Sunday, January 8, 2023

Chọn Thiên Đàng Hay Hỏa Ngục? - Huỳnh Quốc Bình

 

Hỏa ngục không phải là nơi dành cho loài người mà là cho ma quỷ. Ai muốn linh hồn mình được sống đời đời trên Thiên Đàng hay sa xuống hỏa ngục đều do sự chọn lựa của người đó.

***

Bài viết này trình bày về niềm tin vào Đức Chúa Trời nhưng không dành để lôi kéo người đọc theo một tôn giáo bởi vì người viết không có nhu cầu đó. Nếu ai là người đang có sự sợ hãi, buồn lo, chán chường, tuyệt vọng và muốn tìm cầu sự bình an thật, hạnh phúc vĩnh cửu, xin vui lòng đọc tiếp để biết rõ Đức Chúa Trời phán điều gì.

Bài viết này được in thành quyển sách nhỏ theo kiểu bỏ túi, chỉ có 36 trang với phông chữ 14 để người đọc có thể dễ dàng theo dõi. Sách biếu, không bán. Tuy nhiên, nếu ai có lòng hảo tâm muốn ủng hộ chi phí in ấn, chúng tôi xin phép nhận ba Mỹ kim.


Ngoài những kẻ vô thần, bất cứ ai thuộc niềm tin tôn giáo nào cũng đều dễ dàng đồng ý rằng: Đời người thật ngắn. Thân xác loài người sẽ trở về cát bụi sau khi chết, nhưng linh hồn thì vĩnh cửu. Nếu ai ý thức rằng mình có những yếu đuối, bất toàn, và ai đó muốn tìm hiểu là sau khi mình qua đời, linh hồn mình sẽ về đâu, bài viết này sẽ giải bày điều đó dựa theo căn bản của Thánh Kinh.

Theo lời Thánh Kinh, Thiên Đàng là tặng phẩm của Đức Chúa Trời dành cho loài người. Tuy nhiên, không phải ai cũng được vào đó bởi vì tổ phụ loài người đã phạm tội cùng Chúa. Linh hồn của một người được vào Thiên Đàng hay sa xuống hỏa ngục đều tùy thuộc vào sự chọn lựa của người đó lúc còn tỉnh táo và đang sống trên trần gian này. Đức Chúa Trời đã bày tỏ trong Thánh Kinh, hỏa ngục không dành cho loài người biết ăn năn mà cho ma quỷ trong ngày phán xét của Ngài.

Hầu hết các tôn giáo đều dạy con người phải ăn hiền, ở lành, và tu thân tích đức. Những điều này theo tiêu chuẩn con người rất tốt, nhưng theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa toàn năng hoàn toàn khác. Những việc làm lành hay công đức của con người tạo ra chỉ là cái áo nhớp hay miếng giẻ rách trước mặt Ngài. Thánh Kinh chép, “Tất cả chúng con đều trở nên như vật ô uế, mọi việc công chính của chúng con như miếng giẻ bẩn thỉu; tất cả chúng con đều khô héo như chiếc lá, và tội ác chúng con như gió lùa mình đi” (Sách Ê-sai 64:6).


Theo tiêu chuẩn của con người, việc định nghĩa chính xác về hành động tốt hay xấu của một cá nhân chỉ là tương đối và thường thiếu chính xác. Theo chúng tôi, người được xem là tốt là người chưa bị lộ những điều xấu. Thật sự, theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, trên trần gian này chẳng có ai là người tốt cả. Thánh Kinh đã khẳng định, “Chẳng có một ai công chính cả, dù một người cũng không” (Sách Rô-ma 3:10).

