Friday, November 9, 2018

Hẽm 116 Tô Hiến Thành, Sài Gòn - Phan Ngọc Vinh

(Hình lấy từ internet)

Thật là tình cờ, khi  tôi đang viết Truyện về ngôi nhà trong con hẽm nhỏ 116/ 24 / 2 mà  vào năm 1962 má tôi mua với giá rẻ mạt, tôi đang muốn sưu tầm những hình ảnh về con hẽm nầy hiện nay, thì trên YouTube, có bài phóng sự của TD làm  trung gian giữa nguời sống ở nước ngoài cho tiền một gia đình nghèo khổ trong con hẽm nhỏ, thì lại đúng là căn nhà kế bên của gia đình chúng tôi xưa kia, mà giờ là chủ khác, thật may tôi chụp lại được những hình ảnh của con hẽm bây giờ qua những hình trên YouTube của TD, có lẽ TD cũng không nở nào thưa kiện......
Vào năm 1962, Sau một trận cãi vã với các cô, má tôi tìm nhà để mua, vốn liếng không nhiều vì là vợ lính, đơn vị ba tôi đang đóng ở Nha Trang, trước đó một năm má tôi đã vác cái bụng bầu theo máy bay quân sự bay ra Nha Trang và xin với người  trên cấp ba tôi, cho bà từ nay lãnh hết phần trợ cấp ăn theo của các con, đương nhiên là được Cấp trên đồng ý, từ đó bà chắc chiu bòn mót và sau cùng mua được nhà để ra riêng .

Đúng là tiền nào của nấy, con hẽm nầy nổi tiếng là nơi các cô gái tối tối thả ra đường cái Tô Hiến Thành, dắt trai về hành lạc, má tôi tay mơ  chỉ mong có cái nhà riêng để chui ra, chui vào, và để tránh đụng độ với các cô của tôi hằng ngày, mà tiền vốn bà có thì không có được bao nhiêu, bà đành phải tìm trong hẽm hốc mà mua và người bạn nào đó đã chỉ bà căn nhà đó.

Tôi còn nhớ như in ngày dọn nhà vào hẽm, con hẽm thấp, nước đọng từ con kinh nhỏ chạy dọc theo bên hông vách thành lính ( tôi hay gọi là trại lính Tô Hiến Thành ) , nước tràn vào hẽm ngập tới đầu gối, ôi .....chỉ mới 11 tuổi đầu mà tôi đã cảm thấy “ đời tàn bên ngõ hẹp “ , chúng tôi lúc đó có 5 anh em, tôi là con gái lớn, dọn dẹp xong xuôi ít ngày sau bà ngoại và dì tôi dọn vào ở chung. 

(Hình thứ nhất do TG cung cấp) 

Tuổi thơ tôi gắn liền với con hẽm sình lầy lội, đã thế mà má tôi ít tiền đến đổi mua nhà tới 3 “cụm số“ hẽm 116 suyệt 24.......rồi suyệt 2 nữa, thì đủ biết nó sâu cở nào, bà ít tiền, mà các cô thì đuổi như đuổi tà, túng cùn bà đành mua căn nhà đầy tội lỗi, may là tôi cũng trúng tuyển học trường công nên cũng không bị ảnh hưởng từ hàng xóm.

Căn nhà nầy bằng lá, nửa căn nằm trên đất liền, nửa căn  sau là nhà sàn nằm bên bờ kinh làm nhà bếp, và cái cầu tiêu, lúc dọn về má tôi mướn người làm cầu tiêu đàng hoàng,  chứ người chủ trước thì họ tắm rữa tiêu tiểu gì cho thẳng xuống dòng kênh luôn, rõ là ý thức của người dân quá thấp không giữ gìn dòng kênh nên nghe nói bây giờ con kênh không còn nữa, trước là nhà sàn, giờ san phẳng hết rồi....nên mỗi lần trời mưa chút xíu đã ngập tùm lum vì không đường thoát nước.

Tôi còn nhớ dì Út,  vô tình khi gọt khoai mỡ dì bỏ rác xuống dưới sàn, cây khoai mỡ đâm chồi lên mạnh mẽ , vài tháng sau khi kéo lên có một chùm khoai thiệt bự mà dì không dám nấu cho cả nhà ăn, vì thấy nó lớn lên từ phân của gia đình người chủ trước.

