Mùa xuân năm ấy trận đại hồng thủy ập đến, cuốn chị và người thân ra biển. Lênh đênh. Đói khát. Nhưng rồi họ cũng được cứu vớt. Cập bến Hiệp Chủng Quốc và cuộc đổi đời bắt đầu. Chị làm quen với ngôn ngữ mới, cách sinh sống mới. Mấy anh chị em quây quần, bảo bọc nhau trong lúc cha mẹ, đại gia đình còn ở lại bên kia bán cầu.
Chị đi học, rồi đi làm thêm. Ngày ngày tất bật
vật vã với cơm áo. Đêm đêm thương nhớ gia đình bạn bè giữa những giấc ngủ mệt mỏi.
Năm hết rồi Tết đến, cái Tết xa nhà đầu tiên
đến giữa mùa đông trong thành phố New York. Trí nhớ chập chờn nhưng chị lại nhớ
rất rõ các chi tiết về buổi chiều cuối tuần năm ấy. Không biết làm thế nào mà
ông anh lớn biết tin tức về cộng đồng người Việt tại New York tổ chức mừng Tết tại
một ngôi nhà thờ trên phố Tàu. Mùa đông nên trời sớm tối, mới 5 giờ chiều mà đã
nhá nhem. Tìm được chỗ đậu xe ở thành phố ấy trong ngày cuối tuần là cả một kỳ
công. Đường phố nhớp nhúa, tuyết lẫn với bùn và mảnh lối đi đông đá; không cẩn
thận là ngã chỏng gọng. Mấy anh em, quần áo quấn mấy lớp dày cộm, dắt díu nhau
lần mò đi tìm ngôi nhà thờ. Chị còn nhớ rất rõ cảm giác lạnh cóng của hai bàn
tay ủ trong túi áo lạnh, mấy ngón chân tê buốt trong đôi giày ướt nhẹp sau khi
lội bộ chừng nửa tiếng.
Lần mò mãi rồi cũng đến nơi. Giữa phố xá đông
đúc các cửa tiệm chật chội là ngôi nhà thờ nhỏ. Hội trường nằm dưới tầng hầm của
nhà thờ. Chị nhìn quanh, bao nhiêu cảm xúc ùa về cùng lúc. Tha hương dù không
ngộ… cố tri, gặp toàn người “mới” nhưng chị vẫn mừng chảy nước mắt. Chưa đến một
năm nhưng tưởng như đã lâu lắm rồi chị mới nghe lại thứ tiếng nói ríu rít trầm
bổng ấy! Người già, người trẻ, nam không… thanh, nữ chưa …tú, quần áo còn luộm
thuộm (dân tị nạn, mới chân ướt chân ráo đến nơi tạm dung, còn quay quắt lo nơi
ăn chốn ở, lo tom góp tiền bạc để gửi về quê nhà trợ giúp người thân, của đâu
mà chưng diện?), mặt mũi ai nấy cũng còn hom hem xanh tái nhưng không khí vẫn rộn
ràng, ấm áp.
Buổi lễ mừng Tết năm ấy khá tươm tất, không
biết mượn mõ ở đâu mà ban tổ chức có tấm đại kỳ màu vàng ba sọc đỏ để cúng tế.
Lá cờ khá lớn, che gần hết bức tường. Lư hương đồng đặt giữa hai cây nến đỏ. Bộ
tam sinh đặt trước lá đại kỳ, khói hương nghi ngút. Bàn thờ giản dị nhưng trang
nghiêm. Cạnh bàn thờ là một chiếc độc bình cắm cành mai vàng. Hoa mai giấy nhìn
xa giống in như thật. Không biết nghệ nhân nào khéo tay quá. Góc tường đối diện
treo một tấm băng rôn “Chúc Mừng Năm Mới” viết thảo, bên dưới là hai chiếc bàn
dài để thức ăn nước uống. Hạt dưa, mứt bí, thịt quay và bánh … ú, những món ăn
phổ thông trên phố Tàu. Năm ấy chưa xuất hiện bánh chưng, bánh tét của người Việt
ta.
Những chiếc ghế xếp đặt san sát nhau. Ông già
bà lão có chỗ ngồi, kẻ chậm chân đứng dựa quanh tường. Hôm ấy, có lẽ cả trăm
con người đến tham dự nên hội trường chật kín.
