Thursday, September 21, 2017

Trần Văn Chi: Đi Tìm Những Yếu Tố Văn Hóa Miền Nam Kỳ Lục Tỉnh Không Mệt Mỏi - Nguyễn Văn Sâm


Bạn đi về miền Tây, bạn bắt gặp những điều hơi là lạ nếu bạn chưa từng đặt chưn tới vùng đất nầy:

Xin kể bốn câu chuyện: 
1. Một người có con gái đặt tên là Loan, nhưng bà luôn luôn kêu tên con gái là con Lon khiến nó mất vui. 
2. Tôi đi  xe  buýt  Sài Gòn qua Tân Thuận để tới Miểu Bà Chúa Xứ 2, xuống bến xe anh bán vé nói tôi còn phải đi một tiếng nữa thiệt ra là đi một tuyến nữa. 
3. Người miền Trung, hay cả dân Sài Gòn xuống Sóc Trăng, Bạc Liêu được mời ăn cơm gan tưởng là ăn cơm với gan heo, gan bò gì đó, té ra không phải; họ cho ăn cơm chẳng có gì hết, vì là cơm rang. 
4. Một cô nữ sinh trung học hồn nhiên xin thầy giám học cho em nghĩ ngày mai vì vú em đau, thiệt ra em không đau gì hết mà là mẹ em đau.

Ba chuyện đầu thuộc nhóm ngôn ngữ, chuyện sau là chuyện liên quan đến danh từ gọi người thân trong gia đình. Vú do biến thái từ chữ nhũ mà ra … cũng vậy những tiếng gọi người thân trong gia đình thường là những tiếng hơi lạ lạ: A chệt, hia, tỷ, chế, xím, má, cữu, nứng … Đó là ảnh hưởng của người Triều Châu ở nhiều vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu..

Nếu đi xuống miền Tây ta sẽ thấy những chuyện là lạ:
Ta thấy người lớn ăn cơm xong xá xá đặt đôi đũa ngang chén cơm, hai tay cầm chén lên xá xá vài ba cái rồi mới để xuống. Sự kiện nầy do ảnh hưởng của Phật Giáo Tứ Ân. Nói về Tứ Ân thì có thể 6, 7 chục năm trước chúng ta gặp những người đàn ông lớn tuổi để râu, tóc , bận áo dài, nói chuyện có khi dùng tiếng lạ như: Ngọt thay vì đường, xá thay vì đường đi. Họ hiền lành và ở trong nhà có thờ tấm trần điều… họ thích đọc sấm giảng và thơ Sư Vãi Bán Khoai, họ đọc cuốn Kim Cổ Kỳ Quan (không phải Kim Cổ Kỳ Quan của Tàu mà là một tác phẩm dầy nguyên viết bằng chữ Nôm nói về tu hành, và tứ ân trọng kính…).

Ta thấy bàn thông thiên (hay bàn ông thiên), những cái trang thờ ông bà tổ tiên bên cạnh trang thờ Quan Vân Trường. Cũng là ảnh hưởng của người Minh Hương từ nhóm Thiên Địa Hội trốn tránh nhà Thanh mà đến xứ nầy…

Về thức ăn thức uống có những thứ bánh cống, bánh xèo, bánh tôm chiên, và nhiều thứ bánh khác ở Sóc Trăng, hủ tíu Nam Vang, hủ tíu Mỹ tho..
Về quần áo mặc có áo bà ba, có quần lá nem, có xà rông, có khăn rằn đội đầu.. , mặc quần lãnh Mỹ A.. là ảnh hưởng của dân bản địa và những gì từ dân đa đảo phía Nam đi tới đã lâu.
Tiếng nói có sự nói không chịu sự cố gắng để phát âm: Tiến (Tuyến), lon (loan) tiền (tuyền) hay chữ /r/ bị biến thành /g/ … hay tiếng mình ên (một mình), tiếng huốt (qua rồi), tiếng nhóc (nhiều quá) vú (mẹ)… Đó là sự khác nhau của văn hóa Đồng bằng Cữu Long và văn hóa của người Sàigòn.

Còn nhiều lắm, những yếu tố đặc biệt mà riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long mới có:
Những thứ đó tôi gọi là những yếu tố văn hóa của đồng bằng sông Cửu Long hay của vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh. Sống trong vùng gọi là đồng bằng Cửu Long thì không lạ với những thứ đó vì đã quen với những chuyện nầy, nhưng nếu sống ở Sài Gòn, hay sanh trưởng ở Miền Đông chắc chắn sẽ lạ khi gặp lần đầu tiên.

Và ông Trần Văn Chi đã có công ghi lại những điều tôi gọi là yếu tố văn hóa của đồng bằng Cửu Long trong hai tác phẩm của ông. Cách viết của Trần Văn Chi không phải là cách viết theo khảo hướng nghiên cứu của quý ông Đào Duy Anh, Toan Ánh, Cữu Long Giang hay của những học giả Tây phương. Đặc biệt, Trần Văn Chi viết mỗi yếu tố thành một bài ngăn ngắn. Người đọc thấm hết những bài ngăn ngắn đó thì ngộ ra rằng: Ờ thời văn hóa miệt đồng bằng sông Cửu Long khác với văn hóa của vùng khác. Ông không giải thích yếu tố nào chịu ảnh hưởng từ đâu như tôi nói ở trên, đối với Trần Văn Chi chuyện đó không cần thiết.

Ta có thể kể sơ lược tính chất tinh thần trong văn hóa đồng bằng sông Cửu Long theo Trần Văn Chi, mặc dầu ông nói phớt qua:
Dễ có tình thân hữu, Trần Văn Chi gọi là ôn hòa, thực tế:
Ta tới nhà ai thì thường được mời cơm nước: Có gì ăn nấy. Nếu trong nhà có người đàn ông sồn sồn thì thế nào cũng được mời rượu đế. Nhà hơi khá thì thế nào cũng bắt gà, và dĩa lòng đưa lên đám đàn ông nhậu lai rai trước. Tình thân đó đưọc biểu lộ trong câu ca dao: Tới đây mượn chén ăn cơm, mượn ly uống rượu mượn đờn kéo chơi…

Lòng nhân nghĩa sắt son:
Chuyện tiền tài như phấn thổ, chuyện Vân Tiên đánh Phong Lai rồi không nhận tiền bạc biểu lộ cho nguyên lý tình nghĩa mới quan trọng, ngoài ra thì chẳng có gì đáng nói:
Lòng qua như sắt, nói chắc một lời. Bạc tiền chẳng trọng, trọng người tình chung
hay:
Ngọc lành ai lại bán rao, chờ người quân tử em giao nghĩa tình.
Chuyện Bạn bè mỗi lúc mỗi đông, Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều không phải là chuyện thường thấy ở đồng bằng sông Cửu Long.
Lòng người đơn giản, thành thực, Trần Văn Chi gọi là tính hiếu khách.

Sự làm màu mè, muốn lắm mà em hổng chịu đâu, đói bụng muốn rã rời đến nhà ai được mời ăn cơm thì luôn miệng nói dạ con ăn cơm rồi, con tới chơi thôi không ăn cơm đâu là câu nói lơi không phải của dân đồng bằng sông Cửu Long. Người ở đây chỉ cần nói Dạ, xin phép bác là xà vô, dầu nhà đó mình đương ngấm nghé con gái người ta.
Chỉ cần thêm đũa thêm chén là đủ.

Lòng trung hiếu:
Ở vùng nào của nước Việt, người ta cũng lấy trung hiếu làm đầu, nhưng ở vùng NKLT, lòng trung hiếu được nhắc nhở nhiều trong ca dao và sách vỡ:

Ngó lên rừng thấy cặp cu đương đá, ngó dưới biển thấy cặp cá đương đua

biểu anh về lập miễu thờ vua, Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha’.

Những đặc tánh tinh thần nầy nếu phân tích chi li hơn ta còn có thể kể thêm nhiều nữa, nhưng tựu trung ta thấy vùng NKLT là nơi sanh sống của những người thuần hậu hiền lương của những thế kỷ trước mà hiện nay đã mờ nhạt đi nhiều do hoàn cảnh xã hội đổi thay, do luồng gió độc hại từ nơi nầy nơi kia thổi vô.

