Ánh nắng mặt trời xuyên qua khung cửa sổ làm Dũng choàng tỉnh. Ngước mắt nhìn đồng hồ, gần 9 giờ sáng. Dù muốn nằm nán thêm chút nữa, nhưng Dũng cần gọi phone cho người bạn tên Hùng, nên bật dậy nhanh đi vào phòng vệ sinh. Cầm điện thoại lên chàng bấm số:
- A lô, Dũng đây. Hùng có phải không?
- Hùng đây. Ông bạn tôi đó ư? Sao, khỏe không? Cuối tuần sao thức dậy sớm thế?
- Tôi vẫn khỏe, còn ông? Mấy tiệm nail của vợ chồng ông ra sao?
Rồi Dũng nói ngay mục đích cuộc gọi:
- Đêm qua đọc bốn câu thơ ông gửi qua email, cảm thấy hay tuyệt và có ý nghĩa quá. Ông lượm bài thơ nầy ở đâu thế?
-
Hồi tháng rồi gia đình tôi đi dự lễ Vu Lan và nghe thuyết pháp ở ngôi
chùa gần nhà. Bài pháp của sư cụ trụ trì có chứa đựng bốn câu thơ đó,
hình như của Thiền sư Phước Hậu.
Không để Dũng cất tiếng, Hùng nói tiếp:
-
Tôi biết ông phải thích bài thơ nầy, bởi vì ông đã nếm hương vị đạo
pháp từ lâu. Chờ tôi đọc ông nghe bốn câu thơ nầy rồi hỏi ông vài câu.
Giọng Hùng rổn rảng đọc:
"Kinh điển lưu hành tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Năm nay tính lại chừng quên hết
Chỉ nhớ trong đầu một chữ Như ."
Hùng cười dòn dã trong phone:
- Đối với ông bạn của tôi có còn…." Chỉ giữ trong đầu một chữ Thư " hay không?
-
Đến tuổi lục tuần rồi bạn tôi vẫn còn máu tếu. Ông có biết hôm nay là
ngày gì của bà xã tôi không mà ông nói đùa như thế? Thôi bye nhe, tôi
còn nhiều việc phải làm hôm nay.
Chữ "Thư" mà Hùng cố tình hỏi Dũng
có thể xem là tên một tiểu thư trâm anh đài các, con nhà giàu sang và
quyền quý. "Thư" còn có thể xem là những cánh thư tình màu xanh cho lứa
tuổi yêu nhau, làm phương tiện chuyên chở tâm tình với nhau. Và đó còn
là tên của người con gái mà Hùng là một chứng nhân cho cuộc tình của
Dũng và Quế Thư, gần bốn thập niên trước.
Sau cuộc chiến mùa hè đỏ
lửa năm 1972 chính quyền ban hành lệnh tổng động viên. Dũng và Hùng
không đủ tiêu chuẩn học tiếp, phải vào trường sĩ quan Thủ Đức.
Dũng
hồi tưởng lại trong thời gian đợi chờ lên đường nhập ngũ, chàng thường
có mặt hằng ngày ngồi tán dóc với đám bạn ở câu lạc bộ trong sân trường
đại học Văn Khoa Sài Gòn. Thời gian nầy trường sắp hết hạn ghi danh cho
niên khóa mới của các tân sinh viên. Trong mấy ngày liên tiếp ngồi bên
ly cà phê, Dũng chú ý đến một cô gái không thể nào chen vào sát đến căn
phòng phụ trách ghi danh. Cô gái nầy luôn vận chiếc mini jupe khá cao lộ
đôi chân thon dài hấp dẫn, khuôn mặt trái soan với làn da trắng hồng có
nét lai tây và đôi mắt to tròn, sâu, đen lóng lánh như hai hạt ngọc. Dù
bản tính nhát gái nhưng biết cô gái đã mấy ngày qua chưa thể chen lấn
để ghi danh học được, Dũng gắng lấy can đảm tiến đến trước mặt cô gái và
ngỏ ý ghi danh học giùm cho cô gái. Cô gái ngước mặt nhìn Dũng rồi nhỏ
nhẹ nói:
- Vẫn còn đông người chen lấn, làm sao ông ghi danh được?
- Ngày mai là hạn chót ghi danh, cô đưa hồ sơ cho tôi, bảo đảm bốn giờ chiều nay cô trở lại lấy hồ sơ mà tôi vừa ghi danh xong.
- Dạ, nhưng mà…
Để cô gái không nghi ngại Dũng chỉ tay vào căn phòng lo việc ghi danh và nói thật cho cô gái an tâm:
-
Bạn tôi ở trong ban đại diện của trường, đang ngồi trong đó giúp việc
ghi danh. Trưa nay tôi đến gặp hắn và nhờ ghi danh giùm cho cô. Cô đừng
lo gì hết.
Buổi chiều gặp Dũng ở dưới câu lạc bộ Văn Khoa, Hùng đưa trả hồ sơ ghi danh của cô gái cho chàng rồi cười nói tếu:
- Xong rồi. Gớm, tên ai cũng thường có ba chữ, còn tên cô bạn mầy dài gấp đôi, tao viết mỏi cả tay!
