Gia đình tôi nghèo lắm, cả mấy mạng người sống trong một ngôi nhà lụp xụp ven sông của khu Khánh Hội. Căn nhà tranh, vách che chắn bằng những là dừa nước đan lại với nhau. Trong nhà một cái giường dùng cho cả gia đình, một cái bàn nhỏ để bình trà và vài cái cốc uống nước cùng cái tẩu thuốc lào của bố. Kế đó là cái chạn cũ kỹ, cái bếp có ba ông táo ngồi châu mặt với nhau buồn vì đã lâu không thấy sơn hào hải vị. Trên cái dĩa đã mẻ miệng, một nải chuối nho nhỏ với ba cây nhang đã tàn cắm trên một cái lon sữa bò. Cả gian nhà trông tội nghiệp như lời khấn nguyện thật thà của người đàn bà chủ nhân gian bếp. “Xin cho con hôm nay bán đắt để mau hết nồi bánh canh.”
Cũng may nền nhà được tráng xi măng, nên chị em tôi cũng có nơi để ngủ. Đây là căn nhà bố tôi mua lại của một ông cụ lượm ve chai trong xóm. Khi ông mất, con ông cụ bán rẻ lại lúc bố con tôi trôi dạt về nơi này. Đất Sài Gòn là nơi quy tụ người tứ xứ, một chái nhà tranh cũng đắt đỏ với những kẻ tha hương. Bố mẹ tôi đã vét đến đồng xu cuối cùng mang theo để trả lần đầu và liên tục 3 năm trả dần mới có được căn nhà chính thức của mình. Bố mẹ tôi thường nói: ‘Người Sài Gòn tốt bụng, không nơi nào con người có tấm lòng hào phóng như dân Sài Gòn”
Bố tôi làm nghề dân biểu (Bố hay đùa như thế mỗi khi có ai hỏi đến nghề
nghiệp của mình) Xe xích lô cũng thuê để chạy nên tiền kiếm được phải trả cho
chủ xe theo quy định. Lúc đầu, bố tôi chạy từ sáng đến tối mà không có khách.
Tiền nộp cho chủ xong chẳng còn lại được bao nhiêu. Dần dần ở lâu quen biết, bà
con nghèo ở khu Khánh Hội thương nên mỗi khi đi chợ đều gọi bố tôi. Bố thật thà
lại giá cả phải chăng nên lâu dần thành những mối quen. Sáng bố chở bạn hàng ra
chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối rồi ghé rước về. Ngặt nỗi Cầu Ông Lãnh con dốc
thật cao, lần nào bố tôi cũng đẩy hết sức lực, mồ hôi ướt đầm cả lưng áo mới
lên tới đỉnh cầu. Xong ngồi kéo thắng để chạy xuống dốc. Vì vậy lưng bố tôi đau
thường xuyên, bệnh nghề nghiệp cứ hành hạ bố tôi ngày này qua ngày khác.
Buổi sáng khi bố tôi đẩy xe ra khỏi nhà là mẹ tôi đã nấu gần xong nồi
bánh canh bán rong trong xóm. Dân lao động nghèo nên chẳng cần thịt, tôm nhiều
cho lắm, chỉ phiên phiến cho có để thêm vị ngọt. Bánh canh nóng, tí hành
ngò, tiêu ớt điểm tô lên trên. Điểm tâm buổi sáng giá rẻ, ấm lòng để cật lực
một ngày lao động. Kẽo kẹt vòng vòng trong xóm cho hết nồi bánh canh
là mẹ đi về. Trên đường về nhà, mẹ ghé chợ trong xóm (không biết chợ thành hình
từ lúc nào mà bán từ sáng tới tối) mẹ mua ít thức ăn về nhà cơm nước. Bố chạy
hết các mối buổi sáng ghé về nhà lua ba hột cơm rồi chở mẹ đi chợ. Buổi chiều,
mẹ lại ra ngồi ở cái chợ xóm nghèo đó bán cóc, ổi, mía ghim.
