Monday, December 10, 2018

Ăn Và Sống - Tràm Cà Mau


Trong Kinh Cựu Ước có ghi rõ ràng, ông tổ loài người là cụ Adam bị tống cổ ra khỏi vườn địa đàng chỉ vì ăn. Xấu hổ. Tội ăn vụng một trái táo. Rõ miếng ăn là miếng nhục. Khi đuổi vợ chồng cụ đi, Đức Chúa Trời đã chỉ vào mặt mà phán một câu xanh rờn: “Từ nay mi phải đổ mồ hôi trán mới có miếng ăn vào mồm”. Con cháu loài người sau nầy, đời đời chịu lây cái tội tổ tông đó.
Nhiều đời sau, con cháu cụ, có một gã “cà chớn” bày đặt, giả làm một cuộc phỏng vấn tưởng tượng, hỏi cụ, xin cho ý kiến về vườn địa đàng. Cụ trả lời rằng:

-“Đó là một nơi khủng khiếp, chỉ ăn một trái táo thôi, là đi đong cuộc đời. Khắc nghiệt đến độ chồng làm, mà vợ cũng chịu tội lây, và con cháu đời đời cũng oằn lưng ra gánh cái tội đó. Chưa hết đâu, ở đó khổ cực, chẳng có áo quần, đến nỗi phải lấy lá nho mà che háng cho đỡ xấu hổ”.

Lời phán trên của Chúa Trời, còn hiệu lực, đến nỗi thế giới ngày nay, còn có hơn năm trăm triệu người đói ăn thường trực, và nhiều tỉ người khác, thì lo ăn cho no thôi, cũng đã phải cật lực đêm ngày, vã mồ hôi hột, bở hơi tai.

Rõ ràng là miếng ăn gây nên tai họa. Bởi vậy nên người xưa có truyền lại con cháu: “Mọi tai vạ đến từ lổ miệng” Đúng vậy, chỉ vì ăn mà đem bệnh hoạn vào người, đau bao tử, đau gan, đau thận, đau tim, nghẽn mạch máu, ung thư… đủ thứ, tất cả chỉ vì ăn. Ngày xưa, hầu như đa số các “đấng quân vương” trên khắp thế giới đều chết sớm, do bởi cái ăn. Ăn cho cố. Ăn toàn cả các thức bổ béo, ngon lành, thịt thà ê hề. Cái gì bổ béo cũng dâng cho vua ăn, mỗi bữa ăn cả năm bảy chục món, thì nghẽn tim, nghẽn mạch máu là cái chắc, làm sao thoát. Thế mà đòi sống lâu sao được. Các ngài chết vì ăn, mà không biết, cứ đổ riết cho mệnh trời, là đã đến số.

Một số không ít các vị vua xưa, vì muốn sống lâu để ăn, sai đi tìm thuốc trường sinh, bị lang băm lừa, cho uống toàn các thứ độc địa, làm méo miệng, trợn mắt, co rút tay chân rồi chết. Sách còn chép, có nhiều ông vua Tàu chết vì uống thủy ngân, lang băm cho rằng thủy ngân là thuốc trường sinh.

Ngày nay, khoa học khám phá ra chất mỡ đọng quanh tim, bao và siết chặt, làm tim ngừng đập, lăn quay ra chết. Mỡ làm mạch máu nghẽn, máu không lên thấu não bộ, té một cái là xong đời. Chết mau, chết lẹ, chết tình cờ, chết không triệu chứng báo trước. Làm gia đình, vợ con, bạn bè ngạc nhiên: “Ừ, ai ngờ, đang khỏe mạnh đến thế, mà sao mau quá”.

Ai cũng biết không phải ăn một cục chất béo lớn mà lăn quay ra liền đâu. Nó là kết quả của sự tồn đọng lâu dài trong nhiều năm, mà người ta khinh thường. Chóng mặt một chút rồi thôi, có can gì, thỉnh thoảng cảm thấy tê tê vài phần thân thể, cũng là chuyện nhỏ, có đáng gì. Cho đến khi lăn đùng ra thì đã hết biết.

Được “rước đi” bình yên là may mắn lắm, nếu không đi được ngay, mà cứ lây lất, sống không sống, chết không chết, mới thật là khổ cho người bị nạn, và khổ cho thân nhân nhiều hơn nữa.

Biết rõ có sự chết chóc nằm trong cái ăn, nên thiên hạ đua nhau kiêng cử. Không dám ăn uống đủ thứ. Kiêng mặn, kiêng béo, kiêng ngọt, kiêng thịt bò, thịt heo, tôm cua, kiêng dầu mỡ, kiêng bơ, kiêng sữa, kiêng cà phê, kiêng thuốc lá, kiêng rượu chè. Có người hỏi rằng, cái gì ngon lành, khoái khẩu cũng bị cấm đoán, bị kiêng cử, bị khuyến cáo đừng mó vào, thì sống làm quái chi cho mệt. Không biết đến bao giờ thì vệ sinh về ăn uống bắt kiêng thêm cay, đắng, chua nữa đây? Hay là các mùi vị nầy khó nuốt nên khỏi kiêng chăng?

Nhiều người ham sống, nên sợ ăn. Kiêng cử đủ thứ, không dám ăn uống, họ bắt cái miệng chịu đựng kham khổ còn hơn miệng các vị chân tu khổ hạnh, làm cho thân xác gầy mòn, hư hao, mặt mũi vêu vao như con ma đói. Không biết có phải vì sợ ăn, cho nên quan niệm về nét đẹp của thời đại là những khuôn mặt hốc hác, tiều tụy, ốm o, tay chân khẳng khiu như que củi, dài lòng thòng. Bằng chứng là những tượng người mẫu chưng trong tủ kiếng, và hình người mẫu màu mè trên quảng cáo hàng ngày, giống hệt một lũ nộm nang, như dám tù vừa ra khỏi những lò học tập cải tạo của các đồng chí đỉnh cao trí tuệ bên nhà. Lạ lùng, càng gầy gò tiều tụy, càng ngực lép mông teo, thì càng vác mặt lên mà kiêu hãnh, ta đây.

