Sunday, June 12, 2022

Chuyện Thường Ngày Ở Úc... - Mai Khánh Thư - Phạm Doanh Môn


Tôi cười nói:

- Anh cứ nghĩ rằng với số tiền lương của anh và em cộng lại thì mình phải dư dả chút đỉnh và có thể tiêu xài rộng rãi hơn lúc trước rất nhiều mới phải! Mỗi fortnight, nếu tính cả tiền của Vĩnh thì nhà mình lãnh hơn $5000 AUD sau khi đã trừ thuế chứ đâu phải ít! Nói theo anh Thế là bây giờ mình phải "rờ đâu cũng thấy tiền" mới phải. Có một lần anh Bình ở Việt Nam phone qua nói chuyện với anh là tuần trước anh Thế gọi về cho biết bây giờ chú thím Doanh giàu lắm, mỗi năm lãnh lương gần bốn tỉ đồng! Dĩ nhiên anh biết đây chỉ là lối nói thậm xưng pha chút phóng đaị của anh Thế thôi. Gần bốn tỉ đồng VN thì đúng đấy nhưng đó là tiền lương trước thuế chứ không phải số tiền mà mình thực sự lãnh. Hơn nữa đây là Úc chứ không phải Việt Nam, do đó đắt đỏ hơn và nhu cầu cuộc sống đòi hỏi cao hơn nhiều!

Dù đây chỉ là một buổi nói chuyện vui trong gia đình nhưng vẻ mặt Phương cũng thoáng buồn sau câu nhận định của tôi!

Phương buồn là phải vì từ trước đến giờ trong gia đình, nàng là "tay hòm chìa khoá". Dù vậy nàng chưa bao giờ được tiêu xài một cách thoải mái. Mỗi lần đi shop, đặc biệt khi vào những shop bán quần áo, dù chỉ là những shop bán quần áo giá cả trung bình, nàng vẫn còn phải đắn đo, có khi phải đi đi lại lại nhiều lần và cuối cùng nàng cũng chỉ mang ra một bộ đồ với một cái giá phải chăng, dù nàng cũng ao ước có những bộ quần áo tốt hơn.

Tôi vẫn còn cảm thấy ái ngại rất nhiều khi nghĩ lại trước đây nàng vẫn còn là khách hàng của những cửa hàng bản đồ cũ second hand!!! Phương rất hiếm khi đặt chân vào những cửa hàng bán kim cương, vàng bạc dù rằng các cửa hàng nầy đôi khi bán hàng sale hạ giá 50%. Nàng chưa hề dám nghĩ hoặc có thể chưa bao giờ có ý nghĩ là mình sẽ mua nữ trang vàng bạc, kim cương để trang điểm cho mình! Có thể vì nó còn xa xỉ và ngoài tầm với đối với cuộc sống của chúng tôi hiện tại. Một đôi lúc, cả Phương và tôi đều tự hỏi: "Tại sao có những người chẳng đi làm gì chỉ lãnh trợ cấp, đi làm chui ...mà vàng bạc, kim cương đeo đầy mình!". Hỏi thì hỏi vậy nhưng chúng tôi cũng không trả lời được.

Phương rất thương các con và nàng không bao giờ muốn các con phải thiếu thốn hay phải ao ước thèm muốn một cái gì quá đáng. Được cái là các con của chúng tôi cũng khá dễ thương và chúng hiểu được lòng yêu thương của bố mẹ dành cho chúng. Thường khi chúng đòi mua một cái gì mà thấy mẹ hơi phân vân vì có vẻ như không đủ tiền thì chúng lại thôi không đòi nữa. Nhất là Thu, đứa con gái út của chúng tôi thường nói: "Không cần đâu mẹ ạ!". Nhưng chính những câu nói này lại làm cho Phương nghĩ ngợi ít nhiều.

Phương thường nói với tôi:

- Hồi em còn nhỏ, em được ba má cưng và thương đặc biệt, có thể vì em là con một. Em muốn đòi ăn cái gì hay muốn mua món đồ nào thì ba má đều mua cho em. Em vẫn còn nhớ, cứ vào đầu năm học mới là em được ba má dẫn đi mua sắm đầy đủ các dụng cụ học tập mới và tốt.