Chị nhớ như in rằng lúc người dẫn chương
trình mời người tham dự đứng dậy chào quốc kỳ và khi quốc ca trổi lên thì chung
quanh chị là những đôi mắt đỏ hoe. Bài quốc ca cũ tưởng chừng như không còn được
nghe nữa thế mà ngày ấy, Tết 1976, tiếng hát vẫn lồng lộng, vang rền. Này
công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi… Hình như người ta hát với tất cả sự
đau đớn, thương tiếc của mình? Hình như người ta hát để gửi gắm nỗi niềm riêng?
Đầu óc chị “chụp” được khá nhiều hình ảnh mà
trí nhớ vẫn còn lưu giữ được đến ngày nay. Hình ảnh người trẻ khuân vác, xếp đặt
bàn ghế để có thêm chỗ ngồi. Hình ảnh người già tóc bạc kính cẩn khom lưng quỳ
gối trước bàn thờ… Và chị thì nước mắt nhòe nhoẹt.
Ông Cha xứ thấp nhỏ người Tàu chúc Tết cộng đồng
người Việt bằng tiếng Anh, và ông ấy cũng bùi ngùi kể chuyện mình. Cũng ăn Tết
xa xứ như mọi người vì gia đình sinh sống ở Đài Loan. Hình như ông ấy là Father
Liu. Cũng người Á Châu nên Cha Liu hiểu ý nghĩa của ngày Tết và hình như cũng
“thấm” được nỗi thương nhớ của người xa xứ trong đêm đông buốt giá?
Sau phần nghi lễ, ban tổ chức mời bà con ăn
tiệc mừng Tết trong khi anh chị em ca sĩ tài tử lên hát giúp vui. Đông như thế
nhưng bà con xếp hàng theo thứ tự. Đói quá nên chị cũng xếp hàng lấy một chiếc
bánh ú đỡ dạ. Buổi chiều vừa từ chỗ làm ra là chị ù té chạy về cho kịp giờ. Mùa
đông âm u tuyết rơi lả tả, trên đường phố xe cộ di chuyển chậm chạp ì ạch, lại
phải đi quanh tìm chỗ đậu xe nên mấy anh em không đủ thời giờ ngừng chân ăn tối.
Chiếc bánh ú từ phố Tàu hình khối tam giác, gói lá chi giống lá tre (?), cũng nếp,
cũng đậu xanh nhưng trộn thêm đậu phụng lẩn nhẩn và một viên mỡ nhỏ xíu. Miệng
nếp chín nhuyễn xoa dịu cơn đói.
Chương trình văn nghệ giúp vui đêm ấy khá
đông đảo ca sĩ dù sân khấu chỉ là một khoảng trống cỡ 20 bộ vuông. Đủ chỗ cho
vài ba người đứng hát và tay đàn guitare. Mở đầu là bài Xuân Đã Về
dồn dập; bà con nhịp chân hát theo rầm rầm. Có người đàn ông gầy gò mặc áo lạnh
dày cộm cất giọng hát Đêm Đông, thế là người người lại nước mắt lưng
tròng. Không biết tác giả bản nhạc ấy lòng có tan nát như người đàn ông gầy gò
trên sân khấu kia không? Đôi mắt nhắm hờ, tay búng dây đàn guitare, hình như nước
mắt ông ấy ứa ra ở khóe… Chị đứng cách “sân khấu” khoảng 3 bộ Anh nên thấy rất
rõ. Không có hình ảnh nào nghệ sĩ hơn như thế? Có ca sĩ hát luôn 3 bài mới chịu
ngừng kể cả … Tôi đưa em sang sông… để chúc ‘xuân’ bà con. Không biết
ông này đang thất tình hay bản nhạc ấy là bài “tủ”? Đặc biệt nhất là chương
trình văn nghệ có cả một bản cải lương. Người phụ nữ tóc dài hát tiếng Nam ngọt
lịm; mỗi lần chị xuống xề là cả hội trường vỗ tay ào ào … Bài hát cuối cùng Việt
Nam, Việt Nam nghe tự vào đời… được mọi người hát theo. Chị không
còn nhớ tên các “ca sĩ”, những người dấn thân lên sân khấu ca hát hôm ấy nhưng
tiếng hát xuất thần của họ theo chị mãi đến bây giờ.