Có nhiều ông bà người Mỹ to lớn, u nần, phì hơn loài heo nước, nặng vài tạ như các lực sĩ Sumo xứ Nhật Bản. Cái bụng xề ra thụng xuống giống như cái mông. Mỡ mòng bùng nhùng từng ngấn. Cái mông thì vĩ đại, tay hai người lớn ôm chưa giáp vòng. Cái chân như gốc cổ thụ. Cắt cái chân họ ra, cắt từ mông xuống đến đầu gối, thì chắc chắn cân nặng hơn nhiều đấng nam nhi có tác vóc bình thường. Khi nào họ cũng mệt nhọc, thở phì phò.

Trong một cuộc phỏng vấn do ông bác sĩ tâm lý trên truyền hình, đa số những người mập nầy chối phăng về chuyện ăn nhiều. Họ nói rằng họ ăn rất ít. Ông bác sĩ nhăn nhó hỏi, thế thì thịt thà mỡ mòng nầy từ đâu mà ra? Không lẽ do không khí, do nước lã? Thế mà họ nhất định không chịu cho là vì ăn nhiều, mà thành mập phì. Cũng có thể họ nghĩ rằng mỗi ngày ăn chỉ năm bảy bữa, và mỗi bữa chừng vài ký thức ăn thôi, là ít lắm rồi.

Trong khi cả thế giới từ Âu sang Á, và nhất là Phi Châu, hầu như nơi nào cũng thiếu ăn, thức ăn nơi nào cũng quý báu, thì nước Mỹ dư thừa thực phẩm, dư quá đáng. Hàng năm, chính phủ phải thưởng tiền, bù lỗ cho những nông gia bỏ ruộng hoang, không sản xuất, để cầm hãm cái mức thặng dư nông phẩm, cho khỏi mất giá trên thị trường thế giới. Cho nông gia còn có lời mà sống sót, khỏi bị lỗ vốn, phá sản, sạt nghiệp.

Ở Mỹ, thì giàu hay nghèo, đều có khả năng ăn uống sung sướng như nhau. Mà chưa chắc giàu ăn ngon hơn nghèo. Vì ai cũng có đủ khả năng mua các thức ăn cơ bản như thịt bò, heo, dê, gà, vịt, tôm, cá, cua, nghêu sò, rau đậu, vân vân. Món ăn ngon là nhờ khéo chế biến kỹ lưỡng, có thì giờ chăm chút nấu ăn. Người nghèo dư thì giờ để nấu ăn hơn người giàu. Người giàu bận rộn nhiều thứ khác. Giàu tiền, thì có nhiều khả năng vào các tiệm sang trọng, đắt giá. Tiệm sang và đắt thì chưa chắc đã ngon. Món ăn nấu trong tiệm nhằm mục tiêu thương mãi, phải nấu mau, trong một thời gian hạn định. Không thể bắt khách hàng ngồi chờ cho đắng miệng mới bưng thức ăn ra, như thế thì có cơ dẹp tiệm sớm, khách đến một lần rồi kịch mặt, không bao giờ dám trở lại nữa.

Nhiều người mời khách, đôi khi họ cố ý kéo dài thời gian chờ đợi, để khi khách đã đói meo, mới dọn thức ăn ra. Khi đó thì ăn cơm cháy cũng thấy ngon. Chủ nhà có nấu dở cũng sẽ được khen ngon. Tôi sợ nhất là đi ăn cúng giỗ, đám cưới, họp mặt. Bắt chờ đợi đến dài cổ, khi thức ăn dọn ra thì miệng mồm mình đã đắng nghét, thần kinh vị giác đã tê liệt, và khi ăn vào, không có mùi vị gì cả. Rút kinh nghiệm, mỗi khi đi ăn tiệc, tôi phải ăn trước, ăn gần no hoặc thật no rồi mới ra đi.

Khi bụng đã no rồi, thì tôi chấp thiên hạ, trễ bao nhiêu tôi cũng không ngán, nói dài dòng đến mấy tôi cũng không bực mình, không lóng ngóng nhìn xem nhà hàng sắp dọn thức ăn ra chưa. Những khi bụng đói, bụng sôi rồn rột nầy, thì thực khách không muốn nghe bất cứ cái gì nữa, có nói thì cũng như nước đổ lá khoai mà thôi. Đang mệt vì đói, đang mong thức ăn dọn ra, dù cho nói những điều bình thường nhất, cũng không ai muốn ghi nhận, không ai muốn hiểu. Mệt lắm.

Với cái bụng no, khi thức ăn dọn ra, thì tôi cũng đủ sức mà giữ được cái tác phong ăn uống từ tốn, lịch sự, chứ không phải hấp tấp, láo liên như những người đang đói. Tôi sẽ chỉ thưởng thức những món khoái khẩu mà thôi. Nếu không có món ngon, thì tôi cũng nhâm nhi vài sợi cho hòa đồng với thiên hạ. Ăn uống, thì phải thong thả, mới thưởng thức được cái ngon, cái mùi vị hấp dẫn.

Nhưng có nhiều tiệc cưới, nhà hàng dọn thức ăn dồn dập, ào ào, người bồi bàn ném dĩa thức ăn lên bàn rất là thiếu lịch sự. Như muốn hối thực khách ăn gấp đi, ăn xong mà chuồn gấp để chúng tôi còn lo việc khác nữa. Có lẽ chủ nhà hàng cũng đủ tinh ranh để biết, mỗi người chỉ có một lần, không đủ sức, và không có cơ hội để làm thêm cái đám cưới thứ hai, hoặc có làm được, thì cũng còn lâu lắm, khi đó thì mọi việc cũng đã đi vào lãng quên, cho nên cứ đối xử tệ cũng chẳng sao.

Đi ăn đám cưới, bà con hai họ hình như chẳng thiết tha gì đến nhạc trống ầm ĩ, chẳng nghe ca sĩ gào rát họng, cũng chẳng chú ý nhìn đến dâu rễ và gia đình, mà họ lại chú ý nhiều hơn vào các món ăn. Món nào ngon, món nào dở. Chỉ nói chuyện với những người cùng bàn. Ăn xong, ra về, cái cảm tưởng còn lại sau tiệc cưới có lẽ là cái món ngon đặc biệt mà họ vừa thưởng thức, hay là bữa tiệc quá tầm thường, dở.

