Ai gặp tôi cũng hỏi rằng:
- Sao sống cu ky hoài vậy" Xa xứ gần ba mươi năm rồi. Phải lo cho mình một mái ấm gia đình đi chứ.
Tôi cười cười, nói vui:
- Trai ba mươi tuổi còn son mà.
- Nhưng ông gần“ năm bó” rồi đấy.
Tôi giật mình:
- Ừ ! Mình đã già thật rồi! Thế thì khỏi.
Thực
ra, nhiều lúc tôi đến thăm nhà bà con hay bè bạn, thấy cảnh người ta
hạnh phúc mà thèm. Cùng thời với tôi, ai cũng có con có cháu đầy đàn. Đa
số đều đã thành danh, nên duyên nên phận nơi xứ người cả. Sống ở Mỹ gần
ba mươi năm nhưng nghĩ về Việt Nam lòng tôi không nguôi thương nhớ. Nơi
đó còn có hình bóng của Trúc Quỳnh - người con gái cả đời tôi yêu dấu.
Cha của Trúc Quỳnh là một Phó Tỉnh Trưởng. Mẹ của Trúc Quỳnh là giáo sư.
Sau ngày mất nước năm 1975, gia đình Trúc Quỳnh tan nát. Cha đi tù. Mẹ
dẫn bốn con đi vùng kinh tế mới. Chưa đầy hai năm, mẹ và chị em Trúc
Quỳnh không chịu nỗi gian nan, trở về sống nơi nhà cũ. Nói là nhà cũ
nhưng đó chỉ là một căn chòi đủ để che nắng, trú mưa. Oái oăm thay căn
chòi ấy “được phép” dựng lên trước căn nhà của nàng. Ai có ở trong cảnh
hằng ngày nhìn vợ con cán bộ đi ra đi vào nhởn nhơ trước mắt mình. Cười
nói oang oang trong căn nhà của mình. Đi chung cổng với mình, mới thấy
hết đắng cay, cùng cực của nỗi buồn nước mất, nhà tan. Những buổi chiều
mưa đến thăm nàng, chứng kiến cảnh khói bếp un bằng bẹ lá dừa làm cả nhà
ho sặc sụa. Gió tạt, mưa tuôn. Thảm quá! Bữa cơm chiều sửa soạn trong
quạnh hiu.
Có lần bàn tính chuyện vượt biên Trúc Quỳnh than thở :
-
Ba của Quỳnh đi tù không có án. Biết ngày nào ra. Mẹ thì đau tới đau
lui thuốc men còn không đủ. Làm gì dám tính đến chuyện ra đi"
Tôi
hứa sẽ lo cho nàng mọi chi phí. Tàu này của Bác ruột tôi. Nàng cũng kể
tôi nghe dự tính tương lai của cả nhà. Chắc rồi đây mẹ nàng sẽ về Sa
Đéc. Ông bà ngoại nàng có một vườn mai. Có cả những gốc bonsai cao
giá.Tết nào cũng bán cây kiểng ở chợ hoa cuối năm được rất nhiều tiền.
Thôi thì “tiến về nội, thoái về ngoại” vậy.
Tôi khuyên nàng bớt bi quan. Rồi sẽ ổn thôi! Đến bến bờ tự do mình sẽ có tương lai tươi đẹp. Ở đây sống khổ, chết chùm sao"
Chuyến
đi không dễ dàng như tôi tưởng. Những chiếc ghe nhỏ chưa kịp đưa hết
người ra tàu lớn thì công an tới. Chiếc ghe chở Trúc Quỳnh cuống cuồng
chạy trốn. Đường đời muôn hướng, hễ chia xa là lạc mất, ai ngờ!
Nhiều
năm tháng qua đi.Tôi có nhờ người quen, bạn bè dò hỏi tin tức Trúc
Quỳnh khi họ về Việt Nam. Tất cả trả lời không gặp, không biết. Thậm chí
có người còn chịu khó đến tận Lô J cư xá Bắc Hải cũng không tìm thấy
căn chòi xưa đâu. Buồn quá!
*
Thành
phố Sàigòn buổi chiều hai mươi chín Tết thật nhộn nhịp. Các nẻo đường
vào chợ Bến Thành nườm nượp xe cộ lại qua. Hải đề nghị chở tôi đi một
vòng. Bắt đầu từ Cư xá Lữ Gia qua Nguyễn văn Thoại. Quẹo vào Nguyễn Tri
Phương. Dọc theo Lý Thái Tổ, Hồng Thập Tự , Lê văn Duyệt, Gia Long. Chợ
Bến Thành ánh điện sáng choang, rực rỡ. Giữa lòng phố thị hoa đèn ấy,
tôi bắt gặp nhiều thiếu phụ quang gánh trên vai. Hối hả trở về một nơi
nào đó, khi gánh hàng rong chưa vơi mà đêm đã xuống rồi. Tết cổ truyền ở
quê nhà thật thiêng liêng và ấm áp làm sao. Gần ba mươi cái Tết ở quê
người hầu như tôi không nhớ Xuân về lúc nào. Hãng xưởng vẫn làm việc.
