Tôi đánh rơi mất “cái ngàn vàng” năm mười tám tuổi, sau khi gia
đình nhà anh đã có cơi trầu sang nhà tôi để dạm ngõ. Nếu không có gì thay đổi
thì cuối năm ấy chúng tôi sẽ cưới nhau.
Bấy giờ đang độ giữa thu, tính đến cuối năm thì cũng có bao lâu
nữa đâu... Đằng nào chả là vợ chồng, thôi thì... Giữa cái nôn nao của mùa thu
se se, bờ đê ngập tràn cỏ may tím mờ dưới ánh trăng non, tôi đã trao cho anh
tất cả những ngọt ngào trinh nguyên của tuổi mười tám.
Nhưng rồi đám cưới đã không diễn ra như dự định.
Cuối năm ấy, bà nội anh qua đời. Tuổi già như ngọn đèn trước
gió, bà mất ở tuổi tám mươi hai cũng không phải là quá đường đột đối với gia
đình. Tôi đến chịu tang như dâu con trong nhà, và đám cưới đành hoãn lại để qua
năm mới tính tiếp.
Thế nhưng khi qua giêng, anh bắt đầu chán tôi và tìm cách ngãng
ra như cái lẽ thông thường: cái gì dễ dàng có được thì sẽ không còn trân quý
nữa. Cuối năm đó, anh cưới vợ nhưng cô dâu không phải là tôi....!
Ở cái làng này, thiếu gì đứa từng cho “ma ăn cỗ”. Nhưng chúng nó
hơn tôi là có một đám cưới đàng hoàng. Tờ hôn thú như có một phép mầu, nó có
thể hóa giải mọi điều tiếng cho một cô gái đã từng “dễ dãi”. Và đàn ông
đôi khi tồn tại giống như một “đấng cứu rỗi” vậy.
Tôi không có được phép mầu ấy. Anh đã cưới người khác rồi. Hành
trang còn lại của tôi chỉ là một cơi trầu héo và tấm áo thanh xuân găm đầy hoa
cỏ may.
Ở thôn quê ngày đó, con gái đã nhận trầu của nhà trai rồi lại bị
hủy hôn thì cũng coi như đã qua một đời chồng nên “mất giá” ghê
lắm. Dù cho có khỏe mạnh, đảm đang và xinh đẹp thì cũng
khó có cơ hội để kiếm được một tấm chồng tử tế.
Cái món “tiết trinh” chả hiểu nó ngon lành đến thế nào, no béo
được bao lâu mà đôi khi kẻ đánh mất nó bỗng trở thành một kẻ ăn mày suốt cả
cuộc đời...?
Tôi cam phận là một cô “gái ế” ngót hai mươi năm. Cũng không
phải là không còn ai đến với tôi nữa nhưng yêu đương thì có mà cưới xin thì
không. Tất thảy bọn họ đều không ai dám bước qua hàng rào của định kiến. Và cứ
sau mỗi lần có một kẻ đến rồi lại đi thì cái tai tiếng về tôi lại dày thêm một chút....!
Tuấn người cùng xã tôi nhưng thoát ly gia đình đã lâu. Anh định
cư ở nước ngoài cùng cô vợ người bản xứ và hai cô con gái. Tôi cũng chỉ biết
anh sơ sơ qua những lần sinh hoạt đoàn thể ở thôn xã thuở thiếu thời.
Năm đó anh về nước để làm cái lễ sang áo mới cho bố anh đã mất
từ ba năm trước đồng thời thu xếp việc nhà. Các chị gái anh đều lấy chồng xa,
mẹ sống một mình, tuổi cao sức yếu, nói dại... chả biết thế nào. Bảo mẹ về ở
với ai cũng không chịu vì bà lo nếu bà đi thì sẽ rất lạnh lẽo bàn thờ tổ tiên.
Cuối cùng, chả biết nghe ai bày vẽ, Tuấn nhờ người mai mối cho
một cô “vợ chui”, cưới về để đấy có người chăm lo mẹ già. Thật trớ trêu, tôi
cũng là một trong số những cô gái được bà mai nhắm đến. “Chòng chành như nón
không quai...” Đàn bà quá lứa lỡ thì, sống cùng với em trai và em dâu đôi khi
nó cứ như cái gai trong mắt. Thôi thì đưa chân, dù sao cũng có một tấm chồng.
Đám cưới diễn ra khá rình rang. Nhà anh và nhà tôi cách nhau một
quãng đê dài. Nhìn qua cửa kính xe hoa, tôi bắt gặp bạt ngàn hoa may tím chạy
suốt dọc triền đê, bất giác hai hàng nước mắt lại ứa dài không thể nào ngăn
được.
Sau đám cưới, Tuấn chỉ ở nhà thêm được một tháng rồi đi nhưng
vẫn kịp để lại cho tôi một giọt máu. Trong lòng tôi bắt đầu thấy vui và mơ hồ
hy vọng ngày anh trở lại vì cái mối dây ràng buộc này.
Trời cũng thương, tôi sinh mẹ tròn con vuông, bé trai 3,5 kg
kháu khỉnh. Ôm con vào lòng, nước mắt tôi lại chảy dài, cảm giác lần đầu tiên
được làm mẹ thật khó tả. Giữa niềm hạnh phúc lâng lâng là nỗi tủi hờn xen lẫn
khi Tuấn đã không thể ở bên tôi trong giờ khắc đó.