Thật tình, thì hầu như không ai thích đi ăn đám cưới cả. Thiết tha gì với một bữa ăn mà mỡ mòng nhiều hơn các thứ khoái khẩu. Nhưng phải đi vì lịch sự, vì xã giao. Đi thì phải ăn, vừa ăn vừa sợ cao máu, sợ nghẽn tim, sợ bệnh hoạn.

Nhớ lại những năm đầu, khi miền Bắc mới chiếm được miền Nam, đám cưới cũng phải có ăn, không có ăn không được. Dù ăn rất ít, mỗi người khách một nhúm đậu phọng rang, và một ly nước ngọt con cọp. Có ly nước ngọt là sang lắm rồi. Và có lẽ vì ăn ít, nên trong những bữa tiệc cưới đó có rất nhiều người nói. Nói dai, nói dài, nói dở, và nói toàn những lời không liên quan gì đến hạnh phúc lứa đôi của hai trẻ, mà nói về nghị quyết đảng, nói về nhiệm vụ, thắng lợi, hoàn thành, và câu nói rất phổ thông là “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”.

Đừng ai bảo “miếng ăn là miếng nhục”. Nhục sao tất cả mọi người, sang hèn, giàu nghèo, vua chúa, ăn mày, ai ai cũng không ngớt nghĩ đến miếng ăn. Mỗi ngày không thể không nghĩ đến ba lần? Sáng mới bảnh mắt thức giấc, là đã nghĩ đến miếng ăn, phải có chút cháo, chút cà phê, hoặc chút bánh mì bơ, sang hơn thì tô phở, tô hủ tiếu. Trưa gần mười hai giờ, đố ai không nghĩ đến miếng ăn, hôm nay có gì ăn, và ăn ở đâu, ăn gì cho ngon. Chiều tối cũng nghĩ đến ăn. Phải ăn cho no bụng đêm nay mới ngủ được, chưa có gì ăn thì phải sục sạo, đi tìm, nấu nướng. Không ai là không nghĩ đến ăn. Ngay cả đau bệnh nằm liệt giường, miệng mồm đắng nghét, cũng thèm ăn, nghĩ đến ăn, mong cho mau lành bệnh đễ được ăn một tô phở, tô hủ tiếu, tô bún bò. Đang đuổi giặc cấp bách, cũng nghĩ đến miếng ăn, không ăn thì lấy sức đâu mà đuổi? Đang bị giặc đuổi, chạy vắt giò lên cổ, tính mạng lâm nguy, cũng nghĩ đến miếng ăn, phải ăn mới có sức chạy trốn. Khi đang họp quốc hội, bàn đến vấn đề sinh tử của đất nước, bàn đến chiến tranh hay hòa bình, nếu buổi họp kéo dài quá bữa ăn vài giờ, chắc chắn các đại biểu phó hội đều cảm thấy bực bội, uể oải, đầu óc không còn chú trọng vào mục tiêu buổi họp nữa, mà nghĩ lãng về cái bụng đang sôi, cái miệng đang thòm thèm. Mong sao cho chóng kết thúc, để đi ăn.

Trai gái yêu nhau, đem nhau đi chơi cảnh đẹp, chốn vui cũng chưa đủ, phải đem nhau đi ăn cái gì ngon miệng. Đi chơi mà bụng đói meo, thì cũng mệt mỏi, chán nãn, sinh ra cằn nhằn, giận lẫy, mất vui, và có khi làm tan vỡ cả cuộc tình thơ mộng. Khi đói thì tình yêu nó cũng bớt nồng nàn, bớt thơ mộng. Đứng trước danh lam thắng cảnh rực rỡ, mà bụng đói meo, thì cũng chẳng thưởng thức được gì. Cảnh có đẹp đến mấy, cũng khó rung động được vùng thần kinh trong não bộ, để thưởng thức, để hoan hỉ. Các đạo sĩ Pha-Kia xứ Ấn độ, ngậm một hạt mè, nằm trần truồng trên núi tuyết ba tháng nhịn ăn, chắc chi trong đầu không nghĩ đến chuyện sau ba tháng, ăn cái gì cho khoái khẩu.

Những bậc chân tu, mỗi ngày một bữa độ trai, ngày hôm sau quá ngọ, mà chưa có gì ăn, cũng quýnh quáng lên, cũng cáu bẳn hỏi sao chưa có. Và chắc chi suốt ngày, các ngài không thòm thèm nghĩ đến oản trái? Dù cho các ngài có nghĩ đến oản trái, cũng không có gì xấu hổ, không có gì đáng trách cả, vì đó là cái phản ứng sinh lý tự nhiên của cơ thể.

Đừng tưởng chỉ những người nghèo khó, đói ăn mới nghĩ nhiều đến miếng ăn. Những kẽ giàu có tiền rừng bạc biển còn nghĩ đến cái ăn nhiều hơn, miếng ăn đối với họ càng quan trọng hơn. Họ lục lạo, tìm tòi những cao lương mỹ vị, những món ngon, lạ, tìm những tiệm đặc biệt, những nơi nấu ngon, và cứ tiệc tùng, đãi đằng không ngớt. Và đặc biệt, họ không chịu đói giỏi như người nghèo, nên càng phải nghĩ đến vấn đề ăn uống nhiều hơn. Nhưng người đủ ăn, dư ăn, thì họ không nhìn vạn vật dưới nhãn quan của miếng ăn.

Khi nhìn một con chim phượng hoàng, họ thưởng thức được bộ lông tuyệt đẹp, cái dáng cao sang mỹ miều của con chim. Nhìn một thú vật lạ, họ thưởng thức cái khác thường của con thú. Người nghèo, nhất là đông đảo dân châu Á, châu Phi, khi thấy một con vật lạ, cái ý tưởng đầu tiên đến trong đầu họ, là có ăn được hay không, và ăn được thì làm sao mà nấu cho ngon, cho thơm, bỏ thêm gia vị gì cho thêm béo bùi. Chim phượng hoàng làm chả cách nào ngon. Họ thấy cái ăn trước, cái mỹ thuật sau.