Khu chợ Việt Nam cũng có mai, có đào, có cúc. Cũng có bánh tét, bánh
chưng. Cũng có củ kiệu, dưa hành. Cũng có mứt gừng, mứt bí. Cũng có chà
là, hồng khô. Nhiều, nhiều lắm. Đâu có thiếu món nào. Nhưng người dân
Việt tha hương vẫn thấy không điều gì có thể lấp đầy khoảng trống trong
lòng về tự tình dân tộc.
Nhớ những cái Tết thời
thơ ấu mà vui. Cuối tháng chạp âm lịch là khoảng thời gian tất bật nhất
của mọi người. Bà tôi chuẩn bị khoanh những vựa chứa lúa bằng phên cót.
Các tá điền rộn rịp gánh lúa tới. Tôi hãy còn là cậu bé mười hai nên bà
cho ngồi bên gốc bưởi trước hiên nhà. Trên sân gạch rộng, mỗi lần gánh
lúa trút ra sân, tôi bỏ vào thùng một chiếc đũa. Xong, bà tôi sẽ biết có
bao nhiêu giạ lúa vừa thu. Những tá điền cũng đem biếu bà tôi thật
nhiều cá: cá lóc, cá trê, cá rô phi, cá chạch, lươn…
Ba
ngày Tết con cháu về đông. Bà tôi kho nồi thịt kho tàu thật lớn. Ăn với
dưa giá, dưa cải, dưa hành. Chúng tôi mặc quần áo mới với những viên
pháo chuột trong tay và bao lì xì đỏ. Trước ngõ nhà có cây vông vang.
Trụi lá trơ cành từ mùa Đông, đến Tết nở hoa đỏ rực trong nắng sớm. Cơn
gió thoảng qua, những cánh hoa bay bay, rơi xuống, nằm yên trên nền cát
mịn. Mấy con chim sáo nhảy nhót vờn hoa, hót líu lo. Cảnh mùa Xuân thật
êm đềm và tươi đẹp.
Mãi chìm đắm trong ký ức ngày Xuân xưa, tiếng Hải kéo tôi về thực tại:
- Mình vào chợ hoa Nguyễn Huệ nghe. Về đây mà không đi chợ hoa thì tiếc lắm.
- Ừ! Vào thì vào.
Tôi trả lời buông thỏng.
Không
khí buổi chiều đã se se lạnh. Dù cái lạnh ở đây đâu thấm gì so với
Virginia hay Washington State ở Mỹ. Đi giữa một rừng hoa tràn ngập sắc
hương, lòng chợt thấy dịu đi những lo toan của cuộc đời thường. Thượng
Đế thật kỳ diệu! Ngài đã mặc cho mỗi loài hoa một sắc áo, một thức
hương. Chỉ mỗi loài hoa cúc trắng, vàng, cúc vạn thọ đan xen cũng đủ cho
lòng Xuân rộn rã. Đây hoa hồng: hồng bạch, hồng thắm, hồng vàng, hồng
cam, hồng tỉ muội… Đó nhiều loại hoa lan. Kia hoa đào. Cẩm tú cầu, mãn
đình hồng, hướng dương, mẫu đơn, thược dược và có cả những chậu hoa sứ,
hoa mười giờ nữa. Một chu vi rộng lớn làm tôi chú ý, chen đầy những chậu
mai vàng, xương rồng và cây kiểng ở phía bên kia. Những chậu bonsai
dáng lạ. Thật đáng quí thay những bàn tay khéo léo và đôi mắt thẫm mỹ
của các nghệ nhân.
Hải muốn mua hai chậu cây
kiểng hình con nai. Tôi thích dạ lý hương và một gốc mai vàng cao chưa
đến ba gang tay rất đẹp. Bất chợt tôi xoay người lại vì hình như có ai
đang nhìn mình. Bốn mắt giao nhau. Tôi không thể nào tin dù đây là thực
tại. Trúc Quỳnh của tôi! Không lẫn vào đâu được. Vẫn là đôi mắt buồn mà
biết cười. Vẫn có đồng tiền điếu nơi khoé miệng. Vẫn giọng nói nhẹ nhàng
như tháng ngày xưa. Chỉ khác một điều: Mái tóc nàng ẩn hiện nhiều sợi
bạc. Có lẽ nàng không nhận ra tôi khi mời gọi:
- Mời ông xem mai vàng năm cánh. À! Mà hai ông có thích những chậu bonsai dạ lý hương không"
Tôi gật đầu, cố kìm nén sự oà vỡ trong lồng ngực.
Trúc Quỳnh nói như tâm sự:
- Chúng tôi chỉ bán đến mười hai giờ trưa mai thôi. Trả lại nơi nầy cho người ta dọn dẹp.
Hải hỏi:
- Chị về đâu" Ở đây, người ta làm sao với những hoa kiểng còn lại"
-
Chợ ba mươi là chợ của người nghèo mà. Mua vội và bán cũng vội. Còn thì
người bán vứt đi. Nhưng tôi sẽ mang về tất cả. Công khó của cha tôi khi
còn khoẻ mạnh đấy.