Có lẽ không ai ở Sài Gòn lại không biết quận tư với khu Khánh Hội. Một
địa danh thật nghèo có lịch sử lâu đời. Nơi đây có cây cầu Khánh Hội còn được
gọi là Cầu Cống với Bến Chương Dương nơi tàu ngoại quốc ra vào sầm uất. Ngoài
ra còn có cầu Ông Lãnh và cầu Calmette cũng đi về khu Khánh Hội. Khánh
Hội nổi danh là nơi có nhiều tay anh chị hùng cứ, băng nhóm du đãng khiến người
ta sợ lẫn khâm phục vì có nghĩa có tình, cái tình nghĩa lạ kỳ của những anh
hùng Lương Sơn Bạc. Một số tài tử, nhà văn nổi tiếng cũng xuất thân từ nơi này.
Có lẽ những phức tạp của khu Khánh Hội là nguồn cảm xúc của những tâm hồn nghệ
sĩ.
Nhà tôi ở trong hẻm Hãng Phân nằm trong khu Khánh Hội. Cái xóm nghèo
đông đúc và chật chội nhưng đầy tình người. Đi qua khỏi cư xá Vĩnh Hội, nằm bên
trái ngôi chùa (nơi trú ẩn tạm dung của khách lạ bốn phương) là con đường nhỏ
thành hình bằng những tấm xi măng nối tiếp nhau là đi vào xóm của tôi. Cái xóm
nghèo đủ thành phần Bắc, Nam Trung quy tụ trên bờ con sông Sài Gòn của khu
Khánh Hội. Họ làm đủ nghề tay chân để mưu sinh: khuân vác bến cảng, công nhân
hãng Ba Son, công nhân hãng thuốc Tây, chạy xe ba gác, xe xích lô, khuân vác
mướn và còn có những tay anh chị bụi đời.
Những căn nhà tạm thời cứ mọc ra một cách tự nhiên và bám trụ luôn ở
đây. Phía sau nhà là rạch nước dẫn đến từ con sông Sài Gòn. Nước ở dưới đục
ngầu, rác trôi lềnh bềnh hôi hám. Dòng nước tù túng như đám dân đen thiếu khí
trời thiếu đất sống. Mỗi nhà đóng cọc bên dưới và làm một cái sàn dùng để tắm
giặt và …đi cầu, nhất cử lưỡng tiện. Cứ thế, sau khi giải quyết vấn đề quan
trọng nhất nhì của con người, cứ việc xối vài gáo nước là cái nợ đời từ từ trôi
đi và ghé nơi đâu không ai cần biết.
Nơi mà cả xóm được chính thức được sử dụng để giải quyết bầu tâm sự, là
một cái nhà cầu công cộng xa cuối con đường hẻm mà dân chúng gọi là Cầu Tũm. Đó
là một cái ao nuôi cá tra của một gia đình nào đó không rõ. Một dãy nhà cầu
dài, không phân biệt dành cho Nam hay Nữ. Ai tới trước cứ việc vào. Bước vào cầu tũm phải đi qua một cây cầu dài được hình
thành bằng ba đoạn cây tròn tròn ghép lại. Mùa hè thì khô ráo, nhưng mùa
mưa trơn trợt bởi đây là khu đất thấp trồng hoa màu bỏ mối cho chợ. Trước mỗi
ngăn nhà cầu là một tấm ván đóng lưng chừng để người bên ngoài không thể nhìn
thấy phần dưới, nhưng người nào ngồi ở trong ấy thì người bên ngoài rõ mặt mười
mươi.
Ai mới đi lần đầu thì ngượng lắm, nhưng mãi rồi quen. Đành thôi, dân xóm
nghèo lao động mọi việc đều được chấp nhận một cách vô tư lẫn hài hước. Thực ra
đi cầu cá cũng có cái vui của cầu cá. Bọn trai gái rủ vài đứa đi chung, thế là
vừa ngồi râm ran tâm sự chẳng buồn để ý tới tiếng rơi của mồi và tiếng đớp của
những con cá háo ăn. Chuyện đời cũng có những điều nghịch lý vì nơi đây cũng là
nơi hò hẹn tâm sự của biết bao cặp trai gái yêu nhau. Cha mẹ cấm giao du trai
gái nhưng không thể cấm cái mục đi cầu. Thế là nhìn nhau mãi cũng quen, gặp
nhau nói chuyện hoài nên xa nhau thì nhớ. Tình yêu vụng trộm thăng hoa đã tặng
cho thế gian những đứa con sinh ra bất đắc dĩ, cùng tiếp nối kiếp nghèo của
những người lao động chân tay vất vả.