Để
rồi sau nhiều lần hẹn hò, tình yêu nở rộ lên trong lòng Dũng và Quế Thư
bao giờ không hay. Có lẽ Dũng sắp đến ngày đầu quân vào quân đội, thời
gian còn lại cho hai kẻ vừa nếm hương vị yêu đương quá ngắn ngủi, nên
ngày nào chàng và Quế Thư cũng tìm cách gặp nhau. Trước ngày Dũng đi
trình diện nhập ngũ, buổi chiều gió nhiều, mây đen che lấp hết ánh mặt
trời như báo hiệu cơn mưa lớn sắp đổ xuống, Dũng đến lớp học của Quế Thư
ở trên lầu ba đón nàng. Lớp học đã tan khá lâu, chàng trông thấy trong
giảng đường chỉ còn Quế Thư và ông thầy người Mỹ đang trò chuyện với
nhau. Thấy Dũng đến nàng ôm sách vở vội bước ra, trước cái nhìn không
thân thiện của vị giáo sư người Mỹ. Sợ cơn mưa trút xuống chàng phóng xe
nhanh đến rạp hát Eden. Đèn trong rạp vừa tắt, Quế Thư vùi đầu vào vai
chàng, và những giọt nước mắt thấm ướt áo chàng.
Sau chín tháng thụ
huấn ở quân trường Thủ Đức, Hùng vào sư đoàn bộ binh 21 ở tỉnh Chương
Thiện, còn Dũng được chọn sư đoàn 7 bộ binh đóng ở tỉnh Mỹ Tho. Vì hoàn
cảnh đất nước Dũng và Quế Thư phải tạm xa nhau, nhưng cả hai đều siêng
năng thư từ , và chính những trang giấy màu xanh mỏng manh là chất keo
sơn làm tình yêu giữa hai người bền chặt, thâm sâu hơn.
Cuộc chiến
càng ngày càng khốc liệt khiến Dũng rất khó được cấp phép về thăm người
mình yêu. Sau gần trọn năm không gặp mặt nhau, vào khoảng ba giờ chiều
ngày thứ bảy 28 tết năm Ất Mão 1975 một quân nhân gác cổng đi vào văn
phòng sư đoàn, báo cáo với Dũng rằng có một thiếu nữ muốn gặp chàng.
Nghe thế Dũng ngạc nhiên quá sức, tự nghĩ cô giáo Loan thường ghé thăm
chàng ở trại gia binh, chứ có bao giờ đòi gặp chàng ở ngay văn phòng sư
đoàn đâu. Tự nghĩ như thế nhưng chàng cũng đứng lên đi ra ngoài. Và
ngoài sức tưởng tượng Quế Thư bằng xương bằng thịt, không màng hiểm
nguy, từ Sài Gòn xuống đây thăm chàng!
Đêm hôm ấy Dũng nhờ một thiếu
úy khác trực giùm mình, trong căn phòng nhỏ hẹp và bừa bãi của chàng ở
khu sĩ quan, hai người nằm ôm nhau tâm sự đến khuya bên tai nghe tiếng
đại bác ầm ầm liên hồi. Nàng tiểu thư muốn ở lại với Dũng đến sáng thứ
hai 30 tết mới trở về, nhưng Dũng lắc đầu dù trong lòng chàng chẳng muốn
xa nàng, lòng buồn vô hạn bảo Quế Thư phải trở về sáng sớm ngày
mai. Bởi vì chiến sự xảy ra trước mắt, kề cận sát bên mình, súng đạn bom
nổ không chừa một ai, và do đó sự thương vong đến với người lính và
thường dân chỉ trong tíc tắc. Tình yêu dành cho Dũng phải mảnh liệt lắm
Quế Thư mới dũng cảm xuống đây thăm chàng, và cũng vậy, phải yêu Quế Thư
thắm thiết lắm Dũng mới không sa ngã trước sự săn đón kiên trì của cô
giáo Loan.
Sáng hôm sau nhằm ngày chủ nhật 29 tết bến xe đò về thành
phố Sài Gòn quá đông, Dũng phải năn nỉ chủ xe nhiều lắm mới có vé cho
Quế Thư trở về. Cặp mắt to đen của Quế Thư đỏ hoe, nàng cứ luôn lấy khăn
chặm mắt khiến lòng Dũng xốn xang yêu thương nàng vô vàn. Lòng trầm
buồn đứng nhìn chiếc xe đò từ từ lăn bánh đưa Quế Thư về với nơi chốn an
bình hơn, chờ đến khi xe chạy khuất dạng Dũng mới hấp tấp quay về căn
phòng mình. Vừa mặc đồ áo trận xong chàng nghe tiếng gõ cửa, cô giáo
Loan đến thăm với bánh chưng, bánh tét, kẹo mứt, trái cây, không thiếu
món nào hết trong những ngày tết, nhất là luôn có hai cây thuốc lá
Captain tặng chàng. Đã từ lâu Dũng biết tình cảm sâu nặng của Loan dành
cho, nhưng vài lần chàng đã khéo léo nói xa gần cho Loan hiểu đời lính
trận bấp bênh, tử thần ở trước mắt, cũng chẳng thuyết phục được Loan
dang chàng ra. Trái lại Loan kiên nhẫn bày tỏ tấm lòng đôn hậu và hiền
hòa của mình, mong mỏi chiếm được con tim chàng trong tương lai.