Tôi hỏi dồn:
- Xin lỗi! Năm nay ông cụ nhà chắc cao tuổi rồi"
Nàng đáp mà mắt nhìn xa xôi:
- Dạ cha tôi gần bảy mươi tuổi. Nhưng tù đày…
Nàng im bặt, xoay mặt vào mấy chậu mai. Những giọt nước mắt rơi xuống, rơi vào tim tôi rát buốt, xót xa. Tôi hỏi:
- Tôi muốn mua mười lăm chậu bonsai mai vàng và mai chiếu thuỷ, ở nhà còn không …chị"
- Dạ còn. Nhưng hết ngày, hết tháng, hết năm rồi.Tôi không thể chở lên Sàigòn kịp. Xa. Rất xa!
Tôi bàn:
- Hay là tôi thuê xe du lịch tốc hành,…chị…dẫn đường được không" Đi tận đâu"
- Lấp Vò – Sa Đéc. Làm sao ông trở về kịp"
Tôi vẫn nhất định:
- Không sao! Tôi có bà con ở gần đó. Hoặc tôi sẽ về trong đêm.
Hải nhìn tôi trân trân, khi nghe tôi hẹn:
-Mai …chị…về sớm chút đi. Mười giờ sáng nhé.
*
Chiếc
xe chạy từ thành phố Sàigòn ra vùng ngoại ô trong gió giao mùa dìu dịu.
Bầu trời xanh không gợn chút mây. Tôi chưa biết mở đầu câu chuyện thế
nào thì xe đã qua Bến Lức rồi tới Ngã Ba Trung Lương. Kìa! Bến phà Mỹ
Thuận không còn nữa. Chiếc cầu được mệnh danh là Cây cầu Thế Kỷ trước
mặt, trên dòng sông hiền hoà, lao xao. Tôi nhớ thơ của A.H Trần Ngọc
Hưởng:
Sông Hậu là chồng, sông Tiền là vợ,
Như hoa lòng ngàn thuở nhớ thương nhau…
*
Nắng
chiều soi hàng giậu lưa thưa với những cây xương rồng, lá hổ bì, cây
đinh lăng đưa tôi vào căn nhà tranh vách đất nhưng rất là sạch sẽ. Tất
cả vật dụng trong nhà đều bằng tre, trúc. Tôi chào ông cụ. Ông đưa đôi
mắt buồn, mệt mỏi nhìn tôi. Trúc Quỳnh nói thật to:
- Cha ơi, người khách nầy muốn mua mai.
Ông cụ gật đầu, không nói gì.
- Cha tôi bị stroke ba năm rồi…Mời ông đi xem mai. Kẻo trễ.
Tôi
cúi xuống nâng mấy dây mắc cở vừa run run khép lá theo dấu chân người.
Trúc Quỳnh bỗng hét lên, loạng choạng. Tôi còn lúng túng thì nàng gọi:
- Anh Quốc. Anh còn sống sao"
- Phải! Anh đây.
Trúc Quỳnh nắm lấy tay tôi:
- Nếu không có vết sẹo dài làm sao em nhận ra anh"
Tôi
cảm động quá! Cũng bàn tay nầy, gần ba mươi năm xưa - trong căn chòi
trống trước trống sau - đã giang ra đánh tạt trái dừa rớt từ trên cao
xuống khi Trúc Quỳnh khom khom thổi lửa nấu bữa cơm chiều. Nàng suýt bể
đầu, còn bàn tay tôi phải khâu bảy mũi.
Nàng bắt
đầu kể chuyện tôi nghe: Ngày ấy,…Khi chiếc tàu lớn đưa tôi ra xa ngoài
khơi rồi. Nàng chạy bộ theo nhóm người còn lại. Nhờ ơn Thượng Đế gặp
được một gia đình nông dân tốt bụng cho ngủ tạm qua đêm. Rạng sáng còn
đưa ra lộ lớn, đón xe để nàng trở lại Sàigòn. Hai năm sau cả nhà dọn về
Sa Đéc khi ba đứa em nàng vượt biển và vĩnh viễn đi vào lòng biển khơi.
Cha nàng ra tù sau mười hai năm…Sống như người ẩn dật. Mỗi ngày chăm sóc
cây kiểng làm vui bên cạnh người vợ già nua, mù loà vì năm tháng quá
khổ đau, nhiều nước mắt.
Tôi siết chặt tay Trúc Quỳnh. Nàng vẫn để yên như thế. Tôi nói nàng nghe quyết định của tôi:
-
Anh sẽ trở về thăm lại quê hương nhiều lần nữa. Hãy cho phép anh góp
phần phụng dưỡng mẹ cha. Cho đến một ngày mình lo tròn chữ hiếu. Nhất
định mình sẽ ở bên nhau. Hãy tin anh! Cám ơn Thượng Đế đã cho anh còn
sống và còn gặp lại em.
Trúc Quỳnh nhìn tôi bằng cặp mắt đỏ hoe dù môi nàng đang nở nụ cười sung sướng:
- Vâng! Anh Quốc ơi! Mỗi mùa Xuân em vẫn đợi anh về thăm hoa mai vườn cũ…
HOÀNG YẾN
nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment