Tuesday, September 17, 2019

Một Cội Đôi Cành - Nguyễn Văn Tới


Tôi tình cờ biết tin nó và gia đình, vợ 3 con, đang sống ở miền Bắc California, nơi bốn mùa mưa nắng thuận hòa và hoa cỏ xinh tươi. Tôi, vợ 2 con, vùng sa mạc nắng cháy da người, quê hương của những trận bão cát mù trời. Như một định mệnh, gia đình tôi và gia đình nó thường ở xa nhau, dù chúng tôi là anh em cô cậu ruột. Tôi xin người quen số phone của nó vì dầu sao nơi đất lạ quê người, tình anh em cũng là một giọt máu đào hơn ao nước lã.

Lần đầu nói chuyện qua phone, tôi nhận ra ngay giọng nói quen thuộc của thằng em cô cậu mình, nó không biết tôi là ai mãi cho đến khi tôi phải nói rõ tên tuổi và quan hệ giữa hai gia đình. Nó mới bật lên tiếng ồ ngạc nhiên như vừa khám phá ra điều gì mới mẻ lắm. Nó cho biết gia đình qua Mỹ theo diện con lai. Tôi hỏi: - vợ chú lai à? Nó nói: - không, em có mua một đứa con lai. Tôi vẫn phục anh em nó vì họ luôn nhanh nhậy nắm bắt thời cơ trong bất cứ chuyện gì, trong khi tôi lù khù nên cam phận tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.

Anh em hỏi thăm nhau về gia cảnh, về những gì đã xảy ra trong thời gian hai gia đình giữ liên lạc rất là rời rạc kể từ năm 1975. Nó cho biết ba má và ba người anh của nó đều đã qua đời do trọng bệnh. Trong suốt buổi nói chuyện, tôi cảm nhận có một cái gì đó vô hình vẫn ngăn cách chúng tôi như sự cách biệt giàu nghèo của hai gia đình từ những ngày xưa. Tuy vậy, năm nào tôi cũng là người gọi phone chúc tết gia đình nó vào những ngày đầu năm mới.

Nó và tôi sinh ra cùng một năm, một tháng, nhưng khác ngày. Ba tôi là anh ruột má nó. Nó con nhà giàu, tôi con nhà nghèo. Nhà nó ở một tỉnh miền Trung đất đỏ, bụi mù nhưng buôn bán sầm uất, việc làm ăn gặp thời, tiền bạc vô như nước. Gia đình gồm 4 đứa con trai mà ba nó thường khoe là tứ quý, tất cả được gởi đi học những trường tư, lớn thì ở Sài Gòn, nhỏ thì các trường ma sơ trong tỉnh.

Gia đình chúng tôi sống ở một vùng trù phú lúa gạo miền Tây, trôi nổi theo đời lính của ba tôi trong những trại gia binh của đơn vị. Gia đình chúng tôi gồm 9 anh chị em, cuộc sống không dư dả, nhưng thuận hòa hạnh phúc. Tuổi thơ chúng tôi trải dài với những cánh đồng xanh ngát, những đàn cò trắng ven con đường quốc lộ liên tỉnh dẫn đến trường mỗi buổi sáng.

Rồi ba tôi xuất ngũ, vốn tính thật thà, không biết buôn bán, đang lay hoay không biết làm gì để nuôi đàn con 9 đứa thì một người cháu họ xa, đi công tác ghé ngang nhà thăm, nói sao chú không lên Pleiku làm ăn? Trên đó chú thím L. làm ăn phát tài lắm, phải mướn người mà việc làm vẫn không xuể. Má tôi mua vé, bay lên đó để coi tình hình. Tháng sau, cả gia đình khăn gói, từ giã khu gia binh, lên xe đò, tìm đến thành phố núi mù sương miền cao nguyên đất đỏ.

Một ngày nọ, nó gọi phone cho tôi, dễ cũng khá lâu kể từ ngày tôi gọi nó. Bằng giọng run run lo lắng, nó hỏi liền: - “Anh có biết luật sư di trú nào người Việt mình không? Tôi hỏi để làm chi? Nó trả lời: - “Em bị chính phủ Mỹ điều tra về đám cưới giữa em và cô em vợ. Mấy tháng nay ăn ngủ không yên”. Biết tôi không hiểu, nó vội giải thích rằng nó và vợ đã ly dị giả để nó về Việt Nam cưới cô em vợ, cũng ly dị giả, rồi đem cô sang Mỹ.

