"… Những ngày tháng mới bắt đầu đi dạy ở
trường Việt Ngữ Canberra thật khó quên vì các em học sinh đã tạo cho tôi một sự
xúc động thật nhiều khi tất cả đều cùng một lúc giành nhau và đọc thật to hai
chữ "Việt Nam" hoặc "phở" mà tôi vừa cho thí
dụ trên bảng. Và ... "Kìa con bướm vàng", bài hát duy
nhất mà các em nào học qua lớp mẫu giáo, lớp một cũng đều biết, sở dĩ duy nhất
vì bài hát nầy thật dễ hát cho một cô giáo không có khiếu lắm về ca hát! Ngoài
ra, con đường mòn đi bộ từ Barry Drive đến Alliance Francaise cũng thật nên thơ
vì cây lá đổi màu theo từng mùa và có lang thang một mình trên lối mòn như thế
mới cảm nhận đuợc một Canberra thật mơ mộng với một môi trường thiên nhiên tốt
cũng như mới thấy có lẽ mình cứ đi mãi để rồi chẳng đến một nơi nào cả! Tuy
nhiên cuối cùng rồi cũng phải ngừng lại ở một nơi mà ở đó chúng ta sẽ phải có
một cái gì đó trong lòng khi càng ngày các "quý vị nhóc tì"
Australian - Vietnamese đến càng đông để nói và đọc tiếng Việt một cách ngọng
nghịu vì chắc do ít đuợc ăn nước mắm hoặc mắm cái! Những điều này đã làm cho
tôi thích dạy tiếng Việt và nhất là dạy lớp mẫu giáo, lớp một vì chỉ có lớp này
mới cho tôi những thí dụ ngộ nghĩnh và cũng chỉ có lớp này mới thích hát bài
"kìa con bướm vàng, kìa con bướm vàng ...". Ôi thật dễ thương
làm sao!...”
Đó là những dòng viết ngắn ngủi mà Hạ
Đoan đã trang trải trong cuốn Đặc San hè của trường Việt Ngữ Canberra niên học
2001. Ngoài bài viết của Hạ Đoan, trong cuốn Đặc San này cũng còn nhiều bài
viết khá dài, những vần thơ lai láng của một số giáo viên cũng như của một số
phụ huynh. Nhưng sao những dòng chữ đơn sơ của Hạ Đoan ở trên lại gây cho tôi
một ấn tượng sâu sắc lạ thường!
Gia đình tôi và gia đình Hạ Đoan cũng khá thân nhau và tôi với Hạ Đoan
cũng là đồng nghiệp dạy chung trong trường Việt Ngữ Canberra từ hơn bảy năm
qua. Chồng nàng, Doanh, cũng có lúc đã dạy, đã làm hiệu trường trường này trong
một số năm và nay thì Doanh đã nghỉ hẳn vì quá bận với những công việc ở sở
làm. Còn Hạ Đoan, mặc dù cũng rất bận rộn với nhiều công việc của một
programmer tại sở làm cũng như với hàng hà sa số các công việc tại nhà của một
người vợ, người mẹ của bốn đứa con ... Nhưng Hạ Đoan vẫn cố gắng sắp xếp để
tiếp tục công việc dạy học tại trường Việt Ngữ này.
Mang dáng dấp mảnh mai và thường hay trầm ngâm như một thi sĩ
Hạ Đoan lúc nào trông cũng có vẻ trầm tư như một người đang đi tìm những
ý thơ mới. Lúc nào tôi cũng thấy ở Hạ Đoan một sự trầm buồn phảng phất, đôi lúc
có vẻ hơi gàn gàn nữa. Hạ Đoan ít nói và thường im lặng làm việc, làm việc một
cách say mê, miệt mài, cần cù như con ong, cái kiến.... Nhưng nếu phải nói về
chuyện dạy học, đặc biệt là chuyện dạy trẻ con thì Hạ Đoan rất say mê và nói
thao thao như một nhà tâm lý học từng trải vậy!
