Hình minh họa
Căn nhà chật chội ồn ào rộn rịp, hôm nay bỗng dưng lặng im rộng
thinh thinh như cái chùa. Vợ chồng anh tư Trần Hưng Đạo đã về Sài Gòn hồi sáng.
Thằng Dân "gì đó" cũng vậy. Đám chị Điệp, Mai, Lan cũng bồng bế, dắt
díu nhau lén về Bình Dương ăn Tết. Tụi thằng Tô Tỷ, A Son với Xám Mã Chải thì
về Vĩnh Châu với má nó. Còn lại ở Bạc Liêu chỉ có vợ chồng tôi với thằng Bi.
Tết Kỷ Mùi sắp đến hồi nào không hay không biết. Trong đầu bây giờ chỉ có một ý
nghĩ duy nhứt. Chừng nào có lịnh cho đi. Nhiều buổi tôi ngồi hằng giờ trong
quán cơm ở bờ sông nhìn chiếc... BL 1648 im lìm, lặng câm, dật dờ. Chỉ cần mở
đỏi, kéo neo, nổ máy quay mũi hướng ra biển lớn, phăng phăng lướt sóng là mọi
chuyện êm đẹp biết bao nhiêu. Vậy mà không được. Chờ hoài, chờ hoài. Đã gần một
tháng nay tôi mỏi mòn héo hắt bơ ngơ báo ngáo như người bịnh nặng. Nhiều khi
ngồi chán, buồn chưn tôi đi loanh quanh dọc bờ sông nhìn dòng nước chảy. Nước
thì chảy cuồn cuộn mà ghe thì vẫn không chịu trôi. Ngày mai nầy, tôi đã ba mươi
tám, tuổi nửa đời người, buổi sáng đứng chải đầu trước kiếng thấy có vài sợi
tóc bạc màu, giựt mình nhớ câu "Thệ giả như tư..." Chiếc ghe vẫn nằm
ỳ trên bến như dề lục bình hoa tím lá xanh mắc kẹt cột cầu tàu mục nát, trên đó
có con vịt đứng co một chưn, miệng kêu cạp cạp xa vắng mỏi mòn. Tôi cũng y như
con vịt, lẻ loi, ngơ ngác. Nhứt là buổi chiều nay, chiều ba mươi Tết, không cửa
không nhà, không bàn thờ tổ tiên hương khói, không cha mẹ anh em, bơ vơ nơi đất
lạ. Cũng may là còn có vợ con.
Trời đã sẩm tối, tôi và Duyên đi một vòng chợ
Bạc Liêu để coi thiên hạ chuẩn bị đón xuân sang. Đường xá Bạc Liêu nhỏ hẹp ẩm
thấp bùn sình. Cơ quan thủy lợi của tỉnh đắp đê, đắp đập thế nào không biết mà
chỗ nào cũng ngập lụt lầy lội. Đèn đường không đủ sáng, tù mù bóng đen nhòe
nhoẹt. Hai vợ chồng ẵm thằng Bi đi lơn tơn dọc theo đường Độc Lập rồi lần ra
Trương Vĩnh Ký. Đêm giao thừa, chợ Bạc Liêu dọn dẹp sạch trơn. Các gian hàng
đóng im ỉm, khóa kín vắng tanh trái ngược với cảnh ồn ào rộn rịp hằng ngày. Hai
bên đường phố nhà nào nhà nấy sửa soạn quang đãng, cửa mở hé. Nhìn vô trong
thấy đèn nến sáng trưng ấm áp. Thỉnh thoảng có từng tràng pháo nổ. Không khí
như ấm lại. Trên đường đã có nhiều đứa con nít súng sính trong các bộ đồ mới
xanh xanh, đỏ đỏ chạy giỡn tung tăng. Lẫn trong đó có nhiều chị bạn hàng trễ muộn
gồng gánh kĩu kịt, tất tả quay về.