Trong phạm vi tôn giáo, có lẽ mọi người đã từng nghe lời dạy rằng, chính con người phải tự diệt cho bằng được các tánh xấu hay tội lỗi để có thể vào một nơi vĩnh cửu nào đó. Đại ý những thói hư, tật xấu, và tội lỗi đó là: Tham lam, ích kỷ, ganh gét, đố kỵ, có hành động ngu muội, ác độc, vui chơi quá độ, tức giận, gian dâm, thù hằn, và căm ghét. Chưa hết, lời dạy đó còn cho rằng: Không ai cứu được linh hồn mình mà chính mình phải làm điều đó. Nếu “kiếp này” mình không diệt xong các thứ xấu, hay tội lỗi, phải chờ “kiếp sau” diệt tiếp. Nếu “kiếp sau” hay “các kiếp kế tiếp” mình không diệt được, muôn đời phải bị trầm luân hay đắm chìm trong bể khổ.

Nghe qua những tiêu chuẩn trên, có ai dám khẳng định những suy nghĩ và việc làm hằng ngày của chính mình đã diệt được cái gì trong số tật xấu hay tội lỗi đó rồi? Thành quả “diệt” của mình có đáp ứng được tiêu chuẩn nào đó không? Giả sử nếu có kiếp sau, mình có dám bảo đảm là mình diệt khá hơn không? Đó là những câu hỏi, thiết nghĩ con người nên suy gẫm để biết mình cần làm gì trước khi quá muộn.


Người viết hân hạnh đọc và học những lời dạy trong Thánh Kinh được mặc khải từ Thiên Chúa, và những điều đó có liên quan đến vấn đề “sống chết”, “tự diệt”, và “tự cứu”. Theo lời Thánh Kinh, con người không còn một “kiếp” nào khác mà chỉ có duy nhất “một đời” trên trần gian này. Loài người được sanh ra và chết trong tội lỗi, nhưng chết chưa phải là hết. Ai cũng ngại chết hay sợ chết, nhưng chưa ai thoát khỏi sự chết. Thánh Kinh khuyến cáo, “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét. (Sách Hê-bơ-rơ 9:27).

Ai có quyền phán xét? Thánh Kinh đã bày tỏ, “Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần để xóa bỏ tội lỗi của nhiều người; Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để cất tội lỗi đi nữa, nhưng để ban ơn cứu rỗi cho những người trông đợi Ngài” (Sách Hê-bơ-rơ 9:28).

Đấng Christ là ai? Xin thưa, Ngài là Đức Chúa Jesus. Ngài là Đấng Cứu Thế. Thánh Kinh chép rằng, “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Sách Phúc Âm Giăng 3:16).


Theo lời Thánh Kinh, Đức Chúa Jesus là Con Trời. Ngài là Ngôi Hai trong Chúa Ba Ngôi. Ngài đã giáng trần qua mẹ phần xác là Nữ Đồng Trinh Ma-ri, người nữ được Đức Chúa Trời chọn để thụ thai Đức Chúa Jesus bởi Đức Thánh Linh. Chúa Ngôi Hai được sanh ra như bao nhiêu hài nhi khác. Ngài lớn lên, chịu nhục hình trên thập tự giá, và Ngài đã chết. Ngài được chôn trong mộ. Sau ba ngày, Ngài đã sống lại và thăng thiên. Thánh Kinh cho biết, Đức Chúa Jesus chết vì tội của nhân loại, trong đó có quý vị và chúng tôi.

Dĩ nhiên, không phải ai cũng dễ dàng tin những điều nêu trên; vì thế, Thánh Kinh đã căn dặn trước, “Như vậy, đức tin đến từ những điều người ta nghe, mà người ta nghe là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Sách Rô-ma 10:17). Chúng tôi đang làm công việc rao giảng để những ai chưa nghe, chưa biết có thể nghe và biết. Phần còn lại do người nghe tự quyết định.


Xin trở lại vấn đề “tự diệt” để “tự cứu”. Chúng tôi tin chắc là mình không thể tự diệt và tự cứu. Lý do, bản chất của con người là bất toàn, và muôn đời sẽ là bất toàn. Bất cứ ai cũng có thể tự tra xét hay cật vấn lương tâm để xem những gì mình làm từ trước đến giờ và sau này, liệu những điều đó có giúp mình đủ tiêu chuẩn để một Chân Thần nào đó có thể dung dưỡng mình hay không?