Hạ Đoan thường tâm sự với tôi:
- Em mê trẻ con lắm chị ạ! Theo em thì chỉ những tình cảm mà trẻ
con biểu lộ mới thực sự là những tình cảm chân thật. Cứ mỗi lần em đi đâu mà
nghe mấy em gọi: "Hạ Đoan, Hạ Đoan" hay chỉ trỏ cho bố mẹ các
em biết em là cô giáo dạy tiếng Việt của các em là dù có bận đến mấy thì em
cũng phải dừng lại để hỏi han và nói với các em vài ba câu.
Nhiều phụ huynh có vẻ ái ngại khi thấy con mình gọi tên cô giáo một cách trống không và bắt con mình phải sửa lại là "cô Hạ Đoan" nhưng em cho đó là những lời nói dễ thương phát xuất từ những tâm hồn trẻ thơ chân thật và trong trắng như những thiên thần. Em thương và mê nhưng tiếng nói đó! Hơn nữa đó cũng là cách gọi thân thương của trẻ em Úc.
Khi còn ở Việt Nam, ngay khi còn mài đũng quần trên ngôi trường trung
học LBT, Saigon. Hạ Đoan được học với nhiều cô giáo trẻ, đáng mến... và Hạ Đoan
đã thường ao ước sau này mình được đi dạy học như cô Thanh Vân, cô Tường
Dung ...
Rồi sau đó, Hạ Đoan là một cô giáo dạy Anh Văn ở một trường trung học.
Có lần Hạ Đoan đã kể cho tôi nghe về một kỷ niệm dễ thương mà Hạ Đoan không thể
quên đuợc trong ngày đầu tiên đến dạy tại một trường trung học nhỏ ở quận Long
Thành, tình Biên Hòa. Lần đó khi bước chân vào một lớp sáu, Hạ Đoan cũng hơi
run vì bản tính Hạ Đoan cũng hơi nhút nhát.
Một em học trò của lớp 6, Hạ Đoan nhớ tên Phượng, đã len lén nhẹ nhàng
sờ và vuốt nhẹ nhè nhẹ vào vạt sau chiếc áo dài màu vàng nhạt của Hạ Đoan một
cách trân trọng và trìu mến! Cử chỉ đó tuy đơn giản nhưng nó đã gây cho Hạ Đoan
một ấn tượng tốt đẹp trong ngày đầu tiên của nghề “gõ đầu trẻ” này. Rồi khi
bước chân vào lớp 9 với những em học sinh lớn, có những em đã gần tới tuổi có
thể lập gia đình, những tiếng xầm xì to nhỏ bàn tán về dáng dấp, về giong nói
khác lạ (giọng Bắc – Hà Nội) của cô giáo mới đã làm cho Hạ Đoan hơi khớp
và mất chút bình tĩnh.
Nhưng chỉ sau vài ngày dạy và với tấm lòng thực sự thương yêu học sinh
cũng như sự đam mê nghề nghiệp, Hạ Đoan đã có thể gần gũi và chiếm được cảm
tình của các em học trò nơi miền quê xa lạ này.
Nói về giọng nói Bắc, Hạ Đoan cũng còn nhớ một chuyện vui, hầu hết phụ
huynh sống ở thị trấn này là người miền Nam. Có một lần, Hạ Đoan cùng vài thầy
cô đến thăm gia đình một em học sinh. Trong lúc nói chuyện, bà ngoại của em đã
nói: "Thầy Minh nói tiếng Việt tôi nghe rõ còn cô Đoan nói tiếng Bắc tôi
phải chú ý nghe mới hiểu!". Chúng tôi phải cố gắng nhịn cười về nhận xét chân thật này.
Hạ Đoan dạy ba ngày trong tuần, mỗi ngày từ sáng cho tới chiều. Hạ Đoan
đến thị trấn này trên chuyến xe đò Saigon – Vũng Tàu buổi sáng sớm và lại đón
chuyến xe tương tự trở về Saigon sau một ngày dạy mệt mỏi. Buổi trưa Hạ Đoan ở
lại trường và thường được các học sinh đưa đi thăm gia đình các em. Hạ Đoan
chuyện trò với các em dưới bóng mát trong vườn cây ăn trái. Phần lớn nhà các em
ở đây đều có vườn cây ăn trái. Cứ mỗi lần đến mùa trái cây, cuối tuần nào cũng
vậy, Hạ Đoan đều phải tay mang, tay xách những bịch trái cây do gia đình các em
gửi, khi thì một ký chôm chôm, khi thì một trái sầu riêng đầu mùa, khi thì vài
trái dưa gang… Hạ Đoan xem đó là những tình cảm chân thật của học trò miền quê
dành cho Hạ Đoan và đã cố gắng mang về Saigon dù đôi khi cũng khá vất vả với
một cô giáo mảnh khảnh như Hạ Đoan lúc đó.