Bố mẹ tôi bỏ xứ tha phương cầu thực với mơ ước một ngày con cái đổi đời
thoát kiếp khuân vác, đạp xe xích lô hay bán hàng rong. Trong nhà ngoài chị cả,
tôi là con trai lớn phải cố gắng học hành và giúp các em tôi tiếp nối. Tôi đi
học với chiếc xe đạp đã cũ nay tuột sên mai xẹp lốp. Đoạn đường đi về qua dốc
cầu Ông Lãnh chỉ đẩy lên chứ không dám đạp vì sợ đứt sên, tuột con chó. Rạp hát
Nam Tiến chiếu phim cao bồi bắn đùng đùng tôi nghe mê lắm nhưng chưa một lần
đến xem. Con nhà nghèo cúi mặt để lượm chữ nghĩa nhét đầy sách vở. Cũng may
Saigon dễ thương không câu nệ hay kỳ thị xuất xứ. Ở phương nào không biết, đến
đây sống ở đây là thành dân Sài Gòn.
Sài Gòn đẹp như một cô gái điệu đà sang trọng. Sài Gòn khí phách, ngang
tàng của những tay anh chị bắt chước anh hùng Lương Sơn Bạc. Sài Gòn cũng là
nơi cho tao nhân mặc khách tô điểm cho đời những áng văn kiệt tác, những bản
nhạc để đời. Sài Gòn sáng trưng đèn điện và cũng lờ mờ lung linh mờ ảo cho
những cô thiếu nữ cất tiếng oanh ca. Sài Gòn cao ngất nhà lầu với những người
giàu có nhất nhưng Sài Gòn cũng là nơi dung thân cho những con người nghèo khổ
khốn cùng chen chúc nơi đây. Ai cũng là dân Sài Gòn và được hít thở không khí
vừa hổn độn vừa tự do thân thiết. Chúng tôi bây giờ là dân Sài Gòn thứ thiệt,
từ cách nghĩ, cách sống và hình như tiếng nói cũng pha đớt đớt dễ thương của
người Sài Gòn.
Một ngày, trên đường về với một chiếc xe đầy hàng hóa, khi xuống dốc Cầu
Ông Lãnh bố tôi bị tai nạn. Cả người bố và xe lật nhào khi bánh xe bị bể. Hàng
hóa lăn long lóc và bố tôi bị thương. Một chân bị gãy thêm những cơn
đau lưng từ trước khiến ông phải nằm nhà không thể đạp xe kiếm tiền. Từ ngày ấy
bố tôi đổi tính. Ông lầm lì, cộc cằn và nghiện rượu.
Quán cà phê đầu ngõ là nơi bố tôi ngồi gần như thường trực. Buổi sáng cà
phê, thêm vài ly đế. Bố về nhà ngả lưng ngủ một giấc trưa. Thức dậy là kêu em
tôi ra quán mua cà phê. Ly cà phê đen được đun bằng cái ấm như kho, trong đó có
cái vợt đen thùi lùi dùng từ ngày này qua tháng khác. Ly cà phê đánh thức những
dây thần kinh còn mê ngủ của bố để bố có dịp gắt gỏng mẹ về từng câu nói, cái
nhìn hay thức ăn quá đạm bạc. Nói chán ông lê đôi dép, mặt mày cáu gắt, mặc quần
đùi ra quán để làm cử rượu chiều. Quán cứ bán ghi sổ nợ, bố cứ mua và tiền mẹ
tôi phải trả.
Mẹ tôi bận bịu và vất vả kiếm tiền thế nào dường như ông không cần biết.