Giả sử, nếu ngoài Đức Chúa Trời ra, còn một “chân thần” nào khác, lẽ nào chân thần đó lại chấp nhận những lễ vật hối lộ từ những con người tội lỗi ở trần gian? Đức Chúa Trời, Thiên Chúa hay còn gọi là Ông Trời, chỉ cần lòng thành của con người chứ không cần con người dâng lễ vật theo kiểu hối lộ bởi vì Ngài là Chân Thần. Trong đời sống hằng ngày, người ta đã thấy không ít kẻ mang tiền gian, bạc lận, của hối lộ, đồ vật ăn cắp, của cải ăn cướp từ những người khác để dâng, để cúng vào những nơi mà những kẻ đó tin rằng “thiêng liêng”. Chắc chắn chỉ có ma quỷ hay tà thần mới nhận sự hối lộ từ những kẻ gian ác như vậy.


Ma quỷ không phải là chuyện ảo tưởng mà là thật, và ma quỷ cũng có quyền năng riêng của nó. Nếu ma quỷ không có quyền năng để đáp ứng sự van vái của con người, chẳng ai bị lừa. Công việc của ma quỷ là chống nghịch lại Đức Chúa Trời bằng cách khuyến dụ và lừa gạt con người làm theo con đường của chúng nó để linh hồn con người bị hủy diệt đời đời. Chỉ có ma quỷ mới dối gạt con người, nhất là những người dị đoan mê tín. Ma quỷ sẵn sàng nhậm lời van vái hay cầu xin của những ai chạy theo các vấn đề có tính cách xác thịt đời này. Dĩ nhiên, sự đáp lời của ma quỷ trông rất linh thiêng nhưng chỉ là tạm bợ. Người tin nó sẽ lọt vào vòng kiềm tỏa và kiểm soát của nó, và kết quả sẽ là sự chết đời đời dành cho những ai chọn dây dưa với chúng.


Ai có lòng muốn tìm kiếm Chân Thần chắc chắn sẽ gặp. Như chúng tôi đã nói, Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo ra loài người và vũ trụ này mới thật sự là Chân Thần. Khi ai đã đầu phục Đức Chúa Trời, người đó sẽ lập tức có sức mới từ Ngài. Sức mới đó khiến cho ma quỷ không còn khả năng khống chế người đó nữa. Khi còn tại thế, Đức Chúa Jesus đã phán, “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ, cửa sẽ mở cho các con. Vì hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; và ai gõ thì cửa sẽ được mở” (Sách Phúc Âm Ma-thi-ơ 7:7-8).


Đọc đến đây, chắc có người sẽ nghĩ thầm: Tôi chưa thấy Chúa làm sao tôi tin? Xin thưa, nếu chúng ta đã thấy điều gì rồi, đó không còn là đức tin mà chỉ là sự công nhận hay chối bỏ. Những người tin vào quyền năng của Chúa là do họ tự ý thức về sự giới hạn và bất toàn của mình, hoặc họ được Đức Thánh Linh cảm động lòng họ. Cũng có thể do họ ngắm nhìn và hiểu biết về sự kỳ diệu của thân thể con người, nhất là trật tự của vũ trụ do Đấng có quyền năng cầm giữ. Điều này cũng giống y như có người đã nhận xét: Con người chỉ có thể thấy sức mạnh hay năng lực của dòng điện, chứ chưa ai thấy điện có hình dáng hoặc màu sắc của nó ra sao bao giờ. Thánh Kinh chép lời phán của Đức Chúa Jesus về điều này rằng, “Phước cho những người không thấy mà tin!” (Sách Phúc Âm Giăng 20:29b). Nhiều tỷ người trên trần gian này, trong đó có chúng tôi, đã tin và đã nhận được phước này.