Rồi những ngày giỗ, ngày kỵ… Hạ Đoan đều đuợc cha mẹ các em mời tới tham
dự. Phụ huynh ở thị trấn nhỏ bé này rất quý trọng các thầy cô dạy con họ. Hạ
Đoan kể với tôi:
- Chị biết không? Trong thời gian em đi dạy ở Long Thành, chỉ sau
một thời gian ngắn chừng hơn nửa năm, em đã bị sút đi rất nhiều, có lúc em chỉ
còn nặng chưa tới 40 kg. Đây là hậu quả của việc ăn uống thất thường vì gần như
buổi trưa nào em cũng đuợc các em đưa đi chơi. Tuy gia đình các em có mời em
dùng cơm trưa nhưng em cũng ngại, vả lại em cũng chưa quen với những món ăn ở
đây, em không ăn đuợc cá chị ạ. Em thường chỉ ăn trái cây và vài cái bánh với
học trò. Mỗi buổi tối trở về nhà khi mẹ em thấy lon guigoz cơm mà bà cụ đã sửa
soạn để cho em mang theo vẫn còn nguyên thì biết em đã không ăn cơm trưa! Có
những lúc thấy em gầy đi nhiều, mẹ đã khuyên em tạm nghỉ dạy để học cho xong vì
lúc đó, ngoài việc đi dạy học, em còn đang lo học thi năm thứ ba chương trình
cử nhân kinh tế của trường đại học luật khoa Sàigòn.
Sau năm 1975, Hạ Đoan vẫn cố gắng tiếp tục công việc dạy học với biết
bao khó khăn do cuộc đổi đời mang lại. Có những tháng dạy không có lương, chỉ
có trợ cấp chút ít, cuộc sống thiếu thốn, phương tiện đi lại rất khó khăn và Hạ
Đoan đã phải ở hẳn lại Long Thành và chỉ thỉnh thoảng trở về nhà ở Saigon trong
ngày cuối tuần ngắn ngủi.
Hạ Đoan vẫn cố gắng theo đuổi công việc dạy học vì Hạ Đoan vẫn tiếp tục
nhận đuợc những tình cảm thân thương mà học trò dành cho mình dù rằng cuộc sống
đã đổi thay! Vì hoàn cảnh khó khăn trong việc đi lại cũng như vì cha mẹ Hạ Đoan
mỗi ngày mỗi già yếu và nay Hạ Đoan mới có con trai nhỏ đầu lòng nên năm 1980
Hạ Đoan xin thuyền chuyển về Saigon dạy.
Ngày Hạ Đoan rời thị trấn nhỏ bé Long Thành, bao nhiêu là học sinh tiễn
đưa, bao nhiêu là nước mắt. Có những em học sinh nay đã lớn, đem cả bạn trai,
bạn gái tới thăm khiến Hạ Đoan vô cùng xúc động!
Tháng 6/1992 gia đình Hạ Đoan đuợc chính phủ Úc chấp nhận cho sang Úc
định cư theo diện nghề nghiệp vì chồng Hạ Đoan là giáo viện dạy toán.
Khác với sự lo lắng của mọi người là khi sang Úc phải tìm mọi cách để
hội nhập vào xã hội mới. Riêng Hạ Đoan thì khác, cái lo lắng, cái nỗi buồn của
Hạ Đoan là nghĩ mình sẽ không còn có cơ hội để đuợc đi dạy học nữa! Hạ Đoan sợ
mình sẽ không còn đuợc đón nhận những tình cảm chân thật, những biểu lộ dễ
thương của trẻ con, của học trò nữa! Vốn là một giáo viên dạy tiếng Anh ở Việt
Nam, Hạ Đoan nghĩ rằng cái vốn tiếng Anh đó có thể dễ dàng giúp Hạ Đoan hội
nhập vào xã hội Úc cũng như có thể giúp cho Hạ Đoan dễ kiếm đuợc một công việc
nào đó tại đây nhưng sẽ rất khó khăn cho việc dạy học ở xứ sở này! Hơn nữa còn
cái mặc cảm của người Á Châu nhỏ bé đứng trước những học trò Úc cao lớn nữa!