Chiến
cuộc càng xảy ra khốc liệt ở vùng một và vùng hai, và sau cùng thành
phố Sài Gòn phải đớn đau thất thủ. Vào lúc 10 giờ sáng thứ tư ngày 30
tháng 4, vị Tổng Thống sau cùng của miền Nam Cộng hòa tuyên bố đầu hàng
và kêu gọi quân đội khắp nơi buông súng, giải tán.
Đúng một tuần lễ
sau cũng tại bến xe đò mà mới hơn hai tháng trước Dũng đưa Quế Thư trở
lại thành phố, hôm nay trong bộ đồ dân sự, chàng thất thểu trèo vào xe
về Sài Gòn. Cơn mưa đổ xuống xối xả trên đường về thành phố.
Khoảng 5
giờ chiều Dũng mượn xe em gái lái về hướng nhà Quế Thư. Mưa đã tạnh từ
lâu mà sao như có mưa sa bảo táp trong lòng Dũng khi biết căn nhà Quế
Thư đã có chủ mới! Quế Thư và toàn thể gia đình đã mất dạng trước ngày
thành phố Sài Gòn đổi chủ thay tên.
*
Hùng và Dũng cùng trình
diện để đi tù cải tạo. Hầu hết trại viên đều cảm thấy hạnh phúc trong
ngày chủ nhật, vì ngày nầy trại cải tạo cho phép các bà mẹ, bà vợ, thân
nhân của họ đến thăm và tiếp tế thực phẩm thuốc men cho họ. Thật giống
như lần Quế Thư đột ngột và bất ngờ xuống thăm Dũng vào buổi chiều 28
tết, lần đầu tiên cô giáo Loan lặn lội đường xa vào thăm chàng, hai tay
xách hai túi quà nặng trịch khiến chàng cảm động hết sức. Và cứ thế Loan
tiếp tục nhiệm vụ thăm nuôi Dũng như vai trò của một người vợ hiền,
khiến Hùng nằm kế bên nhau trong trại phải buộc miệng:
- Mầy số đẻ bọc điều, cô giáo yêu thương mầy quá cở thợ mộc còn chờ gì mà không lấy làm áp trại phu nhân chứ!
- Tao chưa biết tin tức gì của Quế Thư, nỡ lòng nào phụ ải tình nàng hỡi mầy?
-
Mầy tự dối lòng chứ ai không biết Quế Thư và cả gia đình đều may mắn di
tản ra nước ngoài rồi, bằng không nàng phải vào đây thăm mầy rồi.
Hơn
ba năm sau với cấp bậc thiếu úy, Dũng và Hùng được phóng thích về với
gia đình. Với tính năng động và lanh lẹn, Hùng lập đình với cô gái gốc
Hoa và vượt thoát bằng đường biển vào cuối năm 1979, sau nầy được đinh
cư ở thủ phủ Boston tiểu bang Massachusetts. Còn cuộc sống Dũng sau đó
không đến nổi tệ, chàng mưu sinh bằng nghề dạy Anh ngữ cho các gia đình
muốn thoát ly ra nước ngoài. Chàng vẫn còn được cô giáo Loan ghé thăm,
nhiều lần Dũng không có mặt ở nhà, nàng vẫn chịu khó đợi chờ chàng về,
khiến gia đình chàng phải thương mến và có cảm tình rất nhiều với Loan.
Không nói ra Dũng cũng biết Loan mong mỏi nên duyên với chàng, vì vậy
một hôm Dũng trải thẳng nỗi lòng mình cho Loan rõ:
- Loan à, thật là không hợp tình và hợp lý khi lấy em về làm vợ mà tâm tư anh cứ nghĩ đến bóng người khác.
-
Em tự biết em quê mùa, xấu xí, không bằng vị tiểu thư xinh đẹp, đài các
học cao của anh đâu. Nhưng em tự tin em sẽ mang hạnh phúc cho anh và
hứa sẽ là người vợ phục vụ cho anh suốt đời suốt kiếp.
Khi nghe Loan
nói như thế Dũng giương mắt nhìn nàng với sự ngạc nhiên và thán phục,
không ngờ Loan cũng biết những điều Đức Phật dạy bảo. Nếu trong thời
gian ba năm dài trong trại cải tạo Dũng không làm quen với kinh điển
Phật pháp, thì hôm nay nghe Loan thốt ra lời nói trên, ắt Dũng phải lấy
làm tự mãn chứ đâu có cái nhìn ngưỡng phục nàng. Bởi vì Dũng nhớ lại một
thời Đức Phật đến dự lễ cúng dường tại nhà của trưởng giả Cấp Cô Độc.