Bên hông trái nhà tôi, có Bà Bảy vò xưng xăm, ông chồng đi mua lá từ Củ Chi, đem về trãi lá lên tấm đệm đương bằng lát phơi trước sân nhà, dù cái sân không đuợc 3 thước vuông , mỗi lần gió cuốn, bụi bậm từ trên các nóc nhà xung quanh xoáy theo lá dừa lợp trên nóc bay quyện cùng lá xưng xâm, ôi  đống lá bấy giờ chỉ thấy sạch hơn rác là không hôi thúi, chứ nhìn ghê thiệt, mà tôi đã nhớ không lầm là tấm đệm không bao giờ giặt, phơi xong chỉ việc giũ ra bụi rồi cuốn gắp lại, treo bên hông nhà , lá phơi chỉ hai nắng hốt lại rữa sơ rồi thì đem vào nhà tắm đổ nước vào, ông Bảy sẽ dập bằng chân sau khi đã rữa chân sơ sơ, má tôi dặn tụi tui đừng bao giờ ăn xưng xâm của bà Bảy, vì chính mắt tôi thấy ông bà Bảy đạp vò bằng chân như kỳ hòm trộn với lá, lần đầu tiên tôi bắt gặp cảnh nầy sau khi tôi quen nước quen cái ẵm em đi vòng vòng trong xóm, thấy gì lạ lạ thì đứng xem, về kể cho má tôi nghe những tin tức gì tôi thu nhặt được trong ngày.

Bên hông nhà  bên mặt, có bà Bắc Kỳ, mà mấy chi em tôi hay gọi lén, ông chồng thì đạp xích lô tối ngày, mà sanh con năm một, tôi còn nhớ tối ngày bà cứ hát ru con “À ơi, con cò mà đi ăn đêm....đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao ..ông ơi ông vớt tôi mau....Ông có lòng nào ông lại xáo măng...Có xáo thì xáo nước trong.....À ơi, đừng xáo nước đục ...à..đau lòng cò con .........” ; hoặc là “ Cái ngủ mầy ngủ cho ngoan............, “ tiếng ru của bà nghe sao mà não nuột, không biết ông chồng đưa tiền nhiều hay ít, mà nghe bà ru buồn mà giọng lại to lanh lãnh, lời ru thì xoay quanh các bài ca dao con cò, những câu ca dao mãi đến giờ tôi hãy còn nhớ.

(Hình thứ nhì do TG cung cấp)

Nhà tôi suyệt 2, ra đầu hẽm nhỏ là suyệt 24, có cái cống phía trước, Cách vài căn có nhà cô bạn học chung thời Tiểu học, nghe nói sau nầy nó nghỉ học đi làm thư ký cho một ông chủ góa vợ chuyên dạy sửa TV, Radio.....các máy móc về điện tử ở gần chợ Ông Tạ, sau 1975, các con di tản, ông không chịu đi vì cô Thư ký, và sau đó con bạn tôi nghiễm nhiên làm bà chủ , dù ông lớn hơn nó 30 tuổi, năm đó nó 20, ông 50, sau 75, có dịp đi ngang tôi thấy nó ra dáng bà chủ mập phì, ngồi chễm chệ thâu tiền, còn tôi đạp xe cộc cạch đi dạy lương ba cọc ba đồng,  nó nhìn tôi, tôi  nhìn nó, bốn mắt nhìn nhau, nhưng không chào nhau, tôi không biết nó nghĩ gì, tôi nhớ hồi đó nó học chỉ đệ tứ rồi nghỉ đi làm vì má nó không có tiền đóng tiền học trường tư, trong khi tôi vẫn còn đi học vì đậu đuợc trường công, nó không cần đi học nữa mà trở thành  phu nhân của ông Hiệu Trưởng có Trường dạy nghề, còn tôi học hành cho đã rồi cũng chỉ là Giáo viên sau năm 75 !

Đi chừng 100 mét, bên trái có cái quán Chạp phô nhỏ , xung quanh nhà trồng tre, hàng rào bằng tre kiên cố, chỉ lồi ra cái mặt quán, quán Chạp phô mà nhìn rất thơ mộng vì trên nóc bao phủ bằng những nhánh tre, nhà bán đủ thứ như yếu phẩm cần thiết, chủ quán thấy có ông già thường xuyên đứng bán, đôi khi thấy vài cô con gái, hồi đó tôi 11 tuổi , các cô cũng 18, 20, giờ nếu còn sống thì cũng là các lão bà 80 rồi. 