Sau này, qua người cháu, tôi mới hiểu như sau: Nó và vợ, thực ra vẫn sống chung với nhau đề huề cùng với các con dưới một mái nhà, cả hai giả vờ ly dị để vợ nó có thể xin được bảo hiểm sức khỏe, phụ cấp tiền nhà, và phiếu thực phẩm hằng tháng cho gia đình trong khi vợ chồng nó vẫn đi làm chui lãnh tiền mặt. Nhân việc ly dị giả, vợ nó nghĩ ra cách giúp cho em gái mình bằng cách để nó về Việt Nam làm đám cưới giả đem cô em qua Mỹ. Khi có thẻ xanh, sẽ ly dị “anh rể”, cô em vợ sẽ về nước để cưới lại ông chồng cũ và bảo lãnh cả gia đình qua đoàn tụ.

Sự việc trở nên xấu đi vì vợ nó dính líu tới một đường dây kết hôn giả vừa mới bị bể ra cách đây không lâu ở một tiểu bang khác với vai trò là một người trung gian mai mối. Vì thế, chính phủ “sờ gáy” hai vợ chồng nó vì họ tình nghi tình nghi đây cũng là một vụ kết hôn giả để đi Mỹ. Gia đình nó giờ ăn không ngon, ngủ không yên. Nó như kẻ chết đuối, thấy bất cứ phao nào, cũng muốn bám vào. Tôi là người cuối cùng mà nó gọi để trút nỗi niềm.

Ngày trước, nhà nó cũng là nơi cuối cùng anh em tôi muốn đến. Mỗi khi ba má sai chúng tôi qua nhờ vả công chuyện, chúng tôi thường rụt rè đứng ở góc nhà, không dám lên tiếng cho đến khi ba nó nhìn thấy chúng tôi và lừ mắt hỏi có chuyện gì không? Lúc đó chúng tôi mới dám thưa chuyện. Chúng tôi sợ ông lắm vì ánh mắt ông sắc lạnh, không chút tình cảm.

Một buổi sáng, ba tôi về nhà với tâm trạng bất an và bực bội, mấy ngày không ngủ được. Má gặng hỏi mãi, ba mới kể. Sáng hôm đó, trên đường đi nhà thờ, gặp ba nó ra chợ, ông hỏi ba tôi: “Bác đi lễ mỗi ngày, thế Chúa có ban cho bác tiền bạc gì không?”. Quá bất ngờ, ba tôi không biết trả lời sao, chỉ lặng lẽ bỏ đi mang theo nỗi ấm ức trong lòng.

Nhưng tôi nhớ và mang ơn nó vì đã cho tôi tất cả đồ cũ mà nó không muốn mặc nữa: Xong bậc tiểu học, tôi may mắn thi đậu vào một trường Pháp của các cố đạo Tây. Khỏi phải nói, ba má tôi tự hào và hãnh diện lắm. Mỗi khi ra chợ, bà đều khoe với các bạn và khách hàng là có thằng con sắp sửa đi học trường Tây. Má kêu tôi sang bên đó xin quần áo của nó để sang năm nhập học có cái mà mặc. Má đã nói chuyện với cô chú rồi. con cứ qua. Bước vào nhà, tôi lủi thủi đứng ở góc phòng khách rộng thênh thang, mê mệt nhìn nó đang chơi những chiếc xe chạy bằng pin với cặp mắt thèm khát. Khi chơi chán, nó mới kéo tôi vô phòng và chỉ đống quần áo, giày dép trên giường và nói cho mày đó. Tôi vội nhét tất cả vào một cái bao mang theo và chạy bay về nhà.

Mùa nhập học đầu tiên ở trường Pháp, tôi cũng có quần áo bảnh bao, áo bỏ vô thùng, hợp thời trang, ủi thẳng nếp, cùng với đôi giầy nâu sáng bóng không thua gì các bạn con nhà giàu khác. Từ đó, năm nào tôi cũng được hưởng “sái nhì” từ những đồ cũ mà nó loại ra nhưng đối với tôi còn khá mới.

Hôm nay, tôi thực sự cũng không biết làm gì để giúp nó trong lúc khó khăn này ngoài những câu an ủi chân tình. Khi hoạn nạn mới thấy tình anh em thật là cần thiết, những lời động viên tích cực như những liều thuốc an thần giúp nó phần nào lấy lại sự bình an trong tâm hồn. Tôi cũng hứa sẽ tìm kiếm thêm thông tin trên mạng và từ những bạn bè quen coi có thể giúp nó được gì không? Tôi tự hỏi đã hơn 40 năm tôi chưa gặp lại nó, không biết bây giờ có còn nhận ra nhau không?

Còn nhớ những ngày khốn cùng sau năm 1975, khi tôi còn đang đổ mồ hôi bạc trắng lưng áo, chèo ghe  đi chặt củi đước vùng rừng Sác thì nghe nói nó làm nghề phân kim, thu mua tất cả những gì có thể rồi phân chất để lựa ra vàng, đồng thời cũng buôn bán, trao đổi vàng chui nên gia đình vẫn làm ăn khấm khá, ăn no mặc ấm hơn nhiều người xung quanh trong cái xã hội ăn độn lúc bấy giờ.

