họ dặn dò: “Khi ông qua bên đó đừng có nói năng gì về chế độ hiện tại ở Việt Nam, và nhất là đừng đứng chụp hình, quay phim dưới lá cờ vàng!” Đức Cha Oanh đưa trả lại sổ cho công an, thẳng thắn trả lời: “Nếu vậy, thôi chả đi nữa, trả passport lại cho các ông đây!” Công an hỏi tại sao? Ông trả lời: “Thế này nhé, tôi đến nhà người ta, chủ nhà bầy biện, trang hoàng nhà họ. Chẳng lẽ tôi là khách bắt họ phải dẹp cái này, bỏ cái kia, tôi mới vào, làm như vậy coi sao được?” Cuối cùng công an CSVN phải trả lại giấy tờ cho ông.

Không thể lấy lý do “còn phải về Việt Nam” để chúng ta phải di chuyển lá cờ VNCH đi chỗ khác, vì đó là lý do của họ, không phải là lý do của chúng ta. Dù họ cần đến đây để vắt sữa từ “con bò sữa hải ngoại” để ca hát hay diễn thuyết đi nữa, thì họ cũng phải tuân thủ những quy tắc của chúng ta.

Trước đây vào năm 2008, Hội Người Việt ở San Fernando Valley ở thành phố Winnetka, California, đã tổ chức gây quỹ cho cô Aline “Tim” Ribeaud, gốc Thụy Sĩ, giám đốc “Maison de Chance” ở Việt Nam, cũng với yêu cầu của người đi xin tiền, ban tổ chức đã dẹp cờ VNCH trên sân khấu.

Ngày 14 Tháng Bảy, 2015, đại sứ Mỹ tại Việt Nam là ông Ted Osius đến San Jose để tiếp xúc với cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại tòa thị chính. Buổi nói chuyện do văn phòng Dân Biểu Mike Honda phối hợp với Nghị Viên Ash Kalra tổ chức. Phòng hội, theo yêu cầu của Bộ Ngoại Giao, không có trưng bày lá cờ VNCH. Một người tham dự có mang sợi dây in lá cờ vàng trên cổ cũng được yêu cầu gỡ xuống. Trong hoàn cảnh này, chúng ta cũng còn được một thứ quyền là quyền “tẩy chay” không tham dự buổi tiếp xúc.

Và mới đây thôi, tại Annandale, Virginia, một ca sĩ từ Việt Nam sang hát tại một phòng hội nhỏ có khoảng mươi người tham dự cũng từ chối đứng trên sân khấu có lá cờ vàng. Dù cô mang theo đến Mỹ thứ hào quang nào đi nữa? “Lady Gaga” của Việt Nam, “ứng cử viên ngoài đảng vào Quốc Hội Việt Nam,” “có mặt trong buổi họp giữa các nhà hoạt động xã hội dân sự với Tổng Thống Barack Obama,” thì đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở đây, cô vẫn chỉ là một người khách. Những phát biểu của Mai Khôi trên trang nhà của cô sau khi sự việc xảy ra chứng tỏ cô là một đứa trẻ quen nuông chiều, hỗn láo, chuyện này làm tôi lại bất chợt liên tưởng đến hai tiếng “nhãi ranh” của nhà báo quá cố Bùi Bảo Trúc.

Tuy nhiên, tôi vẫn không giận cô bằng những người có trách nhiệm, hiện diện trong cái buổi “trình diễn” chết tiệt hôm ấy. Xem đoạn phim quay lại cảnh quý ông loay hoay với hai lá cờ Việt Mỹ, hết đem đến để cạnh cửa sổ, rồi lại đem dựng lại sau lưng khán giả, người xem ai cũng phẫn nộ.

Buổi trình diễn không phải mua vé vào cửa, vì vậy chắc không phải xót đồng tiền mà quý vị không đứng dậy bỏ ra về. Cô Mai Khôi nói “không” với lá cờ, chúng ta cũng có thể nói “không” với nhiều chuyện: không giới thiệu chương trình, không ca tụng, không phỏng vấn và nhất là không chịu ngồi lỳ ra đó để nghe và để vỗ tay hoan hô cho đến cuối chương trình.

Lý do gì để quý vị không dám nói “không?” Lịch sự, nể nang, một sự nhịn chín sự lành hay chúng ta bị mê hoặc với những danh từ “nhà tranh đấu của giới trẻ,” “phong cách nhạc và trang phục phá cách,” “xu hướng phục hưng, Gipsy…”

Cô Mai Khôi này đến Mỹ với mục đích gì, ai cho phép cô đi, ai giới thiệu và tổ chức cho cô buổi “trình diễn” này.
Tôi không tiếc giùm cho quý vị trong ban tổ chức đã mất toi một buổi chiều Chủ Nhật đẹp trời, tôi chỉ thấy quý vị đã tạo một lỗi lầm đáng tiếc, đã không có nổi một sự can đảm tối thiểu, vậy thì còn dám đương đầu tranh đấu với ai, làm gương gì cho giới trẻ? Tôi cũng đã đọc những lời hối lỗi “chân thành” của cô ca sĩ trong câu chuyện này, của người đã giới thiệu cô đến Virginia, nhưng tất cả đều đã muộn, một khi ly nước đã đổ xuống đất!
Đây là một câu chuyện khó tha thứ, và cũng là một bài học đắt giá cho tất cả những người Việt đã sống chết hết cuộc đời mình với một lá cờ.

Huy Phương

No comments:

Post a Comment