Lúc ấy Đức Thế Tôn nghe nàng dâu của cư sĩ Cấp Cô Độc đang lớn tiếng với
chồng, nên nhân đó Đức Thế Tôn thuyết bài pháp về bảy loại vợ, trong đó
loại vợ như nữ tỳ được Đức Thế Tôn tán thán và ca ngợi.
Hơn 13 năm
sau Dũng và Loan cùng đứa con gái 12 tuổi sang Mỹ theo diện HO, và đến
tá túc với gia đình Hùng. Lúc ngồi trên phi cơ bay qua Mỹ, Loan nheo mắt
nhìn chồng cười:
- Thế là anh có cơ hội gặp cô tiểu thư của lòng anh rồi nhé.
- Cô ta ở đâu đến nay anh cũng không biết. Giả dụ cô ta ở Mỹ, bộ em tưởng đất Mỹ nhỏ bé như xứ Mỹ Tho của em sao mà dễ gặp.
Tuy
nói thế Dũng có chút mơ tưởng biết đâu duyên lành đến cho chàng trùng
phùng với Quế Thư. Rồi chàng cứ miên man nghĩ tiếp, nhưng gặp được Quế
Thư có ích lợi chi đâu, nàng chắc rồi cũng phải lấy chồng, có con, thời
gian còn đâu nhớ về bóng hình cũ, kỷ niệm xưa? Giọt nước mắt của một
tiểu thư tuôn rơi cho nỗi nhớ nhung xa cách năm nào, hẳn phải thay thế
bằng những tiếng cười hạnh phúc bên chồng con trong nhà cao cửa rộng.
Nhớ chi về dĩ vãng một thời tuổi trẻ chóng đổi thay!
Vợ chồng Hùng
có hai con, hiện là chủ tiệm Nail, cuộc sống sung túc và khá giả. Còn
Dũng tự biết phận mình như trâu chậm uống nước đục, ở Boston quá khó tìm
việc làm nên vợ chồng chàng phải đành giã từ lòng ưu ái và tốt đẹp của
vợ chồng Hùng, di chuyển đến thành phố Garden Grove, California sinh
sống. May mắn làm sao vợ chồng Dũng được một hảng điện tử nỗi tiếng nhận
vào làm Assembly, lương bổng dĩ nhiên không cao nhưng cũng khiến một HO
mới qua Mỹ như chàng cảm thấy mãn nguyện vô cùng. Cuộc sống của vợ
chồng Dũng lẳng lặng êm đềm trôi, bình dị và hạnh phúc bên nhau. Thỉnh
thoảng Dũng tình cờ gặp vài người bạn cũ học ở đại học Văn Khoa, chàng
hỏi bóng gió tin tức về Quế Thư nhưng không ai biết gì cả.
Thời gian
trôi nhanh như gió thoảng mây bay, vợ chồng chàng sống vui vầy bên nhau
đã hơn 10 năm nơi xứ người, cho đến một ngày Loan biết được hung tin
khi bác sĩ khám phá nàng bị ung thư ngực đến thời kỳ trầm trọng. Bởi
thấm hương vị Phật pháp từ lâu, nàng trầm tỉnh, không vật vã than khóc
cũng không oán trách trời xanh, thấu hiểu sự vô thường theo nhau như
sáng tối, như lật trở cái bàn tay, nên nàng an bình tự tại chấp nhận số
phận nghiệt ngã. Gần một phần tư thế kỷ sống bên Dũng, Loan hết lòng
thương yêu, lo lắng và săn sóc cho chồng cho con, đổi lại nàng được
chồng quí con ngoan khiến lòng nàng cảm thấy an vui và ấm ám vô cùng.
Một đêm nằm gọn trong lòng Dũng, bằng giọng nói nửa như đùa nửa như trối
trăn Loan thì thầm:
- Nè ông xã, sau nầy ráng đi tìm cô nàng tiểu thư của anh nhe.
- Em đừng nên nói đùa, anh chỉ biết có em mà thôi. Không có ai, không còn ai ở trong hay ở ngoài anh hết.
Ngước mắt âu yếm nhìn chồng, Loan nở nụ cười hiền hòa:
- Anh có bao giờ biết đã nhiều đêm tên tiểu thư được anh thốt lên trong cơn mớ ngủ hay sao?
- Em cứ trêu ghẹo anh mãi. Thôi khuya rồi anh tắt đèn để em ngủ trong vòng tay anh nhe.
- Mình có chịu em giúp tìm cô tiểu thư không?
- Hoàn toàn không. Em nhắm mắt ngủ đi.
Dũng
tin lời tiết lộ của vợ là sự thật, càng khiến chàng kính phục và yêu
thương vợ thắm thiết. Loan đã không hề tỏ vẻ ghen tương hay giận dữ gì
hết, vẫn một lòng chung thủy với chồng, săn sóc và chìu chuộng chồng hết
cả tấm lòng sắt son. Vài tháng sau trong trạng thái tâm vắng lặng và
tỉnh không, Loan nhẹ nhàng trút hơi thở trước mặt chồng con và thân nhân
ngay trong nhà.
