Monday, January 13, 2025

Chị Dâu - Hoàng Tuấn

 
Hình minh họa

"Chị đã mất - chú về ngay".

Sau chuyến đi công tác ở thành phố Saigon về, bức điện của ông anh trai như một cú sét làm tôi bàng hoàng.

Là con trai út trong một gia đình đông anh em, sự ra đi mãi mãi của những người trên là lẽ tự nhiên.

Nhưng cái tin về người chị dâu cả mất đi là điều tôi không bao giờ ngờ tới.

Không ai có thể quen được với sự vắng bóng của những người thân yêu.

Với tôi, từ khi còn thuở ấu thơ, chị là người chị gái, người mẹ, là cô tiên dịu hiền với những khả năng vô biên, là người không thể vắng bóng trong cuộc đời.

Tôi vội vã lên chiếc xe sớm nhất về quê.

Chiếc xe khách ì ạch đỗ tại chợ huyện, tôi quầy quả xách túi, thả bộ trên con đường về làng.

Quê tôi nghèo, nằm ven sông Hồng, lại là vùng đất giữa, mỗi lần đi chợ phải dậy từ tờ mờ sớm.

Tôi bồi hồi đếm từng bước chân.

Nhớ đến ngày nào vẫn hay theo chị đi chợ.

Mẹ tôi bảo: "Mày theo chị làm gì cho quẩn chân?".

Tôi thì cứ nhõng nhẽo đòi theo.

Còn chị thì cưng chiều tôi nhất nhà, sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi rất trẻ con của tôi.

Chị gánh trên vai một gánh khoai nặng mà vẫn đi nhẹ nhàng, miệng nhai trầu bỏm bẻm.

Ở quê tôi, các cô gái đã có chồng rồi đều ăn trầu.

Có lần đi chợ sớm, tôi gà gật, lẽo đẽo chạy theo chị.

Tới lúc tôi mỏi chân theo không kịp, chị cõng tôi trên vai và tôi thì ngả đầu trên bờ vai chị, ngủ ngon lành cho tới chợ.

Sau này lớn lên, dù đã đi dọc ngang đất nước, mỗi khi bước chân trên con đường đê về làng, lòng tôi vẫn hối hả, gấp gáp, tưởng như mình bé lại.

Với tôi, làng quê gắn bó với những kỷ niệm thuở ấu thơ, gắn bó với hình ảnh chị.

Người phụ nữ mảnh mai luôn nhai trầu tươi rói, có sức mạnh dẻo dai đến kỳ lạ và tấm lòng mộc mạc thơm thảo như khoai, sắn.

ít ai thấy người phụ nữ tần tảo ấy ngơi tay từ sáng cho đến tối khuya.

Không, tôi không tin.

Những người như chị không thể mất.

Chỉ chút nữa thôi khi về đến nhà, tôi sẽ gặp lại chị đứng ở đầu ngõ với câu hỏi muôn thuở: "Chú đã về đấy ư".

Câu hỏi quen thuộc thay cho lời chào của chị không tỏ ra vồn vã, không khách sáo nhưng âm điệu của giọng nói bao giờ cũng làm khóe mắt tôi cay cay.

Tôi biết, từ trong nhà chị đã nhìn thấy tôi từ xa, chị ra đón tôi ở cổng để tỏ nỗi vui mừng bằng một câu hỏi rất mộc mạc.

"Khoai luộc và mật ong phần chú trong chạn ấy".

Lần nào cũng vậy chưa cần hỏi thăm, chị đã có một thứ gì đó phần tôi.

Khoai lang là đặc sản vùng quê tôi, củ lớn, vỏ đỏ au, khoai luộc lên, bẻ ra bở tơi, hạt lấm tấm mịn màng như hạt phù sa, ăn vào ngon ngọt như tấm lòng thơm thảo của người dân quê.

Tuy đã được nếm nhiều món cao lương mỹ vị ở đời nhưng bao giờ tôi cũng ăn không biết chán món khoai lang chấm mật ong chị dành phần tôi.