Chỉ cần buổi tối về nhà có tí đồ nhắm để ông ngồi đối ẩm với xị rượu để quên
đời tha hương. Sài Gòn vẫn là nơi ông chọn dừng chân là đúng nhất, bởi chẳng ai
dòm ngó hay can thiệp chuyện riêng tư. Không giống như quê ông…Rượu vào ông lè
nhè kể về cái làng quê nghèo ven con sông Hồng. Cứ mỗi năm nước đổ về làm cả
làng lụt lội, no thì ít, đói triền miên. Họ hàng làng nước bắt chẹt nhau từng
câu nói, từng cái chào. Ông nói về ngôi đình làng và tuổi thơ. Ông kể rồi ông
khóc. Biết bao giờ còn trở lại bến sông xưa. Mà làm sao về được với cái chân
gãy và một tấm thân tàn phế. Ông gục xuống, đôi mắt lạc thần và ông rơi vào
giấc ngủ.
Một ngày nọ chị tôi về nói với bố mẹ là chị không đi bán rong ở các bến
xe nữa, chị đi làm. Người thuê chị là một thương gia. Ông có đứa con gái nhỏ
tuổi cần một người chăm sóc. Chị nói họ trả trước cho chị 2 tháng lương để đem
về cho bố mẹ. Mỗi tháng chị sẽ về nhà một hai lần vào cuối tuần để thăm. Chị
rưng rưng nước mắt đưa tiền cho mẹ rồi xách bịch đồ ra đi. Bịch đồ thì nhẹ tênh
mà chắc trong lòng chị tôi ngổn ngang nhiều thứ. Hỏi chị làm ở đâu, chị nói ở
khu Tân Định. Họ đã cho người đến đón chị theo hẹn. Chị ôm tôi vào lòng và dặn
chăm sóc bố mẹ và em Hải. Chị sẽ về thăm và mua quà cho tôi. Năm đó chị tôi 18
tuổi, tuổi con gái dậy thì xinh đẹp nhất.
Thời gian đầu, chị tôi hàng tháng về nhà thăm và đưa tiền cho bố mẹ. Bố
tôi vẫn rượu uống tì tì, mẹ hàng ngày vẫn hai buổi chợ. Thỉnh thoảng tôi được
chị cho quà và cho tiền để mua sách vở. Chị bảo tôi ráng học, nhà chỉ có tôi để
làm rỡ ràng dòng họ, còn chị đời đã như xong. Tôi chẳng biết làm sao để rỡ ràng
và tại sao đời chị đã xong. Tôi chỉ biết thương và nhớ chị mỗi sáng mỗi chiều,
Chị đã chăm sóc và lo cho chúng tôi từ khi chị còn là đứa bé con ốm nhom đen
đúa.
Một lần, chị về nhà đưa cho mẹ tôi một số tiền khá lớn. Chị nói để sửa
nhà cho khang trang một chút rồi chị ra đi. Mẹ cầm tiền chị khóc rấm rứt: “Tội
thân con tôi! Thôi về nhà với mẹ mẹ con mình buôn bán sống qua ngày”Chị cười
buồn an ủi mẹ:” Con đang làm việc yên ổn mà mẹ. Ông chủ tốt với con lắm. Mẹ
đừng lo” Chị đi rồi mẹ tôi từng bước sửa lại mái tranh, che vách nhà và mua lại
một cái giường cũ cho tôi và em trai.