Vào thời điểm đó, ở Canberra, Hạ Đoan chưa thấy một người Việt Nam nào đi dạy ở
trường Úc cả và trong các trường này cũng không thấy bộ môn tiếng Việt như một
số trường ở các tiểu bang khác. Ở đây cũng chưa có trường dạy tiếng Việt cho
học sinh Việt Nam cuối tuần. Nghe nói ở một số tiểu bang khác như NSW, Victoria
... môn tiếng Việt được dạy trong một số trường high school và college và nghe
đâu cũng có một số ít người Việt làm nghề "gõ đầu trẻ" ở các trường
Úc này. Riêng trường Việt Ngữ dạy tiếng Việt cuối tuần thì hầu như tiểu bang
nào cũng có vài trường. Tuy vậy Hạ Đoan vẫn nghĩ là mình không thể tiếp tục dạy
học đuợc vì khó khăn của một người mới tới Úc với một gia đình sáu người trong
đó có hai con còn nhỏ nữa. Chắc chắn từ đây Hạ Đoan phải từ bỏ hẳn cái công
việc mà Hạ Đoạn vẫn thích và ôm ấp nó từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà
trường ở Việt Nam, đó là nghề dạy học. Có những lúc Hạ Đoan định đề nghị với
Doanh, chồng nàng, dời về Sydney ở vì nghĩ rằng ở đó Hạ Đoan có thể có cơ hội
trở lại với nghề nghiệp mà Hạ Đoan hằng yêu thích. Nhưng vì hoàn cảnh không cho
phép nên Hạ Đoan không dám bàn bạc tiếp với Doanh. Mỗi khi thấy Hạ Đoan buồn và
nhớ lại những tháng ngày dạy học, Doanh thường an ủi:
- Thôi em đừng nghĩ ngợi nhiều mà hại cho sức khỏe. Em cũng đã dạy
học gần hai chục năm ở Việt Nam rồi. Nghề dạy học cũng có những cái hay, những
cái đẹp và có những tình cảm trân quý nhưng theo anh thì nó không giúp mình
tiến bộ nhiều.
Anh còn nhớ, trong thời gian anh theo học trường đại học sư phạm Saigon,
một người thầy dạy anh đã nói đại ý là các em chọn học ngành sư phạm thì dễ bị
chôn vùi tài năng của mình vì công việc dạy học thường là sự lập đi lập lại
những kiến thức từ năm này qua năm khác. Cũng có những thay đổi những không
nhiều! Hơn nữa, anh thấy ở xứ Úc này học trò có vẻ tự do và phóng túng quá. Anh
sợ em sẽ thất vọng với những học sinh ở xứ sở này.
Hạ Đoan cố vớt vát:
- Em nghĩ ở đâu cũng vậy. Tuổi thơ là chân thật, là dễ thương. Khi
học xong khóa học Anh Văn em sẽ cố gắng tìm hiểu về công việc dạy học ở bậc
tiểu học hoặc là công việc của một người giữ trẻ. Em hy vọng sẽ có thể tìm đuợc
một công việc này ở đây.
Ngày tháng qua đi, cơ hội để Hạ Đoan trở thành một cô giáo hay một cô
nuôi dạy trẻ ở xứ sở này càng ngày càng có vẻ khó khăn vì nhiều trở ngại như
bản tính nhút nhát, mặc cảm nhỏ bé của người Á Châu, hoàn cảnh gia đình ...nhưng
rồi một dịp may đã đến với Hạ Đoan. Năm 1993, cộng đồng người Việt tự do ở lãnh
thổ thủ đô ACT đã mở một trường dạy tiếng Việt cho các em học sinh Việt Nam ở
thủ đô Canberra. Doanh, chồng nàng, đã xin cho nàng một chân dạy ở trường này.