Với chị, tôi luôn luôn vẫn là đứa em bé bỏng ngày nào.

"ăn xong đi tắm đi, quần áo để đấy chị giặt cho".

Câu nói ấy sao giống của mẹ tôi thế.

Mẹ tôi và chị, hai người phụ nữ gắn bó với nhau, giống nhau kỳ lạ.

Cây đa đầu làng như một già làng với bộ râu tua tủa quanh thân đã chờ đón tôi từ đằng xa.

Bóng đa mát rợp một khoảng đất rộng lớn, chồm ra cả những thửa ruộng mới cấy.

Cây đa cổ kính khiến mỗi lần tôi đi qua phải dừng lại một phút như để trút hết bụi trần trước khi trở lại là đứa con của dân làng.

"Chú đã về đấy ư?" Tiếng gió thoảng qua như tiếng chị khiến lưng tôi ớn lạnh.

Ngôi mộ của ai nằm kia mà còn nguyên mầu đất, vòng hoa chưa kịp héo.

Không lẽ chị tôi nằm đấy ư? Không, tôi không tin, chỉ ít phút nữa về đến nhà chị sẽ đón tôi ở cổng như những ngày nào.

Tôi tập tễnh bước lòng thầm mong bức điện kia chỉ là sự lầm lẫn.

"Chú về đấy ư?".

Lòng tôi run lên, chân tôi muốn khụy xuống khi đón tôi không phải là chị mà là anh trai.

Như một sự vô tình anh lặp lại câu hỏi của chị mỗi khi tôi về.

Hay giờ đây anh thay chị thể hiện tình cảm mộc mạc với đứa em trai? Tội nghiệp, mới đó mà anh tôi đã già xọp, lưng còng xuống, đôi mắt ngơ ngác như gà lạc mẹ.

Anh vẫn chưa quên với sự thiếu vắng bóng hình chị.

Anh nắm lấy tay tôi, mái tóc bạc trắng rung rung "Chị mất rồi em ơi, khổ anh quá".

° ° ° Ngày ấy, tôi còn nhỏ xíu, tôi ngạc nhiên thấy hôm ấy nhà tôi ai cũng bận rộn, vui vẻ, tôi nhõng nhẽo bám theo anh trai, khuôn mặt tươi rói trong bộ quân phục mới.

Mấy hôm trước nghe anh nói sắp vào nam chiến đấu, mẹ đã khóc suốt.

Vậy mà, sao hôm nay cả nhà vui thế? Anh cười dí tay vào trán tôi: "Em sắp có chị dâu".

Tôi nhăn mặt.

Tôi không thích chị dâu.

Trong ý nghĩ tôi, hình ảnh mụ dì ghẻ độc ác, người con dâu nanh nọc trong các câu chuyện kể còn vương vấn.

Vả lại không có chị dâu thì tôi đã có khối anh chị rồi.

Khác với trí tưởng tượng của tôi.

Chị dâu tôi như một cô bé mới trưởng thành.

Dường như chị mới bỏ chơi chuyền, chơi ô ăn quan để đi lấy chồng.

Ngày ấy anh tôi 22, còn chị tôi 18 tuổi, ngay ngày đầu chị đã là cái cớ để chúng tôi trêu trọc.

Buổi sáng đầu tiên ở nhà chồng, từ trong buồng bước ra, nhìn thấy ba mẹ tôi ngồi ở bàn uống nước, chị nhanh nhảu: "Cháu chào hai bác, hai bác mới sang chơi ạ".

Rồi sực nhớ ra, chị mắc cỡ chạy vụt vào bếp.

Ba tôi thì cười, còn mẹ tôi thì lắc đầu: "Con gái gì mà vô ý", chỉ có vậy mà chị ngồi dưới bếp khóc suốt.

Sau đó ba ngày, anh tôi đi biền biệt.

Trong nhà, ba tôi là người hay bênh vực chị nhất.

Còn mẹ tôi thì vẫn hay xét nét những ngày đầu như những bà mẹ chồng nhà quê.

