Chuyện tình mùa nào cũng đẹp vì nó bắt nguồn từ rung động trong
con tim; người ta bắt đầu đầu tư vào một việc lớn-hệ trọng cả cuộc đời-nhưng lại
bất vụ lợi nên lời nhất đời một chuyến đầu tư... Đơn giản là người ta đến với
tình yêu bằng ý nghĩ cho đi chứ không phải nhận lại nên giao hảo chóng thân;
lòng tin và hạnh phúc chóng đến hơn bất cứ một đầu tư nào trong đời người. Đặc
biệt là những chuyện tình diễn ra trong mùa xuân càng đẹp vì nó giao hòa với sự
đẹp đẽ của mùa xuân. Khi con người hoà hợp với nhau đã đẹp; con người và thiên
nhiên hoà quyện với nhau thì đẹp biết dường nào. Mùa xuân như tuổi trẻ; mùa
xuân và tình yêu. Mùa xuân-tình yêu-tuổi trẻ cùng chan hoà nhạc khúc uyên ương
thì thấy một lần, đọc một lần, nghe một lần... sẽ nhớ mãi để kể nhau nghe khi
mùa xuân về.
Khi còn nhỏ lắm, tôi đã đọc được một truyện... có thể gọi là ngụ ngôn vì tới lớn
tôi mới hiểu. Câu chuyện dù tôi không còn nhớ tác giả nhưng cốt chuyện như đã
khắc vào lòng mình với những bâng khuâng khi mới lớn - tới lúc trưởng thành...
và tới về hưu càng thấm thía.
Chuyện kể anh thanh niên nọ phải lòng một thiếu nữ trang lứa. Anh tương tư cô
nàng đến hết chịu nổi nên bạo gan mở lời mời nàng đi uống cà phê. (Tôi đọc đến
đây với tất cả hồi hộp của tuổi trẻ khát khao hạnh phúc; niềm mơ ước được yêu
và được thương... Tôi cầu nguyện cho anh đừng thất vọng vì tôi không tin mình
chịu nổi lời từ chối, đâu!)Và mùa xuân đã nghe tiếng kinh cầu của tôi nên thoả
nguyện cho nhân vật và người đọc. Đôi tình nhân mới mẻ mà tôi tưởng là tôi đã
đưa nhau đi uống cà phê, tôi đọc và hình dung (tưởng tượng) ra con đường Tự Do
có lá me bay vào những ngày giáp tết; một tí se lạnh cuối năm làm duyên dáng
thêm cánh áo len mỏng thôi nhưng trang nhã của người thiếu nữ lịch thiệp về
trang phục; một động tác lịch lãm của anh chàng nhát gan cũng không có... anh
ta nín thinh, đi bên nàng... Tôi giận cái anh chàng này dữ lắm!
Cuối cùng họ cũng đến quán cà phê do tôi chọn. Anh chàng mang con tim chưa yêu
lần nào nên hơi bối rối. Nhưng cũng nhớ chút chuyện kể của đàn anh, bạn bè để
làm màu. Anh ta gọi cho mình một ly cà phê đen - để thấy khác với ly sữa trắng
tươi ở nhà mà ngày nào mẹ cũng bắt uống trước khi đi học. Đến khi quýnh quáng,
anh ta đã trút vô ly cà phê của mình là hũ muối chứ không phải hũ đường!
Cô gái trong mơ ngồi đối diện, hỏi: "Ơ, sao anh lại uống cà phê với muối?"
Anh ấy hay tôi gì đó đã trả lời rất... nam nhi! "Anh thích uống cà phê với
muối!"
Tiếc là anh ấy thuộc thế hệ những nhà báo, nhà văn, nhà thơ... đóng đô trên đường
Tự Do xa xưa. Ông cụ đã qua đời vào mùa xuân vĩnh hằng với tuyệt thư để lại cho
hiền nội như sau: "Em yêu! Anh không có lời nào để nói với em hơn những từ
cũ xưa nhưng rất thực là anh yêu em thiết tha. Anh mang ơn em lên trời hay xuống
đất theo số phần của anh thì cũng nhất định yêu em bằng lòng thành và lòng biết
ơn của một con người. Nếu có điều gì cần nói thêm với em nữa thì anh xin nói với
em là anh chưa bao giờ thích uống cà phê với muối. Vì thế anh mang ơn em mỗi
sáng một ly cà phê muối trong suốt những ngày anh ở trọ trần gian. Yêu em mãi
mãi..."
Xin lỗi các bạn, tôi đã nói từ đầu là tôi không nhớ tác giả nên tôi cũng không
nhớ chính xác lời lẽ của tiền nhân. Tôi chỉ cảm nhận được tình yêu mặn-đắng
trong câu chuyện đến ứa nước mắt mà ghen tỵ với hạnh phúc của tha nhân. Tôi nhớ
họ khi xuân về như nhớ hiền nội của mình lần đầu mua cho "ảnh" cái
kính Rayban. Tôi đeo thử vào một sáng mùa xuân xa lắc ở quê nhà, trong nắng sớm
và cô hàng cà phê tươi như xuân mới, tôi đã trách cô hàng: "Sao tôi mua cà
phê đen mà cô đem cho tôi cà phê sữa?"