Trong sinh hoạt gia đình, xã hội, quốc gia, quốc tế, có họp mặt là phải có ăn kèm theo. Gia đình họp mặt, ngồi dòm mặt nhau thôi, không có gì ăn cả, thì cũng thành lạt lẽo, mất vui, và chưa chắc quy tụ được đông đảo bà con, họ hàng. Bởi vậy nên khi có cúng giỗ, làm ra mâm nầy, mâm kia, không phải dành cho người chết ăn, đã chết rồi, còn ăn uống chi được nữa, mà mâm cao cỗ đầy là dành cho con cháu, dành cho họ hàng, cho những người còn sống ăn, có thế mới quy tụ được đông đảo, thân tình và vui vẻ. Thử mời anh chị sui gia đến chơi, mà không cho ăn uống gì cả, thì còn hay lui tới thăm nhau không? Thử tổ chức họp bạn, cũng không có gì ăn cả, xem có bao nhiêu người chịu bỏ công, bỏ thì giờ đến? Ra mắt sách, ra mắt thơ, nếu có ăn uống linh đình, thì số người tham dự đông đảo hơn. Không có ăn uống nhiều, thì cũng phải có bánh trái, nước ngọt, không có gì cả, thì chỉ nên hy vọng một số lượng khách tham dự khiêm tốn và lèo tèo thôi. Nếu có nhà phê bình nào tham dự, được ăn ngon, thì họ cũng nới tay, không nỡ nào viết những lời gay gắt. Cả những buổi hội thảo tu nghiệp chuyên môn, ban tổ chức cũng gắng sao cho có được những thức uống buổi sáng, cà phê, bánh ngọt càng ngon lành càng tốt, những buổi ăn trưa sang trọng.

Như thế, thì hy vọng người tham dự thỏa mãn, vui vẻ, mà thu nhận được nhiều điều hơn trong cuộc hội thảo, và lần hội thảo sau sẽ đông người tham dự hơn. Những phiên họp có tính cách quốc gia, thường thường có kèm theo ăn uống, đãi đằng tưng bừng, để người phó hội được vui, sau khi ra về, có hứng khởi, có thỏa mãn, vui vẻ. Cả những buổi họp thượng đỉnh quốc tế, nếu chỉ cho các vị nguyên thủ quốc gia uống nước lọc mà thôi, không có rượu, không tiệc tùng gì cả, thì kẻ ngu muội nhất, cũng đoán biết kết quả sẽ tệ hại như thế nào. Dù biết uống nước lọc là hợp với vệ sinh giữ gìn sức khỏe.

Ngay cả những người làm chung sở cả nhiều năm, gặp nhau hàng ngày chào nhau, và cũng có họp bàn công việc chung nhiều lần, mà vẫn không thân thiết nhau. Nhưng nếu có đi ăn chung vài ba lần, thì nẩy ra tình thân liền. Sau đó, khi có công việc gì nhờ vả, thì cũng mau mắn hơn, nâng đỡ nhau nhiều hơn. Có phải cái ăn tạo nên tình thân đó không?

Miếng ăn mua chuộc được lòng người mau nhất, dễ nhất. Trẻ con yêu ông bà nội, ông bà ngoại, một phần vì tình thương dịu dàng, ngọt ngào dành cho chúng, mà phần lớn có lẽ vì hay cho chúng ăn uống. Mấy bà vợ nấu ăn ngon, thường cầm giữ được chân các ông chồng hơn, mê hoặc được các ông nhiều hơn. Khi cơm chiều dọn ra, được ăn ngon, dù các ông không nói ra, nhưng các ông biết ơn vợ nhiều. Cơm vợ ngon như thế nầy, thì cần chi đi la cà với bạn bè ở quán xá? Bao nhiêu khó khăn, mệt nhọc trong ngày dễ quên, và dễ tan biến vì miếng ăn ngon của vợ cho. Từ đó, mà quan hệ vợ chồng, hạnh phúc gia đình được êm đềm, đẹp đẽ hơn. Biết miếng ăn ngon có thể củng cố hạnh phúc gia đình, nên các cụ xưa dạy cho con gái nghệ thuật nấu ăn trước khi về nhà chồng.

Các trường dạy nấu ăn hốt tiền nhiều nhất của các cô gái sắp lên xe hoa. Có người bảo rằng, vợ chồng trước khi ân ái, mà được ăn ngon, thì cuộc ái ân sẽ nồng mặn hơn, vui vẻ hơn, và bền bỉ hơn. Sau khi ái ân nồng nàn, thì các bà vợ thường cho chồng ăn ngon hơn. Khi có ai ghét bỏ mình, ráng mời họ đi ăn vài lần, cho họ ăn thật ngon, thì cứ hy vọng có sự thay đổi. Cứ đặt địa vị mình vào đó, không lẽ ăn của người ta ngon lành, mà còn thù ghét người ta sao. Bọn ăn cướp, khi cướp được một mẽ, cũng ăn uống, tiệc tùng, nhậu nhẹt, để mua chuộc lòng trung thành của nhau. Bọn cướp núi thì mổ dê, giết trâu cho thuộc hạ ăn, được ăn ngon thì biết ơn, sống chết có nhau, không phản bội. Vua chúa cũng mua chuộc lòng trung thành của quần thần bằng yến tiệc linh đình, để tránh việc đảo chính, soán đoạt ngai vàng. Vua cho các vị tân khoa ăn yến, để ban ân, và mua chuộc về sau. Trong truyện Tàu xưa, có ông vua bị giết chết vì một miếng thịt con giải. Vua không cho một vị quan ăn thịt giải, mà ông quan cứ bốc đại một miếng cho vào mồm. Rồi chết chóc tiếp liền theo sau.

Trong khi theo đuổi tình yêu, con đường ngắn nhất để trai gái chinh phục nhau là miếng ăn. Đem các cô đi ăn, cho ăn các món ngon, khoái khẩu, thì lòng các cô phơi phới, cởi mở, thấy đời đáng yêu, trời đất đáng yêu, và anh chàng cho cô ăn đó cũng đáng yêu lắm lắm. Nhiều bậc cha mẹ thương con gái, chiêu rễ bằng cách mời bạn trai của con ăn uống ê hề. Khi nào cũng đãi đằng, ăn uống ngập cổ. Ăn quá mà không cưới con gái người ta thì kỳ lắm.

Thời xưa , nước Trung Hoa bị bát quốc xâu xé, bà Từ Hy Thái Hậu biết miếng ăn rất quan trọng, có thể mua được lòng người dễ dàng, nên đặt tiệc đãi các sứ thần linh đình, gồm có mấy trăm món, toàn những thức ăn hiếm hoi, quý giá, cao lương mỹ vị, lạ lùng. Các sứ thần ăn no, thỏa thuê rồi, mà chơi ép thì cũng kỳ, đành phải nới tay trong các đòi hỏi, trong các hiệp ước xâm lấn. Gần đây, những bữa tiệc của chủ tịch Mao Trạch Đông nước Tàu đãi tổng thống Richard Nixon của Mỹ, cũng mấy trăm món. (Dạo đó, cả nước Tàu đang chết đói lên đến hàng chục triệu người). Không biết bụng dạ đâu mà ăn cho nỗi, dù mỗi món chỉ dùng đũa chấm mút thôi, e cũng đã mỏi cả tay rồi. Ông bà Nixon khen đáo để, báo chí ồn ào mô tả lại với giọng điệu khâm phục. Không biết trong các bữa tiệc đó, ông Mao có ăn uống nhồm nhoàm, ngoác miệng ra nhai, vưa nhai vừa nói, chắp miệng ồn ào, húp xùm xụp hay không. Người ta bảo ông Mao đã thành công, đã chinh phục được ông Tổng Thống nước Mỹ nhờ miếng ăn. Và sau đó không lâu, thì nước Đài Loan bị bỏ rơi. Tổng Thống nước Mỹ đâu có đói? Thế mới biết mãnh lực của miếng ăn.

Miếng ăn thường là nguồn gốc của tranh chấp quốc tế. Thế chiến thứ nhất, thứ hai, dù được giải thích bằng xung khắc, bằng tham vọng, nhưng tận cùng của vấn đề là miếng ăn. Tranh nhau ăn, tranh nhau thị trường, tranh nhau tài nguyên. Đó là miếng ăn, rõ ràng miếng ăn. Gia đình cũng tranh ăn mà anh em giận nhau, vợ chồng thù ghét nhau. Giặc giả nổi lên cũng thường vì miếng ăn, dân đói quá, đi làm giặc để kiếm miếng ăn. Vua chúa bị mất ngôi cũng vì miếng ăn. Ngày xưa, nhiều vị anh hùng nổi lên, cướp của nhà giàu cho người nghèo đói ăn, mà làm nên sự nghiệp. Cách mạng nổi dậy rần rần cũng vì miếng ăn. Người ta bảo cuộc cách mạng năm 1917 bên Nga Sô xảy ra cũng vì miếng bánh mì. Nga Hoàng đã tạo nên tình thế đói kém. Trong khi dân chúng đói ăn, thì bọn quý tộc phung phí, tiệc tùng. Mấy ông cọng sản nắm lấy cơ hội, và cuộc cách mạng thành công, đày dân Nga vào một chế độ phong kiến hơn, hà khắc hơn, và đói kém hơn, trong bảy mươi mấy năm điêu đứng.

Miếng ăn đã làm nên lịch sử. Miếng ăn đã dựng lên chủ thuyết. Một số lớn các quốc gia đi theo đường cọng sản cũng vì mơ ước miếng ăn. Dân đói được hứa hẹn ấm no, công bằng, chạy theo, hy sinh cả cuộc đời, cả tính mạng, để hy vọng được ăn no hơn. Các xứ chậm tiến thì đông đảo người nghèo đói. Không ngờ khi cọng sản đã nắm được chính quyền rồi, thì nghèo hơn, đói hơn. Trong cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Hoa có đến ba chục triệu người chết vì đói. Đáng ra phải viết lại cái khẩu hiệu của cọng sản quốc tế cho đúng là:

-“Hỡi vô sản trên thế giới, hãy liên kết đứng lên dành cho được nghèo đói hơn nữa.”

Hệ thống quốc tế cọng sản của Liên Xô lãnh đạo đã sụp đổ cũng vì miếng ăn. Dân Nga đói quá. Cả vị Tổng Bí Thư đảng cũng đã từng đói, cũng từng hỏi tại sao đất nước nông nghiệp mà dân lại chết đói.

Miếng ăn không những gây phiền phức, đau khổ cho con người, mà còn có khi sinh ra chết chóc nữa. Trong trại tù lao động cải tạo, ngoài nỗi đau vì mất tự do, bị khổ sai cực nhọc, các chiến sĩ miền Nam chúng ta còn đau khổ, bị miếng ăn vò xé, vì đói, đói khủng khiếp. Miếng ăn trở thành quan trọng, miếng ăn ám ảnh tâm trí cả khi thức lẫn khi đang ngủ, cả trong giấc mơ. Đôi khi đói quá, anh em phải ăn hàm thụ. Ăn hàm thụ là ngồi nghe “đầu bếp” sửa soạn thức ăn, từ khi rửa rau, cắt thịt, nêm mếm, đổ vào nồi, có khi còn có cả mùi vị bay lên ngào ngạt, và gắp bỏ vào miệng, nhai nuốt. Được nghe như vậy cũng đỡ đói phần nào. Những tù nhân “mồ côi”, nghĩa là không có gia đình tiếp tế, thì chết sớm. Những ai sống sót, đều nhờ bạn bè đã chia xẻ.

Những tù nhân sống sót trở về, ai cũng bảo nhờ gia đình, nhờ vợ con tiếp tế thực phẩm nên thoát chết. Dù mỗi năm chỉ nhận được một số thực phẩm hạn chế thôi. Nhưng nhờ đó mà sống còn. Miếng ăn cũng giết chết cả tình yêu. Có người kể rằng, dưới chế độ cọng sản thời đó, đói quá, nên tình yêu cũng tắt lịm trong lòng. Tình yêu cũng thành bơ phờ, lạt lẽo. Trai gái đang lớn ngồi bên nhau, mà miệng đắng vì đói, tay run vì thiếu ăn, thì tình yêu trở thành mơ hồ, như sương, như khói. Đói vừa vừa thì tình yêu còn ưu thế, đói quá thì tình yêu cũng rẫy chết. Nghĩ xa hơn nữa, nếu cuộc tình duyên có thành, thì cũng làm khổ cho nhau, sinh con đẻ cái để cho chúng khổ thêm, đói thêm, tạo thêm nghiệp. Tình yêu khi đó e chỉ còn là nỗi cơ cầu, đói khó và buồn đau mà thôi. Nhiều cô chọn lấy chồng giàu, không chọn tình yêu, cũng chỉ vì miếng ăn, lấy chồng nghèo sợ đói. Nhất là những cô gái sinh ra trong gia đình nghèo mà đông con. Sợ đói, sợ thiếu ăn, bị cái ăn ám ảnh. Các cô đó không có gì đáng trách cả. Bởi cái bao tử lớn hơn trái tim. Lý lẽ của cái bao tử thắng lý lẽ của trái tim. Trái tim chỉ ngỗ nghịch, chỉ nổi loạn khi bao tử đã no, đã đầy.

Khi đói, thì văn chương, nghệ thuật cũng trở thành phù phiếm, lãng. Nhiều người nói trong giai đoạn đói khó, thiếu ăn, sau năm 1975, thời đất nước “tiến mau, tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa”, đọc lại những áng văn chương mà ngày xưa họ trân trọng, nâng niu, và vô cùng xúc động khi thưởng thức, thì thấy lạt lẽo, trơ trơ, phù phiếm. Nỗi đau của nàng Kiều, người con gái tài hoa, nhan sắc, ngây thơ, chịu mười lăm năm lưu lạc, thì cũng thành như nhảm nhí khi bụng người đọc đang đói, tay đang run, và miếng ăn đang đè nặng lên tâm não. Phải no mới thưởng thức được văn chương nghệ thuật. Đói thì phần văn chương nghệ thuật nó cũng cùn mằn, người sáng tác cũng không còn hứng thú để viết về thiên nhiên, tình người, và những chuyện dễ thương trong đời sống.

Khi tôi đang đói run lên, thì miếng cơm cháy đen ngòm đẹp hơn một ngàn lần thấy cảnh “ Nao nao giòng nước uốn quanh, Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang” Giòng nước có uốn quanh hay uốn thẳng cũng chẵng có nghĩa lý gì khi bụng tôi đang đói. Có lẽ văn chương miền Bắc mấy chục năm trong thời bao cấp, cũng bị cái ăn làm cho chùng xuống nhiều như là chính sách lãnh đạo văn nghệ.

Lý thuyết cọng sản quốc tế hiểu rõ tầm quan trọng của miếng ăn, nên cai trị dân rất hữu hiệu. Nắm chặt miếng ăn, là nắm được cả linh hồn lẫn thể xác. Khi nào cái bụng cũng lưng lửng, cũng lâm râm sôi, thì đầu óc không thể nghĩ xa hơn cái bao tử. Đầu óc suốt ngày đêm loanh quanh cái bao tử, loanh quanh trong miếng ăn. Chỉ nghĩ đến chuyện ăn thôi, đã hết cả ngày giờ. Tự do, dân chủ hay chống đối là chuyện xa vời. Ăn trước đã. Nhà nước rỉ giọt cho miếng ăn, khi nào cũng lo đói, thì bảo gì cũng nghe, nói gì cũng đúng. Chịu khuất phục để còn có cái gì mà cho vào mồm, dù ít oi, dù không đủ. Nhưng nếu cựa quậy, thì cắt luôn, đói lắm, sợ lắm, khiếp lắm lắm. Đâu phải đám sĩ phu Bắc Hà di cư chạy hết vào Nam thời 1954 cả! Họ còn đông đảo lắm, nhưng quá sợ đói, nên co cái sĩ khí lại thật nhỏ.

Bên Trung Hoa dưới thời ông Mao và các thời tiếp theo cũng vậy. Trong sử sách Tàu, ngày xưa có biết bao nhiêu người liệt nghĩa, khí khái, xem cái chết nhẹ như lông. Biết là chết mà vẫn nói ra điều phải nói, làm những việc phải làm. Nhưng có lẽ các vị nầy làm được, vì cái bụng còn no. Thế mà khi sống trong chế độ cọng sản, vì miếng ăn mỏng quá, mong manh quá, sợ mất luôn chút ăn đó, mà tất cả đều im re. Ông Mao tha hồ nói trăng nói cuội, sĩ phu cứ vuốt đuôi theo và còn tán tụng, ngợi ca nức nở. Thì ra, con người còn sợ đói hơn cả sợ chết. Chết là hết, là xong, là thôi. Chứ sống mà đói, thì khổ lắm, cái đói nó cứ hành hạ mãi. Một cựu chiến binh miền Bắc, đi vào Nam đánh Mỹ cứu nước, sau nầy đã tâm sự rằng, trong quân đội, hô xung phong là phải xung phong, ai không xung phong thì về bị phạt cắt phần ăn. Đây là một hình phạt nặng nề nhất và đáng sợ nhất. Bỡi vậy nên cứ liều mạng xung phong, chết thì thôi, chứ để mất phần ăn thì khổ lắm lắm.

Cái đói làm nên chiến công, miếng ăn tạo nên anh hùng. Ngay cả những loài thú dữ dằn như cọp, beo, sư tử cũng phải khuất phục người dạy thú yếu đuối, cũng bỡi miếng ăn. Làm theo đúng mệnh lệnh, thì cho một miếng ăn nhỏ. Con thú ngoan ngoãn, tuân phục.

Cái ăn làm mất thì giờ của cuộc sống nhất. Loài cầm thú, dường như dùng gần hết thời gian của cuộc sống để tìm kiếm miếng ăn. Con chim, suốt ngày tìm tòi, lục lạo dể tìm thức ăn mà cho vào miệng. Con cá bơi lội ngày đêm, không phải để rong chơi, mà cũng chỉ để tìm mồi. Loài ăn cỏ cũng ăn gặm suốt ngày, tìm cỏ, tìm lá. Loài thú ăn thịt, thì càng mệt hơn, phải rình rập, săn bắt. Chỉ cần đau yếu một thời gian ngắn, là không đủ sức săn mồi, mà chết đói. Con người nào có khác chi. Suốt đời học hành, đầu tư, làm việc, cũng chỉ vì miếng ăn. Xứ sở càng nghèo đói, thì càng tốn nhiều thì giờ của cuộc đời hơn cho miếng ăn.

Cái ăn không những là một nhu cầu tối cần, tất yếu, mà còn là một cái lạc thú lớn trên đời. Khi đã ăn no, thì tinh thần khoan khoái, tâm địa hiền lành, rộng rãi, dễ dãi, khoan dung, thấy đời đáng yêu và thương nhân thế hơn. Khi no rồi, mới thấy được vẽ đẹp của cuộc đời, nét đẹp của người, nét mỹ miều của thiên nhiên, vạn vật. Ăn là một cái khoái dễ tìm, dễ có, và ai cũng có thể hưởng được hàng ngày.

Từ kẻ phàm phu, đến người thanh cao, từ kẻ tục trần, đến người dạo hạnh, ai ai cũng thích ăn ngon, và không ai cảm thấy xấu hổ khi người khác biết họ thích ăn ngon. Những kẻ ưa thích nhan sắc, ham tình dục, thì có thể bị thiên hạ chê cười là ham sắc dục. Nhưng không ai chê người thích ăn ngon và biết ăn ngon. Thiên hạ khen, chứ không chê. Vì cái ăn là một thứ đã được nâng lên hàng nghệ thuật. Nghệ thuật nấu nướng, nghệ thuật ăn uống. Uống là cô em sinh đôi của ăn, uống là ăn chất lỏng.

Người Á Đông bình dân, đa số biểu lộ sự khoái lạc, sung sướng trong lúc ăn uống. Trong khi ăn, húp canh húp cháo xùm xụp, nhai ngồm ngoàm, nhai chắp chắp, làm thành tiếng kêu càng to thì càng chứng tỏ sự ngon lành. Cái khoan khoái của họ phát ra tự nhiên. Họ tận hưởng cái hạnh phúc của món ăn ngon, và tiếng ồn ào phát ra từ miệng, làm cho món ăn càng ngon thêm, làm chủ nhà hài lòng vì món ăn của họ nấu được khách tận tình ăn uống, ưa thích.

Về thôn quê, trong bữa ăn, thấy một người bưng tô canh lên húp cái rột, nghe mà khoái cái tai và ngon cả cái cổ họng của mình. Đừng cho thế là mất vệ sinh. Còn có vệ sinh hơn cảnh đàn ông, đàn bà ngoạm mồm nhau, trong các phim chiếu bóng nhiều. Vừa ăn, vừa nói chuyện ồn ào, cười cợt, tiếu lâm, trêu ghẹo nhau, thì cái ngon tăng thêm nhiều lần. Một anh bạn cho rằng, ăn mà không cho nói chuyện, phải im lặng nhai, gầm gầm ngồi dòm nhau, thì cũng khổ như cõng thánh giá đi chân trần lên đồi chịu hành hình. Cứ nhìn năm bảy anh ngồi nhậu bên cái bàn thấp ở vĩa hè, tranh nhau nói oang oang, ồn ào, nước bọt phun ra cả thức ăn trên bàn, ngoác miệng ra mà nhai, ngữa cổ uống ừng ực, có khoái hơn là ngồi trên bàn ăn trịnh trọng, mang áo quần lễ phục, có khăn bàn, có bồi hầu tiếp, mà im lặng, nhai kín đáo trong miệng, ngậm miệng mà mum mum như cả lũ đang bị đau răng, và rón rén nuốt, không dám biểu lộ cái ngon ra trên khuôn mặt, trong tiếng nhai, trong lối ăn, thì cũng phí của trời cho không biết mấy mà kể. Món ngon cũng vì thế mà bớt ngon đi. Tội chi mà ăn uống như là lén lút, âm thầm và thiểu não vậy? Có vụng trộm gì của ai đâu? Nhiều gia đình bắt chước cái lịch sự của Tây của Mỹ trong khi ăn uống, làm cho bữa ăn mất cái ngon, mất cái không khí hạnh phúc, tự nhiên vui sướng của cuộc đời.

Một ông bạn tôi kể rằng, ngày xưa anh và một kẻ tình địch được gia đình một cô gái đẹp mời ăn đám giỗ. Hai người nhìn nhau như Sơn Tinh và Thủy Tinh. Anh thì giữ phép lịch sự, ăn uống kín đáo, nhỏ nhẹ, im lặng, rất chi tao nhã. Trong lúc tên tình địch ăn ào ào, ăn ngồm ngoàm, ngữa cổ hắt rượu uống ực hết li và khi ngà ngà say còn vỗ vai cha cô gái mà nói:

-“Dô đi mậy, phải quắc cần câu mới được nghe hông.”

Thế mà nó thắng anh, gia đình cô gái nói rằng anh chàng kia tự nhiên, thành thật hơn, có đời sống vui hơn, hạnh phúc hơn. Còn anh, thì vì lịch sự, bị kết cho là kiểu cách, khó khăn, thiếu thành thật, thiếu tự nhiên.

Một lần vào quán Nhật ở San Francisco, tôi thấy một khách trung niên, khỏe mạnh, bước vào tiệm, kêu một tô mì bò kho. Khách bưng tô mì ăn như mưa sa bão táp, nhai nhai, chắp chắp ồn ào. Miệng há ra, thấy lổn ngổn thức ăn bên trong, tay cầm đũa lua lia lịa ào ào. Có vẻ như ông ta đang tận hưởng cái khoái cảm ngon béo thơm tho đậm đà của món ăn. Chỉ trong vài phút, ông đã chơi hết sạch tô mì to lớn. Mồ hôi đọng giọt lăn tăn trên trán, vị khách đưa ngang tay áo quẹt mồ hôi, và ngững mặt lên với nụ cười hả hê. Vài vị nữ thực khách người Mỹ hơi nhíu mày khó chịu.

Phần tôi, thì thấy “đã” quá. Chỉ thấy ông ăn thôi, là tôi đã cảm được tất cả cái ngon, cái khoái, cái thỏa mãn, cái hạnh phúc quý báu của một ngày bình thường. Tôi yêu cầu người bồi bàn, cho tôi một tô, giống như của vị thực khách kia. Khi tôi ăn, thì thất vọng ê chề. Gắng nuốt được vài muỗng thôi, là mặt mày nhăn nhó như khỉ ăn ớt. Dở ơi là dở. Nhưng tôi hài lòng, vì mình đã hưởng được cái ngon, cái sung sướng qua cách ăn uống vị tục khách kia. Một lần tại khách sạn sang trọng ở cố đô Nhật Kyoto, tôi thấy một mệnh phụ ăn mặc lễ phục kimono trịnh trọng, hai tay bưng tô canh, cúi đầu húp xùm xụp, tiếng vang rất lớn. Họ không cho húp canh kêu rồn rột là thiếu lịch sự.