Tôi ngồi xuống bậc cửa, lòng thổn thức.

Mới đấy mà đã hơn 30 năm, chị gắn bó với gia đình tôi, đồng cam cộng khổ.

Quê tôi đồng đất ít, gặt được đấu thóc phải đổi cả đấu mồ hôi.

Ba mẹ tôi ngày càng già yếu, đông con.

Chị là lao động chính, suốt ngày quần quật ngoài đồng.

Chiều về lại túi bụi việc nhà.

Riêng việc quét dọn và chăm sóc lũ em chồng là chúng tôi cũng khiến chị mệt nhoài.

Chúng tôi sắp hàng chờ chị dội từng gáo nước, tắm cho từng đứa, dỗ dành lúc đi ngủ, lúc giành ăn.

Tới bữa cơm, sáu đứa tuổi ăn tuổi lớn cứ rào rào như tằm ăn rỗi.

Chị ngồi ở đầu nồi xới cơm, chúng tôi cứ nhấm nháy nhau, thi nhau ăn cho thật nhanh để chìa bát cho chị xới.

Đến khi chúng tôi đã ăn no thì chị chưa xong một bát và nồi cơm đã cạn đáy.

Có lần tôi phát hiện trong túi áo chị có một cục cơm cháy.

Tôi dọa chị sẽ mét mẹ.

Chị đã ôm lấy tôi và khóc.

Sau này tôi mới hiểu, mỗi bữa cơm chị chỉ kịp ăn xong một bát thì cả nhà đã ăn xong, không dám ngồi đến cuối bữa, chị phải cất cơm cháy vào túi để ăn dần.

Tôi cũng có biết đâu rằng bao đêm, chị khóc âm thầm trong cảnh chồng xa vắng, chịu những lời trách móc, những quan hệ họ hàng phức tạp.

Con dâu trưởng họ, với làng xóm đó là một "chức danh" chỉ có trách nhiệm nặng nề.

Từ giỗ chạp, đình đám cho đến chăm sóc gia đình nhà chồng, mọi việc đều do tay chị lo liệu với một sự hy sinh âm thầm vô bờ bến.

Chúng tôi lớn lên, dựng vợ, gả chồng, cũng có chị.

Cha mẹ tôi già yếu mất đi cũng chị lo toan.

Dường như những biến cố lớn lao trong gia đình tôi, những lúc khó khăn nhất, bao giờ chị cũng là người đứng ra đương đầu với một thái độ tự tin, bình thản.

Coi như đó là trách nhiệm chính của chị.

Trong bức tranh toàn cảnh của gia đình tôi nếu không có chị, chắc hẳn bức tranh ấy sẽ mờ nhạt lắm.

Một lần, hồi cha tôi đã mất, tôi về thăm quê giữa lúc làng tôi đang mất mùa.

Mẹ tôi đã hơn 70 tuổi.

Thấy tôi về, chị mừng rỡ mổ một con gà, một con gà duy nhất còn đang đẻ.

Mâm cơm chỉ có ba người, nồi cơm phía trên độn toàn là khoai.

Chị xới hai bát cơm cho tôi và mẹ, giành cho mình toàn khoai.

Tôi ngạc nhiên: "Các cháu đâu hết rồi?" "Ôi chúng nó ăn no đi học hết rồi".

Khi chị đi xuống bếp, mẹ tôi mới nói: "Tội nghiệp con mẹ cả.

Suốt một tháng nay có bữa nào nên mâm, nên bát đâu.

Cả nhà chỉ có mỗi mình mẹ là được ăn cơm, còn mẹ con nó toàn ăn khoai, ăn ngô.

Mẹ bảo nó: "Ráng mà ăn uống có sức khỏe còn nuôi con.

Mẹ già rồi, ăn uống thế nào cũng được, chết cũng chả sao.

Nó bảo: Bà chỉ nói linh tinh.

Bà còn sống ngày nào, chúng con còn nhờ ngày ấy.

Nó nói vậy, chứ mẹ có giúp gì được cho nó nữa đâu.