Hai cô gái cùng cười khi tôi tháo kính ra thì đúng là cà phê đen! Cà phê Rayban
khơi nguồn sáng tạo... không biết tiền nhân uống cà phê với muối cả đời có viết
lách gì không?
Rồi lại có những chuyện tình mùa xuân mà đọc qua một lần sẽ không thể nào quên.
Nếu có quên thì cũng chỉ do hạn chế trí nhớ của chính mình về tác giả và tác phẩm...
Có ông già H.O nọ, một hôm ông đọc báo trong nước và thấy tin đưa về hoàn cảnh
khó khăn của một gia đình ngư phủ ngoài miền Trung. Người cha (chồng) đã sinh
nghề tử nghiệp là chết ngoài biển. Để lại một vợ hai con. Cháu gái là con lớn
đã học xong cấp 2, nghĩa là tốt nghiệp lớp 9, với thành tích học sinh giỏi cấp
quận. Niềm mơ ước của cháu là được học hết cấp 3, nghĩa là học hết lớp 12.
Nhưng gia cảnh khó khăn nên phải nghỉ học để phụ mẹ lo đời sống gia đình. Niền
hy vọng của mẹ và (chị Hai) đặt vào cậu em trai nhỏ bé sau này sẽ có chữ
nghĩa...
Ông già H.O nọ đã liên lạc với địa chỉ mà nhà báo trong nước kêu gọi giúp đỡ
cháu gái để khỏi uổng phí sức học xuất sắc của cháu. Rất tiếc nhà cầm quyền Việt
nam [...] không có thời giờ đọc báo. Ông già H.O ăn trợ cấp xã hội ở California
đã "âm thầm bại trận" là giúp cháu gái hoàn thành tâm nguyện học hết
lớp 12 của cháu. Ông khuyên cháu nên học tiếp đi, cháu có sức học thì ông sẽ cố
gắng giúp cháu.
Cuối cùng cô bé ngoan và chăm học ấy đã tốt nghiệp bác sĩ ở trong nước. Niềm mơ
ước được gặp mặt người ơn để nói một lời cảm ơn là tâm nguyện của cô sau khi đã
là bác sĩ.
Bạn hãy nhắm mắt lại để tưởng tượng ra người bác sĩ trẻ lặn lội từ miền Trung
xa xôi nhưng rất gần vì đó là quê nhà. Khi cô bước vào căn phòng chính phủ tồi
tàn của người ơn bên Cali là một ông già ngồi trên xe lăn-đơn độc-đôi vai gầy
và đôi mắt sâu... vì tất cả tiền già đã dành dụm để gởi về quê xa cho một con
bé hiếu học mà ông chưa từng quen biết! Trái tim người lính già và tình yêu quê
hương trong mùa xuân Cali vĩnh hằng từ đó tới thiên thu...
Tôi kể tiếp bạn nghe một chuyện tình mùa xuân vui hơn, mà tôi tin là bạn sẽ
giang tay với mùa xuân vô tận và tình người.
Chuyện này thì tôi nhớ tác giả vì tên ông (bà) khá lạ. Đó là ông (bà) Không Đức.
Đã bảo là Không nên tôi nhớ, tại tôi là cháu ông lính già nọ; cái không bắt thì
làm... Câu chuyện tình của lính thời đệ nhị thế chiến mà sao đọc lên như mới
hôm qua; thậm chí của ngày mai - tình yêu muôn đời vẫn cứ đẹp như mùa xuân vạn
dã. Giọt nước mắt hạnh phúc nhỏ xuống trang báo xuân sẽ khởi nguồn một năm nhân
ái bạn nhé!
"Mùa xuân năm 1944 vừa mới đến.
Thiếu úy John Blanchart đứng hồi hộp ở Grand Central, ga tàu hoả trung tâm của
thành phố New Work. Anh chăm chú quan sát xung quanh, không hồi hộp sao được
khi chính ngày hôm nay anh sẽ được gặp Hallis Meinel.
Câu chuyện của hai người bắt đầu cách đây 13 tháng. Hôm đó John lật xem một tập
thơ trong thư viện. Điều ngạc nhiên và thích thú cho anh không phải là những
bài thơ mà là những dòng chữ ghi bên lề trái của cuốn sách. Nét chữ mềm mại và
nội dung của những đoạn văn cho thấy chủ nhân của nó là một tâm hồn rất thơ mộng
và lãng mạn. John tìm xem trong danh sách độc giả và được biết người cuối cùng
mượn cuốn sách đó là Hallis Meinel, cô cũng đang sống ở New Work. Thế là anh
quyết định viết thơ cho cô.