Nói chuyện qua phone với Hùng về bốn câu thơ của
thiền sư Phước Hậu xong, Dũng gọi phone nhắc nhở cho đứa con gái đang
học bên New York biết hôm nay là ngày giỗ đầu tiên của Loan.
Thời
tiết vào mùa thu ở miền nam California mát mẻ và trong lành, Dũng một
mình lái xe đến nghĩa trang Vườn Hồng, nơi an nghỉ ngàn thu của người vợ
yêu quí. Gió chiều nay thổi mạnh, lá rơi rụng đầy khắp nghĩa trang phủ
lấp bãi cỏ xanh rì và nằm dầy đặc bên phần mộ Loan. Đốt xong nén nhang
cho vợ, hồn Dũng dật dờ đạp trên đống lá khô đi trở về bãi đậu xe với
nỗi cô đơn và hui quạnh. Bước vào chiếc Honda Acord, Dũng đề máy xe và
bật nhạc lên, bài ca " Ngẫu Nhiên" của Trịnh Công Sơn mà vợ chàng rất ưa
thích phát ra:
"…Mệt quá đôi chân này,
tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi
Mệt quá thân ta này,
nằm xuống với đất muôn đời
Kìa còn biết bao người,
dìu dắt tới quanh đây
Kìa còn biết bao người, dìu dắt tới quanh đây…."
Câu
cuối của bài hát chí lý quá! Trước sau, sớm muộn, ai rồi cũng dắt dìu
tới quanh nghĩa trang Vườn Hồng. Dũng vừa lùi xe ra vừa vói tay vặn
volume lớn lên một chút, bỗng chàng nghe một tiếng ầm không to lắm phía
đằng sau xe chàng. Dũng biết xe chàng bị đụng chạm với một chiếc xe khác
rồi. Tắt máy chàng bước ra xe, cùng lúc một người đàn bà vận chiếc jupe
màu đen cũng bước ra chiếc xe Mercedes E350 vừa va chạm với xe chàng.
Hình như người đàn bà nầy là người Á Đông, chàng nói " Hi" rồi bước đến
xem xe mình bị đụng như thế nào. Vết đụng bị lỏm nhẹ ở ngay chính giữa
phía sau xe, nên Dũng đoán rằng chàng hay người đàn bà vô ý lùi xe cùng
một lúc mà đụng nhẹ vào nhau. Tự nghĩ đúng là lỗi của mình, bởi tâm tư
Dũng chú tâm lắng nghe bài hát bài ca "Ngẫu Nhiên" nầy. Từ ngày Loan bạo
bệnh mất đi, mỗi khi nghe bài ca nầy Dũng tưởng như người vợ dấu yêu
đang thầm thì bên tai mình vậy.
Lúc ấy người đàn bà tiến gần đến
Dũng, không nói lời nào, nhìn chàng đăm đăm, hai hàng lệ rơi trên má bao
giờ, rồi kêu lên: "Ông, anh Dũng phải không?". Vừa nghe qua thanh âm
đó, chàng nhìn kỹ người đàn bà đứng đối diện và sửng sờ nhận ra là Quế
Thư! Dũng kinh ngạc reo:
" Quế Thư . Em đây sao?". Hỏi thế nhưng
chàng dang hai cánh tay rộng ra ôm ghì Quế Thư vào lòng. Có cặp vợ chồng
Mỹ già đi ngang qua tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy chủ nhân hai chiếc xe
đụng nhau, lại ôm ghì lấy nhau với niềm hân hoan trong nước mắt ràn rụa
lăn dài trên má người đàn bà!
Quế Thư nghẹn ngào trong vòng tay Dũng:
- Ngày đêm em cầu nguyện Quán Thế Âm Bồ Tát cho được gặp lại anh, chỉ cốt nói cho anh hiểu lý do em rời anh.
- Anh vui mừng lắm gặp được em.
Lau xong nước mắt Quế Thư nhìn Dũng đắm đuối hỏi:
- Anh viếng thăm mộ phần ai? Vợ anh phải không? Chị mất lâu chưa?
- Phải, vợ anh đã mất được tròn một năm rồi.
Nghe
thế Quế Thư nói muốn đốt nén hương trước mộ Loan, đồng thời kể chàng
nghe những gì xảy ra cho nàng kể từ ngày thành phố dấu yêu Sài Gòn đổi
tên. Từ lúc bất ngờ gặp lại Quế Thư trong lòng chàng đã nhớ ngay đến lời
nói của vợ chàng trước lìa đời, muốn giúp chàng tìm gặp nàng tiểu thư
ngày xưa của chàng. Vì vậy chàng đồng ý sánh vai với Quế Thư chầm chậm
đi bộ trở lại mộ phần Loan và chăm chú lắng nghe người yêu ngày xưa kể
lại chuyện đã qua ở vào thời điểm hai người xa nhau.