Mẹ chồng tôi rất thương quý tôi. Mẹ con, bà cháu quấn quýt bên
nhau trong ngôi nhà thiếu vắng đàn ông. Khi thằng bé đầy năm, Tuấn mới trở về
nhưng mang theo cả bầu đoàn thê tử. Ngoài anh ra, chẳng ai biết nói tiếng Việt
ngoài mấy câu: “Chào bà”, “chào mẹ” hay “cảm ơn”.
Không hiểu anh đã giải thích với họ như thế nào về sự có mặt của
tôi. Chỉ thấy cô vợ tây của anh nhìn tôi không biểu lộ cảm xúc gì còn hai cô
con gái của họ thì cưng nựng cậu bé con tôi bằng thứ ngôn ngữ xa lạ nhưng với
vẻ rất trìu mến. Có lẽ tình máu mủ đã vô tình khiến chúng có cảm giác gần gũi
với nhau chăng!
Buổi tối, mẹ con tôi nằm ngủ ở một gian nhà đầu hồi. Thằng bé
thường ngủ sớm, còn tôi hay thao thức đến khuya, nghe mơ hồ tiếng rúc rích phía
đầu hồi bên kia mà tôi cứ thấy trào lên một nỗi hờn ghen đến nghẹn đắng trong
lòng.
Có đôi ba lần anh vụng trộm gặp tôi, ôm lấy thằng bé hít hà và
nói rằng mẹ con tôi cứ yên tâm mà ở đây, không phải lo gì về kinh tế. Thằng cu
Tú lớn lên anh sẽ có trách nhiệm lo cho tương lai của nó. Sau cùng anh bối rối:
- “Hình như anh đã sai khi làm khổ em như thế này. Cho anh xin
lỗi...!” Nhưng mẹ già trông cậy cả vào em! Thật lòng anh xin lỗi em! May
ơi...!”
Lần này anh chỉ về có mười ngày rồi đi. Tôi và mẹ tiễn gia đình
anh đến mặt đê làng nơi chiếc xe taxi đang đậu. Sau những cái vẫy tay, những
câu “tạm biệt” ngọng nghịu, chúng tôi ôm thằng bé con quay trở lại nhà. Mẹ
chồng tôi sẽ sàng bảo:
- “Thiệt thòi cho con quá! Mẹ thương con với thằng Tú hơn cả.
Mấy đứa kia, tuy cũng là con là cháu đấy nhưng chả khác gì người xa lạ, nói
năng có hiểu được gì đâu...”
- “Mẹ ơi...! Con cám ơn mẹ...! Cuộc sống này là do con tự lựa
chọn! Dù sao vẫn còn hơn là con cứ mãi làm gái ế ở trong nhà. Con cũng có một
đứa con rồi, nó là tất cả niềm hạnh phúc của con...!”
Năm năm sau, mẹ chồng tôi mất. Tuấn cũng kịp về trước khi bà hấp
hối. Lần này anh về một mình, phần vì bọn trẻ đang giữa năm học không thể nghỉ
lâu được, phần vì gấp gáp nên cũng khó mà lo thủ tục. Hơn nữa chúng cũng chẳng
mấy mặn mà khi về thăm quê nội.
Sau khi mẹ mồ yên mả đẹp, tôi đã có một quãng ngày ngắn ngủi
được thực sự “làm vợ” anh. Lần này thì không có một mầm sống nào kịp hình thành
cả. Tiễn anh đi rồi, tôi cũng tự biết rằng từ nay trở đi anh sẽ càng ít trở về
hơn.
Không biết bao nhiêu mùa đã trôi qua? Không biết đã bao nhiêu
nước mắt ướt rồi khô trên gối chăn đơn lẻ. Không biết đã bao đêm tôi mong ước
có một tiếng gõ cửa... Dù sao tôi cũng chỉ là đàn bà mang trong mình những khát
khao rất đỗi thường tình. Và cũng không biết đã bao nhiêu lần tôi muốn vượt
thoát ra phía ngoài con đê bao làng kia, muốn đốt trụi cả một rừng cỏ may hoang
dại để đi đến một nơi nào đó mà cuộc sống sẽ khác đi chứ không giống thế này.
Bà May ngừng kể, quay qua bảo với bọn tôi:
- “Chúng mày lớn rồi, lo liệu mà giữ lấy thân, con gái khôn ba
năm dại một giờ, hồng nhan thì bạc phận...!”
Bọn tôi cười rúc rích:
- “Bác May ơi! Hồng nhan giờ bạc tỷ chứ không bạc phận nữa đâu.
Bọn cháu xấu gái lại chân ngắn, muốn “dại” lắm mà chả có anh nào cho đây này.
Hay cháu đợi anh Tú nhà bác đi du học trở về nhé...!”
Không có tiếng đáp, bà May đang mải dõi mắt về một nơi xa xăm
nào đó. Trên khuôn mặt đã sạm đi vì năm tháng vẫn thấy phảng phất những nét đẹp
mặn mà của một thuở thanh xuân. Bàn tay bà vân vê một tấm áo đã cũ, hình như bà
đang gỡ cỏ may....!
Cao Thị Nga
No comments:
Post a Comment