Nhưng ngày hôm sau, anh được lệnh chuyển quân sang châu Âu. Tham gia chiến dịch
đổ quân Hoa Kỳ lên bờ biển Normandi, (nơi bắt đầu mặt trận phía tây trong chiến
tranh thế giới lần thứ II). Anh phải ở lại châu Âu gần 13 tháng. Trong suốt thời
gian đó, anh trao đổi thư từ với Hallis. Ngay từ lá thơ đầu tiên đã làm cho họ
rất hiểu nhau và nảy sinh một tình cảm quyến luyến giữa hai người. Vài tháng
sau, John muốn xin Hallis gởi cho anh một tấm hình của cô, nhưng cô từ chối. “Nếu
anh thật sự có cảm tình với em thì hình thức bên ngoài đâu có quan trọng gì với
anh phải không?” Hallis đã trả lời như vậy!
Cứ mỗi bức thư mới lại đem đến cho họ những niềm vui, những điều mới mẻ và làm
cho mối quan hệ của họ ngày càng trở nên sâu đậm, mặn nồng. Dòng thời gian cứ
êm trôi liên tục tháng này qua tháng khác với những cánh thư đi về đều đặn.
Trong lá thư cuối cùng của John cách đây không lâu, John báo tin cho Hallis,
“Tôi rất muốn chúng ta sẽ gặp nhau tại nhà ga Grand Central vào lúc 19 giờ, tôi
sẽ cầm trong tay một cuốn sách.” Hallis trả lời, “Em sẽ cài một bông hồng trên
ve áo”.
Những ngày chờ đợi nặng nề trôi qua, cuối cùng, ngày hẹn ước đã đến. John sẽ được
gặp cô gái của lòng mình. Hallis với trái tim sôi nổi yêu đương, tâm hồn thơ mộng
lãng mạn mà anh chưa hề biết mặt.
Bỗng nhiên đôi mắt của anh bị thu hút bởi dáng vóc và thân hình đẹp gần như
toàn diện, đi ngược lại phía anh một cô gái dong dỏng cao với những bước đi đẹp,
đầy tự tin, mái tóc vàng óng phủ xuống bờ vai, đôi mắt xanh nước biển long
lanh, đôi môi đỏ không cần tô son, nụ cười đáng yêu nhưng đầy bí hiểm. Anh gần
như bị thôi miên và đôi mắt dán chặt lên ve áo cô gái. Không có bông hồng nào cả.
John thở dài…
Phía sau cô gái khoảng 6 mét là một phụ nữ trạc tứ tuần, tóc đã chớm bạc, chải
lật sang một bên, chiến mũi to nổi lên trên gương mặt hơi dài, đôi mắt nâu đẹp
rất hiền. Cặp chân to trên đôi giày cao su to. Chiếc túi xách màu nâu cũ kỹ đeo
trên vai. Đôi mắt lơ đãng của John dừng lại trên ve áo người phụ nữ. Một bông hồng
đỏ chói, một nụ cười thân thiện…
John như nghẹt thở, chẳng lẽ đây chính là Hallis ư? Anh choáng váng trong giây
lát. Bỗng nhiên anh bừng tỉnh và luống cuống không biết phải làm gì! Đi theo cô
gái mắt xanh tuyệt đẹp và chưa hề quen biết kia hay là đến với người phụ nữ mà
anh đã gắn bó 13 tháng qua dù chỉ là thư từ. Những ý nghĩ lướt qua rất nhanh,
“Không! Nếu không trở thành một mối tình đẹp nhất trên đời thì ít nhất cũng là
một tình bạn chân thành đẹp đẽ. Qua 14 tháng mình đã biết rõ tâm hồn và cả tấm
lòng của Hallis…”
Mạnh mẽ và quả quyết, John bước đến trước mặt người phụ nữ, “Xin chào chị, chị
là Hallis Meinel phải không? Tôi là John Blanchart. Tôi rất vui được gặp chị,
và bây giờ xin mời chị đi ăn chiều.”
Người phụ nữ nhìn anh với dáng vẻ rất tò mò như nhìn một vật kỳ lạ. “Tôi không
biết mọi chuyện ra sao cả, nhưng cái cô gái tóc vàng dong dỏng cao kia đã cài
bông hồng này vào ve áo tôi và có nhờ rằng, nếu ai có hỏi phải là Hallis không,
và có nhã ý mời tôi đi ăn chiều thì tôi sẽ có nhiệm vụ bảo với anh ta Hallis
đang đợi trong góc quán đằng kia kìa! Và cô rất vui đã không nhầm về người bạn
trai của mình. Vẻ đẹp tâm hồn đã thắng được vẻ đẹp hình thức.
Phỏng dịch theo Jan Smith, trích từ lần đó ở nước Mỹ"
Những chuyện tình mùa xuân có duyên khởi từ trang đầu đến qua trang cuối. Nhưng
báo xuân có chừng đó trang thôi nên hẹn bạn xuân sau. Xuân này đọc vài trang chắc
cũng đủ yêu đời và yêu người nguyên năm mới.
May mắn.
PHAN
No comments:
Post a Comment