Với giọng nhỏ
nhẹ và đều đều nàng kể như anh biết ba em là một viên chức cao cấp trong
bộ Ngoại Giao. Vào ngày thứ năm 24 tháng tư năm 1975 ba em đã thu xếp
cho gia đình em vào tòa đại sứ Mỹ trước và ông sẽ đi sau trong vài ngày
tới. Mạ em không đồng ý, nói toàn thể gia đình cùng đi một lúc chứ không
chịu để ba em đi sau một mình. Ba mạ cãi vã nhau một hồi, cuối cùng ba
em bắt buộc chìu theo ý của mạ em khiến em nhẹ thở, bởi vì lúc ấy em lo
lắng cho anh cùng cực lòng nào bỏ đi! Anh ơi, em vẫn còn nhớ như in
những ngày kế tiếp, lòng em luôn nghĩ đến anh và hằng đêm cầu khẩn Phật
Bà gia hộ cho anh vượt qua tai biến. Qua ngày thứ sáu 25-4 em có hai giờ
với giáo sư Paul, em thay đồ đi đến trường. Lớp học có le ngoe chưa đến
10 người nên sau khi nói vài lời, giáo sư cho tan lớp học ngay. Paul
giữ em lại, lúc ấy lớp học trống rỗng và ông ta tỏ tình với em. Thật sự
em đã biết Paul có cảm tình đặc biệt với em từ lâu, nhưng Paul lớn gần
gấp đôi tuổi em, hơn nữa con tim em đã trao trọn về anh rồi, lời nói của
ông Paul quả là thừa thãi. Hôm đó Paul cho em biết Sài Gòn rồi cũng xảy
ra giống như Campuchia thôi, và khuyên em phải nên tìm cách rời ngay
Sài Gòn. Ông ta còn nói đã được lệnh chuẩn bị hồi hương vào cuối tháng
nầy, và hỏi em có muốn về Mỹ với ông ta hay không? Sau cùng Paul đưa em
số phone và căn dặn em cần gì hãy gọi cho ông ta trước tháng tư nầy.
Nghe đến đây Dũng cắt ngang lời kể của Quế Thư:
- Ông Paul có phải là giáo sư đã ném cái nhìn kỳ quái đến anh lúc anh đến lớp học đón em, em còn nhớ không?
- Em không nhớ điều nầy.
- Và em đã gọi cho Paul vào phút cuối?
Không trả lời Dũng Quế Thư tiếp tục kể như thể sẽ không có cơ hội nào nữa cho nàng thổ lộ tâm tư đã chôn kín bấy lâu nay.
-Sáng
sớm ngày thứ ba 29-4 khoảng gần 8 giờ sáng chiếc xe chở toàn thể gia
đình em đã có mặt trước bên ngoài Tòa Đại Sứ Mỹ, đã thấy đám đông cố
gắng chen lấn để lọt vào trong và bị lính Mỹ chặn lại hết, kể cả chiếc
xe ba em có giấy thông hành cao cấp và đặc biệt cũng không được phép lái
vào trong Tòa Đại Sứ. Khuôn mặt ba em thất sắc, tức giận lên đến cực
điểm rồi tuyệt vọng quay về nhà. Bước vào nhà ba em to tiếng với mạ
ngay, còn mạ ôm mặt khóc òa. Tâm trạng em lúc ấy hoang mang và mâu thuẫn
quá, anh ở xa không biết được đâu, không khí bao trùng khắp nơi thành
phố Sài Gòn với sự sợ hãi vô bờ, ai cũng tìm cách thoát đi, nhất là
những người có quyền có thế như ba em. Bởi quá đỗi tuyệt vọng không vào
Tòa Đại Sứ Mỹ được, ba em trút cơn giận dữ vào mạ, đến chưa bao giờ em
thấy ba em hung tợn như thế. Nằm trong phòng nghe rõ lời lớn tiếng của
ba và tiếng khóc của mạ, khiến lòng em chán nản và buồn bã quá. Vì vậy
em lấy lá thư mới nhất của anh mà em vừa nhận được mấy ngày qua, em đọc
đi đọc lại nhiều lần, anh viết bi quan và tiêu cực quá cho cuộc tình đôi
ta khiến em khóc sướt mướt. Bỗng đâu đứa em trai chạy lên gõ cửa phòng
nói có ông Mỹ nào cần gặp em. Gặp Paul ở dưới lầu, hắn nói rất nhanh,
không cần em phải đi theo ông ta, mà chỉ muốn giúp đưa gia đình em vào
phi trường Tân Sơn Nhất rồi ông ta phải quay gấp trở vào Tòa Đại Sứ.
Khoảng chừng nửa giờ sau ba mạ, hai đứa em và em ngồi trong xe Paul và
ông ta lái xe nhanh về hướng phi trường.
