Mỗi gia đình, mỗi cá nhân đều có
niềm vui nỗi khổ riêng mà không gia đình nào giống gia đình nào, không cá nhân
nào giống cá nhân nào.
Niềm vui hay nỗi buồn, hạnh phúc
hay đau khổ không có đơn vị đo lường thì người ngoài làm sao biết được nó to
hay nhỏ, nó nặng hay nhẹ? Chỉ riêng những người trong cuộc mới thấu hiểu, mới cảm
nhận, mới thấm thía mà thôi. Bạn đồng ý chứ?
Bạn đừng thấy một người luôn cười
nói huyên thiên ngoài mặt mà cho rằng họ đang hạnh phúc. Nhiều khi bạn lầm
đấy nhé!
Bạn cũng đừng thấy một người
đang vật vã khóc than mà cho rằng họ đang đau khổ. Chưa chắc đúng đâu bạn
ạ!
Nếu đúng tất cả thì người xưa đã
chẳng cần phải thốt: “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười”.
Cái quan trọng trong sự vui
mừng hay đau khổ đó là người trong cuộc có thể tự “control” được hay
không (người viết tạm dịch là tự chế ngự, tự kiềm chế) và phương cách,
thái độ đối phó với những cảm xúc vui buồn đó như thế nào mà thôi. Chúng ta cần
phải chấp nhận sự việc đã xảy ra, cũng cần có thái độ lạc quan và lòng vị tha để
giải quyết vấn đề thì tinh thần mới an lạc được. Đúng không bạn?
Xin được chúc phúc cho những ông
bà cụ vẫn còn được sống chung với con cái và được phụng dưỡng cho đến ngày quy
tiên.
Riêng vợ chồng người viết thì
cũng đã chuẩn bị tinh thần để có thể thích ứng được với đời sống tuổi hạc của
mình nơi viện dưỡng lão mai sau rồi.
Trong hiện tại cứ hãy vui lên mà
sống, còn viết văn làm thơ được thì cứ làm thơ viết văn, còn cắt cỏ làm vườn được
thì cứ làm vườn cắt cỏ coi như mình đang tập thể dục cho khỏe người, còn đi “tiếu
ngạo giang hồ” được thì cứ đi ta bà thế giới cho vui, kẻo mai kia chân giò yếu
đuối, bệnh hoạn liên miên không đi đâu được nữa thì hối tiếc nhé. Smile!
Chúng tôi vẫn thường bàn với nhau
“nhà ta, ta ở” cho đến khi nào già quá không thể tự chăm sóc cho mình được thì
vào viện dưỡng lão ở vì đó là giải pháp tất yếu của hầu hết chúng ta. Kẻ
trước người sau rồi cũng phải vào đó hết để chờ ngày đi đoàn tụ với ông bà, chạy
đâu cho khỏi.
Chúng tôi cũng thường bàn
nhau với bạn bè là có nên về ở chung với con cái hay không thì đa số cũng có
cùng một ý kiến rất “cấp tiến” với tôi là “nhà ta, ta ở” vẫn hơn.
Xin mời bạn đọc cùng đọc với người
viết đoạn văn như sau được người viết sưu tầm trên internet coi có đúng không
nhé.
Nhà ta ta ở
Người viết nói vòng vo tam quốc
đã đời ở trên rồi chắc bạn cũng đã suy nghĩ và đã có ý kiến “Già Rồi Tôi Ở
Với Ai” rồi chứ nhỉ? Hy vọng bạn sẽ chọn lựa đúng nhé.
Chúng ta sẽ chào mừng Năm Mới
sắp đến. Hy vọng những bậc cha mẹ đang ở nhà riêng hay đang ở viện dưỡng lão sẽ
được con cháu đón về nhà sum họp gia đình vui vẻ bên nhau hay ít nhất con
cháu hãy đến thăm cha mẹ già đang sống cô đơn nơi viện dưỡng lão
nhé. Mong lắm thay!
Hy vọng những người con có cha mẹ
già đang ở viện dưỡng lão đọc và suy nghĩ về cảm nghĩ của nhà văn Huy Phương dưới
đây:
“Cứ vào “Pet-Abuse.com” chúng ta sẽ tìm thấy hàng nghìn trường hợp công
dân Mỹ, già và trẻ, đàn ông lẫn đàn bà bị tù tội, phạt tiền vì bạc đãi, bỏ đói,
đánh đập hoặc giết những con vật thân yêu trong nhà. Bỏ quên một bà mẹ già
trong nhà dưỡng lão nhiều năm có phải là một trường hợp ngược đãi không? Chẳng
lẽ là không? Vì nếu có, luật pháp đã bắt đứa con phải phạt vạ hay vào nhà tù”.