Nói rồi bà khóc.

Miếng cơm nghẹn đắng trong cổ tôi.

Tôi đã nghe chuyện xưa có người con dâu cắt thịt mình nuôi mẹ chồng.

Nhưng đó chỉ là truyền thuyết.

Còn chị dâu tôi.

Khi mẹ tôi sắp mất, con cháu về đông đủ cả.

Chúng tôi xúm quanh giường, chờ xem bà có trối trăn điều gì.

Mẹ tôi nhìn qua con cháu một lượt rồi hỏi: "Mẹ cả đâu?".

Đợi cho chị tất tả từ dưới bếp chạy lên, bà mới nói: "Các con phải thương yêu nhau, nghe lời chị cả.

Nó thay mẹ".

Rồi bà xòe bàn tay nhăn nheo ra bảo chị: "Con nhổ một miếng nước bọt vào tay mẹ đi, mẹ đỡ nhớ con".

Một giọt nước mắt lăn trên thái dương, rồi mẹ tôi nhắm mắt.

Cho dù ba tôi trước kia hay trách mẹ tôi xét nét con dâu nhưng cho đến lúc chết bà vẫn là người thương chị nhất.

Phải chăng sự đồng cảm phận làm dâu của người phụ nữ suốt đời hy sinh vì chồng con khiến bà hiểu và thương chị nhưng không nói ra? ° ° ° - "Chị chú bị u ác tính, đau có ba ngày rồi mất!".

Tối đó dưới ánh đèn hiu hắt, anh tôi kể, khuôn mặt của ông đại tá già suốt bao năm vào sống ra chết vẫn chưa hết nỗi bàng hoàng trước sự ra đi mãi mãi của vợ.

- Tôi nghĩ lại mà ân hận quá chú ạ.

Suốt hơn ba mươi năm tôi chỉ quen với sự hy sinh âm thầm của cô ấy.

Tới lúc chị chú đau tôi vẫn chủ quan bởi trong ý thức tôi, chưa bao giờ nghĩ rằng cô ấy có thể ốm.

Cho tới lúc bệnh viện họ trả về, tôi mới cuống lên, chả biết làm gì nữa.

Trước lúc mất cô ấy tỉnh táo lắm gọi tôi ra giường bảo: "Mình nằm xuống đây với em, có chuyện này, em muốn nói với mình".

Tôi chiều ý nằm xuống cạnh cô ấy.

Vợ chồng già, con cái lớn hết rồi, còn âu yếm gì nữa.

Nhưng cô ấy cứ ôm chặt lấy tôi hồi lâu rồi nói: "Mình à, suốt chừng ấy năm là vợ chồng, mình có giận em điều gì không?".

Tôi lắc đầu mà trong lòng chỉ muốn khóc thật to.

Làm sao tôi có thể giận cô ấy trong khi cô ấy đã thay tôi gánh vác mọi việc lớn nhỏ trong nhà từng ấy năm.

"Em không qua khỏi được đâu.

Em chỉ ân hận không chăm sóc được mình lúc tuổi già.

Em có mong ước cuối cùng này, nhưng nói ra mình đừng cười em nhé".

Thề có trời đất, lúc ấy tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì để đáp ứng được mong ước cuối cùng của cô ấy.

Tôi đã vào sống, ra chết, đã có quyền cao chức trọng, đã ra nhiều mệnh lệnh.

làm sao lại không thực hiện được ước nguyện cuối cùng của vợ? Vậy mà tôi đã xụm xuống, tưởng như chết giấc khi nghe cô ấy nói: "Em chưa bao giờ được nghe mình nói "Anh yêu em" cả".

"Nhưng lúc nào tôi cũng yêu mình.

Tôi có điều gì không phải với mình đâu?".

Tôi lắp bắp.

"Em biết mình thương em, mọi người thương em.

Trước kia còn trẻ, mình đi biền biệt, đến khi về thì đã già rồi.

Nhưng em vẫn muốn nghe một lần mình nói câu ấy".