Trên bãi cỏ xanh thênh
thang hai người dừng chân trước phần mộ Loan. Nghĩa trang chiều nay đìu
hiu vắng người, mặt trời từ từ chìm bóng, gió càng lúc càng thổi mạnh
kêu rì rào bên tai, Quế Thư nhìn thẳng vào Dũng khuôn mặt thoáng nét u
buồn như muốn khóc, ngập ngừng khá lâu mới thốt lên lời:
- Anh Dũng, anh cần phải biết về chuyện…
Thấy Quế Thư ấp úng không nói tiếp, buộc Dũng phải hỏi:
- Chuyện gì, anh đang lắng nghe em.
- Chị Quế Thư cũng đã nằm dưới lòng đất lạnh như vợ anh vậy!
Vừa
nghe qua Dũng bỗng rợn tóc gáy, sửng sờ nhìn người đàn bà đang đứng đối
diện. Dù là một quân nhân, đã chứng kiến nhiều cái chết và đã nghe
nhiều chuyện hồn ma bóng quế trong trại tù. Thế mà nơi nghĩa trang rộng
thênh thang, vắng bóng người và gió vi vu thổi liên tục, cũng khiến Dũng
rùng mình, ớn lạnh khi nghe người đàn bà trước mặt bảo rằng nàng không
phải là Quế Thư! Hít vào hơi thở thật sâu giọng Dũng run run hỏi:
- Vậy em, vậy cô là. .?
- Em là Quế Phương, em ruột của chị Quế Thư.
Trước sự ngạc nhiên và ngỡ ngàng của Dũng, Quế Phương nói với giọng u buồn:
-
Anh chưa bao giờ gặp em, nhưng em đã nhìn thấy anh hai lần rồi ở tại
nhà em. Lúc trông thấy anh và khi nghe anh gọi tên chị Quế Thư em đoán
chắc là anh. Câu chuyện em kể anh nghe dựa vào quyển nhật ký của chị Quế
Thư để lại và dặn dò em phải ráng tìm gặp anh và kể cho anh biết tự tình
của chị.
Quế Phương cho biết nàng kém hơn chị nàng hai tuổi, vóc
dáng thon gầy, khuôn mặt trái soan như chị và giọng nói của hai chị em
nghe na ná giống nhau. Hơn nữa thời gian hơn ba thập niên trôi qua làm
sao Dũng không nhận lầm nàng là Quế Thư. Bước chân nặng nề của hai người
trở về nơi đậu xe, Quế Phương vẫn đều đều kể cho Dũng nghe về cái chết
thương tâm của Quế Thư.
Bằng vào những trang nhật ký của người chị
để lại, Quế Phương hồi tưởng lại vào những năm tháng đầu tiên người Việt
đến tị nạn trên xứ Mỹ vào năm 1975, Chính Phủ Mỹ đã lập ra ba trại tỵ
nạn ở ba tiểu bang khác nhau và gia đình Quế Thư được đưa đến trại tị
nạn Fort Chaffe ở tiểu bang Arkansas. Vì vậy đã không có sự khó khăn nào
cho Paul kiếm tìm Quế Thư và Paul là người đứng tên bảo trợ cho gia
đình nàng xuất trại về định cư ở thành phố Austin tiểu bang Texas với
chàng. Sau đó Paul đã giúp tìm việc làm thích hợp cho ba mạ, làm đơn xin
học bổng cho các chị em Quế Thư đi học và hơn một năm sau gia đình nàng
hoàn toàn ổn định với cuộc sống mới trên đất khách.
Nghĩa cử tốt
đẹp của Paul đã hoàn toàn chinh phục song thân Quế Thư, nên khi Paul ngỏ
ý xin cưới Quế Thư ba mạ nàng không những đồng ý, mà còn mạnh mẽ ép
buộc Quế Thư phải bằng lòng lấy Paul làm chồng. Ba nàng luôn miệng nhắc
nhở nếu Paul không xuất hiện vào phút chót đưa toàn thể gia đình vào phi
trường Tân Sơn Nhất và rời khỏi Sài Gòn, chắc rồi ba nàng phải nằm
trong trại cải tạo biết bao giờ trở về!
Vì chữ hiếu Quế Thư phải
đành để Paul giúp gia đình nàng rời bỏ Sài Gòn và xa rời Dũng. Nhưng
lòng nàng vẫn còn nhớ còn yêu Dũng da diết và có mặc cảm phạm tội đã rời
bỏ chàng không lời giả biệt. Quế Thư tự nghĩ con tim nàng đã thuộc hoàn
toàn về Dũng, ngày nào chưa biết tin tức của chàng, nàng vẫn sống trong
nỗi hy vọng đợi chờ mong manh ngày tạo ngộ với chàng. Do vậy dù ý thức
được cái ơn lớn lao của Paul đối với gia đình nàng, nàng cũng không vì
chữ hiếu thêm một lần nữa mà vâng lời song thân. Quế Thư mạnh mẻ khước
từ lời cầu hôn lần thứ hai của Paul.