Ba tôi kể, lúc đang chạy giặc trên tỉnh lộ 7B về Tuy Hòa, ông có gặp ba nó. Chú ấy không xách theo hành lý gì ngoài một bao cát đựng vàng lá được gói kỹ trong những bộ quần áo. Trong trại tạm cư, chú không bao giờ rời cái bao cát mà tối ngủ ông dùng để gối đầu. Vợ con thì ông đã cho bay về Sài Gòn với của cải, bạc vàng, trước khi quân đoàn II di tản chiến thuật. Sau 75, gia đình nó trở lại thành phố cũ vì cơ ngơi nhà cửa, tuy bị trộm phá cửa khuân sạch đồ đạc, nhưng xác nhà vẫn còn nguyên.  Giờ đây hai anh em đều đang sống trên đất Mỹ, chỉ cách nhau hơn 10 giờ lái xe, hy vọng có ngày sẽ lại gặp nhau.

Theo luật di trú Mỹ (1), nếu một người công dân kết hôn giả để đem người ngoại quốc vào Mỹ là phạm trọng tội, có thể bị án tù ở tối đa 5 năm, bị phạt tiền tối đa $250,000.00. Người phối ngẫu giả sẽ bị trục xuất và cấm vĩnh viễn không được trở lại Mỹ vì bất cứ lý do gì. Tôi thương nó quá mà không biết phải làm sao vì chính bản thân tôi cũng mù mờ về luật pháp nước Mỹ. Bao năm định cư ở đây, tôi chỉ biết vừa học vừa làm để ổn định đời sống. Khi ra trường, tôi đi làm chăm chỉ như một con ong, làm tròn bổn phận công dân và đóng thuế như mọi người, chứ chưa hề nghĩ có một ngày mình phải bận tâm đến pháp luật.

Tôi hỏi thăm nhiều đồng nghiệp về chuyện này, đa số đều không biết gì, chỉ khuyên nên mướn một luật sư. Sau nhiều tháng ngày trăn trở, nó đồng ý sẽ phải nhờ đến một văn phòng luật sư. Ở xứ này, mướn luật sư rất tốn tiền mà chưa chắc đã xong việc. Lần cuối nó cho hay luật sư báo cho biết vẫn chưa có ngày ra tòa cụ thể, sẽ cho biết sau. Cha mẹ đã dạy chúng tôi từ nhỏ, nếu thấy chuyện gì kiếm tiền quá dễ dàng mà lỗi đức công bằng, thì đừng làm. Sau bao dâu biển trong đời, tôi nghiệm ra nếu muốn có một giấc ngủ yên lành không mộng mị, không phải trăn trở rồi thở dài trong bóng đêm, tôi phải suy nghĩ, đắn đo thật kỹ, không phải bảy lần, mà bảy mươi lần bảy. Tương lai ta nằm trong tầm tay ta, trong những việc làm của ngày hôm nay.

Biết làm sao được khi anh em mỗi người mỗi ngã, mỗi cuộc sống khác nhau, tuy cùng một cội nguồn. Một cội mà đôi cành, một bên hưởng trọn ánh nắng mặt trời, bên kia bị che tối bởi một vách đá mà ánh sáng khó có thể rọi soi đến được. Bên có nắng thì lá xanh tươi mạnh mẽ và sáng hơn, còn bên kia, lá sẫm màu và thiếu sức sống. Tôi chỉ biết cầu nguyện ơn trên ban phước, che chở, và giữ gìn gia đình nó cho khỏi mọi bóng tối của cuộc đời. Nếu qua được cơn hoạn nạn này, mong sao nó nhìn lại đoạn đường đã đi qua mà định hướng lại cuộc đời trên vùng đất vẫn đang rộng mở vòng tay đón những người nhập cư lương thiện.

Nguyễn Văn Tới
REFERENCES:

3 comments:

  1. Một cội mà hai cành, hai cách sống trái ngược nhau. Một người thì chân chính, biết đóng góp phụng sự đất nước cưu mang mình, một người thì cứ tìm cách gian lận chính phủ, bất chấp sai trái miễn sao có thật nhiều tiền. Luật sư nào mà bào chữa cho loại người này thì cũng là đồng bọn.
    NPN

    ReplyDelete
  2. Nghề luật sư ở Mỹ được gọi là nghề dơ dáy nhất ở Mỹ (dirtiest job). Dính vào rắc rối với pháp luật là sạt nghiệp hay đường cùng, chị TK ơi.

    ReplyDelete
  3. Cám ơn tác giả Nguyễn Văn Tới đã cho đọc thêm một câu chuyện thực tế đầy những bất trắc của mặt trái cuộc đời. Chỉ hy vọng chính sẽ thắng tà để cuộc sống này luôn vươn tới những đoá hoa đẹp .Cám ơn chi NPN đã chuyển một bài viết thật hay ạ.
    Hồng Thúy

    ReplyDelete