Monday, June 27, 2022

Du Lịch Đà Lạt - Say Nhừ Cao Nguyên - Đỗ Công Luận

 

Thưa quý ACE,

Cuối tuần, tôi có chuyến đi du lịch Đà Lạt 3 ngày.

Cách nay 53 năm, hè 1969, tôi thi đậu tú tài phần một.

Phần thưởng của gia đình dành cho là chuyến đi du lịch Đà Lạt với mấy người bạn, họ có nhà ông bà ngoại ở đó. 

Nhưng bọn tôi chỉ lòng vòng ở phố chợ. Mấy đứa bạn đánh bi da, tôi chỉ đứng nhìn. 

Chỉ một lần đi chơi thác Prenn. Không dám đi đâu. Chiến tranh mà. 

Sau đó có chiếc xe camnionette của người quen từ BH lên chở bắp ở Tùng Nghĩa, chúng tôi theo về.

Lần này đi theo đoàn, xe 45 chỗ ngồi. 

Xe khởi hành tối khuya, đến sáng sớm, mặt trời mọc là bắt đầu đến thành phố. 

7 giờ đồng hồ cho hành trình đến.

Ăn điểm tâm xong, đi tham quan chùa Linh Phước, chùa chén sành. Du lịch tâm linh. Nơi đây mệnh danh có nhiều cái nhất của VN. 

Xong rồi đi tham quan dinh 1, nơi vua Bảo Đại và hoàng gia đến Đà Lạt nghỉ dưỡng. Cũng còn mấy chiếc xe Peugeot cổ. Xe kéo dành cho hoàng gia. Dinh thự được bảo quản nguyên vẹn với thời gian. Có tượng sáp của vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu. Muốn mặc long bào, trang phục hoàng gia thì được cho mướn để chụp hình. Tốn mấy chục ngàn để được làm vua, làm hoàng hậu cũng sướng.



Bây giờ nơi đây là di tích.

Buổi chiều, mưa dầm. Kiểu thời tiết miền Nam mấy hôm nay. 

Vì vậy chỉ đi chơi vườn hoa thành phố Đà Lạt. Bởi vì Đà Lạt được mệnh danh là Thành Phố Ngàn Hoa.

Sang ngày thứ hai của chuyến đi. Tiết trời mát mẻ dễ chịu. Đoàn khách đi chơi thác Datanla. Những điểm này được các công ty tài chánh đầu tư vào kết hợp với các công ty lữ hành du lịch đưa du khách đến. Một sự liên kết hoàn hảo. Họ xây dựng máng trợt, đưa người xuống đến chân thác. Thu tiền 2 lượt đi và khứ hồi. Xuống thác đi bộ thì khỏe. Nhưng đi lên thì mệt mỏi. Mỏi chân. Cũng đi một lần cho biết. Mùa nầy mùa mưa, nước từ nguồn đổ về nhiều. 

Đà Lạt có nhiều thác. Datanla. Cam ly. Preen... Nhưng chỉ có thác Datanla còn hấp dẫn, hoang sơ. Các thác kia bị ô nhiễm, nguồn nước cạn kiệt.  

Rồi đến thiền viện Trúc Lâm, một điểm du lịch tâm linh tiếp theo. Ở đó có núi Phụng Hoàng, hồ Tuyền Lâm. Các nhà sư đã chọn theo phong thủy, để xây dựng nơi thờ tự, tu học. Bây giờ tên Thiền Viện Trúc Lâm được nhiều địa phương xây dựng. Ở Cần Thơ, Đồng Tháp, Phú Quốc... đều có. Du lịch tâm linh thì có mọi nơi, một lòng hướng Phật.

Buổi chiều đi tham quan Hoa Sơn Điền Trang, một điểm check in để cảm nhận rừng và núi. Đường đi quanh co qua đèo Tà Nùng. Hai bên rừng và núi bao phủ. 

Ta có cảm giác thư thái khi tìm về với thiên nhiên.