Một thời gian sau chị tôi lại về thăm. Lần lần này chị đã thành một cô
gái Sài Gòn trong lối phục sức tân thời . Người ta đồn đoán với nhau chị tôi
làm đĩ hoặc làm me Mỹ mới ăn diện như thế. Mẹ tôi thì mặc thiên hạ nói gì. Chị
tôi vẫn là con gái rượu của mẹ. Mẹ thương chị nhiều hơn không phải vì tiền chị
mang về mà chị đã gánh vác tất cả khó khăn gia đình trên đôi vai bé nhỏ. Bố tôi
ghét chị ra mặt, gặp mặt là chửi và xua đuổi chị đi khỏi nhà. Bố nói chị tôi
làm nhục gia phong, bố chẳng còn mặt mũi nào gặp họ hàng làng nước. Chị chỉ
khóc và nhét vội cho bố ít tiền uống rượu. Chưa khi nào chị về ở qua đêm. Cả
nhà không biết chị làm gì và ở đâu. Sài Gòn nhiều ánh đèn màu đã cuốn hút chị
tôi trong đó. Chị có phải là con thiêu thân đốt cháy bản thân mình hay chị đang
làm việc đứng đắn. Trong nhà không ai biết, hàng xóm đồn thổi khi trà dư tửu
hậu mỗi lúc chị về thăm, nhưng người Sài Gòn dễ dãi, mau quên không
quá bận tâm tới chuyện người khác. Ai có công việc đó, mỗi người mỗi hoàn cảnh.
Chị về nhà lần cuối với cái bụng chửa vượt mặt. Mẹ bảo chị ở nhà sinh nở
mặc ai nói gì thì nói. Chị cười buồn và đưa cho mẹ một số tiền bảo mở tiệm bán
buôn tại nhà, đừng bán rong cực khổ. Chị bảo chị theo chồng đi xa từ nay không
thể về thăm được. Chị ôm lấy tôi dặn dò. Nước mắt chị nóng hổi ướt một bên má
tôi. Chị lên xe xích lô ra đi, tôi nhìn theo tự nhủ: “Đàn ông không thể khóc”
nhưng nước mắt tôi đã ràn rụa lúc nào.
Từ ngày chị tôi rời nhà với
cái thai khá lớn, bố tôi như mang thêm trong lòng một gút mắc không thể tháo
ra. Bố càng ngày càng nghiện rượu nặng. Từ ba cử một ngày, bố uống bất kể lúc
nào thèm rượu. Mỗi lần say bố lôi mẹ và chị tôi ra chửi. Không biết mẹ mắc nợ
bố từ kiếp nào mà mẹ cứ là nạn nhân của bố. Ông chì chiết, mắng mỏ làm như mẹ
tôi là nguyên nhân làm ông tàn tật. Những cơn say mỗi ngày kéo lại gần hơn Tôi
đôi lần muốn bỏ nhà đi như chị, nhưng nhìn mẹ, nhìn em tôi không thể rời xa.
Rồi tôi yêu. Một thằng vừa
đói vừa nghèo như tôi mà dám yêu cũng thật lạ. Em là con gái nhà giàu vừa đẹp
vừa kênh kiệu. Em nhìn tôi bằng nửa con mắt vì gia cảnh tôi không xứng đáng với
gia đình và sắc đẹp của em. Thế nhưng mỗi lần gặp tôi, em vẫn ném cho tôi một
cái nhìn ma mị và quyến rũ. Tôi lẽo đẽo theo em mỗi sáng đến trường trong câm
nín. Tôi bỏ quên sách vở, quên chị dặn dò, quên mình phải cố gắng học tập. Hình
ảnh em hiện ra chồng lên những bài học nuốt không trôi, đôi mắt mời gọi như có
như không đã làm tôi mê muội. Kết quả tôi chưa một lần nắm tay em tỏ tình thì
con dốc đời đã kéo tôi xuống tận đáy và mất em vĩnh viễn. Tôi thi rớt tú tài và
bị gọi nhập ngũ. Tôi cười như mếu vì tôi đã thoát ra khỏi gia đình một cách hợp
pháp. Tôi hả hê một cách ngu dại và phẫn nộ chính mạng số của mình. Hai bàn tay
trắng và một ít chữ nghĩa, tôi bước vào cuộc đời binh nghiệp. Bố tôi có thêm
một thằng con không ra gì để chửi rủa và để say. Tội nghiệp mẹ tôi chỉ khóc.
Chiến tranh đang khốc liệt và thêm một đứa con phải bước ra khỏi vòng tay bảo
bọc của bà.