Người viết may mắn được ông Trời phú cho tinh thần lạc quan trong đời sống nên không thích đọc những chuyện rùng rợn ma quái hay đọc những câu chuyện buồn tiêu cực với kết luận không hậu như nhiều tác giả khác thường viết. Cuộc đời đã khổ rồi như nhà Phật thường nói nên chúng ta cần có những suy nghĩ, quan niệm sống lạc quan, yêu đời một tí cho đời sống thêm vui.
Hôm nay, tôi nhận được bài viết đầy tính cách lạc quan dưới đây, đã gợi ý cho tôi viết bài tâm tình này, giúp cho quý bạn cao niên sống vui sống khỏe, nên xin được chia sẻ cùng quý bạn hữu đọc cho vui nhé. Cảm ơn anh NTL và anh NTP rất nhiều.
Bỏ thói quen không hay, tận hưởng niềm vui tuổi xế chiều
Mai Lâm
Khi đã có tuổi, không còn làm việc,
quỹ thời gian bao la, bất tận. Rảnh rỗi, ta thường hay nghĩ ngợi lung tung, suy
luận tùm lum, riết rồi thành ra “nghĩ quẩn.”
Tâm lý học chứng minh cho thấy bằng
cách buông bỏ những suy nghĩ bất lợi, những hận thù, để tâm hồn thoải mái, tâm
trí nhẹ nhàng, ta sẽ dễ dàng tận hưởng niềm vui ở tuổi xế chiều mà ta xứng đáng
được hưởng.
Ta có thể đạt được điều đó nếu có
thể rũ bỏ một số thói quen này:
- Không tha thứ
Một đứa cháu quên chào ở bữa họp
mặt, người khác làm mất quyển sách quý mượn của ta, một đồng nghiệp cũ nói những
điều không đúng về ta,… Có nhiều lý do khiến ta cảm thấy buồn và khó chịu trong
cuộc sống. Nhưng bằng cách tha thứ, ta có được sự bình yên giá trị hơn rất nhiều.
Từ chối tha thứ là một thói quen
có thể giam cầm chúng ta trong sự hận thù theo đúng nghĩa đen.Tha thứ thực
ra không phải là về người đã làm hại chúng ta, mà là cho
chính chúng ta. Đó là món quà chúng ta tặng cho chính mình để giải
thoát khỏi gánh nặng oán giận. Đó là về việc chọn sự bình yên thay vì nỗi
đau. Khi trải qua cuộc đời, người già sẽ nhận ra rằng việc ôm giữ
mối hận thù không có ích gì. Thay vào đó, nó cướp đi niềm vui và sự thanh thản,
và thường thì những thói quen ôm hận này cần phải được loại bỏ trước tiên khi
chúng ta già đi.
- Khơi lại vết thương cũ
Một trong những thói quen phổ biến
nhất khiến chúng ta không thể buông bỏ mối hận thù là liên tục khơi dậy những vết
thương cũ, điều thường làm một cách vô thức. Tuy nhiên, đó là thói quen có
thể khiến chúng ta mắc kẹt trong vòng oán giận và cay đắng.
Khi chúng ta cứ nhớ lại những tổn
thương trong quá khứ, nó giống như chúng ta đang sống lại nỗi đau đó
nhiều lần. Điều này không chỉ khiến mối hận thù tồn tại mà còn có thể khuếch đại
cảm giác tổn thương và oán giận. Cứ như ta cố cạy một vết thương sắp
“ăn da non” và ngăn cản nó lành lại.
- Tự cho mình là nạn nhân
Một thói quen khác có thể khiến
chúng ta bị ràng buộc bởi mối hận thù là giữ tâm lý nạn nhân. Khi coi mình là nạn
nhân, ta thường cảm thấy bất lực và mắc kẹt trong những tổn thương trong quá khứ.
Điều này có thể khiến việc buông bỏ mối hận thù trở nên cực kỳ khó khăn.