Sự cương quyết từ chối của Quế
Thư đã khiến ba nàng ngạc nhiên và tức tối, nên ông đã không tiếc lời
đay nghiến nàng là đứa con gái bất hiếu đối với đấng sinh thành và bất
nghĩa đối với Paul nữa. Mạ cũng cùng ý nghĩ với ba nàng, tuy không lớn
tiếng nặng lời như ba nàng, nhưng đêm nào cũng vào phòng ngủ Quế Thư ủ ê
than thở nếu không có sự giúp đỡ của Paul thì gia đình mình không biết
giờ nầy ra sao. Sau đó mạ nàng ca ngợi Paul hết lời, coi chàng không
khác gì ông thánh! Nhìn Dũng đang kiên nhẫn lắng nghe lời mình kể, Quế
Phương nghẹn ngào kể tiếp một cách vắn tắt về cái chết của chị nàng.
Trước căn bệnh trầm cảm đã cưu mang từ ngày xa quê hương và người tình,
và trước sự ép buộc quá nặng nề từ song thân, một buổi chiều ở nhà một
mình Quế Thư đã tự hủy mình bằng lọ thuốc ngủ.
Quế Phương ngưng kể,
lấy khăn lau những giọt lệ ứa trên mi, đôi mắt tỏa ra nét u buồn vời vợi
nhớ về biến cố thưong đau xảy ra cho gia đình nàng bởi tinh thần thủ
cựu của song thân. Gió không ngừng thổi mạnh nghe ào ào, lay động những
chiếc lá vàng khô nằm dưới mặt cỏ bay tung tóe, cũng không mạnh bằng
ngọn bát phong trong lòng Dũng đang nổi lên từng cơn cho sự kết thúc đời
người quá não nùng, bi thảm của người tình dấu yêu năm xưa!
Quế
Phương không thể kể tiếp nữa và Dũng cũng chẳng muốn lắng nghe thêm,
bước chân nặng trịch của hai người rồi cũng dừng lại nơi chỗ đậu xe. Đưa
miếng giấy có số phone và địa chỉ nhà mình cho Dũng, Quế Phương buồn bã
nói:
- Anh đến gặp em rồi em sẽ đưa cho anh báu vật mà chị Quế
Thư cất giữ đến cuối đời. Đó là những cánh thư màu xanh của anh được chị
Quế Thư giữ kín trong hộp bánh LU. Và quyển nhật ký với những trang
giấy vàng đục, loang nhòe nước mắt cùng dòng chữ cuối nhờ em hãy gắng
tìm gặp anh.
- Vâng, anh sẽ đến gặp em.
Trước khi đóng cửa xe Quế Phương âu yếm nhìn Dũng nhỏ nhẹ:
-
Chồng em đã qua đời hơn ba năm rồi, đứa con trai của em đã sống riêng
từ lâu. Em bây giờ đang sống cuộc đời còn lại thừa thãi và cô đơn quá.
Mong anh đến với em, nhé anh.
Thấy vẻ mặt Dũng u buồn không trả lời mình, Quế Phương nói dọa:
- Em sẽ báo cáo với bảo hiểm xe nếu anh không gọi em đó!
- Vâng, anh sẽ gọi em trong nay mai.
*
Đứa
con gái của Dũng mang hai ly trà xanh cho Hùng và Dũng đang ngồi bên
nhau trong phòng khách, rồi lui ngay vào trong. Đôi bạn hình như không
còn gì để nói, bởi vì Hùng về thăm bạn từ mấy ngày qua, đã được nghe
Dũng cho biết quyết định giã từ cuộc sống tại gia và sáng sớm mai Hùng
sẽ chở bạn lên chùa làm lễ xuất gia.
Hơn nửa năm qua không một lần
nào Dũng gọi phone thăm Quế Phương kể từ ngày Dũng được nghe nàng kể cho
biết sự hủy mình của chị Quế Thư, là người tình năm xưa của Dũng. Thật
sự ý tưởng xuất gia đã nẩy mầm từ khi người vợ tình nghĩa của chàng bạo
bệnh qua đời. Và khi được biết cái chết quá bi thương cho sự thủy chung
của Quế Thư đối với mình, càng khiến Dũng dứt khoát thực hiện ý muốn
xuất gia ở cuối đời.
Nhìn mái tóc trắng xóa hết trên đầu Hùng, Dũng liên tưởng đến ngày mai trên đầu mình:
Ngày mai con xuống tóc
Lánh xa đời ô trọc
Nguyện cho khắp tất cả
Niềm an lạc hạnh phúc
Hùng
nâng ly trà xanh lên nhìn bạn, thấy cái nhìn tự tại và hiền hòa của
Dũng cũng cầm ly trà xanh trong tay nhìn mình. Đôi bạn tâm giao từ thời
trung học nhìn nhau như thầm hiểu từ đây và mãi mãi từ đây, trong lòng
Dũng:"Chỉ nhớ trong lòng một chữ như". Như có nghĩa là đấng Như Lai của
muôn loài.
Phạm Thái
vvnm.vietbao.com
Câu chuyện qua hay . có đủ: Nhân-Nghĩa-Lễ -Trí Tình
ReplyDelete