Tôi tốt nghiệp quân trường
và nhận đơn vị chiến đấu. Khi đối diện chiến tranh, với cái chết cận kề tôi
thấy mình trưởng thành, gan góc bất cần đời hơn. Dường như trong tôi có thêm
một con người mới. Tôi yêu những người dân nghèo chơn chất giữa hai bên ranh
giới Quốc Cộng. Tôi không còn bi thảm hóa cuộc sống của mình vì dù có nghèo thế
nào chăng nữa gia đình tôi vẫn ở giữa Sài Gòn phồn hoa, văn minh và an toàn.
Khi đối diện với kẻ thù tôi trở nên cuồng nộ và bi phẫn. Tôi đã có gì, được gì
và mất gì. Tôi nhớ mẹ tôi bằng sự oán hận những cơn say của bố. Tôi nhớ chị tôi
bằng những buổi tối say vùi sau một trận càn. Tôi nhớ em bằng cách dày vò thân
xác những ả buôn hương. Tôi dốc cạn tiền lương ít ỏi của lính bằng sự ích kỷ
bản thân và bất cần mạng sống mỗi khi xung trận.
Sau một lần giao tranh tôi
bị bị thương nặng.Vết thương đã làm tôi phải rời xa đồng đội và được về hậu cứ
làm việc. Tôi có thời gian gần gũi gia đình. Tôi về nhà để thấy những nhọc nhằn
của Mẹ và thịnh nộ của bố. Em trai tôi đang lần theo vết chân tôi để thở
dài:" Em muốn bỏ học đi lính" Tôi khuyên em mà thương cho nó. Gia
đình không khí nặng nề vì đói sự yêu thương chăm sóc của cha. Mẹ tôi đã già
nhiều để tôi biết mình bất hiếu.
Tôi bắt ghế ra ngồi trước
cửa, phì phà điếu thuốc để nhớ chị tôi da diết. Cái xóm nghèo vẫn không thay đổi.
Tôi không tìm được cho mình một tình yêu, một gương mặt để thay thế những vấp
váp ngày xưa. Mẹ hối tôi kiếm vợ, mẹ mong có cháu: "Thời buổi chiến tranh,
anh cũng phải tính cho mình, cho bố mẹ" Tôi thả những khoanh khói thuốc
xoáy vào không trung ngẫm nghĩ đến một người đàn bà bước vào đời tôi. Tôi không
hiểu cô gái ấy sẽ sống thế nào với những cơn nghiện rượu của bố. Bố sẽ chửi cô
ta ra sao khi cô ấy không vừa ý bố. Tôi không muốn làm thêm một người đàn bà
nữa bị nhục trong cái gia đình này.
Mặc dù có tôi hiện diện
trong nhà, bố tôi vẫn tì tì uống rượu. Dường như rượu làm những cơn đau của bố
giảm đi, nhưng làm cho thần kinh bố càng căng thẳng. Bố không lôi tôi ra chửi
vì biết tôi sẽ sẵn sàng bỏ đi ra khỏi nhà khi bố chửi đến hồi hai. Tôi không
còn là thằng con trai hiền như ngày trước. Chết chóc, đạn pháo đã làm tôi căng
thẳng và nổi loạn. Tôi vẫn yêu bố nhưng bố không làm tôi phục. Bố khiến tôi
nghĩ đến một người cha vô trách nhiệm. Một người chồng ngoan cố và dã man.
Mẹ mãi mãi là nạn nhân của
bố. Tất cả những bực dọc của bố đều trút lên người của mẹ. Mẹ nhận lấy, chịu
đựng và phục tòng.
Người mà bố tôi ghét cay
ghét đắng và chửi nhiều nhất vẫn là chị tôi. Bố chửi thậm tệ, chửi bất kể lúc
nào bố say. Chửi một mình hay chửi khi nào có ai nhắc đến chị.
Rồi Sài Gòn trong cơn bão
loạn. Sài Gòn thức giấc trong cơn động đất chiến tranh. Người nơi xa chạy về
Sài Gòn, người Sài Gòn hoảng loạn đứng ngồi không yên. Nhà tôi trong xóm nghèo
biết chạy đi đâu. Bước ra khỏi nhà là con đường chỉ có mấy tấm đan xi măng hẹp
té, xe xích lô chạy vô muốn chiếm hết con đường, người trong xóm cứ ra trước
hàng hiên nhà láo nháo, lo sợ và bàn tán .