Tâm lý nạn nhân là một cơ chế
phòng thủ cho phép chúng ta tránh phải chịu trách nhiệm về cảm xúc và hành động
của mình. Đổ lỗi cho người khác về nỗi đau của chúng ta sẽ dễ dàng hơn là thừa
nhận vai trò của chúng ta trong tình huống đó hoặc thực hiện các bước để chữa
lành. Tuy nhiên, giữ tâm lý nạn nhân chỉ kéo dài sự đau khổ của chúng ta.
Nó khiến chúng ta bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn tiêu cực và ngăn cản
chúng ta tiến về phía trước.
Để thoát khỏi chu kỳ này, chúng
ta cần thay đổi quan điểm của mình. Thay vì coi mình là nạn nhân, chúng ta có
thể chọn xem mình là người sống sót, thừa nhận nỗi đau của mình nhưng vẫn nhận
ra sức mạnh và khả năng phục hồi của mình.
- Sống trong tiêu cực
Sống trong sự tiêu cực là một
thói quen nuôi dưỡng mối hận thù. Khi liên tục tập trung vào những khía cạnh
tiêu cực trong cuộc sống hoặc những điều sai trái mà chúng ta đã phạm phải, ta
sẽ khuếch đại cảm giác oán giận và tức giận. Sự tiêu cực có thể che mờ khả
năng phán đoán và ngăn chúng ta nhìn thấy bức tranh toàn cảnh hơn. Nó có thể
khiến ta cảm thấy mắc kẹt trong những tổn thương của quá khứ và ngăn cản ta tiến
về phía trước.
Cứ tập trung vào những khía cạnh
tích cực trong cuộc sống của mình. Điều này không có nghĩa là bỏ qua các vấn đề
trong cuộc sống, mà đúng hơn là đánh giá cao điều tích cực và chọn tìm kiếm các
giải pháp thay vì tập trung vào những vấn đề.
- Không quan tâm đến sức khỏe tinh
thần
Bỏ bê sức khỏe cảm xúc của bạn có
thể duy trì thói quen giữ mối hận thù. Sức khỏe cảm xúc đóng một vai trò quan
trọng trong cách chúng ta nhận thức và phản ứng với thế giới xung quanh. Khi sức
khỏe cảm xúc bị tổn hại, chúng ta có nhiều khả năng giữ mối hận thù hơn.
- Bỏ qua sự phát triển cá nhân
Phớt lờ sự phát triển cá nhân là một thói quen khác có
thể khiến chúng ta mắc kẹt trong mối hận thù. Khi chúng ta già đi, quan điểm của
chúng ta sẽ phát triển và chúng ta cũng vậy. Tuy nhiên, nếu chúng ta bỏ qua quá
trình phát triển cá nhân tự nhiên này, tiếp tục giữ niềm tin và thái độ như cũ,
rất khó có thể khó buông bỏ mối hận thù.
Sự phát triển cá nhân bao gồm việc
nhận ra và chấp nhận sai lầm, học hỏi từ đó và phấn đấu trở thành phiên bản tốt
hơn của chính mình. Quá trình này có thể mang lại sự giải phóng đáng kinh ngạc
và có thể giúp chúng ta buông bỏ những tổn thương trong quá khứ.
Năm cũ đã qua, hãy tống cựu
nghinh tân. Tống khứ những gánh nặng cản trở sự bình an nội tâm, và nghinh đón
ngọn gió trong lành mới, luồng năng lượng tích cực vào tận trong sâu thẳm của
tâm hồn và trí não.
Mai Lâm
(theo Hack Spirit)
(https://saigonnhonews.com/mindfulness/bo-thoi-quen-khong-hay-tan-huong-niem-vui-tuoi-xe-chieu/)
Mời Xem Youtube Thư Pháp Chữ Ngộ- Sương Lam thực
hiện cho vui nhé.
https://www.youtube.com/watch?v=YuU6EmIkv6s
Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống
vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Người giữ vườn Một Cõi
Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 745-ORTB 1176-1- 15- 25
Website:
www.suonglamportland.wordpress.com
Cám ơn chị Sương Lam. Lời khuyên rất chí lý nhưng trời sinh em ra với bản tính là “người em sầu mộng” nên thường hay bi quan chị ơi.
ReplyDeleteThương chúc anh chị năm mới Ất Tỵ vạn sự an lành, may mắn tốt đẹp như ý.
Tk