Bây giờ em chỉ muốn làm cho các con như vậy mà cũng chưa được! Có thể hồi đó ba má chỉ có một mình em thôi, còn chúng mình bây giờ có tới bốn đứa con! Em muốn khi lớn lên chúng vẫn nhớ những kỷ niệm êm đẹp thời thơ ấu. Vĩnh và Đăng vẫn còn nhớ và nhắc hoài về những lần chúng mình dẫn các con đi chơi xa, đi biển, đi ăn ... khi còn ở Việt Nam. Nhất định là em phải xoay sở để cho các con được đi chơi xa ít nhất mỗi năm một lần. Phải để cho các con có những ẩn tượng tốt đẹp về tuổi thơ của chúng. Chỉ vài năm nữa thôi, em nghĩ chúng sẽ ngại đi với mình anh ạ!

Tôi biết nàng nói là nói vậy thôi, vì thực sự chúng tôi cũng mới đi làm được vài năm nay và trong lúc này chúng tôi đang cần phải trả những món nợ mà chúng tôi đã mượn từ hồi còn đi học cũng như vẫn phải dành dụm những số tiền khá lớn để giúp đỡ gia đình tôi ở Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn và do đó thật khó mà để dành được những số tiền cho cái plan holiday của nàng. Chả lẽ bây giờ cả hai đã đi làm mà lại cứ đi mượn nợ nữa sao. Cũng cần phải nói thêm là sau khi Phương có job, nàng cũng đã dẫn Đại và Thu qua Mỹ chơi, thăm ba nàng, một số anh chị em và họ hàng. Đại và Phương đã rất thích thú và hãnh diện nhớ mãi chuyến đi Mỹ nầy. Rồi các con lớn của chúng tôi, Vĩnh và Đăng cũng đã cùng Phương về Việt Nam vài lần. Sau chuyến về Việt Nam vừa qua, Phương quyết định phải đổi nhà. Nàng muốn có một căn nhà lớn hơn, có đủ phòng ngủ cũng như phòng chơi cho các con. Nàng tâm sự với tôi: "Về Việt Nam, em thấy nhà mình còn tệ hơn nhà của Thiện, cái bếp nhà anh Bình còn rộng rãi và sạch sẽ hơn bếp nhà mình ...".

Và rồi thế là chúng tôi đổi nhà. Đổi nhà rộng hơn thì phải trả nợ nhà hàng tháng nhiều hơn. Rồi những món nợ mà chúng tôi mượn thêm ngân hàng khi đi học thì nay bắt đầu lần lượt nhận được giấy đòi! Phương có vẻ lo lắng nhiều và đôi lúc sự lo lắng của nàng dẫn đến những bất hòa nho nhỏ giữa chúng tôi.

Đã vậy, chuyện gì trong nhà cần đến tiền bạc thì mọi người đều réo đến Phương. Nhất là Vĩnh, đứa con lớn của chúng tôi đã đi làm được hơn hai năm nay, mỗi khi cần mua một cái gì đều réo: "Má mua computer mới, mua printer mới...", " Má cho tụi nhỏ đi Gold Coast chơi ..." hay "Má đóng tiền cho con học master"  ... Thôi thì đủ thứ, cần gì thì Vĩnh cứ réo nàng một cách vô tội vạ. Đôi khi Vĩnh cũng trêu nàng nữa! Phương cũng không buồn vì biết Vĩnh chỉ trêu nàng mà thôi. Được một điều là Phương rất thương con, phải nói là nàng mê muội vì mấy đứa con và luôn tìm mọi cách cho các con được sung sướng, ngoài ra Phương cũng rất thích mua sắm những dụng cụ trong nhà. Cứ mỗi lần mua được món đồ nào mới - kể cả mua theo cách trả góp - là tôi lại thấy nàng vui hẳn lên! Có khi nàng đang bị cảm nhẹ cũng trở nên khoẻ hơn sau khi mua được một món đồ mới. Trong nhà có Đăng, đứa con thứ hai của chúng tôi, nay cũng đã lớn nhưng vẫn chưa chịu khó chí thú học hành mà thỉnh thoảng còn theo các bạn lêu lổng đi chơi. Phương buồn lắm! Dù vậy, nàng cũng vẫn thương và lo lắng cho Đăng rất nhiều. Có một lần Phương nghỉ bịnh ở nhà, nàng đã gọi phone cho tôi:

- Anh ạ! em thương cho cuộc đời của Đăng quá! Nó cứ lông bông mãi thể nầy thì cuộc đời nó sẽ khổ. Rồi sau này khi các em nó lớn, thế nào rồi Đăng cũng mặc cảm và khi đó thì tự nó sẽ tự cô lập với các anh em của nó thôi!

Nàng khóc và lại nói tiếp:

-  Em thương Đăng quá. Nếu như em phải mất một cánh tay mà Đăng thay đổi thì em cũng sẵn sàng.

Tôi biết Phương rất thương yêu các con vả nàng vẫn thường nói là nàng không thể mất các con. Dù nàng rất thương tôi nhưng nàng có thế chấp nhận mất tôi chứ không muốn mất các con! Tôi hiểu lòng nàng, một con người sống nội tâm, sống tình cảm chắc hẳn nàng sẽ đau khổ vô cùng khi nhìn thấy bất cứ đứa con nào chưa có tương lai.

Nhớ lại từ ngày rời Việt Nam qua Úc, nàng đã bỏ lại sau lưng những gì mà chúng tôi đã gây dựng được sau một số năm khổ nhọc, nàng đã dụi mắt ngăn dòng lệ để lại người mẹ nuôi mà nàng rất mực thương yêu. Trước ngày lên đường, khi thấy tôi đôi lúc không được hào hứng lắm, Phương thường nhỏ nhẹ:

-  Anh ạ, mọi gia đình người Việt Nam, ai cũng ao ước có dịp cho con đi du học ở Mỹ, ở Pháp, ở Úc ... dù có tốn nhiều tiền họ cũng cố gắng. Mình có bốn đứa con, sang Úc coi như các con mình được du học và như vậy các con sẽ có một tương lai sáng sủa hơn rất nhiều. Còn mình thì cũng hơi lớn tuổi rồi, thôi thì sang đó tìm một công việc gì làm đỡ, làm tạm cũng được, đi rửa chén, quét dọn hay đi hái trái cây, làm farm … cũng được, miễn là các con mình có một tương lai tốt đẹp là được rồi. Hơn nữa, em thực sự cũng không thích công việc hiện tại ở Việt Nam nữa, mặc dù em rất thích dạy học, rất thương học trò ... nhưng anh thử nghĩ coi, vì đồng lương không đủ sống nên nhiều người phải bon chen, giành giựt ..., từ đó thầy cô từ từ bị vong thân lúc nào không biết. Thầy cô gì mà cứ phải tranh giành nhau từng gói nhu yếu phẩm, từng con cá ươn, từng miếng thịt mỡ ... trước mắt học trò, rồi lại phải tìm cách dạy thêm cho những học trò của mình ... để có đủ thu nhập cho cuộc sống. Em cảm thấy nghề dạy học bị xuống cấp quá và đó cũng là một trong những day dứt của em khi vẫn còn phải đứng trên bục giảng trong xã hội Việt Nam hiện tại ...Tôi nhận ra được lòng thương con của Phương, lòng tự trọng qua câu nói này và cũng háo hức mong chờ ngày đi. Đôi lúc tôi hình dung nàng như một con gà mái với đàn gà con mới nở. Con gà mái luôn sẵn sàng giương hai cánh ra để bảo vệ đàn con bất chấp mọi hiểm nguy có thể đến với nó.