Như có phép màu, lúc này bố
tôi tự dưng tỉnh rượu. Những cơn thèm rượu thưa dần. Bố ở nhà nhiều hơn. Bố
cuống cuồng, lo lắng:
- Cái thằng chết tiệt Cộng
Sản mà thắng thì mày chết chắc con ơi! Cả cái gia đình này cũng không yên với
chúng. Trời ơi! tôi chạy đến đây vẫn không thoát khỏi chúng là thế nào.
Bố hỏi mẹ có tin tức gì từ
chị, bố không tin chị bỏ hẳn gia đình. Bố nói mẹ tìm cách kêu nó về đây, nó có
làm đĩ bố cũng không chửi, không đuổi đi nữa. Mẹ hỏi bố ông không còn sợ sỉ
nhục hay mất mặt với xóm giềng à. Bố trả lời:
-Cộng Sản vào đây thì chết
cả lũ. Con với cái khổ thân tôi. Làm sao tìm được nó bây giờ.
Tôi là lính, tôi từng giao
tranh với Cộng Sản, từng chết sống, từng bị thương, nhưng tôi không thù ghét và
sợ Cộng Sản bằng bố. Bố tôi bị ám ảnh những ngày ở miền Bắc mà sợ Cộng Sản đến
kinh hoàng, sợ đến quên cả rượu. Bố bảo tôi hãy dò tìm đường chạy thoát đi con.
Chạy để được sống còn. Cộng Sản ác lắm.
Một chiều gần cuối tháng
tư, chị tôi về vội vã. Chị bảo cả nhà thu vén ít quần áo đi theo chị. Mẹ hỏi đi
đâu. Chị nói đi di tản, chồng con đã chờ sẵn. Mỹ bỏ Việt Nam rồi. Cộng Sản sắp
làm chủ tình tình. Mình phải đi ngay kẻo không kịp. Mẹ tiếc cái nhà, tiếc mọi
thứ không chịu đi. Bố quát to, lần quát này con cái thấy bố quyết định chính
xác nhất, có uy nhất:
- Bỏ tất! Cộng Sản vào chả
có gì là tồn tại. Tôi đã sống và đã sợ lắm rồi. Đi ! Đi ngay kẻo trễ.
Thấy mẹ còn đứng bịn rịn
căn nhà, bố ôn tồn nói với mẹ.
- Đi phải rời khỏi đây ngay
bu nó ạ. Con trai mình đi lính, con gái lấy Mỹ Cộng Sản nó không tha đâu. Chết
cả lũ, tù cả lũ đấy.
Rồi bố nhìn chị đôi mắt dịu
lại và đầy biết ơn
- Bố xin lỗi.
Chị tôi dẫn cả nhà ra khỏi
xóm. Chiếc xe Jeep đã đậu sẵn chờ. Lâu nay chị lấy chồng Mỹ nhưng vì sợ bố tôi
chị không dám về nhà. Chị thường lén cung cấp tiền cho mẹ nuôi bố và các em.
Lần này hai vợ chồng chị đem cả gia đình tôi di tản trước khi Cộng Sản chiếm
trọn miền Nam.
Bố tôi là ông bố say xỉn hư
đời nhưng nghe tới Cộng Sản là bừng cơn say. Ông từng là nạn nhân nên ông biết
rõ cuộc sống người dân cực khổ khốn nạn thế nào. Lần này ông đã có một quyết
định đúng nghĩa của một người chủ gia đình.
Bao nhiêu giận hờn và coi
thường bố trong tôi không còn. Ông đã trở lại là một người bố sáng suốt không
bị cơn nghiện dày vò. Ông bước khập khiễng nhưng đầy cương quyết sau chị tôi.
Chúng tôi theo ông ra xe và may mắn thoát khỏi thiên đường Cộng Sản.
Nguyễn thị Thêm
Viết theo lời kể của L.
No comments:
Post a Comment