Tuesday, December 4, 2018

Những Cặp Kính Trắng - Tạp Ghi Huy Phương


Ngày xưa khi còn nhỏ, lúc trông thấy những người mang kính trắng, tôi hỏi bố tôi vì sao họ lại mang kính như thế, bố tôi giải thích rằng vì họ là những người có học, họ phải mang kính để đọc sách. Bố tôi còn giải thích thêm, những nông dân mù chữ, suốt đời chẳng bao giờ phải mang kính. Tôi nghiệm ra điều này có lẽ đúng, vì tôi chưa bao giờ thấy một người phu xe (ngày xưa) hay một ông đạp xích lô (ngày nay) mang kính trắng cả.

Hiện nay trẻ em Ðài Loan so với thế giới là những người mang kính cận sớm nhất, vì đây là một nước tân tiến, trẻ em đã bắt đầu làm quen với computer từ bậc tiểu học nên rất dễ hư mắt. Phải chăng đây là một đất nước tiến bộ và trí thức?

Tôi nhớ ông Mao Trạch Ðông có tuyên bố một câu đại khái “trí thức không bằng cục cứt” và không hiểu vì sao người cộng sản lại ghét trí thức đến thế, mà đại diện là những người mang kính trắng. Bằng chứng là Polpot của Cambodia đã giết sạch những ai mang kính trắng, vì “bọn trí thức là kẻ thù của nhân dân.” Với người cộng sản Việt Nam, ngoài ông Hồ ra không thấy ai mang kính trắng, nhưng cán bộ nhà tù tập trung sau năm 1975 lại hình như không ưa mấy anh tù miền Nam mang kính. Nhiều người tù đã bị lột kính đạp nát dưới chân trong những ngày đầu trình diện như trong một câu chuyện tôi đã kể hầu độc giả trước đây. Trí thức hay tiểu tư sản đều là những kẻ phản động.
Có người thắc mắc sau ngày 30 tháng 4, khi Việt Cộng vào “giải phóng” miền Nam không thấy ai đeo kính trắng cả! Có lẽ cũng không cần giải thích.

Người cộng sản cần “hồng” hơn “chuyên,” cần lòng trung thành tuyệt đối với đảng hơn là cần trí thức chuyên môn. Ở trong các trại tù dành cho dân miền Nam trước đây, hầu như những “cán bộ giáo dục” là những tên dốt đặc nhưng có tuổi đảng lâu đời. Ngoài đời các bộ trưởng chuyên ngành cần bằng cấp nhưng những người lãnh đạo đảng chỉ cần lòng tin cậy của đảng và dễ sai bảo. Nhưng gần đây, trước thế giới mở rộng, không thể ngu dốt sống như người rừng, và để theo kịp đà văn minh, con người phải có trình độ hiểu biết, phải có học, nói một cách khác là phải có bằng cấp để điều hành việc nước. Chức vụ nào phải có bằng cấp chuyên môn tương xứng. Bộ trưởng Giáo Dục ít ra phải có văn bằng tiến sĩ Giáo Dục, Công Chánh phải có kỹ sư Cầu Ðường. Nhưng từ lòng trung thành, mê muội từ đảng bước ra vội vã, cán bộ cộng sản đã phải “đốt giai đoạn” để có bằng cấp trong tay, hợp thức hóa cho tương xứng với các chức vụ hiện tại do quyền lực đảng đã ban cho.

Cộng Sản Việt Nam lấy lý do trong chiến tranh phải dở dang việc học tập. Khi cuộc chiến kết thúc, nhiều người trong số họ phải theo học hệ tại chức, vừa đi làm hay giữ chức vụ điều khiển vừa đi học. Ðại học tại chức nào dám đánh hỏng một ông bí thư Tỉnh Ủy hay con một ông trong Bộ Chính Trị đã ghi danh, nên đại học tại chức trở thành nơi “nấp bóng” của một số cấp lãnh đạo, kể cả sinh viên thuộc dạng “con cháu,” theo học hệ này cốt kiếm tấm bằng đại học để hợp thức hóa và làm “bùa ngải” tiến thân. Từ đó, có các đại học tại chức lan tràn mà theo các nhà chuyên môn, 10 người ghi danh chưa có được một người sau 4 năm học đạt được chuẩn tối thiểu của bậc đại học, theo như Giáo Sư Phạm Minh Hạc trong một cuộc phỏng vấn của đài VOA, trong khi đó, bằng cấp giả cũng là một tệ nạn lan tràn ở Việt Nam trong giới có chức quyền.

Việt Nam hứa sẽ đào tạo một năm 2,000 tiến sĩ ở trong và ngoài nước. Một trưởng ty Văn Hóa Thể Thao tỉnh lẻ có bằng tiến sĩ sau khi chỉ có mặt tại Mỹ ba tháng và chưa qua một lớp ESL nào. Chưa lúc nào Việt Nam cần bằng cấp và “yêu trí thức” đến thế.