Hạ Đoan phụ trách lớp một, lớp nhỏ nhất của trường khi đó. Những ngày đầu tiên
cũng khá vất vả cho Hạ Đoan. Tuy là lớp một nhưng học sinh ở nhiều độ tuổi khác
nhau. Có em bé khoảng sáu tuổi nhưng cũng có những em lớn 13, 14 tuổi! Cách
sinh hoạt học tập của các em cũng khác lạ với các em học sinh ở Việt Nam. Cái
"accent" tiếng Anh mà Hạ Đoan vẫn thường dùng ở Việt Nam bao năm qua
hình như cũng hơi khác ở đây thì phải. Nhiều học sinh đã cười cười vì không
hiểu Hạ Đoan nói gì. Tuy nhiên, khác với các em học sinh ở Việt Nam thường hay
ké né, sợ sệt các thầy cô và do đó đôi khi hay dấu diếm những hành động, tình
cảm của mình. Các em hoc sinh ở Úc rất chân thật trong việc diễn đạt cũng như
biểu lộ những tình cảm của mình đối với các thầy cô. Những ngày đầu Hạ Đoan
cũng cảm thấy hơi khó chịu với những hoạt động mà Hạ Đoan cho là hơi có vẻ tùy
tiện của các em học sinh này. Dần dà, với sự say mê công việc dạy học và lòng
yêu thương học sinh, Hạ Đoan đã dần dần quen được với cách sinh hoạt của các em
và đã nhận được sự quý mến của các em cũng như sự tin tưởng của các phụ huynh.
Trường Việt Ngữ Canberra càng ngày càng phát triển, lớp một càng ngày càng
đông. Trường càng ngày càng được sự tín nhiệm của quý vị phụ huynh. Năm học vừa
qua, nhà trường đã mở thêm lớp mẫu giáo và số học sinh ghi tên học lớp này khá
đông. Hạ Đoan đã được cô hiệu trưởng phân công phụ trách lớp mẫu giáo mới này.
Sau gần mười năm dạy ở trường Việt Ngữ Canberra, Hạ Đoan đã nhận được
rất nhiều tình cảm quý mến của phụ huynh cũng như học sinh. Có những tấm thiệp,
có những món quà mà Hạ Đoan đã nhận được từ các em hay từ phụ huynh của các em
vào các dịp Easter, Chrismas ... Nhưng món quà quý nhất mà Hạ Đoan nhận được là
sự yêu thích đến trường học tiếng Việt của các em cũng như những thói quen tốt
của người Việt Nam mà các em có đuợc khi theo học tại đây. Có nhiều ý nghĩ hay
hành động ngây thơ của các em đã làm cho Hạ Đoan xúc động rất nhiều. Một lần Hạ
Đoan đã kể với tôi:
- Chị Lệ thấy có tức cười không, em Ngọc Hân, con cô Ngọc Ánh học
xong lớp một với em và em đã chuyển lên lớp hai nhưng em này cứ nhất định đòi
mẹ cho xuống học lại lớp một với lý do để đuợc học tiếp với cô Hạ Đoan! Em phải
dỗ dành mãi Ngọc Hân mới chịu lên lớp hai học.
Nhiều em khi học xong lớp Hạ Đoan dạy lại giới thiệu các em hoặc các bạn
của mình vào học tiếp và cứ thế trường Việt Ngữ Canberra lúc khởi đầu chỉ có ba
lớp với khoảng hơn ba chục học sinh thì năm học này đã có chín lớp với hơn một
trăm học sinh.
Một số phụ huynh khi gặp Hạ Đoan đã tâm sự:
- Cô Hạ Đoan ạ! Từ ngày cháu đi học tiếng Việt đến nay, mỗi lần đi
hay về học, cháu đều thưa gửi rất lễ phép. Tôi phải cám ơn các thầy cô nhiều
lắm. Bà ngoại của cháu ở nhà rất vui vì đã có thể nói chuyện với cháu chút ít bằng
tiếng Việt cũng như đã thấy cháu nói năng lễ phép hơn trước nhiều lắm.
Một phụ huynh khác thì nói:
- Chúng tôi dự định đi Sydney sáng sớm nay cho mát nhưng cháu
Nguyên Khoa và Đông Uyên không muốn nghỉ học tiếng Việt hôm nay nên chúng tôi
phải chở cháu đi học và do đó buổi chiều mới đi Sydney đuợc.