Đó là yếu tố văn hóa của tinh thần. Yếu tố vật chất, Trần Văn Chi nhắc tới những cảnh địa đặc biệt của 1. kinh Vĩnh Tế, 2. của chùa Tây An, 3. của đồng Tháp Mười với đặc sản chim cò, với mắm kho bông súng, 4. của ngã bảy Phụng Hiệp nổi tiếng nhờ ghe thuyền tấp nập tạo thành chợ nổi do là điểm hội tụ của bảy con kinh/sông mà soạn giả Viễn Châu đã cảm hứng sáng tác nên bài ca bất hủ Tình Anh Bán Chiếu…, 5. của những bến bắc như bắc Chợ Gạo…, bắc Cần Thơ, bắc Rặch Miễu, và 6, 7 bên bắc khác mà người địa phương chưa chắc ai đã từng đi qua hết những bến bắc nầy để hưởng được những sinh hoạt như bán trái cây chục 14, 16…. Như thịt chim se sẻ quay, thịt chuột đồng quay, thịt cu quay… 6. Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm, có chợ Mới đẹp đẽ hiền hòa, có chùa Tây An hơn 100 danh tiếng…

Tôi không thể kể hết những điều tôi gọi là yếu tố văn hóa của đồng bằng sông Cửu Long mà ông Trần Văn Chi nêu ra trong quyển sách vào khuôn khổ một buổi nói chuyện mà thì giờ của quý vị là quý báo. Những điều đó ta đọc tới đọc lui sẽ thấm thía rằng có một nơi tình người sâu đậm mà chơn chất, dân chúng ở đây có cuộc sống không giàu tiền giàu bạc nhưng giàu lòng hào sảng. Nơi đã hun đúc nên những nhân vật lịch sử như Phan Thanh Giản, Phan Văn Trị, Võ Trường Toản, Trương Vĩnh Ký. .. ngày xưa. Và gần đây đã tạo nên mấy vị tướng tài ba biết sống biết chết đúng lúc, để lại sự tiếc thương cho bao thế hệ đi sau.

Quyển Bảo Đại, Vị Hoàng Đế Cuối Cùng của Triều Nguyễn cho ta những giây phút thú vị về một phần văn hóa Việt ăn sâu vào tâm não. Nó nhắc đến công lao xây dựng vùng đất mới miền Nam với các chúa Nguyễn, bảo tồn một đất nước thống nhất với các vua nhà Nguyễn, giành lại một cơ ngơi đã mất từ tay thực dân bằng phương pháp hòa bình của Quốc Trưởng Bảo Đại…. Nó giới thiệu những vùng đất thân thương ở đồng bằng Cửu Long đến người xa xứ chúng ta như Châu Đốc, Hậu Giang, Đồng Tháp Mười, Ngã Bảy Phụng Hiệp, Tha La Xóm Đạo, Cù lao Ông Chưởng..… Nhưng đặc biệt nhứt nó gợi ra cách sống và tâm hồn thuần hậu của người dân ở đây mà đời sống cập rập xa xứ như chúng ta tưởng chừng đã quên: điệu nghệ, hào sảng, mời mọc thiệt tình, không tính toán, chẳng để tâm thù vơ oán chạ, bạn bè chí thiết, tình vợ chồng chung thủy…

Tóm lại, Trần Văn Chi lượm lặt những điều tưởng tượng như là nhỏ mọn và tầm thường – như cục đất – của dân tộc, nhưng khi ông đưa đến ta chúng đã trở thành những hòn ngọc văn hóa đáng bảo tồn.
Phải chăng nhờ cách viết lang mang, nhẹ nhàng, có một chút gì đó phóng túng, không chủ yếu đi vào mặt nghiên cứu mà chủ yếu đi vào mặt tâm tình khiến cho chúng ta đang và sẽ yêu thích những quyển sách nhẹ nhàng của Trần Văn Chi.


Nguyễn Văn Sâm

No comments:

Post a Comment