Nếu tổng hợp các nhân vật trí thức do ba ông trùm cộng Sản là Staline, Mao Trạch Ðông, Hồ Chí Minh hạ sát để củng cố quyền lực, con số này có thể lên đến vài chục triệu người, sao bây giờ những người CSVN khát trí thức và mê bằng cấp đến thế. Theo tài liệu của VNTTX, chúng ta thử điểm qua “bằng cấp” của 14 ông trong Bộ Chính Trị qua Ðại Hội XI (2011):
1. Trương Tấn Sang, thường trực Ban Bí Thư Trung Ương Ðảng, sinh năm 1949, cử nhân Luật Khoa.
2. Phùng Quang Thanh, đại tướng bộ trưởng Quốc Phòng, sinh năm 1949, Ðại Học Khoa Học Quân Sự.
3. Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Chính phủ, sinh năm 1949, cử nhân Luật.
4. Nguyễn Sinh Hùng, phó thủ tướng, sinh năm 1946, tiến sĩ Kinh Tế.
5. Lê Hồng Anh, đại tướng bộ trưởng Bộ Công An, sinh năm 1949, cử nhân Luật.
6. Lê Thanh Hải, bí thư Thành Ủy HCM, sinh năm 1950, cử nhân Kinh Tế.
7. Tô Huy Rứa, trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, sinh năm 1947, tiến sĩ Triết học.
8. Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch Quốc Hội, sinh năm 1944, cử nhân Văn ÐH Tổng Hợp, tiến sĩ Ngành Xây Dựng Ðảng (?)
9. Phạm Quang Nghị, bí thư Thành Ủy Hà Nội, sinh năm 1949, tiến sĩ Triết học.
10. Trần Ðại Quang, trung tướng thứ trưởng Bộ Công An, sinh năm 1956, tiến sĩ Luật Khoa.
11. Tòng Thị Phóng, phó chủ tịch Quốc Hội, sinh năm 1954, cử nhân Luật.
12. Nguyễn Văn Dụ, chánh văn phòng Trung Ương Ðảng, sinh năm 1947, đại học Kinh Tế.
13. Ðinh Thế Huynh, tổng biên tập Nhân Dân, sinh năm 1953, tiến sĩ Báo Chí.
14. Nguyễn Xuân Phúc, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, Ðại Học Kinh Tế.

Trong danh sách này, ông Nguyễn Phú Trọng là người “trí thức” nhất. Tiểu sử ghi ông có ba năm đi học ở Ðại Học Tổng Hợp Hà Nội, ba năm ở trường đảng cao cấp, một năm học Nga văn, hai năm đi Liên Xô học ở Hàn Lâm Viện Khoa Học Xã Hội. Còn các ông khác không nghe những bằng cấp tiến sĩ Triết học, tiến sĩ Luật Khoa, tiến sĩ Báo Chí, tiến sĩ Kinh Tế, cử nhân Luật… này tốt nghiệp ở đâu, năm nào, thời gian đi học bao lâu, vì tiểu sử của các ủy viên này kín đặc, từ những chức vụ trong rừng ra đến “vùng giải phóng,” lên đến ủy viên Bộ Chính Trị không có một thời gian nào dành cho việc cắp sách đến trường. Không có lẽ những bằng cấp này chỉ cần lấy trong vài ngày, ít nhất thì cũng cho quần chúng biết họ tốt nghiệp vào thời gian nào, tại đâu và thời gian học là bao lâu.
Tôi xin lấy tiểu sử của ông Hoàng Xuân Hãn để làm ví dụ, khi nói ông có văn bằng thạc sĩ Toán, thì trong tiểu sử của ông có ghi rõ, “nói có sách, mách có chứng:”
Ông sinh năm 1908.
Năm 1926, đậu bằng Thành Chung, ra Hà Nội học trung học ở trường Bưởi.
Năm 1927, chuyển sang học chuyên Toán ở Lycée Albert Sarraut.
Năm 1928, đỗ thủ khoa kỳ thi tú tài toàn phần và được nhận học bổng của chính phủ Ðông Dương sang Pháp học dự bị để thi vào các trường lớn.
Năm 1930, học trường Bách Khoa Paris.
Năm 1932-1934, vào học École Nationale des Ponts et Chaussées.
Năm 1935 đậu cử nhân Toán.
Năm 1936 đậu thạc sĩ toán tại khoa Toán trường Ðại Học Sorbonne.

Vì vậy tôi đâm ra nghi ngờ bằng cấp của các ủy viên trong Bộ Chính Trị CSVN là bằng cấp giả hay bằng đại học tại chức, hoặc là bằng cấp “học đại,” cho rằng ta đây cũng trí thức, khoa bảng, ghi vào tiểu sử để “giật le,” như cách nói của người bình dân Nam Bộ. Bố thằng nào dám chất vấn, trong đại hội đảng, là bằng cấp của quý ông là bằng tại chức, bằng mua hay bằng giả! Ai chẳng biết chuyện “dốt chuyên tu, ngu tại chức!” Theo tôi, quý ông trong Bộ Chính Trị không cần thiết phải nêu bằng cấp như bọn bần dân chúng tôi.

Nguyễn Tấn Dũng từ một anh liên lạc cứu thương, y tá, lên đến thủ tướng, Lê Hồng Anh là cán bộ văn nghệ xã, bây giờ mang cấp đại tướng, bộ trưởng Công An, hay dù là một anh xuất thân bẻ “ghi” đường sắt, thợ mộc… đi nữa mà có đảng dẫn đường cũng lên đến cấp lãnh đạo tối cao, đâu cần đến ba cái loại bằng cấp “tư sản” tiến sĩ, cử nhân “chạy đầy đường” Hà Nội như thế.

Bây giờ những người cộng sản không còn ghét trí thức khoa bảng nữa, nói chung là không còn ghét loại người mang kính trắng như bọn Polpot. Nhưng tôi thật nghi ngờ những cặp kính trắng này không có độ, là những cặp kính cửa sổ (window glasses).

Cô giáo Hà Thủy tốt nghiệp Ðại Học Văn, Sư Phạm Hà Nội chính quy, thuộc loại giỏi, hiện là thạc sĩ mà còn hiểu “canh gà Thọ Xương” là một món ăn như “bánh cuốn Thanh Trì” thì liệu các thứ bằng cấp ma, bằng cấp giả này đi tới đâu?

Huy Phương 

No comments:

Post a Comment