Những ngày đầu đến Úc thật khó khăn cho việc hội nhập, chúng tôi đã phải đi làm những công việc mà trước giờ mình cũng ít làm hay chưa hề làm! Nàng chấp nhận hết, tuy có cực nhọc nhưng lại có tiền để mua sắm cho các con những tiện nghi cũng như có thể trang trải cho các con được học ở những trường tư tốt. Sau đó nàng và tôi trở lại con đường đi học. Học xong lại phải mất nhiều thời gian, công sức cho việc tìm job, rồi có job, có tiền nàng cảm thấy vô cùng sung sướng vì đã có điều kiện làm cho các con được đầy đủ và sung sướng hơn.

Nhưng rồi cái vòng lẩn quẩn lại bắt đầu. Có tiền nhiều thì lại tiêu nhiều, đâu cũng vào đó. Tôi thường nói vậy mỗi khi trong nhà không có tiền nhưng nàng thường phản bác lại ý kiến đó của tôi:

-  Em nghĩ anh nói không được đúng lắm, mình có tiền thì các con đươc sung sướng hơn, chúng đỡ bị mặc cảm. Anh có nhớ hồi mình mới sang Úc, Vĩnh và Đăng phải học trường công, tiền bạc không có ... và khi đi học còn thiếu thốn nên cả hai rất mặc cảm do đó ít có bạn. Bây giờ, cả anh và em đều có job, mình có điều kiện cho Đại và Thu học trường tư cũng như học thêm ở Kumon, học đàn, học sport ... Em cảm thấy rất happy khi các con có đầy đủ điều kiện học hành tốt và không bị mặc cảm với mọi người.

Cho tới giờ này nàng vẫn thỉnh thoảng còn nói với tôi về một điều mà nàng vẫn ân hận là phải chi lúc trước nàng có tiền để cho Đăng học trường tư thì biết đâu Đăng đã không như ngày nay. Dĩ nhiên tôi thông cảm với những ray rứt của nàng nhưng tôi nghĩ cũng không hoàn toàn đúng hẳn và tôi thường đưa trường hợp của Vĩnh ra chứng minh là tại sao Vĩnh cũng được giáo dục, cũng được chăm sóc trong những điều kiện như Đăng nhưng Vĩnh vẫn học xong kỹ sư và còn hoàn thành thêm master về computer nữa và rồi có việc làm tốt nữa. Nàng chỉ ậm ừ cho qua chuyện và hình như vẫn nuối tiếc một việc mà mình đã lỡ để qua đi mà không cố gắng làm.

Mỗi tháng, khi nhìn nàng cộng, trừ những tiền bill, tiền nợ credit card, tiền lương.... có khi cả tiếng đồng hồ. Rồi lại lấy khoản này đập vào khoản kia cho tròn nhưng cuối cùng rồi cũng phải withdraw từ khoản tiền nhà ít ỏi để bù vào những khoản thiếu hụt và rồi công việc này cứ tiếp nối từ tháng này qua tháng khác kể từ lúc chúng tôi đi làm. Thực sự thì tôi cũng chẳng giúp gì thêm cho Phương được nên cũng đành im lặng vậy thôi! Tôi cũng đã thử làm một cái budget chi tiêu cho gia đình và chịu thua không giải quyết được. Chỉ tính riêng các khoản tiền học của Đại và Thu, tiền nợ nhà đã hết một phần lương của tôi rồi. Có thể là phải vài năm nữa khi tiền nhà và một số nợ mà chúng tôi đã mượn trước đây được trả bớt thi hy vọng chúng tôi sẽ được thong thả chút đỉnh. Cũng có vài lần chúng tôi bàn đến chuyện này thì thường hay dẫn đến vài mâu thuẫn, hiểu lầm nhỏ và rồi Phương lại giận và buồn tôi. Có thể nàng cũng đúng thôi và cuối cùng thì tôi tự coi đây như là "chuyện thường ngày ở Úc vậy". Và rồi nó như một cỗ máy cứ tiếp tục quay, quay: chuyện làm việc, chuyện thuế, chuyện bill nọ bill kia, chuyện nợ trả góp, chuyện con cái hư hỏng ...