Điều đặc biệt và ấn tượng nhất là hàng rào phía trước dài cở 50 mét, cuối rào ông chủ cho một bà, năm đó độ chừng 50, tôi không thể đoán nổi chính xác tuổi của bà vì bà đen đủi xấu xí, tối ngày gánh nước mướn, gánh quằn vai, ông cho bà che cái túp lều chỉ để cái giường nhỏ, cái lu nước và cái bếp, ai đi ngang nhìn vào sẽ thấy trọn vẹn bên trong, má tôi mướn bà gánh mỗi ngày 10 đôi nước, 4 giờ sáng bà đã gánh đổ vào lu để góc trước nhà tôi rồi, hồi trước khóm trưởng hay tổ trưởng gì đó không ai kiếm chuyện nhất là với người nghèo,  dù túp lều của bà lồi ra chiếm khoảng như một cái giường cộng với lu hủ, bằng như hai cái xe ba bánh nối dài chấp lại, chủ nhà bên trong không cảm thấy mất thẩm mỹ, lối xóm không ai kêu ca, dù khi chạy xe đi ngang phải tránh vì sợ va vào túp lều của bà. 

Từ hẽm xíu nhà tôi ra Tô Hiến Thành, cũng có vài hẽm nhỏ xuyên ngang  xuyên dọc,  bên trái có thể đi ngoằn ngoèo ra đến ga xăng Hoà Hưng, ngay góc nầy, có chị em nhà đó ăn diện rất đúng mode, nghe nói làm vũ nữ, họ chỉ ra đường buổi chiều và đi về nhà ban đêm, có lần lối xóm chuyền tai nhau cô em bị đánh ghen một trận tơi bời hoa lá vì cô đẹp và đàn ông rãi tiền ra như nước cung phụng cho cô và một ngày nọ bị vợ một ông đánh cho bầm dập, sợ bị tạt axit như Cẫm Nhưng nên cô ở nhà mở quán bán đồ ăn sáng cũng đắt hàng, vì cô khá duyên dáng lại ngọt ngào bán theo kiểu bình dân nên lối xóm ủng hộ.

Bây giờ ra tới đầu hẽm THT,  không  biết từ bao giờ và ai xây một quán kiosk nhỏ độ 2 mét vuông ngay đầu hẽm, có mái che bằng toll, chung quanh không có vách, làm chỗ bán bánh mì, mà buổi tối bà chủ hàng bánh mì ngủ luôn trên xập, quầy kiosk nầy  nằm chình ình và chiếm trọn 1/3 cái đường vào hẽm, mặt trên xi măng , phía dưới quay lại kín đáo bằng xi măng như cái tủ có khoá đàng hoàng, vậy mà chính quyền cũ không cảm thấy gay mắt, không hiểu nó có từ bao giờ, lúc gia đình tôi dọn đến đã thấy nó rồi, không biết sau 75 quầy bánh mì  trên kiosk và bà gánh nước muớn nghèo khổ có còn tồn tại không hay bị bứng mất xác  rồi, vì năm 65 má tôi có tiền dành dụm nên mua chỗ khác khá hơn. 
  
Trong cái ngõ hẽm suyệt 24 (116/24/2) , từ nhà tôi nhìn sang bên trái, ngôi nhà có gác lững, tôi hay thấy một “chàng“ (mới 11 tuổi) bằng tuổi tôi, tối tối hay ngồi bên cửa sổ học bài,  nhìn thấy cảnh cũng nên thơ như truyện cổ bên Tàu ....có “chàng“ thư sinh trong căn gác đìu hiu, nhưng “chàng nầy“ không đủ lớn để ôm thêm cây đàn dạo những đường tơ làm say lòng thiếu nữ, phía góc trên căn gác lững là cả khoảng trời lồng lộng, những đêm rằm trời trong mây tạnh, ánh  trăng treo lơ lững trên căn gác nhỏ, phải như giờ có cell phone tôi sẽ chụp để lưu làm kỷ niệm, tức cảnh sinh tình, bức tranh sống động cũng làm lòng tôi .....xao xuyến chút... sau nầy lớn lên nghe nói “ chàng “ thi rớt tú tài nên đi lính và tử trận........ cũng buồn hỉ ?