Buổi tối thứ bảy cuối tuần, nhiều đoàn khách đến tham dự buổi giao lưu văn hóa cồng chiêng với người dân tộc K'hor ở chân núi Langbiang. Những người cao tuổi, già làng, muốn giữ truyền thống hay đẹp của dân tộc K' hor hàng ngàn năm trước. 

Theo thời gian, lịch sử, lảnh thổ họ bị xâm chiếm. Từ vương quốc cổ Phù Nam, rồi người Pháp khai phá vùng đất của họ. Bác sĩ Yersin là người đầu tiên khám phá cao nguyên Lâm Viên, trong đó có Đà Lạt, năm 1893. Ông đề xuất chánh quyền bảo hộ xây dựng nơi nầy thành trung tâm nghỉ dưỡng của viên chức công quyền. 150 gia đình người K'hor được đền bù những căn  nhà sàn dưới chân núi Langbiang. Nơi đó họ xây dựng thành xóm làng ngày nay. Theo truyền thuyết, núi Langbiang có hai ngọn núi, núi Ông và núi Bà, với thiên tình sử bi ai.

Có hơn một chục đoàn du khách đến tham dự, đại diện cho nhiều vùng miền. Mỗi đoàn được tặng một hủ rượu cần, thức uống truyền thống của họ. Mỗi một điệu múa là tượng trưng cho công việc sinh sống thường ngày của họ. Mừng lúa mới. Đi bắt cá, săn thú. Cày ruộng để gieo cấy. Gái lớn lên thì đi cưới chồng. Chế độ mẫu hệ. Nam nữ miền xuôi của các đoàn được mời giao lưu ở mỗi tiết mục, khiến cho không khí sinh động thêm. Lửa trại bập bùng được đốt giữa sân. Một đêm vui và ghi nhớ mãi.

Xuyên suốt chuyến đi, công ty du lịch, mà đại diện là hướng dẫn viên theo đoàn, liên kết với các nhà hàng khách sạn, tổ chức các buổi ăn. Mỗi lần ăn là một địa điểm cho không nhàm chán. Chỗ ở thì cũng có liên kết với khách sạn. Một chuổi khép kín hoàn hảo.

Sau một thời gian chống dịch, tình hình đã khả quan. Du lịch khởi sắc lại. Nhất là lúc nầy là đợt nghỉ hè của học sinh. Mỗi ngày có hàng ngàn lượt du khách đổ về thành phố ngàn hoa. Hàng trăm lượt xe 45 chỗ. Đi dạng gia đình thì dùng xe 4 chỗ hoặc 16 chỗ. Họ chọn khởi hành buổi chiều tối cho mát mẻ. 1 giờ đêm xe đến chỗ dừng nghỉ, không có chỗ đậu. Chuyến trở về thời gian lâu hơn vì kẹt xe tối cuối tuần. 

Giá 1,9 triệu đồng cho chuyến du lịch 3 ngày 3 đêm cũng vừa phải túi tiền. Không mắc không rẻ. Đời sống ngày càng nâng cao thì nhu cầu hưởng thụ là cần thiết. 

Đà Lạt có đặc điểm riêng là các con đường dốc, quanh co. Nhà nào cũng xài cửa kiếng. Không máy lạnh.

Hồi trước thành phố mang danh là không xài đèn tín hiệu. Nhưng với đà phát triển của xã hội, về dân số, số lượng xe nhiều, họ đã phá lệ. Khoảng 1 năm nay ở các giao lộ đã lắp đèn tín hiệu giao thông. Thế mà vẫn kẹt xe. Các con đường không mở rộng ra được. Ngành công nghiệp không khói tạo động lực phát triển cho vùng đất cao nguyên chắp cánh...

 Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ

Màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ... 

Từ chuyến đi trãi nghiệm nầy, tôi có bài thơ cảm tác để chia sẻ...

No comments:

Post a Comment