Phía bên kia là chiếc cầu quay cao sừng sững ba nhịp nằm vắt ngang qua sông dài
ngoằn đen đủi. Nhiều chiếc xe chạy qua, từ xa nhìn như những con kiến bò chậm
chạp, ánh đèn chập chờn lóe sáng thành cầu. Chân bước trên đường phố Bạc Liêu
mà đầu óc tôi nhớ miên man về Bình Dương. Tỉnh lỵ Thủ Dầu Một đẹp hơn Bạc Liêu
nhờ cất dựa lưng trên một trái đồi nhỏ. Trên đỉnh đồi là các cơ quan hành chánh
với dinh thự. Xung quanh là cây cao bóng mát quanh năm. Đường dốc quanh co uốn
khúc, phố xá tuy nhỏ nhưng ngăn nắp sạch sẽ hơn. Cũng vào giờ nầy, trên dốc nhà
thương miệt Bưng Cải các bạn tôi có còn quay quần họp mặt chuyện trò để chờ đón
giao thừa? Ở dưới con dốc Ông Cò trong căn nhà rộng mênh mông, ba má tôi có còn
đủ bình tâm cúng kiếng ông bà như mấy năm trước hay là nằm chèo queo thở dài
chờ đợi tin con trong nỗi sợ sệt bồn chồn. Nghĩ tới hình ảnh những người thân
yêu còn ở Bình Dương lòng tôi đau nhói. Đây là đêm giao thừa đầu tiên mà tôi xa
nhà. Năm nào cũng vậy dù đi làm việc xa xôi bất cứ ở đâu, Tết đến cũng tìm đủ mọi
cách để về vui với cha mẹ, anh em. Như có một sợi dây vô hình ràng buộc, tôi tự
cột mình, gắn liền với những người thân yêu, với tổ tiên dòng họ, quê hương
làng nước. Những ngày đầu năm, nhà cửa được lau chùi sạch trơn, bàn thờ nghi
ngút hương khói nhang đèn, cả nhà quây quần bên phòng khách ấm áp, cành mai
vàng rực rỡ chen lẫn với những cánh glaieul đỏ như nhung. Tôi thường ngồi trước
nhà chuyện vãn cùng các em học trò thân, cùng nhau ngắm các người quen đi lễ
giao thừa ở chùa Bà, công viên trước nhà im vắng, không khí linh thiêng... Bây
giờ thì hết rồi. Cây mai vườn nhà vẫn ra hoa như cũ?
Đình thụ bất tri nhơn khứ tận
Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa.
Bạc Liêu tỉnh lạ bơ vơ. Tâm trạng hoang mang trống vắng. Duyên thẫn thờ đi bên
tôi không nói năng. Chắc nàng cũng đang nghĩ về mảnh vườn xanh ngăn ngắt, căn
nhà xinh xắn ở Dĩ An với tất cả lòng thương nhớ. Nơi đó có quyến thuộc ruột rà.
Gia đình bên nàng sau khi nhà cửa ở Sài Gòn bị tịch thâu, phải về nơi đây trú
ngụ. Bỗng dưng nàng níu chặt tay tôi:
-- Hay là anh đến chùa xin một cây xăm cho năm tới coi ra sao?
-- Thôi em, xin rồi lại đâm lo. Ích lợi gì. Tốt thì không sao còn nếu xấu thì
lại lo buồn rầu rĩ.
Trời đã im mát hẳn, thoang thoảng có vài hơi gió lành lạnh. Từ chiều cho tới
giờ trong tôi tâm trạng bâng khuâng xao xuyến hoang mang chờ đợi. Tôi đang chờ
đợi cái gì cũng không biết nữa. Một thoáng mơ hồ huyền hoặc. Đêm nay đêm ba
mươi Tết. Lần đầu tiên tôi xa nhà, bước đầu một cuộc phiêu lưu không mong không
đợi. Dĩ vãng thì đầy rối rắm, tương lai không biết ra sao. Nơi đất lạ quê người
những chuỗi ngày hy vọng rồi thất vọng nối tiếp. Chưn bước lang thang trên
đường phố đầy người mà lòng trống vắng mênh mông. Trời càng về khuya, người đi
trên đường càng lúc càng đông. Phần lớn là đàn bà Tàu đi lễ chùa. Tự dưng tôi
bước dần theo họ. Người nào tay cũng cầm giỏ mang đầy hương nhang đèn nến, mặt
mày trang trọng vui tươi, ăn mặc chỉnh tề đẹp đẽ. Đi khỏi Ty Công An thị xã một
quãng khá xa tôi thấy một vùng người đông đảo quây quần. Mùi nhang khói nồng ấm
vây quanh. Ngôi chùa nhỏ hiện ra trong ánh đèn, ánh nến bập bùng. Một cây đa
thiệt lớn bên cạnh như một cây dù đen đủi khổng lồ chụp xuống toàn thể ngôi
chùa. Từ xa nhìn vào thấy những khối màu sắc đen, đỏ, vàng, xám mờ mờ kỳ ảo,
lung linh rờn rợn. Tôi rán đọc hàng chữ nho chạm nổi trên tấm bảng sơn đỏ treo
bên trên trước cổng chánh. Bốn chữ "Ba Thắc cổ miếu" nét cứng cáp,
màu đen nhưng quá cũ kỹ với thời gian. Đây không phải là một ngôi chùa mà là
một ngôi miếu xưa của vùng đất Ba Thắc, tên cổ của vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu nằm
trên bờ sông Hậu Giang.