Có một lần trong buổi họp giáo viên, có hiệu trưởng đã nói:
- Rất nhiều phụ huynh nói với tôi là không hiểu cô Hạ Đoan có một
"magic" nào mà con của họ chỉ sau một thời gian ngắn học với cô Hạ
Đoan là đã có thể đọc và hiểu được khá nhiều tiếng Việt và không muốn nghỉ học
một buổi học tiếng Việt nào cả.
Vâng, đấy chính là những phần thưởng vô giá mà Hạ Đoan đã nhận được và
nó đã làm cho Hạ Đoan càng ngày càng say mê công việc của mình.
Một lần Hạ Đoan đã tâm sự với tôi trong một buổi ăn babercue do hội phụ
huynh tổ chức:
- Chị Lệ biết không, Em nhớ nghề dạy học quá nên năm 1996 em có ý
định ghi tên theo học một lớp về childcare ở trường TAFE để hy vọng có dịp gần
gũi sinh hoạt với các em nhỏ nhưng vì nơi học xa quá, phải đi ba chuyến xe bus
mà em thi lúc đó lại không biết lái xe nên em phải chọn học ngành computer cùng
với chồng em cho tiện việc đi lai.
Em tiếc quá vì em thích làm việc với tuổi thơ, với con người hơn là làm
việc với máy móc, kỹ thuật.
Nhiều lúc anh Doanh thấy em quá bận rộn với những công việc nội trợ của
một người mẹ có bốn con mà lại còn đi dạy tiếng Việt cuối tuần với biết bao
việc kèm theo như soạn bài, tìm các đồ dùng dạy học, photocopy cả nhiều xấp
giấy có hình ảnh để dùng cho việc lên lớp ... Anh đề nghị em nghỉ dạy vì sợ ảnh
hưởng tới sức khỏe nhưng em không muốn nghỉ. Sang Úc, tuy em không còn được đi
dạy mỗi ngày như là một nghề nghiệp chính thức nhưng em nghĩ mình vẫn còn có
cái may mắn, cái hạnh phúc nhỏ bé là mỗi sáng thứ bảy còn được đi dạy tiếng
Việt cho các em. Mỗi tuần em đều mong tới thứ bảy để được gặp các học trò dễ
thương của em, để được các em tíu tít gọi "Hạ Đoan, Hạ Đoan ...".
Đây Chính là NIỀM HẠNH PHÚC BÉ NHỎ CỦA EM đó chị
ạ!
Canberra những ngày chớm đông 2022
Mai Khánh Thư - Phạm Doanh Môn
Xin đa tạ Quý Thầy Cô ở bên Úc Châu đã thực hiện đúng như Cụ Bùi Văn Bảo khuyên:”Chiỉ sợ đàn con quên Việt Ngữ , đừng lo tuổi trẻ kém ngoại văn”.
ReplyDeleteCó lẽ một số Quý Vị đã quên những bài thơ dễ thương của Cụ Ông Thi Sĩ Trần Trung Phương là chú của Nữ Sĩ Trần Mộng Tú, thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa đã dùng để dậy ở bậc Tiểu Học như:
Thơ: Con mèo
Chị ơi em có con mèo
Nó hay nghịch ngợm leo trèo lắm cơ
Hôm qua dưới gậm bàn thờ
Có con chuột nhắt nó vồ được ngay...
Meo meo nó hát cả ngày
Em yêu nó lắm luôn tay bế bồng.
Khắp mình nó trắng như bông
Trên đầu có môt ít lông đốm vàng.
Nó đi trông rất nhẹ nhàng
Lim dim đôi lắm mơ màng đến yêu
Nên em theo lệ mỗi chiều
Em kho cho nó một niêu cá dầu
Mỗi lần em bận đi đâu
Nó nằm ủ rũ âu sầu đến hay
Em về nó lại vui ngay
Vội vàng nhảy tót lên tay, lên lòng...
Em trông mắt nó sáng trong
Khác nào như đọc những dòng thơ vui.
