Sau bao nhiêu năm lưu lạc bốn phương trời vì nạn cộng sản, những người Việt tha hương ai cũng canh cánh trong lòng một mối tình quê tha thiết. Lẽ dĩ nhiên,vì sinh kế, làm việc quần quật quanh năm, chúng ta không có thì giờ nghĩ ngợi nhiều, không phải lúc nào cũng ôm đầu nhớ quê, nhưng tình hoài hương thường đến với chúng ta bất chợt như một ánh chớp, chẳng hạn khi chúng ta vô tình nghe câu nhạc “quê hương tôi có con sông đào xinh xắn” hoặc khi thấy hình một con trâu đang cầy ruộng, một cây gạo hoa nở đỏ rực bên luỹ tre xanh...Lúc đó chúng ta bồi hồi cảm động, lòng như chùng xuống, hình ảnh quê hương hiện về đậm nét trong tâm hồn...
Đi trên đường Van Horne với những hàng cây cao vút, chúng ta có cảm tưởng như đang đi trên đại lộ Phan Đình Phùng của Sài Gòn ngày xưa...
Có những hoàng hôn, nhìn đám mây lơ lửng trên không, nhìn rặng núi biếc xa xa, nhìn khói tỏa mơ hồ trên giòng sông cuồn cuộn,chúng ta mường tượng như đang nhìn những cảnh quen thuộc ở quê nhà. Khi nghe tiếng kêu bi thương của một con chim bạt gió, lạc đàn, ta càng thấm thía hơn nỗi buồn xa xứ...Đó là ý chính trong bài thơ Chiều Nhớ Quê mà anh bạn Trần Cao Thăng* đã đọc cho tôi nghe cách đây mấy tháng:
Mây vàng lơ lửng chốn không trung,
Núi biếc xa xa ảnh chập chùng,
Nắng nhạt đìu hiu chim bạt gió,
Xanh bờ sông lạnh khói mông lung.
Lúc đầu, tôi lấy làm lạ, vì tựa là Chiều Nhớ Quê, mà bài thơ chỉ tả cảnh, không có câu nào nói đến quê hương cả. Phải đọc đi đọc lại mới cảm thông được nỗi lòng của tác giả. Nhưng vẫn còn thắc mắc!Nhớ nhà thì người ta nhắc đến mây Tần, mây Hàng, thí dụ: Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa (Kiều)
Tích Hàn Dũ: lúc bị đi đầy, nhìn mây che ngang núi Tần Lĩnh mà than “Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại”(Mây che ngang núi Tần, nhà ta ở đâu?) hoặc: Hồn còn gửi áng mây Hàng (Kiều)
Tích Địch Nhân Kiệt, nhìn mây trắng trên núi Thái Hàng, than “Ngô thân xá tại kỳ hạ” (Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây đó)
Anh Trần Cao Thăng nhìn mây vàng mà nhớ cố hương,chắc phải có lý do. Hỏi thì được anh đọc cho 2 câu cổ thi: Thiên thượng hoàng vân ảnh, Du tử hà thời quy Hai câu này sao nói y chang tâm trạng của tôi: Bao giờ cộng sản mới sụp đổ để chúng ta được trở về quê hương, khỏi phải sống lưu vong, lang thang nơi đất khách quê người?
Nhân nói về mây, tôi đã lấy sách ra định viết một bài “vơ vẩn... vân vân” như bích vân, thanh vân, hồng vân, bạch vân, tường vân...nhưng chợt nhớ là nội tướng, chị, em của bạn bè mình, rất nhiều vị có khuê danh như vậy, bèn từ từ xếp sách vào tủ, không viết nữa, sợ đụng chạm. Tôi vốn “dĩ hoà vi quý” đành dịch hai câu cổ thi cho vui:
Trên không thoáng bóng mây vàng,
Bao giờ cho kẻ lang thang trở về.
Như đã nói, cái tình quê hương thường bàng bạc, nhẹ nhàng nhưng nó làm chúng ta ray rứt thấm thía nhất trong hai trường hợp: đó là những đêm khuya trằn trọc không ngủ được và lúc xuân về.Ta mơ màng nhớ lại bao nhiêu hình ảnh của quê hương,những kỷ niệm xưa hiện về như một đoạn phím quay chậm.
Dịp Tết năm nay, tôi chưa biết viết gì, nhân được bài thơ của bạn hiền gợi hứng, bèn gửi quý vị một bài thơ 4 đoạn, 3 đoạn đầu nói về xuân dĩ vãng, đoạn cuối là xuân tha hương nơi xứ tuyết:
Xuân Xưa Và Nay
Vừa thoáng hương xuân ngây ngất say,
Mai đào e ấp gió heo may,
Tóc em phơi phới vương trong nắng,
Hoa đùa trên áo lụa em bay.
Thủy tiên vừa nở ngát mùi hương,
Cha mẹ trang nghiêm lễ tổ đường,
Đêm xuân đầm ấm tình sum họp,
Bên ngoài phơ phất bụi mưa vương.
Dập dìu đi hái lộc đầu xuân,
Lòng thấy lâng lâng sạch bụi trần,
Tiếng pháo giao thừa ròn rã nổ,
Chuông chùa văng vẳng nhẹ nhàng ngân.
Quê người xuân đến tuyết mênh mông,
Không có hoa tươi chẳng rượu nồng,
Giao thừa lạnh lẽo trầm hương nhạt,
Hồn gửi mây Tần, em biết không ?
(Bát Sách Nguyễn Thanh Bình Xuân 1997)
BS Trần Cao Thăng làm việc chung với tôi ở Cần Thơ 4 năm, rất rành văn chương Việt Nam và Trung Hoa, viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc. Anh đã qua đời ngày 01 tháng 03 năm 2024.
No comments:
Post a Comment