Tuy mới vừa từ chối với vợ nhưng chưn tôi cũng bước vô
trong. Giờ nầy người đi lễ đã đông. Khói nhang mờ mịt, không còn thấy được gì
nữa hết, như trong một cái bếp un. Rán nhìn nhưng tôi không thấy được trên
chánh điện người ta đã thờ vị thần nào? Thần của Cao Miên xưa hay của Trung Hoa
mới đến lập nghiệp thời Chúa Nguyễn? Tôi không biết nhưng cũng không cần biết
làm gì. Tôi chỉ biết là lòng tôi cần một nơi nương tựa, Trời, Phật, Thánh,
Thần, vị nào cũng được. Miễn là làm sao tạo được cho tôi một niềm tin. Tôi quỳ
xuống làm lễ khấn vái cầu nguyện cho chuyến vượt biên, tất cả được an lành.
Trong ánh đèn lung linh mờ mờ khói nhang nghi ngút, tự nhiên tôi ớn lạnh toàn
thân, vội quỳ mọp xuống. Duyên quỳ kế bên đưa cho một ống xăm bằng tre to bằng
bắp chưn màu đen xỉn, đựng những thẻ tre dài bằng chiếc đũa dẹp lép mỏng tanh.
Tôi cầm lấy ống tre run run. Có cái gì linh thiêng khiến tôi hồi hộp. Tôi liếc
qua một bà già Tàu kế bên rồi bắt chước bà ta, vừa lắc vừa nguyện cầu. Cả chánh
điện ngộp trong mùi nhang khói, mùi đèn nến. Tiếng xăm xóc lóc cóc rền vang
trộn lẫn tiếng cầu nguyện rì rầm. Nước mắt tôi ứa ra cay xè ràn rụa. Tôi xóc
mạnh hơn nữa, một cây xăm từ từ vượt lên cao rồi rớt ra ngoài. Tôi vói tay chụp
lấy định đứng dậy để đi ra. Duyên níu lấy tay tôi quỳ xuống, đưa cho hai miếng
cây đẽo giống hình hột xoài một bên thẳng một bên mô tròn.
-- Anh xin keo đi. Rán xin cho được âm dương.
Tôi nghe theo lời, cầm hai miếng cây láng bóng đưa lên ngang đầu khấn vái xong,
quăng xuống mặt chiếu. May quá một úp một ngửa.
Duyên mừng rỡ thốt lên:
-- Thần thánh đã chứng minh cho mình được cây xăm nầy. Anh ra ngoài để đổi lấy
lá xăm coi tốt xấu ra sao?
Lá xăm đỏ nhỏ bằng bàn tay chữ Tàu ngoằn ngoèo in bằng bảng cây nét khắc to nên
dễ đọc. Tôi lẩm nhẩm:
Xuân mang bất phóng mã đề loan
Hóa tận phong ba lịch hiểm nan
Trực đãi nhứt thinh thiên báo hiểu
Tự nhiên long đái bửu châu hoàn.
Đọc xong tôi bèn giải nghĩa cho nàng:
-- Xăm tốt lắm. Đừng có lo. Nè hai chữ nầy là "thượng thượng." Tiền
hung hậu kiết. Qua khỏi Tết nầy là ghe mình đi được. Khi nào em nghe người ta
đốt pháo thiệt lớn, thì lúc đó mình có giấy phép để nhổ neo. Yên chí đi, gần
hết xui rồi!
Tôi cầm lấy lá xăm, lật qua lật lại, bàn tới bàn lui, cho nàng hay cho tôi?
Cũng may đêm giao thừa xin được cây xăm tốt. Tôi mơ màng, hy vọng nay mai cả
nhóm sẽ bừng bừng mừng rỡ khi được tin sẽ đi. Tay tôi bồng thằng Bi, tay tôi
dắt lấy Duyên đưa cả hai lên trên khoang thuyền, con thuyền thiệt vững chắc,
sóng gió êm ả như đi trong hồ, tôi làm cuộc hải hành vượt đại dương để đến bến
bình yên. Lòng tôi đâm vui sướng rạt rào. Duyên đi sát bên tôi:
-- Anh có nói thiệt không đó? Hay là nói tốt cho em mừng?