Trình bày dĩa thức ăn một cách mỹ thuật, bắt mắt, cũng làm tăng cái ngon, cái ưa thích. Cá trê chiên vàng rườm, có nước mắm ớt lấm chấm đỏ, có mấy cọng rau ngò xanh vắt ngang, mới nhìn thôi, là đã thấy ngon lành, chưa cần hít mùi thơm cá chiên, chưa cần cầm đũa xáy, và nhai dòn tan rào rào trong miệng. Những món ăn của người Nhật, nhìn rất bắt mắt, mới nhìn cũng đã thấy thèm. Nhưng đừng vội ăn, ăn vào dễ thất vọng lắm. Vì cái ngon của con mắt thường không đi đôi với cái ngon của cái miệng. Ngay cả ông Khổng Tử, cũng viết rằng: “Thịt cắt không vuông, không ăn.” Có phải cái hình thức của miếng ăn cũng quan trọng không kém cái hương vị của nó hay không? Có người cho rằng, ông Khổng khó tính, khó đến như vậy, thì e nếu bà vợ nằm không thẳng, thì không chịu ngủ chung chăng?

Cái ăn, và tình quê hương cũng gắn bó chặt chẽ với nhau. Xa đất nước, người Campuchia nhớ mắm bù hóc đến đứt ruột đứt gan, chỉ cần có một chút hương mắm bù-hóc đâu dó trong không khí, là cả một trời quê hương hiện ra trong yêu dấu, thích thú, dạt dào. Người Bắc thì nhớ mẻ, nhớ rau muống, người Trung thì nhớ mắm ruốc, mắm nêm, cà pháo, người Nam thì nhớ giá sống, nhớ cá lóc trui, cây trái.

Ăn là một vấn đề quan trọng và sinh tử của thế giới từ xưa đến nay. Ngày nay, dân số thế giới đã gia tăng quá mức, và sẽ tăng nhiều nữa trong tương lai. Các nhà bảo vệ môi sinh, đã lớn tiếng cảnh cáo, là rừng núi bị co lại, bị tiêu hủy, nhiều loài cây cối, thú vật đang bị tuyệt diệt, và đại dương cạn kiệt vì thủy tộc sinh sản không kịp cho con người săn bắt. Khi thiên nhiên mất cân bằng, đi vào con đường chết, thì con người cũng sẽ chết theo.

Con người sống nhờ trái đất, mà trái đất bị hủy hoại, bị chết dần mòn, thì có cách gì loài người thoát được sự hủy diệt trong tương lai? Tôi vẫn thường nghĩ đến một phát minh mà tôi gọi là “Cây Gậy Nhân Sinh”. Nếu vấn đề ăn đe dọa loài người, thì có một ngày nào đó, các nhà khoa học sẽ chế tạo được một cây gậy đặc biệt. Cắm một đầu gậy xuống đất, ngậm đầu kia vào miệng, thì thức ăn bổ dưỡng từ dưới đất cứ ào ào mà bơm lên, tha hồ mà no. Cây gậy nầy dựa theo nguyên tắc sinh trưởng của loài thảo mộc. Nhưng sinh trưởng, biến hóa nhanh hơn hàng triệu lần. Y như máy vi tính có khả năng tính toán mau hơn trí óc cả trăm triệu lần vậy.

Mỗi công dân của trái đất, được phát cho một cây gậy. Khỏi lo đói. Nếu muốn thức ăn có mùi vị thịt bò, heo, cừu, tôm cua cá … thì cứ bấm nút đánh vần tên thứ đó trên cây gậy, tha hồ mà ăn nhậu. Muốn uống bất cứ loại rượu gì, nước ngọt gì, thì cũng chỉ bấm nút đánh vần, là dưới đất tuôn lên ào ào vào miệng. Lâu lâu, có ai khám phá ra thức ăn mới, thì cũng chỉ cần “ cài đặt” cái chương trình cấu tạo mới, như người ta cài đặt các chương trình mới vào máy vi tính, giản dị thế thôi. Cũng có ngày đến đó. Tại sao không?

Miếng ăn gây khó khăn rắc rối cho cuộc sống. Nhưng miếng ăn cũng còn là ý nghĩa hạnh phúc bình thường cho mỗi con người. Khi không còn dám ăn uống vì bất cứ lý do gì, cũng là hình phạt nhẹ của trời đất dành cho một số người. Ăn uống là một bản năng tự nhiên, phúc cho những ai còn ăn uống được, mà không phải kiêng cữ gì cả.

Tràm Cà Mau

6 comments:

  1. Bài viết xác thực, diễn tả đúng y tâm lý con người, đọc rất thấm ý.
    Cám ơn tác giả Tràm Cà Mau.
    NPN

    ReplyDelete
  2. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  3. Ăn muôn năm ! Tạ ơn Trời, đã cho bố mẹ tạo nên con với Cái miệng, Cái lưỡi , và Cái bao tử; Mà cái nào cũng làm việc rất đứng đắn và nghiêm chỉnh. Nếu có kiếp sau, thì con cũng xin được làm người để được thưởng thức cái khoái đầu tiên trước, mà mới sinh ra, khóc oe oe, đã được mẹ cho bú ... rồi, chứ con không thích "Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.." như cái ông họ Nguyễn ngày xưa đâu. Ông này làm bài thơ gì mà: "Kiếp sau xin chớ làm người, Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.." Ông này làm bài thơ này trong lúc no và say, hay là trong lúc bị táo bón, do đó không thèm ăn nữa rồi.. Trời ạ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng rồi, đứng đầu trong tứ khoái là "Ăn" mà!
      Cám ơn Vincent Nguyen.
      NPN

      Delete
  4. Ông TCM viết bài nầy dài quá, bàn luận sâu sắc về Ăn và Sống làm tui đọc và nghiền ngẫm mãi. Cám ơn Tác giả và chi T kim.
    KP.

    ReplyDelete
  5. Mọi nỗ lực trong đời chung quy là để kiếm cái ăn, có ăn mới sống được. Mà một khi cuộc sống đã đầy đủ rồi thì người ta lại nghĩ cách tận hưởng, ăn làm sao cho ngon, cho khoái khẩu. Từ đó cái ăn đã được nâng lên hàng đầu trong tứ khoái. Thế mới biết cái ăn nó quan trọng như thế nào.
    Cám ơn chị KP.
    Tk

    ReplyDelete