Nói rồi cô ấy ngượng ngùng áp mặt vào vai tôi khóc.

Còn tôi, tôi không thể khóc được nữa.

Lòng tôi tê tái đau đớn.

Tôi lấy chị chú chưa kịp yêu đương, chỉ vài lần biết mặt.

Đang ở trong quân ngũ lại chiến tranh ác liệt.

Trước khi đi nam gia đình bảo lấy vợ cho cha mẹ yên tâm.

Mình hồi ấy còn trẻ thấy nói lấy vợ cũng thinh thích.

Thấy cô ấy cũng hay hay con mắt.

Thế là cưới.

Về sống với nhau mới nảy sinh tình cảm, mới yêu thương.

Nhưng tôi đi suốt năm, suốt tháng, mỗi lần về phép vợ chồng lại thấy ngượng ngùng như lần đầu mới gặp.

Đến khi vợ chồng mới quen hơi, bén tiếng thì lại hết phép.

Khi về hưu được ở gần nhau thì đã thành bà, thành ông rồi.

Còn âu yếm, anh em như lúc trẻ thế nào được nữa.

Vả lại tôi quen tác phong quân sự rồi cứ nghĩ vợ chồng sống có nhân, có nghĩa là đủ.

Cần gì lời nói.

Tôi đã làm chính trị trong quân đội ba mươi năm trời, đã làm đến chức đại tá, tưởng đã hiểu về con người.

Vậy mà cuối cùng vẫn chỉ là một lão già đầu trọc, chả hiểu gì về phụ nữ, về vợ mình cả.

Hơn ba mươi năm chị chú mòn mỏi chờ chồng, vất vả hy sinh âm thầm chỉ mong ước nghe một câu dịu dàng khen ngợi của chồng.

Và suốt đêm đó tôi cứ ôm lấy cô ấy mà thì thầm mãi câu: "Anh yêu em".

Lần đầu tiên trong đời tôi mới nói được câu ấy và cũng là lần đầu tiên tôi mới hiểu thế nào là tình yêu, tình chồng vợ.

Tôi cứ ôm lấy cô ấy mà kể lan man.

Những điều mà lẽ ra tôi phải nói ra ba mươi năm trước.

Sáng ra tôi mới nhận thấy thân thể cô ấy đã cứng lạnh, đôi môi phảng phất một nụ cười, bàn tay nắm chặt chiếc lược đã mòn vẹt.

Chiếc lược làm bằng xác máy bay tôi tặng cô ấy ngày cưới.

Và đấy cũng là món quà duy nhất trong đời tôi tặng vợ.

Anh tôi khóc, nước mắt ràn rụa trên khuôn mặt héo hắt, mái tóc bạc trắng rung bần bật.

Không có gì khổ não hơn trước cảnh một ông già khóc vợ.

Khóc khi hiểu ra giá trị thực của tình yêu, khi nó không còn nữa.

Khóc cho nỗi ân hận xót xa trước những lỗi lầm mà mãi mãi không lấy lại được.

Tôi lập cập thắp nén nhang trên bàn thờ chị, đứng tựa lưng vào tường.

Nhưng đâu phải chỉ mình anh tôi có lỗi.

Sự xa cách, cuộc chiến tranh đã cuốn hút tâm trí con người.

Nó bắt buộc người ta phải dồn nén tình cảm cá nhân, tạm gác một bên những mong ước đời thường.

Cuộc chiến tranh đã làm bao người ngã xuống, để lại bao nỗi đau và cuộc chiến ấy cũng tạo nên biết bao những anh hùng.

Nhưng phía sau những anh hùng ấy là những người phụ nữ như chị dâu tôi.

Họ yêu thương, mòn mỏi trông chờ, hy sinh tất cả.

Họ không cần đến những tấm huân chương, những chức vị mà chỉ ước ao một câu nói dịu dàng của người chồng.


Hoàng Tuấn

http://vietnamthuquan.eu/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4n3nmn31n343tq83a3q3m3237nvn

No comments:

Post a Comment