Trong bóng đêm tôi
thấy mắt nàng mở to chờ đợi.
-- Thiệt mà, đâu có gạt em làm chi. Nè em thấy xăm linh không? Ba chữ "mã đề loan" có nghĩa là ngựa đạp móng nhau dính cứng không đi được, cũng y như tình cảnh vướng cẳng vướng chưn của vợ chồng mình. Cuối năm Ngọ cứ tưởng xuống Bạc Liêu vài ngày là đi, nào ngờ đâu cả tháng nay rồi mà không nhúc nhích. Ngựa bị vướng móng làm sao mà chạy được. Như vậy không thể tính chuyện gì được trong năm. Phải chờ sang năm mới.
-- Ừ dầu muốn dầu không thì mình cũng đã chờ cho tới mãn năm rồi. Ngủ một giấc
nữa là sang năm Mùi.
-- Thì chắc rồi, em thấy không, xăm nói thiệt rõ... "trực đãi nhứt
thinh" nghĩa là phải đợi tới lúc có một tiếng nổ lớn thì "thiên báo
hiểu" tự nhiên trời sáng trưng liền. Cũng y như cái điềm báo mình hết xui
xẻo vậy. Em nghe đó, hồi chiều tới giờ, người ta đốt pháo nổ liên hồi phải
không? Vậy kể như là trời sáng rồi! Đây nè để anh rán dịch toàn bài cho em
nghe:
Xuân tới rối bời ngựa vướng chưn
Sóng gầm gió thét kết rồi tan
Pháo nổ vang lừng trời báo sáng
Tự nhiên rồng ngậm trái châu hoàn.
Duyên đi nép vào tôi vẻ tươi tỉnh hẳn. Tôi cảm thấy hy vọng chợt về trong buổi
trời đất giao hòa. Hai bên đường Lý Thường Kiệt dưới những bóng cây đen đen
nhòe nhoẹt là những dãy nhà dọc ngang, đèn nến sáng choang, mùi nhang trầm thơm
ngát thoảng trong khí trời nửa đêm lành lạnh. Thỉnh thoảng có những tiếng pháo
chuột nổ lạch tạch rải rác đâu đây. Tôi cảm thấy có cái gì đổi mới ấm áp như
một thứ hy vọng len lỏi trong hồn. Một niềm tin tưởng từ cõi vô thức nào dâng
lên no ứ. Mùa Xuân, mùa của hy vọng, của những chồi non nẩy mầm, của sự sống
vươn lên. Tôi mở lòng ra chờ đợi tin tưởng.
Bất thình lình trong cái không khí êm ả, nên thơ đó, cả tỉnh Bạc Liêu pháo nổ
vang dội. Cả trời lửa đỏ rực trên nền nhung đen thẩm đầy sao lấp lánh. Không
khí như bị xé toang ra bằng đủ các loại pháo. Tiếng nhỏ, tiếng to vang rền. Xen
vào đó từng loạt đạn lửa bắn cầu vồng, từng loạt hỏa châu phát sáng. Người ta
đổ xô ra đầy đường, ngước mặt lên trời để xem. Những viên đạn lửa đỏ rực màu
cam bay cách khoảng nhau đều đặn đan thành chiếc lưới đỏ ngang dọc. Từng chiếc
dù hỏa châu lơ lửng chói lòa soi sáng một góc trời. Trong ánh sáng chập choạng
đám con nít giành nhau chạy lượm những chiếc dù nhỏ sắp rơi xuống đất tạo thành
một cảnh hỗn độn mà rất vui. Cứ cách vài phút có tiếng nổ "ầm ầm"
...thiệt lớn. Tiếng nổ của lựu đạn. Vào những năm về trước cứ đến giờ giao
thừa, người dân cũng đốt pháo và những người lính Cộng hòa cũng có bắn súng để
vui mừng nhưng in ít mà thôi. Nào ngờ bây giờ pháo đốt nhiều quá, súng bắn
nhiều quá, có cả lựu đạn nữa. Trên mặt đường phố người ta tụ nhau quây quần chỗ
năm chỗ ba đen nghẹt. Người nào người nấy vui tươi, trang trọng. Nhứt là mấy
đứa con nít ồn ào, náo nhiệt, chúng chạy giỡn quăng pháo loạn xạ vào đám đông.
Khu vực dành cho dân vượt biên tạm ngụ cũng thấy có người bày bàn thờ ra ngoài
sân đủ cả hoa quả nhang đèn, xì xụp cúng vái.