Liên quan đến chuyện “làm lành, lánh dữ”, chúng tôi không thể quên nhắc đến một nhân vật rất đặc biệt được Thánh Kinh đề cập. Người đó là một người Do Thái có quốc tịch La Mã tên là Phao-lô. Ông Phao-lô là người hiểu luật, giữ luật và có quyền lực thời bấy giờ. Ông từng bắt bớ và giết nhiều người tin vào sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus. Dù vậy, Ông Phao-lô đã bị Chúa bắt phục. Sau khi người trở thành sứ đồ của Đấng Cứu Thế, người đã cật lực góp phần loan truyền Đạo Chúa khắp nơi.


Sứ Đồ Phao-lô từng tuyên bố, “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi” (Sách Ga-la-ti 2:20). Trước khi Thánh Phao-lô tử đạo, người từng than thở rằng, “Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn; vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn” (Sách Rô-ma 7: 18-19).

Nếu có ai cho rằng mình phải tự cứu lấy linh hồn mình bằng những việc làm có tính cách phước thiện và công đức đời này, người đó cũng nên biết về sự khuyến cáo của Thánh Kinh, “Vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều này không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời” (Sách Ê-phê-sô 2:8).


Không ít người đã nói rằng tôi được cha mẹ sanh ra, và tôi đã có một tôn giáo riêng. Tôi không thể theo một tôn giáo nào khác, nhất là nghe những người ngoại quốc chiêu dụ tôi ruồng bỏ đạo của mình. Thật sự, đạo của người Việt Nam chính là Đạo Thờ Trời chứ không có đạo nào khác là của riêng người Việt Nam. Đạo Thờ Trời của người Việt Nam hết sức phù hợp với những gì Thánh Kinh bày tỏ. Trước nhà của nhiều người Viêt Nam chúng ta có bàn thờ “Ông Thiên”. Ông Thiên này là Đức Chúa Trời trong Thánh Kinh. Nhiều câu ca dao Việt Nam cũng nói lên chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời từ ngàn xưa như, “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày.” Hoặc “Lạy Trời mưa thuận gió hòa.” Khi khổ đau hoặc tai nạn, chúng ta cũng kêu “Trời ơi, cứu con với”. Chúng ta thờ Trời trước tất cả các tôn giáo khác du nhập vào đất nước chúng ta.


Tin thờ Đức Chúa Trời không có nghĩa là gia nhập một tôn giáo theo kiểu ăn hiền, ở lành, hoặc tu thân tích đức để tự cứu. Công đức của con người không thể cứu được linh hồn mình như Thánh Kinh đã khuyến cáo, “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác, vì ở dưới trời chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta nhờ đó mà được cứu” (Sách Công vụ 4:12).

Hệ thống các tôn giáo, kể cả những tập hợp của những người gọi Đức Chúa Trời là Cha, vẫn không cứu được linh hồn con người trên trần gian này. Muốn được cứu về phần linh hồn, con người cần công khai tiếp nhận sự cứu rỗi từ Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus. Ai tin và đầu phục Chúa sẽ được Ngài biến đổi người đó từ một tội nhân trở thành con dân Ngài. Đức Chúa Jesus phán, “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những ai tin danh Ngài” (Sách Phúc Âm Giăng 1:12).

Con dân Chúa không phải là những người hoàn hảo, mà là những tội nhân đã được Chúa tha tội. Con dân Chúa cố sống theo lời Chúa mỗi ngày để tìm kiếm sự nên thánh. Nếu có ai nhận mình là con dân Chúa mà vẫn tiếp tục phạm tội, đó là vấn đề của cá nhân người đó. Thiết nghĩ, người ta không thể vì tội lỗi của người khác mà khiến cho linh hồn mình phải sa vào hỏa ngục chỉ vì quyết định từ chối sự cứu rỗi từ Đức Chúa Trời toàn năng.


Thánh Kinh đã bày tỏ: Ai tin và tiếp nhận Đức Chúa Jesus làm Cứu Chúa của mình, lập tức tội người đó được tha và linh hồn người đó được cứu. Tiếp nhận Chúa để linh hồn được cứu rỗi sau khi lìa trần và nhận được sự bình an thật khi còn sống trên trần gian. Nếu ai là người đang đau khổ, tuyệt vọng, và không có sự bình an, xin người đó hãy kêu cầu danh Chúa bởi vì Đức Chúa Jesus đã hứa, “Ai tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh-thánh đã chép vậy” (Sách Phúc Âm Giăng 7:38).

Tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là quan trọng nhất. Việc đến nhà thờ hay thánh đường để cùng mọi người thờ phượng Chúa là đến từ tấm lòng khao khát và vui mừng vì mình muốn được chiêm nghiệm quyền năng kỳ diệu của Đức Chúa Trời. Con dân Chúa không thể đi nhà thờ theo kiểu “trả lễ” giống như một người chỉ thuần túy theo một tôn giáo. Tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời không có nghĩa là cầu nguyện hay van vái điều gì cũng được nhậm theo kiểu con người dùng lễ vật để hối lộ những thần của thế gian để mong được như ý.


Chúng tôi xin lặp lại điều quan trọng này: Ai tiếp nhận sự cứu rỗi từ Đức Chúa Trời, tội người đó được tha, linh hồn người đó được cứu sau khi lìa trần. Đặc biệt, khi người đó còn sống trên trần gian này sẽ được Chúa ban cho sự bình an thật dù phải đứng trước hoàn cảnh hay nghịch cảnh nào.

Chưa hết, người tin và tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời sẽ biết rõ Ngài dạy gì về trách nhiệm và lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà, và cha mẹ. Thánh Kinh không hề dạy con người xem thường hay ruồng bỏ người bề trên. Thánh Kinh dạy con người phải tuyệt đối kính trọng và phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc các vị ấy còn sống chứ không chờ khi các vị qua đời rồi mình mới thờ cúng và vái lạy họ để bày tỏ lòng hiếu thảo hay xin xỏ “phép lạ” từ người đã chết.


Kết luận
Đối với những ai đang có sự bất an, đau khổ, hoặc tuyệt vọng, xin hãy nghe lời kêu gọi của Đức Chúa Jesus, “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; hãy gánh lấy ách của Ta và học theo Ta thì linh hồn các ngươi sẽ được an nghỉ. Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng” (Sách Phúc Âm Ma-thi-ơ 11:28-30).

Nếu ai muốn tiếp nhận Chúa, xin làm ngay, đừng chờ ngày mai. Cái ngày gọi là “ngày mai” có khi nó không còn đến với bất cứ ai trong chúng ta nữa.

Làm thế nào để tiếp nhận Chúa? Xin thưa, rất đơn giản nhưng phải có lòng thành. Con người chỉ cần mở miệng mình ra và thưa trình với Chúa vài lời ngắn gọn giống như người con thưa chuyện với cha của mình. Chúng tôi xin gợi ý: Lạy Chúa, con tin rằng con là kẻ có tội. Con tin Đức Chúa Jesus là Con Trời. Ngài là Ngôi Hai trong Chúa Ba Ngôi. Con tin rằng Ngài đã giáng trần và chết thay cho tội lỗi của loài người, trong đó có con. Xin Chúa thương xót linh hồn con. Xin Chúa tha tội cho con và nhận con làm con cái của Ngài. Amen!


Sau khi quý vị cầu nguyện xong, quý vị có thể liên lạc với người trao cho quý vị quyển sách bé nhỏ này để người đó giải thích thêm và cùng đồng hành với quý vị trong niềm tin Thiên Chúa. Nếu quý vị muốn một người nào cùng cầu nguyện với mình, xin vui lòng liên lạc với quý mục sư, hay tín hữu Tin Lành nào tại địa phương, hoặc người viết bài này để chúng tôi hân hạnh giúp quý vị làm điều đó.

Cầu xin Đức Chúa Trời nhân từ ban phước đặc biệt cho những ai đọc đến dòng chữ này. Amen!


Huỳnh Quốc Bình, Giáo Sĩ Tin Lành

Chương Trình Phát Thanh “Đời Sống An Bình”

P.O. Box 20361
Keizer, OR 97307. USA

No comments:

Post a Comment