Giữa các tiết mục văn nghệ, thì thào quanh chị
những mẩu chuyện bên lề nho nhỏ về buổi tiệc …Nhà thờ cho mượn chỗ và tặng thêm
ít tiền phụ trả chi phí để những người tị nạn khốn khổ có nơi gặp gỡ và có dịp
mừng Tết như cư dân Tàu tại thành phố New York. Vài mạnh thường quân đã tặng thức
ăn, nước uống… Ai cũng nghèo, cũng trong lúc khó khăn mà vẫn có người rộng rãi
chia sẻ. Nghĩ như thế nên chị lẳng lặng lục giỏ lấy ít tiền rồi cẩn thận gói
vào miếng giấy cho bớt lộ liễu.
Tiệc tàn, người tổ chức đứng lên cám ơn, hẹn
năm sau gặp lại rồi mời bà con mang về những thức ăn, uống còn thừa. Chẳng ai mời
gọi nhưng khách tham dự ùn ùn đóng góp. Có người gấp nhỏ tờ bạc ấn vào tay Cha
xứ. Bị bất ngờ, ông Cha xứ ngỡ ngàng chưa biết phải giải quyết ra sao còn đứng
tần ngần thì người kế tiếp nhanh nhẩu lên tiếng … Xin Cha bỏ vào quỹ của Nhà
thờ… Ban tổ chức đứng tiễn khách cũng bỡ ngỡ không kém. Hội trường không có
“thùng phước sương” nên người muốn đóng góp chẳng biết … bỏ tiền vào đâu cho
kín đáo. Chị cũng đưa món tiền nhỏ trong giấy gói rồi lí nhí… của ít lòng
nhiều, cám ơn quý ông bà anh chị chịu thương chịu khó, gánh vác việc chung.
Mấy chục năm trôi qua bây giờ ngồi nhớ lại,
cuộn phim trong ký ức lần lượt trở về như chiếu lại từng cảnh, từng tiết mục.
Chị tần ngần so sánh chuyện xưa ngày ấy và những buổi tiệc mừng Tết về sau này
rồi tự hỏi. Cũng những cái Tết, cũng những lần họp mặt cộng đồng Việt, sao ngày
ấy khác xa “bây giờ” thế nhỉ? Ngày ấy sao mà đơn sơ, ấm cúng? Thiếu thốn, nghèo
khó như thế mà sao những người tham dự hôm ấy lại lịch sự thong thả? Lạ nhất là
việc đúng giờ. Lễ lạt khai mạc đúng boong như trên tờ giấy in chương trình. Việc
chào đón “quan khách” chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng 10 phút sau khi chào cờ, tế
lễ. Ông Cha xứ chúc Tết đúng 3 phút, ban tổ chức nói vài lời chúc mừng và chỉ
có thế. Hay là ngày ấy người ta kiệm lời? Chẳng mấy ai thích lên sân khấu?
Không có những bài “diễn từ” lê thê và cũng không có cả người đại diện từ chục
hội đoàn lên chúc Tết, cả tiếng đồng hồ cù cưa, sốt ruột, chậm trễ như bây giờ.
Ta khá giả hơn, thong thả sung túc về vật chất hơn nhưng giờ giấc lại kéo dãn
như dây thun trong các buổi tiệc tùng và dường như cộng đồng mình đầy những
nghi lễ thủ tục, quần áo thay đổi mấy lần trong một bữa tiệc vài tiếng!? Cảnh
ăn uống cũng khác, ngày ấy bà con xếp hàng lấy thức ăn, thứ tự chờ đợi. Không
có cảnh ồn ào, tranh giành chỗ ngồi, thức ăn như năm nọ chị đến chơi quận Cam
thấy đám con nít… phá cỗ, giựt quà, xô đẩy nhau lấy phong bao lì xì trong một
buổi họp mặt của cộng đồng.
Nhớ đến mấy cái Tết đầu tiên trên đất mới mà
chị… thèm quá thể, ao ước được sống lại cái không khí giản dị, ấm áp của những
xa xứ tha thiết “ngộ cố tri”, mong được sum họp với đồng hương; được nghe những
bài hát đơn sơ nhưng xuất thần vì ca sĩ hát với cả tấm lòng. Rồi chị lẩn thẩn tự
nhủ mình bây giờ cũng… khác ngày xưa, không biết những người ăn Tết với ‘mình’
năm ấy bây giờ ra sao?… Mấy chục năm rồi còn gì?!
Ôi chao, cái Tết đầu tiên trên đất nước tạm
dung. Cái Tết giữa mùa đông băng giá, cái Tết nhớ đời.
Trần Lý Lê
Tết đầu trên đất mới - TRE Magazine
Anh Phước chuyển
No comments:
Post a Comment