Trong không khí linh thiêng mờ ảo của đèn nhang, tôi thấy cả thời gian không
gian ngưng đọng, thấy cả người sống lẫn người chết sinh hoạt cảm thông, liên hệ
nhau chặt chẽ. Lảng vảng đâu đây có bóng dáng linh thiêng của quỉ thần.
Duyên dịu dàng thì thầm bên tai:
-- Hai vợ chồng mình vừa được thêm một tuổi.
Tôi bước vào ngưỡng cửa. Nàng cũng vừa bồng con đi tới. Tôi ôm chặt cả hai mẹ
con vào lòng. Duyên ngước mắt nhìn tôi không nói năng. Bi đã ngủ ngon, nằm gọn
lỏn trong vòng tay mẹ. Tội nghiệp thằng bé mới có mười mấy tháng đã tập tành
nếm mùi gió sương. Cả bầu trời đầy sao nhưng tôi thấy có hai ngôi sao sáng.
Hình như từ ngày cưới cho tới hôm nay tôi chưa hề có một cử chỉ âu yếm hay nói
một lời yêu đương dịu dàng với nàng. Như những ngày mới gặp nhau, sân trường
Trung học Trịnh Hoài Đức những cây còng bắt đầu thay lá mới, những chiếc lá non
xanh mượt nõn nà. Lúc đó tôi đi dạy đã gần mươi năm, những bài giảng hầu như
thuộc gần hết, trong khi Duyên lại vừa mới ra trường, ngơ ngác như con chim non
mới bắt đầu tập vỗ cánh. Những tưởng cô giáo trẻ phải rụt rè trước một đồng nghiệp
già giặn thâm niên hơn nào ngờ chuyện đời lại trái ngược. Mỗi lần gặp nàng ở
ngoài hành lang hay trên lối đi đến lớp, tôi đâm luống cuống nói năng không đầu
đuôi, tay chưn thừa thải. Khi bình tĩnh lại, tức mình hết sức! Những lần sau
vừa thoáng thấy bóng nàng xa xa, tôi rẽ đi lối khác hoặc làm bộ đang mắc bận
việc nầy việc kia! Đó là cách hay nhứt để sửa chữa khuyết điểm của mình. Nếu
nói năng không khéo léo thì thôi, không nói nữa.
Thò tay mà ngắt ngọn ngò
Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ!
Nhiều khi ngồi nhớ lại cuộc sống vợ chồng, tôi lo lắng chuyện đâu đâu, ít để ý
tới vợ con, cho tới hôm nay hình như chưa nói một câu nào nghe cho được. Tôi
vốn ít nói lại chậm chạp vụng về.
Hồi lâu tiếng súng tiếng pháo đã từ từ thưa thớt, chỉ còn đôi ba tiếng lụp bụp
lẻ tẻ rời rạc. Người đi lại trên đường phố cũng lưa thưa, đêm đen tĩnh mịch trở
lại. Trước hiên nhiều nhà chỉ còn leo lét ngọn nến tàn, những đốm nhang đỏ chập
chờn trong sương khói. Sau giây phút hớn hở hy vọng vui mừng, trong nỗi trống
vắng mênh mông của đêm khuya tỉnh lỵ quạnh hiu, tôi trở về cái tâm trạng hoài
nghi, khoắc khoải, mong chờ. Có thiệt không mùa xuân nầy cuộc đời tôi trở nên
sáng sủa? Có thiệt không những lời xăm linh nghiệm? Có thiệt không chiếc BL
1648 sẽ được phép nhổ neo?
Nằm bên hai mẹ con đã mê man trong giấc ngủ ngon lành. Từ ngày thương nhau cho
đến nay Duyên đã sẵn sàng theo những quyết định của tôi bày ra không một hoài
nghi do dự, đắn đo. Trong mỗi bước đi, mỗi cái nắm tay, mỗi ánh mắt nhìn tôi
thấy lúc nào nàng cũng dịu dàng chấp nhận.
Chàng đi cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam.
Vậy thì, có thiệt đúng là chuyến đi nầy tôi đưa nàng và con tới bến bờ hạnh
phúc? Tôi cảm thấy cái trách nhiệm tinh thần đối với vợ con ngày càng nặng.
Đêm giao thừa xa nhà trôi qua trong giấc ngủ mê man, bằng bặc. Lịnh trung ương
bao giờ?
Võ Kỳ Điền
No comments:
Post a Comment