Gia đình ba má tôi dọn đi vào năm 1965, chưa một lần tôi trở về thăm con hẽm 116/24/2.... rồi thì gia đình tôi ra nước ngoài, không biết bây giờ con hẽm nó ra sao, chắc mùa mưa bị ngập sâu hơn, bà gánh nước mướn chắc chết mất xác rồi, hai cô vũ nữ có con đàn cháu đống, rồi hàng tre có còn không....... kiosk đầu đường còn tồn tại không, 56 năm , vật đổi sao vời, đó là luật an bài của tạo hoá.
.................

Mới đây, Tình cờ xem trên YouTube, có TD đưa lên mạng những hình ảnh mà TD kết nối với người sống ở nước ngoài cho tiền người nghèo trong nước, TD đến ngay số nhà kế với số nhà gia đình chúng tôi ở xưa kia, nhưng chủ khác, vì từ năm 1962 đến nay (2018 ) là đã 56 năm rồi, trong clip quay ngay đầu đường xưa kia là sạp bán bánh mì nay thấy không còn nữa, không biết còn tệ nạn không mà thấy một “ hot girl “ đứng ngay đầu hẽm , và chỗ ở của bà gánh nước không thấy trong clip, chắc “ cách mạng thương tình cấp nhà cho bà khi cách mạng vào “ hay bà chết trước 75 vì nghèo khổ, ốm yếu, bệnh hoạn không gánh nổi đôi nước,  xương cốt bà cũng thành tro bụi,  cầu xin bà đừng đầu thai vào trong gia đình nào khốn khổ nữa. 

(Hình thứ ba do TG cung cấp)

Nhìn trong clip của TD bây giờ, thấy họ xây nhà lên lầu một, hai, ba tầng dầy đặc không còn khoảng trống nào nhìn thấy trời thấy trăng để mà mơ với mộng như “ nàng con nít “ như tôi khi xưa, nghe nói cái chẽo trống nào cũng thành nhà trọ, có khi chỉ đủ để kê cái giường , cái tủ nhỏ xíu, đủ để ngã lưng sau một ngày dài vất vã mưu sinh.......
Con  hẽm xưa đã hẹp, giờ lại càng hẹp hơn, duy có điều nhà cửa giờ khang trang hơn, dù mỗi mùa mưa những phận người trong con hẽm vẫn sống chung với những dòng nước đen ngòm từ cống dâng lên.

Mùa thu 2018
Phan Ngọc Vinh.

Đây là Youtube được đề cập trong bài viết. Xin tùy nghi quý vị.
https://www.youtube.com/watch?v=-X2cHNjQfp0

9 comments:

  1. Bài viết nhớ về dĩ vãng hay nhỉ, lúc này mưa hẻm hết ngập rồi bạn ơi.
    Thao.

    ReplyDelete
  2. Cau chuyen cua V nho lai chac buon lam!
    Cam on V 💐💐
    Loan.

    ReplyDelete
  3. Vừa vui vừa buồn V nhỉ.
    Cám ơn bạn nhé !
    Tú Huỳnh

    ReplyDelete
  4. Lâu lắm mới mới được đọc bài mới. Mình thích vì V rất thành thật. VN mình tuổi thơ thấy cực nhỉ ..hơi bị buồn...

    ReplyDelete
  5. Già rùi, trí nhớ hơi bị “ sự cố “, V sẽ cố gắng viết thường xuyên hơn. Cám ơn bạn đã đọc và comt, chúc bạn vui và luôn mạnh khoẻ

    ReplyDelete
  6. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đọc tới mấy củ khoai môn mắc cười quá. Hỏng biết mọc mần chi...
      Thuỷ N

      Delete
  7. Đã 56 năm mà chị Vinh còn nhớ rõ từng chi tiết để kể lại, vậy là trí nhớ của chị còn tốt lắm. Còn chuyện gì nữa, viết thêm đi chị cho bà con đọc cho vui.
    Cám ơn chị NV.
    NPN

    ReplyDelete
    Replies

    1. Chi Tố Kim ( NPN ). Cám ơn chi rất nhiều, mình thích viết bài bỏ vào trang blog của chị, vì không bị cắt xén, bày tỏ đúng tâm tư tình cảm của mình lại đuợc kèm theo hình ảnh thật sống động...... 🤪🤪🤪. Vui ghê với tuổi già đang tới. Chúc chi bình an, mạnh khoẻ.
      PNV

      Delete