- TRẦN TRUNG PHƯƠNG (1913-1945)
Thơ: Cơm khê
Tặng các chị nữ sinh cũng như em không bao giờ vào bếp
Chiều nay thằng nhỏ xin ra
Sáng nay em phải nghỉ nhà thổi cơm
Nồi đồng đổ gạo tám thơm
Tính em háu đói chất rơm bốn bề
Không ngờ quá lửa thành khê
Mẹ em nhiếc mãi, thẹn ê cả người!
Em xin các bạn đừng cười:
Xưa nay em tính vốn lười nấu ăn.
Cả ngày chỉ mải làm văn
Hễ vào đến bếp là nhăn nhó rồi.
Cơm thì dưới nát trên ôi!
Đấy xem cô gái tân thời giỏi chưa?
- TRẦN TRUNG PHƯƠNG (1913-1945)
************
Thơ: Trái Tim Hồng
Tác giả: Trần Mộng Tú
Có một khoảng trong hồn em trống lắm.
Người đi qua sao không ghé lại thăm
Hồn em đó như cây mùa thu đứng
Chờ lá vàng về phủ đến trăm năm.
Tóc hờn giận nên tóc chia nghìn sợi
Người không về đo sợi ngắn sợi dài
Tay chung thủy giấu hoài trong đáy túi
Ngón cô đơn chờ đan ngón tay người
Giày con gái bỏ quên trong góc tủ
Người không về nên chân chẳng muốn đi
Đôi chân nhỏ tay ai thường ấp ủ
Những đêm trăng thơm ngát đóa tường vi
Trán ngây thơ tương tư mùi khói thuốc
Người không về mắt cũng nhạt màu nâu
Môi bớt đỏ và răng cười bớt trắng
Em nhớ người, em khóc suốt đêm thâu
Em sẽ chết với mảnh hồn trống đó
Chúa đứng đón em ở cổng Thiên Đàng
Xin trả Chúa trái tim hồng lãng mạn
Dưới thế gian con dại dột cho chàng..
***************
Thơ: NHỚ
Tác gỉa: Bùi Văn Bảo (Thi sĩ Bảo Vân)
Còn nhớ gì hơn cái nhớ nhà ?
Nhớ người, nhớ cảnh, nhớ cây đa...
Nhớ ao bèo, thả bè rau muống,
Nhớ thuốc lào, chiêu ngụm nước trà.
Nhớ mắm tôm điềm, canh cá lóc.
Nhớ quần lá-tọa, áo bà ba...
Nhớ đình đám, nhớ ba ngày Tết
Trăm nhớ, ngàn thương,nhớ...nhớ là...
Bảo Vân
****************
Thành thật Cảm Ơn Chị Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút trang nhà vĩ đại Người Phương Nam đã “Gìn Vàng Giữ Ngọc “ cho độc giả khắp nơi trên thế giới, nhất là cho thế hệ tương lai tại hải ngoại .
Thành kính,
T.V.B-USA
Xin cám ơn bạn T.V.B- USA.
DeleteCám ơn những comments, những lời khen khích lệ thường xuyên của bạn đã giúp tôi có thêm động lực và phấn khởi để duy trì trang nhà này làm một nơi tìm về nguồn cội cho quý đồng hương khắp nơi trên thế giới.
Trân trọng,
NPN
Trước hết xin cám ơn chị Tố Kim đã post bài của tôi lên NPN, sau xin cám ơn độc giả T.VB- USA đã dành thời gian đọc bài và viết comment. Tôi thực sự cảm phục tấm lòng yêu mến tiếng Việt cũng như trí nhớ của bạn T.VB- USA . Những tác giả của những bài thơ này tôi cũng biết … nhưng nay thì chỉ nhớ vài câu, vài chữ thôi .
DeleteĐúng như bạn T.VB- USA nói, chị Tố Kim đã dành rất nhiều thời gian cho blogs NPN. Có những email tôi nhận được từ chị lúc 2, 3 giờ sáng, chứng tỏ chị thức khuya và dành nhiều thời gian cho công việc “Gìn Vàng Giữ Ngọc “ cho độc giả khắp nơi trên thế giới, nhất là cho thế hệ tương lai tại hải ngoại.
Chúc chị Tố Kim và độc giả T.VB- USA luôn vui khoẻ
Mai Khánh Thư - Phạm Doanh Môn