Một buổi chiều thứ sáu nọ, sau khi ở sở làm về, Phương hớn hở nói với tôi:

-  Này, anh chở em đi Havey Norman ngay, trên đó họ đang sale furniture, mình có thể mua bây giở và ba tháng sau mới phải trả dần không phải tính lời. Em muốn thay cái giường đệm cũ của mình bằng cái giường gỗ với đệm mới, nhân thể thay đệm mới giường cho các con. Hàng ở đây tốt mà lúc này lại rẻ hơn ở Frisco. Các con đã nằm nệm cũ bao năm nay rồi.

Tôi chở Phương đi ngay. Thấy nàng happy nên tôi cũng vui lây cái happy của nàng. Nàng đã mua được một cái giường gỗ khá đẹp và một số nệm tốt với giá sale tương đối rẻ mà không phải trả tiền ngay! Và dĩ nhiên chúng tôi lại có thêm một món nợ mới!

Tôi cười nói với Phương:  

-  Em nhớ không, hồi đầu năm sang chúc tết anh chị Thế, bé Thu đã chúc bác Thế năm mới mạnh khoẻ và “rờ đâu cũng có tiền”. Bác Thế có vẻ thích thú với câu chúc này của bé Thu. Còn em thì cười nói với anh Thế: "Anh thì rờ đâu cũng có tiền còn em thì rờ đâu cũng có nợ!".

Tuy vậy nhưng chỉ ít lâu sau, hai má con, Phương và Vĩnh lại bàn bạc chuyện đầu tư để rồi lại mua một căn nhà nhỏ cho thuê. Phương giải thích cho tôi là với số tiền thu được từ khoản cho thuê nhà thì Vĩnh chỉ cần bỏ thêm vài trăm một tháng là đủ để trả tiền lời cho ngân hàng và rồi sau một thời gian thì căn nhà đó sẽ thuộc về Vĩnh hoặc bán thì chắc chắn sẽ có lời do tăng giá. Tôi lại thấy Phương có lý trong việc đầu tư này. Vĩnh thì lý luận: "Nhà mình con thấy có bao nhiêu cũng hết, nếu cố gắng thì cũng xong thôi". Cái lý luận "ba phải" của Vĩnh cũng khá đúng với gia đình tôi!



Và cách đây vài tuần, hai má con lại xầm xì to nhỏ để tính mua thêm một căn nhà đầu tư nữa, dù rằng giá nhà ở Canberra đã tăng giá rất nhiều trong thời gian qua. Tuần trước Phương và Vĩnh rủ tôi đi xem vài căn nhà ở những vùng mà Phương thích và tôi biết chắc thế nào nàng cũng mua thêm một căn nhà đầu tư nữa vì nàng luôn dựa vào lý luận "lấy tiền thuê để trả nợ cho ngân hàng!".

 Nói vậy thôi nhưng cuối cùng thì gia đình chúng tôi vẫn happy với cuộc sống hiện tại, vì chúng tôi nghĩ rằng cuộc sống ở Úc là như vậy!

Có một lần tôi đã được nghe một người bạn nói đại ý: "Sống ở Úc không ai thoát được hai điều là THUẾ và CHẾT". Tôi đồng ý nhưng tôi muốn thêm vào câu nói ấy ... là còn BILL nữa chứ!!!


Canberra, mùa đông 2022 (viết để nhớ lại những ngày mới đi làm 2001)

Mai Khánh Thư - Phạm Doanh Môn

2 comments:

  1. Anh chị giỏi giang tháo vát quá, nuôi bốn đứa con mà mua được hai ba căn nhà, lại còn đi du lịch nữa.
    Nhà Canberra thật là đẹp.
    TK

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dạ cám ơn lời khen của chị.
      Thực sự thì chúng tôi cũng cố gắng và cũng như phần lớn người VN, luôn luôn lo lắng giúp đỡ con cái. Thực sự thì cuộc sống của chúng tôi cũng “thường thường bậc trung” thôi. Có điều chúng tôi cũng happy với cuộc sống hiện tại ở Úc. Chúng tôi luôn luôn cám ơn nước Úc đã tạo cơ hội cho gia đình tôi có cuộc sống hiện tại.

      Delete